Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Giới Thiệu Sinh Hoạt: Ngày Hè Của Lính và Gia Đình, Lần Thứ 9, Chủ Nhật Tuần Này! và Kính Chuyển Tin Nóng Việt Nam Hôm Nay - Lê Văn Hải


Chủ Nhật Tuần Này! Giới Thiệu Sinh Hoạt: Ngày Hè Của Lính và Gia Đình, Truyền Thống Lần Thứ 9, Chủ Nhật, Ngày 23 Tháng 7 Năm 2023 Tại Lake Cumningham Park - 2505 White Rd., San Jose CA 9514
<!>
Thiệp Mời




(Bài Cũ, Năm Ngoái)

Cảm Tưởng Lần Đầu Tiên Tham Dự Picnic “Ngày Hè Của Lính và Gia Đình”
(Lần 8, San Jose, 24/7/2022)
(Phạm Phan Lang)


-Cách đây hơn một tháng, PL và OX Barry có dịp về San Jose tham dự buổi Picnic Ngày Hè Của Lính & Gia Đình được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 24/7/2022 từ 10:30 am – 4:00 pm tại Lake Cunningham Park, San Jose, CA.

Buổi picnic Ngày Hè Của Lính & Gia Đình năm nay đánh dấu năm thứ 8 buổi Picnic được tổ chức nhằm mục đích tạo cơ hội thắt chặt tình Đoàn Kết “Huynh Đệ Chi Binh” giữa Quân Binh Chủng QLVNCH và Dân – Cán -Chính VNCH tại miền Bắc California. Số người tham dự rất đông, khoảng 1000 người trong đó có nhiều nam, nữ cựu quân nhân QLVNCH mặc quân phục rất nghiêm chỉnh. VT-NTH có trên 20 cựu học sinh: Bs Phạm Đức Vượng (trong BTC), anh Trương Khương, chị Thu Hương, anh Nguyễn Cư & Hoa, anh Tuấn Hùng & Ngọc Diệp, Dũng & Sương Mai, PCNinh & Ánh Tuyết, Bang & Võ Thanh Tùng, Kim Lệ, Thu Phong, Bích Đào, Kim Trân, Diệp Bình, Bích Diệp, Minh Phượng, Đăng Hà, Mộng Huyền…. Ngoài ra, không hẹn mà PL cũng đã gặp được một số bạn trong nhóm Văn Thơ Lạc Việt (VTL) ở Bắc Cali như thi sĩ Mạc Phương Đình, văn thi sĩ Minh Thuý, nhà báo Lê Diễm…


Chương trình ngoài phần ẩm thực rất ngon (xôi, thịt nướng, bánh mì, dưa hấu, kem cây…) còn có nghi thức chào quốc kỳ Hoa Kỳ, VNCH và Phút Mặc Niệm, chào mừng/giới thiệu quan khách, xổ số và văn nghệ với chủ đề Tình Lính, Quê Hương và Mùa Hè. Trong phần văn nghệ đặc biệt nhất là màn Line Dance do nhóm Nữ Trung Học Nha Trang trình diễn thật ngoạn mục và đặc sắc được nhiều người vỗ tay hoan hô, tán thưởng… Có lẽ do màn vũ đầy sinh động này khơi mào nên sau đó nhiều người ra sàn nhảy tạo nên một bầu không khí hứng khởi và vui nhộn…



Buổi picnic chấm dứt trong sự luyến tiếc của mọi người cho một ngày vui qua mau. PL và Barry xin cám ơn anh Bs PDVượng đã mời tham dự buổi picnic ý nghĩa và cám ơn quí anh chị/bạn VT-NTH và VTLV đã cho PL và Barry một ngày với kỷ niệm vui, đẹp khó quên.


Năm Nay, Mời tất cả Quý Cựu Quân Nhân VNCH và Gia Đình Nhớ Tham Dự: Chủ Nhật Tuần Này! Ngày Hè Của Lính và Gia Đình, Truyền Thống Lần Thứ 9, Chủ Nhật, Ngày 23 Tháng 7 Năm 2023 Tại Lake Cumningham Park - 2505 White Rd., San Jose CA 9514

Trân Trọng Kính Mời


Tin Việt Nam Hôm Nay

Đả đảo Cộng sản! Việt Nam sẽ cắt Internet với những ai chống đối trên mạng?


(Hình: Hai bạn trẻ vào mạng xã hội ở một quán cà phê tại Hà Nội)

-Nhà chức trách Việt Nam đang cân nhắc sẽ cắt mạng đối với những ai bị cho là vi phạm pháp luật khi đưa thông tin lên mạng, một sự leo thang kiểm duyệt đối với môi trường mạng vốn đã hà khắc ở quốc gia này, theo tìm hiểu của VOA.

Đây là một trong 11 điểm mới trong Nghị định mới thay thế cho các Nghị định 72 và Nghị định 27 về quản lý thông tin trên mạng được Bộ Thông tin-Truyền thông soạn thảo và đưa ra lấy ý người dân, trang mạng VnExpress cho biết.

Theo đó, các nhà mạng Internet sẽ bị yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo tờ trình của Bộ này gửi báo cáo Chính phủ được VnExpress dẫn lại thì ‘qua thực tế công tác quản lý nhà nước’ thì họ thấy cần phải có thêm biện pháp này mà họ cho là cách ‘xử lý nhanh’ đối với những ai dùng mạng để ‘cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước’.

Bộ Thông tin-Truyền thông đặc biệt nhắm vào những người livestream trên mạng xã hội vốn sẽ bị khóa mạng và không thể lên sóng được nữa nếu họ nói những gì làm chính quyền không hài lòng.

Theo lập luận của Bộ này được VnExpress này dẫn lại thì việc chặn ngay từ nguồn phát tán thông tin sẽ ‘giúp giảm thời gian và nguồn lực’ của họ trong việc rà soát và gỡ bỏ từng nội dung như cách làm hiện nay.

Ngoài ra, các nhà mạng Internet cũng phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng được cho là sai phạm theo yêu cầu của Bộ này trong thời hạn ‘không quá 24 giờ kể từ khi nhận được lệnh’. Các trang, nhóm, kênh, tài khoản đưa nội dung vi phạm ‘sẽ bị khóa tạm thời hay vĩnh viễn’.

Giới chức Việt Nam lâu nay vẫn buộc các mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok phải chặn hay gỡ xuống nhưng nội dung mà họ cho là độc hại hay có tính chống đối chính quyền.

Nghị định mới này cũng sẽ siết chặt việc quản lý người dùng trên các mạng xã hội mà theo đó các chủ tài khoản phải cung cấp số điện thoại di động để xác thực tài khoản và đó phải là số điện thoại di động Việt Nam.

Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ, ông Lê Quang Tự Do, phát biểu hôm 30/6 tại hội nghị sơ kết của Bộ rằng các nền tảng mạng xã hội đặt ở nước ngoài là ‘ổ phát tán thông tin xấu độc’ và chính quyền Việt Nam đã phải dùng mọi biện pháp ‘kỹ thuật, kinh tế, truyền thông’ để yêu cầu các công ty mạng xã hội này phải gỡ bài.


CSVN đàn áp Tự Do Ngôn Luận! Bộ thông tin đề xuất mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream

(Khánh Vy)


(Hình: Bộ TT- TT đề xuất mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream.)

-Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vừa đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được cơ quan này cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phát video trực tuyến (livestream).

Ngày 18/7, truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) đề xuất bổ sung quy định về việc cấp phép cho người sử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến (livestream).

Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế cho hai quy định hiện hành: Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet & thông tin trên mạng, và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.

Theo đó, Bộ TT-TT Việt Nam nêu rằng chỉ các mạng xã hội đã được cơ quan này cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phát video trực tuyến (live stream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).

Bộ TT-TT Việt Nam cho rằng hình thức thông tin trực tuyến theo thời gian thực có tác động ảnh hưởng nhanh đến xã hội.

Theo Bộ này, hiện trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… có những thông tin bị cho là “giả, xấu độc, bôi nhọ, xúc phạm uy tín-danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.”

Trên thực tế, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội cả trong và ngoài nước Việt Nam lâu nay sử dụng hình thức phát video trực tuyến theo thời gian thực để bày tỏ quan điểm, trình bày những hoạt động thường nhật…

Nhiều nhà hoạt động, bloggers, giới bất đồng sử dụng công cụ này để thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận mà theo họ được Hiến pháp quy định; thế nhưng họ đã bị bắt rồi bị án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước…” theo các điều gồm 117, 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.


Đồng Bằng Sông Cửu Long Trước Nguy Cơ Ngập Lụt


(Hình: Chợ nổi Phong Điền vùng đồng bằng sông Cửu Long.)

-Toàn bộ 13 tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ngập lụt.

Cảnh báo vừa nêu được đưa ra tại Hội thảo Quy hoạch & Phát triển Đô thị Bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 18/7/2023 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Xây dựng thuộc Chính phủ Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức.

Cảnh báo được đưa ra là Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động lớn về thiên tai, biến đổi khí hậu khiến đây là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5 đến 1 mét sẽ khiến chừng 39% diện tích, 35% dân số Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động bất lợi.

Một số đô thị lớn, trung bình tại khu vực này đứng trước nguy cơ ngập lụt có thể kể đến gồm hai thành phố Rạch Giá, Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang; thành phố Cà Mau, thành phố Sóc Trăng, thành phố Vị Thanh và thành phố Cần Thơ….

Thống kê cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hiện có 174 đơn vị được xếp theo đô thị các loại. Cụ thể một đô thị trực thuộc Trung ương, hai đô thị loại I thuộc cấp tỉnh; 12 đô thị loại II, chín đô thị loại III, 23 đô thị loại IV; và 127 đô thị loại V.

Tính đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 31%, tăng gần 5% so với năm 2015.


Chuyên Gia Nhật Bản Khảo Sát Thực Địa Nơi Sạt Lở ở Đà Lạt


(Hình: Nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng sau vụ sạt lở.)

-Vào ngày 18/7/2023, một đoàn chuyên gia Nhật Bản thuộc Công ty Cổ phần Địa chất Kawasaki tiến hành công tác khảo sát hiện trường khu vực sạt lở đất ở Đà Lạt hồi rạng sáng ngày 29/6 vừa qua.

Truyền thông nhà nước loan tin. Cụ thể Thành phố Đà Lạt, sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10 khiến 2 người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà sập đổ, đã mời các chuyên gia thuộc Công ty cổ phần Địa chất Kawasaki đến giúp khảo sát thực địa để đưa ra những tham vấn cho thành phố về những giải pháp phòng ngừa sạt lở.

Trong ngày 18/7, đoàn đã khảo sát khu vực phía trên bờ kè ta-luy đúc bằng bê-tông đã bị sạt lở, và khu vực nhiều căn nhà bị vùi lấp, hư hỏng ờ phía dưới.

Ngoài khu vực bị sạt lở gây chết người và hư hại nhà cửa như vừa nêu, đoàn chuyên gia Nhật Bản còn khảo sát những khu vực bị sạt lở khác trên các tuyến đường Yên Thế, Khe Sanh, Đặng Thái Thân… ở Thành phố Đà Lạt.

Đây không phải lần đầu, Công ty cổ phần Địa Chất Kawasaki giúp thành phố Đà Lạt trong công tác liên quan. Vào năm 2017, công ty này đến khảo sát, tham vấn để khắc phục vụ sạt lờ tại khu vực đầu đường Nguyễn Văn Trỗi tác động đến hàng chục gia đình dân cư trú tại đó.

Như tin đã loan, vào rạng sáng ngày 29/6 vừa qua xảy ra vụ sạt lở đất ta-luy, làm chết hai người và năm người khác bị thương tại địa điểm vừa nêu.

Ngay trong ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Đà Lạt, đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình trên mái ta-luy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (phường 10) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh ta-luy âm/dương lớn... mà có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Đà Lạt được yêu cầu dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực ta-luy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt và không bảo đảm điều kiện an toàn để xây dựng công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép đối với các công trình tại những khu vực này.


Sài Gòn: Hơn 20 Ngàn Doanh Nghiệp Tạm Ngưng Hoạt Động Trong 6 Tháng Đầu Năm


(Hình: Hàng loạt doanh nghiệp tại Sài Gòn thiếu đơn hàng, giảm lợi nhuận.)

-Trong ngày 17/7/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. HCM (HUBA) cho truyền thông hay có tới 51% doanh nghiệp tại Sài Gòn báo cáo doanh thu giảm; 62% doanh nghiệp nói lợi nhuận giảm vào khi sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41% trong sáu tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ HUBA, có khoảng18.204 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ, và 1.823 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong sáu tháng đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA - được tờ VietnamFinance dẫn lời rằng cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính.... Do đó, khoảng 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo sẽ vẫn còn tiếp tục giảm.

Với tình hình trên, lãnh đạo HUBA kiến nghị Trung ương cần có các chính sách cụ thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Việc ban hành các chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục, hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia các dự án đầu tư công, các chương trình trọng điểm; được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất cảng, mở thị trường.

Ngoài ra, lãnh đạo Tp. HCM cần sớm khai triển chương trình kích cầu; có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng cũng như được định kỳ tiếp xúc gặp gỡ doanh nghiệp để thông tin tình hình, các chương trình, kế hoạch của thành phố...

Hôm cuối tháng 6/2023, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). Như vậy sau nửa đầu năm 2023 đã có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa (16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng).


Viện Kiểm sát Nhân dân Tối Cao Chuyển Đơn Tố Cáo của Con Trai Bà Nguyễn Phương Hằng Cho Công an


(Hình: Ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream.)

-Cơ quan Điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) tố cáo ông Dũng "lò vôi" cho Công an Tp. HCM xác minh.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 18/7/2023, dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra rằng con trai bà Hằng tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng là người giúp sức tích cực cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội nhưng ông này lại không bị xử phạt. Theo như đơn ông Tuấn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Tuấn khẳng định các cơ quan điều tra đã "bỏ lọt tội phạm" đối với ông Huỳnh Uy Dũng.

Trong khi đó, vẫn theo đơn của ông Tuấn, những khách mời tham gia trong các buổi livestream của bà Hằng như Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân hoặc các Phụ tá của bà Hằng đều đã bị bắt giam với vai trò đồng phạm.

Hôm 31/5, Tòa án Nhân dân Tp. HCM đã trả hồ sơ để điều tra bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và bốn đồng phạm là Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, Phụ tá của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) và Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, cựu giảng viên) cùng bị Viện Kiểm sát truy tố tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân nêu trên đều do bà đọc trên mạng, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.


Cờ CS Việt Nam Trên Đảo Trường Sa Lớn Hiển Thị Trở Lại Trên Google Maps và Google Earth


(Hình: Ảnh lá cờ trên Google Earth.)

-Ảnh cờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên nóc mái nhà ở đảo Trường Sa Lớn có thể thấy rõ nét trở lại trên ứng dụng Google Maps và Google Earth.

Truyền thông nhà nước loan tin ngày 18/7 cho biết thực tế vừa nêu diễn ra sau khi Hà Nội lên tiếng yêu cầu hãng Google cập nhật hình ảnh cờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bằng gốm trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn.

Như tin đã loan, vào chiều ngày 11/7 vừa qua, Cục Phát thanh-Truyền hình & Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam cho biết cơ quan này đã làm việc với Google về vụ bản đồ vệ tinh của Google không hiển thị cờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở đảo Trường Sa Lớn.

Qua làm việc, Google giải trình hãng không làm mờ hay thay đổi hình ảnh vệ tinh do bên thứ ba cung cấp. Hình ảnh hiển thị là bởi chất lượng ảnh kém và Google tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn.

Cục Phát thanh-Truyền hình & Thông tin điện tử Việt Nam có yêu cầu Google khắc phục một cách nhanh chóng sự việc liên quan.

Trước đó, sau khi một người dùng mạng xã hội phát giác ảnh vệ tinh liên quan của Google không hiển thị lá cờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bằng gốm tại đảo Trường Sa Lớn, nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam bày tỏ bất bình.

Lá cờ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bằng gốm kích thước 12,4 x 25 mét trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn được thực hiện vào năm 2012 theo ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.

Với kích thước lớn như thế, lá cờ có thể quan sát trên ảnh vệ tinh.


Con Đường Gốm Sứ Mừng Đại Lễ 1.000 Năm Thăng Long-Hà Nội Xuống Cấp, Nhếch Nhác


(Hình: Con đường gốm sứ ven sông Hồng đoạn từ Cầu Chương Dương đến nút giao với đường Thanh Niên trở thành điểm quảng cáo vá xe.)

-Con đường gốm sứ nổi tiếng ở Hà Nội, từng được Tổ chức Guiness công nhận là bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tờ An ninh Thủ đô điện tử trong ngày 18/7/2023 cho hay hiện nhiều điểm trên con đường này trở thành nơi quảng cáo vá xe; đồng thời nhiều mảng tường đã bị bong tróc; gạch gốm bị rơi, nứt lộ ra cả những viên gạch bên trong.

Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng là ý tưởng của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, báo Hà Nội mới nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Dự án này trị giá 65 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2008, hoàn thành năm 2010 với chiều dài 3.950m, diện tích khoảng 7.000 mét vuông, chạy từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện công trình được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, hàng tháng có nhân viên của Công ty Vệ sinh môi trường đi lau rửa, thế nhưng công trình không chỉ bị xuống cấp mà còn trở thành địa điểm vứt rác, biến tướng sau khoảng 13 năm.

Hôm tháng 3/2023, nhiều tờ báo điện tử cũng nêu thực trạng này và vào thời điểm đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục khai triển thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt; duy tu, bảo trì, sửa chữa phần đã xuống cấp; xây dựng và ban hành quy chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình này.


Việt Nam và Trung Quốc Di tản Hàng Trăm Ngàn Người Để Tránh Bão Talim


(Ảnh: Tâm bão Talim tại biên giới Việt Nam-Trung Quốc hôm 18/7/2023.)

-Bão Talim, cơn bão đầu tiên trong năm, hôm 18/7/2023 đã đổ bộ vào Việt Nam sau khi đi qua Trung Quốc và suy yếu dần nhưng hàng trăm người dân ở hai nước đã được lệnh di tản trước cơn bão mà Việt Nam nói là mạnh nhất trong những năm trở lại đây.

Sau khi đổ bộ ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, bão Talim tiến vào biên giới Việt-Trung với cường độ giảm dần so với dự báo trước đó, theo truyền thông trong nước.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam cho biết bão Talim, được gọi là bão số 1 ở Việt Nam, đổ bộ vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây hôm 18/7 và tâm bão cách thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh 60 cây số về phía Đông-Bắc, theo Dân Trí.

Trước đó hôm 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo di tản gần 30.000 người dân tại 5 tỉnh ven biển miền Bắc, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, trước nguy cơ bão Talim gây mưa lớn và gió mạnh, theo truyền thông trong nước.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, ông Mai Văn Khiêm được Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ trích lời nói rằng đây là cơn bão đổ bộ vào miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm qua và gây mưa rất lớn từ nay đến ngày 20/7.

Giông lốc được dự báo xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc khi bão đi vào Vịnh Bắc Bộ trong ngày 19/7, theo bản tin của báo Chính phủ.

Ba phi trường chịu ảnh hưởng của bão Talim là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Cát Bi ở Hải Phòng và Nội Bài của Hà Nội đang bị đóng cửa, làm gián đoạn hàng trăm chuyến bay. Theo chỉ đạo của Cảng vụ Hàng không miền Bắc được VnExpress trích dẫn, ba phi trường này tạm dừng tiếp nhận máy bay trong ngày 18/7.

Cơn bão đi qua đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, cách Hà Nội vài trăm cây số, hôm 18/7 nhưng theo dự báo trong những giờ sau đó, cơn bão di chuyển với vận tốc 20 cây số/giờ theo hướng Tây Tây-Bắc. Theo VnExpress, cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt-Trung lúc 4 giờ chiều ngày 18/7 và dự kiến sẽ đi sâu vào vùng núi Tây Bắc Bộ của Việt Nam.

Các nhà chức trách Việt Nam đưa ra cảnh báo về khả năng gây rủi ro do mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc sau khi bão đi qua.

Tòa Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội hôm 17/7 đã đưa ra cảnh báo cho các công dân Hoa Kỳ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam về nguy cơ của cơn bão Talim. Thông báo của Tòa Ðại sứ khuyến nghị các công dân Mỹ nên có "kế hoạch khẩn cấp trước khi cơ bão ập tới" và đăng ký vào chương trình STEP để nhận thông báo an toàn khi du hành. Theo Tòa Ðại sứ Mỹ, mùa bão ở Việt Nam kéo dài trong vòng khoảng 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11, trong khi mùa bão nhiệt đới thường kéo dài từ đầu tháng 11 đến hết tháng 4 hàng năm.

Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, hôm 18/7 cho biết rằng gần 230.000 người đã được di tản khỏi nhà của họ ở Quảng Đông trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ vào đây.

Cơ quan dự báo thời tiết của Trung Quốc cho biết Quảng Tây tiếp tục có gió mạnh và mưa lớn cho đến ngày 19/7, và đưa ra cảnh báo về khả năng sạt lở đất trong khi chính quyền đóng cửa các trường học cũng như tạm dừng hàng chục dịch vụ vận chuyển đường sắt.

Sau bão Talim, theo VnExpress, khả năng có 2-3 cơn bão hình thành từ dải hội tụ nhiệt đới ở Tây-Bắc Thái Bình Dương, trong đó một cơn được dự đoán sẽ vào Biển Đông trong 4-6 ngày tới.


Tù Nhân Lương Tâm Trần Huỳnh Duy Thức Tiếp Tục Đòi Tự Do Sau Khi Tòa Án Tối Cao Trả Lời Khiếu Nại


(Hình: Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa ở Tp. HCM hôm 20/1/2010.)

-Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án năm thứ 14 của bản án 16 năm tù, tiếp tục có đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại và trả tự do ngay lập tức. Đơn mới nhất được lập sau khi ông nhận được văn bản trả lời của Tòa án Nhân dân Tối cao về các khiếu nại của bản thân trong năm năm qua.

Thông tin trên được em trai của ông, ông Trần Huỳnh Duy Tân, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong ngày 18/7, ba ngày sau khi gia đình thăm ông Thức ở Trại giam số 6 (Nghệ An).

Theo ông Tân, anh ruột của ông ngày 12/7 nhận được văn bản số 253/TANDTC-V1 do Phó vụ trưởng phụ trách Nguyễn Thị Bình của Vụ Giám đốc Kiểm tra 1 ký với nội dung bác bỏ các khiếu nại của ông Thức trong thời gian qua.

"Văn bản 253 của Tòa án Nhân dân Tối cao gửi vào trại giam cho anh Thức là văn bản đầu tiên của Tòa án Nhân dân Tối cao sau 5 năm kể từ ngày đầu tiên anh Thức anh gửi đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại.

Anh Thức không đồng ý với văn bản trả lời của Tòa án Nhân dân Tối cao và anh đã làm ngay đơn sau đó gửi đi. Nội dung chính của đơn này trả lời lại, phản hồi lại cái văn bản 253 đó".

Tại văn bản 253, Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định ông Thức bị kết tội theo Khoản 1 của Điều 79 BLHS 1999 vì "Anh là người phạm tội với vai trò là người tổ chức (người chủ mưu, người cầm đầu, người chỉ huy thực hiện tội phạm) … và thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo Khoản 3 của Điều 109 BLHS 2015. Do đó, anh không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/7/2017 của Quốc hội để xem xét miễn phần hình phạt còn lại".

Tuy nhiên, theo ông Tân, ông Thức khiếu nại căn cứ vào Điều 7 (nguyên tắc áp dụng điều luật mới có lợi cho người bị kết án) và Điều 14 (miễn chấp hành hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999) trong Bộ luật Hình sự 2015 chưa sửa đổi, và ba Nghị quyết, Nghị quyết 144/2016/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định giá trị hiệu lực của các điều luật trên.

"Anh Thức yêu cầu trả tự do cho ảnh căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa sửa. Bộ luật này yêu cầu miễn hình phạt còn lại cho những người bị kết án vì chuẩn bị phạm tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' theo BLHS năm 1999.

Ảnh bác bỏ những cái điều mà trả lời của cái văn bản 253 này là cái chỗ là Bộ luật Hình sự 2015 (chưa sửa- PV) yêu cầu phải miễn hình phạt còn lại cho những người bị kết án theo cái chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật Hình sự năm 1999.

Anh Thức nói rằng cái bản án kết tội ảnh theo Điều 17 và Điều 79 (của BLHS năm 1999) vốn đã rất võ đoán rồi nhưng nó đã thể hiện rõ những hành vi dùng để kết tội anh Thức chính là hành vi chuẩn bị phạm tội.

Cái đó là cái điểm thứ nhất. Cái điểm thứ hai thì anh Thức anh yêu cầu là trả tự do cho ảnh là áp dụng là Điều 14 và Điều số 7 của Bộ luật Hình sự 2015 (chưa sửa- PV)".

Về văn bản trả lời của Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Tân nói:

"Văn bản 253 này thì Tòa án Nhân dân Tối cao ở viện dẫn những quy định về chuẩn bị hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi năm 2017- PV) làm căn cứ cho cái việc miễn hình phạt còn lại thì cái điều này sai, hoàn toàn sai với căn cứ những quy định yêu cầu về pháp lý anh Thức anh áp dụng ở bên trên để yêu cầu trả tự do cho anh.

Văn bản 253 này thật sự là một cái văn bản không có sự chuẩn bị nghiêm túc với số văn bản bị tẩy xóa và sửa lại bằng tay rất là không nghiêm túc. Nội dung của văn bản này lập lờ né tránh cho thấy Tòa án Nhân dân Tối cao không thể tìm ra bất kỳ căn cứ gì đúng luật pháp để không miễn hình phạt còn lại cho anh Thức.

Sau từng ấy năm, họ không tìm được lý do, lý lẽ gì để bác bỏ yêu cầu của anh Thức và họ chỉ chỉ trả lời một cách né tránh, không rõ ràng như vậy".

Ông Tân cho biết gia đình ông sẽ tiếp tục gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Tối cao và các cá nhân, cơ quan hữu quan để yêu cầu nhà chức trách thượng tôn pháp luật mà trả tự do cho ông Thức.

Ông Thức, sinh năm 1966, là một doanh nhân thành đạt về lĩnh vực viễn thông. Năm 2009, ông bị bắt cùng với các ông Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Cáo trạng nói ông có các hành vi "thành lập tổ chức chống Nhà nước có tên gọi 'Nhóm nghiên cứu Chấn' và tham gia các hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi 'Đảng Dân chủ Việt Nam'."

Ông còn bị cho là "làm ra 53 tài liệu và tàng trữ 7 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng CSVN và sự điều hành của Chính phủ, phục vụ cho hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù, ba người còn lại bị kết án từ năm năm đến bảy năm.

Bình luận về yêu cầu đòi trả tự do và miễn chấp hành hình phạt còn lại của ông Thức, Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng hành nghề Luật sư ở Việt Nam nhiều năm trước khi bị bắt và bị buộc lưu vong ở Đức, nói:

"Lập luận của anh Thức nói rằng anh chỉ là đang trong quá trình chuẩn bị phạm tội thì nó hoàn toàn là là chính xác. Suy luận này về mặt logic pháp luật quốc tế thì đúng nhưng mà về mặt logic của pháp luật của nhà nước độc tài Cộng sản Việt Nam thì nó không đúng theo cách giải nghĩa pháp luật hay là cách bình luận pháp luật để mà cho các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam như là cơ quan điều tra và cơ quan Công tố và cơ quan tòa án tức cơ quan xét xử để mà thực hiện thì cách lập luận và giải thích của anh Thức là không đúng.

Bởi vì theo quan điểm của họ một hành vi theo Điều 109 được coi là hoàn tất quá trình phạm tội khi anh đã thành lập hoặc anh đã trở thành thành viên chính thức của đảng này (Đảng Dân chủ Việt Nam - PV) và trên thực tế thì anh Thức đã là thành viên chính thức của Đảng Dân chủ Việt Nam- một tổ chức đã được khôi phục hoạt động vào tháng 6 năm 2006.

Cách giải nghĩa luật cũng như cách áp dụng pháp luật của Nhà nước Việt Nam là anh chỉ cần thành lập tổ chức xong, anh là thành viên hoặc là anh đã tham gia vào một tổ chức được thành lập rồi thì coi như tội phạm của anh đã được hoàn tất. Đây là tội phạm hình thức nó không đòi hỏi cái hậu quả xảy ra- tức là không đòi hỏi anh phải có hành vi nào ví dụ như đi biểu tình hay hô hào lật đổ chính quyền thì mới coi là hoàn tất hành vi".

Ví dụ áp dụng luật tương tự trong trường hợp của ông Thức của các cơ quan tố tụng Việt Nam mà ông Đài chỉ ra là việc kết tội mười thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ năm 2018-2019 theo Khoản 1 của Điều 109 BLHS 2015.

Ông Đài cho biết Hội Anh em Dân chủ thành lập năm 2013 với mục tiêu cổ suý và bảo vệ quyền con người vốn được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Mười thành viên, trong đó có các ông Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội… bị bắt trong thời gian 2016-2017.

"Khi mà chúng tôi bị bắt thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng như tòa án lập luận thế này: Các anh thành lập Hội Anh em Dân chủ với mục đích là cổ suý quyền con người. Lúc các anh có ít người thì không vấn đề gì cả nhưng mà khi các anh có số lượng thành viên đông áp đảo thì lúc đó bản thân các anh cũng mất quyền kiểm soát cái tổ chức của anh vào lúc đó (tổ chức) sẽ hành động lật đổ chính quyền. Và như vậy các anh thành lập hội nhân dân chủ với mục đích nhằm tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân.

(Kể cả) Nếu diễn giải như vậy thì chúng tôi phạm vào Khoản 3 của Điều 109- cái tội phạm của chúng tôi chưa hoàn tất, giống như cách diễn giải của anh Thức nhưng họ lập luận hành vi của chúng tôi đã hoàn tất quá trình phạm tội và chúng tôi vẫn bị áp theo Khoản 1 của Điều 79 cũng như Điều 1 của Điều 109".

Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc kết án ông Thức theo Khoản 1 Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 là chưa chính xác vì kết quả điều tra cho thấy ông Thức chưa gia nhập một tổ chức chống chính quyền nào và ông cũng mới chỉ thành lập một nhóm có tên gọi là "Nhóm nghiên cứu Chấn"- chỉ gồm năm người trong đó có ông Thức và ba nữ nhân viên, người cuối cùng đã sớm rời nhóm này trước khi vụ án bị khởi tố.

Theo Luật sư Trai, cơ quan tố tụng xoáy vào nhóm nghiên cứu đó và quy cho đó là tổ chức chống chính quyền, nhưng thực ra đó không phải là tổ chức. Nhóm đó chỉ vài người không có điều lệ nội quy tổ chức, không có tên gọi của tổ chức, không có phân cấp trên dưới, số thành viên ít ỏi.

Đó chỉ là cơ chế sinh hoạt của một cá nhân, của việc nghiên cứu, cái khả dĩ nhất có thể chấp nhận được thì đó chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị nào đấy trong tương lai xa mà thôi. Và vì vậy xét theo sự phạm tội thì đó mới chỉ là hành vi chuẩn bị.


Chính Phủ Hà Nội Loay Hoay Khi Tổng Cầu Sụt Giảm Mạnh!



(Ảnh: Sức mua của Việt Nam giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023.)

-Tình hình kinh tế Việt Nam dự báo trong sáu tháng cuối năm không mấy sáng sủa qua các chỉ số kinh tế "ảm đạm"; bên cạnh đó sự sụt giảm tổng cầu báo hiệu khó khăn chồng chất.

Tổng Cầu Sụt Giảm, Khó Khăn Chồng Chất

Trong sáu tháng đầu năm, các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam bị đánh giá là ảm đạm.

Theo Tổng cục thống kê, GDP sáu tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%. Đây là mức tăng thấp thứ hai so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 - thời điểm có dịch COVID.

Mạng báo Vietnam Finance dẫn lời các chuyên gia kinh tế trong nước cho biết, tổng cầu của Việt Nam đang suy giảm mạnh, tình hình kinh tế hiện nay được đánh gia là khó khăn nhất trong 30 năm qua.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tổng cầu giảm nghĩa là chi tiêu, sức mua của người tiêu dùng giảm. Điều đó ảnh hưởng lớn đến GDP, có thể đẩy nền kinh tế, vốn đã trì trệ, càng tồi tệ hơn:

"Nhiều hàng hóa sản xuất ra không có người mua, ứ đọng, không tiêu thụ thì nó cũng ảnh hưởng nhiều đến GDP. Vì thế khi tổng cầu, không chỉ cầu về tiêu thụ, mà tất cả cầu về đầu tư, tài chánh… mà giảm thì hàng hóa, tiền tệ không lưu chuyển. Từ đó nó đẩy nền kinh tế vào giai đoạn trì trệ. Đó là cái mà chúng ta đã nhìn thấy".

Tổng cầu của một quốc gia được đánh giá dựa trên các yếu tố "sức mua người tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của chính phủ và xuất cảng ròng.

Tiến sĩ Trí Hiếu cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa. Người lao động mất việc, không có thu nhập dẫn đến chi tiêu giảm.

Về chi tiêu chính phủ, hiện nay, các dự án đầu tư công đều đình trệ. Giải ngân vốn đầu tư công là hơn 211 ngàn tỉ đồng, đạt 29,13% kế hoạch và đạt 31,1% nhiệm vụ được giao.

Vốn ngoại quốc đầu tư đăng ký vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 13,43 tỉ Mỹ kim, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngoại quốc không chọn rót tiền vào Việt Nam.

Ví dụ, Việt Nam đã không còn là nước có chi phí sản xuất, chi phí nhân công thấp, khi mức lương đầu người mỗi năm hiện nay tương đương khoảng 4.110 Mỹ kim. Ngoài ra, thể chế không minh bạch cũng là điểm yếu của Việt Nam trong thu hút đầu tư:

"Chế độ Việt Nam hiện nay không minh bạch, không tôn trọng tài sản, luật lệ, không bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu của người dân và của các doanh nghiệp.

Cho nên một doanh nghiệp khi muốn sang Việt Nam thì họ phải cân đo đong đếm các giá trị đó. Thể chế không được minh bạch, có nhiều chi phí ngầm làm cho doanh nghiệp rất khó khăn để hoạt động thì tốt nhất là họ sẽ chuyển sang các nước khác có thể chế dân chủ hơn hoặc là gần gũi về giao thông hơn".

Hành Động của Chính Phủ Là Chưa Đủ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tăng tổng cầu có thể đến từ hai nguồn: từ chi tiêu của người dân và từ chính phủ.

"Trước mắt, chính phủ có thể chi tiêu thông qua các dự án đầu tư công để kích cầu. Nhưng mà về dài hạn thì tổng cầu phải đến từ người dân. Người dân phải có thu nhập, có công ăn việc làm thì từ đó tổng cầu mới bền vững được".

Chính phủ hiện nay đang thúc đẩy tiến hành một số dự án như đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, xây dựng phi trường Long Thành, hay ưu tiên các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Huy Vũ lưu ý:

"Vấn đề lớn nhất hiện nay là khi Chính phủ đầu tư là nó phải bảo đảm rằng số tiền được đầu tư phải tạo ra hạ tầng có hữu ích cho đất nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Còn nếu trong tình trạng tham nhũng tràn lan thì chính quyền đầu tư chỉ tạo ra một tổng cầu trong ngắn hạn, kích thích sức mua trong ngắn hạn mà không tạo ra một nền tảng để phát triển đất nước, làm cho tổng cầu phát triển tốt trong tương lai".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện chính phủ đã thực hiện một số chính sách để kích cầu tăng trở lại. Ví dụ như chính phủ đã giảm 2% thuế VAT, từ 10% xuống 8% đến cuối năm nay; giảm lãi suất điều hành hoặc thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, các hành động đó, theo ông Hiếu là chưa đủ:

"Tăng cầu thì chính phủ cũng đã làm nhưng chưa đủ. Thứ nhất là chính phủ cũng đã giảm thuế VAT nhưng mà theo tôi giảm 2% có lẽ không có tác dụng gì nhiều mà cần phải giảm cho đến 5%.

Đầu tư công thì chính phủ cũng đang thúc đẩy thế nhưng giải ngân vẫn còn rất trì trệ. Thành ra, mặc dù chính phủ có nhiều biện pháp nhưng mà cũng chưa kích thích được nền kinh tế để vượt khỏi sự trì trệ hiện tại".

Ngoài ra, Tiến sĩ Trí Hiếu còn đề nghị tăng lương cơ bản nhiều hơn nữa hoặc giảm trừ gia cảnh nhiều hơn, chứ mức tăng lương hiện nay chưa theo kịp lạm phát.


Vụ 'Chuyến Bay Giải Cứu': Tòa Xử Cán Bộ Tham Nhũng, Không Có Đền Bù Cho Người Dân


(Ảnh: Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn khi được về Việt Nam trong các chuyến bay giải cứu thời đại dịch COVID-19.)

-Trong phiên tòa ở Việt Nam kéo dài tới 30 ngày, bắt đầu từ 11/7/2023, xét xử hơn 50 bị cáo về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ…, không có nạn nhân là những người dân và vấn đề đền bù họ không được nêu ra, theo quan sát của VOA. Một số Luật sư nói rằng người dân bị thiệt hại cần kiện dân sự hoặc tố cáo hình sự để đòi bồi thường.

Như VOA đã đưa tin, hơn 1 tuần xét xử đã trôi qua, 54 bị cáo chủ yếu là cán bộ nhà nước Việt Nam bao gồm cả một số các viên chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và một cựu Phụ tá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đối diện với các mức án từ tù treo cho tới tử hình.

Họ bị cáo buộc đã phạm các tội "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "môi giới hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Phạm Trung Kiên, thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cơ quan Công tố Việt Nam đánh giá là kẻ nhận hối lộ "nhiều lần nhất", lên đến 253 lần, và "trắng trợn nhất", với số tiền 42,6 tỉ đồng, đang đối diện với bản án tử hình. Chỉ có ông Kiên bị đề nghị phải chịu án tử hình trong vụ án này.

Một số bị cáo nhận số tiền hối lộ lớn và nhiều khả năng phải chịu án tù nặng là ông Vũ Anh Tuấn, một phó trưởng phòng thuộc Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Hương Lan, một cục trưởng thuộc Bộ Ngoại giao; và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Chỉ riêng 3 người này đã nhận hối lộ hơn 73 tỉ đồng và bị bên Công tố đề nghị mức án từ 12-20 năm tù mỗi người.

Ngay từ những ngày đầu của phiên xét xử, theo ghi nhận của VOA, nhiều người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội rằng họ quan tâm đến việc nhà nước Việt Nam có biện pháp nào để những "nạn nhân" của các "chuyến bay giải cứu" được đền bù hay không.

Những người đó nói rằng bản thân họ hoặc người thân của họ đã phải trả những mức giá "cắt cổ" để bay từ ngoại quốc về Việt Nam trong đại dịch COVID-19 thời những năm 2020-2021.

Cho đến ngày xét xử thứ 8, vấn đề nêu trên chưa được nêu ra tại tòa và cũng không có bất kỳ ai xuất hiện với tư cách nạn nhân chịu thiệt hại bởi các hành vi của các bị cáo, vẫn theo quan sát của VOA.


(Ảnh: Bị cáo Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.)

Một số Luật sư cho rằng phiên tòa đang chỉ giải quyết các hành vi trái luật giữa các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay và các viên chức nắm quyền phê duyệt các chuyến bay đó, chứ không giải quyết vấn đề mức giá phi lý mà người dân phải trả cho các bên cung cấp dịch vụ gắn với các chuyến bay.

Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng những người dân nào thấy rằng họ phải trả giá vé máy bay hoặc chi phí ăn ở quá đắt ở các cơ sở cách ly cần phải kiện:

"Đây là vấn đề dân sự. Theo luật, người nào kiện, người đó phải cung cấp chứng cứ. Nếu không biết thì nhờ Luật sư để tìm ra rằng họ bị chiếm đoạt hoặc là mua với giá không đúng".

Trong trường hợp các bằng chứng cho thấy sự việc đạt mức độ phạm pháp hình sự, người bị thiệt hại cũng có thể tố cáo với công an, vẫn theo Luật sư Sơn:

"Mình so sánh giá người ta bán cho mình, giá có hóa đơn chẳng hạn và giá ngoài không có hóa đơn, thấy giá người ta bán vượt mức quy định. Nếu cái phần thu đấy đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm hoặc chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, thì phải tố giác lên cơ quan công an".

Luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc hãng luật ATN ở Hà Nội, người được biết tiếng rộng rãi trên mạng xã hội, nêu ý kiến trên trang cá nhân rằng những người bị thiệt hại cuối cùng trong các "chuyến bay giải cứu" chính là các hành khách đã "phải mua vé với giá cao mà không có sự lựa chọn khác".

Nhưng trong phiên tòa hiện nay, bên Công tố không xác định những người mua vé "chuyến bay giải cứu" là người bị hại hay nguyên đơn dân sự, nên họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại, nếu có, thông qua vụ án này, vẫn Luật sư Tuấn phân tích.

Cũng như Luật sư Hà Huy Sơn, ông Ngô Anh Tuấn cho rằng nếu những người mua vé muốn đòi lại một phần tiền mà đáng lẽ họ đã không phải bỏ ra để cho các tổ chức, cá nhân mang đi "bôi trơn" cho viên chức, họ cần phải thực hiện việc khởi kiện thông qua một hoặc một số vụ án dân sự độc lập khác.

"Dù hơi khó khăn, lằng nhằng chút nhưng không phải là không khả thi", ông Tuấn nhận định.



(Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".)

Về cách thức tiến hành, Luật sư Sơn nói với VOA rằng cá nhân nào bị người khác hay tổ chức nào xâm phạm quyền lợi thì kiện hoặc tố giác người đấy hoặc tổ chức đấy. Nếu kiện dân sự, đơn kiện được gửi đến tòa án; nếu là tố cáo hình sự, hồ sơ tố giác được gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra của công an, ông Sơn nói.

Vẫn vị Luật sư nói tiếp rằng trong trường hợp hồ sơ kiện hoặc tố giác chứa đựng đủ các căn cứ, tòa sẽ phải thụ lý đơn và cảnh sát điều tra sẽ xác minh, khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có người bị hại nào thực hiện các điều nêu trên nên không thể dự báo được diễn biến tiếp theo sẽ ra sao, ông Sơn nói.

Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, từng bị nhà nước Việt Nam bỏ tù, đặt vấn đề ở tầm mức cao hơn khi ông kêu gọi 200.000 "nạn nhân" là những người "bị móc túi trong thời điểm rất khốn quẫn" nên khởi kiện chính phủ Việt Nam.

Luật sư Quân, người cũng tích cực đấu tranh vì nhân quyền, chỉ ra với VOA rằng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt, chia nhau chính là tiền của các nạn nhân gồm hơn 200.000 người đã đi trên hơn 2.000 "chuyến bay giải cứu".

"Số tiền đó đang bị truy thu lại một phần và sẽ bị sung công quỹ. Xét về mặt logic tư duy, những nạn nhân bị các cá nhân ép lấy tiền, xong giờ lại đưa vào công quỹ. Điều đó là sai", ông Quân nói với VOA.

"Bởi vậy hơn 200.000 nạn nhân phải tiến hành một vụ kiện tập thể, chống lại chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo một chùm tội danh liên quan đến tài sản, gồm tội 'Cưỡng đoạt tài sản' theo Điều 170 Bộ luật Hình sự, tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo Điều 174, và tội 'Cướp tài sản' quy định tại Điều 168", vẫn lời Luật sư Quân.

Dẫn ra việc chính phủ Việt Nam đã ra quyết định thành lập một tổ công tác gồm 5 bộ để tổ chức "các chuyến bay giải cứu", ông Quân cho rằng 54 bị cáo đã "sử dụng quyền lực", "nhân danh quyền lực nhà nước" để thực hiện các hành vi gian dối, lừa gạt, ép buộc để chiếm đoạt tài sản của "đồng bào" trong đại dịch.


(Ảnh: Hành khách của một chuyến bay giải cứu tại phi trường Cần Thơ, 7/8/2020.)

"Chỉ khi khởi kiện và bị truy tố bởi những điều khoản trên thì mới có nạn nhân và những nạn nhân mới được bồi thường", Luật sư nhân quyền này nói với VOA.

Trên trang cá nhân, Luật sư Ngô Anh Tuấn đề xuất rằng số tiền thu giữ từ vụ án cần giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn đó, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ.

"Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân", ông Tuấn viết.


Vụ "Chuyến Bay Giải Cứu": Tòa Xử Như 'Mua Bán', Thua Kém 'Nghiêm Minh' So Với Thời Phong Kiến
(Quốc Phương)


(Ảnh: Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế khai báo trước tòa.)

-Phiên tòa xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu' cho thấy tòa án của Việt Nam xét xử như 'mua bán', về độ nghiêm minh còn kém xa so với thời Phong kiến, ý kiến từ giới quan sát vụ án nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 18/7/2023.

Thu Tiền "Chuộc Tội"

Nhiều báo chính thống của Việt Nam vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến phiên xét xử Sơ thẩm đại án "Chuyến bay giải cứu". Trong đó, có nhiều bài viết về gia đình các bị cáo, đặc biệt với trường hợp bị cáo là cựu 'thư ký' cho một Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Trung Kiên, đã nộp bổ sung tiền được gọi là 'khắc phục' nhằm được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị.

Hay tương tự là việc gia đình Phó Chủ tịch Tỉnh Quảng Nam đã nộp 'tiền khắc phục hậu quả', bản thân bị cáo là con trong gia đình có cha mẹ đẻ 'là thương binh', 'có bằng khen của Chính phủ về chống Covid' v.v… và đề nghị được tòa cho hưởng khoan hồng, bên cạnh nhiều trường hợp khác cũng được cho là đã được gia đình, thân nhân "khẩn trương" nộp tiền khắc phục trước, và ngay trong khi phiên xử đang diễn ra.

Một trường hợp khác là cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, 'người từ tháng 4 đến 12/2021, đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ ngoại quốc về cách ly' và 'được các công ty lữ hành nhờ cấp công văn với mức 'lại quả' 1-2 triệu đồng mỗi hành khách', theo cáo buộc, cũng đã nộp tiền 'khắc phục hậu quả', thừa nhận 'sai phạm' nhưng mong được Hội đồng Xét xử thông cảm về bối cảnh phạm tội và sự 'ăn năn', vẫn theo truyền thông Việt Nam hôm 18/7.

Bình luận từ Hà Nội về hình thức xử án được cho là 'tạm dừng bánh xe công lý, để thu tiền chuộc tội này', một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nói với RFA Tiếng Việt:

"Lẽ ra xử tiếp, tòa dừng lại để cho thân nhân các gia đình bị cáo 'khắc phục hậu quả', tức là nộp lại tiền nong, tôi thấy đó là điều lạ. Tại sao lại có thể nộp tiền để 'khắc phục hậu quả', để làm nhẹ tội mà tòa lại phải dừng lại trong quá trình xử?

Vậy sức mạnh của nhà nước nằm ở đâu với những cá nhân biển thủ tiền công quỹ hoặc tiền của các doanh nghiệp, mà đó cũng là tiền của dân, mà đến mức độ là họ phải 'tự nguyện' nạp lại tiền, mà không có biện pháp nào để khắc chế, hoặc để ngăn chặn hoặc cưỡng chế những tài sản của họ?"

Đề cập một trường hợp xử quan lại tham nhũng trong thời Phong kiến của Việt Nam vào thế kỷ XV, nhà nghiên cứu Sử học này nói:

"Ngay ở thời đầu nhà Lê, tức là thời ông Lê Thái Tông (1423-1442), một viên quan Chuyển vận sứ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng nhận có hai tấm lụa thôi, lập tức đã bị chém đầu, người con của ông ta vì thương bố, xin nhận chết thay cho bố, nhưng không được. Quan Chuyển vận sứ đó chỉ nhận có hai tấm lụa thôi, mà bị chém đầu ngay.

Tuy hình phạt có thể là hà khắc ở chế độ ấy, nhưng hình luật phải là nghiêm minh thì mới có thể răn đe được tội phạm. Còn hình luật mà không nghiêm minh, nặng tay với người này, mà nhẹ tay với người kia, nó chỉ làm cho xã hội thêm rối loạn".

'Giống Như Mua Bán, Giễu Cợt Pháp Luật'

Cũng bình luận về cách thức công lý tạm dừng, nhường bước cho chuộc tội bằng tiền đang diễn ra trong phiên xử vụ án "Chuyến bay giải cứu", từ Bá Linh, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do:

"Tôi chưa thấy ở đâu lại làm như vậy, nếu các bị cáo có 'thành tâm' nộp tiền khắc phục thì những tiền này phải trả lại cho dân, đó là thứ tiền mà nhân đại dịch, lại 'hút máu' của người ta như thế, thì phải trả lại cho dân về mức vé chênh lệch trong cái gọi là 'chuyến bay giải cứu', vì đó là cướp đoạt.

Thế nhưng việc đó phải làm trước, chứ không phải là trong phiên tòa thì dừng lại rồi nói với người ta là hãy nộp tiền, điều đó giống như một sự mua bán, rất hài hước, nó tạo ra một hình ảnh không chuyên nghiệp và giễu cợt pháp luật".

Bình luận về việc trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, có báo khen ngợi việc chính quyền xét xử vụ án một cách 'thượng tôn pháp luật', 'công bằng' và 'nghiêm minh', cũng như chiến dịch 'đốt lò' chống tham nhũng ngày một thành công và nâng cao uy tín, bà Võ Thị Hảo nói với RFA:

"Nếu xử đúng người, đúng tội từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất với tất cả những người liên quan vụ án này, thì mới gọi là nghiêm minh và thượng tôn pháp luật. Và quan trọng nhất trước đó, các cơ quan quản lý không thể không biết (sự việc), vì nhất cử nhất động họ (chính quyền, an ninh) đều có giám sát và có theo dõi, và bây giờ thời đại kỹ thuật thông tin như thế này, họ giám sát và theo dõi nên phải biết, nhưng tại sao để cho tất cả (sự việc) đã xảy ra rồi, thì mới đưa ra (công luận, điều tra, xét xử), cái đó không phải là thượng tôn pháp luật….

Tôi nghĩ rằng hai ông (cựu) Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam để xảy ra việc này, tất nhiên các ông phải chịu trách nhiệm rồi, và các ông đã được 'đồng ý' cho 'thôi nhiệm vụ', và họ đã xin 'rút lui' mặc dù với lý do cá nhân, tất nhiên tôi nghĩ rằng nếu các ông này có tham gia mà có 'nhận tiền, nhận quà, hối lộ' trong vụ này, thì các ông ấy còn phải 'chịu trách nhiệm hình sự' trước pháp luật, nếu có. Thế nhưng những người như là ông Bộ trưởng Công an; hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước đây ông Trọng đã cấp giấy khen cho bên Công ty Việt Á, tất cả những việc đó tại sao ông Nguyễn Phú Trọng không nhận trách nhiệm? Và thông thường, nếu mà tự trọng, thì phải từ chức vì đã để xảy ra những vụ cực lớn trong thời gian ông tại vị, mặc dù ông đã có cổ động việc 'đốt lò', nhưng mà chứng tỏ là lỗi thể chế càng ngày càng bộc lộ kinh khủng dưới thời của ông Tổng Bí thư Trọng".

Đánh giá nạn tham nhũng trong viên chức thuộc bộ máy của đảng và nhà nước ở Việt Nam và hiệu quả của công cuộc 'đốt lò' dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Văn Sinh nói:

"Tôi chưa tìm được một từ nào để nói về đặc trưng tham nhũng ở Việt Nam, theo tôi ở Việt Nam, nếu tiếp tục 'đốt lò' như hiện nay, mà không có một cải cách, một biện pháp nào khác, thì công cuộc chống tham nhũng theo nhận thức của tôi sẽ không có hồi kết, bằng chứng là kể từ khi 'đốt lò' đến nay đã gần 10 năm rồi, mà tình trạng tham nhũng không hề giảm, mà nó lại diễn biến ngày càng tinh vi hơn, trắng trợn hơn….

Và ông Lê Văn Sinh nói tiếp:

"Cách mà Việt Nam chống tham nhũng tốt nhất là học những quốc gia dân chủ chống tham nhũng như thế nào. Điều đó là quá rõ ràng, chỉ có điều là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam có muốn học bài học đó của họ hay là không mà thôi", nhà nghiên cứu nêu quan điểm riêng.


Bụt Cũng Phải Bực!
(Thiên Hành)


: Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 12/7/2023.)

-Bụt cau có nhăn quýu hết cả khuôn mặt hiền từ hồng hào. Chòm râu thương hiệu trắng muốt dài mượt nổi danh bị Bụt túm lấy bằng cả hai tay, vò nát, bứt đứt phừn phựt từng chùm một. Chiếc phất trần buông rủ rèm tơ nhẹ như lông hồng thanh lãm cũng bị Bụt xem như cái gậy sắt chuyên đánh nhau của thằng Ngộ Không, nắm lấy quật xuống đất thình thịch hết lần này đến lần khác.

Tức! Tức quá lắm giời ơi là giời!
Không thể nào làm được!
Cùng lắm bỏ việc luôn!

Nguồn cơn sự thịnh nộ của Bụt bắt đầu từ một tuần nay.
Cái phiên tòa xử chuyến bay giải cứu ấy.

Một bọn đàn ông thân dài vai rộng, hầu hết qua tuổi tri thiên mệnh, từng giữ các chức trách cao ngất dưới một mảnh trần gian. Nay hết đứa này đến đứa kia khóc nức khóc nở, nước mắt nước mũi, rớt dãi đầm đìa kêu oan.

Tiếng khóc sụt sùi vang lên tận Thiên đình.

Mà trước đến nay, cứ chỗ nào có tiếng khóc thì dân gian mặc định Bụt phải hiện ra. Đánh nhoàng một cái, râu dài trắng muốt thướt tha, phất trần trên tay rung rinh như bảo khí trấn định mọi cõi tinh thần, miệng mỉm cười từ bi hiền huệ.

Xong nhất định phải hỏi:
- Vì sao con khóccccc?

Thế là đương sự đang khóc ngỡ ngàng sung sướng, cởi bỏ hết tấm lòng, toàn là người tốt mắc vào oan trái. Thế rồi Bụt nhất định truyền cho bí kíp, không những giải hết sạch oan khổ mà còn một bước lên mây.

Đến bọn thằng này.
Cũng khóc!

Thì là chức trách. Bụt phải hiện ra, vẫy phất trần, mỉm cười từ bi hỏi:
- Vì sao con khóccccc?

Tự nghĩ thôi đã muốn ói.

Một thằng đàn ông 60 tuổi, đầu có sỏi, từng đường đường là nhân vật số hai của Sở Công an thủ đô, đeo hàm thiếu tướng. Khi đương chức quát ra lửa, ho ra khói.

Giờ, đi làm môi giới hối lộ, chạy án, còn kém nghiệp vụ đến nỗi giao tiền hối lộ chẳng có ai chứng kiến. Bị phanh phui, lật kèo thì nước mắt mũi dãi tràn trề, còn lôi cả bệnh tật (chả ai biết) ra nằn nì xin xỏ quan tòa rủ lòng thương.

Đã tham còn hèn hạ.
Cái quân đấy oan gì, mà bắt Bụt phải hỏi nó "Vì sao con khóc?"
Nó khóc kệ tía ông nội cha nhà nó chứ!

Lúc nó khóc lóc vì sợ vào tù, bị bồi thường mất tiền, nó có nghĩ đến những đứa học sinh non nớt bị kẹt lại ở ngoại quốc đợt dịch không? Tứ cố vô thân, không tiền, không người thân, không quan hệ, tự nhốt trong phòng, có gì ăn nấy, sợ hãi và hoang mang. Chúng nó chỉ mong về nhà với mẹ, nhỡ lây bệnh mà chết thì cũng cả nhà ôm nhau, không cô độc như nếu bệnh chết ở ngoại quốc.

Nó có nghĩ đến những đồng bào của nó hy sinh tình cảm gia đình, đi làm thuê xa xứ, bỏ lại con cái cha mẹ già cho người thân chăm sóc, còn mình xác định đi kiếm tiền như ra tiền tuyến. Ở xứ người giàu có nhưng họ ăn mì gói, chắt bóp từng đồng gửi về nuôi con đi học, chữa bệnh cho cha mẹ già.

Mà lúc sợi dây sinh tử đang thắt lấy cổ họng người ta như thế, nó nỡ lòng tiếp tay để siết chặt thêm.

Giờ khóc lóc thê thảm à? Oan ức quá à? Vì sao con khóc cái đầu mày.

Hay thằng Trịnh Xuân Thanh kia, lúc ăn chơi hưởng lạc thì xem Ngọc Hoàng bé bằng mắt con muỗi, lúc bị lôi cổ ra vành móng ngựa cũng khóc nấc lên xin lỗi.
- Bụt đệ phải có lòng tin vào con người. Cho dù lòng người như đêm đen mênh mông nhưng chỉ cần le lói một tia ân hận thì chúng ta vẫn phải hết lòng tế độ. Nâng niu, che chắn từng sợi gió hạt sương, chờ một ngày nó bùng lên thành ngọn lửa sáng rực của nhân tính, truyền lan trong cõi nhân thiên. Dù có trăm năm, ngàn năm, nhiệm vụ của Thiên đình chúng ta là thế. Ta bận quá chưa đọc báo nhưng ta tin vào con người. Bụt đệ hãy kiên tâm!

Ngọc Hoàng âm trầm nói.

Ngọc Hoàng đấng chúa tể, lòng chứa đại dương, trải ngàn ngàn triệu triệu kiếp đã thấu rõ hồng trần. Bụt không thể không cúi đầu.

Nhưng mà điên gan tức ruột lắm người ơi, Bụt là Bụt chứ có phải gió mây đâu, phải biết yêu thương vui buồn mới hiểu nhân tình, mới từ bi, mới tế độ chúng sinh được chứ.

Con bé Tấm kia, nó ngoan ngoãn, bé bỏng thơ ngây, không nơi nương tựa. Bị hiếp đáp chỉ biết khóc thầm. Bụt mới thương xót như thế. Còn lũ tham lam hèn hạ này nước mắt tuôn như tuyến lệ mất phanh, nhưng toàn nước mắt cá sấu. Trong đó có giọt nào thành thật sám hối để mà thương?

Giờ hỏi nó vì sao con khóc, xong nó bảo Bụt ơi con nhỡ đớp tiền người ta rồi giờ con sợ tù, mà sợ nhất là bao nhiêu tiền bạc bất chấp gom góp được cũng của thiên trả địa hết, có khi còn chết rũ trong tù. Bụt cứu con mới.

Thì Bụt làm sao?

Chả nhẽ bảo, con về nuôi một con cá bống con dưới giếng. Ngày ngày đến bữa ăn thì dành lại một bát cơm nuôi cá. Bao giờ con bống to bằng con cá voi xanh Nam Cực thì tội lỗi của con cũng được tha thứ.

Nếu nói được thế thì đã cái miệng biết mấy.

Nhưng lịch sử trước nay chưa từng ghi nhận ông Bụt nào hầm hố thế.

Bực!

Lần đầu tiên, Bụt cảm thấy làm một ông tiên tượng trưng cho sự nhân hậu hiền từ cũng chẳng phải là nghề nghiệp hoàn mỹ.

Cắp ngược chiếc phất trần vào nách khiến nó mất sạch vẻ trang nghiêm thần thánh, hơn nữa còn khiến Bụt lúc này trông như bà Baba-Yaga cưỡi chổi tám tháng chưa tắm rửa thay đồ, Bụt cất giọng công chức uể oải:

- Vì sao con kh….

Âm "kh" vừa phát ra đến giữa miệng thì tắt ngấm, ngừng lại vĩnh viễn trong khoang miệng Bụt. Không biết Bụt định nói "khóc", "khấn", "khai", hay "khợp".

Vì ngoài cửa tòa đang có một trận lốc màu vàng sáng ầm ầm cuốn tới.
Giữa đám màu vàng là một đôi mắt trợn to hơn hố đen vũ trụ.
- Bụt đệ, đệ không cần hỏi gì chúng nữa cả. Ta vừa xem hết mấy ngày xét xử rồi. Quân bất nhân vô đạo này thiên lý bất dung. Đệ tránh ra, để đấy cho ta!

Vừa thét lên, Ngọc Hoàng vừa vung cái búa mới giật ngược từ tay Thiên Lôi bổ xuống.

Không có nhận xét nào: