Hoa Kỳ: FBI điều tra về vụ mưu sát thứ nhì nhắm vào Donald TrumpỨng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa Donald Trump « bình yên vô sự » sau vụ mưu sát thứ nhì nhắm vào ông. Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI hôm nay,16/09/2024, thông báo đã bắt giữ nghi can nổ súng tại sân golf ở bang Florida, nơi ông Trump lui tới.Xe của cảnh sát đậu gần Trump International Golf Club, câu lạc bộ đánh golf của Donald Trump, tại West Palm Beach, bang Florida, Mỹ, hôm 15/09/2024, sau khi được tin về tiếng súng ở khu vực lân cận. AP - Stephany Matat - Thanh Hà
Ngày 15/09/2024, khoảng trước 2 giờ chiều, giờ địa phương, đã có tiếng súng nổ trong câu lạc bộ đánh golf của ông Trump tại thành phố West Palm Beach, bang Florida. Ban bảo vệ an ninh cho cựu tổng thống Trump, ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2024, đã phát hiện một khẩu súng trường loại AK-47 có trang bị ống ngắm ở trong bụi rậm. Nghi can đã chạy trốn trước khi bị bắt chỉ vài giờ sau đó.
Ngay chiều qua, Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI thông báo mở điều tra về một vụ « có thể là âm mưu sát hại » ông Trump. Một lần nữa lại dấy lên nhiều câu hỏi về việc bảo vệ an ninh cho một chính khách hàng đầu ở Mỹ. Từ New York, thông tín viên Carrie No0ten cho biết thêm về danh tính nghi can :
« Ryan Routh, 58 tuổi, sinh quán tại bang North Carolina, đã từng được nhiều phương tiện truyền thông Mỹ phỏng vấn, trong đó có cả báo New York Times. Cho dù không có một chút kinh nghiệm quân sự, Routh đã tình nguyện tham chiến tại Ukraina ngay từ năm 2022 chống lại quân Nga.
Ông phẫn nộ trước việc Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina. Dường như trên các mạng xã hội, Ryan Routh đã tìm cách tuyển mộ một số lính Afghanistan chạy trốn khỏi quân Taliban sang Ukraina. Ông cũng thường xuyên bình luận về các cuộc xung đột và tình hình địa chính trị. Routh cho biết là đã từng mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sang Hawaii, nơi ông vừa về định cư. Ryan Routh thậm chí đề nghị ông có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, một dạng đại sứ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Nhưng trên hết, Ryan Routh có lập trường chống đối kịch liệt Donald Trump. Về cuộc điều tra, cảnh sát trưởng của Palm Beach tối qua giải thích : Ryan Routh sở dĩ đã trốn được trong bụi rậm sát bên hàng rào sân golf nơi ông Donald Trump lui tới là bởi vì Trump không được bảo vệ như một nguyên thủ quốc gia.
Dù vậy, cũng quan chức này, cách nay chưa đầy một tháng, sau vụ mưu sát đầu tiên hôm 13/07/2024, cho biết đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Các biện pháp đó giờ đây ngang tầm với việc bảo vệ một vị nguyên thủ quốc gia. Mỗi lần Donald Trump đi đánh golf, chi phí để bảo vệ ông dao động từ 80.000 đến 125.000 đô la mỗi ngày, tính trên tiền đống thuế của người dân Mỹ ».
Phản ứng tại Mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris lập tức lên tiếng, cùng thở phào nhẹ nhõm khi biết ông Donald Trump được bình yên. Ngày 13/07/2024, Donald Trump đã bị thương ở tai trong một vụ mưu sát tại bang Pennsylvania, nơi ông đangvận động tranh cử. Hung thủ đã bị hạ sát tại chỗ.
Ukraina mời Liên Hiệp Quốc đến vùng Kursk của Nga, Matxcơva lên án hành động ‘khiêu khích’
Ngày 16/09/2024, ngoại trưởng Ukraina Andri Sybiga đã mời Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (CICR) đến thăm khu vực hơn 1.000 km ở vùng Kursk của Nga, hiện do Ukraina kiểm soát. Mục đích là nhằm chứng minh quân đội Ukraina tôn trọng luật nhân đạo. Ngay lập tức, điện Kremlin đã lên án hành động « khiêu khích » của Kiev.
Một quân nhân Ukraina tuần tra tại thành phố Soudja thuộc tỉnh Kursk của Nga vừa chiếm được, ngày 16/08/2024. AP
Thu Hằng
Trên mạng X, ông Sybiga cho biết: « Ukraina sẵn sàng tạo thuận lợi cho công việc của họ và để chứng minh tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và đã bảo đảm hỗ trợ nhân đạo, di chuyển thường dân an toàn ». Theo AFP, Kiev muốn cho thấy là họ không ngược đãi thường dân Nga, không phạm tội ác chiến tranh, trái với quân đội Nga bị cáo buộc có hành vi tàn bạo trên lãnh thổ Ukraina.
Lời mời được đưa ra vào đúng ngày chủ tịch CICR, Marjana Spolijaric, đến Matxcơva, bắt đầu chuyến công du được dự kiến từ lâu và chỉ vài ngày sau khi 3 nhân viên người Ukraina của hội Chữ thập đỏ thiệt mạng trong một trận oanh kích của Nga khi đang phân phát nhu yếu phẩm ở một làng do Ukraina kiểm soát ở vùng Donetsk. Tổng thống Zelensky đã lên án Nga gây thêm « một tội ác chiến tranh mới ». Trả lời báo giới ngày 16/09, người phát ngôn điện Kremlin, Dmitri Peskov, xem lời mời của Kiev là « tuyên bố khiêu khích » và hy vọng Liên Hiệp Quốc và CICR không « để tâm đến».
Ukraina đang kiểm soát hơn 1.000 km2 tại vùng Kursk của Nga sau khi bất ngờ mở cuộc tấn công vào đầu tháng 8. Ngày 16/09, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định đã chiếm lại được hai làng Uspenovka và Borki. Quân đội Nga cũng phóng nhiều drone, từ nhiều địa điểm khác nhau, vào thủ đô Kiev trong đêm 15-16/09. Còi báo động phòng không đã vang lên trong suốt 3 tiếng rưỡi ở Kiev. Hệ thống phòng không Ukraina đã bắn hạ 20 drone.
Hôm qua, tại vùng Kharkiv, đông bắc Ukraina, một khu chung cư đã bị trúng oanh kích của Nga, khiến 1 người thiệt mạng và 42 người bị thương.
Biển Đông: Philippines sẽ điều tàu khác đến bãi Sa Bin để duy trì sự hiện diện
Ngày 16/09/2024, chỉ một ngày sau thông báo rút tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin, Biển Đông, Lực lượng Tuần duyên Philippines khẳng định « chỉ tái bối trí con tàu » và sẽ tiếp tục « hiện diện » trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ảnh do Tuần duyên Philippines cung cấp: Tàu BRP Teresa Magbanua chuẩn bị cập bến Puerto Princesa, tỉnh Palawan, Philippines ngày 15/09/2024. AP
Thu Hằng
Theo AFP, trong buổi họp báo, khi báo chí so sánh tình hình tại bãi Sa Bin với bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012 sau nhiều tháng đối đầu, người phát ngôn Lực lượng Tuần duyên Jay Tariela nhấn mạnh « Chúng tôi không thất bại ». Ông cũng khẳng định Manila « không từ bỏ gì » vì « bãi Escoda (tên Philippines gọi bãi Sa Bin) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế » của Philippines, cách đảo Palawan khoảng 140 km.
Vẫn theo ông Jay Tariela, dù tàu BRP Teresa Magbanua trở về cảng neo đậu nhưng « chúng tôi có những tàu tuần duyên khác, mà vào lúc chúng ta đang nói có thể đang đến hoặc đã tới bãi cạn Escoda ». Ông không nêu chi tiết vì lý do an ninh nhưng khẳng định « Lực lượng Tuần duyên sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Trung Quốc không thể chiếm đóng và thậm chí đòi lại bãi cạn Escoda (Sa Bin) ».
Ngày 15/09, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines ra thông cáo cho biết « tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu » sau hơn 5 tháng thả neo ở bãi Sa Bin và nhiều lần va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc đến xua đuổi. Tháng 08, đội tàu Trung Quốc đã cản trở hoạt động tiếp tế cho tàu Teresa Magbunua khiến lực lượng đồn trú trên tàu bị thiếu lương thực.
Ngay sau khi tàu của Philippines rời bãi cạn Sa Bin, Bắc Kinh đã tái khẳng định « chủ quyền không thể chối cãi » đối với khu vực. Theo một số chuyên gia được trang Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc trích dẫn, sự việc này « cho thấy Trung Quốc đã quản lý đúng tình hình, nhưng cần cảnh giác trước những hành động khiêu khích trong tương lai ».
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng là một trong những chủ đề thảo luận giữa phái đoàn quân sự Mỹ với Trung Quốc tại Bắc Kinh, sau khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn. Dù cuộc họp song phương kết thúc hôm 15/09 không mang lại giải pháp cụ thể, nhưng theo trang VOA, phía Mỹ tiếp tục gây sức ép để tránh xảy ra xung đột ở Biển Đông, cũng như ở Đài Loan.
Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới để chống nhập cư trái phép
Hôm nay, 16/09/2024, chính phủ Đức đã tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới trong 6 tháng để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp. Berlin sẽ bố trí cảnh sát để kiểm tra tại biên giới với các nước nằm ở phía tây và bắc của Đức, bao gồm Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch. Cho tới nay chỉ có những người đi từ các nước ở phía đông và nam gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo và Thụy Sĩ mới bị kiểm tra.
Một chốt kiểm soát ở Frankfurt, khu vực biên giới Đức - Ba Lan, ngày 16/09/2024. REUTERS - Annegret Hilse
Minh Phương
Về nguyên tắc, các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ như vậy bị cấm trong Khu vực Schengen, nhưng trong trường hợp có mối đe dọa đối với trật tự hoặc an ninh, các biện pháp này có thể được thực hiện trong thời hạn 6 tháng và có thể được gia hạn, nhưng không được quá 2 năm. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu lo ngại rằng điều này có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến nhiều nước khác trong khu vực làm theo. Trong khi đó, Berlin biện minh cho quyết định trên với lý do "bảo vệ an ninh nội bộ trước các mối đe dọa hiện nay của khủng bố Hồi giáo và tội phạm xuyên biên giới".
Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết về những hệ quả của các biện pháp kiểm soát biên giới này:
“Thành phố Frankfurt Oder khá giống với thành phố Strasbourg của Pháp nằm cạnh miền đông nước Đức. Ở phía tây sông Oder là thành phố của Đức, trong khi đó phía đông của dòng sông lại là thành phố Slubice của Ba Lan. Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, chính quyền đã nỗ lực đoàn kết hai dân tộc, gần như bị chia cắt bởi đường biên giới trong thời kỳ chế độ Cộng Sản ...
Việc Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng 10/2023 để chống nạn nhập cư bất hợp pháp đã giúp giảm bớt các vụ nhập cảnh trái phép. Nhưng những biện pháp đó cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dân, theo giải thích của Andreas Oppermann, nhà báo địa phương làm việc cho kênh truyền thông RBB :
“Đây là một bất lợi rất lớn đối với người dân Slubice, vì thành phố này thường xuyên bị tắc nghẽn. Không chỉ vậy, đây cũng là bất lợi đối với chính những cư dân tại thành phố Frankfurt bên bờ sông Oder, chẳng hạn những người làm việc ở Slubice nhưng đã phải từ bỏ công việc, vì họ không bao giờ có thể biết liệu mình có đến đúng giờ hay liệu họ có thể trở về nhà hay không. Việc kiểm soát biên giới đã phá vỡ mọi thứ được xây dựng trong suốt 20 năm qua giữa hai thành phố.”
Trên khoảng 300 km biên giới giữa Ba Lan và Đức, những hình ảnh tương tự xuất hiện khắp nơi. Các phương tiện giờ chỉ có thể lưu thông trên một làn đường và chỉ được chạy với vận tốc 20 km/giờ tại các cửa khẩu đường cao tốc biên giới. Điều này đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía Ba Lan. Những người lao động xuyên biên giới bực tức. Trong khi đó, các tổ chức của giới chủ thì lo lắng về quyết định này của Đức, vốn đi ngược lại các hiệp định thương mại tự do của châu Âu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét