Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Maryse Condé, Nobel Văn chương 2018 - Từ Thức

Chúng ta chờ đợi, hy vọng giải thay thế cho Nobel Văn chương rơi vào tay Kim Thúy, một nhà văn gốc Việt hiện cư ngụ tại Canada. Giải này vừa được trao cho Maryse Condé, một nhà văn nữ Pháp, 81 tuổi. Nếu Kim Thúy nói về xã hội đảo lộn ở miền VN sau 75, về đời sống, tâm trạng ngổn ngang của một nhà văn lưu vong, tác phẩm của Maryse Condé nói về đời sống của người dân da đen từ thời nô lệ tới thời thuộc địa Pháp.<!>
Ban tuyển lựa tuyên bố, tại Thư viện Quốc Gia Thụy Điển ở Stockholm: Maryse Condé, ‘’với một ngôn ngữ chính xác, đã mô tả những tai hại của của chính sách thuộc địa và sự hỗn loạn thời hậu thuộc địa‘’.
Giống như Phillip Roth, Maryse Condé, sinh năm 1937 tại Guadeloupe, thuộc lãnh thổ hải ngoại (DOM-TOM) của Pháp, đã nhiều lần được đề nghị giải Nobel, nhưng chưa bao giờ được tuyển chọn.
Cựu sinh viên Sorbonne, Maryse Condé dạy văn chương tại các đại học Phi Châu như Ghana, Sénégal, trước khi dạy tại đại học Columbia, Hoa Kỳ. Bà đã được trao nhiều giải văn chương, như giải Hàn Lâm Viện Pháp 1988, với tác phẩm La Vie Scénérate, giải Marguerite Yoursenar 1999, với Le cœur à rire et à pleurer, giải Tropiques…
Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên, En attendant le bonheur, xuất bản năm 1976, tới cuốn cuối cùng, Le Fabuleux et Triste Destin d’Ivan et d’Ivana, Maryse Condé là tác giả của 30 cuốn tiểu thuyết, không kể các kịch bản và nghiên cứu.


Cách đây 2 năm, sau tác phẩm Mets et Merveilles, bà nói sẽ ngưng viết, nhưng với một nhà văn, buông bút không dễ: năm ngoái, Le Fameux et Triste Destin  ra đời.
Trước Maryse Condé, một nhà văn DOM-TOM khác đã lãnh giải Nobel: Saint-John Perse, năm 1960.
Maryse Condé sẽ nhận giải ngày 9 tháng 12 sắp tới tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Tiền thưởng giải này: 100.000 dollars (khoảng 97.000 Euros), bằng một phần mười giải Nobel chính thức.
Giải Nobel đã chết khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố, như thả một trái bom, tháng Năm vừa qua: sẽ không có Nobel Văn Chương 2018.
Người ta đã đi tới quyết định trên sau khi phát giác một vụ tai tiếng về tình dục liên hệ tới chồng một thành viên trong ban giám khảo. Ông này, Jean Claude Arnault, bị tố cáo đã xách nhiễu tình dục 18 phụ nữ, có hành động sàm sở với cả con gái của nhiều thành viên Ban Giám khảo, đã nhiều lần tiết lộ tên người được giải trước ngày công bố chính thức. Nhiều thành viên từ chức, kể cả Sara Danius, thư ký thường trực của Ban Giám khảo.
Sau khi Hàn Lâm Viện tuyên bố sẽ không có giải Nobel 2018, trên 100 nhân viên các thư viện, cũng như các nhân vật thuộc giới văn học Thụy Điển đã quyết định lập một giải mới, tạm thời thay thế cho giải Nobel năm nay. Sau đó, ban tổ chức sẽ giải tán để trả lại chỗ cho Nobel 2019, sau khi Hàn Lâm Viện đã thanh toán hàng ngũ, tìm một phương pháp và triết lý mới cho giải Nobel Văn chương.
Giải thay thế này hoạt động trên nguyên tắc dân chủ, trái với giải Nobel được quyết định bởi 18 người trong Ban Giám khảo.
Ban tổ chức tuyển lựa một danh sách những nhà văn trên khắp thế giới, tổng cộng 47 người, trong đó có những tên tuổi như Paul Auster, Joyce Carol Oates, Ian McEwan, Amos Oz , Margaret Atwood để độc giả lựa chọn.
Sau khi 33.000 người bỏ phiếu qua internet, bốn nhà văn lọt vào vòng chung kết: nhà văn gốc Việt Kim Thúy, nhà văn Anh Neil Gaiman, nhà văn Nhật Haruki Murakami và Maryse Condé. Murakami xin rút lui, để được yên tĩnh sáng tác.
Mặc dù không được trao giải kỳ này, việc được vào chung kết một giải thưởng văn chương quốc tế cũng đã giúp độc giả VN khám phá Kim Thúy, một nhà văn viết tiếng Pháp, nhưng tác phẩm, từ Ru, Mãn, Vi, À Toi, v.v. đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giúp người ngoại quốc hiểu tâm hồn của người Việt.
Chúng tôi sẽ trở lại đầy đủ hơn với thế giới của Maryse Condé, Kim Thúy trong một dịp khác.
Paris 13/10

T.T.

Không có nhận xét nào: