Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Tai họa đằng sau giàn tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa


Sự hiện diện của những hệ thống tên lửa HQ-9 ở Phú Lâm có thể khiến các nước chùn bước khi thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.
n-hoa-dang-sau-gian-ten-lua-trung-quoc-o-hoang-sa
Các hệ thống tên lửa HQ-9 Trung Quốc bố trí trên đảo Phú Lâm. 
Ảnh: Fox News <!->


Trong lúc các lãnh đạo Mỹ và ASEAN tham dự hội nghị cấp cao ở Sunnylands để bàn về quan hệ hợp tác và an ninh hàng hải trên Biển Đông, Trung Quốc đã âm thầm điều các khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới phân tích đánh giá hai khẩu đội HQ-9 với 16 quả tên lửa này ẩn chứa nhiều ẩn họa đối với hòa bình, an ninh trên Biển Đông và khu vực.
Theo bình luận viên James Holmes của Reuters, hành động này của Bắc Kinh là một biện pháp đáp trả đối với những thách thức của Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á đối với cái mà họ tự nhận là "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Bằng hành động này, Trung Quốc đang dần dần đẩy khu vực vào một tình thế "chiến tranh không dùng vũ lực", Holmes nhấn mạnh.
Theo định nghĩa của chiến lược gia quân sự người Phổ Carl von Clausewitz, chiến tranh là một cuộc thử thách ý chí, được thể hiện thông qua việc triển khai con người và vũ khí trong những trận đụng độ trên chiến trường. Những người giành ưu thế về quân sự sẽ chiến thắng, và sẽ bẻ gãy ý chí tiếp tục cuộc chiến của kẻ thù, qua đó giành được thành công về chiến lược và chính trị.
Tuy nhiên có một hình thức chiến tranh khác cũng quyết liệt không kém, đó là "khẩu chiến". Thay vì triển khai binh lực, vũ khí trên chiến trường, các cuộc khẩu chiến diễn ra với những lời đe dọa sử dụng các lực lượng đó. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến không tiếng súng này, các bên tham gia khẩu chiến sẽ phải khiến đối phương và những người xung quanh tin rằng họ sẽ thắng nếu chiến tranh thực sự nổ ra.
Bằng biện pháp này, các bên có thể giành được phần thắng mà không cần phải trả cái giá rất nguy hiểm, đắt đỏ và khủng khiếp của chiến tranh. "Chiến thắng không cần tốn một viên đạn", đó là mơ ước của bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới.
Theo ông Holmes, bằng việc triển khai tên lửa tối tân thế hệ 4 HQ-9 có tầm bắn tới 200 km xuống Hoàng Sa, Trung Quốc dường như đang muốn các nước châu Á và phương Tây tin vào sức mạnh "bất khả chiến bại" của mình. Sự hiện diện của hai khẩu đội tên lửa này trên đảo Phú Lâm đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của thế giới, và các quan chức, tướng lĩnh Mỹ, Đài Loan đã lập tức lên tiếng xác nhận về chủng loại của các vũ khí này.
Rõ ràng, HQ-9 là hệ thống vũ khí khá đáng gờm về phương diện quân sự. Với tầm bắn 200 km, những khẩu đội tên lửa này có thể khống chế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tới bất cứ máy bay quân sự nào bị coi là "thù địch" hiện diện trong khu vực.
Với diện tích tác chiến hơn 125.000 km vuông, một khẩu đội HQ-9 có thể bắn hạ bất cứ máy bay nào tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn, nơi tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ vừa tiến hành một cuộc tuần tra tự do hàng hải hồi tháng trước. 16 quả tên lửa thuộc hai khẩu đội HQ-9 này hoàn toàn có thể bắn rụng bất cứ chiếc trực thăng quân sự nào cất cánh từ những chiếc tàu như USS Curtis Wilbur.
Theo các chuyên gia quân sự, HQ-9 là một phiên bản gần tương tự như hệ thống S-300 của Nga, loại tên lửa đã khiến các tướng lĩnh không quân Mỹ và đồng minh phải "mất ăn mất ngủ". Không những thế, HQ-9 còn được cho là đã tích hợp các công nghệ từ tên lửa Patriot tiên tiến của Mỹ. Sau chiến tranh Vùng Vịnh, Trung Quốc đã mua một khẩu đội Patriot từ Israel để nghiên cứu và áp dụng công nghệ để cải tiến HQ-9 trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

n-hoa-dang-sau-gian-ten-lua-trung-quoc-o-hoang-sa-1Phạm vi khống chế của tên lửa HQ-9 đặt trên đảo Phú Lâm.
Đồ họa: Reuters


Thực tế đó sẽ khiến các chiến lược gia Mỹ phải tính toán, cân nhắc khi quyết định thách thức những hạn chế quyền tự do hàng hải quá đáng của Trung Quốc trong tương lai.
Hệ thống hỏa lực dày đặc
Ông Holmes chỉ ra rằng 16 quả tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa không phải là một hệ thống vũ khí đơn lẻ của Trung Quốc. Chiến lược quân sự của Trung Quốc hiện nay là chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), với mục tiêu dựng lên những lớp phòng thủ ngày càng dày đặc chống lại tàu chiến, máy bay, tên lửa đối phương trên những khu vực mà họ tự nhận là lãnh thổ của mình.
Hiện nay Trung Quốc đã bố trí các hệ thống tên lửa diệt hạm dọc bờ biển của mình, có khả năng khống chế gần như toàn bộ Biển Đông. Các chiến đấu cơ gắn tên lửa trên các căn cứ ở đất liền cũng là một phần của hệ thống phòng thủ, giống như các tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa phòng không, đối hạm.
Việc triển khai các tên lửa phòng không xuống đảo Phú Lâm hiện nay hoặc các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong tương lai sẽ bổ sung thêm cho hệ thống đó, tạo ra những lưới lửa hỏa lực phòng không dày đặc đan xen lẫn nhau. Nói cách khác, bất cứ máy bay, tàu chiến nào của nước ngoài tiến vào khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đến từ mọi hướng khác nhau. Điều đó sẽ khiến các chỉ huy quân sự cảm thấy chùn bước khi muốn điều các khí tài hiện đại, đắt tiền tới Đông Nam Á, ông Holmes nhận định.
Cứ như thế, Trung Quốc sẽ dần dần ngang nhiên chiếm giữ, kiểm soát các hòn đảo mà không cần phải giao chiến. Khi buộc đối phương phải tin vào sức mạnh của mình, Trung Quốc càng có cớ ngang ngược tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" trên Biển Đông, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Việc thể hiện ưu thế bằng cơ bắp trên Biển Đông cũng giúp Bắc Kinh đề ra luật chơi cho bất cứ tàu thuyền, máy bay nào hoạt động trong khu vực. Nó cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc đóng cửa các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đối với tàu thuyền nước ngoài khi họ cảm thấy cần thiết, biến một trong những tuyến trung chuyển hàng hải lớn nhất thế giới này thành "vùng cấm".
Theo các chuyên gia quốc tế, hải quân chính là lực lượng đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển. Khi một nước nào đó đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý, phi pháp, hạn chế quyền tự do hàng hải, hải quân các nước sẽ hiện diện để ngăn chặn những tuyên bố đó biến thành một thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đang vin vào điều này để phục vụ cho mục đích khẩu chiến của mình.

n-hoa-dang-sau-gian-ten-lua-trung-quoc-o-hoang-sa-2Một hệ thống HQ-9 của Trung Quốc khai hỏa. 
Ảnh: 81.cn  

Sau khi Mỹ lên tiếng chỉ trích sự hiện diện của tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa, Trung Quốc lập tức tố ngược lại rằng chính Mỹ mới là nước đang "quân sự hóa" Biển Đông với sự hiện diện của các tàu chiến trên vùng biển này. Khi biến Mỹ thành kẻ khơi mào, Trung Quốc có thể ngang nhiên thực hiện các bước quân sự hóa tiếp theo để "tự bảo vệ" trên vùng biển mà chính họ mới là bên đã thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế, ông Holmes nói.
Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng việc tranh cãi bằng lời nói với Trung Quốc hiện này đã là quá đủ. Để đáp trả thách thức đến từ tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á cần phải thể hiện quyết tâm rằng họ có thể thực hiện quyền tự do hàng hải bất chấp những điều tồi tệ nhất mà hải quân Trung Quốc đe dọa sẽ gây ra cho họ.
"Họ cũng cần tính đến việc chứng minh rõ ràng rằng họ có thể dễ dàng xóa sổ các khẩu đội tên lửa Trung Quốc khi chiến sự nổ ra. Khi làm như vậy, họ có thể khiến Trung Quốc và các nước khác tin vào quyết tâm, sức mạnh của họ, và củng cố khả năng răn đe đối với bất cứ hành vi nào trong tương lai của Bắc Kinh", ông Holmes nhấn mạnh.
Trí Dũng 

~~~~~~~~~~
Bài # 2
F-22 Raptor - khắc tinh của tên lửa Trung Quốc đưa lên Hoàng Sa

Với khả năng tàng hình cao cùng tốc độ lớn, F-22 có thể ném bom tiêu diệt các khẩu đội HQ-9 mà không phải lộ mặt quá lâu.

f-22-raptor-khac-tinh-cua-ten-lua-trung-quoc-dua-len-hoang-sa
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. 
Ảnh: USAF 



Việc Trung Quốc ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thổi bùng nguy cơ xung đột trong khu vực, khiến Mỹ và đồng minh có thể sẽ cứng rắn hơn trong các biện pháp đối phó.
Trong trường hợp nổ ra chiến sự trên vùng biển chiến lược này, Mỹ có tại chỗ một loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với tên lửa HQ-9, đó là tiêm kích F-22 Raptor, loại máy bay tàng hình tối tân đang được Lầu Năm Góc triển khai đến châu Á để răn đe Triều Tiên, theo National Interest.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Dave Majumdar, HQ-9 là hệ thống phòng không khá uy lực, kết hợp các tính năng tốt nhất của tên lửa S-300P Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ. HQ-9 được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động, giúp một khẩu đội có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu ở khoảng cách 193 km trên độ cao 27,4 km. Với các tính năng này, HQ-9 có uy lực đủ lớn để hình thành một vùng cấm bay đối với máy bay dân sự và quân sự trong tầm hoạt động của mình.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ là lựa chọn tốt nhất để đối phó HQ-9. Dù được thiết kế ban đầu chỉ để chiếm ưu thế trên không, F-22 đã chứng minh được khả năng tác chiến rất linh hoạt. Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-22 còn san sẻ vai trò của oanh tạc cơ tàng hình B-2 trong khái niệm Lực lượng Tấn công Toàn cầu (GSTF).
Theo khái niệm tác chiến này, F-22 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình và tốc độ bay phía trước mở đường, tung đòn phủ đầu tiêu diệt các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không tối tân của đối phương, B-2 sẽ bay sau ném bom xé nát các mối đe dọa như các bệ phóng tên lửa Scud, kho vũ khí hóa học, hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không. Gần đây nhất ở Iraq và Syria, F-22 với hệ thống cảm biến nhạy bén đã được sử dụng để thực hiện vai trò trinh sát, thậm chí là chỉ huy và kiểm soát trên chiến trường.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, không quân Mỹ đã triển khai một phi đội tiêm kích F-22 tới Hàn Quốc. Đây là các máy bay được ưu tiên nâng cấp trang bị mới nhất theo chương trình Increment 3.2A nhằm cải tiến vũ khí tác chiến đối đất và các năng lực giao tiếp trên F-22.
Với gói nâng cấp này, F-22 không những được cải tiến về bản đồ radar khẩu độ tổng hợp, khả năng định vị địa lý và Bom Đường kính nhỏ (SBD), mà khả năng nhận thức tác chiến của nó cũng được cải thiện đáng kể cùng gói dữ liệu Link-16 kết nối với các cảm biến khác trên máy bay.
F-22 Raptor có thể được trang bị các tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder và AIM-120D AMRAAM cùng hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động. Với các khả năng được nâng cấp, F-22 thực sự là sát thủ của các hệ thống tên lửa đất đối không như S-300, S-400 hay HQ-9 trong trường hợp nổ ra xung đột.

f-22-raptor-khac-tinh-cua-ten-lua-trung-quoc-dua-len-hoang-sa-1Một hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. 
Ảnh: Defensenews 


Nhờ năng lực định vị địa lý và hệ thống radar khẩu độ tổng hợp, F-22 có thể xác định vị trí chính xác của các hệ thống phòng không di động như HQ-9 và tấn công chúng từ khoảng cách tương đối an toàn nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình và hành trình siêu thanh.
Trong thực tế, F-22 có thể duy trì tốc độ March 1,8+ mà không cần sử dụng buồng đốt phụ. Điều này có nghĩa là F-22 có thể tiến đủ gần tới vị trí HQ-9 để ném bom SBD nặng 113 kg hay bom thông minh JDAM nặng 453 kg mà không lo bị lộ mặt quá lâu trước radar đối phương.
Trong khi đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 lại bị đánh giá là cồng kềnh, tiêu thụ điện năng lớn, chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22. Ngoài ra, thời gian phản ứng từ lúc phát hiện mục tiêu của HQ-9 là 10-12 giây, quá đủ để một tiêm kích tốc độ cao như F-22 thực hiện xong đòn tấn công hủy diệt.
Duy Sơn

Không có nhận xét nào: