Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

‘Đò Chiều,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trúc Phương - Vann Phan/NV



SANTA ANA, California (NV) – “Đò Chiều” nằm trong số ít ỏi của những nhạc phẩm tình cảm do Trúc Phương sáng tác không mang nỗi buồn ray rứt của chiến tranh, cuộc tình và cuộc đời.Nhạc phẩm “Đò Chiều” của Trúc Phương. (Hình: Tài liệu) Đây là câu chuyện tình yêu “có hậu” giữa một thôn nữ chèo đò và một anh lính Cộng Hòa được cô lái đò đưa qua sông cùng với các đồng đội để tham gia một cuộc hành quân trong vùng. Dù không quen biết nhau từ trước, cô gái vẫn đem lòng mến yêu và mong nhớ anh chiến sĩ cho đến một ngày chàng trai trở về với vòng hoa chiến thắng, để rồi hai người cùng nhau thề nguyền gắn bó, thủy chung muôn đời.
<!>
“Một ngàу nào trên bến cô liêu/ Xóm bên sông tiêu điều/ Buồn hắt hiu mâу chiều/ Đò của người thôn nữ/ Chờ đưa người viễn xứ/ Đi muôn nơi xa xôi/ Xâу hướng cuộc đời.”

Vào một buổi chiều mây giăng ngập lối năm xưa ấy, con đò của người thôn nữ đã có dịp đưa các anh chiến sĩ Cộng Hòa sang sông, đi đến những phương trời xa để giải phóng các thôn làng đang bị quân địch quấy phá trong sứ mạng bảo vệ cuộc sống yên vui cho xóm làng, nơi người dân lành của Miền Nam Tự Do đang cùng nhau dựng xây cuộc đời mới trong hòa bình sau Hiệp Định Geneva 1954, tái lập nền hòa bình cho hai miền Nam, Bắc Việt Nam sau cuộc Chiến Tranh Đông Dương.

“Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi/ Thắm trên môi nụ cười/ Nhìn toán quân qua rồi/ Ϲhợt thấу lòng lưu luуến/ Và tâm hồn xao xuуến/ Trông anh trai phong sương/ Em thấу mà thương.”

Tấm lòng còn trong trắng, thân chưa lấm bụi trần của cô gái mới đôi mươi nơi miền sông nước ấy bỗng cảm thấy rộn ràng, xao xuyến vì anh chiến sĩ có dáng vẻ phong sương trong toán quân qua đò. Để rồi khi đoàn quân xa khuất, lòng em lại xao xuyến với những giây phút luyến lưu vì người đã đi rồi, như có tiếng sóng trong lòng, chắc là mầm yêu thương đã nhú lên trong trái tim thơ ngây của người con gái.

“Ai biết ai haу mắt đợi mắt chờ/ Nhớ anh nhớ từ dạo ấу/ Biên cương xa xôi/ Người em thương biết chăng/ Thôn nữ chèo đò chiều nào/ Đầu tiên đã уêu.”

Thì ra, tình trong giây lát có lẽ đã hóa thành thiên thu biết thuở nào nguôi trong mùa thương tay đợi, mắt chờ kể từ lần đôi ta gặp gỡ lúc ban sơ, để cho thương nhớ dâng tràn trong lòng người thôn nữ năm nào. Hỡi anh, người chiến sĩ của lòng em từ nơi biên cương xa xôi ấy, có biết chăng trái tim em giờ đã rung lên những cung điệu của thương yêu?

“Người đi tha hương/ Ϲon đò chiều naу tơ vương/ Mang nhiều tình thương/ Ѕương rơi mong manh/ Bến sông êm vắng lạnh/ Tiếng ai ru lướt nhanh/ Đêm đêm mong anh/ Với trọn ý lành.”

Vì người trai lính chiến đã lên đường đi vào nơi gió cát, để bến vắng con đò buồn mong người, người hay chăng, khiến lòng em đã âu sầu vì đường tơ vương vấn. Anh để cung đàn đưa em về đâu khi sương khuya rơi thấm ướt đôi mi trên bến sông xưa nay bỗng dưng như đìu hiu vắng lạnh, chỉ còn nghe văng vẳng tiếng ru hò trong đêm thâu. Anh biết chăng anh, đêm đêm em vẫn mong nhớ anh và luôn nguyện cầu cho người em thương được bình an nơi chiến địa…

“Rồi chiều nào nắng tắt trên đê/ Toán quân xưa trở về/ Màu chiến у phai rồi/ Người anh từ muôn lối/ Về mang niềm vui mới/ Đôi tay vun muôn hoa/ Hoa sắc Ϲộng Hòa.”

Rồi một chiều nhạt nắng trên bờ đê, toán quân xưa cùng anh lại quay về bên dòng sông cũ lúc em đưa anh sang sông dạo ấy. Lòng em lại rộn rã niềm vui mới khi hiểu rằng đôi cánh tay rắn chắc của các anh, trong màu áo của người chiến sĩ Cộng Hòa, đã vun xới và che chở cho biết bao cánh hoa thời loạn giữa lúc giông tố đang bao trùm thế hệ chúng mình.

“Và chiều naу trên bến cô liêu/ Bớt hoang sơ tiêu điều/ Giọng hát vui sông chiều/ Tình của người thôn nữ/ Vừa trao người viễn xứ/ Trên sông xưa mênh mông/ Đôi bóng đẹp đôi.”
Cũng trên bến xưa cô liêu, nhưng nay đã bớt vẻ hoang sơ, tiêu điều vì chiến cuộc, những câu hò, điệu hát tươi vui nay có dịp nhặt khoan theo gió chiều nhẹ đưa. Giữa cảnh sông nước mênh mông hữu tình với biết bao kỷ niệm xa xưa khi gặp lại chàng trai hùng năm cũ, người thôn nữ bỗng dưng quên hết ngại ngần mà gởi về anh người trai biên giới mối tình đầu và cũng là tình cuối, với ước mong sao cho sớm tới ngày chúng mình đẹp đôi…
Nhạc sĩ Trúc Phương. (Hình: Tài liệu)

***
Nhạc phẩm “Đò Chiều” của Trúc Phương, được sáng tác vào năm 1959 vào thời điểm quân Cộng Sản đang chuẩn bị phát động cuộc Chiến Tranh Việt Nam, được kể như là một trong những ca khúc nói lên tình quân dân tha thiết tại miền Nam Việt Nam giữa thời chinh chiến điêu linh.

Cô gái đôi mươi trong nhạc phẩm này, một cô lái đò bình thường của miền sông nước phương Nam, tiêu biểu cho người dân lành hiền hòa, có lần được các anh chiến sĩ Cộng Hòa nhờ đưa đò sang sông trong một chiến dịch tảo thanh Cộng Quân tràn về quấy nhiễu dân lành, làm mất đi cuộc sống yên bình nơi thôn xóm. Chuyện những cô gái quê đem lòng yêu mến các anh chiến sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trong toán quân đi ngang qua làng nói lên tâm tình rất bình thường của người dân ngưỡng mộ các anh chiến binh tiền tuyến.

Tuy nhiên, nơi đây, bài hát còn đi xa hơn thế nữa khi vẽ lên một kết cục sáng tươi cho mối tình giản dị giữa một người trai nơi chiến tuyến và một người con gái ở hậu phương, khởi đầu bằng một chuyến đưa đò cho chàng chiến sĩ qua sông trong sứ mạng đem lại thanh bình cho quê hương và kết thúc bằng ngày vui sum họp của đôi bạn lòng sau ngày hành quân, anh về vui trong chiến thắng.

Nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Từ giữa thập niên 1950, lúc đang theo học bậc trung học tại Vĩnh Bình, Trúc Phương đã sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông Tin địa phương. Sau đó, chàng trai trẻ quyết định lên Sài Gòn sinh sống và học nhạc với nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả ca khúc nổi tiếng “Lối Về Xóm Nhỏ.”

Hai sáng tác đầu tiên của Trúc Phương ra đời vào năm 1957, đó là “Tình Thương Mái Lá” và “Tình Thắm Duyên Quê.” Tiếp theo đó là “Chiều Làng Em” (1958) và “Đò Chiều” (1958).
Nhạc sĩ cũng có mở một lớp dạy nhạc tại Gò Vấp để đào tạo các ca sĩ trẻ, gọi là Lớp Nhạc “Trúc Phương Tự Lực.” Tuy học trò của ông không có mấy người nổi tiếng trong nghề ca hát nhưng một số ca sĩ, trong đó có Thanh Thúy, Chế Linh và Duy Khánh, lại nổi tiếng nhờ trình bày những ca khúc của Trúc Phương.

Năm 1976, một năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công khiến ngôi nhà của ông trên đường Lý Thường Kiệt ở quận 11 bị chính quyền Cộng Sản tịch thu. Sau đó, ông còn vượt biên thêm hai lần nữa nhưng lại thất bại. Lúc ra tù, vợ con ly tán, nhạc sĩ đành cam phận sống không nhà, không cửa và không giấy tờ tùy thân, rồi cứ thế lưu lạc, nay Trà Vinh, mai Vĩnh Long và mốt là những nơi khác nữa.

Khoảng cuối thập niên 1980, Trúc Phương quay trở về sống nốt những ngày còn lại tại Sài Gòn, để rồi qua đời nơi đây vào ngày 18 Tháng Chín, 1995 (lúc đó ông được 63 tuổi), và được an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu thuộc tỉnh Sông Bé.

Năm 2014, trung tâm ASIA tại Little Saigon, miền Nam California, có thực hiện chương trình “ASIA 74: Trúc Phương, Ông Hoàng của Dòng Nhạc Boléro” để vinh danh người nhạc sĩ tài hoa nhưng số kiếp long đong này.


Con đò chiều naу tơ vương/ Mang nhiều tình thương. (Hình minh họa: Long Sam/Pixabay)

Nhạc của Trúc Phương, kể cả những bản nhạc lính, tuy chan chứa tình cảm yêu thương và có sức hấp dẫn mãnh liệt người nghe nhưng lại đượm buồn, một nỗi buồn sâu thẳm từ thân phận bi đát của những con người sống giữa cuộc chiến tranh tàn khốc. Thêm vào đó, mối tình đầu kém may mắn của tác giả cũng là một yếu tố khiến cho các ca khúc tình yêu của Trúc Phương lúc nào cũng nghe như có tiếng thở dài ray rứt trong đêm thâu, không biết có phải vì đời chưa trọn vòng tay mà tâm tư tư đành giấu kín trong thư còn đây…

Trước và sau năm 1975, Trúc Phương sáng tác khoảng 70 nhạc phẩm, với nhiều bài hát rất phổ thông trong quảng đại quần chúng, từ cuối thập niên 1950 mãi cho đến ngày nay: “24 Giờ Phép,” “Ai Cho Tôi Tình Yêu,” “Buồn Trong Kỷ Niệm,” “Con Đường Mang Tên Em,” “Để Trả Lời Một Câu Hỏi,” “Đò Chiều,” “Kẻ Ở Miền Xa,” “Mưa Nửa Đêm,” “Những Lời Này Cho Em,” “Nửa Đêm Ngoài Phố,” “Tàu Đêm Năm Cũ,” “Trên 4 Vùng Chiến Thuật”… (Vann Phan) [qd]

Nhạc phẩm “Đò Chiều” của Trúc Phương

Một ngàу nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mâу chiều
Đò của người thôn nữ
Ϲhờ đưa người viễn xứ
Đi muôn nơi xa xôi
Xâу hướng cuộc đời

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi
Thắm trên môi nụ cười
Nhìn toán quân qua rồi
Ϲhợt thấу lòng lưu luуến
Và tâm hồn xao xuуến
Trông anh trai phong sương
Em thấу mà thương

Ai biết ai haу mắt đợi mắt chờ
Nhớ anh nhớ từ dạo ấу
Biên cương xa xôi
Người em thương biết chăng
Thôn nữ chèo đò chiều nào
Đầu tiên đã уêu

Người đi tha hương
Ϲon đò chiều naу tơ vương
Mang nhiều tình thương
Ѕương rơi mong manh
Bến sông êm vắng lạnh
Tiếng ai ru lướt nhanh
Đêm đêm mong anh
Với trọn ý lành

Rồi chiều nào nắng tắt trên đê
Toán quân xưa trở về
Màu chiến у phai rồi
Người anh từ muôn lối
Về mang niềm vui mới
Đôi tay vun muôn hoa
Hoa sắc Ϲộng Hòa

Và chiều naу trên bến cô liêu
Bớt hoang sơ tiêu điều
Giọng hát vui sông chiều
Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông xưa mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi.

Không có nhận xét nào: