(Chuyện kể từ một nhà báo và
tác giả nổi tiếng quốc tế : Oriana Fallaci).
<!->
Oriana Fallaci (1929 – 2006)
Oriana Fallaci sinh trưởng
tại thành phố Florence nước Ý Đại Lợi. Bà là một nhà báo nổi danh quốc tế.
Trong suốt mấy chục năm lăn lộn trong ngành báo chí, Oriana đã phỏng vấn rất
nhiều nhân vật có danh tiếng trên thế giới và gây được tiếng vang trong dư luận
khắp nơi. Điển hình như các nhân vật sau đây : Giáo chủ Ayatollah Khomeini, Đức
Dalai Lama, Lành tụ Đặng Tiểu Bình, Tiến sĩ Henry Kissinger, Lãnh tụ Yasir
Arafat, Nữ Thủ tướng Ấn độ Indira Gandhi, Bà Thủ tướng Do Thái Golda Meir v.v…
Bà còn viết nhiều cuốn sách
được rất nhiều độc giả ưa chuộng tìm đọc, cụ thể như cuốn “Nothing, and so be
it ” viết chủ yếu về chuyện chiến tranh ở Việt nam hồi cuối thập niên 1960. Và
nhất là trong mấy cuốn xuất bản gần đây sau cuộc khủng bố 11 tháng Chín năm
2001, như : “The Pride and the Rage ”, “ The Force of Reason “, bà đã thẳng
thắn phê bình chê trách số di dân người Ả rập và Hồi giáo đã gây khó khăn cho
nước Ý, cũng như cho toàn thể Âu châu. Mấy cuốn sách này đã gây ra một cuộc
tranh luận gay go, sôi nổi giữa bên bênh và bên chống đối với lập trường cứng
rắn dứt khoát của bà. Một số tổ chức của người Hồi giáo còn đâm đơn kiện bà ra
tòa về tôi phỉ báng và kỳ thị đối với người theo đạo Hồi.
Chuyện quan hệ giữa người di
dân Hồi giáo với người Âu châu rất phúc tạp, đến nỗi mà vừa mới đây vị Thủ
tướng nước Pháp Francois Fillon đã phải lên tiếng với lời lẽ rất cương quyết
đanh thép, để nhắc nhủ người di dân Hồi giáo như sau : “ Những người di dân
không phải là gốc Pháp, thì phải thích nghi (với xã hội Pháp) “ (nguyên văn
tiếng Pháp : “ Les immigrants, non francais, doivent s'adapter “).
Về chuyện liên quan tới Việt
nam vào thời chiến tranh trước năm 1975, ta có thể ghi lại vài mẩu chuyện như
sau đây :
a)
Trong cuốn
“Nothing, and so be it”, tác giả có kể lại cuộc phỏng vấn một cán binh trong
nhóm “đặc công” cộng sản, mà chuyên đặt mìn phá hoại và sát hại tại các địa
điểm quân sự cũng như dân sự ở Saigon vào các năm 1964-66, rồi bị cơ quan an
ninh của chánh quyền Việt nam bắt giữ. Anh này khai tên là Nguyễn Văn Hai,
người miền Nam. Nhưng anh ta rất gan dạ, nhất quyết không chịu khai báo một chi
tiết nào về các vụ đặt mìn của mình. Cuối cùng, cơ quan điều tra phải cử một sĩ
quan rất có kinh nghiệm để tiến hành việc thẩm vấn nghi can Hai này. Điều tra
viên này lập kế, khêu gợi “ bản lãnh anh hùng” của nghi can, bằng cách dụ dỗ
anh ta như sau : “ Chúng tôi đã thâu thập được đày đủ bằng chứng do chính các
đồng đội của anh mà cũng bị bắt sau anh, thì họ đều xác nhận anh là kẻ chủ mưu
chính yếu trong mấy vụ đặt mìn này. Chúng tôi cần lời khai của anh để anh có
dịp xác nhận cái hành động anh hùng dũng cảm của anh trong khi theo đuổi lý
tưởng cách mạng giải phóng dân tộc. Như vậy, nếu mà anh có bị tòa án xử thế nào
đi nữa, thì mọi người cũng sẽ biết được cái nghĩa khí anh hùng của anh. Và tổ
chức Mặt trận Giải phóng sẽ vinh danh con người “dũng sĩ cách mạng” của anh.
Ngược lại, nếu mà anh cứ nhất định không chịu khai báo gì cả, thì rồi anh cũng
sẽ bị sát hại như “một kẻ vô danh bị tai nạn xe cán tại một xó xỉnh nào đó” mà
thôi…” Nghe vậy, rốt cuộc nghi can Hai đã khai báo mọi chi tiết về hoạt động
đặt mìn phá hoại của mình. Và cơ quan điều tra đã có thể kết thúc hồ sơ để truy
tố đương sự ra trước tòa án quân sự mặt trận.
Khi
Oriana được cho tiếp súc với nghi can để tiến hành việc phỏng vấn này, thì cuộc
điều tra đã hoàn tất. Nên nhà báo muốn khai thác nhiều chi tiết về đời sống
riêng tư của người đặc công gan dạ này. Tác giả đã ghi lại khá nhiều chi tiết
về sở thích cá nhân, về gia cảnh … của đương sự. Và có chi tiết này rất đáng
chú ý, đó là cuối cùng đặc công Nguyễn Văn Hai tâm sự với nhà báo rằng : “ Tôi
thật ân hận là vẫn còn ham chuộng cái danh vọng hão huyền, để cho mình được ca
tụng như là một “người anh hùng”, nên
mới khai báo chi tiết về hành động của mình khiến cho các đồng chí bị liên lụy
và bị bắt giữ, làm cho tổ chức bị tan rã. Thật là chuyện đáng hối tiếc lắm lắm
vậy đó…!”
b)
Cuối năm 1968,
Oriana ra Hanoi và có dịp phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó còn giữ chức vụ
Bộ trưởng Quốc phòng. Khi về lại Saigon, Oriana có kể lại chi tiết cuộc phỏng
vấn này với Luật sư Trần Văn Tuyên vốn hồi trước năm 1945 là bạn bè gần gũi
thân thiết với ông Giáp. Tôi được Luật sư Tuyên thuật lại cho nghe về câu
chuyện phỏng vấn này, đại ý như sau : “ Oriana mô tả Tướng Giáp tiếp bà tại văn
phòng Bộ trưởng với một căn phòng rộng mênh mông (une salle immense), và ông
Giáp người thấp lùn với dáng điệu, kiểu cách giống hệt như là Tướng Napoleon
ngày xưa của Pháp ấy. Khi được hỏi về chiến dịch Tết Mậu Thân ở miền Nam, thì
tướng Giáp coi bộ “sửng sốt, mất bình tĩnh” ( il s'énerve), ông đứng dậy đi đi,
lại lại trong phòng coi bộ suy nghĩ đăm chiêu lắm, và rồi cuối cùng thì ông
Giáp “đổ hết tội cho Phạm Hùng là người chỉ huy Trung Ương Cục Miền Nam lúc đó
(incriminer) đã gây ra những sự tổn thất nặng nề trong chiến dịch này…” Chuyện
Tết Mậu Thân năm 1968 này cho đến nay vào năm 2010, thì vẫn còn là một bí hiểm,
vì dù đã sau 42 năm, chưa có bất kỳ một tài liệu chính thức nào tại cấp lãnh
đạo chóp bu ở Hanoi mà được đưa ra công khai công bố cho công chúng cả.
c)
Về một số nhân
vật khác mà Oriana có dịp gặp gỡ trao đổi, thì bà cũng thuật lại với lời lẽ rất
thẳng thắn, chẳng hề dè dặt e ngại gì cả. Điển hình như chuyện bà mô tả cảnh
Tướng Nguyễn Ngọc Loan lúc nằm tại bệnh viện sau lúc bị bắn trọng thương trong
vụ chỉ huy phản công chống lại quân cộng sản
xâm nhập đợt hai vào Saigon hồi tháng 5 năm 1968, thì ông tỏ ra là con
người chẳng còn một chút dũng khí gì cuả một ông Tướng chỉ huy ngành cảnh sát
quốc gia đày quyền uy và rất là năng nổ trước đó. Tác giả cũng kể lại cuộc gặp
gỡ với ông Nguyễn Ngọc Linh với lời lẽ không mấy thiện cảm, đại khái như là ăn
diện rất trau chuốt kiểu cách, nói tiếng Anh cũng như tiếng Pháp đều rất trôi
chảy, nhưng mà lại xa rời quần chúng v.v... Nói chung, thì cũng như nhiều ký
giả quốc tế vào hồi đầu thập niên 1970, Oriana không có mấy thiện cảm với các
nhân vật lãnh đạo của chế độ Việt nam Cộng hòa, trái lại họ có vẻ nghiêng về
phía Việt cộng, mà họ cho là có lý tưởng, có chính nghĩa hơn.
d)
Nhưng sau 1975, thì Oriana cũng như nhiều nhà
báo thượng thặng khác như Jean Lacouture của Pháp lại có cơ hội tìm hiểu rõ nét
hơn về thực chất của chế độ cộng sản Việt nam. Và bà đã có sự “đánh giá, xét
lại” về phong trào cộng sản ở Việt nam. Bà đã trao đổi chuyện này với tác giả
David Horowitz là người rất nổi tiếng vì đã thay đổi lập trường 180 độ, từ phía
cực tả “thân cộng sản” sang phía “cực hữu”, khiến gây sôi nổi trong công luận
thế giới vài chục năm gần đây. Câu chuyện xung quanh nhân vật David Horowitz
“gây nhiều tranh cãi” nổi cộm này (controversial figure), cũng như sự thay đổi
quan điểm của Oriana Fallaci kể từ sau thập niên 1980 trở đi, sẽ là đề tài cho
một bài tìm hiểu chi tiết hơn, mà người viết sẽ cống hiến với quý bạn đọc trong
một dịp khác vậy nhé./
California,
Tháng Giêng 2010
Đoàn
Thanh Liêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét