Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Thuận An: Nén hương tháng Ba - Phạm Cang


Ngày 27/3/1975 : Sáng hôm nay 40 năm về trước, ngày chấm dứt cuộc đời binh nghiệp, bắt đầu cuộc sống tù đày của toàn bộ quân nhân LĐ147. (Tiêp theo ngày 25/3/75) 8 giờ sáng hôm sau một LCM vào đón thương binh và BCH/LĐ. Đêm qua địch đã vượt phá Tam Giang tăng cường quân số quyết tấn công LĐ 147 và ngăn không cho xuống tàu . Khi chiếc tàu đầu tiên bất ngờ vào bốc được quân thì địch sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt và 12.7 tác xạ vào điểm tập trung chờ tàu, chiếc LCM bị trúng hỏa tiễn, hình như ĐT LĐT bị thương nhẹ. Hải quân định cho thêm tàu vào bãi bốc nhưng giờ này hỏa lực địch rất mạnh cho nên LĐ không thể thực hiện kế hoạch rút quân.
<!>

Nếu đêm qua kế hoạch Alpha được thi hành thì ít nhất một nửa LĐ có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì lý do gì không thực hiện được?

Từ lúc này, 26/3/75, tôi được ĐT /TLP chỉ định xử lý thường vụ LĐT/LĐ147 để điều động các TĐ 3, 4, 5, 7 và TĐ2 PB. Khoảng 10 giờ Hải quân cho biết sẽ có LCM vào đón. Tôi đề nghị tàu sẽ cặp bến phía Bắc chúng tôi một cây số nhằm tránh địch pháo kích và tấn công. Tôi gọi TĐ4/TQLC của T/T Thành di chuyển lên tàu (như thứ tự đã ấn định) nhưng không liên lạc được và do đó TĐ3 của T/T Sử nhận lệnh này. Khi chiếc LCM cặp bến, không những chỉ có một số TĐ4 và TĐ3 mà còn quân nhân nhiều đơn vị khác nữa tranh giành nhau để lên tàu gây ra cảnh xô xác hỗn loạn. Với số lượng người quá nhiều chiếc tàu quá tải không thể di chuyển được và bị mắc cạn. Vị chỉ huy tàu yêu cầu xuống bớt mới có thể ra khơi. Nhưng ai là người chịu bước xuống bờ khi biết đây là chiếc phao cuối cùng để giữ mạng sống cho mình? Việc dằng co này đã gây ra đổ máu vì lòng ích kỷ. Vị chỉ huy tàu gọi tàu khác vô kéo nhưng càng lúc tàu càng lún sâu trong cát không thể cứu vãn được. Trong cơn tuyệt vọng của các quân nhân trên tàu, một số đã tự sát gây thêm cảnh chết chóc cho người chung quanh.

TĐ3 trở lại vị trí củ để chờ đợi.

Tôi gọi ĐT /TLP hỏi phải làm gì? Ông cho biết đợi và sẽ có tàu đón.

Trong cơn nắng trưa trên bãi cát cả LĐ không nước uống, chỉ nhai gạo sấy và đợi chờ.

Địch giờ này chỉ pháo cầm chừng, chúng cố ngăn không cho tàu vào.

Khoảng 2 giờ chiều Trung tướng Lâm Quang Thi bay trực thăng ngoài biển khơi ông hỏi tôi quân số dưới đất còn bao nhiêu. Tôi cho biết ngoài 5 TĐ TQLC còn có các đơn vị bạn đi theo tổng số gần 3000 người. Ông nói sẽ có tàu lớn vào đón.

4 giờ chiều ĐT TLP gọi và cho tôi biết không còn con tàu nào nữa, chúng tôi phải tự lo liệu, và ông từ giã chúng tôi để rời hải phận Thừa Thiên vào Đà Nẳng.

Tôi tự hỏi “Mình đã bị bỏ rơi hay sao?” Chưa tuyệt vọng, tôi liên lạc với Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm TĐT/TĐ16/TQLC đang đóng trên đèo Hải Vân. Tại đây tôi gặp Thiếu Tá Nguyễn quang Đan, anh là tùy viên quân sự của Tư lệnh Sư Đoàn, đang ở tại trạm liên lạc giữa các đơn vị TQLC Huế và BTL tại Đà Nẳng. Tôi cho Đan biết tình hình và hỏi có lệnh gì của Lạng Sơn (Tư lệnh). Đan lập lại câu hỏi của tôi. Từ đầu máy bên kia, tôi nghe được, nhưng Tư lệnh không nghe tôi, ông nói (nguyên văn) ”Tình hình trong này rất lộn xộn, Cam Ranh cho con cái di chuyển càng về phía Nam càng tốt, hoặc dùng những sampans, (ghe: tiếng Pháp) ra biển về Nam, Sư đoàn không thể làm gì được”. Lúc này tôi lặng người, thật sự chúng tôi đã bị bỏ rơi. Các anh em binh sĩ chung quanh đang nhìn thái độ của tôi để đoán nội dung câu chuyện.

Tôi quay qua liên lạc với T/T Lãm và hỏi ông vị trí đóng quân của TĐ 16. Nhìn bản đồ Đ/U Việt, Ban 3 mơí ráp ngày hôm qua, những chấm đen đóng quân của TĐ 16 xa tắp. Làm sao có thể đến cửa Tư Hiền? Làm sao có thể lội qua cửa sông này trong khi con nước rằm rất lớn? Và sau đó làm sao có thể vượt gần trăm cây số đường núi để bắt tay với TĐ16?

Tôi liên tưởng đến những ngày quân đội Đồng Minh bị Đức phản công và bị vây tại thung lũng Ardene, nhiều đơn vị bị xé tan, nhưng một Trung đoàn của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tác chiến sau khi ẩn nấp vào vùng nuí đồi. Còn LĐ 147, trước mặt là biển đông, sau lưng là phá Tam Giang, giữa là giải cát dài không thể che dấu. Có thể làm được gì đây?

Đã 6 giờ chiều, phải quyết định thật gấp dù rất mỏng manh_ cứ tiến về Nam.

Tôi mời các TĐT đến họp: Thiếu Tá Võ đằng Phương TĐT/TĐ2/PB, Thiếu Tá Nguyễn văn Sử TĐT/TĐ3, Thiếu Tá Phạm văn Tiền TĐT/TĐ5, Thiếu Tá Lê Quang Liễn và tôi. Riêng Thiếu Tá Đinh Long Thành TĐT/TĐ4 từ sáng đến giờ không liên lạc được.

Tôi cho biết tình hình và đưa ra 3 giải pháp:

· Đầu hàng địch

· Tuyên bố giải tán đơn vị.

· Đánh và di chuyển về phía Nam.

Lẽ dĩ nhiên không ai chấp thuận 2 giải pháp trên, chỉ còn lại giải pháp cuối cùng. Đơn vị nào sẽ mở đường. TĐ 7 vẫn là đơn vị tương đối còn khả năng tác chiến. Tôi nói TĐ7 sẽ mở đường dọc theo bờ biển, mỗi khi gặp địch tác xạ và tiến về phía trước. Xuất phát lúc 10 giờ.

Chưa đúng hẳn 10 giờ các đơn vị đã lên đường, ào về phía Nam, gặp nút chặn của địch quân ta tác xạ tối đa và vượt nhanh về phía trước. Không còn đội hình gì nữa hàng ngang 10, 20 dựa theo địa thế có thể tránh được đạn từ cồn cát cao bắn xuống.

Rất vất vả di chuyển trên cát với đôi giày trận, phần đông anh em binh sĩ đã lột bỏ xuống biển để đi cho nhanh.

Đêm trăng sáng vằng vặc, sóng to gào thét, chúng tôi di chuyển âm thầm dọc bờ biển dài không biết phía trước sẽ gặp gì và có đạt được mong muốn hay không. Nhưng cứ đi, dù ai không muốn đi cũng không được bởi vì sức cuốn hút của dòng người.

Tôi không nhớ mình đã đi được bao lâu và có cảm giác như mộng du, bởi vì điều xảy ra hôm nay chưa từng nghĩ đến trong đời quân nhân.

Khoảng 3 giờ sáng, nhiều toán quân đi trước đội ngược lại. Một quân nhân nói với tôi ”Thiếu tá, việt cộng chận đằng trước, nhiều anh em đã bị bắt”

Cho đến lúc này khả năng chiến đấu là số không. Đạn dược đã hết, một số lớn súng đã ném xuống biển vì vô tích sự. Tôi hỏi Liễn ”làm sao đây?” Liễn đề nghị dùng ghe của dân ra biển. Tôi nói không cách nào ra khơi với những chiếc ghe nhỏ và không mái chèo. Tôi đề nghị ”Rẽ vô Phá Tam Giang tìm thuyền ra cửa Tư Hiền”. Tất cả đồng ý.

Tôi rẽ đi với một nhóm nhỏ gần 10 người. Kể từ giờ này mạnh ai người ấy lo cho thân mình.

Sáng hôm sau, 27/3/1975, chúng tôi bị bắt và tập trung về một trường học thuộc quận Hương Thủy. Ở đây tôi gặp lại gần như toàn bộ LĐ147.

Tôi không có ý định viết lại những kỷ niệm đau buồn này, nhưng đã nhiều năm qua nỗi uẩn khúc luôn luôn dằn vặt tâm hồn mình. TĐ7 nói riêng và LĐ147 nói chung đã tan nát trong hoàn cảnh vô cùng tức tưởi mà cho đến nay một vài anh em nằm xuống nhưng vẫn chưa giải tỏa được.
Xin thành kính tưởng nhớ các chiến hữu LĐ147 và thân nhân đã bỏ mình tại Thuận An tháng 3/75.

Thiếu Tá Phạm Cang

Không có nhận xét nào: