Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

ĐIỂM TIN 20/7/2023 - LOng Đỗ

Tình Báo Anh kêu gọi người Nga hợp tác để chấm dứt chiến tranh Ông Richard Moore, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Anh (MI6), khẳng định rằng cuộc binh biến hồi tháng trước của đội quân đánh thuê Wagner cho thấy Điện Kremlin đang có “những rạn nứt lớn,” đồng thời chiêu mộ những người Nga đang khiếp sợ với cuộc chiến ở Ukraine hãy hợp tác với Anh, theo Reuters hôm Thứ Tư, 19 Tháng Bảy. Đây là những ý kiến mà ông Moore đưa ra trong bài phát biểu tại tòa đại sứ Anh ở Prague, bài phát biểu công khai thứ hai của ông sau khi giữ chức vụ đứng đầu MI6.

<!>

Ông cho rằng hiện giờ dường như không có triển vọng nào để Nga lấy lại được thế trận ở Ukraine. Ông ví tình hình hiện nay ở Ukraine như Mùa Xuân Prague năm 1968, khi xe tăng Liên Xô dập tắt các cuộc cải cách tự do.

Ông nhận định rằng nhiều người Nga đang phải vật lộn trong những tình huống khó xử như năm 1968, khi họ chứng kiến cấp lãnh đạo của mình bị mua chuộc, đấu đá nội bộ, khả năng chỉ huy kém cỏi và nhẫn tâm. Từ đó ông kêu gọi những người này hãy làm việc với Anh, khẳng định “bí mật của họ sẽ được giữ an toàn và hai bên sẽ cùng nhau làm việc để chấm dứt đổ máu.”

Trong cả bài phát biểu này và trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Moore nhận định cuộc nổi loạn của đội quân đánh thuê Wagner phơi bày được những “sự suy tàn không thể chối bỏ” của chế độ mà ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đang áp dụng, cũng như những rạn nứt lớn trong giới tinh hoa Nga.

Ông cũng bày tỏ sự lạc quan đối với cuộc phản công của Ukraine. Ông nhận xét quyết định cung cấp máy bay không người lái cho Moscow của Iran là hành động “vô lương tâm,” đồng thời cho biết việc này gây ra những bất đồng nội bộ ở cấp cao nhất của Tehran.

Ngoài ra, ông Moore chia sẻ về những thách thức do trí tuệ nhân tạo (AI) gây nên. Các nhân viên của ông đang sử dụng kỹ thuật này để tối ưu hóa công việc, bao gồm gián đoạn dòng vũ khí đến Nga. Thế nhưng đồng thời ông cảnh báo rằng phía Nga cũng sử dụng AI để truyền bá thông tin dối trá.

Mặc dù tập trung vào Nga, nhưng ông Moore khẳng định cơ quan của ông đang hướng nguồn lực nhiều nhất vào Trung Quốc

Sổ thông hành Singapore quyền lực nhất thế giới


– Singapore vượt qua Nhật Bản trở thành quốc gia có sổ thông hành (passport) quyền lực nhất, cho phép người sở hữu sổ thông hành của họ có thể được miễn visa nhập cảnh 192 trên 227 quốc gia và lãnh địa trên toàn thế giới, theo CNBC trích dẫn bảng xếp hạng quyền lực sổ thông hành Henley Passport Index.

Bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên dữ liệu từ Cơ Quan Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA). Cơ quan này xếp hạng sổ thông hành dựa trên số lượng điểm đến mà người sở hữu sổ thông hành đó có thể nhập cảnh mà không cần xin visa trước.

Đức, Ý và Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ hai. Công dân của họ có thể thoải mái đi đến 190 điểm đến trên toàn cầu.

Nhật Bản, quốc gia đứng đầu danh sách năm ngoái, tụt xuống vị trí thứ ba, với 189 điểm đến, giảm 10 so với năm 2022. Cùng xếp với Nhật Bản ở vị trí thứ ba là Áo, Phần Lan, Pháp, Luxembourg, Nam Hàn và Thụy Điển.

Anh tăng hai bậc, nằm ở thị trí thứ tư sau sáu năm trượt dài.

Năm 2021, sổ thông hành của Singapore cũng xếp thứ nhất với 194 điểm đến. Trong vòng 10 năm qua, Singapore tăng 25 điểm, leo thêm năm bậc trên bảng xếp hạng.

Trong khi đó, trong 10 quốc gia đứng đầu, Mỹ có mức tăng điểm số nhỏ nhất. Quốc gia này hiện đang xếp thứ sáu.

Ông Greg Lindsay, ở Jacobs Institute của Cornell Tech, nhận định rằng việc Mỹ trượt dài không ngừng trên bảng xếp hạng sổ thông hành là một lời cảnh báo đối với nước láng giềng Canada và cả phần còn lại của những nước nói tiếng Anh. 

Bà Annie Pforzheimer, ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, cho biết sự trượt dốc cũng góp phần làm suy giảm quyền lực mềm của Mỹ, vì các doanh nghiệp đôi khi sẽ gặp những thách thức trong việc mời các đối tác tham gia các cuộc họp, hoặc khách du lịch gặp chậm trễ khi ghi danh.

Không chỉ đơn thuần là giấy thông hành, Henley and Partners cho rằng sổ thông hành mạnh đem đến tự do tài chính đáng kể trong kinh doanh và đầu tư quốc tế.

MacKenzie Scott, vợ cũ tỷ phú sáng lập Amazon, phân phối quỹ từ thiện $250 triệu


 Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Bảy, tỷ phú bác ái MacKenzie Scott, sau khi đưa ra lời kêu gọi công khai cho các tổ chức từ thiện muốn được chia phần trong quỹ từ thiện trị giá $250 triệu do bà thiết lập, cho biết hiện đã có 6,353 tổ chức nộp đơn xin.

Lever for Change, cơ quan bất vụ lợi có nhiệm vụ kiểm soát tiến trình nộp đơn, cho hay các đơn xin đến từ tất cả 50 tiểu bang, Puerto Rico và quần đảo Virgin Islands của Mỹ. Tên của 250 tổ chức trúng tuyển để nhận tiền làm từ thiện sẽ được công bố vào đầu năm 2024.

Nhà bác ái Scott đã thay đổi tiến trình tặng tiền từ thiện kể từ năm 2019 đến nay, phân phối những món tiền lớn lao, không hạn chế và bất ngờ cho các cơ quan bất vụ lợi lúc bà bắt đầu cho đi một phần tài sản sau khi ly dị chồng cũ, là Jeff Bezos, chủ nhân đại công ty Amazon.

Cho đến lúc này, nhà bác ái Scott đã chi ra hơn $14 tỷ cho các món tiền tặng không giới hạn cho 1,600 tổ chức bất vụ lợi. Bà Scott đang làm chủ khối tài sản trị giá hơn $36 tỷ, theo tạp chí Forbes.

Hồi Tháng Ba, lần đầu tiên, tổ chức từ thiện Yield Giving của bà loan báo nhận đơn xin tiền ủng hộ hoạt động của các cơ quan từ thiện. Lời kêu gọi công khai đã tạo áp lực lên các nhà vận động tiền bạc cho quỹ từ thiện và cho các quỹ cứu trợ bất vụ lợi, khiến họ phải nỗ lực làm sao giành được tiền ủng hộ từ quỹ từ thiện của bà Scott.

Những món tiền yểm trợ này được đưa đến trong hoàn cảnh các tổ chức bất vụ lợi đang phải đối phó với nạn lạm phát, khiến họ bị áp lực phải tìm nguồn tiền thay thế món tiền trợ cấp đang cạn dần do chính phủ cung cấp trong thời gian xảy ra đại dịch vừa rồi.

Trong một tháng, Ukraina giải phóng nhiều lãnh thổ, hơn Nga chiếm được trong một năm’



Ông Richard Moore, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh cho biết, trong vòng một tháng, Kyiv đã lấy lại được nhiều lãnh thổ hơn những gì người Nga có thể chiếm được trong một năm.

“Các chỉ huy Ukraina, không giống như những người đồng cấp Nga, muốn bảo vệ mạng sống của những người lính và do đó, họ tiến lên một cách thận trọng”, ông Moore phát biểu tại Đại sứ quán Anh ở Praha vào ngày 19/7.

Người đứng đầu cơ quan tình báo MI6 nói thêm rằng, việc Ukraina giải phóng các lãnh thổ của mình là một con đường khó khăn, các quan chức cũng như quân đội Ukraina không né tránh nó. Trong khi đó, người Nga tạo ra một hệ thống phòng thủ khiến Ukraina rất khó vượt qua.

Ông cũng kêu gọi người Nga hãy “hợp lực” với cơ quan tình báo của Anh và chấm dứt việc đổ máu.

Cháy kho đạn ở Crimea, 2.000 người phải sơ tán

Một kho đạn ở thao trường phía đông bán đảo đã bất ngờ bốc cháy vào rạng sáng nay 19/7, khiến khoảng 2.000 người phải sơ tán.

Vụ hỏa hoạn buộc chính quyền địa phương phải phong tỏa một phần đường cao tốc Tavrida. Tavrida là một đường cao tốc lớn dài 250km nối từ cây cầu Crimea vào bán đảo.

Ngoài ra, giới chức trách cũng yêu cầu sơ tán đối với khoảng 2.000 người dân.

Các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, ngọn lửa lớn và khói bốc lên mù mịt tại một khu vực không có người ở sau một loạt vụ nổ. Một số kênh Telegram cho hay, đến 7h30, nghĩa là sau 3 giờ đồng hồ, lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn đám cháy.

Cùng ngày, ông Serhiy Bratchuk – người phát ngôn của chính quyền quân sự Odessa ở Ukraina, đăng hai video về một vụ cháy ở khu vực không có người với tiêu đề: “Kho đạn dược của đối phương. Staryi Krym”.Staryi Krym là một thị trấn nhỏ thuộc quận Kirovske của Crimea.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

Tỷ phú Elon Musk thống trị quỹ đạo với các vệ tinh Starlink

Ảnh hưởng của ông Elon Musk trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông vệ tinh đã tăng lên. SpaceX, công ty do ông thành lập, hiện chiếm hơn 60% số lần phóng vệ tinh toàn cầu trong năm nay.

Trong 6 tháng, công ty SpaceX của ông Musk đã đưa hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, trong khi mỗi năm Nhật Bản chỉ phóng 10-20 vệ tinh.

Ở một số nơi, các vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái đất đã cung cấp tốc độ liên lạc nhanh hơn so với băng thông rộng trên mặt đất. Ông Musk còn là người sáng lập Tesla, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, hiện đang dồn tâm sức vào thị trường đang phát triển này.

Ngày 20/6, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Musk đã gặp ông Modi và bày tỏ mong muốn cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh ở Ấn Độ. Đồng thời ông cũng cho biết, hệ thống kết nối vệ tinh được nâng cấp là bước đột phá cho những ngôi làng hẻo lánh có tốc độ truy cập Internet chậm.

Ấn Độ có dân số 1,4 tỷ người nhưng chỉ có 2% hộ gia đình có dịch vụ Internet tốc độ cao.

Ngày 16/7, Nikkei đưa tin một tên lửa của SpaceX có thể mang tới 60 vệ tinh cùng lúc. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, công ty này đã đưa hơn 1.000 vệ tinh vào quỹ đạo.

Theo ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, hơn 60% vệ tinh hiện được phóng trên khắp thế giới đều do SpaceX thực hiện. Công ty này đã phóng gần 5.000 vệ tinh vào vũ trụ kể từ năm 2019, và xin phép được phóng tổng cộng 42.000 vệ tinh tinh đến năm 2027, gấp khoảng 20 lần số vệ tinh đang hoạt động hiện nay.

Đối thủ công nghệ cao của SpaceX là Amazon cũng có kế hoạch phóng vệ tinh thử nghiệm vào cuối năm nay.

Mạng vệ tinh Starlink của SpaceX có thể cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao, vì các vệ tinh có quỹ đạo cách bề mặt Trái đất từ 300 – 600 km, thấp hơn nhiều so với các vệ tinh thời tiết và các vệ tinh khác thường có quỹ đạo khoảng 36.000 km. Để truy cập Internet vệ tinh, khách hàng của Starlink chỉ cần cài đặt bộ thu phát sóng, kích thước 50 x 30 cm.

Trong email gửi đến khách hàng, SpaceX cho biết mạng Internet vệ tinh có thể đạt tốc độ 50-150 Mb/giây. Ở một số nơi, Starlink thậm chí đạt 175 Mb/giây. Trong khi đó, theo Speedtest, tốc độ Internet di động tại Việt Nam là 46 Mb/giây và băng rộng cố định là 84 Mb/giây.

Starlink hiện chủ yếu cung cấp dịch vụ Internet cho các doanh nghiệp khác nhau. Hãng tàu du lịch Hoa Kỳ Royal Caribbean Group và hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Zipair Tokyo nằm trong số các khách hàng của họ.

Trong cuộc chiến tranh Ukraine, nhiều cơ sở liên lạc mặt đất ở Ukraine đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Nga và các dịch vụ Starlink đóng một vai trò quan trọng.

Nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra tốc độ internet của Mỹ Ookla cho biết, xét về tốc độ, dịch vụ Starlink ít nhất có thể so sánh với các dịch vụ trên mặt đất, nhanh hơn 40% so với băng thông rộng thông thường ở Anh và nhanh gấp đôi ở Úc.

Vì Internet vệ tinh không còn yêu cầu đặt cáp nên nó có lợi thế lớn ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc yếu kém.

Theo Euroconsult, một công ty tư vấn ngành vũ trụ châu Âu, số lượng đăng ký băng thông rộng vệ tinh trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 71 triệu vào năm 2022 lên 153 triệu vào năm 2031.

Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư Phố Wall, dự đoán do nhu cầu về ô tô tự lái, thị trường toàn cầu về dịch vụ liên lạc vệ tinh từ năm 2020 – 2040 sẽ tăng gấp 13 lần lên mức 95 tỷ đô la.

Ông Adam Jonas, một nhà phân tích của công ty, cho biết các dịch vụ liên kết vệ tinh là trợ thủ đắc lực cho các phương tiện tự hành, chúng có thể liên tục cập nhật hệ thống phần mềm từ bất cứ đâu.

Tuy nhiên, thông tin liên lạc qua vệ tinh là tương đối mới và không phải không có rủi ro. Nhà điều hành vệ tinh OneWeb của Anh đã sụp đổ vào năm 2020 sau khi gặp khó khăn về tài chính và sau đó được chính phủ tài trợ.

Ngay cả SpaceX cũng không chắc chắn 100% thành công. Công ty đã phát triển thị trường trong khi nhận được các khoản trợ cấp đáng kể từ chính phủ Hoa Kỳ và các đơn đặt hàng dự án từ NASA. Chủ tịch SpaceX, bà Gwynne Shotwell, cho biết, dịch vụ Starlink sẽ hái ra tiền vào năm 2023.

Năm 2021, Starlink từng khiến người dùng Việt Nam xôn xao khi cho phép đăng ký dịch vụ với giá 99 USD mỗi tháng. Hiện thông tin trên đã bị gỡ. Tại một số thị trường khác ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei, thời gian triển khai dự kiến bắt đầu trong năm nay.

Theo các chuyên gia, nếu muốn phủ sóng tại Việt Nam, các dự án Internet vệ tinh như của Elon Musk phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về đặt trạm cổng (gateway) vệ tinh tại Việt Nam.


Đại sứ Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt các hạn chế công nghệ thêm nữa


Ngày 19/7, Đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết, Trung Quốc không muốn tiến tới một cuộc chiến thương mại hay công nghệ nhưng chắc chắn họ sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực chip của họ.

Đại sứ Tạ Phong phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Trung Quốc không né tránh sự cạnh tranh, nhưng cách Hoa Kỳ định nghĩa điều đó là không công bằng. Ông đề cập đến các lệnh cấm hiện tại của Hoa Kỳ nhằm vào việc nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc để sản xuất chip tiên tiến.

“Điều này giống như bắt đối thủ mặc đồ bơi lỗi thời trong một cuộc thi bơi lội, trong khi bản thân bạn đang mặc Speedo (một hãng đồ bơi có tiếng),” ông Tạ nhận xét.

Ông Tạ đề cập đến các báo cáo về việc Washington đang cân nhắc cơ chế xem xét đầu tư ra nước ngoài và tiếp tục cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

“Chính quyền Trung Quốc không thể chỉ khoanh tay đứng nhìn. Người Trung Quốc có câu nói rằng chúng tôi sẽ không khiêu khích, nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước các hành động khiêu khích,” ông Tạ tuyên bố.

Trung Quốc, chắc chắn sẽ đưa ra phản ứng của chúng tôi. Nhưng chắc chắn chúng tôi không hy vọng ăn miếng trả miếng. Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ. Chúng tôi muốn nói lời tạm biệt với Bức màn Sắt, cũng như Bức màn Silicon,” ông nói thêm.

Chính quyền Biden đang hoàn thiện một sắc lệnh hạn chế đầu tư nhất định vào các lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào nhà sản xuất chip Micron Technology của Hoa Kỳ sau khi Washington áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ, nhằm đảm bảo rằng chúng không được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 5, Cục An ninh mạng Trung Quốc cho hay, Micron đã thất bại trong quá trình đánh giá bảo mật và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua sản phẩm của họ.

Khi kết thúc chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, bà đã trò chuyện với những người đồng cấp Trung Quốc về sắc lệnh được đề xuất, đồng thời lưu ý rằng bất kỳ hạn chế đầu tư nào cũng sẽ “có mục tiêu cao và được định hướng rõ ràng, chỉ nhắm vào một số ít lĩnh vực mà chúng tôi có mối quan tâm cụ thể về an ninh quốc gia.”

Bà cũng khẳng định, sắc lệnh sẽ được ban hành một cách minh bạch, thông qua quy trình đưa ra quy tắc cho phép công chúng đóng góp ý kiến.


Không có nhận xét nào: