Cả Trong và Ngoài Nước Bắt Đầu Sôi Động! Nghẹt Thở! Những Thông Tin Lý Thú về Trận Đấu Lịch Sử, Chưa Bao Giờ Thấy! Chưa Bao Giờ Có! về Giải “World Cup” Nữ 2023, Giải Đấu Danh Giá Nhất Hoàn Cầu! Giữa Đội Tuyển Túc Cầu Nữ Mỹ Và Đội Tuyển Nữ Việt Nam
Đội Tuyển Nữ Việt Nam, Bắt Đầu Chuẩn Bị Ráo Riết Cho Trận Gặp Đương Kim Vô Địch Mỹ Tại World Cup Nữ vào Ngày 21 Tháng 7 Tới Đây!
(Hình: Thủ môn Kim Thanh (bìa trái) và tiền đạo Hải Yến (bìa phải) chụp ảnh cùng tiền đạo số 1 của Mỹ, Megan Rapinoe, tại một buổi giao hữu ở Auckland, New Zealand, hôm 15/7 trước thềm World Cup 2023.)
-Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ gặp mặt đội tuyển Mỹ, hiện đang là nhà vô địch thế giới, trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại của họ tại vòng chung kết World Cup 2023 trong tuần này.
Truyền thông trong nước cho biết, các tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam đang “hào hứng” tập luyện cho trận đấu mở màn với đội tuyển Mỹ tại vòng chung kết thế giới mà các cầu thủ nữ của quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên được thi đấu.
Tuyển nữ Việt Nam, thường được truyền thông trong nước gọi là “những cô gái vàng!” với thành tích nhiều lần vô địch Đông Nam Á, sẽ gặp tuyển Mỹ vào ngày 21/7 trên sân cỏ ở Aukland của New Zealand, nước đồng đăng cai World Cup năm nay cùng với Úc.
Ngoài đội bóng số 1 thế giới Mỹ, tuyển Việt Nam còn gặp đối thủ nặng ký khác là Hà Lan, đội đã lọt vào trận chung kết với Mỹ tại giải vô địch năm 2019, trong bảng E. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ gặp Bồ Đào Nha, một đội bóng cũng lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết nữ thế giới.
Để chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup đầu tiên, tuyển Việt Nam đã tới châu Âu để đá giao hữu với đội tuyển Đức. Họ thua sát nút 1-2 trước đội hình B của Đức nhưng được truyền thông trong nước và người hâm mộ khen ngợi vì màn thi đấu được xem là “khá tốt.” Trong hai trận giao hữu chuẩn bị cho World Cup sau đó, Việt Nam thua New Zealand 0-2 và Tây Ban Nha, xếp hạng 6 thế giới, 0-9.
Trong trận đấu bảng đầu tiên cuối tuần này, đội Mỹ được xem là “cửa trên” và được dự báo giành chiến thắng với nhiều bàn thắng, theo Forbes Betting.
Trên bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển nữ Mỹ đứng số 1 trong khi các nữ tuyển thủ Việt Nam được xếp hạng 32. Nhưng trong trận giao hữu gần đây nhất, tuyển Mỹ chỉ thắng tuyển xứ Wales, đội có thứ hạng ngang ngửa với Việt Nam ở vị trí số 30, với 2 bàn thắng.
Tuy nhiên, tại trận đấu bảng mở màn ở giải World Cup 2019 diễn ra ở Pháp, tuyển Mỹ, lúc đó cũng là đương kim vô địch, đánh bại đội bóng láng giềng của Việt Nam, là Thái Lan, với tỷ số đậm 13-0.
Theo đánh giá của CBS Soccer, trong cuộc đấu đầu tiên trong lịch sử giữa tuyển Mỹ và Việt Nam, ngôi sao trẻ đang lên Nguyễn Thị Thanh Nhã sẽ là trọng tâm trong đội hình được đánh giá là thi đấu có tổ chức của Việt Nam. Tiền đạo 21 tuổi này là người đã ghi bàn thắng duy nhất trong trận giao hữu giữa Việt Nam và Đức hồi tháng trước. Bên cạnh đó, theo CBS Soccer, Huỳnh Như, cây săn bàn hàng đầu mọi thời đại của bóng đá nữ Việt Nam với 67 bàn sau 72 trận đấu, cũng sẽ là một lựa chọn trên hàng công của huấn luyện viên Mai Đức Chung trong trận đấu với Mỹ.
Tuyển nữ Việt Nam đã có 10 ngày tập luyện tại New Zealand để làm quen và thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh của mùa đông tại đây, theo Tuổi Trẻ. Tờ báo này cho biết rằng các “cô gái vàng” Việt Nam đã có buổi tập đầu tiên “hào hứng” trên sân tập chính của World Cup nữ 2023 hôm 15/7.
Dù bị coi là đội “lót đường”, nhưng theo Tuổi Trẻ, tiền vệ Thanh Nhã cho biết đội bóng sẽ “chiến đấu hết mình tại World Cup nữ 2023.” Thanh Nhã được tờ báo này trích lời nói rằng đội tuyển của cô đã rút ra được “nhiều kinh nghiệm khi thi đấu với các đội bóng mạnh” sau các trận giao hữu với New Zealand và Tây Ban Nha” cũng như đem những điều đã học hỏi được để có “những trận đấu tốt” tại giải đấu sắp tới.
Sau trận đấu đầu tiên với Mỹ, tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp Bồ Đào Nha ngày 27/7 và đương kim Á quân Hà Lan ngày 1/8.
Lịch thi đấu và trực tiếp Vòng Chung kết World Cup Nữ 2023
-Theo lịch thi đấu, Tại Vòng Chung kết World Cup Nữ 2023, Đội tuyển Nữ Việt Nam sẽ lần lượt gặp nhà đương kim vô địch Mỹ vào ngày 22/7, tiếp đó là Bồ Đào Nha (ngày 27/7) và á quân Hà Lan (ngày 1/8).
(Hình: Đội tuyển Nữ Việt Nam sắp bước vào giải đấu lịch sử World Cup Nữ 2023.)
Lịch Trình Thi Đấu
Vòng Chung kết World Cup Nữ 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20/7 đến 20/8 với tổng cộng 64 trận đấu, tại hai quốc gia Australia và New Zealand.
Trận đấu khai mạc là màn so tài của Đội tuyển Nữ New Zealand và Đội tuyển Nữ Na Uy, diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 20/7 (giờ Việt Nam).
Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam góp mặt sau nhiều lần lỗi hẹn.
Ở giải đấu này, Đội tuyển Nữ Việt Nam nằm ở Bảng E cùng với đương kim vô địch Mỹ, quân Hà Lan và Đội tuyển Bồ Đào Nha.
Đây được nhận định là bảng đấu không hề dễ dàng dành cho thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung, khi mà cả ba đối thủ đều được đánh giá cao hơn.
World Cup Nữ 2023: FIFA đánh giá cao thầy trò Đội tuyển Nữ Việt Nam
-Trong bài giới thiệu về Đội tuyển Nữ Việt Nam, FIFA đánh giá cao tài cầm quân của Huấn luyện viên Mai Đức Chung cùng lối thi đấu kỹ thuật và tinh thần tập thể của các nữ tuyển thủ Việt Nam.
Trang chủ Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã đăng bài viết giới thiệu về thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung trước thềm World Cup Nữ 2023 với tiêu đề: "Đội tuyển Nữ Việt Nam tiên phong sẵn sàng chinh phục những thách thức mới!"
FIFA đánh giá cao tài cầm quân của Huấn luyện viên Mai Đức Chung, cũng như những thành tích của ông trước đó.
Bài viết nêu rõ: "Huấn luyện viên Mai Đức Chung dạn dày kinh nghiệm trong việc dẫn dắt Đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia Việt Nam. Ông đã ngồi ghế chỉ đạo từ năm 1997 và có nhiều giai đoạn dẫn dắt Đội tuyển Nữ, xen kẽ với việc cầm quân ở các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam và Đội tuyển Nam.
(Hình: Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã đạt được nhiều thành công đáng kể với Đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia, trong đó phải kể tới thành tích giành 6 huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Thành tựu lớn nhất của ông là giúp Đội tuyển Nữ Việt Nam giành quyền tham dự World Cup 2023 tại Australia và New Zealand, với một đội hình kết hợp giữa chất lượng kỹ thuật ấn tượng và tinh thần làm việc tập thể mạnh mẽ.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung là một chiến lược gia linh hoạt, thực dụng. Ông đã luân phiên sử dụng sơ đồ 3 và 4 cầu thủ ở hàng phòng ngự, điều chỉnh hệ thống để khắc chế điểm mạnh của đối thủ và phát huy tiềm năng của Đội tuyển Nữ Việt Nam.
Do Đội tuyển Nữ Việt Nam bị đánh giá thấp nhất ở bảng đấu của mình, sẽ không ngạc nhiên nếu Huấn luyện viên Mai Đức Chung sử dụng sơ đồ với một tiền đạo duy nhất là ngôi sao Huỳnh Như và bổ sung nhân sự cho hàng tiền vệ để tạo ra sự vững chắc cho đội hình."
Thanh Nhã là "cầu thủ đáng xem của Tuyển Nữ Việt Nam."
-Về các tuyển thủ nữ Việt Nam, bài viết FIFA đánh giá cao tài năng của Thanh Nhã, gọi cô là "cầu thủ đáng xem của Tuyển Nữ Việt Nam."
Tác giả viết: "Thanh Nhã là một trong những tài năng trẻ hứa hẹn nhất của bóng đá Việt Nam và sau màn trình diễn ấn tượng tại Cúp Bóng đá châu Á (Asian Cup 2022), tên tuổi của Thanh Nhã càng được biết tới nhiều hơn.
(Hình: Thanh Nhã, được coi là "cầu thủ đáng xem của Tuyển Nữ Việt Nam.")
Tiền đạo 21 tuổi này có tốc độ, khả năng đi bóng giúp Đội tuyển Nữ Việt Nam thoát pressing và tiến vào các khu vực tấn công nguy hiểm.
Thanh Nhã có thể chơi ở vị trí tiền đạo cắm hoặc dạt biên. Cô còn có khả năng tung ra những pha chuyền bóng xé toạc hàng phòng ngự đối phương."
Huỳnh Như cũng được FIFA chú ý đến. Bài viết nhấn mạnh: "Huỳnh Như trở thành cầu thủ Bóng đá Nữ Việt Nam đầu tiên gia nhập một câu lạc bộ chuyên nghiệp tại châu Âu khi cô ký hợp đồng với đội bóng Bồ Đào Nha Lank Vilaverdense vào tháng 8/2022.
Sau thời gian thích nghi ở đội bóng mới, nữ cầu thủ 31 tuổi đã trở thành một nhân tố quan trọng của Lank Vilaverdense. Cô thường xuyên thể hiện sự đa năng và ghi được những bàn thắng quan trọng.
Huỳnh Như là một tiền đạo có kĩ thuật tốt, nhanh nhẹn và thông minh. Khả năng dứt điểm tốt của Huỳnh Như đã giúp cô trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.
Huỳnh Như là tấm gương ở Đội tuyển Nữ Việt Nam với tinh thần chiến đấu và sự nỗ lực không ngừng của mình"./.
(Hình: Một buổi tập luyện của các cầu thủ Đội tuyển Nữ Việt Nam.)
World Cup Nữ 2023: Hải Yến cũng là Ngôi sao đáng xem nhất của Đội Tuyển Việt Nam
-Ở Đội tuyển Nữ Việt Nam hiện tại, Hải Yến là một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất và cũng là một trong những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất.
(Hình: Tiền đạo Hải Yến trả lời phỏng vấn.)
Theo lựa chọn của trang tin điện tử lớn nhất thế giới về bóng đá GOAL, không phải những ngôi sao tấn công nổi tiếng như Huỳnh Như hay Thanh Nhã mà tiền đạo Hải Yến mới là tuyển thủ Việt Nam lọt tốp 50 cầu thủ đáng xem nhất tại World Cup Nữ 2023 sắp khai màn.
GOAL đánh giá: "Dù không ghi bàn tại Vòng Chung kết Asian Cup 2022, nhưng tiền đạo Hải Yến đã làm rất tốt vai trò của mình. Hải Yến ra sân thi đấu cả 6 trận và giúp Tuyển Nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa một cách thuyết phục để giành vé đi tiếp. Tiền đạo 28 tuổi này là mối đe dọa thực sự đối với hàng phòng ngự của Tuyển Nữ Mỹ, Hà Lan và Bồ Đào Nha."
Ở Đội tuyển Nữ Việt Nam hiện tại, Hải Yến là một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất và cũng là một trong những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất.
Đương kim vô địch Mỹ, rất hứng thú, đã sẵn sàng giao đấu Việt Nam!
-Ngày 11-7, đương kim vô địch Mỹ đã tới Auckland (New Zealand) để chuẩn bị cho trận ra quân World Cup 2023 gặp đội tuyển nữ Việt Nam ngày 22-7 tới.
Sau trận giao hữu cuối cùng thắng Xứ Wales 2-0, đội tuyển nữ Mỹ đã di chuyển 13 tiếng đồng hồ tới Auckland (New Zealand) để chuẩn bị cho trận ra quân World Cup 2023 gặp Việt Nam ngày 22-7.
Tham dự giải với tư cách đương kim vô địch, tuyển nữ Mỹ hướng tới mục tiêu vô địch World Cup lần thứ ba liên tiếp (sau lần đăng quang năm 2015, 2019) - điều chưa đội nào làm được trong lịch sử World Cup (cả nam và nữ).
(Hình: Tiền đạo 38 tuổi Megan Rapinoe của tuyển Mỹ tươi cười khi xuống sân bay Auckland)
(Hình: Nhà đương kim vô địch chụp ảnh cùng linh vật World Cup nữ 2023)
"Đây là lần thứ 3 tôi đặt chân đến New Zealand trong 8 tháng vừa qua. Cảm giác như được trở về nhà. Đối với chúng tôi, việc chuẩn bị cho World Cup đã bắt đầu từ lâu”, HLV tuyển Mỹ - Andonovski nói khi vừa xuống sân bay Auckland.
Ngôi sao đội tuyển Mỹ - Megan Rapinoe là người thu hút sự chú ý. Tiền đạo 38 tuổi từng giành 1 huy chương vàng Olympic, 2 chức vô địch World Cup, cùng tuyên bố sẽ "cháy hết mình" cho World Cup 2023 - kỳ World Cup cuối cùng sự nghiệp cầu thủ.
Trong khi đó, Sophia Smith, 22 tuổi, được đánh giá là một cầu thủ đáng xem tại World Cup năm nay. Ở trận giao hữu cuối cùng với Xứ Wales, chính Smith đã mang về cú đúp cho tuyển Mỹ.
HLV Andonovski đánh giá Sophia Smith là cầu thủ tài năng, đồng thời cũng bày tỏ vui mừng khi trong đội có cựu binh Megan Rapinoe sát cánh, dìu dắt lứa trẻ như Sophia Smith, Trinity Rodman hay Alyssa Thompson.
Theo kế hoạch, tuyển Mỹ sẽ có 10 ngày tập luyện trước khi chính thức ra quân bảng E World Cup 2023 gặp đội tuyển nữ Việt Nam, kế đó gặp Bồ Đào Nha (27-7) và Hà Lan (1-8).
So với đội tuyển Việt Nam, các cô gái Mỹ dễ dàng thích nghi thời tiết hơn, khi nơi đóng quân cũ là San Francisco (Mỹ) và hiện tại (Auckland, New Zealand) đều đang trong thời tiết lạnh 10-12 độ C, độ ẩm cao.
World Cup nữ 2023: Đương kim vô địch Mỹ săn tìm cú “hattrick” ở đỉnh cao thế giới!
-Nhà đương kim vô địch Mỹ sẽ gánh vác một mục tiêu to lớn trên vai khi World Cup nữ 2023 khai mạc vào ngày 20-7 tới. Mỹ không giấu tham vọng thắng giải lần thứ 3 liên tiếp, nhưng các đối thủ cạnh tranh sẽ dốc hết sức lực để làm hỏng hy vọng lập thành tích vô tiền khoáng hậu của họ.
(Hình: Megan Rapinoe, vua phá lưới World Cup 2019, trở lại để dự World Cup thứ 4 của mình)
Tuyển Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới sẽ cố gắng lập kỳ tích vô song khi giải đấu bắt đầu vào ngày 20-7 tại Australia và New Zealand. Họ sẽ bắt đầu chiến dịch bằng trận gặp Việt Nam vào ngày 22-7 trước khi đối đầu với Hà Lan, đội mà họ đã đánh bại 2-0 trong trận chung kết năm 2019 và Bồ Đào Nha ở bảng E.
“Các đội sợ đấu với Mỹ”, cựu danh thủ Carli Lloyd nói với hãng thông tấn Reuters. Ngôi sao một thời của tuyển Mỹ hiện là nhà phân tích của Fox Sports tại các kỳ World Cup. Cô nói: “Điều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là ADN đó, là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc".
Nhưng trong khi có vô số đội bóng sợ hãi khi gặp người Mỹ, thì ba đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch đã tìm ra cách đánh bại tuyển Mỹ trong năm qua. Mỹ lần đầu tiên phải chịu ba trận thua liên tiếp kể từ năm 1993 vào tháng 10 và tháng 11 khi họ gục ngã trước nhà vô địch châu Âu Anh, sau đó thua Tây Ban Nha và Đức.
Tuyển Mỹ tập hợp lại vào năm mới, đánh bại nhà vô địch Olympic Canada, nhà vô địch World Cup 2011 Nhật Bản và Brazil để nâng cao SheBelieves Cup một phần lớn nhờ vào sức mạnh tấn công của Mallory Swanson.
Nhưng vài tuần sau khi người hâm mộ xem Swanson là người hùng mới của Mỹ, cô đã bị rách gân đầu gối và bị loại khỏi giải đấu. Cựu danh thủ Briana Scurry thổ lộ: "Nếu bạn hỏi tôi trước khi Mal Swanson chấn thương, tôi sẽ nói, tuyển Mỹ có khả năng giành chiến thắng, một cảm giác cao nhất mà tôi cảm thấy kể từ khi còn thi đấu". Briana Scurry từng giúp Mỹ đăng quang World Cup lần thứ 2 vào năm 1999 khi cản phá được quả phạt đền quan trọng.
Scurry hiện đang dẫn chương trình podcast "Phản công", nói với Reuters rằng những người chiến thắng giải đấu có thể được quyết định bởi đội nào giữ được thể lực lâu bền nhất. "Sẽ thực sự rất khó khăn. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đặt cược chống lại đội của mình".
HLV trưởng Vlatko Andonovski sẽ dựa vào một nhóm trẻ để lèo lái con thuyền Mỹ tới vinh quang, với ngôi sao 22 tuổi Sophia Smith – Cầu thủ xuất sắc nhất Giải bóng đá nữ quốc gia (NWSL) - bổ sung cho cựu binh Alex Morgan. Megan Rapinoe, vua phá lưới World Cup 2019, cũng trở lại để lần thứ tư tham dự World Cup.
Trinity Rodman, cầu thủ được trả lương cao nhất ở NWSL, cũng được kỳ vọng sẽ là nhân tố chủ chốt trong hàng công ở tuổi 21, trong khi tiền đạo đồng hương và hiện tượng tuổi teen Alyssa Thompson là người trẻ nhất trong đội ở tuổi 18 mới chỉ ra sân ba lần.
Tin Việt Nam Hôm Nay!
Hà Nội Sẽ Chuẩn Thuận Vị Đại Diện Thường Trú của Vatican Tại Việt Nam
(Hình: Đức Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican hôm 23/11/2016)
-Quan hệ giữa Việt Nam - quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản vô thần, và Vatican - nước đại diện hàng tỉ tín đồ Hội thánh Công giáo La Mã - sắp đạt được bước cải thiện lớn, qua thỏa thuận đang được đúc kết về việc Hà Nội cho phép Tòa thánh cử một đại diện thường trú tại Việt Nam.
Thông tấn xã Reuters loan tin ngày Chủ Nhật (16/7/2023), dẫn nguồn từ một chức sắp cấp cao Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội thạo tin liên quan như vừa nêu. Theo đó, Thỏa thuận về vị Đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã sẽ được công bố nhân dịp đến thăm Vatican vào cuối tháng này của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Nếu cuộc hội kiến diễn ra thì đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2016 giữa vị Giáo chủ Công giáo La Mã và Chủ tịch nước Việt Nam. Vào ngày 23/11/2016, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang lúc đó được đương kim Giáo hoàng Francis tiếp tại Vatican.
Vị chức sắc cấp cao của Hội thánh Công giáo Hoàn vũ cho thông tấn xã Reuters biết rằng Vatican hy vọng thỏa thuận như vừa nêu sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai phía. Đề nghị Hà Nội cho phép một vị đại diện thường trú của Giáo hoàng tại Việt Nam đã được Vatican đưa ra hơn chục năm qua; và vào năm 2022, cả hai phía đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc đối với đề nghị này.
Hiện tại vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam của Giáo hoàng La Mã- Tổng Giám mục Marek Zalewski, ở tại Tân Gia Ba. Ông thường đến thăm Việt Nam nhưng phải có sự đồng ý của chính phủ Hà Nội.
Việc cho phép một đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai phía.
Sau cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975, Hà Nội cắt đứt quan hệ với Vatican. Lúc đó, Đảng và Chính phủ Cộng sản cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ lịch sử gắn bó với thực dân Pháp.
Đến năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican để gặp gỡ bàn về vấn đề liên quan giáo hội Công giáo tại Việt Nam và mối quan hệ song phương hai phía.
Hoạt động mới nhất của Nhóm là vòng họp thứ 10 diễn ra tại Vatican vào ngày 31/3 vừa qua. Vòng họp này do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh - Đức ông Miroslaw Wachowski, và người đồng cấp Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, đồng chủ trì.
Hãng thông tấn Công giáo độc lập UCA chuyên đưa tin về giáo hội Công giáo tại Á Châu, cho biết Chính phủ Hà Nội đưa ra nhiều hạn chế đối với hoạt động của Hội thánh Công giáo; như quy định về số giáo xứ….
Thống kê cho thấy có gần bảy triệu tín đồ Công giáo La Mã tại Việt Nam; con số này chỉ chừng 6,6% dân số trong nước.
Bắc Giang: Hơn 26 Ngàn Lao Động Mất Việc, Giảm Giờ Làm Vì Công Ty Thiếu Việc
(Hình: Công nhân tại một nhà máy may ở Bắc Giang hôm 21/10/2015.)
-Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang mới đây cho biết trong sáu tháng đầu năm, tỉnh này có hơn 26,5 ngàn lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Bắc Giang là tỉnh ở miền Bắc nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với các nhà máy chuyên sản xuất cho các hãng lớn như nhà máy của Foxconn chuyên sản xuất cho Apple, Hosiden Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện thoại, thiết bị điều khiển trò chơi và là vendor cấp 1 của Samsung; Si Flex là một công ty Nam Hàn chuyên sản xuất bảng mạch in linh hoạt, đây cũng là một nhà cung ứng của Samsung.
Truyền thông nhà nước dẫn nguồn tin từ chính quyền tỉnh Bắc Giang cho biết, trong số những lao động bị ảnh hưởng việc làm, trên 17.000 lao động phải thôi việc, chấm dứt hợp đồng; hơn 2.200 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc không lương; 862 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 6.200 lao động bị giảm giờ làm.
Những ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là dệt may, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may bị thiếu hoặc bị cắt giảm đơn hàng nên phải cắt giảm lao động hoặc cho lao động nghỉ luân phiên.
Hiện Bắc Giang có trên 285.300 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Hồi đầu tháng Sáu, các khu công nghiệp ở Bắc Giang đã phải đối mặt với tình trạng không thể sản xuất liên tục trong nhiều tuần do bị cắt điện luân phiên khi thủy điện tại Việt Nam thiếu nước.
Gang Thép Thái Nguyên Lỗ Hơn 100 Tỉ Đồng Trong 6 Tháng Đầu Năm
(Hình: Một góc dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.)
-Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vừa báo cáo mức lỗ sau thuế sau sáu tháng đầu năm là 117 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 22 tỉ đồng.
Theo truyền thông nhà nước, mức lỗ này cách rất xa so với mục tiêu có lãi 39 tỉ đồng mà công ty đặt ra.
Cũng theo báo cáo mới công bố, tổng tài sản của Tisco là hơn 10 ngàn tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Tisco ghi nhận nợ phải trả là 7.785 tỉ đồng, gấp 4,8 lần vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn là 6.315 tỉ đồng, gấp 2,3 lần tài sản ngắn hạn.Trong số này, công ty đi vay 4.710 tỉ đồng.
Gang thép Thái Nguyên là công ty có vốn nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Vào tháng Tư vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có buổi làm việc với Tisco để gỡ khó, vướng mắc tồn đọng, quyết tâm khôi phục Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (Tisco 2). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu 3.843 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2007 nhưng đã bị tạm dừng thi công từ năm 2013. Tisco đã thanh toán cho dự án là khoảng 4.421 tỉ đồng, trong đó, vốn vay ngân hàng là gần 3.900 tỉ đồng, còn lại là vốn tự có.
Dự án Tisco 2 đã đắp chiếu 15 năm với vướng mắc chính liên quan đến tranh chấp giữa chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và nhà thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) về hợp đồng nhà thầu trọn gói (EPC).
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho báo Nhà nước biết dự án đang có những dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, vào tháng 10 năm 2022, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về Dự án TISCO 2. Chuyến công tác đã giải quyết các tồn tại của Dự án TISCO 2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường.
Hai bên mới đây cũng đã ký kết các biên bản làm việc thống nhất về nguyên tắc giải quyết cơ bản. Đây được coi là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán không ký kết được bất cứ văn bản nào.
Cựu Thư Ký Thứ Trưởng Y Tế Phạm Trung Kiên Bị Đề Nghị Án Tử Hình
(Hình: Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị dẫn ra tòa tại Hà Nội hôm 11/7/2023.)
-Trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đang được xét xử tại Hà Nội, chỉ có một bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình vì hành vi nhận hối lộ “trắng trợn nhất” đó là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Theo truyền thông nhà nước, sáng 17/7/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị 21 người ở nhóm “Nhận hối lộ” mức án từ hai đến 20 năm tù, riêng ông Phạm Trung Kiên bị đề nghị tử hình.
Trong nhóm bị cáo là cựu cán bộ Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát đề nghị phạt Nguyễn Quang Linh, Phụ tá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: 7-8 năm; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao: 12-13 năm; Nguyễn Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự: 18-19 năm; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Cục phó Lãnh sự: 9-10 năm.
Ở nhóm tội “Chạy án”, Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, bị đề nghị 6-7 năm về tội Môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an: 19-20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên xử Sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” đối với 54 bị cáo bắt đầu từ ngày 11/7 vừa qua và theo dự kiến sẽ kéo dài 30 ngày.
Trong đại dịch COVID-19, kể từ tháng 2/2020, Việt Nam tổ chức hơn 1.000 chuyến bay với mục đích đưa 240 ngàn công dân bị mắc kẹt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch về nước.
Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ duyệt hơn 770 chuyến bay với mục đích vừa nêu; trong đó có 400 chuyến bay “giải cứu”, hơn 370 chuyến bay gọi là “combo”.
Có hai chục doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân tham gia tổ chức các chuyến bay đó. Họ đã nâng giá vé; đặt ra nhiều chi phí “phát sinh” buộc người muốn về nước phải trả.
Kết luận của Cơ quan Điều tra nêu rõ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là người phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu do Cục Lãnh sự trình, và sau đó gửi đến thành viên trong tổ công tác thuộc năm bộ xin ý kiến.
Các Cựu Lãnh Đạo Tỉnh Lào Cai “Tiếp Tay” Cho Khai Thác Khoáng Sản “Chui”, Làm Thiệt Hại 610 Tỉ Đồng
(Hình: Một điểm khai thác khoáng sản tại xã Đồng Tuyển do Công ty Lilama thực hiện vào tháng 8/2013.)
-Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Lào Cai vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 người bao gồm nhiều cựu lãnh đạo tỉnh này trong vụ án khai thác “chui” hàng triệu tấn khoáng sản gây thiệt hại cho nhà nước hơn 600 tỉ đồng.
Theo truyền thông nhà nước, các cựu lãnh đạo tỉnh bị đề nghị truy tố gồm: ông Nguyễn Văn Vịnh - Cựu Bí thư Tỉnh uỷ, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Doãn Văn Hưởng - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Thanh Dương - cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Lê Ngọc Hưng - cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cựu Giám đốc Sở Công thương. Những người này cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, bị truy tố hai tội “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Theo kết luận điều tra, sai phạm được xác định xảy ra tại khu đất rộng 3,77 ha tại địa bàn xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Dưới “vỏ bọc” dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn, bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, đã chỉ đạo nhân viên khai thác quặng apatit trái phép, rồi mang bán cho Công ty Apatit Việt Nam.
Quặng apatit là loại quặng được dùng chủ yếu trong công nghiệp chế biến phân bón tại Việt Nam.
Từ năm 2012 - 2015, số quặng apatit Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Công ty Lilama thu về hơn 484 tỉ đồng, Công ty Apatit Việt Nam cũng hưởng lợi hơn 184 tỉ đồng.
Kết luận của Bộ Công an xác định, để sai phạm có thể xảy ra và kéo dài trong khoảng thời gian trên, cơ quan công an xác định Công ty Lilama được sự “hậu thuẫn” từ hàng loạt cán bộ cấp cao của tỉnh Lào Cai, thông qua việc ký các văn bản trái pháp luật, giúp công ty khai thác và bán quặng.
Cơ quan điều tra cáo buộc cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ bị can Nguyễn Mạnh Thừa vào dịp Tết Nguyên đán năm 2015. Số tiền này được cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai chi tiêu cá nhân hết, đến nay không thu giữ được.
Cơ quan điều tra cũng kê biên tài sản của một loạt các viên chức tỉnh có dính lính đến vụ án. Theo thống kê được truyền thông nhà nước đăng tải, cơ quan điều tra đã kê biên diện tích đất rộng 100 mét vuông của cựu Bí thư Nguyễn Văn Vịnh.
Các cựu Phó Chủ tịch tỉnh là Nguyễn Thanh Dương, Lê Ngọc Hưng cũng bị kê biên các diện tích đất mỗi người lên đến hàng trăm mét vuông đất và nhà. Riêng cựu Phó Chủ tịch Lê Ngọc Hưng ngoài đất ở tỉnh Lào Cai còn có hai căn hộ chung cư ở Hà Nội và tài khoản hơn 1,8 tỉ đồng bị phong toả.
Đối với cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng, cơ quan điều tra đang tạm giữ số tiền 200 triệu đồng do gia đình bị can nộp để khắc phục hậu quả.
Vụ Thông Thầu của AIC ở Quảng Ninh, Không Xử Hình Sự Các Cựu Lãnh Đạo Tỉnh
(Hình: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.)
-Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) mới đây đưa ra kết luận vụ thông thầu ở Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh và Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trong đó xác định các cựu lãnh đạo tỉnh này không có yếu tố động cơ vụ lợi nên không có căn cứ giải quyết hình sự. Tuy nhiên Bộ Công an đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân để xảy ra vi phạm.
Dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh xảy ra từ năm 2012. Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn mới đây bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án này. Theo kết luận điều tra của công an, bà Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do Nhàn thành lập để phục vụ cho việc đấu thầu.
Công an xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã làm việc và ghi lời khai của nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh gồm: Ông Nguyễn Văn Đọc, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Đức Long, cựu Chủ tịch; ông Nguyễn Văn Thành và bà Vũ Thị Thu Thủy, cùng là cựu Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở Tài chánh; ông Trần Đức Lâm, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế.
Kết quả điều tra của công an xác định, việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu. Kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xác định các cá nhân trên có sai phạm trong việc chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định, thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng không có căn cứ xác định những người này có quan hệ riêng với các cá nhân của Công ty AIC, cũng như yếu tố, động cơ vụ lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Vụ án của AIC ở Quảng Ninh xảy ra đúng vào thời điểm đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh. Tuy nhiên kết luận điều tra của Bộ Công an được báo Nhà nước trích dẫn không thấy nói gì đến trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh này là ông Chính.
Đây là vụ án thứ ba bà Nhàn bị truy tố. Hồi cuối năm 2022, bà Nhàn đã bị kết án 30 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Vào giữa tháng 4 vừa qua, bà Nhàn, người đang bị bỏ trốn và bị truy nã, tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kỹ thuật sinh học Tp. HCM.
Doanh Nghiệp Việt Nghi Bị Khách Hàng ở UAE Lừa Đảo
(Hình: Các doanh nghiệp xuất cảng Việt Nam bị lừa đảo khi xuất hàng sang thị trường Ý Ðại Lợi, và giờ là Dubai.)
-Có khoảng 3 doanh nghiệp Việt Nam nghi bị một doanh nghiệp Dubai lừa đảo khi ký hợp đồng xuất cảng nông sản sang Dubai.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam hôm 17/7, được truyền thông loan, cho biết thông tin trên đồng thời xác nhận từ tháng 6/2023, một số doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng xuất cảng nông sản như hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai đã gặp khó khăn về thanh toán, có dấu hiệu bị người mua lừa đảo.
Hiệp hội, qua đó, đã phát cảnh báo đến các doanh nghiệp hội viên khi giao dịch với khách hàng Dubai.
Vẫn theo Hiệp hội, qua báo cáo của các công ty, giao dịch xuất hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người mua (Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng (Ajman Bank PJSC) tại Dubai thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), dẫn đến các lô hàng của các công ty đã bị mất trắng tại cảng Jebel Ali của UAE.
Giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua - nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu. Do đó, Hiệp hội cho rằng có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp phía Việt Nam.
Mới đây, cũng gặp chuyện tại thị trường Dubai, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết đã nhận được kiến nghị của Công ty Tín Mai về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất cảng điều nhân sang Dubai.
Cụ thể, người mua đã ứng 15% tiền hàng, công ty đã giao hàng và ngày 24/6 đã đến cảng Jebel Ali (UAE). Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6, trong khi Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá còn lại; mặc dù ngân hàng phía Việt Nam đã gửi hai điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.
Qua sự việc trên, các hiệp hội cho biết sẽ sớm liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ.
Cách đây 1 năm, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp trường hợp lừa đảo khi xuất cảng nông sản sang thị trường ngoại quốc. Cụ thể là 75 container hạt điều nhân có giá trị rất lớn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất cảng sang Ý Ðại Lợi đã gặp tình trạng bị đối tác lừa đảo, bộ chứng từ gốc của lô hàng bị mất.
Sau thời gian dài được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng và tốn nhiều chi phí liên quan, doanh nghiệp mới lấy lại được lô hàng trên.
Thủ Tướng Mã Lai Á Thăm Việt Nam Từ Ngày 20 Đến 21/7
(Hình: Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim (L) và phu nhân Wan Azizah tại một sự kiện ở Kuala Lumpur vào ngày 8/5/2023.)
-Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam được truyền thông nhà nước trích dẫn hôm 17/7/2023, Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 20 và 21/7.
Chuyến thăm diễn ra vào khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Mã Lai Á hiện là đối tác chiến lược của Việt Nam và là một trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm, trong đó năm 2022 đạt gần 14,8 tỉ Mỹ kim (Việt Nam xuất cảng sang Mã Lai Á 5,57 tỉ Mỹ kim và nhập cảng 9,1 tỉ Mỹ kim), theo số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam.
Trong các năm gần đây, Việt Nam liên tục đón tiếp các Thủ tướng Mã Lai Á đến thăm chính thức bao gồm chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir Mohamad vào năm 2019, Thủ tướng Ismail Sabri vào tháng Ba năm 2022.
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Anwar Ibrahim và phu nhân, Bộ trưởng Ngoại giao Mã Lai Á Zambry Abdul Kadir sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam-Mã Lai Á, diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/7, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bão Số 1 (Talim) Di Chuyển Nhanh Hướng Vào Miền Bắc
(Hình: Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão số 1 (Talim).)
-Cơn bão đầu tiên thổi vào Biển Đông năm nay, bão số 1 (tên quốc tế Talim), đang di chuyển nhanh với dự báo có thể mạnh lên cấp 11, 12, giật cấp 15. Bão số 1 đang hướng vào Vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Việt Nam thông báo, hồi 4 giờ chiều ngày 15/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 18,2 Bắc vĩ độ; 117,8 Đông kinh độ, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 850 cây số về phía Đông Đông-Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 cây số/giờ), giật cấp 10.
Dự báo đến 4 giờ chiều ngày 16/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây-Bắc, mỗi tiếng đồng hồ đi được 10-15 cây số. Bão có khả năng mạnh thêm, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 530 cây số về phía Đông Đông-Nam. Bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13.
Dự báo đến 4 giờ chiều giờ ngày 17/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây-Bắc, mỗi tiếng đồng hồ đi được 10-15 cây số, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 190 cây số về phía Đông. Bão mạnh cấp 11, 12, giật cấp 15.
Dự báo đến 4 giờ chiều ngày 18/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây-Bắc, mỗi tiếng đồng hồ đi được 10/15 cây số, trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Bão mạnh cấp 10, 11, giật cấp 13.
Trên biển, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Vùng biển phía phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 4-6 m.
Vào chiều ngày 15/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống Thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó Biến cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Việt Nam ra công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để có ứng phó kịp thời.
Việt Nam Sẽ Có 30 Phi trường Vào Năm 2030!
(Ảnh: Máy bay của Vietnam Airlines tại Phi trường Tân Sơn Nhất ngày 1/12/2021.)
-Việt Nam trong vòng bảy năm nữa, tức đến năm 2030, sẽ có tất cả 30 phi trường trên cả nước.
Kế hoạch vừa nêu được Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam công bố ngày 14/7 tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, phi trường toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, trình bày tại hội nghị vừa nêu nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, phi trường toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg.
Theo đó, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 được hình thành theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Sài Gòn với 30 cảng hàng không gồm:
14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (phi trường Thành Sơn và phi trường Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có thêm 3 phi trường nữa gồm Hải Phòng (phi trường quốc tế xây tại huyện Tiên Lãng), Cao Bằng và phi trường thứ 2 của Vùng thủ đô (dự kiến nằm ở Đông-Nam, Nam Hà Nội).
Lãnh Đạo Chủ Chốt Đại Học Hải Phòng Bị Kỷ Luật
(Hình: Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh, Trường Đại học Hải Phòng.)
-Ba lãnh đạo chủ chốt Đại học Hải Phòng vừa bị kỷ luật cảnh cáo gồm Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Văn Kính; Phó Bí thư, Hiệu trưởng Nguyễn Hoài Nam và Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Đoàn Quang Mạnh.
Quyết định vừa nêu được thông báo ngày 15/7/2023, sau cuộc họp của Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc xem xét quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Hải Phòng nhiệm kỳ 2020-2025.
Sai phạm của những lãnh đạo Đại học Hải Phòng vừa nêu được cho biết liên quan công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng Đại học ngành Ngôn ngữ Anh, hệ vừa làm vừa học (văn bằng 2) khóa 21 và Lớp K21N.
Vào năm 2020, Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học & Đào tạo Thường xuyên thuộc Đại học Hải Phòng tuyển 65 học viên vào lớp K21N để đào tạo.
Khóa học bắt đầu từ tháng 6/2020 và đến tháng Ba năm 2022 hoàn tất mọi học phần theo hình thức trực tuyến. Cuối tháng Ba, Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của Đại học Hải Phòng đề nghị cấp bằng cho 52 người đạt yêu cầu; tuy nhiên sau đó trường lại ra thông báo cho rằng qua quá trình kiểm tra phát giác nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến lớp K21N chưa bảo đảm yêu cầu.
Sau khi có thông báo về biện pháp kỷ luật đối với ba lãnh đạo vừa nêu của Đại học Hải Phòng, cơ quan chức năng thành phố này cho biết có thể vào tuần tới sẽ tiến hành việc công bố sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo Đại học Hải Phòng.
Nguyên Phó Giám Đốc Sở Kế Hoạch-Đầu Tư Tỉnh Phú Thọ Bị Bắt Giam
(Hình: Cơ quan An ninh điều tra đọc lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Tiến Lâm - nguyên PGĐ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Thọ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.)
-Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Thọ - ông Nguyễn Tiến Lâm - vào ngày 14/7/2023 bị Công an tỉnh tiến hành bắt giam, khám xét nhà với cáo buộc hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Theo truyền thông trong nước, trước đó, vào ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt khai triển các lực lượng tiến hành bắt, khám xét đối với chín người về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại thị xã Phú Thọ tỉnh Phú Thọ trong thời gian ông Lâm là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Thọ.
Ngoài ra còn có ba người khác là các lãnh đạo và cán bộ trong tỉnh này bị khởi tố bị can và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ được báo Nhà nước trích dẫn, từ năm 2020, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TX Phú Thọ, ông Nguyễn Tiến Lâm cùng các đồng phạm bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã "hô biến" 13.000 mét vuông đất rừng sản xuất thành bảy ô đất ở không qua đấu giá cho Lê Ngọc Anh (là cháu họ của ông Lâm). Sau đó Lê Ngọc Anh đã chuyển nhượng bảy ô đất nói trên cho người nhà, người thân bán kiếm lời, trung bình mỗi ô đất từ 800 triệu đồng.
Cũng theo điều tra của công an, trong năm 2019, ông Lâm đã chỉ đạo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, thị xã Phú Thọ và lãnh đạo, cán bộ địa chính xã Hà Thạch hợp thức hồ sơ giao đất ở không qua đấu giá tại khu Lũng Thượng, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ cho 16 người quen biết, làm thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỉ đồng và gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân.
Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng Bị Miễn Nhiệm Sau Khi Bị Kỷ Luật Đảng
(Hình: Ông Cao Tiến Dũng trong một cuộc họp trước đây.)
-Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa bỏ phiếu dồng ý miễn nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh này đối với ông Cao Tiến Dũng, người trước đó đã bị kỷ luật đảng vì những sai phạm được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền địa phương.
Theo truyền thông nhà nước, thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai Thái Bảo thông tin trong tờ trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Cao Tiến Dũng tại kỳ họp lần thứ 12, khóa X, chiều 14-7. Tỷ lệ các đại biểu đồng ý việc miễn nhiệm là 72%.
Truyền thông nhà nước hôm 14/7 cho biết, ông Cao Tiến Dũng (sinh năm 1972) bắt đầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai từ năm 2019.
Vào giữa năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định của Thủ tướng về việc thi hành kỷ luật một số cán bộ tỉnh trong đó có ông Cao Tiến Dũng. Theo quyết định, ông Dũng bị kỷ luật cảnh cáo do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Vào cuối năm 2022, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm này liên quan tới thực hiện một số dự án và công tác cổ phần hóa. Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị xử phạt hình sự.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm này được xác định thuộc về Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và một số cá nhân bao gồm ông Cao Tiến Dũng.
Thất Bại Lớn! Cổ Đông Công Ty Đối Tác Với VinFast Rút 80% Cổ Phần!
(Hình: Xe điện của VinFast trước khi được giao cho khách tại cửa hàng ở Los Angeles, California, hôm 1/3/2023.)
-Cổ đông của Black Spade Acquisition (BSA) - công ty mua lại có mục đích đặc biệt giúp VinFast niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ - đã thu đổi hơn 80% cổ phiếu trong công ty này.
Thông tấn xã Reuters loan tin dẫn thông báo của công ty BSA vào ngày 14/7/2023 như vừa nêu. Động thái này cho thấy một bước lùi trong ước muốn được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ của VinFast.
Vào ngày 13/7, thông tấn xã Reuters cho biết các cổ đông của công ty Black Spade chưa bỏ phiếu cho việc sáp nhập với VinFast mà chỉ bỏ phiếu triển hạn cho việc này đến ngày 20/7/2024.
Đại hội cổ đông bất thường cho mục đích vừa nêu được nói kéo dài chưa đầy 10 phút. Một số cổ đông tham gia trực tiếp và một số khác tham gia trực tuyến.
Vào tháng năm vừa qua, VinFast và Black Spade thông báo hai công ty có kế hoạch sáp nhập trong nửa năm cuối 2023 để VinFast đạt được mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Vào tháng sáu vừa qua, Black Spade đã chuyển việc niêm yết trên thị trường chứng khoán New York sang một thị trường nhỏ hơn là NYSE American.
Black Spade là công ty séc trắng được thành lập nhằm mục đích thực hiện giao dịch hợp nhất kinh doanh với công ty mục tiêu (Special Purpose Acquisition Company - SPAC); trong trường hợp này là VinFast.
Black Spade được tài trợ bởi Black Spade Capital tại Hồng Kông; công ty này hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Nói Sẽ Cùng Việt Nam Thúc Đẩy Các Chuyến Thăm Cấp Cao
-Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết sẽ cùng phía Việt Nam thúc đẩy cho những chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới.
Phát biểu vừa nêu của ông Blinken được đưa ra với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan diển ra tại thủ đô Jakarta, Nam Dương.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng ba vừa qua. Ngoài công tác thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc giữa lãnh đạo cao cấp hai nước; vấn đề khai triển các thỏa thuận hợp tác đã ký kết cũng được Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề cập.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết sẵn sàng cùng Hoa Kỳ đưa mối quan hệ Đối tác tòa diện đi vào chiều sâu, hướng đến nâng tầm quan hệ khi nào điều kiện được nói "thích hợp".
Trong thời gian qua, giới quan sát tình hình chính trị Việt Nam đưa ra những suy đoán về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm nay, cũng như việc hai nước nâng quan hệ lên mức đối tác chiến lược.
Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Janet L. Yellen Sẽ Thăm Việt Nam Ngày 20 và 21/7
(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen phát biểu tại một họp báo ở Bắc Kinh hôm 9/7/2023.)
-Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ, bà Janet L. Yellen, sẽ đến thăm Việt Nam sau khi tham dự hội nghị các Bộ trưởng Tài chánh và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 ở Ấn Độ.
Thông cáo phát đi ngày 13/7/2023 của Bộ Tài chánh Hoa Kỳ nêu rõ khi đến Hà Nội, bà Bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen sẽ làm việc với phía Việt Nam để tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương sau 28 năm bình thường hóa ngoại giao và thương mại giữa hai nước tăng hàng năm ở mức gần 25%.
Bà Yellen sẽ cùng phía Việt Nam tiếp tục công việc mà hai phía đang phối hợp giải quyết là vấn đề tiền tệ của Hà Nội. Bên cạnh đó là các vấn đề về đối tác chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu tại Việt Nam mà Hoa Kỳ tham gia cùng các nước khác huy động nguồn quỹ trên 15 tỉ Mỹ kim hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Lịch trình cụ thể của Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen tại Việt Nam được cho biết bao gồm: vào ngày 20/7 bà này sẽ có cuộc gặp song phương với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; sau đó là các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đảng Trần Tuấn Anh; vào ngày 21/7 bà Yellen gặp Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc; sau đó có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trong thời gian ở Việt Nam, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Janet Yellen còn gặp gỡ đại diện doanh giới và phát biểu tại hội nghị về vai trò lãnh đạo của nữ giới trong lĩnh vực kinh tế do Đại học Ngoại Thương Hà Nội chủ trì.
Chuyên Gia: Chuyến Thăm Việt Nam của Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ 'Sẽ Làm Bền Vững Hơn Quan Hệ Song Phương'
(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Mỹ tại cuộc họp báo ở Tòa Ðại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/7/2023.)
-Giới quan sát nhận định với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng việc Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen, một trong các viên chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, thăm Hà Nội vào tuần tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, một bước gần hơn để hai nước tiến tới quan hệ đối tác chiến lược.
Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen sẽ thăm Việt Nam trong 2 ngày 20 và 21 tháng 7, trong nỗ lực "hướng tới việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế song phương của chúng ta" và "thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế", Bộ Tài chánh Mỹ cho biết trong một thông báo hôm 13/7.
"Tôi đánh giá cao và vui mừng đón nhận tin này. Đây là một minh chứng cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục được phát triển, hai bên cùng có lợi, đóng góp cho sự phát triển cho khu vực", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chia sẻ với VOA.
Chính quyền Việt Nam chưa loan báo về chuyến thăm Hà Nội 2 ngày của Bộ trưởng Yellen. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay đề nghị bình luận VOA về thông báo của Bộ Tài chánh Mỹ.
Mở Ra Cơ Hội Hợp Tác
Trong thông cáo của Bộ Tài chánh Mỹ, phía Mỹ gọi Việt Nam là "đối tác khả tín" với kim ngạch thương mại "tăng trưởng với tốc độ hàng năm đáng kinh ngạc là gần 25%" trong 28 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa và thương mại hàng hóa đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Đáng lưu ý, Hoa Thịnh Ðốn nhận thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, với việc "xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy giữa nhiều đối tác khả tín như Việt Nam thông qua quá trình 'friendshoring'", tức chuyển sản xuất đến những nước bằng hữu.
Chuyên gia kinh tế, tài chánh Bùi Kiến Thành, người có thâm niên làm việc cho các công ty tài chánh Mỹ và tư vấn cho chính phủ Việt Nam, nêu nhận định về chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Yellen:
"Cuộc viếng thăm này rất có ý nghĩa vì trước đến giờ, cấp Bộ trưởng Tài chánh Mỹ qua đây là không có nhiều, thường chỉ là cấp Bộ trưởng Ngoại giao qua làm những việc chung chung thôi, còn đây là một chuyến thăm có ý nghĩa sâu đậm hơn về hợp tác phát triển kinh tế, không phải nhất thời, mà là lâu dài".
"Kỳ này, bà Janet Yellen qua gặp [lãnh đạo] Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, vừa bên Chính phủ, vừa gặp Ban Kinh tế Trung ương, và cả Quốc hội nữa… mở ra quan hệ sâu rộng hơn nhiều so với những kỳ trước", ông Bùi Kiến Thành, cựu chuyên gia tài chánh của công ty AIG của Hoa Kỳ, cựu nhà tư vấn cho chính phủ Việt Nam về các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nêu nhận định với VOA hôm 14/7.
Theo thông cáo của Bộ Tài chánh Mỹ, vào ngày 20/7, bà Yellen sẽ có cuộc hội đàm với với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, gặp Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Vào ngày 21/7, bà có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chánh Hồ Đức Phớc, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mối Quan Ngại của Mỹ
Dự kiến trong chuyến công du đến Hà Nội, bà Yellen vẫn sẽ nêu các quan ngại của Hoa Thịnh Ðốn với giới lãnh đạo Việt Nam về các hoạt động quản lý tài chánh tiền tệ của Việt Nam, dù nước này không còn nằm trong danh sách "thao túng tiền tệ" của Mỹ từ năm 2022.
Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm gần đây đã giải quyết được một số rào cản về chính sách tài chánh tiền tệ giữa hai nước.
Bộ Tài chánh Mỹ đã chỉ định Việt Nam là nước "thao túng tiền tệ" dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, cho rằng nước này làm suy yếu đồng tiền của mình để đạt được lợi thế thương mại không công bằng và đe dọa áp thuế mới. Dưới thời chính quyền Biden, Hoa Kỳ đã không trừng phạt Việt Nam, quốc gia đã cam kết ngừng phá giá tiền đồng. Chính quyền Biden cũng đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để ngăn chặn thuế quan đối với hàng nhập cảng năng lượng mặt trời từ Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác vì bị cáo buộc xuất cảng hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc bị áp thuế sang Mỹ để né thuế suất.
Nhận định rằng vấn đề quan ngại của Hoa Thịnh Ðốn về tập quán quản lý tài chánh tiền tệ của Việt Nam có nguyên nhân là do sự yếu kém của hệ thống ngân hàng của nước này, chuyên gia Bùi Kiến Thành kỳ vọng rằng chuyến thăm của bà Yellen đến Việt Nam lần này sẽ mở ra cơ hội giúp Việt Nam cải tổ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chánh tín dụng của đất nước.
"Vì hệ thống tổ chức các ngân hàng của Việt Nam còn non trẻ…cho đến bây giờ hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam vẫn còn rất ấu trĩ – chỉ là một chuỗi tiệm cầm đồ lớn, chứ chưa phải thực sự là một ngân hàng – vì chỉ cho vay thế chấp, chứ chưa phải cho vay tín chấp.
"Ngân hàng Trung ương của Việt Nam [hay còn gọi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam] cũng còn rất non trẻ và nhân sự chưa được đào tạo cho đúng chức năng lãnh đạo một ngân hàng trung ương. Các viên chức được tuyển dụng từ các ngân hàng thương mại… và như thế là bất cập.
"Tôi mong rằng Bộ trưởng Yellen, từng là lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Mỹ, sẽ có cách nói chuyện và tìm hiểu, hướng dẫn, và giúp đỡ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tự đào tạo thành một ngân hàng Trung ương. Đây là một điều căn bản về chính sách tiền tệ tài chánh mà Việt Nam cần học hỏi đến tiến lên".
Liên quan đến các quan ngại của Bộ Tài chánh Mỹ, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ:
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trình bày những khó khăn về kinh tế của Việt Nam như là việc Việt Nam phải nhập cảng dầu thô, phân bón, cũng như các nguyên liệu khác với giá cả tăng thì Việt Nam cần phải có những biện pháp điều chỉnh để bảo đảm kinh tế vĩ mô và bảo đảm phát triển sản xuất.
"Tôi mong rằng cuộc trao đổi sẽ làm cho hai bên hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và phía Hoa Kỳ thông cảm với với những chính sách của Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ lắng nghe những ý kiến góp ý của phía Hoa Kỳ để tham khảo và điều chỉnh những chính sách của mình".
Bà Yellen sẽ làm việc với các viên chức Việt Nam về những quan ngại của Hoa Kỳ đối với các thông lệ tiền tệ của Việt Nam, thông cáo của Bộ Tài chánh Mỹ cho biết, đồng thời ca ngợi "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" của Việt Nam về các vấn đề này.
"Bộ trưởng Yellen sẽ nêu bật tiến trình này trong chuyến thăm Việt Nam như một ví dụ về cách các quốc gia chúng ta có thể hợp tác để giải quyết các thách thức và giúp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và tài chánh của Việt Nam", Bộ Tài chánh Mỹ cho biết thêm.
Hèn Với Giặc: Đề Nghị Trung Quốc Cho Sớm Khai Thác Chung Khu Thác Bản Giốc-Đức Thiên: 'Thêm Bước Nhượng Bộ' của Việt Nam
(Quốc Phương)
(Hình: Khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc tại Thác Bản Giốc hôm 12/3/2017. Thác ở biên giới giữa hai nước thuộc tỉnh Cao Bằng.)
-Việc Việt Nam vừa đề nghị Trung Quốc sớm đưa khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên vào vận hành thí điểm, như truyền thông nhà nước đưa tin, là 'thêm một bước nhượng bộ', trong khi Việt Nam đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát từ trước đến nay trước các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, và đây phải được coi là một bài học trong đối phó với các yêu sách và hành động của Trung Quốc nay mai trên Biển Đông, theo một nhà quan sát lịch sử chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam và quan hệ Việt-Trung chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ Pháp hôm 14/7/2023.
Trước đó, hôm 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, đã có cuộc hội kiến với ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Nam Dương. Trong các nội dung trao đổi, làm việc song phương, đã đề nghị phía Trung Quốc "sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào vận hành thí điểm", bên cạnh việc 'đẩy nhanh' khai triển một số dự án hợp tác giữa hai nước; 'phối hợp' quản lý tốt biên giới trên đất liền, đẩy nhanh tiến độ mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã thống nhất, theo báo 'Thế Giới & Việt Nam' thuộc Bộ Ngoại giao từ Hà Nội. (*)
Từ Marseille, nhà quan sát và nghiên cứu độc lập Trương Nhân Tuấn nêu bình luận trên quan điểm riêng của ông với RFA Tiếng Việt về diễn biến này:
"Việt Nam phải đề nghị hợp tác với Trung Quốc về kinh tế để khai thác du lịch ở thác Bản Giốc, theo tôi thấy đây là thêm một bước nhượng bộ của nhà cầm quyền Việt Nam trước những yêu sách của Trung Quốc…. Trung Quốc muốn Việt Nam đồng thuận với họ để khai thác khu vực thác Bản Giốc, nhìn trước mắt, phía Việt Nam cũng có lợi, Việt Nam cũng có thể khai thác được kinh tế, khách du lịch ngoại quốc cũng có thể đi lên thác Bản Giốc để tham quan, thí dụ vậy, nhưng phải đào sâu vào kết ước giữa có thể có giữa Việt Nam và Trung Quốc để xem Việt Nam được gì".
Theo ông Trương Nhân Tuấn, Việt Nam đã chịu thiệt thòi khi chính quyền Việt Nam để cho quá nửa khu vực Thác Bản Giốc này 'rơi vào tay' Trung Quốc, và hiện nay trong khu thác 'với ba tầng', thì phần 'đẹp nhất, có 'tiềm năng' nhất về kinh tế và du lịch cảnh quan đã nằm trong tay Trung Quốc. Ông nói tiếp:
"Việt Nam cần phải thận trọng, khi Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam một chuyện gì đó, mình phải suy nghĩ sâu xa xem Việt Nam có bị thiệt hại hay là có tiềm năng bị thiệt hại một vấn đề gì đó".
Nhìn lại lịch sử chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam liên quan khu vực Thác Bản Giốc, nhà nghiên cứu từ Pháp nói:
"Năm 1979, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam ở một số cao điểm trên đường biên giới, trong đó bao gồm Thác Bản Giốc; sau khi hai bên ký kết Hiệp định Biên giới, Việt Nam bắt buộc phải nhượng cho Trung Quốc ở những nơi vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã chiếm được".
Về việc được cho là 'nhượng đất' ở khu vực Thác Bản Giốc của Việt Nam cho Trung Quốc, ông Trương Nhân Tuấn nói thêm:
"Tôi thấy Trung Quốc được phần nhiều, Trung Quốc chiếm phần lớn Thác Bản Giốc, có thể gọi thác đó có ba tầng, chiều cao khoảng 50 mét, có chia nhiều phần khác nhau và phần thác đẹp nhất nay lại thuộc về Trung Quốc. Người dân Việt Nam phản đối, lý do là một cái thác đẹp như vậy cũng là một thắng cảnh quốc gia, nhưng cũng là một tài nguyên về kinh tế, nếu khai thác một cách đúng đắn, khu vực Thác Bản Giốc đó có thể đem lại cho tỉnh Cao Bằng một nguồn kinh tế đáng kể. Nhưng phần đẹp nhất của thác từ năm 2000 đã thuộc về Trung Quốc".
Vẫn theo ông Trương Nhân Tuấn, khu vực Thác Bản Giốc ngày nay được Trung Quốc quảng cáo rất mạnh mẽ và được đặt tên là khu Đức Thiên Bộc Bố, trên phần thác 'thuộc bên Trung Quốc' nay đã được khai thác một cách rất bài bản, Trung Quốc xây dựng hạ tầng cơ sở, khách sạn, du lịch quy mô, hiện đại, với khách du lịch bên phía Trung Quốc đi tham quan tới địa điểm này đông đảo.
Theo ông Trương Nhân Tuấn, việc Ngoại trưởng Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, thông qua ông Vương Nghị, tại cuộc hội kiến tại Nam Dương hôm 13/7/2023 'đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên vào vận hành thí điểm' là một hành động có thể gây ra thêm tình trạng mà ông gọi là 'ván đã đóng thuyền'. Việc này, theo nhà nghiên cứu có thể hiểu thêm là sự củng cố thêm việc khẳng định rằng khu Thác Bản Giốc vốn từ xa xưa thuộc Việt Nam, nay đã 'thuộc về Trung Quốc', đây là điều mà ông Tuấn cho rằng trừ phi trong tương lai hai nhà nước có thỏa thuận khác đi, phân định gây 'mất đất đai' này khó có thể thay đổi dưới thời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
'Rút Kinh Nghiệm Bản Giốc, Không Thể Khai Thác Chung Với Trung Quốc'
Nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử chủ quyền biên giới lãnh thổ Việt Nam và quan hệ biên giới, lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, Trương Nhân Tuấn, nhân dịp này chia sẻ trên quan điểm cá nhân với Đài Á Châu Tự Do rằng Việt Nam nên rút kinh nghiệm câu chuyện Thác Bản Giốc, để không thể 'khai thác chung' với Trung Quốc ở những khu vực biên giới, lãnh thổ, hải đảo mà Trung Quốc có yêu sách và tham vọng về từng bước thay đổi hiện trạng chủ quyền lãnh thổ hay biển đảo của Việt Nam, đặc biệt trên Biển Đông và ông nhấn mạnh:
"Điểm nhấn của tôi bây giờ là đừng có đi lại con đường của Thác Bản Giốc ở Bãi Tư Chính, Việt Nam không thể nào khai thác chung với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính được. Theo tôi biết, khoảng từ 4, 5 năm nay, Việt Nam đã đưa ra một số chỉ dấu có ý nghĩa như là định hướng dư luận rằng Việt Nam và Trung Quốc 'sẽ khai thác chung' ở vùng Tư Chính. Theo tôi nghĩ, vùng Tư Chính đó quan trọng hơn cả về vấn đề kinh tế, chiến lược lẫn chủ quyền. Cho nên, nên chú trọng ở vùng Tư Chính và nên cảnh giác rằng Việt Nam không nên khai thác chung với Trung Quốc ở vùng đó".
Ông Trương Nhân Tuấn nhân dịp này đề cập và khẳng định rằng dưới thời của chính quyền Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo hiện nay, cho đến nay, Việt Nam đã chịu nhiều mất mát và thiệt thòi về đất đai và lãnh thổ, thua thiệt về chủ quyền quốc gia trước Trung Quốc.
Ông liệt kê một số địa điểm như Ải Nam Quan, mà nay theo ông đã lùi sâu ít nhất 300 mét về phía trong lãnh thổ của Việt Nam, so với mốc giới cũ biên giới giữa hai nước từ xa xưa, trong khi tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Việt Nam đã 'để mất' về tay Trung Quốc nhiều điểm cao 'có tính chiến lược và quân sự' như ở khu vực Núi Đất, Lão Sơn, mà từ đó Trung Quốc có thể 'kiểm soát, chế ngự' về mặt an ninh, quân sự, do thám với không chỉ Hà Giang mà cả tỉnh Cao Bằng. Ông cũng cho rằng trong phân định Vịnh Bắc Bộ, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã 'nhượng bộ' và 'để mất' nhiều địa điểm có tính chất quan trọng, chiến lược về mặt an ninh, kinh tế, quốc phòng.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đánh giá:
"Nếu chúng ta so sánh hai Hiệp ước năm 1887 (và Hiệp định phân định biên giới Việt – Trung gần đây), người ta nói giữa Pháp và nhà Thanh không có phân định trong Vịnh Bắc Bộ; đường kinh tuyến 105 độ…, nếu nhìn nhận đó là đường biên giới, thì Việt Nam bị mất khoảng 11.000 cây số vuông trên biển và tất cả những vùng có tiềm năng kinh tế của Việt Nam, mà vốn tất cả đều thuộc về Việt Nam, thì hai bên lại đồng ý phân định lại".
Có Chuyện 'Nhượng Đất, Nhượng Biển' của Việt Nam Cho Trung Quốc Không?
Theo quan sát của ông Trương Nhân Tuấn, có một hiện tượng chung xảy ra trên đường biên giới Việt-Trung sau phân định biên giới giữa chính quyền Cộng sản Việt Nam và chính quyền Trung Quốc là rất nhiều địa điểm trên đường này bị di dời, lùi 'ngược sâu' vào trong đường biên giới cũ trước kia của Việt Nam, ông lấy ví dụ có cả một địa điểm mà ông nhắc tên là Thủy Khẩu đã bị 'rời ngược' vào sâu trong biên giới cũ của Việt Nam đến một, hai trăm mét và ngay sau đó Trung Quốc đã cho 'xây cất các công trình cửa khẩu, thông thương kiên số và quy mô' trên các đất mới mà họ đã 'lấn được' vào đất của Việt Nam, sau các 'kết ước', thỏa thuận giữa hai bên. Ông Trương Nhân Tuấn nói:
"Từ tất cả những cửa ải, Việt Nam đều bị thiệt hại, tất cả không ngoại lệ, tôi có thể kể ra như Nam Quan, Bình Nhi, Thủy Khẩu v.v… cửa ải ở Lào Cai, tôi không nhớ hết, nhưng tất cả những cửa ải lớn ở Việt Nam, thêm cả Ải Chí Mã nữa, đều bị mất về phía Trung Quốc hết. Đó là những điểm rất phi lý".
Nhà nghiên cứu độc lập nói rằng đã có một số ý kiến trong công luận và giới quan sát Việt Nam cho rằng đã có hiện tượng được gọi là 'nhượng đất, nhượng biển' của Việt Nam cho Trung Quốc dưới thời cầm quyền của nhà nước Cộng sản Việt Nam, nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề này, ông Trương Nhân Tuấn nói:
"Nhượng đất và nhượng biển theo tôi nghĩ là có. Nhượng đất rải rác ở mọi điểm trên đường biên giới, nhượng đất có ở những vùng có giá trị cao về kinh tế, lẫn an ninh, chiến lược. Nhượng biển cũng có. Việt Nam khi ký Hiệp định phân định lại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đường phân định đó không theo bất kỳ một quy tắc, tiêu chuẩn nào của quốc tế hết cả, và theo tôi Việt Nam đã có những nhượng bộ một cách phi lý, hoàn toàn phi lý và việc này đem lại thiệt hại cho Việt Nam.
Nếu dựa trên nền tảng của Hiệp ước Pháp-Thanh, Việt Nam thiệt hại khoảng 11.000 cây số vuông, nếu dựa trên sự phân định theo đường trung tuyến, theo quy định của quốc tế, Việt Nam cũng bị thiệt hại tương tự như vậy, cũng khoảng trên 10.000 cây số vuông. Và nếu phân định theo đường trung tuyến có điều chỉnh, phần chênh lệch sẽ chia làm hai, thì Việt Nam bị mất khoảng từ 4.000 đến 5.000 cây số vuông trong Vịnh Bắc Việt".
Hướng về tương lai, nhà nghiên cứu độc lập từ Marseille nói với RFA Tiếng Việt:
"Và chuyện tương lai mà mình (Việt Nam) cần phải cảnh tỉnh, để ở quần đảo Hoàng Sa có một lối đối xử (hợp lý) như thế nào, quần đảo này bây giờ Trung Quốc đã nắm hết. Với quần đảo Hoàng Sa, phải đi bằng một phương cách thận trọng, tức là giải quyết từng điểm một. Trong đó, nóng nhất và dễ nhất là giải quyết vấn đề vùng đánh cá giữa hai quốc gia, vì vùng Hoàng Sa là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, cho nên phần đó đi từng bước một, từ vùng phân định biển đánh cá, rồi đi đến thềm lục địa và vấn đề chủ quyền lãnh thổ tạm gác lại.... Cuối cùng là vấn đề Bãi Tư Chính, về vấn đề khai thác chung ở vùng biển Trường Sa, theo tôi nghĩ, Việt Nam phải trả lời là 'không', bởi vì Trung Quốc không có bất cứ một lý do, một nền tảng pháp lý nào để yêu sách vấn đề đó", ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do từ Marseille, Pháp, hôm 14/7/2023.
* Ông Trương Nhân Tuấn là nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử chủ quyền Việt Nam và an ninh trên Biển Đông và là tác giả của cuốn sách "Biên giới Việt Trung 1885-2000: Lịch sử thành hình và những tranh chấp".
Đại Án "Chuyến Bay Giải Cứu": 8/8 Xử Bị Cáo Đầu Vụ
(Đại An)
(Hình: Phiên tòa xử 54 bị cáo tại Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" hôm 11/7/2023.)
-Đại án "chuyến bay giải cứu" đã bắt đầu xét xử Sơ thẩm từ hôm 11/7, tại Hà Nội. Theo kế hoạch, vụ án dự kiến xử suốt một tháng. Đặc biệt, vào ngày đôi đẹp nhất năm 8/8, phiên tòa sẽ chất vấn bị cáo "khủng" nhất, kẻ đã một tay bài bố, sắp xếp toàn bộ vụ hối lộ kỷ lục này. Phiên xử này được truyền hình trực tiếp.
Bị cáo tên là Thể Chế.
Quý vị ơi, tôi đùa đấy.
Nếu thằng Thể Chế bị lôi cổ ra xét xử thì Việt Nam ta đã thành rồng thành hổ từ lâu rồi.
Không Làm Thế Thì Cạp Đất Mà Ăn À?
Phiên tòa lịch sử hấp dẫn ngay từ những diễn biến đầu tiên. Hôm 11/7, báo chí Việt Nam tiếp tục ghi được những hình ảnh để đời, với 54 bị cáo, trong đó hết một nửa là cựu viên chức cao cấp của bảy bộ ngành và địa phương.
Không hổ danh là cán bộ cao cấp và dân kinh doanh tinh anh, đoàn bị cáo mặc sơ mi trắng đứng chen chúc sáng cả phòng xử án có màu tường và nền khá u ám của Tòa án thành phố Hà Nội.
Hầu hết mọi chi tiết trong đại án này đều là hiếm có, là lần đầu.
Về nguyên nhân, các nhận định trước đó của các cơ quan có trách nhiệm quy về sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền trong quá trình thực hiện. Từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành nhũng nhiễu doanh nghiệp để vòi tiền.
Trong các phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu yêu cầu phải siết chặt công tác cán bộ, phải bố trí cán bộ đủ sự liêm chính để không lặp lại đại nạn tham nhũng, ăn hối lộ tập thể như lần này.
Hoan hô Quốc hội. 500 cái đầu được sàng lọc chọn lựa từ hơn trăm triệu người Việt Nam quả thật rất thông minh, nói rất đúng.
Đúng một phần bé tí!
Cán bộ, hay sự chồng chéo không rõ ràng về thẩm quyền chỉ là vài biểu hiện vô cùng bề ngoài của nguyên nhân thật sự.
Có Ba Trăm Lượng Việc Này Mới Xong
Đó chính là lỗi hệ thống mang tính sinh tử của thể chế hiện tại. Là sự độc quyền nhà nước trong kinh tế.
Vụ án chuyến bay giải cứu có tổng cộng bảy bên dính líu gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Tại Văn phòng Chính phủ dính vào có Vụ quan hệ quốc tế, Phụ tá Thủ tướng thường trực.
Tại Bộ Ngoại giao có Cục Lãnh sự, Phòng Bảo hộ công dân, một số Ðại sứ Việt Nam ở ngoại quốc, thậm chí có cả cựu Ðại sứ.
Tại Bộ Công an có cán bộ Cục Xuất-nhập cảnh, tương tự có cả cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội.
Tại Bộ Y tế có thư ký của Thứ trưởng.
Tóm lại không chừa một ai.
Diễn tiến vụ án có chi tiết rất đắt.
Ban đầu, năm bộ, ngành được giao phối hợp đề xuất chuyến bay. Kết quả tập hợp lại, gởi lên Văn phòng chính phủ để nơi này "tham mưu", đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt (cho công ty nào được tổ chức bay, bao bao nhiêu chuyến, v.v…).
Sau đó, ngửi thấy hơi đồng nồng nàn, các anh được giao trọng trách trong Văn phòng Chính phủ phớt lờ tổ năm Bộ, tự ghi tên các doanh nghiệp và trình thẳng lên lãnh đạo Chính phủ.
Khi phát giác ra việc qua mặt, đầu mối tham mưu-đề xuất lãnh đạo Chính phủ được chuyển về Bộ Ngoại giao.
Nhưng sự điều chỉnh đó không mang lại chút hiệu quả nào mà chỉ khiến thay đổi quy trình hối lộ. Trước kia, các doanh nghiệp chỉ cần chạy thẳng một cửa Văn phòng Chính phủ thì nay quyền lực được chan ra cho nhiều bên, nên họ phải chạy đủ các cửa. Tổng số tiền phải chạy tăng lên rất nhiều.
Mới dẫn đến việc Giám đốc một công ty khai trước tòa: Thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, nhiều lần Cục trưởng khi đó là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp thường xuyên bị làm khó.
"Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông-Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bà Lan bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày mới cấp phép. Do đó, doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn cùng cực.
Doanh nhân này cho biết khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Khi được cấp phép thì doanh nghiệp phải nộp đủ tiền, mỗi lần thuê máy bay từ 8 tỉ đến 9 tỉ đồng. "Công dân ở ngoại quốc muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay, nay mới biết mình được về là hành hạ họ".
Ông này cũng kể đã bị Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất-nhập cảnh - Bộ Công an, và Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ép phải đưa tiền bôi trơn. "Khi gặp ở Bộ Y tế, Kiên quát, bảo "các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu đồng". Kiên nói "tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến".
Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên (Bộ Y tế), nhận hối lộ đến mòn cả tay: 253 lần.
"Chuyến bay giải cứu" như thanh nam châm cực mạnh; nó hướng đến bất cứ cơ quan nào thì lập tức hút ra một đống kẻ tham nhũng ở những vị trí cao nhất.
Đáng nói, tất cả các viên chức có trách nhiệm trong chủ trương này đều chủ động làm khó, đòi tiền và nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp một cách công khai, bình thản. Doanh nghiệp thì hiểu ngay phải làm gì để được cấp phép các chuyến bay kinh doanh.
Nghĩa là trong nhận thức xã hội và chính quyền, viên chức ăn hối lộ đã không phải là hành vi sai trái, thậm chí còn không phải là hành vi bình thường. Nó là điều kiện đầu tiên, là cái giá không hạch toán vào khoản nào được nhưng bắt buộc phải chi nếu doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh. Trong tất cả các lĩnh vực, tất cả các cơ quan, tất cả các cấp. Nó là tất-lẽ-dĩ nhiên, ai cũng biết và ai cũng biết là người khác biết việc mình làm.
Doanh nghiệp nào không thừa nhận nguyên lý này sẽ bị hất văng khỏi thương trường lập tức.
Cho nên khi ra tòa, hầu như tất cả các bị cáo đều nói một câu nghe có vẻ mỉa mai, chạy tội ngu), nhưng ngẫm kỹ lại có phong vị thật thà: "Không biết nhận tiền (của doanh nghiệp) như thế lại là phạm pháp!".
(Hình AFP: Một người phụ nữ bế em nhỏ được giải cứu từ Vũ Hán, Trung Quốc, về phi trường Vân Đồn, Quảng Ninh, hôm 10/2/2020.)
Chiếc Tử Cung Độc Quyền
Thực ra không có cơ chế nào đủ hoàn hảo để ngăn cản con người phát sinh lòng tham và lợi dụng quyền lực nhằm thỏa mãn lòng tham. Cách phổ biến nhất để hạn chế tình trạng đó là công khai và kiểm soát. Vì vậy, nhiều nước có hai hoặc nhiều hơn hai đảng phái để cạnh tranh quyền điều khiển quốc gia. Phe chiến thắng phải cẩn trọng trong từng hành vi vì luôn luôn có những con mắt quan sát của đối thủ. Nếu sơ sẩy, sai lầm của họ sẽ dẫn đến việc thất cử trong nhiệm kỳ sau. Những thành viên của một đảng thất cử sẽ không thể nắm giữ các vị trí quan trọng của quốc gia và cầm lái định hướng phát triển nó. Đó là thất bại lớn nhất về tinh thần cho những người ôm chí lớn muốn thể hiện tài năng của bản thân. Kèm với nó là sự thất bại cụ thể về tài chánh.
Việt Nam có rất nhiều tổ chức được thành lập với mục đích kiểm soát và ngăn chặn tình trạng thao túng quyền lực, như các cơ quan thanh tra, Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp và cao nhất là Quốc hội với các ban/ủy ban chuyên trách. Nhiệm vụ của những cơ quan này nói nôm na là nghe ngóng tình hình và phản ứng của người dân với các chủ trương chính sách, từ đó đi sâu kiểm tra giám sát việc thực thi, hoặc xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Nhưng với thực tế chỉ có một đảng cầm quyền, tất cả các vị trí quan trọng trong chính quyền đều phải là đảng viên mới được bổ nhiệm thì, chính xác như hình ảnh mà dân gian hay dùng để ví von, đó chỉ là một chiếc ô lớn.
Dưới đó mặc dù các thanh nan được sắp xếp đối trọng nhưng sự thật là tất cả đều nằm dưới một mái dù. Không gì có thể vượt lên trên nó. Ngoài nó, cũng không có chiếc ô nào khác để người ta núp mưa.
Sự độc quyền trên thượng tầng khiến không thể có cơ chế kiểm soát, thanh tra, giám sát nội bộ nào tồn tại một cách thực chất.
Đó chính là chiếc tử cung sản sinh, dung chứa và bao bọc tham nhũng.
Các vụ đại án trước kia, hiện tại và sau này đều không dám động vào mấu chốt.
Thay vào đó, các "cụ" tuôn ra những lời kêu gọi lương tâm đảng viên, đạo Đức cá nhân, liêm chính để chống tham nhũng… lấp lánh, hùng hồn, đầy cảm động, đầy quyết tâm.
Nhưng ai cũng biết nó chỉ là những dây pháo hoa giấy, không thể che nổi mất sàn nhà bẩn thỉu ruỗng nát.
Hòa Thượng Thích Vĩnh Phước Bị Công An Yêu Cầu Không Viết Bài Chỉ Trích Trên Facebook
(Hình: Hòa thượng Thích Vĩnh Phước (giữa) và tuỳ viên chính trị Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ cùng thân nhân Tù nhân lương tâm tại chùa Phước Bửu.)
-Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), không viết bài chỉ trích chính quyền địa phương và về các vấn đề xã hội khác trên mạng xã hội Facebook.
Đại diện Công an tỉnh và Công an huyện Xuyên Mộc đã đưa ra yêu cầu trên trong buổi làm việc vào sáng ngày 13/7/2023 tại trụ sở của Công an huyện, theo giấy mời lần ba với nội dung "để trao đổi một số vấn đề về phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng".
Một ngày sau buổi làm việc với công an địa phương, Hòa thượng Thích Vĩnh Phước thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
"Hôm qua tôi gặp Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Công an của huyện Xuyên Mộc. Trong buổi làm việc họ yêu cầu tôi trả lời đưa cho tôi văn bản giống cái bản cam kết từ nay về sau không viết bài đăng Facebook để chỉ trích này nọ.
Rồi họ nói xoay quanh là tôi phải dành thời gian để lo việc đạo không nên lên tiếng về việc xã hội chuyện hiện tình đất nước…".
Thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam- một tổ chức đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, từ chối yêu cầu của phía công an. Vị Hòa thượng cho biết ông sẽ tiếp tục thực hành quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội:
"Tôi nói tôi có quyền công dân, có quyền bày tỏ tất cả mọi cái, việc viết trên Facebook là quyền của người thôi. Tôi cũng viết nhưng viết theo quan điểm của mình".
Hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho biết trong buổi làm việc, phía công an in ra những bài viết của ông trên Facebook về việc Uỷ ban Nhân dân huyện Xuyên Mộc ra lệnh bắt tháo dỡ những công trình xây dựng trong chùa Thiên Quang (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cũng như việc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và đài Đáp Lời Sông Núi (Hoa Kỳ) về việc có liên quan đến cơ sở tu hành này.
Phía công an đòi ông xác nhận và vị Hòa thượng cho biết ông cũng ký nhận những gì ông đã đăng trên trang Facebook cũ (Thích Vĩnh Phước- hiện nay đã bị Facebook khoá) cũng như việc ông trả lời phỏng vấn một số đài ngoại quốc.
Không chỉ gây sách nhiễu chùa Thiên Quang, chính quyền huyện Xuyên Mộc cũng thường xuyên gây khó khăn cho chùa Phước Bửu, không cho chùa này xây dựng một số công trình phục sự việc tu hành, Hòa thượng Thích Vĩnh Phước cho biết.
Trong buổi làm việc với công an, vị Hòa thượng cũng yêu cầu nhà chức trách huyện Xuyên Mộc trả lại cổng chùa Phước Bửu đã được chùa của ông dựng từ năm 1989 nhưng đến năm 2014 thì bị chính quyền chiếm mà không có văn bản thu hồi.
Việt Nam tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế về nhân quyền nhưng không thực hiện và luôn luôn phân biệt đối xử với những nhóm tôn giáo độc lập, ông nói trong buổi làm việc với công an.
Phóng viên nhiều lần gọi điện cho Công an huyện Xuyên Mộc và cả Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để tìm hiểu thông tin về buổi làm việc giữa công an địa phương Hòa thượng Thích Vĩnh Phước nhưng không có ai nhấc máy.
Theo Hòa thượng Thích Vĩnh Phước và Thầy Thích Thiên Thuận - trụ trì chùa Thiên Quang, nhà chức trách huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục sách nhiễu hai cơ sở tu hành này cùng sư sãi và tín đồ trong nhiều thập niên qua với nỗ lực buộc hai chùa phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tổ chức tôn giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Xuyên Mộc tiến hành cưỡng chế phá dỡ một số công trình tạm xây dựng từ năm 2000 của chùa Thiên Quang mà chính quyền địa phương chỉ coi là tịnh thất. Chính quyền địa phương nói hai danh khoản Facebook là "Chùa Thiên Quang" và "Thích Vĩnh Phước" đăng nhiều bài viết và livestream kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp việc cưỡng chế đối với nơi thờ tự này.
HRW Lên Tiếng Việc Ông Trương Văn Dũng Bị Y Án 6 Năm Tù
(Ảnh: TTXVN loan tin về phiên Phúc thẩm xét xử ông Trương Văn Dũng ngày 13/7/2023.)
-Hôm 13/7/2023, nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 6 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước" giữa lúc các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tục kêu gọi phóng thích ông.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin sau phiên Phúc thẩm tại Hà Nội: "Về hành vi của bị cáo, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2022, thông qua trả lời chương trình "Từ cánh đồng mây" tại một file video và một file audio, Trương Văn Dũng có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu "chiến tranh tâm lý", phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thông qua các bài phỏng vấn, video, clip đăng tải trên mạng xã hội".
Ngoài ra, truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết ông Dũng "có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề "Những mảnh đời sau song sắt" và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề "Chính trị bình dân" có mục đích thông tin xuyên tạc", cũng như lưu trữ 31 băng rôn, biểu ngữ và 11 tài liệu được in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
"Không có gì ngạc nhiên khi ông Trương Văn Dũng không được giảm án vì các phiên Tòa Phúc thẩm của Việt Nam đã trở thành một trò đùa buồn cười, chỉ nhằm mục đích gieo hy vọng hão huyền và đánh lừa cộng đồng quốc tế", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định với VOA qua email hôm 13/7.
Đại diện của HRW khẳng định: "Điểm mấu chốt là, tại Việt Nam, không có công lý tại các tòa án do chính phủ kiểm soát đối với bất kỳ ai bị cáo buộc phạm tội chính trị".
"Ông Trương Văn Dũng đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù", ông Robertson cho biết thêm.
Một ngày trước phiên xử Phúc thẩm, HRW và Ân xá Quốc tế (AI) kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Dũng, cho rằng những việc làm ôn hòa của ông chỉ thực hiện quyền căn bản của công dân. Theo HRW, những hành động bị cáo buộc "chống Nhà nước" trên của ông Dũng chỉ đơn thuần là "thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa".
Bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của AI, cho biết trong một tuyên bố: "Phiên tòa xử ông Dũng diễn ra trong lúc chính quyền gia tăng trấn áp các tiếng nói đa đạng và chỉ trích chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam".
Ông Dũng, 65 tuổi, bị bắt vào tháng 5/2022, đến 28/3 vừa qua, Tòa án Thành phố Hà Nội tuyên ông 6 năm tù với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cáo trạng khi ấy cho rằng ông Dũng trả lời phỏng vấn báo đài ngoại quốc và tàng trữ sách cấm.
Cựu Chủ Tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn Bị Đề Nghị Truy Tố Trong Vụ Án Thứ Ba
(Hình: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.)
-Truyền thông nhà nước loan tin hôm 13/7/2023 cho hay cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ ba liên quan đến việc cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh. Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này còn có anh trai bà Nhàn là ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng - và 14 người khác.
Bà Nhàn hiện đang bỏ trốn nhưng đã bị kết án tù 30 năm trong một phiên tòa vào cuối năm 2022 trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ" xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Vào hồi giữa tháng 4, bà Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kỹ thuật Sinh học Tp. HCM.
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước, bà Nhàn cùng anh trai cùng bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo kết luận điều tra của công an, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do Nhàn thành lập để phục vụ cho việc đấu thầu.
Tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản-Nhi xảy ra vào năm 2012, bà Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn (Phó tổng Giám đốc công ty AIC) và Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý dự án 3) trực tiếp thực hiện dự án.
Cơ quan điều tra xác định Loan đã móc ngoặc với Nguyễn Đức Quang và Phạm Ngọc Dũng để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá trang thiết bị với mục đích xây dựng hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về đấu thầu.
Đối với hồ sơ dự thầu, bà Nhàn là người quyết định giá dự thầu, chỉ định công ty trúng thầu và quyết định tỷ lệ lợi nhuận của công ty AIC và các công ty "quân xanh". Kết quả, công ty AIC trúng 4 gói thầu, công ty Mopha trúng hai gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản-Nhi với tổng số tiền hơn 230 tỉ đồng.
Công an xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Đáng chú ý là thời gian xảy ra những sai phạm tại Quảng Ninh, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính đang là Bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Bà Nhàn cũng là người trung gian trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Do Thái từ hơn 10 năm qua.
Phụ Huynh 'Chạy Đôn Chạy Đáo' Kiếm Trường Cho Con
(Nguyễn Lại)
(Hình: Ảnh tư liệu - Nhiều bạn nhỏ trong tuổi đến trường này đã phải đi đi làm công, lưới cá phụ giúp gia đình mưu sinh ở những địa phương nghèo tại Việt Nam.)
-33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập và phụ huynh của các em đang 'cật lực xoay sở' để kiếm cho con em mình một ngôi trường phù hợp với hoàn cảnh gia đình với biết bao lo lắng và trăn trở.
Anh Đoàn Thành Trung, một phụ huynh sinh sống tại quận Long Biên có con trai trượt trường công, cho hay ngay khi biết điểm thi, cả gia đình anh rất buồn vì lo rằng nếu không tìm được một môi trường phù hợp thì tương lai cậu bé sẽ rẽ sang hướng không tốt đẹp.
"Ví dụ thi trượt Đại học thì lúc đấy các cháu cũng lớn rồi, có thể đi học nghề. Chứ đằng này ở tuổi này thì đã làm gì có đủ nhận thức. Quá nguy hiểm luôn", anh Trung chia sẻ với VOA.
Anh cho biết dù không dư dả nhưng cũng sẽ cố đăng ký cho con trai vào học một trường tư thục chứ nhất định không vào các trung tâm dạy nghề hay giáo dục thường xuyên. Với kinh nghiệm của mình, anh cho rằng những trường nghề hay giáo dục thường xuyên 'chả dạy dỗ được nghề nghiệp gì ra hồn, trẻ em những gia đình không còn lựa chọn nào khác thì mới vào đấy, đâm ra học mấy năm xong lại thành hư hỏng'.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Trung là chị Nguyễn Bích Thuỷ, một phụ huynh sinh sống tại quận Hai Bà Trưng. Chị Thủy cho biết con gái chị chỉ thiếu nửa điểm để vào trường công và chị, cũng như phần lớn các phụ huynh cùng hoàn cảnh, sẽ nhất quyết 'hạn chế chi tiêu đến mức tối đa' để cho con theo học một trường tư chứ không tới các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề như Sở Giáo dục Hà Nội khuyến khích trên báo chí trong mấy tuần vừa qua.
"Họ ra cái điều rằng đó là chủ trương của nhà nước. Có nghĩa là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ được nhận từng đấy thôi… bắt buộc tất cả những học sinh trượt phải vào trường nghề, phải chọn lựa trường nghề và trường giáo dục thường xuyên", chị Thủy nói.
Chị Thủy cho rằng đấy là cách lấp liếm cho tình trạng thiếu trường thiếu lớp ở Hà Nội đã diễn ra hàng chục năm nay, khi dân số thành phố thì tăng nhanh mà trường lớp thì được đầu tư nhỏ giọt. "Chứ các viên chức lãnh đạo ngành giáo dục và các gia đình đều biết chất lượng đào tạo của các trường nghề và các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên như thế nào. Có ai dám cho con vào đấy học đâu", chị Thủy tiếp lời.
Hai phụ huynh này cho biết việc cho con vào trường dân lập thực sự là một gánh nặng rất lớn về kinh tế cho những gia đình như họ, vốn chỉ là những công chức bình thường. Học phí của trường dân lập ít nhất cũng từ 12 đến 15 triệu đồng nmỗi tháng, chiếm phân nửa thu nhập của gia đình. Phân nửa thu nhập còn lại phải trang trải mọi thứ tiêu dùng, từ ăn uống, quần áo, sách vở, điện, nước, cho tới xăng xe…. Đây thực sự là một bài toán khó cho những gia đình cùng cảnh ngộ.
Ngoài ra, việc chọn trường dân lập cũng tốn công sức và thời gian bởi chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục của những ngôi trường này phần lớn còn nhiều hạn chế.
"Có hai loại dân lập. Thứ nhất là dân lập dành cho những đứa có bố mẹ rất nhiều tiền. Còn loại khác thì như ngoài ngõ nhà mình có cái trường cấp 3 dân lập đây này. Chả hiểu học hành dạy dỗ thế nào mà 9, 10 giờ sáng mình ra thì thấy quán trà đá ngoài đầu ngõ cứ kín đặc, toàn đồng phục học sinh ngồi đấy", chị Thủy nói.
Có chung sự lo lắng như chị Thủy, nhưng anh Trung cho rằng bây giờ xin được cho con vào một trường dân lập để không phải đi học nghề cũng là tốt lắm rồi. Ngay cả những trường chất lượng không được tốt cũng không phải dễ xin vào.
"Nhiều trường tư hiện nay đã không thèm nhận thêm học sinh nữa rồi. Trượt trường công, người ta vào nhiều quá nên họ nhận đủ chỉ tiêu là thôi, không nhận nữa. Căng lắm đấy", anh Trung cho biết. Anh nói bây giờ bất kể là trường nào, anh cũng sẽ tìm cách xin cho con trai vào học trước đã, rồi năm học tới từ từ tìm kiếm và tính tiếp, chứ để cháu ở nhà chơi một năm thì còn nguy hiểm hơn nhiều.
May mắn hơn anh Trung và chị Thủy, anh Nguyễn Hoàng Anh, một phụ huynh có hai con trai vừa thi đỗ vào trường công ở huyện Thanh Trì, cho biết anh thật sự vui mừng vì nếu các cháu không đỗ thì không biết sẽ giải quyết thế nào. Anh nói nếu cho cả hai cháu học trường tư với chi phí trên dưới 30 triệu/tháng thì không kham nổi, còn cho con đi học nghề thì 'sẽ làm hỏng hết tương lai của các cháu'. Trường công vẫn là 'lựa chọn hoàn hảo' cho những gia đình có khả năng kinh tế hạn chế như anh dù có đôi chút phiền phức.
"Bây giờ trường công ở Thanh Trì cũng đỡ rồi. Cơ sở vật chất được đầu tư cũng ngon và có tiêu chuẩn. Tất nhiên ngày nọ ngày kia thì hơi phiền chút là phải đi thăm hỏi, chăm sóc thầy cô giáo. Thì tính ra mỗi năm thêm chục triệu cho khoản đấy. Như thế thì vẫn rẻ hơn nhiều so với học trường tư", phụ huynh này chia sẻ.
Báo nhà nước dẫn nguồn từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết kỳ thi vào lớp 10 vừa qua ở thành phố Hà Nội có gần 105.000 học sinh đăng ký trong khi chỉ có 72.000 thí sinh được tuyển vào hệ thống trường công.
Hà Nội dự kiến các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên sẽ đón khoảng 10.000 học sinh và trên 17.000 em sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, trong số 33.000 học sinh thi trượt vào trường công lập cấp ba.
Đừng Hòng! Hà Nội Chẳng Nhịn Thịt Chó Được Đâu!
(Trầm Kha)
(Hình: Một cửa hàng bán thịt chó ở Hà Nội hôm 10/12/2021.)
-Lãnh đạo Hà Nội đang đề xuất thí điểm "Thành phố nói không với thịt chó, mèo".
Tôi chẳng tin tưởng mấy.
Xuất phát từ nguy cơ sợ nhiễm bệnh từ chó mèo cũng vậy, mà vì sợ khách du lịch quốc tế bị phản cảm cũng thế.
Chẳng thành công đâu.
Vì những người thích ăn thịt chó không phải đều là quân ăn thùng uống vại, ham ăn hốt uống, phàm phu tục tằn đến nỗi cái gì cũng nhét vào miệng được. Cũng không phải là người lạnh lẽo tình cảm, không biết yêu thương động vật.
Đơn giản chỉ vì thịt chó ngon thật!
Hội Yêu Chó… Theo Ký
Trên đê Nhật Tân (Hà Nội) từng có một chuỗi các quán thịt chó gần sát nhau, trong đó có một số quán mang những cái tên na ná: Anh Tú, Anh Tú Béo, Anh Tú xịn, Anh Tú thật, Anh Tú nhà lá…. Gió từ sông lộng vào mát rười rượi, ngồi khề khà với bạn bè thân thiết quanh những món ăn ngon đến chảy nước dãi, đó là một mỹ vị của đời sống.
Nói thẳng thắn và công bằng thì trong cuộc đấu tranh bảo vệ chó quyền từ nhiều chục năm nay, sở dĩ những người bảo vệ chó quyền chưa thể giành được thắng lợi vẻ vang, vì chính lý do giản dị này.
Thịt heo, thịt gà, thịt vịt… không thể so sánh với thịt chó về độ ngon, lạ miệng và đặc sắc của nó.
Đó là sự thật. Nếu không thì các tay tổ sành ăn đời ông bà chúng ta đã không cảm khái mà thốt lên cái câu để đời:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Xuống âm phủ không có mà ăn.
Ý văn học của tuyệt tác thi ca ẩm thực trên là dồi chó ngon ngon ngon lắm, tranh thủ lúc còn sống thì ăn cật lực đi kẻo chết vẫn ấm ức vì thèm.
Tả một miếng mỹ thực mà vừa trực diện, vừa triệt để đến thế, hẳn tác giả phải trải nghiệm sâu sắc, hoặc có những giác quan nhạy bén tột độ với miếng ngon.
Tôi cũng từng là người nghiện thịt chó, đồng thời vẫn là người yêu động vật thành thật và thực tế. Ví dụ không bao giờ đánh đập, tạt nước sôi, ném đá, hành hạ chó mèo hay bất cứ con vật nào. Luôn thật sự yêu thương, cho ăn, vuốt ve, nói chuyện… với chó mèo cưng của người khác.
Nghe thế ai cũng cười, nhưng tôi thấy rất nhiều người giống tôi. Và không có gì là éo le, mâu thuẫn trong đó cả.
Nhưng tôi đã ngừng ăn thịt chó từ rất lâu, gần 20 năm rồi. Không phải vì sợ nhiễm bệnh, sợ du khách quốc tế thấy mình hoang dã và phản cảm, hay vì không thấy nó ngon nữa.
Miếng dồi, miếng nướng vẫn rất ngon, nhưng tôi không chọn đi ăn thịt chó nữa.
Có lẽ vì ngày càng bận rộn, kết thúc công việc trong ngày thì cơ thể đã rã rời, chỉ muốn mau chóng về nhà tắm nước nóng rồi nằm duỗi dài trong chăn lướt Tik Tok để cho cái não đã bị kích thích cả ngày lười biếng trở lại.
Có lẽ vì bạn bè người nào cũng như thế, thời gian dành cho gia đình, công việc và bản thân ngày càng được ưu tiên, nên dần dần cả số lượng và chất lượng đều được chắt lọc. Chỉ muốn và cần gặp tri kỷ, ở bất cứ đâu, ly cà phê, tách trà, nhấm nháp chút thời gian yên lặng bên nhau đã đủ.
Thêm một lý do rất quan trọng nữa ngoài việc không còn thời gian cho những cuộc chè chén dài 2, 3 ba tiếng, là khi tôi chuyển chỗ ở thì đồng bọn thích thịt chó cũng tan tác, tản mác mỗi đứa một nơi hết.
Tìm đồng bọn mới chỉ để đi ăn thịt chó thì không phải là ưu tiên nữa.
Chứ nếu có, tôi cũng không dám chắc mình có thể hoàn toàn không động đến một miếng thịt chó nào nữa như suốt gần 20 năm nay hay không.
Hành động thích nghi với môi trường, có lẽ là vậy.
Việc (đề nghị) chọn Hà Nội làm thí điểm thành phố không có người ăn thịt chó mèo, ngoài lý do nơi này là thủ đô, kiểu "phương diện quốc gia", thì còn một lẽ nữa là dân Bắc thoải mái và phổ biến ăn thịt chó hơn rất nhiều so với dân các vùng khác.
Tôi ở Sài Gòn. Miền Nam vốn là nơi có đủ sắc dân từ nhiều tỉnh thành, vùng miền, dân tộc… đến sinh sống. Dân Bắc di cư vào từ trước 1975, sống quần tụ thành từng khu, đồng thời cũng mang "văn hóa" ăn thịt chó vào vùng đất mới.
Trước kia, khi khu vườn rau Lộc Hưng còn chưa bị giải tỏa, thỉnh thoảng đi qua đấy, tôi còn bắt gặp mấy anh mấy chú hàng xóm với nhau xoay trần ra cầm mớ rơm thui con chó vàng bóng.
Sài Gòn cũng từng có cả những con hẻm thịt chó, trong hẻm san sát toàn các quán thịt chó và thực khách cũng đông nghịt, như Cống Quỳnh (quận 1) một dạo chẳng hạn.
Nhưng nhìn chung, dân miền Nam không phổ biến thói quen ăn thịt chó. Đặc biệt không nuôi chó như cách nuôi con gà con heo, xem nó là nguồn thực phẩm tươi sống dự trữ trong nhà, hàng ngày vẫn gọi êu êu Vện Vện nhưng chỉ chờ dịp là đè Vện ra oánh chén, như thói quen của không ít dân Bắc nói chung.
Có một số vùng còn nâng thịt chó, thịt mèo lên thành đẳng cấp ẩm thực: đám cưới phải có thịt chó, thịt mèo mới gọi là oách.
Khác với miền Bắc, dân Nam thường do tò mò hoặc được bạn bè rủ đi ăn thịt chó. Cũng ăn, cũng thấy ngon, cũng ghiền. Nhưng đã nuôi thì thường xem là thú cưng. Dù nuôi với mục đích giữ nhà thì con chó thường vẫn được cưng chiều nhất hạng. Với người nuôi vì yêu thích thì nó chính là em bé nhỏ nhất trong nhà, là "con ruột", nguồn động lực vô biên biết nhảy chồm chồm và vẫy tít cái đuôi mỗi buổi chiều đón ta về. Với ông bà thì khỏi nói. Con cháu đi làm đi học hết cả ngày, có một đứa bốn chân luôn nhõng nhẽo quấn quýt, đòi ăn, đòi chăm bẵm, nghịch ngợm quấy phá để ông bà vừa bực vừa vui. Là giải pháp rất tốt để tránh khỏi cuộc sống thụ động và nhàm chán cả về tinh thần lẫn thể lực.
Sự khác nhau đó là một thói quen trong lối sống, hình thành do vô vàn yếu tố xa xôi và phức tạp từ sâu trong lịch sử. Không vì thế mà nó trở thành một nguyên nhân để kỳ thị Nam-Bắc.
(Hình: Những con chó bị nhốt trong chuồng chờ bị giết thịt tại Hà Nội hôm 26/7/2012.)
Lần Vận Động Thứ N
Việt Nam chưa có những dịch vụ cho chó mèo đến để người bệnh ôm ấp, chơi với nhằm giúp giảm trầm cảm, hay huấn luyện chó trợ giúp người khuyết tật. Nhưng những quán cà phê chó mèo, nơi nhiều người trẻ đến uống một ly nước, mua một đĩa khoai tây chiên-hầu hết sẽ vào bụng mấy con cún ở đó - thì đã mở ra từ lâu và làm ăn đều đều.
Với phần đông những đứa trẻ lớn lên sau này, nhất là khi từ nhỏ trong gia đình đã nuôi và cưng nựng chó mèo như em bé, tuy không thể tránh khỏi việc vẫn có người thích ăn một món thịt lạ, nhưng có lẽ sẽ ngày càng phổ biến thói quen không ăn thịt chó mèo.
Trên mạng xã hội Việt Nam cũng như ngoài đời thực, có hàng trăm nhóm của cộng đồng những người yêu chó/mèo. Vào các nhóm đó ngắm ảnh chó/mèo của người khác, hay khoe ảnh chó/mèo và các trò nghịch ngợm đáng yêu của chúng là một thói quen xả stress của không ít người trưởng thành.
Đời sống người dân dần dần nâng lên cộng với ý thức về thực phẩm an toàn là một nguyên nhân khiến ngay cả người ghiền thịt chó cũng phải phân vân. Không thực khách nào có thể kiểm soát nguồn thịt chó/mèo bày bán ngoài chợ hay thậm chí trong quán lớn, vì thịt chó/mèo không phải là nguồn thịt thương phẩm được cho phép, có trang trại nuôi và quy trình giết mổ an toàn như với gà, heo, vịt, thỏ, nai, dê, cá sấu....
Theo khảo sát của các nhóm bảo vệ động vật, nguồn chó bị thịt chủ yếu là chó trộm cắp và nhập cảng. Trong đó có cả chó bệnh, chó hoang chạy khắp nơi.
Trên mạng xã hội từng lan truyền các tấm ảnh chụp những con chó bị xà mâu ghẻ lở khắp người nhưng thui xong thì vẫn vàng ươm bóng nhẫy. Thực khách không thể phân biệt được. Giả sử trông thấy tấm hình kia, có rùng mình một cái, sau đó có thể nghỉ ăn ít lâu. Nhưng rồi cũng sẽ khó cưỡng, nhất là nếu xung quanh vẫn có một đám đồng bọn thích hàng tuần rủ nhau đi "đả cờ tây", và những quán thịt chó vẫn được mở ra, bày bán rầm rộ.
Năm 2021, thành phố Hội An đã ký kết trực tuyến với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws về cam kết loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm 2022 đến hết năm nay 2023. Sau thời điểm đó, Hội An có còn là thành phố không có việc buôn bán, sử dụng thịt chó mèo hay không thì còn phụ thuộc vào kết quả vận động của tổ chức Four Paws với đời lãnh đạo hiện tại.
Hiểu cặn kẽ từng câu chữ, thì "loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo" nghĩa là đưa quá trình sử dụng, buôn bán thịt chó mèo vào diện hành vi bị cấm trong luật pháp. Cụ thể, nếu phát giác buôn bán, sử dụng thịt chó mèo sẽ bị phạt, thậm chí bị bắt.
Đó lại là điều không thể. Vì luật pháp Việt Nam đến nay tuy không công nhận thịt chó/mèo là nguồn thịt thương phẩm chính thức nhưng cũng không có điều luật nào cấm ăn thịt chó/mèo.
Vì vậy, tuy câu chữ rất mạnh mẽ theo kiểu "Cam kết LOẠI BỎ…" nhưng nội dung vẫn chỉ là tuyên truyền vận động. Ai nghe thì nghe, chứ không thể cấm.
Hà Nội Có Vội Được Không?
Thông tin trên báo chí Việt Nam cho biết, năm tháng sau khi thỏa thuận được ký (từ cuối năm 2021), tất cả các quầy thịt chó trong chợ Hội An đều đã ngừng bán. Quán thịt chó T.B từng rất nổi tiếng và đông khách cũng chuyển sang bán thịt vịt. Cả thành phố chỉ còn ba quán thịt chó, tuy nhiên cũng không còn đông khách như trước.
Tuy nhiên, Hội An là thành phố nhỏ và rất "gọn" cả về địa lý, hành chính lẫn cơ cấu kinh tế. Khoảng 73% cơ cấu kinh tế Hội An phụ thuộc vào du lịch, nguồn khách đông nhất vẫn từ các nước phương Tây. Dân Tây thì phần đông phản cảm sâu sắc với việc ăn thịt chó mèo. Một chiếc đầu chó bị thui vàng cháy nhe răng trắng nhởn bày bán ngay trên sạp chợ có thể khiến người ta nôn tại chỗ.
Năm 2015, một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ nước này sẽ làm mọi cách để giúp ngăn chặn tình trạng ăn thịt chó tại một số nước phương Đông, cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam và Nam Hàn.
Một Nghị sĩ khác cho biết du khách Anh có thể sẽ tẩy chay các quốc gia này để phản đối việc ăn thịt chó.
Tuy rằng các nỗ lực chấm dứt việc ăn thịt chó tại Việt Nam cho đến tận bây giờ (và e rằng còn rất nhiều nhiều năm nữa) vẫn chưa đạt kết quả triệt để, nhưng để thu hút và níu giữ du khách, tốt nhất là loại bỏ hết tất cả những gì gây ấn tượng xấu nhất ở họ. Nói thẳng ra, việc cấm buôn bán thịt chó/mèo, cấm ăn thịt chó/mèo ở Hội An có liên quan trực tiếp đến túi tiền của gần 2/3 số dân sinh sống trong thành phố này. Được số đông ủng hộ thì chủ trương thực hiện nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Nhưng Hà Nội lại khác.
Như đã nói, Hà Nội là một trong những địa phương mà người dân có sở thích và thói quen ăn thịt chó từ lâu đời.
Cơ cấu kinh tế Hà Nội cũng không thuần nhất thiên về du lịch như Hội An. Khu vực có tỷ lệ cao nhất là dịch vụ, chiếm hơn 63%. Hà Nội lại là thủ đô, là điểm đến mặc định trong nhiều tour du lịch, nên có cấm thịt chó hay không thì các công ty vẫn đưa khách đến thôi ấy mà. Vì vậy sự phản cảm của một bộ phận khách du lịch ngoại quốc chưa đủ là động lực quyết định việc loại bỏ thịt chó mèo khỏi bàn ăn dân Hà Nội.
Trong khoảng gần 10 năm gần đây, "Liên hợp các xí nghiệp sản xuất thịt chó" trên đê, khu vực phường Nhật Tân với khoảng 40-50 quán thịt chó vào thời cực thịnh đã biến mất. Chỉ còn lại một quán do chủ quán đã làm nghề này hơn 20 năm, giờ không biết chuyển nghề gì khác.
Một số báo chí Việt Nam đăng những loạt phóng sự rất hấp dẫn như tiểu thuyết, kể đủ giai thoại kết luận rằng những chủ quán thịt chó sở dĩ dọn quán nghỉ bán do bị chó báo oán, trả thù nghiệp sát sinh quá nhiều. Nhưng thực tế thì trần trùi trụi: Một là do sức cạnh tranh của khu này đã giảm, các quán thịt chó mở ra nhiều nơi chứ không tập trung trên đê Nhật Tân như trước, góp phần phân tán thực khách. Hai, Hà Nội quy hoạch lại khu vực này, mở đường sá rộng đẹp, đất ven đê sốt giá bừng bừng nên hầu hết nhà có đất đều bán đi, lấy vốn mở nghề khác nhàn nhã hơn.
Tuy vậy, hàng chục năm với nhiều đợt cao điểm tuyên truyền vận động không ăn thịt chó/mèo vẫn có kết quả nhất định.
Năm 2020, sau hai năm vận động không ăn thịt chó mèo (lần thứ n), Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết qua khảo sát có khoảng 30% quán kinh doanh thịt chó/mèo ngừng hoạt động. Nhưng vẫn có các tuyến phố chuyên kinh doanh thịt chó sau khi giảm lượng khách tạm thời thì đông đúc trở lại, hoạt động "ổn định và đi vào chiều sâu". Lý do vì sao thì như đã nói phần đầu: thực khách bảo do thích ăn thịt chó nên chưa thể dừng được.
Loại Bỏ, Nhưng Bằng Cách Nào?
Xem ra cuộc chiến thịt hay không thịt chó/mèo ở Việt Nam vẫn còn nhiều tập ở phía trước. Nhất là khi nó diễn ra theo kiểu phụ họa cho các chương trình được lên kế hoạch trong năm của các tổ chức bảo vệ động vật từ ngoại quốc chứ không xuất phát từ chính nhu cầu của người dân trong nước. Ôi tốt quá, năm nay có kinh phí cho việc chống thịt chó/mèo hở, thế chúng mình làm một loạt tuyên truyền nhé! Vâng anh em mình xúc tiến đi ạ, giải ngân được khoản này hai bên cùng vui, còn kết quả ra sao thì ai cũng biết, tác động vào ý thức là lâu dài lắm, lâu dài lắm….
Y hệt vô số chương trình rầm rộ khác đã từng, như giải cứu rác (phân loại rác có thể tái chế và không), tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, làm sạch sông ngòi và biển, chống rác thải nhựa….
Thôi chuyện cũ bỏ qua. Cứ cho là từ năm nay kiên quyết loại bỏ, để Hà Nội còn là điểm đến của du khách trong thiên niên kỷ mới. Nhưng loại bỏ cụ thể bằng cách nào?
Cấm hẳn thì sẽ có người phản đối với lý do không công bằng với người tiêu dùng cũng như với các loài động vật bị nuôi lấy thịt khác như cá, ốc, tôm, sò, gà, vịt, thỏ, ngỗng, dê, cừu…v.v.
Hay đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thêm điều kiện khó khăn cho người kinh doanh? Khi đó một mâm thịt chó sẽ tăng giá lên cao vút, có thể hạn chế được một phần thực khách.
Hay khoanh vùng nuôi, quy định cho một số cơ sở đủ điều kiện được phép nuôi và giết mổ chó trong khuôn khổ pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình nuôi-giết mổ an toàn?
Chưa thấy Hà Nội bàn cụ thể đến các giải pháp. Chỉ thấy hô hào loại bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét