Những cơn mưa cuối mùa ở thành phố tôi buồn hiu hắt, cái giá lạnh từ đâu bỗng về xâm chiếm tâm hồn.Tiếng mưa rơi nhẹ, đều đều trên mái nhà khiến tôi liên tưởng đến những cơn mưa của một thời áo trắng. Tôi nhớ mãi những chiều mưa ngồi bên song cửa đọc thư anh mà xót xa thương cảm cho người yêu ở một góc trời nào đó đang lặn lội dưới mưa rừng gió núi. Những nỗi nhớ nhung, mong đợi, lo lắng, bâng khuâng của một thời làm người yêu lính trận bây giờ nghĩ lại thật đẹp, thơ mộng làm sao! Tôi chợt đưa tay sờ lên mặt mình, những vết sẹo đã biến mất, không còn nữa.
<!>
Thật may mắn cho tôi nếu không được đặt chân lên đất Mỹ thì không biết giờ nầy cuộc đời tôi sẽ ra sao, về đâu? Tuy những vết sẹo ngày xưa đã hủy diệt tương lai và mộng ước của cả đời tôi nhưng tôi vẫn luôn hoài niệm về khoảng thời gian đó, những ngày tháng thật êm đềm, ngọt ngào với những nỗi vui, buồn, đớn đau và nước mắt của một thời con gái…
Tôi là con lớn trong một gia đình gồm 8 anh chị em, Ba tôi là một công chức nhỏ nên cuộc sống gia đình có phần chật vật. Để giúp đỡ phần nào cho Ba, tôi phải đi làm thêm mỗi tối, việc làm đó là hát cho một quán café ca nhạc. Trời phú cho tôi một giọng ca truyền cảm, trầm ấm nên tiền thù lao khá hậu hỉ. Lẫn lộn trong đám người phức tạp nơi đó tôi hết sức dè dặt, giữ gìn ý tứ để khỏi mang tai tiếng vì mình còn là một nữ sinh đang cắp sách đến trường. Sau khi xong mỗi bài hát, trong khi chờ đợi hát tiếp tôi thường mở sách ra đọc để tránh nói chuyện với người khác. Nhưng một hôm có người bước vào hậu trường và đi thẳng tới trước mặt tôi, đó là một anh lính trẻ mặc đồ rằn ri với một bông mai trên cổ áo. Anh đứng nhìn tôi đang đọc sách, nhìn tựa quyển sách “ Hàn Yên Thúy” tức “Bên Bờ Quạnh Hiu” của Quỳnh Dao anh buông một câu không mấy lịch sự:
- Sao cô lại thích đọc loại sách nầy? Ủy mị lắm.
Tôi khó chịu vì thái độ của anh ta nên sẳng giọng:
- Anh quen với tôi sao?
Anh ta trả lời rất tự nhiên:
- Chưa, nhưng sẽ quen mà. Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Thế Phương đang phục vụ cho binh chủng Nhảy Dù, mong được làm bạn với cô.
Tôi chưa biết trả lời sao nên lặng thinh.
Phương giục:
- Sao rồi? Cô có chấp nhận lời tôi không?
Tôi nhìn anh dè dặt:
-Anh nói bạn là thế nào? Nếu anh đến đây nghe nhạc thường xuyên thì cũng coi như là bạn của tôi rồi mà.
- Không, tôi muốn nói là bạn riêng thôi.
Tôi thấy anh chàng nầy có vẻ sổ sàng quá nên nghiêm mặt lại:
-Xin lỗi anh, tôi chưa nghĩ đến điều đó, vì tôi chưa quen biết anh nên tôi không thể chấp nhận, mong anh hiểu cho.
Anh chàng vẫn lầm lì:
- Đêm nay tôi đưa cô về nhà nhé!
- Không được đâu anh, Ba tôi sẽ đến đón tôi.
Anh ta nhún vai nhìn tôi:
- Ông già giữ con gái kỹ thế .
Tiếng người nhạc sĩ điều khiển chương trình vọng vào:
- Bích Liên ơi, tới phiên cô rồi đó nghe.
Tôi từ giã anh lính:
- Xin phép anh, tôi phải ra sân khấu rồi.
- Hẹn gặp cô sau.
Tôi bước trở ra sân khấu với bản nhạc “Thuở Ấy Có Em” :
“…Thuở ấy có em anh chưa từng sầu. Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng. Hỡi em, em về đâu cho đời còn luôn nhớ nhau…”
Tôi nhìn xuống thấy anh đứng ở một góc của quán nhạc, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía tôi, tự nhiên tôi thấy lòng có chút xúc động. Chắc anh có một nỗi niềm, một tâm sự riêng nên trông anh có nét buồn xa vắng.
Khi Ba tôi đến đón tôi, anh lặng lẽ nhìn theo không nói lời nào. Mấy đêm sau liên tiếp anh đều đến, đều tìm cách nói chuyện với tôi nhưng tôi cố giữ khoảng cách với anh vì tôi rất sợ mình sẽ yếu lòng, sẽ vướng vào tình yêu của lính, nhất là lính Nhảy Dù như anh.Tôi biết dù có lưu luyến, thương nhớ bao nhiêu rồi anh cũng ra đi, anh phiêu lưu trên khắp nẻo đường đất nước, khắp bốn vùng chiến thuật, bất cứ nơi nào khi chiến trường cần đến anh. Tôi phải tự thương lấy mình, thương cho thân phận của một người con gái sinh ra trong thời loạn.
Quả đúng như vậy, vào một ngày cuối tuần anh đến từ giã tôi để trở về đơn vị. Kỳ đi phép về thăm ông ngoại nầy đối với anh rất thú vị, rất vui. Tôi cũng có chút ngậm ngùi, lưu luyến vì những ngày qua anh thường nói chuyên với tôi, tôi cũng được hiểu về anh đôi chút.
Con chim xanh đã trở lại núi rừng, người đã xa rồi tôi cũng không còn gì vương vấn. Những đêm sau giờ đi hát, trên đường về tôi chợt nhận ra mình cô đơn quá, thiếu người san sẻ những ưu tư, lo lắng trong cuộc sống. Đêm bỗng buồn lê thê như những bài tình ca dang dở, và tôi trở lại với nếp sống hằng ngày tẻ nhạt.
Hai năm sau, vào mùa hè tôi lên Sàigòn thăm dì ruột của tôi. Dì có một người con gái tên Hồng Phượng lớn hơn tôi hai tuổi, chị em tôi rất thân với nhau.
Có một ngày chị Phượng khoe với tôi:
- Để hôm nào bạn trai của chị từ chiến trường trở về chị sẽ giới thiệu cho em biết mặt nhé!
Tôi chọc chị:
- Bạn trai thường hay là người yêu? Chị đừng giấu em, khai thật đi em sẽ ủng hộ hết mình.
Chị lườm tôi:
- Cái con nhỏ nầy. Ừ, thì…là người yêu. Em đã lớn chắc cũng có chàng nào trong tim rồi phải không?
Tôi giơ tay lên trời:
- Em xin thề, chưa có chàng nào cả.
- Vậy để chị nói với chàng giới thiệu cho em một người nhé? Bạn của ảnh đông lắm, lính Nhẩy Dù, Thiên Thần Mũ Đỏ em chịu không?
Tôi cười:
- Chà, ca ngợi binh chủng của chàng như vậy chắc là chị “đậm” với người ta lắm rồi, cầu mong cho chị gặp người tốt. Ngày trước em cũng có quen sơ sơ với một anh nhưng… chẳng tới đâu cả.
Hai chị em chúng tôi huyên thuyên tâm sự. Chị Phượng luôn nhắc đến người yêu: một Trung Úy trẻ, đẹp trai, oai dũng, can trường trên trận địa…Chị đã gặp anh ta năm trước khi đi làm dâu phụ cho một người bạn lấy chồng là một sĩ quan Nhảy Dù.
Hai tuần sau đó chị vui vẻ báo cho tôi biết người yêu của chị đã về phép, nhà anh ở cư xá Đô Thành nhưng anh hẹn gặp chị ở phòng trà Mỹ Phụng. Chị Phượng bảo tôi đi cùng, tôi từ chối vì không muốn làm “ kỳ đà cản mũi” cho hai người nhưng chị nói:
- Anh Tùng có một người bạn đi chung, có em trò chuyện cùng anh ấy thì chị và Tùng sẽ được nhiều thời giờ tâm sự hơn.
- Thì ra chị cần em “ đỡ đạn” cho chị.
- Được rồi, tùy em nghĩ. Em chịu đi chứ?
- Dạ, cũng được thôi.
Hôm ấy chị Phượng thật đẹp trong chiếc áo dài màu vàng thêu hoa kim tuyến, còn tôi thì “chìm sâu” với chiếc áo dài màu tím đơn sơ, buồn lặng lẽ. Tôi nghĩ rằng chị cần mặc đẹp, nổi bật vì có người yêu, còn tôi chỉ đi ké thôi nên chẳng quan tâm đến việc mặc đẹp hay xấu. Khi chúng tôi đến trước cửa Mỹ Phụng thì đã thấy hai anh chàng mặc quân phục Nhảy Dù đứng đợi sẵn. Chị Hồng Phượng có vẻ xúc động đưa tay chỉ về một anh:
- Anh không mang kính đen là Tùng của chị đó.
Tôi nhìn theo tay chị, anh chàng cao ráo, phong độ làm sao. Hèn nào chị hết lời ca tụng chàng. Còn anh kia thật …đặc biệt, trời đã tắt nắng rồi mà còn mang cặp kính râm to tướng, chiếm cả gần 1/4 khuôn mặt.
Khi chúng tôi đến trước mặt, anh Tùng chào hỏi và giới thiệu thì anh chàng kia cũng vừa gỡ cặp kính râm ra, tôi bỗng giật mình lùi lại miệng lắp bắp:
- Anh là…Thế Phương phải không?
Anh chàng cũng vừa nhận ra tôi:
- Ồ! Cô Bích Liên ở Cần Thơ chứ gì! Mấy năm rồi mà Liên không thay đổi lắm, còn tôi…
- Tôi nhận được anh chứng tỏ anh cũng không già thêm đâu.
Anh Tùng nói:
- Hay quá, không ngờ là người quen xưa.
Bốn người chúng tôi cùng vào trong phòng trà. Anh Tùng và chị Phượng cứ tíu tít kể lể với nhau vô tình đẩy tôi phải trò chuyện với Phương. Chuyện ngày ấy, dù có một chút bâng khuâng thoáng qua hồn nhưng tôi cũng đã quên rồi con chim xanh chỉ dừng chân chốc lát trên một nhánh cây nhỏ để ngắm trời mây rồi bay đi. Giờ gặp lại Phương trông anh phong trần dày dạn hơn, đôi mắt đăm chiêu như có chút chán nản, muộn phiền. Anh nhìn tôi:
- Gặp lại Bích Liên tôi mừng lắm. Bích Liên vẫn còn đi học chứ? Có còn đi hát thêm vào buổi tối không?
- Dạ, Liên không còn đi hát nữa để dành thì giờ học hành vì Liên đang học Đại Học Sư Phạm. Anh Phương có gì vui không?
Trông anh già dặn và buồn hơn trước.
- Liên nói đúng, tôi đang buồn vì người yêu vừa đi lấy chồng. Ngày trước khi tôi muốn làm bạn với Liên thì Liên lạnh nhạt hờ hững, tôi cũng không có dịp để bồi dưỡng tình cảm thêm với Liên. Sau đó tôi quen một người con gái khác ở Sàigòn và chúng tôi yêu nhau được hơn một năm rồi. Nàng học trường Régina Pacis, con nhà giàu, có lẽ vì vậy mà gia đình nàng chê lính như tôi nên cuối cùng thì tôi đành hát bài “Sayonara” để tiễn nàng về chốn cao sang. Giờ tôi chỉ còn tìm vui với máu lửa sa trường thôi.
Tôi nhìn anh, một chút xót xa thương cảm:
-Xin lỗi anh, ngày đó không phải Liên chê anh mà vì Liên còn nhỏ, còn bổn phận với gia đình. Hơn nữa Liên sợ làm người yêu của lính, lính cứ đi biền biệt, liệu mình có giữ nổi không? Nhưng bây giờ nhìn lại thấy chung quanh toàn là lính, bạn bè ai cũng có người yêu là lính cả nên Liên cũng… bớt sợ rồi.
Phương cười có chút giễu cợt:
- Thế bây giờ Liên có dám làm người yêu của lính không?
Biết Phương chọc mình tôi cúi đầu lí nhí:
- Cũng phải xem là ai, có hợp tánh tình với mình không chứ anh.
Phương gật gù:
- Câu trả lời thật khôn ngoan. Liên à, mình có thể làm bạn không? Tôi chưa dám nói tới chuyện xa xôi, chỉ làm bạn bình thường để an ủi, chia xẻ vui buồn với nhau thôi.
- Được chứ anh. Chúng mình chả là bạn từ ngày trước rồi sao?
- Ừ nhỉ, Liên đã xem tôi là bạn rồi mà. Liên à, tôi có thể gọi Liên bằng “ em” được không, Liên nhỏ tuổi hơn Phương nhiều.
- Dạ, cũng được. Coi như anh là anh trai của Liên vậy.
Phương nheo mắt:
- Cô nầy gớm thật, định gài anh vào thế kẹt phải không? Anh không sợ đâu, lính Nhảy Dù thứ thiệt đó nha!
Cả hai chúng tôi cùng cười lớn. Chị Phượng và anh Tùng nhìn sang ngạc nhiên vì sự thân mật của chúng tôi. Từ trên sân khấu giọng một người nam ca sĩ thật ngọt ngào, trầm ấm, nồng nàn với bản “ Love Story”.
“ Where do I begin, to tell the story, of how great a love can be.
The sweet Love Story, that is older than the sea….
….. There’d never been another love, another time.
She came into my life and made the living fine.
She fills my heart, she fills my heart.
With very special things, with angel songs, with wild imaginings, she fills my soul, with so much love…”
Phương nhìn vào mắt tôi và nói nhỏ “you fill my heart”. Tôi quay mặt chỗ khác:
- Cái anh nầy, giỡn hoài.
Nhưng rồi suốt những ngày đi phép của Phương, anh cứ quấn quít bên tôi. Anh đưa tôi đi xem phim ở Rex, Đại Nam hoặc vào hẻm bên hông rạp Casino ăn các món ăn miền Bắc. Có những chiều đứng trên bến Bạch Đằng nhìn những chiếc tàu Hải Quân rời bến, anh mơ ước được lướt sóng ra khơi như những chàng thủy thủ. Những lần ngồi bên nhau trong quán kem Lan Phương hay Givral anh kể cho tôi nghe về cuộc đời chinh chiến của anh, những vui, buồn , gian khổ, hiểm nguy, những trận đánh ác liệt anh đã tham dự. Anh kể về những sự hy sinh đầy dũng cảm của bạn bè ngoài sa trường, sự đau đớn, xót xa và nỗi uất hận khi nhìn đồng đội gục ngã… Nghe anh kể tôi hối hận vì ý nghĩ sai lầm về lính trước đây của tôi. Tôi không còn sợ lính nữa và cảm thấy hình như gần gủi với anh hơn. Nhà anh ở trên đường Trần Quang Khải -Tân Định, anh dẫn tôi về nhà giới thiệu với Mẹ anh, Mẹ anh có vẻ mến tôi lắm làm tôi thật ngại vì bà tưởng tôi là người yêu của anh.
Rồi anh trở lại với núi rừng, với những trận chiến ngoài kia còn tiếp diễn, tôi quay về nhà nối tiếp những ngày dài thầm lặng bên sách vở. Kỷ niệm của những ngày bên nhau đã làm tâm tư tôi bắt đầu thay đổi, tôi biết buồn bã bâng khuâng nhìn chiều nắng nhạt, biết thao thức thâu đêm sau những giờ miệt mài học hành, biết ưu tư lo lắng khi nghe tiếng súng vọng về từ xa xa, và cảm thấy một chút nhớ nhung ai đó. Những lá thư liên tiếp bay về từ chiến trường với những thương mến, quan tâm đã tôi làm tôi gục ngã trước tình yêu của anh, tôi không thể phủ nhận tình cảm của mình được nữa. Rồi từ đó thư đi, thư về ngày càng nhiều hơn đã khiến tình cảm chúng tôi thêm đậm đà, gắn bó. Tôi đã trở thành người yêu của lính từ đó.
Chuyện tình của chúng tôi kéo dài gần hai năm mà Phương vẫn chưa về phép để thăm tôi. Chiến trường sục sôi máu lửa, những tin tức về anh tôi chỉ được biết qua những cánh thư viết vội vã. Đơn vị anh được điều động đi khắp các mặt trận như: Kontum, Pleiku, Quảng Trị, Khe Sanh, Lao Bảo… Đêm từng đêm tôi âm thầm cầu nguyện cho anh được bình yên nơi tuyến đầu trận địa. Nhớ nhung, lo lắng từng ngày cho chàng nhưng tôi không biết phải làm sao. Và một lần đó, lần duy nhất trong đời, tôi đã đi đến nơi dừng quân của chàng, cũng là chuyến đi định mệnh đời tôi khi chàng báo tin cho tôi biết chàng đang đóng quân ở Tây Ninh. Tôi đã hỏi thăm và dò dẫm đường đi, tôi bất chấp dư luận, lén cha mẹ, nhất quyết phải gặp chàng cho cả hai vơi thương nhớ.
Vào thời bấy giờ những con đường quốc lộ thường bị VC đắp mô, gài mìn để phá hoại làm cản trở sự lưu thông của dân chúng và những đoàn công-voa chuyển quân tiếp viện đến các mặt trận của quân đội ta. Ngày đó tôi đang đi trên chuyến xe đò từ Cần Thơ về Sàigòn, vừa đến quận Cái Bè thuộc tỉnh Định Tường ( Mỹ Tho) trên quốc lộ 4 thì chiếc xe đi trước xe tôi bỗng ngừng lại thình lình vì có các anh binh sĩ địa phương ra chận lại bảo rằng phía trước có mìn, các chiến sĩ đang lo gỡ mìn để cứu đồng bào. Bác tài xế xe tôi trong lúc hoảng sợ, hấp tấp gài thắng thế nào làm chiếc xe bị lật ngang, lăn mấy vòng rồi rơi xuống đám ruộng khô bên đường. Kính xe bị bể nát văng vào hành khách gây thương tích rất nhiều người trong số đó có tôi. Sự việc xảy ra đột ngột làm tôi kinh hoàng, hãi hùng không còn biết gì nữa, chỉ biết mặt tôi đau buốt, máu chảy đầm đìa. Người ta đem tôi ra khỏi xe và đưa các bịnh nhân chúng tôi ngược về bệnh viện Vĩnh Long vì không thể đến Mỹ Tho được. Lúc đến bệnh viện, bác sĩ khám xong tôi mới biết là mặt tôi đã bị nhiều vết thương do miểng kính xe cắt. Ôi! Một người con gái đang tuổi đôi mươi với bao ước mơ, bao mộng đẹp mà phải mang gương mặt đầy vết sẹo thì còn đau khổ nào hơn? Tôi chợt khóc lớn, khóc thật lâu với viễn ảnh hãi hùng trước mặt.
Khi tôi được xuất viện trở về nhà tôi đã bỏ dở học hành, trốn tránh bạn bè và cả Phương nữa, tôi sẽ không bao giờ cho anh gặp mặt. Sau một thời gian dài không được thư tôi, Phương đã hiểu lầm là tôi phụ bạc nên anh giận dữ viết cho thư tôi bằng những lời trách móc nặng nề. Tôi tan nát cõi lòng, đầm đìa nước mắt để vĩnh biệt một cuộc tình đẹp như mơ.
Sáu tháng sau tôi được chị Phượng báo tin, anh Tùng cho biết là Phương đã cưới vợ, một người mà anh Tùng bảo rằng Phương chưa hề quen biết, đó là con gái của người bạn mẹ Phương. Thế là hết, là mãi mãi chia phôi, là trọn đời xa cách, là muôn thuở nhớ nhung, kiếp người bạc mệnh, bất hạnh như tôi số trời đã định còn biết sao hơn? Em chúc anh hạnh phúc bên người tình mới Phương ơi! Em chưa bao giờ phụ anh. Nhiều đêm thức trắng bên chồng thư cũ, bên những tấm ảnh của người yêu tôi nghe một nỗi tái tê dâng ngập tâm hồn. Thuở ấy mình bên nhau cùng xây bao mộng ước, cùng hướng về một tương lai tươi sáng. Nhưng giờ đây trong bóng đêm lệ em tuôn chảy âm thầm anh nào hay biết. Tất cả đã xa rồi phải không anh? Em nhớ làm sao thuở ấy, thuở anh còn ngồi hằng đêm trong quán nhạc để nghe em hát:
“…Từ lúc vắng anh nên em thường buồn. Hay lang thang ngoài đường nhỏ không tên, hay ghi câu nhạc tình héo hắt với tâm tư sầu đau kể từ ngày xa cách nhau…”
Rồi thời gian cứ lạnh lùng trôi, tôi vẫn theo dõi bước chân anh trên vạn nẻo đường sương gió. Anh oai hùng, anh chiến thắng, danh vọng, tên tuổi anh càng sáng chói… còn tôi lu mờ trong bóng tối âm u.
Đến ngày tang thương mất nước, tôi theo người cậu di tản sang Mỹ. Tôi muốn trốn chạy những người thân quen, trốn chạy nơi đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm để lòng vơi bớt não nề băng giá. Nơi đây tôi may mắn được quen với ông Anthony Saleno một bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ gốc người Italy, ông đã giúp đỡ chữa trị khuôn mặt của tôi. Sau cuộc giải phẩu, tôi rất ngạc nhiên và sung sướng: mặt tôi đã trở lại gần như bình thường. Tôi vui mừng viết thư báo tin cho Ba Mẹ biết để các người yên tâm, bớt đau khổ vì tôi. Nhưng có những chiều lái xe từ sở về nhà, nhìn con đường trước mặt chạy dài hun hút, nhìn dãy Big Bear Mt. mờ mờ ẩn hiện dưới chân mây, hoặc những lần lang thang một mình bên bờ Redondo Beach tôi bỗng thấy lòng nhớ anh da diết. Chính tôi đã hủy hoại tình yêu mình, chính tôi đã xô đẩy anh đến với người khác, giờ đây mọi việc đã lỡ làng, đã muộn màng làm sao tìm kiếm lại những ngày xa xưa ấy? Nước mắt tôi cứ mãi tuôn rơi trong những đêm sầu trăn trở, tôi đã sống với những ngày tháng buồn tênh và những kỷ niệm ngập tràn nhung nhớ.
Mười lăm năm sau, tôi đi dự lễ giỗ Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn 4 Quân Khu 4. Trước đó ông từng là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, vì kính trọng, thương mến ông nên các anh trong Sư Đoàn 7 BB làm lễ giỗ cho ông hằng năm ở Nam California. Thật bất ngờ, trong số người tham dự tôi đã gặp lại người xưa như một cơn mơ. Tôi lặng người, run rẩy đứng nhìn anh từ xa, anh không thay đổi nhiều, già dặn, trầm tĩnh hơn, da dẻ hồng hào hơn ngày xưa nhưng ánh mắt vẫn buồn buồn như thuở nào tôi mới gặp, và chính nét buồn đó đã làm gục chết trái tim tôi. Tôi tiến lại gần anh và hỏi:
- Anh Phương có còn nhận ra tôi không?
Phương nhìn tôi, mở to đôi mắt, miệng lắp bắp:
- Trời ơi! Lẽ nào tôi nằm mơ? Bích Liên đây sao? Có thật là em không?
- Anh vẫn còn nhớ tới Liên sao? Liên cứ tưởng thời gian đã làm nhạt nhòa hình bóng Liên trong anh rồi. À, sao anh lại có mặt ở đây? Anh là dân Nhảy Dù mà, đâu phải là đệ tử của ông Tướng Nam?
- Anh theo một người bạn đến thắp nhang cho ông Tướng, người mà anh rất ngưỡng mộ.Thôi chúng ta ra ngoài kia nói chuyện tiện hơn, anh có biết bao điều muốn nói với em.
Chúng tôi ra ngồi ở một băng ghế sau nhà và đã cùng nhau trút cạn nỗi niềm tâm sự. Phương cho tôi biết là sau khi tưởng tôi phụ bạc anh, anh tức giận muốn trả thù tôi nên đã cưới vợ.
Anh buồn bã trầm giọng:
- Anh đi biền biệt suốt tháng quanh năm nên người vợ chưa từng thương yêu của anh cũng chán nản bỏ anh theo người khác. Có lần anh được anh Tùng kể rõ hoàn cảnh em cho anh nghe, anh đã hối hận và viết cho em rất nhiều thư nhưng không có sự hồi âm nào (lúc đó tôi đã dời chỗ ở). Rồi trước biến cuộc 30 tháng 4- 1975 xảy ra vài ngày, anh từ Đà Nẵng chạy về tới Nha Trang gặp một người bạn là thuyền trưởng Hải Quân đang chuẩn bị di tản, anh đã ở lại và cùng đi với các anh em Hải Quân đó. Khi đến Hoa Kỳ anh ở miền Bắc Mỹ mấy năm, sau đó anh tìm cách về California sinh sống và hy vọng gặp người quen để biết tin tức về em vì ở Cali có nhiều người Việt Nam. Anh được biết tin Tùng đã chết trong tù, còn chị Phượng thì vì quá nhớ thương chồng và nhiều gian khổ nên cũng đi theo Tùng sau một cơn bịnh nan y. Anh vẫn chờ em, vẫn luôn cầu mong có ngày gặp lại em, không ngờ chúng ta ở cùng trong một thành phố mà trời cao thật trớ trêu. Thời gian dài đăng đẳng không có tin tức gì về em cả, anh đã tuyệt vọng. Vì cần người nương tựa nhau để sống cho qua những ngày tháng buồn nơi xứ người nên hai năm trước đây anh đã kết hôn với một phụ nữ cùng làm chung sở. Anh không yêu cô ta nhiều nhưng nàng cũng là một người vợ hiền. Bây giờ gặp lại em anh hối hận sao mình quá hấp tấp….
Tôi ngắt lời anh:
- Thôi anh đừng nói nữa. Em biết đời em vô duyên, bất hạnh không dám mơ ước cùng anh chung bóng chung đôi.
Lòng tôi chợt thấy xót xa, cay đắng và đau đớn vô cùng. Bao nhiêu năm chờ đợi trong mỏi mòn tuyệt vọng, dù biết rằng chuyện tái hợp với người xưa không thể nào có nhưng khi nghe anh đã có người đàn bà khác tim tôi quặn thắt, tái tê.
Phương hỏi tôi:
- Anh nghe Tùng nói em bị tai nạn … anh thấy em đâu có gì khác lạ? Sự thật là thế nào?
- Anh còn tìm hiểu làm chi khi chúng ta đã không về cùng chung hướng đường. Đời đã chia hai lối rẽ, coi như một giấc mơ, tỉnh mộng rồi sẽ không còn gì tất cả.
- Em giận anh phải không? Sao không kể lại chuyện ngày đó cho anh nghe?
- Đúng thế! Em giận lắm. Anh đâu hiểu được cũng vì lặn lội đi thăm anh, em mới bị tai nạn. Anh đâu hiểu được những nỗi đắng cay, đau khổ, tuyệt vọng mà em âm thầm chịu đựng, em cô đơn trong suốt cuộc hành trình dài đăng đẳng. Em vẫn cầu mong được gặp lại anh, vẫn chờ, vẫn đợi…nhưng tất cả chỉ là bọt biển, và một cơn sóng lớn vô tình, tàn nhẫn đã vùi dập chúng không chút luyến thương…
Tôi cảm thấy thật tủi thân, bỗng dưng tôi oà khóc và ôm mặt chạy ra đường. Phương hốt hoảng chạy theo hết lời năn nỉ. Tôi không màng đến anh nữa, không cần nghe anh nói gì hết, tôi lên xe đóng mạnh cửa và gục xuống tay lái. Tôi cứ mặc cho nước mắt tuôn rơi, mặc cho con tim rên rỉ, đớn đau. Tôi hận anh, tôi oán hờn anh, tôi trách anh là kẻ bội tình, đã hai lần bóp chết trái tim vô tội đáng thương của tôi. Cả tuổi xuân của tôi vì ai mà phôi phai tàn tạ, vì ai mà tôi lưu lạc tha phương xa cha nhớ mẹ? Vì tình yêu khờ khạo của tôi thôi.
Tôi ngẩng đầu lên, lau khô nước mắt. Phương vẫn đứng bên ngoài xe miệng lẩm bẩm gì đó tôi không nghe. Tôi nổ máy cho xe chạy…hình như anh muốn chạy theo nhưng xe tôi đã rẽ qua con đường khác, một con đường rưng rưng buồn với hai hàng phượng tím giăng giăng. Hết rồi, một cuộc tình đã đi qua không bao giờ trở lại, có chăng là nước mắt và thương đau. Thôi, người ơi xin gĩa từ, bây giờ và mãi về sau trong tim tôi chỉ còn một Trần Thế Phương của ngày xưa thân ái, của hương xưa tình cũ. Nhưng Thế Phương đó đã chết rồi, chết trong ngày đất nước tan hoang, sụp đổ, và mối tình si của tôi cũng đã theo người thiên cổ…
Từ ngày đó tôi không bao giờ gặp lại Phương nữa. Chiều nay đứng nhìn cơn mưa ngoài trời dai dẵng, lê thê không dứt, tôi bỗng thở dài. Ngoài kia những chiếc lá vàng đang bay lả tả sau một cơn gió mạnh vừa thổi qua, không gian vẫn một màu xám ngắt… Tôi bước tới giàn máy hát đưa tay mở nhạc, những lời hát sao thật buồn như cuộc tình của tôi:
“Chuyện tình mười mấy năm qua, nay bỗng xót xa, những khi sầu giăng.
Còn đâu ngày quen biết nhau, đã yêu anh rồi, yêu cả cuộc đời.
Khi anh đã phụ lòng em… đã phụ lòng em, đau thương anh để lại, xót xa vô vàn, chỉ là bội ước những lời hẹn thề mà lòng tái tê…” (Tình Phụ)
Vi Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét