Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NIỆM CỐ LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH, THÀY TÔI. - Thiện Ý


Nhận được tin buồn, luật sư Nguyễn Thành qua đời ngày 3-3-2022 tại Houston, Texas, tôi vô cùng xúc động, chỉ có đôi chút ngạc nhiên. Đôi chút ngạc nhiên, vì bao lâu nay tôi vẫn đinh ninh luật sư Nguyễn Thành, thày tôi, sống ở Miền Bắc California hay Florida.Nay mới biết vào những năm cuối đời, luật sư Nguyễn Thành đã về sống với gia đình Trưởng Nam Nguyễn Anh Tuấn ở Houston, Texas, cùng thành phố chúng tôi đang sống mà đã không hề hay biết. Là vì trong những năm gần đây, chúng tôi nhiều lần cố gắng liên lạc qua email hay gọi điện thoại cho luật sư Nguyễn Thành, nhưng đều không được trả lời. Hỏi bạn bè quen biết ai cũng nói không liên lạc được.
<!>
Tôi đoán có thể vì lý do sức khỏe, luật sư Nguyễn Thành không muốn liên lạc với ai chăng? Vì có lần luật sư Nguyễn Thành nói với tôi, sau ngày đến Houston dự Hội ngộ Mùa Xuân cựu sinh viên luật khoa Saigon toàn cầu năm 2010 , rằng “Tình trạng sức khỏe anh yếu lắm, đau đủ thứ bệnh”.

Mặc dầu sự ra đi của luật sư Nguyễn Thành là theo quy luật nhân sinh “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”; và giã từ cuộc đời ở tuổi thượng thọ 85, nhưng vẫn không tránh khỏi để lại nỗi buồn thương tiếc nhân thế đối với tang quyến và bạn hữu xa gần. Phần chúng tôi, thì vô cùng xúc động và bùi ngùi thương tiếc. Vì cố luật sư Nguyễn Thành, trước khi là đồng nghiệp luật sư, đã là Thày dậy Việt Văn khi tôi học lớp Đệ thất, niên học (1958-1959) trường Trung học công lập Ban Mê Thuột, tỉnh Dak-Lak, thuộc cao nguyên Trung phần Việt Nam.Và vì giữa Thày Thành và tôi dường như có nhiều đồng cảm trong nhiều lãnh vực sinh hoạt xã hội.

Vâng, năm ấy Trường công lập Banmêthuột khai giảng niên học đầu tiên (1958-1959) tai ngôi trường mới xây xong; mà các niên học trước đó phải học tạm ở một tòa nhà vốn là khách sạn Nicholas từ thời Pháp thuộc, nằm gần Biệt điện của vua Bảo Đại, ở trung tâm tỉnh lỵ Đak-Lak, thành phố Banmêthuột.Niên học này tôi mới thi đậu vào lớp Đệ thất ở tuổi 13 (1945-1958) và Thày Thành dạy môn Việt Văn ở tuổi 21 (1937-1958). Sau năm học này, tôi không còn thấy Thày dạy ở trường tôi nữa.Bẵng đi một thời gian khá lâu, sau đó tôi chỉ nghe nói Thày Thành di chuyển về Dalat dạy học, sau bị động viên học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, Khóa 16, ra trường được biệt phái về Bộ Giáo dục vừa đi dạy học vừa học luật...

Nhớ lại lúc đó, Thày Thành là một trong hai giáo sư trẻ ( giáo sư kia là thày Đặng Kim Quy,nay đang sống ở Bắc California thì phải?) được các bạn cùng lớp yêu mến đặc biệt và thường có tâm trạng mong chờ giờ học hàng tuần của hai thày. Là vì, theo tôi nghĩ, ngoài tính cách khả kính, khả ái của hai Thày, có lẽ do vào cuối giờ học, hai Thày thường dành ít phút cuối kể chuyện. Thày Thành thì hay kể chuyện văn học, lịch sử rất hấp dẫn. Thày Quy thì kể chuyện phim trinh thám, gián điệp, ly kỳ...rất lôi cuốn. Tôi nhớ nhất là chuyện phim trinh thám thày Quy kể, trong đó có bài “Que sera, sera...” và thày có dạy cho chúng tôi hát bài này lời Việt là “Biết ra sao ngày sau” mà nay tôi vẫn còn nhớ (1).Còn Thày Thành thì tôi nhớ nhất là chuyện “Phi Lạc sang Tàu” của Hổ Hữu Tường. Nếu tôi nhớ không lầm thì nội dung nói về sự khôn ngoan, tài ngoại giao khôn khéo rất đáng tự hào của một nhân vật lịch sử, dường như là Mạc Đỉnh Chi.Qua nội dung câu chuyện, cách kể chuyện khá lôi cuốn của Thày Thành, cùng với cách giảng dạy hăng say một số bài giảng văn có tính khơi động lòng yêu nước, lòng tự hào dân tôc. Tỷ như bài “Chàng thanh niên” trích đoạn trong tác phẩm “Bóng cờ trắng trong sương mù” của Lan Khai trong nhóm Tự lực Văn đoàn; nói về một chàng thanh niên đi làm cách mạng chống pháp ẩn náu ở miền sơn cước. Thấy bài hay mà Thày giảng cũng hay, nên tôi đã học thuộc lòng mà cho đến nay vẫn có thể viết lại được, dù cách nay đã 64 năm (1958-2022)(2) Chính vì thế tôi đã có một sự yêu mến đặc biệt với Thày, coi Thày Thành như một thần tượng. Khi đó ở tuổi 13, tôi mơ hồ thấy giữa mình và Thày Thành dường như có sự đồng cảm về hoài bão ước mơ và khuynh hướng hoạt động cho lý tưởng cao đẹp, như tự do, dân chủ, công bằng xã hội... Sự mơ hồ trong đầu tôi lúc đó,dường như đã đôi chút thể hiện trên thực tế sau này,khi nhớ lại một số họat động cụ thể tiêu biểu của Thày Nguyễn Văn Thành. Sau đây là một vài trong các hoạt động tiêu biểu đó:

- Một là, luật sư Nguyễn Thành đã ra ứng cử vào Hội đồng dân cử tỉnh Đà Lạt Tuyên Đức , với huy hiệu cải “Bắp xú”, đặc sản vườn rau Đà Lạt, nên nhiều người gọi biệt danh là “Thành bắp xú”.Khi đó nghị viên Nguyễn Thành đang là luật sư tập sự văn phòng luật sư Hoàng Cơ Long. Sau khi đắc cử, Nghị viên Thành phố Dalat tỉnh Tuyên Đức, nghị viên luật sư Nguyễn Thành đã được tín nhiệm trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng dân cử Đà Lạt-Tuyên Đức (1970-1975).Trong nhiệm vụ dân cử này, nghị viên luật sư Nguyễn Thành đã can đảm đấu tranh “chống tiêu cực, chống tham nhũng” nhằm vào một vài viên chức tham ô trong chính quyền tỉnh . Qua báo chí thời đó, tôi nhớ lại hình như nghị viên luật sư Nguyễn Thành đã bị những kẻ bị tố cáo dựa vào thế lực ngầm, phản đòn quyết liệt đến độ phải ngồi tù cả tháng mới được thả ra, nhờ áp lực của người dân, công luận báo chí và sự can thiệp của công lý.

Hai là sau 30-4-1975,theo lời kể của Nguyễn Tuấn,Trưởng nam, thì sau 9 năm bị đầy ải trong “Trại tù cải tạo VC” (1975-1984), về nhà một năm sau (1985) luật sư Nguyễn Thành đã được một học trò cũ tổ chức vượt biên cho đi miễn phí đem theo hai đứa con trai vượt biên bằng đường biển. Chuyến đi không may bị bắt ở cửa Rạch Láng, tỉnh Tiền giang. Trên xe tải chuyển về khám lớn của tỉnh, luật sư Thành đã cùng khoảng 90 người vượt biên khác, tấn công lực lượng áp tải. Cuộc đào thoát bất thành, hầu hết bị bắt lại, một số trúng đạn bị chết hay bị thương, trong số có luật sư Nguyễn Thành bị đạn bắn nát cánh tay trái và một viên đạn xước qua mặt, chạm thần kinh khiến ông mang thương tật hơi méo miệng sau này.Ông bị cưa mất một tay. Nhưng sau 2 năm ngồi tù vì tội vượt biên, được thả về thì luật sư Thành lại một mình dẫn theo 5 đứa con nhỏ tiếp tục vượt biên bằng đường bộ xuyên qua đất Kampuchia, đến được Thái Lan. Nhờ vận động giúp đỡ của bạn bè ở Mỹ, luật sư Nguyễn Thành được nhập cảnh vào Mỹ rất nhanh (1990); để rồi sau đó làm hồ sơ bảo lãnh cho hiền thê và hai đứa con còn kẹt lại Việt Nam, trong đó có trưởng nam Nguyễn Anh Tuấn. Nhưng điều không may là khi chưa kịp đi đoàn tụ với chồng và năm đứa con tại Hòa Kỳ, hiền thê của luật sư Nguyễn Thành đã qua đời vì bạo bệnh, khiến hai đứa con bảo lãnh theo mẹ đã phải chuyển diện bảo lãnh, để rồi phải chờ đợi thêm thời gian, đến năm 2005 hai đứa con còn lại này , trong đó có trưởng nam Nguyễn Tuấn,mới được đoàn tụ với cha và các em...

- Ba là dù chưa ổn định cuộc sống gia đình và mặc dầu đã mất một cánh tay do đạn của VC, nhưng luật sư Nguyễn Thành đã nhanh chóng tham gia tích cực vào các hoạt động đấu tranh chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, mà khối người Việt Quốc Gia đã và đang theo đuổi từ nhiều thập niên qua. Một số hoạt động đấu tranh tiêu biểu được nhiều người biết đến như,(1)Thành viên Hội đồng nghiên cứu công pháp quốc tế về chủ quyền Trường sa và Hoàng sa tại Hoa Kỳ (1990-2018), (2) Tổng Thư ký Hội Luật sư Việt Nam tại California, (3) Thành viên Ủy Ban Pháp Lý bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam…

Sau khi gặp lại luật sư Nguyễn Thành, thày tôi, tại hải ngoại, Thày trò chúng tôi có đôi lần cùng hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cho Quê Mẹ Việt Nam. Cụ thể điển hình (1) là luật sư Nguyễn Thành trong vai trò Trưởng Ủy Ban đã cùng chúng tôi và một số anh em cựu sinh viên luật khoa soạn thảo “Tuyên ngôn Mùa Xuân Luật khoa 2010” công bố nhân cuộc Hội ngô Mùa xuân cựu sinh viên luật khoa toàn cầu 2010 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. (2) Khoảng một năm sau đó (2011) thày trò chúng tôi đã được mời cùng thuyết trình trong một cuộc hội luận tổ chức ở Orange County, Nam California về một chủ đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và âm mưu cắt đất nhượng biển đảo của nhà cầm quyền Việt cộng cho Tàu cộng...

Giờ đây, luật sư Nguyễn Thành, thày tôi đã không còn hiện hữu trên thế gian này nữa.Tang quyến và thân bằng, quyến thuộc đã vĩnh viễn mất đi cốt nhục thâm sâu. Các đồng môn Trung học, Đại học, các đồng nghiệp giáo sư, luật sư và bạn hữu, chiên hữu xa gần đã vĩnh viễn không còn được gặp lại cố giáo sư Nguyễn Văn Thành, cố luật sư Nguyễn Thành nữa. Thế nhưng, bằng tất cả những gì tốt đẹp cho bản thân, gia đình, xã hội và Quê hương Việt Nam, mà cố luật sư Nguyên Thành đã làm trong 85 sống trên cuộc đời; có lẽ tất cả chúng ta đều có chung một niềm tin và hy vọng, rằng giờ đây Luật sư Nguyễn Thành, thánh danh Giuse đã và đang được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi Nước Trời, là Quê thật đời đời, theo niềm tin và đời sống chứng nhân theo niềm tin tôn giáo của mình.

Kính cẩn, nghiêng mình chào tạm biệt luật sư Giuse Nguyễn Văn Thành, một người Thày khả kính, một đồng nghiệp thân thương, một chiến hữu nhiệt thành,với hy vọng được gặp lại nhau nơi thế giới viên mãn vốn giành cho nhưng người hiền như Anh.Ở đó không còn chiến tranh hận thù, chỉ có hòa bình và yêu thương.

Houston, ngày 9-3-2022

Thiên Ý Nguyễn Văn Thắng
(1)”Que sera, sera” lời Việt tôi còn nhớ như sau:

“Ngày em còn thơ, thường hay mộng mơ,
Thương hay hỏi má em, má ơi ngày sau
Con sẽ thắm tơ duyên và vui sướng hơn
Thì má khẽ khuyên bảo rằng
Biết ra sao ngày sau
Đời luyến lưu vui cười khổ đau
Là sắc duyên, còn lắm bể dâu
Nào ai biết ngày sau…Que sera…sera….

(2) Bài giảng văn đầu tiên năm học Đệ thất (1958-1959) mà giáo sư Nuyễn Văn Thành đã giảng dạy một cách hăng say, cách nay 64 năm. xin chép lại theo trí nhớ để tưởng niệm Thày Thành.

CHÀNG THANH NIÊN.

Ánh sáng tỏa ra rực rỡ khiến ta có thể nhận dược người đàn ông nọ là môt chàng thanh niên tuổi mới ngót ba mươi. Gương mặt chàng kém tươi và nghiêm nghị, Hai má chàng hơi gây để lộ hai gò má cao. Cặp môi dày và đỏ thắm thường mím chặt. Hai mắt mơ màng thỉnh thoảng lòe ra những tia sáng long lanh. Vóc người chàng cao lớn, khỏe mạnh và toàn thể có một vẻ đẹp oai hung…

Chành trẻ tuổi im lặng giờ lâu, hai mắt đăm đăm nhìn ngọn bếp như như muốn bới trong đám tàn lửa một ý nghĩ gì thỏa đáng. Gần xa chung quanh hết thảy đều im lặng, trừ tiếng nước lần dò nhỏ giọt đều đặn và buồn.(Ống nước nhỏ giọt đếm thời gian của người sơn cước)

Thấy chàng úc nào cũng có vẻ buồn kín đáo. Người ta bèn đoán anh là người thất vọng vì tình. Lại thấy chàng hay mặc chiếc áo trấn thủ màu tam giang, người ta bèn gán cho chàng cái tên là chàng áo ngắn…

Chảng trẻ tuổi mỉm cười nhận lấy cái danh từ ngộ nghĩnh ấy và lẳng lặng lui về nhà sống âm thầm với hưu quạnh, với một người đầy tớ cũng ít nói như chàng…(Đi làm cách mạng kiểu tư sản của người quốc gia,vẫn đem theo người đầy tớ, khác cách mạng vô sản của người CS. Phải chăng là một trong những yếu tố làm số đông các đảng phái quốc gia đã thua số ít Việt cộng thời chống Pháp ?)

(Trích “Bóng Cờ Trắng Trong Sương Mù” của Lan Khai )

Không có nhận xét nào: