Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Giới Thiệu Sinh Hoạt Tuần Này: Đại Hội Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam Kỳ Thứ 41 Tại San Jose và Kính Chuyển Tin Thế Giới Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Lời Chúc Thành Công! -Cuối tuần này, hàng trăm cánh dù khắp nơi trên thế giới, sẽ nương theo gió, cỡi lên mây, cùng tụ về vùng nắng ấm, Thung Lũng Hoa Vàng, của thành phố đông người Việt nhất, San Jose, trong Đại Hội Nhảy Dù Việt Nam Kỳ 41! (Xin theo dõi chương trình Thông Báo đính kèm) Chưa có một Quân Binh Chủng nào, tổ chức được nhiều Cuộc Đại Hội, tạo những cuộc Hội Ngộ, gặp nhau kỳ thú đến như thế! (41 năm, mỗi năm một nơi!) Đúng theo tinh thần “Nhảy Dù như thể Tay Chân!” Chết cũng không bỏ nhau!
<!>
Trong tình “Huynh Đệ Chi Binh” chúng ta đều là người Lính VNCH!
Xin Kính chúc Quý “Thiên Thần Mũ Đỏ” giữ tinh thần “Cố Gắng!” của “đoàn quân anh dũng, vang khúc ca lên Đường! băng mình qua lửa đạn!” chốt nào cũng nhổ, trận nào cũng thắng! “Đi lập công giết thù!” mọi điều tốt đẹp


Cùng gặp nhau trong Buổi Dạ Tiệc Mừng Đại Hội 41 Thành Công, lúc 5 giờ 30 chiều Chủ Nhật tuần này, ngày 30 tháng 7 năm 2023, tại Nhà hàng Dynasty, số 1001 Story Rd, San Jose.

Một lần nữa, Kính chúc BTC thành công, mọi điều tốt đẹp như ý!



Về Ðây Anh! Ðại Hội Hoa Dù!


-Năm tháng phôi pha, nhưng tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng ngân vang từ núi rừng, từ đồng nội vọng lại:

“Mũ Ðỏ như thể tay chân…”
Người bạn quí mến vô cùng, ưu ái vô cùng; có khi là đàn ông, cũng lắm khi là đàn bà, mà chúng ta có diễm phúc, thân cận trên cõi đời ô trược này, tưởng như vĩnh cửu; nên cố ôm lấy mộng ban đầu, khi hoạn nạn chắc chắn được nâng niu trong vòng tay êm ấm của nhau, bạn sẽ dìu dắt ta để cùng hò câu thơ “ta đã cùng trong vòng tay trìu mến” (copy) nhưng chưa chắc là như vậy; có thể một ngày nào đó, đương sự đằng sau quay, đằng trước bước. Lúc đó ta mới thấy rừng thông bỗng dưng vàng úa, chim chóc im lặng ngậm ngùi, trời đất như quay cuồng, sóng đại dương cũng phải nghẹn ngào, im lìm, tiếng ve sầu ca lên giọng tư lự…

Con cái mà chúng ta ôm ấp với tất cả máu đào trong trái tim nóng hổi, tình yêu thương hết mực, rồi cũng có thể sẽ nhẹ nhàng tan loãng, như khói bay theo chiều gió của“lựu đạn khói đánh dấu hướng gió, tại đầu bãi nhảy ngày nào”, thôi cũng đành bước chân vào nhà dưỡng lão, cho nó êm ả trôi theo dòng nước, xuôi theo dòng đời, để được trọn tình với người.


Những người yêu dấu, thương yêu mặn mà nhất đời, ta đã gửi cả thân xác lẫn tinh thần và danh dự vào mối tình thâm đó! Ôi! Một ngày mây quang gió lặng! Có thể trở thành hư không, phụ bạc lòng tin cậy và sự tin yêu của nhau, nó đang diễn ra như cơm bữa, hàng ngày phải lau giòng dư lệ.

Nhà lầu xe hơi, tiền bạc mà chúng ta gom góp bằng mồ hôi nước mắt, mới có được, tưởng chừng chắc như bàn thạch, thôi rồi cũng vỗ cánh bay cao, có khi còn hất hủi ta, bất ngờ chia tay đúng vào lúc ta đếm xong 331, 332, 333. Chới với trên không trung bao la, biết cậy cùng ai!

Danh vọng của chúng ta đang như cồn, tiếng tăm tràn dâng như sóng biển Thái Bình, nhưng chắc gì chịu ôm ấp ta cho trọn đường đời, có khi nghe như tiếng “Ðạn Ði” để rồi trở thành giấc mộng phù du, cho dù chúng ta trân quí tới mức nào cũng vậy. Những người hết lời tôn vinh ta, khi ta đang trên đài danh vọng. Ôi thôi! Khi ta sa cơ lỡ vận! Người bạn quí ngày nào! Có thể sẽ là những người phỉ nhổ chúng ta đầu tiên, rồi hùa nhau ném đá, tới tấp, cho tới khi ta gục xuống, bên thềm cỏ dại!

Bạn cứ yên tâm, trời cao không bao giờ phụ lòng người, cũng còn những người bạn quí mến không vụ lợi, chúng ta còn có thể tin họ được, chắc chắn họ có mặt trên thế giới đầy rẫy địa ngục này, người bạn không bao giờ xa lìa chúng ta cho dù “rượu Cạn, thuốc Cùn”, không bao giờ đằng sau quay, rồi đằng trước bước, dáng đi hùng dũng như một tráng sĩ thời trung cổ. Không bao giờ ban cho ta một phát súng ân huệ, mà để ta ngắc ngoải rồi từ từ gục ngã, người đó sừng sững như một anh hùng, hiên ngang, lẫm liệt lúc nào cũng ân cần ôm ta vào lòng truyền cho ta dũng khí, Họ! Ðúng là người bạn Quý.


Người bạn quí! Ôi! Sao người bạn quí! Mà nghèo nàn đến nỗi không đủ hít chung nhau một hơi thuốc Quân Tiếp Vụ, mà nụ cười luôn hé nở trên môi. Chỉ vì họ đã cùng ta đội trên đầu mầu nón thân thương, kèm theo giọng la hò vỡ tim “Cố Gắng”. Họ luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như khi bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm, nhất là khi đạn thù xé nát thân ta, họ chính là những Thiên Thần đưa chúng ta về nơi yên ấm.

Họ nằm gai, nếm “đất”... Cho dù , giữa đêm đông, Gio Linh “trời hành trời lạnh căm căm”, nằm dưới mái lều, vách không có để chắn gió che mưa; thời gian không đủ để chống cơn lạnh đến xương tủy, làm héo hắt đời trai. Như vậy thì làm sao có được một giấc mơ về người yêu. Giữa cơn thịnh nộ của trời đất, bước chân âm thầm dưới làn cát nóng bỏng của dẫy phố “Buồn Hiu”. Ðàn vắt nhiều như kiến cỏ trên đường mò mẫm tìm gặp nàng Barbara, hay nàng Ann (Barbara và Ann là hai cứ điểm quân sự, mà thân xác đồng đội của ba tiểu đoàn Mũ Ðỏ đã nằm xuống trong dịp đi thăm Quảng Trị năm 1972. Hai căn cứ quân sự cũ của quân đội Ðồng Minh, Mùa Hè 1972 địch chiếm được, đóng chốt kiềng, làm đài quan sát. Ðường tiến quân của ta từ Huế ra Quảng Trị, chúng thấy rõ từng cá nhân di chuyển, nên ta phải chiếm lại hai cao địa này với bất cứ giá nào, tại đây chúng quan sát và điều chỉnh Pháo Binh, vào đội hình, quân ta, khi ta vừa vượt tuyến Mỹ Chánh, làm khó khăn cho tất cả các cánh quân di chuyển bằng đường bộ trên quốc lộ số 1, cũng như các cánh quân di chuyển hải hành qua phá Tam Giang). Mìn bẫy dầy đặc trên đường đất dẫn đến “Cầu Kè” Vĩnh Bình. Ðường vào “Trung Ương Cục Miền Nam” bên Campuchia với những cạm bẫy rợn người. Những cơn pháo long trời lở đất của chiến trường “Hạ Lào”. Một rừng lửa đạn, nối tiếp vô tận tại chiến trường Bình Long, Kontum, Quảng Trị, lò xay thịt Hamberger tại ngọn đồi 1062, Quảng Nam, sau đồi Hamberger tại Ashau của Sư Ðoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ…Nhưng thân trai dầy dạn nào có xá chi, ba cái lẻ tẻ ở trên, Mũ Ðỏ mà. Miễn sao được chuyền tay nhau điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, được chung nhau gói cơm sấy nguội lạnh, nhai “chay”giữa đêm đông. Những chàng lãng tử này, đôi lúc nổi cơn thèm ngụm bia lạnh. Ðời bạc đãi ta đến cùng tận như vậy hay sao? “nhưng vẫn hiên ngang sát cánh bên nhau, dù gian nguy vẫn không sờn gan”, lúc nào cũng hăng say lên đường dìu nhau đi, để va chạm với cuộc đời tàn độc này. Cho dù phải tán gia bại sản, thân bại danh liệt, bị hất tung ra khỏi xã hội. Ðến khi thân trai bị xé nát từng mảnh, tan nát với bùn lầy, dưới làn đạn như đan lưới của quân thù, hay nằm hứng chịu từng cơn co giật, trước khi buông xuôi đầu hàng thần chết! Lúc đó chỉ có những người cùng ngông cuồng giống nhau, mới sát cánh bên nhau trong những lúc hiểm nguy, ác nghiệt của cuộc đời. Lúc nguy khốn như vậy, mà không bao giờ quên anh em, không bao giờ bỏ bạn bè, lúc nào cũng coi nhau như chân như tay của mình. Ôi! Mầu nón, mầu áo linh thiêng như vậy, nó giúp chúng ta quấn quít bên nhau, tròn trịa cho tới giờ phút sau cùng! Phải thế không anh!

Họ không cần danh vọng, không cần mâm cao cỗ đầy, không sợ hầm chông, lửa đạn, nhưng cần mối tình chung thủy, cần mẩu thuốc sắp tàn, cần ngụm nước cuối còn đọng lại trong Bi Ðông, rồi cùng nhau lăn mình vào cuộc sanh tử, miễn sao vinh nhục có nhau, để cùng sưởi ấm lòng nhau.

Họ là ai? Lúc nào cũng sát cánh bên nhau, đêm khuya thanh vắng giữa rừng già, đồi núi, đèo cao heo hút, sình lầy đỉa nhiều như trấu, địch quân rình rập từng phút từng giây, giữa dòng sanh tử, vậy mà đứng canh cho nhau có được giấc ngủ bình yên, ta hãnh diện như một quốc vương thời xa xưa, được tận hưởng giấc mộng vàng giữa đêm thâu lạnh giá, với cung tần mỹ nữ, với lầu vàng điện ngọc, cho dù thực tế ta chỉ là một “anh chàng Lãng Tử”, khố rách áo ôm. Họ ân cần bên ta lúc nào cũng xin ta cho họ một ân huệ, được là kẻ đồng hành sau cùng.

Nếu cuộc đời ta không may gặp cảnh bất hạnh, thân bại danh liệt, thì ta vẫn còn họ trung thành với tình yêu bất diệt, như vầng thái dương trong vũ trụ càn khôn. Họ sẵn sàng bảo vệ ta trong lúc gian lao, nguy hiểm, hiệp lực cùng ta chống lại kẻ thù chung của Dân Tộc Việt và của nhân loại.

Nếu không may cuộc đời không còn bay nhảy được, thánh tổ "Mi Ca E" rước chúng ta theo người, thì chỉ có họ là người đưa ta về chốn vĩnh hằng.

Vậy chúng ta phải làm gì khi còn có nhau trên cuộc đời này, chia ngọt sẻ bùi ư! Ðó chỉ là mỹ danh trống không. Việc chúng ta phải làm là vun trồng cho vườn hoa Mũ Ðỏ luôn luôn Tươi Mát; cho hậu thế ngắm chúng ta: Ðánh giá chúng ta trong thời chiến đúng là những Thiên Thần sát địch, và bây giờ là những “lão niên” gắn bó nhau, đang làm rạng danh Gia Ðình Mũ Ðỏ, cũng là Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam. Có hội đoàn nào trong Quân Lực Việt Nam Cng Hòa? Ðã cùng như chúng ta ôm trọn nhau trong vòng tay thương yêu….

…Mặc tha nhân nhìn chúng ta với lăng kính nào. Chúng ta chỉ là những thanh niên đầy bầu nhiệt huyết, hiên ngang tình nguyện phục vụ cho binh chủng Nhảy Dù Việt Nam, trong những thập niên 1950, 1960, 1970. Cho nên bạn bè chúng ta đã vĩnh viễn nằm xuống 20,000 anh linh, cùng 60,000 phế nhân. Thế nhưng từ đầu cuộc chiến cho đến cuối cuộc chiến lúc nào chúng ta cũng: Vang vang lời ước nguyện Nhảy Dù - Cố Gắng. Ðể giữ trọn lời thề:

Hy sinh vì Dân Tộc – Trung thành với Tổ Quốc

Thân Dân, bảo vệ Dân và giúp đỡ Dân…

BùiÐứcLạc

Hẹn gặp nhau trong Buổi Dạ Tiệc Mừng Đại Hội 41 Thành Công, lúc 5 giờ 30 chiều Chủ Nhật tuần này, ngày 30 tháng 7 năm 2023, tại Nhà hàng Dynasty, số 1001 Story Rd, San Jose.


Vài Nét Chính Về Binh chủng Nhảy Dù Việt Nam Cộng hòa


-Binh chủng Nhảy Dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa là lực lượng tác chiến đổ bộ đường không của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khởi đầu là các đơn vị nhảy dù được quân đội Liên hiệp Pháp huấn luyện, sau phục vụ cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, từ khi thành lập đến khi tan rã đơn vị nhảy dù phát triển quân số đến quy mô cấp sư đoàn với tên gọi chính thức: Sư đoàn Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa - (hay tên gọi tiếng Anh: Vietnamese Airborne Division, VNAD) và trở thành đơn vị Tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là binh chủng có tính cơ động cao nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì được hỗ trợ không vận từ máy bay vận tải DHC-4 và C-130 của Không lực Việt Nam Cộng hòa với khả năng đổ bộ trên mọi vùng chiến sự thuộc toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Khác với Thủy quân lục chiến được yếm trợ hỏa lực tối đa hay Biệt động quân được hỗ trợ quân vận liên tục, binh chủng Nhảy dù thiên về kỹ thuật chiến đấu cá nhân với khả năng dùng không vận bay qua chốt phòng ngự, cũng như chuyên được sử dụng để đụng độ với các đơn vị bộ binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tư lệnh sư đoàn đặt tại trại Hoàng Hoa Thám ngay cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất.

-Bài ca chính thức: Sư đoàn Nhảy dù hành khúc.



-Thánh tổ: Tổng lãnh thiên thần Michael

-Đặc điểm nhận dạng: quân phục rằn ri với phù hiệu Sư đoàn Nhảy dù bên tay áo trái, nón beret (bê-rê, mũ nồi) màu đỏ có gắn phù hiệu Dù.

*Lịch sử hình thành


(Hình: Một áp phích tổng động viên thời Quốc gia Việt Nam.(

Những đơn vị tiền thân

Mặc dù nhanh chóng tái kiểm soát được phần lớn Đông Dương, người Pháp vẫn vấp phải cuộc kháng chiến quyết liệt của những người bản xứ theo chủ nghĩa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Trước viễn cảnh cuộc chiến lâu dài với Việt Minh, các chỉ huy của lực lượng viễn chinh Pháp đã quyết định thành lập những đơn vị chiến đấu người bản xứ nhằm tăng cường và bổ sung thêm binh lực. Ngày 1 tháng 1 năm 1948, đơn vị nhảy dù đầu tiên gồm phần lớn là người Việt là Đại đội 1 Nhảy dù Đông Dương được thành lập, Đại đội trưởng người Pháp là Đại úy Grillet-Paysan. Liền sau đó là các Đại đội Nhảy dù Đông Dương 2, 3, 5 và Đại đội Nhảy dù Lê Dương được thành lập. Mỗi một Đại đội Nhảy dù được biệt phái làm Đại đội thứ 4 cho mỗi các Tiểu đoàn 1, 2, 3 và 5 Biệt kích Nhảy dù Thuộc địa Pháp và Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương.

Phần lớn chỉ huy các đơn vị Nhảy dù này đều là người Pháp, kể cả ở cấp Trung đội. Chỉ duy nhất có Đại đội 3 Nhảy dù Đông Dương, tiền thân là Đại đội Nhảy dù Bắc Kỳ thành lập tháng 5 năm 1948 do Đại úy Nguyễn Văn Vỹ chỉ huy (vì vậy đơn vị này còn được gọi là Compagnie Vỹ). Thậm chí, chỉ có mỗi Thiếu úy Đoàn Văn Quảng là sĩ quan Trung đội trưởng người Việt duy nhất trong Đại đội này.

Năm 1949, Đại đội Nhảy dù Liên đoàn Phòng vệ Nam Việt được thành lập tại Thủ Đức, là một đơn vị biệt lập xuất nguồn từ "Liên đoàn Phòng vệ Cộng hòa Nam Việt" Đại úy Richard (người Pháp) làm chỉ huy Đại đội, và đến tháng 6 năm 1951 Trung úy Nguyễn Khánh từ Trung đoàn Ngự lâm quân chuyển về làm Đại đội Phó.

Sau khi quy chế về Quân đội Quốc gia Việt Nam được hình thành, ngày 1 tháng 8 năm 1951, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Việt Nam được thành lập tại Chí Hòa, Sài Gòn, xây dựng từ Đại đội 1 Nhảy dù Đông Dương và Đại đội Nhảy dù Phòng vệ Nam Việt. Tiểu đoàn có 2 Trung tâm Huấn luyện tại Căn cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn và tại Phi trường Bạch Mai, Hà Nội. Lần lượt tiếp theo sau đó các Tiểu đoàn Nhảy dù số 3, 4, 5, 7 và 6 được thành lập trong thời gian 1952-1954, trở thành những Tiểu đoàn Nhảy dù thuộc biên chế Quân đội Quốc gia Việt Nam, dù trên thực tế chiến đấu dưới sự điều động của quân đội Liên hiệp Pháp.


*Đệ nhất Cộng hòa

Ngày 29/9/1954 Pháp bàn giao quân đội lại cho chính phủ Việt Nam. Trong các trận đánh với quân đối phương, tiểu đoàn 4,7 bị thiệt hại nặng và giải tán để lấy quân số bổ sung cho Bộ chỉ huy và đội yểm trợ. Liên đoàn Nhảy dù được thành lập từ 4 Tiểu đoàn 1, 3, 5 và 6. Chỉ huy trưởng Liên đoàn là Thiếu tá Đỗ Cao Trí. Liên đoàn có khoảng 4.000 người gồm Bộ chỉ huy, các Tiểu đoàn 1, 3, 5, 6 và Tiểu đoàn Trợ chiến (Gồm các Đại đội Quân y, Công Binh, Kỹ thuật và Súng cối, một Phân đội Truyền tin và một Trung đội Tiếp tế thả dù). Đến giữa năm 1955 toàn bộ Liên đoàn đã đóng quân tại Sài Gòn, Trung tâm Huấn luyện Nhảy Dù cũng được thành lập tại căn cứ Tân Sơn Nhất.

Ngày 1/9/1956 Trung tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí nhận chức vụ Chỉ huy trưởng. Năm 1959 Liên đoàn đổi tên thành Lữ đoàn Nhảy dù. Ngày 12/11/1960 Trung tá Cao Văn Viên được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Lữ đoàn, thay thế Đại tá Nguyễn Chánh Thi tham gia đảo chính bất thành.

Năm 1961 Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 Nhảy dù được thành lập. Năm 1962 Liên đoàn Nhảy dù tổ chức thành 2 Chiến đoàn Nhẩy Dù. Thiếu tá Dư Quốc Đống là Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 1 gồm các Tiểu đoàn 1, 3 và 8, đóng tại Căn cứ Hoàng Hoa Thám. Thiếu tá Đỗ Kế Giai là Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2 gồm các Tiểu đoàn 5, 6 và 7, đóng tại Tam Hiệp, Biên Hòa.

*Đệ nhị Cộng hòa

Năm 1964 Đại tá Cao Văn Viên được đặc cách thăng Thiếu tướng ngay tại mặt trận sau chiến thắng Hồng Ngự, bổ nhiệm về Bộ Tổng Tham mưu, Trung tá Dư Quốc Đống lên giữ chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù.

Giữa năm 1965 Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù và Tiểu đoàn Pháo binh được thành lập. Đơn vị Quân y được nâng cấp thành Tiểu đoàn Quân y.

Ngày 1/12/1965 Lữ đoàn Nhảy Dù tổ chức nâng cấp thành Sư đoàn. (Bộ Tư lệnh Sư đoàn được đặt tại trại Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, Gia Định). Các Chiến đoàn 1 và 2 đổi tên thành Lữ đoàn, do Trung tá Hồ Trung Hậu (Lữ đoàn 1) và Trung tá Đào Văn Hùng[1] chỉ huy (Lữ đoàn 2). Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù được thành lập, Trung tá Nguyễn Khoa Nam là Lữ đoàn trưởng.

Tiểu đoàn 11 Nhảy dù được thành lập năm 1967. Tiểu đoàn Yểm trợ KBC 4759 (Tiền thân là Tiểu đoàn Trợ chiến) được thành lập ngày 1/11/1968, có 6 Đại đội là: Đại đội Chỉ huy và Công vụ, Đại đội kỹ thuật, Đại đội Tài chính, Đại đội Vận tải, Đại đội Tiếp liệu, Đại đội Bảo trì và 4 Phân đội Tiếp vận Hành quân, yểm trợ với 4 Lữ đoàn tác chiến. Đồn trú trong Căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu tá Tống Hồ Hàm.[2] Tiểu đoàn trưởng cuối cùng là Thiếu tá Võ Văn Thu.

Năm 1968, Sư đoàn Nhảy dù đã hoàn chỉnh với 3 Lữ đoàn gồm 9 Tiểu đoàn tác chiến, 3 Đại đội Trinh sát và 3 Tiểu đoàn Pháo binh. Dù bị thiệt hại khá nặng qua các chiến dịch trong Tet Offensive, đơn vị vẫn kịp thời được bổ sung và giữ vững đội hình.

Đầu năm 1974, thành lập Lữ đoàn 4 với các Tiểu đoàn trực thuộc tân lập gồm: 3 Tiểu đoàn 12, 14 và 15. Đồng thời thành lập thêm 3 Tiểu đoàn biệt lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn: Tiểu đoàn 16, 17 và 18.

Nhảy dù là một đơn vị đặc biệt, Tổng trừ bị của QLVNCH

Sư đoàn Nhảy dù là một đơn vị tinh nhuệ và thiện chiến của Quân lực Việt Nam Việt Nam Cộng hòa, đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu. Quân nhân trong Sư đoàn từ binh sĩ đến sĩ quan đều là thành phần tình nguyện sau khi mãn khóa quân trường, tuy nhiên vẫn phải qua một quá trình tuyển chọn rất kỹ lưỡng mới được gia nhập vào binh chủng. Đặc biệt đa phần lực lượng là con em Công giáo, trong số đó cũng có khá nhiều người miền bắc di cư năm 1954. Được huấn luyện nhẩy dù và ôn tập tác chiến rất chu đáo, trang bị vũ khí tối tân.


*Những trận chiến và biến cố lớn

Từ khi thành lập đến khi hoàn thiện, Sư đoàn Nhảy dù liên tiếp đối đầu với những đơn vị mạnh của đối phương. Sư đoàn tham gia chiến tranh cục bộ, những trận chiến Mậu Thân, Việt Nam hóa chiến tranh với những thương vong cực lớn và cũng được chính đối phương đánh giá cao.

Năm 1971, Sư đoàn Nhảy dù đã tham gia Chiến dịch Lam Sơn 719. Dù có Không quân Mỹ yểm trợ, Sư đoàn vẫn mắc bẫy đối phương và bị Sư đoàn 320 (F320A) Quân đội Nhân dân VN tiêu diệt mất Lữ đoàn 3, bắt sống Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ.[3] Quân Nhảy dù bị đánh thiệt hại rất nặng trong chiến dịch này.

Năm 1972, sau Mùa hè đỏ lửa Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng giữ chức vụ Sư đoàn trưởng. Đầu năm 1974 Lữ đoàn 4 Nhảy dù được thành lập, Trung tá Lê Minh Ngọc[4] là Lữ đoàn trưởng. Ngày 20 tháng 4 năm 1975, Lữ đoàn phó là Trung tá Nguyễn Đình Ngọc[5] lên thay và chỉ huy Lữ đoàn 4 phòng thủ Sài Gòn.

Năm 1974, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù đã cùng với Sư đoàn 3 Bộ binh tiến hành tái chiếm lại Thượng Đức, một tiền đồn quan trọng của Việt Nam Cộng hòa đã bị Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân VN đánh chiếm trước đó.

-Tái chiếm lần thứ nhất vào ngày 19-9-1974.

-Tái chiếm lần thứ hai vào ngày 11-11-1974. Đến cuối năm, đơn vị Nhảy dù thất bại và rút ra ngoài gần hết quân, chỉ để lại 2 Tiểu đoàn cầm cự lẻ tẻ.

Năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, Sư đoàn 23 Bộ binh bị đánh tan ở Nông trại Phước An và sân bay Hòa Bình, phía đông Ban Mê Thuột. Lữ đoàn 3 Nhảy dù đã được điều từ Vùng 1 Chiến thuật vào giữ đèo Phụng Hoàng ngăn đối phương phát triển xuống đồng bằng, đơn vị này kháng cự được một thời gian ngắn và bị tan rã, chỉ có một số kịp di tản xuống phía nam.

Cùng với việc Lữ đoàn 3 Nhảy dù được gửi đến đèo Phụng Hoàng, Lữ đoàn 1 và 2 Nhảy dù được điều về miền đông phòng thủ trước cửa ngõ Sài Gòn. Các đơn vị này đã tham gia trận đánh lớn cuối cùng bên cạnh Sư đoàn 18 Bộ binh và Liên đoàn 81 Biệt cách dù tại Xuân Lộc, đánh trả Quân đoàn 4 gồm các Sư đoàn 341, 6 và 7 của Quân đội Nhân dân VN.

Phần còn lại của lực lượng Nhảy dù đã về Sài Gòn khi Xuân Lộc thất thủ. Họ đã chiến đấu với Sư đoàn 325 và không cản được lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến về Dinh Độc Lập. Khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, các lực lượng lính dù còn lại đã tan rã.

Nhớ! cùng hẹn bắt tay nhau trong Buổi Dạ Tiệc Mừng Đại Hội 41, lúc 5 giờ 30 chiều Chủ Nhật tuần này, ngày 30 tháng 7 năm 2023, tại Nhà hàng Dynasty, số 1001 Story Rd, San Jose.


Người Việt Khắp Nơi!

Nữ luật sư gốc Việt được tham gia kiểm soát tiền ảo tại Mỹ


(Luật Sư Caroline Phạm, ủy viên Ủy Ban Giao Dịch Tài Sản Tương Lai (CFTC)

-Luật Sư Caroline Phạm sinh ra và lớn lên tại khu thung lũng Central Valley ở Bắc California, nơi được gọi là “rổ thức ăn của thế giới.”

Tiền ảo đang là loại tài sản mới, cần có sự kiểm soát của chính phủ. Vì vậy, Ủy Ban Giao Dịch Tài Sản Tương Lai (CFTC) công bố sẽ có những quy định mới để kiểm soát loại tiền này.

Luật Sư Caroline Phạm, một trong năm ủy viên CFTC, công bố điều này sau khi Tòa Liên Bang Khu Vực Nam New York đưa ra phán quyết vào ngày 14 Tháng Bảy, cho biết tiền ảo XRP của công ty Ripple Labbs không phải là chứng khoán khi được bán cho các nhà đầu tư bán lẻ tại thị trường giao dịch ảo.

Đó là vụ kiện được Ủy Ban Chứng Khoáng và Giao Dịch (SEC) mang ra trước tòa án, yêu cầu Ripple ngưng bán tiền ảo XRP như chứng khoán và đòi hỏi kiểm soát nhiều hơn. Vụ kiện này kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay, bắt đầu từ lúc SEC kiện hai tổng giám đốc của Ripple và cáo buộc công ty này bán chứng khoán chưa ghi danh.

Sau khi thấy Ripple thắng kiện, Ủy Viên Caroline Phạm cho rằng chiến thắng đó giúp CFTC tìm được hướng để kiểm soát tiền ảo ở Hoa Kỳ bằng cách phân loại từng loại tiền ảo để kiểm soát rõ ràng.

Bà nói với Bloomberg: “Vào năm ngoái, tôi dự đoán chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về định nghĩa của chứng khoán để kiểm soát. Trong những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến được những phán quyết quan trọng về vấn đề này.”

“Tôi nghĩ quý vị mới thấy những hướng đi để kiểm soát rõ ràng qua những phán quyết lớn của tòa án. Vì vậy, chuyện các cơ quan kiểm soát của Hoa Kỳ hợp tác với nhau rất quan trọng,” bà nói.

Bà còn cho hay rất nóng lòng được tham gia các nhóm nội địa và quốc tế của Hội Đồng Ổn Định Tài Chánh (FSB) để bảo đảm tiền ảo được kiểm soát một cách toàn diện.

Những hậu quả của phiên tòa giữa SEC và Ripple Labbs chỉ là một phần trong những vấn đề được Ủy Viên Caroline Phạm chú ý. Một vấn đề quan trọng khác là “điện toán hóa” những tài sản có thật.

Ngoài kiểm soát tiền ảo, Ủy Viên Caroline Phạm bày tỏ sự lạc quan về chứng khoán sử dụng công nghệ chuỗi khối. Bà cho hay một thuyết trình cho thấy các công ty có thể tiết kiệm đến $2 tỷ chi phí hành chánh bằng cách sử dụng công nghệ đó.

“Nhiều ngân hàng đầu tư đang nói về cơ hội tiết kiệm $4,000 tỷ đến $5,000 tỷ từ đây cho đến năm 2030. Đây là những con số đáng chú ý trong thị trường,” bà nói.

Bà Caroline còn hy vọng sẽ tránh được chuyện thị trường “điện toán hóa” và thị trường tài chánh bị phân chia ra. Bà còn nhấn mạnh sự quan trọng của các “hàng rào” để bảo vệ các nhà đầu tư.

Luật Sư Caroline Phạm tuyên thệ nhậm chức ủy viên CFTC vào Tháng Tư, 2022, sau khi được Tổng Thống Joe Biden đề cử và được Thượng Viện Hoa Kỳ đồng nhất chuẩn thuận. Bà là một lãnh đạo được quốc tế công nhận, với nhiều kinh nghiệm về thị trường chứng khoán và các sáng kiến điện toán.

Bà có bằng cử nhân đại học UCLA và bằng tiến sĩ luật đại học luật George Washington University. Bà Caroline còn nhận được học bổng Manatt-Phelps vì sự xuất sắc trong ngành luật ngân hàng, và học bổng của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt Washington, DC và vùng phụ cận.

Ngoài ra, bà còn nhận được giải thưởng của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt vì là phụ nữ gốc Việt đầu tiên được tổng thống và Thượng Viện bổ nhiệm vào chức vụ điều hành.


Các Nghi Can Gốc Việt Giết Người Được Dẫn Độ Về Houston, Bị Từ Chối Bảo Lãnh


(Ảnh: Jaydan Vu Nguyen và Polie Phan đã bị đưa về Houston, nơi xảy ra án mạng, sau khi bị công an Việt Nam bắt giữ và trao trả về Mỹ.)

-Hai nghi phạm gốc Việt bị truy nã về tội giết người ở Mỹ đã được dẫn độ về Houston, nơi xảy ra án mạng, và bị từ chối cho bảo lãnh tại tòa do "nguy cơ bỏ trốn", theo các báo địa phương của Texas.

Trích dẫn thông tin từ Sở Cảnh sát Houston, Click2Houston cho biết Polie Phan và Jaidan Nguyen, bị cáo buộc tội giết người hồi tháng 3 vừa qua, đã được di lý từ San Francisco ở California tới Địa hạt Harris ở Houston của Texas hôm 19 và 21/7.

Trước đó trong tháng này, Cục Cảnh sát Hình sự tại Tp. HCM cho biết đã bắt giữ và trao cho phía Hoa Kỳ 2 nghi can bị truy nã ở Houston vì bị cáo buộc "sử dụng súng bắn chết hai người" hồi tháng 1 năm nay. Theo Bộ Công an Việt Nam, hai người này đã nhập cảnh vào Việt Nam để lẩn trốn.

Các nhà điều tra cho biết hai nghi phạm gốc Việt đã giết hại 2 người trồng cần sa thương mại – Dana Ryssdal, 35 tuổi, và Gerald Martin III, 37 tuổi ¬– vì tranh chấp tiền liên quan đến ma túy, theo Click2Houston.

Còn theo bà Jennifer Lawrence, người đang truy tố vụ án cho Văn phòng Tổng Công tố tiểu bang, được Houston Chronicle trích lời cho biết các đoạn ghi hình giám sát, dữ liệu điện thoại di động và những lời khai của Jaidan Nguyen với cơ quan thực thi pháp luật cho thấy nghi phạm 25 tuổi này dính líu đến vụ bắn chết Ryssdal và Martin ở khu vực Houston Heights của Địa hạt Harris.

Tại tòa xét xử trọng tội của Địa hạt Harris hôm 24/7, Jaidan Nguyen bị từ chối quyền được bảo lãnh tại ngoại, theo Houston Chronicle.

Theo tờ báo của Houston, Thẩm phán Lori Chambers Grey đưa ra lý do để giữ Jaidan Nguyen lại cho việc xét xử và từ chối quyền bảo lãnh đối với bị can này khi cho rằng nghi phạm có nguy cơ bỏ trốn do tiền sử gần đây của người này.

Trước đó, Polie Phan, 27 tuổi, cũng bị một Thẩm phán từ chối cho quyền được bảo lãnh khi xuất hiện tại tòa ở Quận Harris hôm 21/7.

Theo Bộ luật Hình sự Texas, được Houston Chronicle trích dẫn, việc giết nhiều người trong đó nghi phạm "cố ý hoặc cố tình gây ra cái chết cho một cá nhân" là một trọng tội và có mức án lên đến tử hình.

Cảnh sát bắt đầu điều tra về vụ giết người hôm 27/1 sau khi tìm thấy thi thể của ông Ryssdal với nhiều vết đạn bắn tại nhà của ông Martin và sau đó tìm thấy thi thể ông Martin với nhiều vết thương do đạn bắn tại một địa điểm khác ở Houston.

Theo cảnh sát, dường như Polie Phan nợ tiền ông Martin và điều này có thể dẫn đến vụ sát hạn bằng súng. Trong khi đó, Kathy Vu, bạn gái của Polie Phan, cho rằng ông Martin mới là người nợ bạn trai của mình 40.000 Mỹ kim "sau khi một giao dịch liên quan đến ma túy không diễn ra như kế hoạch", theo hồ sơ tòa án.

Kathy Vu đã xuất hiện tại tòa vào tháng 3 để đối chất với cáo buộc rằng cô đã giả mạo bằng chứng liên quan đến cái chết của ông Martin và Ryssdal. Nghi phạm 23 tuổi này được cho là đã "dọn dẹp hiện trường vụ án mạng" và "giúp xóa sạch mọi bằng chứng".

Phiên tòa tiếp theo xử Jaidan Nguyen được dự kiến vào tháng 10 và Luật sư biện hộ được chỉ định của nghi phạm này, David Michael Ryan, cho biết ông nhắm mục tiêu loại bỏ án tử hình cho thân chủ.

Không rõ phiên tòa xét xử tiếp theo đối với Polie Phan và Kathy Vu được ấn định khi nào.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Nga Nâng Trần Tuổi Quân Dự Bị Động Viên Thêm 5 Năm


(Hình: Lực lượng dự bị Nga tập huấn tại khu vực Donetsk, Ukraine, ngày 4/10/2022.)

-Tại Nga, tuổi trần quân dự bị động viên được nâng thêm 5 năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/7/2023 ký ban hành luật sửa đổi quy định về tuổi trần động viên quân dự bị, sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024.

Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:

"Độ tuổi tối đa cho toàn bộ quân dự bị động viên của quân đội Nga đã được tăng thêm 5 năm. Như vậy là binh lính, thủy thủ và hạ sĩ quan có thể được gọi nhập ngũ đến năm 55 tuổi. Ở cấp sĩ quan, độ tuổi này sẽ là 60 đối với đại úy, 65 đối với sĩ quan cao cấp và 70 đối với cấp tướng. Tuy nhiên, vẫn có thể có những điều chỉnh đối với những người có liên quan trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến năm 2028.

Trong quá trình biểu quyết Dự luật sửa đổi tại Nghị Viện, một Nghị sĩ từng nhấn mạnh là những sửa đổi này là nhằm cải thiện an ninh của Liên Bang Nga và nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước.

Đúng là những sửa đổi này đã được đề xuất vào tháng 11 năm 2022, tức là sau khi lệnh động viên 300.000 quân dự bị được ban hành trong khuôn khổ các chiến dịch ở Ukraine. Cuộc huy động một phần quân dự bị động viên đã khiến hàng trăm ngàn đàn ông trong độ tuổi chiến đấu phải trốn ra ngoại quốc.

Với những quy định mới này, quân đội Nga sẽ có thêm một lực lượng giúp họ bước đầu tránh phải tiến hành tổng động viên, nếu cần thiết".


Belarus Sẵn Sàng Đối Phó Với Xung Đột Vũ Trang


(Hình: Các binh sĩ Belarus thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SOF) và các chiến binh thuộc nhóm lính đánh thuê Wagner diễn tập gần Brest, Belarus. Ảnh được công bố hôm 20/7/2023.)

-Bộ trưởng Tình trạng Khẩn cấp Belarus hôm 24/7/2023, thông báo đang chuẩn bị hoàn thiện kho vũ khí và huấn luyện quân sự để có thể sẵn sàng hỗ trợ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ nước này trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Trong cùng ngày, hàng ngàn lính đánh thuê Wagner đã đến Belarus, đóng quân cách biên giới phía Bắc Ukraine 230 cây số.

Theo thông tấn xã Reuters, trên kênh truyền hình quốc gia Belarus 1, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Vadim Sinyavsky cho biết: Các nhân viên sẽ "sẵn sàng hỗ trợ các bộ khác trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang hoặc các cuộc nổi loạn khiến nhiều người phải tham gia". Trước đó, Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko đã khẳng định muốn toàn bộ nam giới của nước này, "ít nhất đều có khả năng sử dụng vũ khí để đối phó với trường hợp bị xâm lược".

Mặc dù Belarus không trực tiếp tham gia cuộc chiến tại Ukraine, nhưng Tổng thống Lukashenko đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ Belarus để tấn công Kyiv khi tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng 2/2022. Minsk và Mạc Tư Khoa cũng đã tổ chức nhiều cuộc thao dượt chung. Gần đây, Tổng thống Belarus cũng đã làm trung gian giữa Ðiện Cẩm Linh và lãnh đạo Wagner Prigozhin, chấm dứt cuộc nổi loạn bất thành của Wagner và chấp thuận tiếp đón binh lính của tập đoàn bán quân sự trên lãnh thổ nước này.

Theo tổ chức Belaruski Hajun, chuyên theo dõi các hoạt động quân sự, được AP trích dẫn, hôm 24/7, khoảng 3.450 đến 3.650 lính Wagner đã đến Asipovichy, cách biên giới Ukraine 230 cây số về phía Bắc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 700 phương tiện và các thiết bị xây dựng cũng đã đến nước này.


Nga-Ukraine Tấn Công Nhau Bằng Drone

-Theo thông tấn xã AFP, trong đêm 24 rạng sáng 25/7/2023, lực lượng Kyiv đã phát giác và phá hủy tất cả các drone mà Nga dùng để tấn công vào thủ đô Ukraine. Đây là vụ tấn công bằng drone thứ 6 vào Kyiv chỉ riêng trong tháng Bảy. Trước đó, trong cùng ngày, Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả việc Ukraine dùng drone tấn công vào thủ đô Mạc Tư Khoa và bán đảo Crimea.

Trong đêm 24/7, quân đội Nga cho biết đã phá hủy 2 drone Hải quân của Ukraine, tấn công vào một trong các tàu tuần tra trên Biển Đen, cách Sebastopol 370 cây số.

Còn tại Ukraine, liên quan đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (AIEA) hôm 24/7 cho biết đã phát giác một một số quả mìn sát thương cá nhân trong khu vực rào chắn ngăn cách bên trong và bên ngoài nhà máy. Lãnh đạo của cơ quan này cho rằng những loại chất nổ như vậy được tìm thấy ở khu vực này là "không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn về an ninh nguyên tử của AIEA".

Nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu đã rơi vào tay quân đội Nga từ tháng 3/2022, từng bị hỏa hoạn và nhiều lần bị cắt điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nguyên tử.


Nouvelle-Calédonie: Tổng Thống Pháp Macron Hứa Cải Tổ Hiến Pháp "Dựa Trên Đồng Thuận"


(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nouméa, Nouvelle-Calédonie, ngày 25/7/2023.)

-Trong chuyến công du đến vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie, Tổng thống Emmanuel Macron hôm 25/7/2023, khẳng định sẽ tiến hành cải cách Hiến pháp liên quan đến vùng lãnh thổ này "dựa trên sự đồng thuận".

Về phía chính quyền địa phương của Nouvelle-Calédonie, lãnh đạo của định chế đại diện cho dân tộc Kanak, ông Victor Gogny hy vọng sẽ thúc đẩy "bầu không khí tin cậy và đối thoại… đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình hòa giải", và nhấn mạnh cần phải xây dựng một mô hình phi thực dân hóa với dân tộc Kanak và công dân lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie.

Trước sự mong đợi này, Tổng thống Emmanuel Macron đã công nhận rằng ba cuộc trưng cầu dân ý của người dân Nouvelle- Calédonie, với kết quả là đa số cử tri không muốn độc lập, đã mở ra một chặng đường mới. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho rằng vẫn cần một thời gian tương đối dài để xây dựng một trang lịch sử chung thông qua một quá trình "sự thật và hòa giải".

Hiệp định Nouméa về phi thực dân hóa dự trù là sau ba cuộc trưng cầu dân ý, nếu cử tri vẫn không muốn Nouvelle-Calédonie độc lập, thì sẽ tiến hành cải tổ quy chế của vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Ngoài ra, trong chuyến đi, Tổng thống Macron cũng quan tâm đến những vấn đề địa chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giới trẻ của vùng lãnh thổ này.

Hôm 25/7, theo dự kiến, khi đến thăm Touho, vùng bờ biển phía Đông Nouvelle-Calédonie, Tổng thống Pháp bàn về biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xói mòn bờ biển.


Các Phái Đoàn Nga và Trung Quốc Đến Bình Nhưỡng Mừng 'Ngày Chiến Thắng'


(Hình: Một buổi duyệt binh ở Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn.)

-Một phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dẫn đầu sẽ đến thăm Bắc Hàn trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 25/7/2023, cùng tham gia với một phái đoàn Trung Quốc để làm những vị khách công khai đầu tiên đến nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Các phái đoàn này đến Bắc Hàn để kỷ niệm 70 năm 'Ngày Chiến thắng' vào ngày 27/7 tại Bình Nhưỡng, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin, và phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung dẫn đầu.

Bộ Quốc phòng Nga, cho biết phái đoàn của họ, vốn sẽ đến thăm Bắc Hàn từ ngày 25/7 đến 27/7, đã được người đồng cấp Bắc Hàn mời và sẽ tham dự các sự kiện Ngày Chiến thắng.

"Chuyến thăm này sẽ góp phần tăng cường quan hệ quân sự Nga-Bắc Hàn và sẽ là giai đoạn quan trọng trong phát triển hợp tác giữa hai nước", Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết.

Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới hồi đầu năm 2020 đối với tất cả các trao đổi thương mại và ngoại giao, ngay cả với các đối tác kinh tế và chính trị chủ chốt là Trung Quốc và Nga. Truyền thông nhà nước không cho biết liệu các chuyến thăm này có đánh dấu bất kỳ thay đổi chính sách nào hay không.

Các sự kiện ăn mừng kỷ niệm dự kiến sẽ gồm diễu hành quân sự lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Trung Quốc hôm 24/7 khẳng định họ 'nghiêm ngặt' thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn, phản hồi lá thư từ Nhóm G7, Liên Hiệp Âu Châu và các nước khác kêu gọi Bắc Kinh ngăn Bình Nhưỡng né trừng phạt bằng cách đi qua vùng biển của Trung Quốc.

Xuất cảng của Trung Quốc sang Bắc Hàn trong tháng 6 cao gấp tám lần so với một năm trước đó, trong lúc đất nước bí ẩn này báo cáo hàng chục ngàn ca mắc COVID-19 mỗi ngày và đã đóng cửa biên giới.

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Bắc Hàn viện trợ quân sự cho Nga cho cuộc chiến ở Ukraine, điều mà cả Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa đều phủ nhận.


Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn Sắp Nối Lại Các Cuộc Gặp Cấp Cao Ba Bên


(Hình: Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.)

-Hôm 25/7/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp cao ba bên với Nam Hàn, bao gồm các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao hàng đầu của ba nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Hayashi nói ông và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đạt được thỏa thuận bên lề cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nam Dương hồi đầu tháng.

Một cuộc họp thượng đỉnh ba bên đã không được tổ chức kể từ tháng 12 năm 2019 do căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bảnvà Nam Hàn mà kể từ đó đã tan băng.

"Ngồi lại cùng nhau để thảo luận về hợp tác và các vấn đề khác rất có ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, những nước chia sẻ trách nhiệm lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực", ông Hayashi nói với các phóng viên.

Các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Nam Hàn đang cảnh giác với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc về quân sự và về căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về một loạt các vấn đề bao gồm thương mại và Đài Loan.


Ngoại Trưởng Trung Quốc Tần Cương Bị Cách Chức


(Hình: Ông Tần Cương họp báo tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ngày 23/5/2023.)

-Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), không còn xuất hiện trước công chúng từ một tháng nay, đã bị cách chức, chỉ sau hơn nửa năm tại vị. Theo thông tấn xã AFP, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 25/07/2023 đưa tin như trên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu lý do của việc cách chức ông Tần Cương, vị Ngoại trưởng mới nhậm chức hồi tháng 12/2022. Tân Hoa Xã hôm 25/7 chỉ cho biết là người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Vương Nghị (Wang Yi) được đưa trở lại chức Ngoại trưởng.

Tuy có lịch trình làm việc dày đặc, ông Tần Cương đã không xuất hiện kể từ ngày 25/06. Ngoại trưởng Trung Quốc đã không hiện diện khi đồng nhiệm Việt Nam sang thăm Bắc Kinh. Ông Tần Cương cũng vắng mặt tại nhiều cuộc họp ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như cuộc họp với các Ngoại trưởng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nam Dương hồi đầu tháng 7 này.

Sự vắng mặt bất thường của Ngoại trưởng Tần Cương trong thời gian qua đã làm lan truyền nhiều tin đồn trên mạng xã hội. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã viện dẫn "lý do sức khỏe" để giải thích cho sự vắng mặt này. Kể từ khi ông Tần Cương bất ngờ "biến mất", người tiền nhiệm của ông là Vương Nghị đã thực hiện một số hoạt động với tư cách cựu Ngoại trưởng Trung Quốc.

Xin nhắc lại, ông Vương Nghị hiện là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tức lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, cao hơn cả chức Ngoại trưởng.


Gấu Trúc, "Sức Mạnh Mềm" của Trung Quốc Trước Căng Thẳng Gia Tăng Với Phương Tây


(Hình: Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron, Giám đốc sở thú Beauval Rodolphe Delord và gấu trúc Yuan Meng, ngày 4/8/2017.)

-Hôm 25/7/2023, Yuan Meng, gấu trúc đầu tiên được sinh ra tại vườn thú Beauval ở Pháp, cách đây 5 năm, đã được đưa trở về tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), Trung Quốc, để giao phối. Đây là chương trình "ngoại giao gấu trúc" quốc tế cho phép Trung Quốc thắt chặt hoặc cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước.

Gấu trúc Yuan Meng rời phi trường quốc tế Roissy-Charles-de-Gaulle ở Pháp khoảng 7 giờ 30 sáng (GMT) và sẽ về đến Trung Quốc khoảng 2 giờ chiều (GMT) bằng máy bay của hãng China Airlines.

Theo thông tấn xã AFP, chú gấu trúc này đáng lẽ phải về Trung Quốc lúc 3 hoặc 4 tuổi, nhưng đại dịch Covid bùng nổ nên Yuan Meng phải ở lại đến nay. Theo giới nghiên cứu khoa học, "gấu đầu tiên được sinh ra ở vườn thú Beauval là một sự kiện hiếm hoi. Chúng tôi thấy nó lớn lên từng ngày với nhiều cảm xúc, nhưng hiểu rằng một ngày nào đó nó phải rời xa bố mẹ để đi sinh sản".

Trên Le Point, Giám đốc Sở thú Beauval, ông Rodolphe Delore, cho biết Yuan Meng không thể sinh sản ở Beauval, vì ở đó chỉ có các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, ở khu rừng Tứ Xuyên, miền Trung của Trung Quốc, hiện có khoảng 1800 gấu trúc hoang dã.

Là một loài đang bị bị đe dọa, gấu trúc đã được đưa đến Pháp trong khuôn khổ một thỏa thuận nhằm cung cấp uranium cho Trung Quốc để sản xuất năng lượng nguyên tử.

Giáo sư Astrid Nordin của Viện Nghiên cứu Lau China Institute, giải thích rằng đằng sau thỏa thuận này, Trung Quốc muốn gửi đến thông điệp "không có gì phải sợ đầu tư vào Trung Quốc", hơn nữa, gấu trúc cũng mang thông điệp "thân thiện và hòa nhã".

Trung Quốc đã bắt đầu chính sách ngoại giao gấu trúc cách đây hơn 50 năm. Lúc đó, gấu trúc thường được tặng luôn, vì vậy, nhiều gấu trúc đã sống ở sở thú Mễ Tây Cơ và Đài Loan, và không trở về Trung Quốc nữa.

Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS, Luân Đôn cho biết, "giờ đây, với tư cách là một siêu cường kinh tế, Trung Quốc có thể nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng từ các nước khác". Nhưng càng lớn mạnh thì Trung Quốc càng làm cho mối quan hệ quốc tế trở nên phức tạp hơn, nhất là với phương Tây.

Theo ông Kerry Brown, "giữa Trung Quốc và phương Tây, rất khó có một cuộc đàm thoại lành mạnh vào lúc này. Các vấn đề đều có mối liên hệ mật thiết. Đây không phải là một cuộc chiến tranh lạnh, mà là một điều gì đó phức tạp hơn nhiều".


Liên Minh Mỹ-Hàn Phân Tích Ý Đồ của Bắc Hàn Sau Hàng Loạt Vụ Bắn Phi Đạn


(Hình: Tin thời sự truyền hình về vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn, tại thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, ngày 22/07/2023.)

-Trong đêm 24 rạng sáng 25/07/2023, Bắc Hàn lại bất ngờ bắn hai phi đạn. Theo hãng tin Yonhap, liên minh Mỹ-Hàn đang phân tích toàn diện ý đồ của Bắc Hàn.

Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Trần Công của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Theo ghi nhận của liên minh Mỹ-Hàn, Bắc Hàn đã bắn một phi đạn tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản vào lúc đêm muộn, khoảng 11 giờ 55 phút đêm 24/7/2023, và phi đạn thứ hai vào lúc 0 giờ ngày 25/7/2023. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã bắn hai phi đạn-đạn đạo tầm ngắn về hướng khu vực Sunan từ lúc sáng sớm ngày 19/07/2023 và phóng một số phi đạn liên lục địa về phía Hoàng Hải vào khoảng 4 giờ sáng ngày 22/07/2023.

Hành động này được cho là để phản đối việc Mỹ khai triển tàu ngầm nguyên tử Annapolis (SSN-760) lớp Los Angeles đến căn cứ Hải quân Jeju của Nam Hàn sáng 24/7.

Các cơ quan quân sự và tình báo phân tích rằng, ngoài việc khiêu khích bằng phi đạn để đáp trả chuyến thăm của Mỹ tới Nam Hàn bằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, Bình Nhưỡng còn muốn củng cố đoàn kết nội bộ Đảng trước kỷ niệm ngày ký Hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, 27/07/2023. Bắc Hàn gọi ngày này là "Ngày Chiến thắng".

Ông Lee Seong-joon, Giám đốc các vấn đề công cộng tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết: "Cơ quan tình báo Nam Hàn và Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ, xác định nhân sự và thiết bị liên quan đến lịch trình hoạt động chính trị, quân sự của Bắc Hàn"

Quan hệ giữa Bắc Hàn và Nam Hàn đang trong giai đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay, Bình Nhưỡng liên tục kêu gọi tăng cường kho vũ khí, bao gồm cả vũ khí nguyên tử chiến thuật, còn Mỹ thì đã gửi tàu ngầm nguyên tử đến thăm Nam Hàn để thể hiện khả năng răn đe, cũng như bảo vệ đồng minh Á Châu".

Theo AFP, từ năm 2006, Bắc Hàn đã bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành nhiều lệnh trừng phạt vì các chương trình vũ khí nguyên tử và phi đạn-đạn đạo. Vào tuần trước, đặc sứ của nhiều nước thuộc khối G7 và Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã tố cáo Trung Quốc giúp Bắc Hàn lách các trừng phạt đó, vì ngày càng có nhiều tàu chở dầu sử dụng đường biển của Trung Quốc để giao thương với Bắc Hàn.

Hôm 24/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Bắc Kinh luôn tôn trọng các Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Bắc Hàn.

Thông tấn xã AFP nhắc lại rằng Hoa Kỳ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc và Nga làm "lá chắn" cho Bắc Hàn, phủ quyết các Nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An nhằm đưa ra trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng, khuyến khích chính quyền của Kim Jong Un tiếp tục bắn thử phi đạn.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Đại Sứ Mỹ Nói Sẵn Sàng Làm Việc Với Chính Phủ Việt Nam Để Làm Rõ Vụ Nổ Súng ở Đắc Lắc


(Hình: Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper trong họp báo tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội hôm 25/7/2023.)

-Vào chiều ngày 24/7/2023, trong cuộc gặp với truyền thông nhà nước tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói ông lên án vụ tấn công vào hai trụ sở Ủy ban Nhân dân xã ở Đắc Lắc hồi tháng trước, đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng làm việc với chính phủ Hà Nội để làm rõ sự việc.

Nhân dịp này, theo tường trình của truyền thông nhà nước Việt Nam, có phóng viên đặt câu hỏi với Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper về vụ nổ súng nhắm vào hai xã thuộc huyện Cư Kuin ở tỉnh Đắc Lắc hồi rạng sáng ngày 11/6 vừa qua.

Truyền thông nhà nước dẫn lời của Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper rằng ông "lên án vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh nhất có thể". Đối với tin từ Bộ Công an đưa ra cho rằng trong số những nghi phạm nổ súng ở Đắc Lắc có một người là thành viên của một tổ chức đặt trụ sở tại Hoa Kỳ; Đại sứ Marc Knapper được dẫn lời "sẵn sàng làm việc với Chính phủ Việt Nam để làm rõ những gì phía sau sự việc".

Vào rạng sáng ngày 11/6 vừa qua hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc. Đây là tỉnh giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của Cam Bốt.

Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng bao gồm 4 công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân. Ngoài ra, còn có 3 người dân bị bắt làm con tin, 1 người trong số này tự giải thoát, 2 người còn lại được giải thoát sau đó.

Đến ngày 21/7 vừa qua, Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, thông báo lực lượng chức năng đã bắt được hết sáu người bị truy nã đặc biệt trong vụ nổ súng vừa nêu.

Sau khi xảy ra vụ nổ súng, một số viên chức Việt Nam cho rằng có những tổ chức ngoại quốc đứng đằng sau vụ tấn công đó. Bộ này khởi tố vụ án "khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, và tổ chức-môi giới cho người khác xuất cảnh".

Tính đến nay đã có gần 100 người bị bắt giữ theo cáo buộc tham gia vụ nổ súng.

Các tổ chức người Thượng tại ngoại quốc được Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn khẳng định họ không có liên quan gì đến vụ tấn công, đồng thời đã lên án việc sử dụng bạo lực.


Công An Tp. HCM Đề Nghị Truy Tố 2 Người Vì Xúc Phạm Bà Nguyễn Phương Hằng


(Hình: Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni.)

-Vào ngày 25/7/2023. Công an Tp. HCM đề nghị truy tố đối với bà nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và cựu Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Vĩnh Long, ông Trần Văn Sĩ, vì đã xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Đại Nam, và chồng bà này, ông Huỳnh Uy Dũng. Truyền thông nhà nước loan tin vào cùng ngày.

Tội danh truy tố là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo kết luận điều tra của Công an Tp. HCM, từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, bà Hàn Ni dùng tài khoản Facebook và YouTube "Nhà báo Hàn Ni", và ông Trần Văn Sĩ dùng tài khoản YouTube "Luật sư Trần Văn Sĩ" để đăng bài, ghi hình phát trên các nền tảng xã hội này.

Nợi dung của các bài đăng và clip bị công an cho là sai sự thật, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng là ông Huỳnh Uy Dũng; xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ Từ thiện Hằng Hữu.

Hành vi đó của bà Đặng thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sĩ bị bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo với Công an Tp. HCM.

Bà Hàn Ni bị bắt tạm giam vào ngày 24/2/2023. Nhà báo Hàn Ni (sinh năm 1977) được báo chí Nhà nước đặt biệt danh là "Bông hồng thép" của làng báo Sài Gòn sau loạt bài điều tra về quán cà phê Xin Chào hay còn được biết đến là vụ án "Xin Chào" hồi năm 2016. Bài điều tra được cho là đã giúp chủ quán này thoát khỏi tù oan. Bài báo được giải Nhất giải Báo chí Tp. HCM lần thứ 34 thể loại Phóng sự điều tra.

Ông Trần Văn Sĩ bị bắt tạm giam ngày 25/2/2023.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vào ngày 24/3/2022 cũng cùng tội danh với bà Hàn Ni và ông Trần Văn Sĩ. Cơ quan công an xác định bà Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, YouTube và TikTok tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet tại Sài Gòn để xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của tám cá nhân trong đó có nhà báo Hàn Ni.

Tám cá nhân bị bà Hằng xúc phạm bao gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Tp. HCM), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.


Vụ Giáo Viên Đăng Facebook Chế Nhạo "Hội Thao Giáo Dục Quốc Phòng-An Ninh": Công An Rút Công Văn


(Hình: Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An ở tỉnh Đắc Lắc.)

-Một giáo viên tại trường Trung học Phổ thông Chu Văn An ở tỉnh Đắc Lắc đã khiếu nại thành công một Thượng tá công an, Phó phòng An ninh Chính trị Nội bộ - Công an tỉnh Đắc Lắc, người đã ký công văn "Về việc đề nghị chấn chỉnh tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ trường Trung học Phổ thông Chu Văn An".

Theo truyền thông nhà nước, giáo viên Nguyễn Đạt Thành tố cáo viên thượng tá ký công văn "Về việc đề nghị chấn chỉnh tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ trường Trung học Phổ thông Chu Văn An" vào ngày 7/12/2022 là có dấu hiệu quy chụp, gán ghép các nội dung.

Báo Nhà nước không đăng cụ thể nội dung công văn này. Tuy nhiên, trong trả lời mới nhất đối với giáo viên khiếu nại, Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc kết luận tố cáo của ông Thành là đúng và giao Phòng An ninh Chính trị Nội bộ tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để thu hồi công văn; đồng thời, làm việc, trao đổi với Phòng Tổ chức cán bộ, chính trị, tư tưởng Sở Giáo dục-Đào tạo để bảo đảm quyền lợi cho ông Thành theo quy định.

Trong chỉ đạo mới, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Phòng Tổ chức cán Bộ Công an tỉnh Đắc Lắc tham mưu tổ chức kiểm điểm đối với những sai phạm của lãnh đạo, chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ, đề xuất xử kỷ luật theo quy định của Bộ Công an.

Theo báo Lao Động, vào tháng 5/2023, từ công văn đề nghị của Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Đắc Lắc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các giáo viên ở trường Trung học Phổ thông Chu Văn An làm báo cáo giải trình liên quan đến việc đăng tải nội dung thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, trên trang Facebook, một giáo viên đăng tải hình ảnh đứng chụp hình bên cạnh bảng hiệu ghi "Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh" và đính kèm dòng trạng thái "Môn vô văn hóa xin chào toàn thể anh em nha". Không chỉ vậy, các thầy cô giáo còn liên tục bình luận, có thái độ cợt nhả, châm biếm và sử dụng một số hình ảnh phản cảm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắc, xét mức độ các thông tin đưa lên mạng xã hội của các giáo viên là chưa vi phạm Luật An ninh mạng, nên chưa giải quyết trách nhiệm.


Chủ Tịch Tập Đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản Ra Hầu Tòa Vào Ngày 10/8 Với Cáo Buộc "Lừa Dối Khách Hàng"



(Hình: Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, ông Lê Thanh Thản.)

-Vào ngày 25/7/2023, truyền thông nhà nước loan tin cho hay Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, đại gia Lê Thanh Thản sẽ phải ra tòa xét xử vào ngày 10/8 tới đây với cáo buộc tội "Lừa dối khách hàng".

Ông Thản bị cáo buộc đã "Lừa dối khách hàng" trong dự án xây dựng ở tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2008. Ông Thản đã bán 488 căn nhà cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) thu lợi bất chính tổng số tiền là 481 tỉ đồng.

Ông Thản bị truy tố theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Khung truy tố ở tội này, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Cùng hầu tòa lần này với đại gia Lê Thanh Thản còn có: Nguyễn Duy Uyển, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng (Hà Đông); Vương Đăng Quân, cựu Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông và các cán bộ Mai Quang Bài, Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm. Những người này bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.

Tập đoàn Mường Thanh và đại gia Lê Thanh Thản nổi tiếng với nhiều dự án bất động sản và chuỗi khoảng 50 khách sạn cao cấp ở Việt Nam.

Vào cuối tháng 10 năm 2017, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đến ở tại khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông của Tập đoàn Mường Thanh và viết thơ ca ngợi, được báo chí và mạng xã hội lan truyền. Thơ ông Trọng viết:

Lần này lại đến "Phương Đông"
Tình xưa, nghĩa cũ, mặn nồng "Mường Thanh"
Cố lên các chị, các anh
Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền.


Bộ Xây Dựng: "Bỏ Quên" Ngàn Tỉ đồng Khi Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước


(Hình: Trụ sở Bộ Xây dựng ở Hà Nội.)

-Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chánh, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan về việc Bộ Xây dựng "bỏ quên" ngàn tỉ đồng trong quá trình cố phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do bộ này quản lý.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra chỉ ra các vi phạm rong quá trình cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, điển hình là các vi phạm về tài chánh, chưa xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, "bỏ quên ngàn tỉ" trong quá trình bán vốn Nhà nước; vi phạm trong quản lý đất đai tại các tổng công ty Nhà nước ngành xây dựng. Số tiền sai phạm tạm tính trong quá trình cổ phần hóa 10 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, theo Thanh tra Chính phủ, là 5.690 tỉ đồng. Trong số này, quá trình giải quyết tài chánh để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa giải quyết, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỉ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra, giải quyết hai vụ vi phạm về tài chánh, quản lý đất đai, có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách nhà nước tại công ty mẹ, các công ty con tại Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen).

Trong chỉ đạo mới từ Chính phủ, Bộ Xây dựng, các công ty gồm Vicem, Lilama, VNCC, Licogi, CC1, Coma, Hancorp, Sông Đà được yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật, giải quyết nghiêm các sai phạm.


Quảng Ngãi: Bắt Giám đốc Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới

-Vào ngày 25/7/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết Cơ quan này vừa tống đạt quyết định khởi tố các bị can, thi hành Lệnh bắt giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Thanh Chung (sinh năm 1986, ở thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi), Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 76-02D thuộc Công ty Cổ phần Thuận Phát để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại khoản 4, Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ án hành sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trung tâm 76-02D.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Minh Hiếu (sinh năm 1988, thường trú tổ dân phố thôn Tập An Nam, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Phó Giám đốc, đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 76-02D cùng tội danh kể trên.

Vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm và các trung tâm đăng kiểm đang bị Công an phanh phui hồi đầu năm nay được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng/Chống Tham nhũng, Tiêu cực (Ban Chỉ đạo) giám sát.

Bộ Giao thông-Vận tải vào đầu tháng 6 báo cáo với Quốc hội rằng, từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm qua 68 vụ án theo bảy tội danh.

Có 49 đảng viên bị khai trừ, 24 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt, và 10 chi bộ trong ngành này bị cảnh cáo do những vi phạm về đăng kiểm.


Việt Nam Nhắm Đến Mục Tiêu Nâng Sản Lượng Đất Hiếm Lên 2 Triệu Tấn/Năm Vào Năm 2030


(Hình: Một mỏ đất hiếm tại Nam Phi.)

-Việt Nam nhắm đến mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn mỗi năm từ thời điểm 2030.

Thông tấn xã Reuters loan tin ngày 25/7/2023 dẫn nguồn từ kế hoạch của Chính phủ Hà Nội do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký vào ngày 18/7 vừa qua.

Đất hiếm là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Chúng được dùng trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong kỹ thuật thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc ở mức ước tính 22 triệu tấn.

Vào năm 2022, Việt Nam sản xuất được 4.300 tấn so với mức chỉ 400 tấn vào năm 2021.

Đất hiếm sẽ được khai thác từ 9 mỏ tại 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Tiếp đến sau năm 2030 sẽ mở thêm từ 3 đến 4 mỏ mới với mục tiêu nâng sản lượng mỗi năm lên 2,11 tấn.

Song song hoạt động khai thác, Việt Nam cũng sẽ tìm cách đầu tư vào các cơ sở tinh luyện đất hiếm với mục tiêu sản xuất từ 20.000 đến 60.000 tấn oxide đất hiếm (REO) vào năm 2030. Đến thời điểm 2050, nâng sản lượng REO lên từ 40.000 đến 80.000 tấn/năm.


Việt Nam Đề Nghị UEA Điều Tra Doanh Nghiệp Nghi Lừa 5 Container Nông Sản


(Hình: Toàn cảnh chụp từ trên cao cảng nước sâu Rashid ở Dubai.)

-Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi công hàm đến Tòa Ðại sứ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Hà Nội đề nghị hỗ trợ ngăn chặn, điều tra doanh nghiệp bị nghi lừa đảo 5 container hàng nông sản của doanh nghiệp Việt Nam.

Truyền thông nhà nước ngày 25/7/2023 dẫn công hàm của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn về sự việc liên quan. Cụ thể, Bộ này nhận được báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) về các lô hàng tiêu đen, hoa hồi, hạt điều, quế xuất cảng sang UAE có dấu hiệu bị gian lận thương mại. Trong số này, có bốn lô hàng trị giá gần 400.000 Mỹ kim bị thất lạc sau khi cập cảng Jebel Ali, UAE và các doanh nghiệp Việt Nam chưa được trả tiền hàng; một lô hoa hồi trị giá hơn 126.000 Mỹ kim dự kiến cập cảng này vào ngày 26/7.

Vào ngày 17/7, VPA thông báo có 3 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nghi bị một doanh nghiệp ở Dubai lừa đảo khi ký hợp đồng xuất xuất cảng sang Dubai. Trước đó từ tháng Sáu, một số doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng xuất cảng nông sản sang Dubai gặp khó khăn về thanh toán, có dấu hiệu bị người mua lừa.

Trước đó, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng thông báo nhận được kiến nghị của một công ty thuộc hiệp hội về việc nghi bị lừa đảo khi xuất cảng điều nhân sang Dubai.


Hoa Kỳ Tái Cam Kết Với Việt Nam Trong Việc Giúp Nâng Cao Năng Lực Giám Định Hài Cốt


(Hình: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (thứ hai từ phải) thăm Trung tâm giám định DNA.)

-Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh.

Cam kết vừa nêu được Đại sứ Mỹ Marc Knapper đưa ra ngày 25/7/2023, trong chuyến thăm Trung tâm Giám định DNA thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thông cáo của Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ phát đi trong cùng ngày dẫn lời ông Marc Knapper rằng: "Tôi vui mừng tái khẳng định cam kết kiên định của Hoa Kỳ trong hỗ trợ những nỗ lực rất đáng trân trọng của Việt Nam về xác định danh tính hài cốt trong chiến tranh để đoàn tụ những hài cốt đã xác định được danh tính về với gia đình họ".

Đại sứ Marc Knapper nhấn mạnh đến hợp tác mà ông cho rằng có hiệu quả giữa Viện Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm Người mất tích (ICMP) trong việc nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh. Hợp tác này nằm trong khuôn khổ dự án Giám định Hài cốt trị giá 7,4 triệu Mỹ kim do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án này nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám định DNA và phát triển một hệ thống toàn diện để đối khớp DNA từ hài cốt bị phân hủy nặng với AND từ các gia đình đang tìm kiếm người thân.

Dự án này là một phần trong Sáng kiến Tìm kiếm Người Việt Nam mất tích trong chiến tranh mà Chính phủ Hoa Kỳ thiết lập nhằm đáp lại hơn 3 thập niên được phía Việt Nam giúp trong công tác tim, xác định danh tính của hơn 700 quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam.


Việt Nam Cấp Phép Sử Dụng Thương Mại Vắc-xin Dịch Tả Heo Phi Châu Nội Địa


(Hình: Các lọ vắc-xin ngừa tả heo Phi Châu được giới thiệu tại Hà Nội hôm 3/6/2022.)

-Vào ngày 24/7/2023, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam ra công văn về việc cho phép sử dụng 2 loại vắc-xin phòng dịch tả heo Phi Châu do trong nước sản xuất.

Đó là vắc-xin NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE. Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, từ tháng 11/2019 đến nay các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; đặc biệt chuyển giao chủng giống vi-rút sản xuất vắc-xin dịch tả heo Phi Châu cho các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn thú y của Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả heo Phi Châu tại Việt Nam.

NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO và các nhà khoa học Hoa Kỳ cùng nghiên cứu, sản xuất; vắc-xin AVAC ASF Live do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu sản xuất với sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ như vừa nêu.

Hai loại vắc-xin này được cho là những vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo Phi Châu thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành; đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc-xin thương mại trong phòng bệnh dịch tả heo Phi Châu được cấp phép trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, có hơn 650.000 liều vắc-xin phòng dịch tả heo Phi Châu được thử nghiệm cho heo tại 40 tỉnh trên cả nước và hiệu quả đạt 95%.

Dịch tả heo Phi Châu suốt nhiều năm qua gây tổn hại cho thị trường thị heo trị giá 250 tỉ Mỹ kim. Trong đợt bùng phát vào thời điểm 2018-2019, dịch tả heo Phi Châu làm chết hơn phân nửa đàn heo tại Hoa Lục, nhà cung ứng thịt heo lớn nhất thế giới với tổn thất ước tính hơn 100 tỉ Mỹ kim.

Cục Thú y Việt Nam vào thời điểm đó cho biết dịch tả heo Phi Châu xảy ra tại Việt Nam gây tổn thất hơn 30.000 tỉ đồng, ảnh hưởng đến sinh kế của trên 3,5 triệu hộ chăn nuôi, hàng trăm doanh nghiệp; tác động trực tiếp đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và xuất cảng.


Việt Nam và Do Thái Ký Hiệp định Thương Mại Tự Do


(Hình: Nền kinh tế Việt Nam tập trung nhiều vào sản xuất để xuất cảng.)

-Hôm 25/7/2023, Việt Nam và Do Thái đã ký Hiệp định Thương mại Tự do và mong đợi nó sẽ nhanh chóng thúc đẩy thương mại song phương hàng năm gần 50%.

Thỏa thuận đã được Bộ trưởng Thương mại của hai nước ký kết tại Do Thái sau bảy năm đàm phán, Bộ Công thương Việt Nam cho biết trong một thông cáo.

Thỏa thuận này được mong chờ sẽ sớm đưa thương mại song phương lên 3 tỉ Mỹ kim, Bộ Công thương nói, sau khi kim ngạch thương mại hai nước hồi năm 2022 tăng 18% lên 2,2 tỉ Mỹ kim.

Thỏa thuận này sẽ 'tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất cảng không chỉ sang Do Thái mà còn mở đường cho xuất cảng của Việt Nam tiếp cận các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu khác', thông cáo viết.

Đây là Thỏa thuận Thương mại Tự do thứ hai mà Do Thái ký kết với một quốc gia Á Châu, sau Nam Hàn vào năm 2021 và là thỏa thuận đầu tiên của họ với một thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Bộ Kinh tế Do Thái cho biết nó sẽ đem tới 'lợi thế cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi' cho xuất cảng Do Thái vào thị trường Việt Nam.

Các mặt hàng xuất cảng lớn nhất của Việt Nam sang Do Thái gồm có điện thoại thông minh, giày dép và thủy sản, trong khi nước này nhập cảng đồ điện tử và phân bón.

Thỏa thuận này cuối cùng sẽ loại bỏ thuế đối với ít nhất 86% sản phẩm của Việt Nam và 93% sản phẩm của Do Thái, Bộ Công thương Việt Nam cho biết.

Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do song phương và đa phương kể từ đầu những năm 1990, khi Việt Nam tìm cách thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại quốc hơn vào nền kinh tế sản xuất chế tạo của mình.

Không có nhận xét nào: