Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Xóm Hầm Sỏi Ngày Xưa - (Hẻm 59, Đường Huỳnh Tịnh Của, Quận 3, Tân Định) - Trần Đình Phước


Nói về du đãng ở vùng Tân Định và Đa Kao. Người ta thường nhắc đến tên Xóm Hầm Sỏi, mà một thời vang danh trong giới giang hồ. Các xóm khác trong vùng như: Xóm Cầu Mới, Xóm Vạn Chài, Xóm Chùa, Xóm Bảo Sanh Viện Lương Kim Vi, Xóm Trần Tấn Phát, Xóm Phở Gà Hiền Vương, Xóm Pasteur, Xóm Giếng, Xóm Cù Lao, Xóm Nhà Đèn, Xóm Vựa Gạo, Xóm Lách, Xóm Bắt Chó Cầu Kiệu, Xóm Cây Điệp, Xóm Bến Tắm Ngựa, Xóm Cư Xá Yên Đổ, Xóm Cảnh Sát Cuộc Đặng Văn Bắc, Xóm Chùa Miên cầu Trương Minh Giảng, Xóm Cư Xá Hàng Không Việt Nam, Xóm Chuồng Ngựa, Xóm Nhà Thờ Tân Định, Xóm Cư Xá Công Lý (có phở gà chị Lan), Xóm Bắc Kỳ Di Cư (hẻm 288 Công Lý có Phở Dậu) .nghe tiếng đều kiêng nễ.
<!>
Mỗi lần có đụng trận là gần như thanh thiếu niên cả Xóm Hầm Sỏi cùng kéo nhau đi. Họ trang bị gậy gộc, đòn gánh, ống nước, dây xích, líp xe đạp, gạch thẻ, bàn tay sắt có hình vòng cung khoét 5 lỗ, đút 5 ngón tay vào được, ná dây thun, dao găm, mã tấu…và sẵn sàng dàn quân, bố trận nhào vô đánh xáp lá cà hội đồng. Băng đảng các xóm nói trên đành phải chọn bài tẩu vi thượng sách, không dám đương đầu chống cự, vì chỉ có từ chết tới bị thương.

Xóm Hầm Sỏi là hẻm số 59, trên đường Huỳnh Tịnh Của có tên cũ là Monceaux, nhìn sang bên kia là đường Nguyễn Văn Mai. Hai con đường này sau 30 Tháng 04, năm 1975 vẫn còn giữ tên cũ. Giữa đường Nguyễn Văn Mai, phía bên tay trái có một Cây Thị rất già. Cứ vào mùa Thị, trái chín nở vàng rực và toát ra hương thơm ngào ngạt.

Đi hết đường Nguyễn Văn Mai sẽ gặp đường Hai Bà Trưng. Bên tay phải là Pháp Á Ngân Hàng, tiệm may Âu Phục Thái Lai, phòng mạch Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh. Bên tay trái là nhà Thuốc Tây Trần Ngọc Tiếng, tiệm bán than Tân Hồng Yến, tiệm hình Chí Mỹ.

Nhìn sang bên kia đường, bên trái là tiệm nhuộm Tô Châu, thuốc lào Vĩnh Bảo, chụp hình Văn Hoa, bên phải là hớt tóc Tư Râu, Billiards và Phở Vạn Lợi, kem Hoàn Kiếm. Ở giữa có một con hẻm nhỏ, số 392 Hai Bà Trưng. Trong hẻm này có nhà của Cua rơ Nguyễn Văn Châu, cựu vô địch xe đạp nước rút Á Châu tại Đông Kinh và Đông Nam Á Vận Hội tại Ngưởng Quang trong cùng năm 1961, nhà Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9 được nhiều người biết tiếng qua hai nhạc phẩm: Buồn ơi! Ta xin chào mi, Đêm nay ai đưa em về , và nhà Vũ Sư Nguyễn Thống là vua nhảy Thiết Hài (Tap Dance)

Xóm Hầm Sỏi được giới hạn bởi hai con đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) và Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản.) Đường Huỳnh Tịnh Của lấy từ tên Ông Huỳnh Tịnh Của là một Đốc Phủ Sứ, còn có tên Tây là Paulus Của.

Trước xóm Hầm Sỏi có một máy nước bốn vòi, hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt như họp chợ, bởi một số người gánh nước mướn thường trực tại đây. Mặc dù, theo luật bất thành văn, xếp thùng theo thứ tự, đến lượt ai thì người đó hứng, nhưng dân gánh nước mướn rất dữ dằn. Họ tự cho họ cho có quyền ưu tiên được hứng trước, khi nào họ hứng xong đâu đó thì lúc đó bà con khác mới được hứng, Họ sẵn sàng kéo bè, kéo đảng, để tấn công bằng những chiếc đòn gánh và những lời thô tục, dao to búa lớn dằn mặt bất cứ ai dám ngang nhiên chống lại đặc quyền mà họ tự phong cho mình. Hung hăng, sừng sỏ nhất là chị em Năm Đòn Gánh,

Chính quyền địa phương rất nhức đầu với nhóm người này, vì phải thường xuyên giải quyết những lần tranh chấp, mâu thuẫn, ẩu đả do họ gây ra. Sau này, đa số bà con được gắn đồng hồ nước trong nhà, nên máy nước 4 vòi cũng thưa thớt dần, nhỏm gánh nước mướn ế ẩm, không còn ai thuê, nên hết làm mưa, làm gió, tự tung, tự tác nữa! Cuối cùng, đành phải giải nghệ đi tìm công việc lao động chân tay khác mưu sinh.

Cạnh máy nước là căn nhà nhỏ có gác của ông Ba Cạo. Nơi đây, ông vừa dùng để ở, vừa là nơi hớt tóc, vừa là chỗ nhận hợp đồng cho ban nhạc Bắc Việt Tương Tế chuyên thổi kèn và khóc mướn cho các đám tang trong vùng. Ông Ba Cạo chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau. Hôm nào có tang gia đến mời giúp đảm tang thì hôm đó ông treo bảng tạm nghỉ hớt tóc vài ngày, vì kiếm được tiền khá hơn là hớt tóc. Ngoài ra, còn được mang xôi, chè, trái cây do tang chủ biếu đem về cho vợ con. Em ruột của ông Ba Cạo là Tư Soan cũng là thợ hớt tóc, nhưng ở hẻm 62 Xóm Nhà Đèn, Yên Đổ.

Đi thêm khoảng hai mươi thước là một ngã ba có một cái mả đá lớn. Nếu quẹo phải đi ra được đường Công Lý. Có nhà Cô Tư bán miến gà nổi tiếng ở chợ Tân Định. Nếu quẹo trái thì sẽ ra được trường Tiểu học Con Trai Tân Định (nay là Trường Tiểu Học Nguyễn Thái Sơn, số 12 Huỳnh Tịnh Của, Tân Định ) và trường Anh Văn Khải Minh cũ (nay là một chung cư đang hư hại trầm trọng vì không được tu bổ. Có lẽ trong một ngày không xa lắm sẽ bị sụp đổ?

Trên khoảng đường này có một dãy nhà, mà bà con đều bán chuối ở chợ Tân Định. Có nhà Đông Y Sĩ Đỗ Phong Thuần. Ông được bà con quanh vùng rất quý trọng, vì thời đó Bác Sĩ ở Sài Gòn rất hiếm, chỉ đếm được trên hai bàn tay, dân lao động nghèo làm sao có tiền, để đi đến khám bệnh ở phòng mạch của các Bác Sĩ. Do đó, họ tìm đến ông để nhờ bắt mạch, hốt thuốc và chẩn trị theo phương pháp Đông Y Gia Truyền với giá rất bình dân. Căn nhà ông nổi bật trong vùng, được xây bằng gạch, quét vôi trắng, có một khu vườn nhỏ cây cối xum xuê, và rất bề thế. Trong khi đó chung quanh là những căn nhà ổ chuột của bà con lao động tay chân thì lụp xụp, vá víu làm bằng ván, thùng gỗ, mái lợp tôn hay lá.

Đường xá đi lại trong xóm Hầm Sỏi thì chằng chịt, ẩm thấp với nhiều con hẻm nhỏ, không có chỗ cho trẻ em chơi giỡn. Đôi nơi chỉ vừa đủ hai người chen chân. Ngoài ra, còn có nhiều miếu và đền thờ nhỏ. Vào mùa Vu Lan thì nhang khói bay mù mịt. Lúc đó, đám con nít chia phe nhau đi giựt đồ cúng, mà bà con gọi là Cô Hồn Sống.

Muốn đi vào Xóm Hầm Sỏi có thể đi từ phía ngoài Đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), phía trường Anh Văn Khải Minh và hẻm Đỗ Phong Thuần, số 27 Huỳnh Tịnh Của.

Hôm nay, xin có vài hàng nhắc lại về một con hẻm nổi tiếng ở vùng Tân Định. Xóm Hầm Sỏi của một thời sôi động coi như đã đi vào quá khứ. Máy nước 4 vòi chỉ còn trơ cái trụ xi măng, 4 vòi nước cùng theo ông, theo bà đi vào dĩ vãng. Miếu và đền đã biến mất gần hết, nhiều nhà cửa được xây cất lên san sát, mất trật tự, kém mỹ quan. Nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn thì sự thiệt hại sẽ khôn lường.

Giờ đây, Đông Y Sĩ Đỗ Phong Thuần đã đi về miền miên viễn. Những người muôn năm cũ, một số dân chơi cầu ba cẳng cũng đã đi xa từ lâu như: Đảo Cà Lăm, Giáp Câm, Tâm Thọt, Giống Chột, Quyền Thẹo, Hai Lựu Đạn, Ba Xoắn, Tư Ù, Năm Bù Tọt, Sáu Thúi, Bảy Búa…

Nay, nhưng người còn hiện diện trên cõi đời ô trọc này đều đã ngoài tuổi Thất Thập Nhi Lập, một số đang tha phương cầu thực, còn một số ở quê nhà đang chuẩn bị hành trang lên chuyến tàu hoàng hôn, để bước xuống sân ga cuối cùng vào một ngày không xa lắm!

Xin chào con hẻm nhỏ Hầm Sỏi thân yêu, mà cách đây hơn nửa thế kỷ, khi còn là học sinh Trường Tiểu Học Con Trai Tân Định, mỗi ngày đến trường, tôi đều đi và về ngang qua đây. Đôi khi, thời tiết nắng chang chang và khát nước quá! bèn chạy nhanh lại bên máy nước 4 vòi, nhắm hai mắt, kê miệng vô vòi nước, ực đầy một bụng thấy đã vô cùng.

Ôi! Kỷ niệm ngày xưa về một con hẻm nhỏ từng một thời lừng lẫy ở vùng Tân Định và Đa Kao. Nay, chỉ còn tìm lại trong tiềm thức./.

Trần Đình Phước
(Tân Định & Đa Kao)
San Jose, California

Không có nhận xét nào: