Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

ĐỂ TẬP LÀM NGƯỜI - bút ký của Phan Nhật Nam -


Chiều hôm nay là mồng 5 Tết, rời bỏ được Saigon với khí hậu nóng như thiêu đốt không gây nổi một ý niệm về mùa xuân, thành phố đang sôi sục xuống đường, biểu tình đảo chánh, thật dễ chịu như thoát khỏi nơi chốn ngục tù. Máy bay xuống phi trường Vũng Tàu trong ánh nắng dịu dàng của đầu xuân và bên kia là biển… Bao lâu rồi mới thấy lại cây dương liễu, cát trắng và mùi gió biển. Sao những vật này cứ ám ảnh tôi hoài như kỷ niệm của mối tình thời mới lớn. Tối giao thừa vừa qua là một đêm giao thừa hạnh phúc nhất kể từ bảy năm nay: Bảy năm với bẩy giao thừa khốn nạn, thê lương và buồn tủi xót xa…
<!>
Giao thừa của đêm khuya gió lạnh trên đèo Hải Vân mây phủ kín lưng đèo và tôi co quắp trong một khoang xe vận tải dơ dáy, chết máy nằm cạnh sườn núi với cô đơn của một kẻ không nhà. Bẩy giao thừa qua chém trong tôi những lát dao để gây nhức nhối, suốt đời nhớ mãi, nhớ hoài như một vết chàm khắc lịm vào xương. Nhưng giao thừa rồi thật đầy đủ, bạn bè, em gái tôi và tình yêu của một cô gái nhỏ, bánh mứt, tiếng cười giọng nói vang đầy căn phòng trọ. Cám ơn tất cả, tôi đi đây bỏ lại 5 ngày ứng chiến tại Saigon. Tôi mang hết cả niềm vui của một đêm giao thừa hạnh phúc theo suốt một mùa xuân.

4 giờ sáng, quân xuất phát từ Phù Mỹ tiến vào mật khu Hắc Dịch. Trung-đội tôi dẫn đầu Đại-đội. Đại-đội dẫn đầu Tiểu-đoàn. Lính càu nhàu:

– Trung-đội từ ngày có mặt Thiếu úy về đến bây giờ cứ phải đi đầu hoài !

– Tao muốn thế đâu, đi dầu ngán thấy mẹ chứ thích quái gì, nhưng gắng đi mấy cha…


Rừng già, đi không khó, quân tiến nhanh như đi trên khoảng trống. Trước mặt chúng tôi 2 Tiểu-đoàn 5 và 6 Nhảy Dù đang được trực thăng vận để kìm Việt Cộng lại. Chúng tôi có nhiệm vụ làm thành phần chận bít, không cho VC chạy thoát ra hướng quốc lộ 15. Mặt trời lên cao, rừng bắt đầu nóng, lớp cỏ tranh bị cháy rải tro lên dày mặt đất, bước chân người lính đi quậy lên những lớp bụi đen nghịt, mồ hôi chảy đầm đìa dính theo từ lớp tro lem luốc và ngứa ngáy không chịu được.

– Anh cố coi thử có con suối nào không ? – Đại-đội trưởng liên lạc trong máy ra lệnh tôi…

– Bản đồ tôi loại 1/100.000 nhỏ quá chẳng thấy có con suối nào cả, địa thế cũng không có vết suối.

– Bảo mấy thằng con giữ nước coi chừng kẹt nước…

Đến chiều cả Tiểu-đoàn kiệt sức. Nước không có, phải di chuyển gần 10 cây số đường rừng, lính bải hoải tưởng như xô nhẹ cũng đủ ngã. Lệnh cho đóng quân đêm. Chẳng cần làm lều, bố trí Trung-đội xong tôi nằm vật xuống đất, mệt, đói và khát nước đến muốn ngất. Có chút cơm nắm mang theo nhưng không dám ăn vì không có nước, bi-đông còn một ít nước, tôi uống từng ngụm nhỏ chỉ vừa đủ ướt môi. Bên kia, 2 Tiểu-đoàn 5 và 6 đụng địch, chúng tôi nghe rõ tiếng súng nổ từng hồi, súng của ta lẫn VC, trực thăng võ trang được gọi đến, tiếng động cơ cùng tiếng súng vang đầy một khung trời.

– Thiếu úy, ăn cơm không ? – Thái, thằng bé theo làm cho tôi, chìa một lon cơm nóng…

– Ở đâu mày có được ?

– Em nấu buổi chiều, lấy nước từ rễ cây.

Tôi nhai từng miếng cơm nhỏ sợ tan biến thật nhanh ở trong mồm..

– Liệu VC có đánh vào Tiểu-đoàn mình không Thiếu úy ?

– Nó đánh mình mới có hy vọng rút ra được, nếu không cứ nằm thế này thì chết khát.

– Em cũng nghĩ như vậy…

Đêm mùa khô, trời đầy sao. Sau khi có mấy muỗng cơm nóng với ngụm nước nhỏ tôi tỉnh cả người, đốt điếu thuốc gối đầu vào nón sắt ghé tai vào máy truyền tin xem chừng với các toán phục kích… Bên phía hai Tiểu-đoàn bạn trận đánh mỗi lúc một ác liệt, chưa bao giờ tôi thấy gunship đánh trận đêm nhiều đến như thế.

Quân rút ra đi như một lũ ma đói, 2 ngày, 2 đêm thiếu nước và mất ngủ, mọi người phờ phạc trông thấy. Trung-đội tôi đáng lẽ dẫn đầu trở ra lại phải đi chót Tiểu-đoàn. Đại-đội 73 đi đầu, Trung-đội của Toàn vừa đi được 20 thước đạp một trái lựu đạn – 2 chết, 2 bị thương… Mấy thằng lính của Trung-đội tôi cười như mếu – May quá, mình đi đầu là chết rồi! Tôi cũng nhủ thầm mình có số mạng…

Người trước đi, tôi đi theo chẳng cần đội hình ý tứ gì nữa, hai ngày vừa qua có được 4 muỗng cơm, người tôi không còn một sức lực nào nữa… Tôi dặn lình:

– Tụi mày cứ theo Trung-đội trước mà đi sát vào nhau đừng để lạc…

Đầu gục xuống, súng vác trên vai, tôi thở không những bằng mũi mà cả bằng chiếc mồm há thật lớn, chiếc lưỡi căng phồng nhức nhối và đôi môi khô không còn chút cảm giác. Tro rừng, đất bụi bám đầy cả mặt mũi, bay đầy cả vào mồm, không còn tí nước bọt nào để nhổ ra, tôi đưa tay vào mồm chà trên lưỡi từng tảng tro đen ! Quốc lộ 15 đây rồi, có thửa ruộng nhỏ bên đường, tôi úp chiếc mặt vào dòng nước đục ngầu phủ một lớp bùn non… Uống! Uống ! như một loài thú hoang trên sa mạc… Ngày hôm nay mới mồng tám Tết.

Về đóng quân ở quận Đất Đỏ, trong vườn cây măng cụt xanh tươi bóng mát. Tôi căng võng đọc sách, cho lính đi mua gà về nhậu với rượu đế, ngà ngà say suốt ngày. Nắng như thêu hoa trên áo, những ngày thật bình yên. Nhưng đêm thì thao thức không ngủ được, những hôm trời trăng sáng đem lính đi phục kích nằm trong rừng tiêu, cây tiêu dưới bóng trăng lạnh trông như những bóng người, vẻ đẹp của khu vườn chứa đầy bí ẩn kinh dị… Chim heo bay qua kêu từng tiếng thật ai oán và tôi nhớ em, tình yêu đã mất. Ôi tôi đã xa em từ tháng 7 năm 1964 đến giờ – Xa em quá lâu rồi đấy hở ? Sao lòng tôi vẫn thao thức nhớ thương đến độ điên cuồng... Cả ngàn đời em cũng không biết được tình yêu đó.

Ngày 19 tháng 2 – 1 giờ sáng. Tiểu-đoàn nhận lệnh trở về Sàigòn, cho lính lên xe trong đêm tối, lính yên lặng không kinh ngạc, có quái gì đâu, những trò hề này chúng tôi đã quá quen ! Đảo-chánh, chỉnh lý hay cái gì đi nữa cũng chỉ vậy thôi, chúng tôi vô can, đứng ngoài.

– Đ.M… về Sài Gòn lại đứng đường, gác chợ nữa như thằng ăn mày.

Tiếng chửi thề rơi vào im lặng, mọi người còn ngái ngủ. 6 giờ sáng vượt cầu Phan Thanh Giản, xuống xe quân tiến vào Đài Phát Thanh. Đại-đội tôi có nhiệm vụ dẫn đầu… À, chuyến này tôi làm “cách-mạng” thực sự rồi – những chiến sĩ can trường đã đánh bật quân phiến loạn ra khỏi đài phát thanh trong buổi sáng hôm nay! Mẹ đời, coi chừng Đài Phát Thanh lại gọi đích danh tôi để ca ngợi không chừng… Tiến vô, thôi đánh trong thành phố với người anh em một lần cho biết. Trung-đội tôi chạy luồn vào con đường nhỏ để đâm ra đường Phan Đình Phùng… Đến ngã ba, nơi rẽ tay trái là Đài Phát Thanh, hai tên khinh binh chạy đằng trước tôi thối lui lại… Thiết giáp ! Thiết giáp ! Thiếu úy khoan ra đã…

– Tao đâu có ngu, đạn 121y7 đụng vào là hết chữa, chết cái này lãng xẹt, đếch có tuyên dương công trạng được.

Tôi báo cáo với Đại-đội Trưởng tình hình rồi xin mượn khẩu SKZ 57 ly. Tôi hỏi ông ta:

– Bây giờ tôi khai hỏa xông thẳng vào Đài Phát Thanh hay sao ?

– Bậy! Bậy! chết bây giờ, xông con c… đợi đó để tôi hỏi ý kiến Tiểu-đoàn…

Lệnh cuối cùng: Không được khai hỏa trước, chỉ sẵn sàng tìm cách vào Đài Phát Thanh và chiếm mấy cái xe thiết giáp một cách yên thắm…

Làm sao làm như vậy được ? Xe nó bằng sắt chứ phải bằng giấy đâu mà tôi lấy khơi khơi ! Tôi phản đối với Đại-đội Trưởng. Tôi không biết lệnh trên người ta kêu xuống như vậy! Tôi chửi thề với mấy thằng lính…

– Đ.M… muốn đảo chánh thì tới đây mà chiếm Đài Phát Thanh, mắc mớ gì kéo tụi mình vào.


Tôi bò sát chân tường liếc về phía Đài Phát Thanh để quan sát: 2 chiếc thiết giáp đậu im lim chỉ súng về phía chúng tôi một cách đáng ngại, cửa các pháo tháp đóng kín chứng tỏ người ở trong đó đang sẵn sàng… Những cửa sổ trên lầu Đài Phát Thanh lấp ló họng súng và những chiếc áo xanh của lính bộ binh… Tôi bò lui báo cáo với Đại-đội:

– Lên không được! Cả tiểu đoàn có lên cũng chết nữa chứ đừng nói một trung đội tôi…

– Anh cố làm sao vào trong đài đi!

Tôi mở máy phân bua với mấy thằng lính:

– Đại úy bảo gắng vào đài. Thằng nào muốn làm ca sĩ thì thử liều đi!

Mấy tên lính lắc đầu cười méo mó…

Tôi bò ra ngã ba một lần nữa; bây giờ cửa của hai chiếc tháp đã mở, mấy anh lính thiết giáp leo lên ngồi im lìm… Tôi bớt ngại; tháo chiếc khăn đỏ ở cổ ra phất phất mấy cái, mấy anh lính bộ binh từ trên đài đưa tay phất lại… Lính thiết giáp thì thầm hỏi ý kiến nhau. Tôi lấy tay chỉ vào người tỏ ý muốn vào đài; mấy anh thiết giáp gật đầu. Tôi chỉ vào chiếc xe và lấy tay đánh vào đầu tỏ ý sợ bị bắn, mấy anh trên xe cười rộ ngoắt tôi vào.

Xong tôi đứng dậy đi về phía mấy chiếc xe, mồm cười thật tươi.

– Sao không có gì chứ bạn ? – tôi hỏi mấy người lính ngồi ở pháo tháp.

– Có mẹ gì đâu, tự nhiên bắt giữ Đài Phát Thanh thì giữ chứ biết gi?

Tôi ngoắc tay ra dấu cho Trung-đội tôi chạy vào đài, lính vừa chạy vừa kháo chuyện cứ y như trẻ con chạy đua.. Lúc tôi vào đến trong đài, lính của tôi và lính bộ binh đang ngồi nói chuyện với nhau; mấy thằng lính rờ vào lớp giấy chống tiếng động từ phòng ghi âm tò mò một cách khôi hài, có đứa dựng nắp chiếc piano lên. Đánh như điên…

– Cái phòng này để tụi ca sĩ hát ra-dô đây mày… Mày hát cải lương tao coi chơi.

Lính đùa như phá. Bên phòng kia, một anh đang ngồi viết bản tin mới nhất chắc thế nào cũng có câu: «Quân cách mạng đã chiếm lại Đài Phát Thanh…»

Tôi đi vào tiệm phở ở trước cửa đài, có mấy anh lính thiết giáp ngồi ăn ở trong đó, chúng tôi cười với nhau.

– Vừa rồi tôi cứ sợ các bạn bắn tôi chứ.

– Bắn ông làm quái gì ? Đang đi hành quân bỗng nhiên được lệnh về giữ Đài Phát Thanh chứ biết khỉ gì đâu.

– Các ông ở đâu đến ?

– Dưới Mỹ Tho..

– Tôi cũng vừa ở Bà Rịa về, chẳng ra con mẹ gì cả ?

– Ừ! – Người lính thiết giáp ghếch đôi giầy đầy bùn lên mặt ghế đánh rầm.

Tôi bước chân ra khỏi quán phở nói nhỏ với thằng lính:

– Ở đây hình như có chỗ chơi bời ? Mày kiếm thử xem.

Thấy thấp thoáng trước thềm đài một lô sĩ quan cao cấp đang đứng nói chuyện hân hoan…

Đột nhiên tất cả những ồn ào lắng xuống, tôi như bao cứng bởi một nỗi buồn rầu, giận dỗi vô danh – Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, nào ai biết được ? Sĩ quan trẻ đầy tương lai!

Phan Nhật Nam
Sài Gòn – Tháng 2-1965

Không có nhận xét nào: