Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 23/09/2024 - Duke Nguyên


Pháp: Tân chính phủ mất cân bằng, "đứa con của nền dân chủ đi chệch hướng"Thành phần chính phủ của tân thủ tướng Michel Barnier được công bố vào cuối tuần qua là chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay 23/09/2024. Ngay trước cuộc họp đầu tiên diễn ra vào chiều nay, tân chính phủ Pháp đã bị đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phe đối lập cánh tả lên án ông Barnier « phản bội » các cử tri, coi thường kết quả bầu cử lập pháp. Ảnh các thành viên của tân chính phủ Pháp chụp ngày 21/09/2024. © AFP Chi Phương La Croix nêu ra những điểm yếu khiến «thành lũy » của chính phủ mới dễ lung lay. 
<!>
Với các thành viên từ cánh hữu và cánh trung, chủ yếu là từ phe của Macron, chính phủ của thủ tướng Michel Barnier trở nên thiếu cân bằng, không đủ trọng lượng, và không tuân theo kết quả của cuộc bầu cử lập pháp vào mùa hè vừa qua.

Trở lại kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 7 : Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu với 193 ghế, sau đó là liên minh Ensemble của tổng thống Macron, 166 ghế, về thứ ba là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) liên minh với một nhóm đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa do Eric Cioti đứng đầu. Bộ phận còn lại của đảng Những Người Cộng Hòa chỉ được 47 ghế. La Croix trích lại nhận định từ cánh tả và cực tả, cho rằng, chính phủ như hiện nay đã « phản bội » lại các cử tri.

Ngoài Bruno Retailleau, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội Vụ, tân chính phủ không có chính trị gia kỳ cựu nào nổi bật, và thường là những người không được công chúng biết đến. Dường như Michel Barnier sợ những cái bóng lớn che khuất đi vị trí của mình. Theo Libération, những chính trị gia vắng mặt trong danh sách tân chính phủ, chẳng hạn như Edouard Philippoe, Garbiel Attal, Gerald Darmanin, Laurent Wauquiez có thể đều đã đưa ra kết luận rằng tốt hơn là đứng ngoài chính phủ, để tự bảo vệ, để duy trì tham vọng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2027.

Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : « Chính phủ của Michel Barnier được hình thành trong nỗi đau ». Theo nhật báo Pháp, sự hiện diện của Bruno Retailleau thuộc cánh hữu bảo thủ, cứng nhắc, chống nhập cư, nắm giữ chức bộ trưởng Nội Vụ khiến phe của Macron khó chịu. Ngoài ra, còn có Laurence Garnier, thượng nghị sĩ thuộc đảng LR. Bà phản đối hôn nhân đồng giới, hay việc đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Ban đầu, bà Garnier được cho là làm Quốc vụ khanh phụ trách về vấn đề gia đình, và đã bị tổng thống gạt đi, nhưng sau đó được đưa trở lại danh sách và phụ trách về vấn đề tiêu dùng.

Xã luận của nhật báo cánh tả Libération coi chính phủ mới do Michel Barnier lãnh đạo, được thỏa thuận với Emmanuel Macron, là một chính phủ bảo thủ nhất từ thời của tổng thống Nicolas Sarkozy. Và đối với cánh tả, nền dân chủ đã bị coi thường. Libération đặt câu hỏi liệu sự tồn tại của chính phủ mới có lâu dài, đủ để giải quyết các vấn đề cấp bách đối với nước Pháp, hay sẽ chỉ trong ngắn hạn, vì nhanh chóng bị bất tín nhiệm bởi phe đối lập.

Tờ báo nêu lại nguồn căn của vấn đề hiện nay, là đến từ quyết định của tổng thống Emmanuel Macron, giải tán Quốc Hội, tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn, nhưng lại không tôn trọng kết quả, để phe thua cuộc lên nắm quyền, làm suy yếu nền dân chủ vốn đã không vững chắc. Chính phủ hiện nay được coi là « đứa con của một nền dân chủ đi chệch hướng ».

Nhật báo cánh hữu Le Figaro, về phần mình, dành những « lời có cánh » cho Michel Barnier, muốn chứng tỏ sự khác biệt với người tiền nhiệm trẻ tuổi GarbielAttal. « Trớ trêu thay », một người từng 5 lần giữ chức bộ trưởng, được các cuộc thăm dò dư luận đánh giá tốt, nhưng nay, sự hiện diện của ông tại điện Matignon lại bị xem là « nơi trú ẩn an toàn khi thời tiết xấu ».

Xã luận Le Figaro nêu ra giả thuyết liệu chính phủ của Michel Barnier là một « điều kỳ diệu hay là một thất bại », trích lời của tướng De Gaulles khi quay trở lại Pháp cầm quyền vào năm 1958. 70 năm sau, nước Pháp vẫn phải đối mặt với tình hình tương tự, trước một chính phủ bấp bênh, với nhiều « họng súng » chĩa vào từ bên ngoài. Phe cực tả, Jean-Luc Melenchon kêu gọi nhanh chóng « loại bỏ » chính phủ của kẻ thua cuộc. Đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu thì cho biết « không thấy bất cứ tương lai nào » với chính phủ này.

Có nhiều rủi ro khiến tân chính phủ có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Biểu quyết cho ngân sách 2025, nhập cư, tội phạm, giáo dục, khủng hoảng nông nghiệp, hay tình hình bất ổn tại các vùng hải ngoại, đặc biệt là ở Nouvelle Calédonie mà Pháp sáp nhập vào năm 1853.

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chương trình hành động của tân thủ tướng, đặc biệt là liên quan đến việc tăng thuế, nhắm vào những người có nhiều tài sản nhất nước Pháp, và các doanh nghiệp lớn để có thể thông qua ngân sách cho năm 2025, trong bối cảnh nước Pháp trong tình trạng thâm hụt ngân sách như hiện nay (khoảng 6% của GDP vào năm 2024).

Là người kế thừa của cánh hữu, ủng hộ châu Âu, với các kỹ năng đàm phán và thâm niên chính trường, La Croix đặt câu hỏi liệu ông Barnier liệu có thể duy trì chính phủ này được bao lâu ?

Cuộc chiến không tên giữa Israel và Hezbollah



Về thời sự quốc tế, tình hình tại Trung Cận Đông vẫn nóng bỏng với cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah – « một cuộc chiến không tên », theo La Croix. Trong đêm thứ Bảy, sáng Chủ Nhật vừa qua, Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel đã bị nhóm Hồi giáo Hezbollah ở Liban oanh kích. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào thành phố này kể từ cuộc xung đột năm 2006.

Le Figaro cho rằng đảng của Thượng Đế tại Liban đang cố gắng thiết lập lại tín nhiệm và khả năng răn đe của mình. Do vậy, Hezbollah đã phải khoa trương sức mạnh, chứng minh khả năng điều hành và khả năng quân sự không hề bị ảnh hưởng. Nhóm này phóng hơn 150 tên lửa, các loại tên lửa như Fadi loại 1 và 2, có tầm bắn từ 80-105 km, và hàng chục tên lửa Katioucha, tấn công vào các căn cứ quân sự của Israel, làm tê liệt hệ thống truyền tin của Israel.

Israel đã buộc phải phát lệnh sơ tán, đóng cửa các trường học, bệnh nhân tại các bệnh viện được đưa vào nơi trú ẩn. Kể từ khi cuộc xung đột giữa Hezbollah, ủng hộ nhóm Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10, khoảng 60 000 người Israel sống tại khu vực biên giới với Liban đã phải đi sơ tán.

Cuộc xung đột này cũng là chủ đề trên trang nhất báo Les Echos, « hết sức nguy hiểm », và có thể tiến gần điểm « không còn đường lui » khi Hezbollah đã vượt lằn ranh đỏ, tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Israel. Theo Les Echos, Hezbollah muốn « rửa nỗi nhục » cho những người anh em Hamas, và đặc biệt là về vụ tấn công được cho là của Israel vào tuần trước. Nhiều thành viên của Hezbollah đã bỏ mạng hoặc bị thương sau vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm ở Liban, mà Israel bị tình nghi là kẻ đứng sau. Nhà nước Do Thái cũng tuyên bố đã triệt hạ thêm một tướng lĩnh của nhóm Hồi giáo này. Thủ lĩnh của Hezbollah đã coi đây là một vụ thảm sát, lời tuyên bố chiến tranh từ phía Israel.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu hai kẻ thù không đội trời chung có thể tiến xa đến đâu, xóa đi bao nhiêu lằn ranh đỏ. Theo Les Echos, cho đến nay, Hezbollah vẫn chưa sử dụng đến các tên lửa tầm trung, nhắm vào khu vực Tel-Aviv, nơi đặt trụ sở của bộ Quốc Phòng và Tình báo của Israel. Nhà nước Do Thái cũng chưa mở chiến dịch tấn công hàng loạt nhắm vào các khu phố, nơi sinh sống của người Hồi giáo Chiite ở thủ đô Beyrouth, như hồi năm 2006. Tuy nhiên, các chỉ huy quân sự Israel cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị cuộc xâm nhập trên bộ vào miền nam Liban, ngay khi nhận được lệnh của chính phủ.

Trong bài đăng cùng hồ sơ, La Croix nhận định rằng Hezbollah tuy bị suy yếu nhưng vẫn còn mạnh. Trước vụ tấn công vào cuối tuần qua, lực lượng Hezbollah gồm khoảng 15.000 thành viên, trong đó 5.000 người thuộc đội ngũ tinh nhuệ. Trong trường hợp xảy ra xung đột, phong trào này có thể huy động khoảng 25.000 đến 30.000 lính dự bị. Kho vũ khí của nhóm này ước tính có khoảng 150.000 tên lửa đủ loại, cùng 2.000 drone.

Theo La Croix, nhóm này đã kiểm soát miền nam Liban kể từ khi Israel rút quân vào năm 2000, và đã có đủ thời gian để xây dựng thành lũy vững chắc, phát triển hệ thống đường hầm, xây dựng các hầm trú ẩn hoặc giăng cạm bẫy khắp nơi, thậm chí, đã hội gần đủ các yếu tố để thành lập một Nhà nước, với dịch vụ y tế, truyền thông, giáo dục riêng. Nếu Israel tấn công vào miền nam Liban, thì không ai biết rõ hậu quả là gì, nhưng Hezbollah được Iran và Syria yểm trợ, được cho là « sẽ biết cách tự vệ » như thế nào.

Điều này dấy lên lo ngại chiến tranh sẽ lan rộng, có thể châm ngòi cho cuộc chiến giữa Iran và Israel.

Tân tổng thống cánh tả theo chủ nghĩa Mác đầu tiên của Sri Lanka


Nhìn sang châu Á, tân tổng thống cánh tả của Sri Lanka được nhiều báo quan tâm. Hôm thứ Bảy vừa qua, ông Anura Kumara Disanayake (AKD) đã thắng cử tổng thống với 42,3 % phiếu bầu. Theo Les Echos, kể từ khi Sri Lanka giành độc lập từ tay Anh Quốc vào năm 1948, Đây là lần đầu tiên một đảng theo cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Sri Lanka.

Theo Le Monde, Sri Lanka như mở ra một chương mới về cuộc cách mạng công dân. Le Monde nhắc lại vào năm 2022, sau nhiều tháng thiếu điện, nước, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, một phong trào phản kháng đã nổ ra trên khắp Sri Lanka. Người dân, tiến vào dinh tổng thống, lật đổ Gotabaya Rajapaksa, được cho là người phải chịu trách nhiệm vì sụp đổ của đất nước phát triển nhất Nam Á, không còn khả năng trả nợ do thiếu đầu tư, và quản lý quá yếu kém.

Người kế nhiệm ông Rajapaksa là Wickremesinghe, đã ký một thỏa thuận với FMI, để có thể vay 2,9 tỷ đô la để khôi phục dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, giúp hòn đảo tái cấu trúc các khoản nợ. Tuy nhiên các biện pháp hà khắc của ông đã khiến ít nhất 300.000 người, là chủ doanh nghiệp, bác sĩ, kỹ sư… rời khỏi đất nước từ năm 2022 đến năm 2023. Ông Wickremesinghe cũng được cho là có nhiều liên hệ với chính phủ tiền nhiệm.

Le Figaro thì chạy tựa « Tại Sri Lanka, một kẻ theo chủ nghĩa Mác đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế ». Nhật báo cánh hữu nhận định rằng, đằng sau chiến thắng của ông Anura là chiến thắng của liên minh Sức mạnh dân tộc quốc gia (National People’s Power), gồm 21 phong trào xã hội và công đoàn khác nhau, cũng là bên đứng đằng sau cuộc cách mạng năm 2022, huy động xã hội dân sự, lật đổ tổng thống Rajapaksa, bị cáo cuộc tham nhũng, theo chủ nghĩa gia đình trị, trao quyền cho những người thân cận, trong gia đình.

Theo Le Figaro, bầu cho đảng NPP chứng tỏ người dân Sri Lanka muốn thay đổi, nhưng có thay đổi được những gì, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hiện tại ông Dissanayake không còn phản đối việc tư nhân hóa các công ty thua lỗ và phi chiến lược mà FMI mong muốn.

Nhật báo cánh hữu nhận định rằng ông Dissanayake đã biết tận dụng những bức xúc của người dân trước chính sách thuế bất bình đẳng của người tiền nhiệm (đánh thuế vào những người nghèo và tầng lớp trung lưu, nhưng lại không đánh thuế vào tài sản, hay vào các tài sản thừa kế). Ông đưa vào chương trình của mình những biện pháp như giảm thuế thu nhập, cũng như là giảm thuế giá trị gia tăng đối với các loại thực phẩm và thuốc, xoa dịu những khó khăn của các gia đình thu nhập thấp.

Le Monde vẽ lại chân dung của tân tổng thống, xuất thân từ một gia đình trung lưu ở nông thôn, từng nhiều lần thất bại trong các cuộc bầu cử trước đó, nhưng nay là hiện thân của hy vọng thay đổi trước một chế độ tham nhũng, một chế độ của giới tinh hoa và gia đình họ, nắm quyền cai trị hòn đảo từ năm 1948. Theo chủ nghĩa Mác, nhưng xích lại gần kinh tế thị trường, tân lãnh đạo 55 tuổi, hứa hẹn có thể thay đổi diện mạo nền kinh tế của Sri Lanka nhờ vào sản xuất, đồng thời bảo đảm có chính sách bảo hộ xã hội và các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục miễn phí cho người dân.

Không có nhận xét nào: