Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Duyên Khởi Thơ Thiền Trong Đời Sống Văn Thơ Lạc Việt - Nguyễn Hồng Dũng

                 (Hình minh hoạ)

 Giữa mùa đại dịch Covid 19 khi nhà trường đóng cửa, tháng Tám năm 2020 dân chúng California đang sống phập phồng theo từng tin tức, sức khỏe, chính trị, bầu cử, thương nghiệp và còn hàng tấn thông tin từ khắp Á, Âu. Lòng người có tĩnh lặng thì ngoại cảnh cũng theo đó mà cuốn trôi. Dù tất cả doanh nghiệp, trường ốc đóng cửa nhưng truyền hình, radio phải phát sóng, chuơng trình TV phải công chiếu theo thời biểu ấn định, vì thế mà anh em trong nhóm truyền thông Văn Thơ Lạc Việt không bỏ sót một section nào.

<!>

Tôi ngồi trong phòng thu, thi sĩ Lê Tuấn chuyền xấp báo và dặn dò, đọc kỹ để nói về đề tài này trong tuần tới, bây giờ thì nên đúc kết phần hội luận “Bà Huyện Thanh Quan” kỳ chót; tôi đưa tay nhận lấy xấp giấy với chữ in quá nhỏ cho đôi mắt lão thị này, đọc vài tiêu đề về mùa thu và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, tôi chợt thấy bài thơ của thiền sư Thông Hội với tựa thơ“Thật Hư” như thế này:

 

“Tin vui giao động mười phương

Cỏ cây tỉnh giấc vô thường từ đây.

Ảo hư, chân thật hiển bày

Hạt Sen, rồi cũng có ngày nở hoa.”

 

Bên cạnh có Giáo Sư Nguyễn Đức Lâm cùng thi sĩ Chinh Nguyên đang lên chương trình văn học cho tháng Chín chiếu trên kênh 16.4, tôi lên tiếng đề nghị với Giáo sư Lâm:

-Mấy kỳ trước trên VieTV, chúng ta nói về các Tôn giáo rất được khán giả yêu thích. Kỳ này mình chuyển mục về thiền học và thơ ca cho cô Vi cô Na nghe luôn:

Giáo sư Lâm chưa trả lời nhưng nhà thơ Chinh Nguyên thì gật đầu trước hết. Anh nói:

-Hết mùa thu thì đến thiền thi. Mình còn sức thì cứ cống hiến.

Giáo sư Lâm có vẻ tâm đắc với mục thi ca này nên cười dòn tan và nói rằng:

-Tôi đã soạn thảo xong những tài liệu về thiền và thi ca Việt nam lâu rồi, tài liệu này nói cả năm chưa hết…!

Dường như Thi sĩ Lê Tuấn đã có dự trù trong tác phẩm “Trại Đập Đá” vừa xuất bản, anh hớn hở khoe ra:

-Tôi viết nhiều bài thơ mang dáng dấp về Zen trong tác phẩm mới in, hay chúng ta hội thoại đề tài này kỳ tới nhé.

Đồng thanh tương ứng, cả bốn anh em chúng tôi nhất định thực hiện chương trình Thiền trong thi ca Việt Nam cũng như thai nghén cho tập Kỷ Yếu về Thiền mà Văn Thơ Lạc Việt dự định ấn hành sẽ ra mắt vào mùa xuân năm Nhâm Dần.

 

Chúng tôi có duyên trong nhóm thi đàn với thơ ca nhạc họa, những món ăn tinh thần chứa đựng những yếu tố siêu thực, vượt ra ngoài phạm trù của lý luận, cân đo đong đếm. Thơ phát xuất từ sự rung cảm nội tâm, đâu đó trong tiềm thức, tự nhiên qua trực giác nhận ra.

Thiền là một sự tỉnh thức, một khái niệm không còn xa lạ, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được bản chất thực của thiền.  Nhìn lại lịch sử Phật giáo trên 2500 năm trước, đức Phật thiền định dưới cội bồ đề và giác ngộ, thấy được cái khổ và  con đường đưa đến sự diệt khổ, muốn vậy, chúng sanh phải nhận ra bản chất nội tại của vấn đề khổ, chỉ có một cái tâm an tịnh bằng cách thiền định mới nhận chân được sự thật quý giá này.

 

Thiền là sự thực hành suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành an tịnh.   thiền là ngâm mình trong sự trầm tư mặc tưởng hay sự phản tỉnh, tập trung vào hơi thở hay trì tụng một câu thần chú lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích hướng đến sự tỉnh thức tâm linh ở một cấp độ cao. Cũng có thể chúng ta hoạt động hướng sự tập trung vào một đối tượng, đó là sự nỗ lực hết mình để ràng buộc tâm vào một điểm duy nhất vì dường như người ta không có khả năng tập trung vào hai đối tượng trong cùng một thời điểm.Tại một số đại học Hoa Kỳ đã có những lớp Thiền như là một phần tri nghiệm tự nhiên của con người, có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao hệ miễn dịch trong người chúng ta.

Bất kỳ ai ngắm nhìn một cành hoa đang nở giữa trưa hè, một bức tượng nghệ thuật mà cảm thấy trầm tĩnh và nội tâm thanh thoát đều thưởng thức hương vị của thiền.  

 

Một khi nói thơ trong Thiền nghĩa là trực giác và cảm nhận của tri thức đang phát khởi. Thơ không cần phải có nghĩa mà tự nó đã hiện hữu như là khi rung cảm trái tim trong sự tỉnh lặng thì  dường như  thơ đã vô hình dung hòa nhập với thiền tính bao giờ không biết nữa.

 

Nhà thơ Lê Tuấn ngồi uống trà lúc sáng mai trong khuôn viên im vắng, gió nhẹ mơn mỡn vầng trán nhăn, sợi tóc lòa xòa đã đưa anh vào chánh niệm, vẫn miên man với đề tài mà Giáo Sư Lâm   gợi ý hôm qua, anh chợt hỏi:

 

THIỀN LÀ GÌ?

Thiền là vầng trăng sáng

Đưa người đến tình thương

Khi tâm đang nhiễu loạn

Thiền chỉ lối đưa đường

*

Nếu thiền gặp ma cảnh

Tâm sẽ phản bội người

Đem ta vào tà mị

Lạc mất hướng vào đời.

*

Thiền ở trong thánh địa

Nằm tận đáy tâm hồn

Chỉ khi tâm gạn đục

Sẽ nhận được nguồn ơn.

*

Thiền như người chiến sĩ

Xông pha giữa chiến trường

Phá tan cơn mộng dữ

Đem người đến tình thương.

*

Thiền là dòng sông chảy

Vào tận đáy cội nguồn

Thiền là hoa sen nở

Rực rỡ trong tâm hồn.

 

 

Khi bài thơ post lên, tác giả của “Yêu Nhau Mấy Núi” đã họa lại như giải bày nội tâm mà bao lâu nay Nữ Sĩ Phương Hoa ôm ấp trong lòng:

 

TÂM THIỀN

 

Tâm Thiền luôn tỏa sáng

Nở rạng hoa yêu thương

Xả buông lòng thanh thản

Ý thiện bước ngay đường

*

Tâm Thiền tâm không cảnh

Bác ái trải cho người

Ngoài mưa trong vẫn tạnh

Sân hận chẳng xâm đời

*

Tâm Thiền nơi cấm địa

Tạp niệm khó len hồn

Sống một đời nhân nghĩa

Rồi nhận được Thánh ơn

*

Tâm Thiền thôi mộng mị

Đoạn bỏ việc đời thường

Định thần trong hoan hỉ

Sân hận chuyển yêu thương

*

Tâm Thiền như dòng chảy

Đưa linh tánh về nguồn

Giúp sống đời tự tại

An lạc giữa càn khôn

 

Nhưng đụng tới Văn Thơ Lạc Việt thì Nữ Sĩ tài hoa không thiếu: Trần Tuyết Vân, Lê Diễm, Trúc Giang, Minh Thuý, Tina Phạm, Tuyết Nhung, Tracy Trần, Phương Hoa, Ngọc Bích, Thuý Nga, Khánh Ngân, Vệ Trà, Thiên Phương, Thanh Xuân,  Đỗ Minh Giang,  Kimberly Mỹ Phượng, Huệ Thu, … đã từng thi, ca, nhạc, hoạ bốn phương rồi dừng chân tại Văn Thơ Lạc Việt như bến đổ sau cùng. Trong số đó có nhà thơ Minh Thúy đã trả lời câu hỏi “Thiền Là Gì?” theo lối thi họa thật ngọt ngào mà mang chất thiền vô cùng thâm diệu:  

“Thiền chú tâm theo dõi

Tâm rèn biển tuệ thương

Hít sâu và thở nhẹ

Phương pháp dẫn con đường

 

Thiền bỏ buông tham đắm

Từ bi sống với người

Xoa tan phiền não trượt

Chẳng kết hận bên đời

 

Thiền để không vương vấn

Buồn đau ngậm nỗi hờn

Không thù mà chẳng oán

Nhẹ nhõm tẩy từng cơn

 

Thiền ngẫm điều Không, Sắc

Nhìn xoay mãi cảnh trường

Trời mênh mông én lượn

Cảm nhận gởi niềm thương

 

Thiền vận từ tim mạch

Lưu thông máu chảy nguồn

Là hương sen dịu tỏa

Khởi niệm tốt soi hồn”

 

Phải thực hành thiền quán may ra mới hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mĩm cười... Minh Thúy, Thanh Xuân hay gì gì đi nữa cũng thấy được cái khổ không, vô thường, vô ngã và đó cũng là chất keo gắn kết nhóm thơ văn hải ngoại này suốt cả ba thập niên trôi qua không một lần xích mích. Cũng xin cám ơn những người anh Cả, những người đem tâm lực để gầy dựng đàn em: Dương Huệ Anh. Nguyên Phương, Trường Giang, Đông Anh, Chu Tấn, Nguyển Công Bình, lê Tuấn, Chinh Nguyên, Nguyễn Đức Lâm, Lê Văn Hải, Giao Chỉ, Tony Nguyễn, Hoàng Thưởng, Phạm Mạnh Đạt, Song Linh, Phạm Thái, Mạc Phương Đình, Trần Nam, Lê Hữu Lộc, Ngô Đình Chương, Lê Duy San, Đom Đóm, Mạc Lan Đình, Thái MC, Ngẫu Hồ và còn nhiều nữa không nhớ hết.

 

Những con người dù tên tuổi đầy mặt báo, nhưng khi văn thơ lạc Việt ngồi lại cũng là lúc tìm nhau sự tĩnh lặng, trầm lắng để tâm hồn vượt thế tục nhiễu nhương rồi cùng nhau đi vào cõi riêng của không tánh, quán tưởng những điều ít hiểu thấu, và từng lời nói, câu văn, vần thơ đi vào thế giới huyền diệu, mênh mông giữa hữu hình của vũ trụ và vô hình của tâm linh. Có lẽ đó là điều đáng trân quý của anh chị em văn thi hữu Văn Thơ Lạc Việt xa xứ này?

Cốt lõi của thơ là cảm xúc hơn là suy tưởng, còn thiền là thức tĩnh để nhận thức. Cả hai phía Thơ và Thiền là hai thế giới “Nan Tư Nghì”. Thơ đi từ phi thực của cái hữu thực để chân tâm đại ngộ phát khởi tâm thiền, đạt đến trạng thái thanh thoát an nhiên. Dù thơ văn, hội hoạ hay ca nhạc, chuyện trò đều làm cho tâm hồn thanh khiết, cảm nhận được cái đẹp của vũ trụ và gây cho con người cảm hoá được giữa người và sinh vật”.

Nước Việt ta mấy ngàn năm trước có Thiền sư Vạn Hạnh đời nhà Lý đã ngộ ra cái có, không của vũ trụ:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả vũ trụ này cũng không

Có không ở bóng nguyệt lòng sông

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.”

Cái tuyệt học của Thiền còn thể hiện được sự lạc quan, yêu đời dù cuộc đời vô thường biến dịch, tầm nhìn của Mãn Giác thiền sư (1045-1096)  trong bi kệ “Cáo Tật Thị Chúng” là rốt ráo chân như, là vô thường, vô ngã, và cả vô tác, vô sanh.

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

 Nghĩa là:

(Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa nở.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai).

 Còn nhà thơ Tô Thùy Yên đã vẽ lên một bức tranh sống động, vui vẻ, phù hợp trong mùa đại dịch Covid-19 để chúng ta đừng hoài nghi, yếm thế, sống thanh thản, an vui, trong bài thơ “Ta Về”, đó cũng chính là chất liệu Thiền trong từng con chữ:

“Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi”

Dù sao thì những con người trong nhóm Văn Thơ Lạc Việt vẫn là kẻ hậu bối của những thiền sư Vạn Hạnh, Huyền Quang, hay Mãn Giác, những sự tiếp giao này chính là nhịp sống, là mạng mạch của chất thiền từ ngàn xưa ngấm sâu vào cốt tủy nhân gian, tạo thành một chất văn hoá tâm linh nơi hải ngoại. Chúng ta mang những hạt giống thiền, từ trẻ đến già vẫn ái quốc an dân, khơi niềm an lạc và yêu thương cho những người xa gần củng thở trong nhịp sống an hòa.

Khởi đi từ xa lắc đến hiện trạng hôm nay, dù vần thơ Thiền còn vướng mùi tục đế thì Văn Thơ Lạc Việt vẫn chắp cánh giữa thơ ca đương đại với ý tưởng xuất trần của các đại thiền sư. Do đó, sức sống Thiền trong thi ca vô cùng bền vững, là tiếng nói từ cõi lòng hòa cảm nỗi yêu thương. Hãy trân quý từng lời, từng vần điệu bởi chính nó đã giải tỏa phần nào cái tinh thần stress trong cơn đại dịch, xóa tan mọi tạp nhiễm xô bồ, giành giựt hơn thua rồi mặc kệ cái thịnh suy giữa trần gian mà chúng ta đang sinh hoạt.

 Xin cám ơn đến sự trân trọng từ phẩm chất đạo đức và sự chan hòa của từng người một trong “Teamwork” văn thơ. Đây chính là nền tảng vững chắc cho chất liệu thơ Thiền phát khởi, là tình cảm tốt đẹp nảy nở phát sinh. Anh chị em đã thể hiện đức tính khiêm cung, lời nói, cử chỉ, hành động hay ánh mắt nụ cười đều từ trái tim chân thành và lòng tri ân đất trời, con người và vạn vật. Dù vẫn còn tin tức Covid 19 biến thể Delta, Văn Thơ Lạc Việt chúng ta cũng rất may mắn được đến với nhau trong một đại gia đình văn học hải ngoại, chúng ta có chất liệu của Thiền, có sự chăm bón của quan tâm và yêu thương thật tuyệt vời. Đó là động cơ giúp nhiều văn thi hữu đến cùng nhóm văn thơ càng ngày càng đông, Khi viết tới đây chúng ta lại thêm tin nhà báo Kiều Mỹ Duyên, Cựu Trung Tá Phạm Phan Lang gia nhập đại gia đình Lạc Việt, là động cơ giúp chúng ta đoàn kết, sống thiện lành, có ích lợi cho nhân quần xã hội. Chúng ta cũng tri ân đến công sức của những tiền bối hữu danh, bởi uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây chính là Thiền vị.

Văn thơ lạc Việt đang tiếp sức lạc quan cho đời, xua tan những khổ đau do hiềm khích, đố kỵ, ghen ghét, bởi từng văn thi hữu chúng ta đều có một lý tưởng sống đẹp, lòng biết ơn cuộc đời và hẳn nhiên đất trời sẽ cho ta hạnh phúc an vui. Đó cũng chính là nguồn năng lượng Thiền vị mà phát khởi tâm từ.

Nguyễn Hồng Dũng

July 4-2021

Không có nhận xét nào: