Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Thi họa sĩ Vũ Hối - Đỗ Bình

blank
    Nhà thư họa Vũ Hối
Tâm hồn con người là một thế giới mênh mông muôn màu và đầy bí ẩn. Đối với người nghệ sĩ, sự đa cảm lại càng bén nhạy hơn vì chỉ một thoáng cảm xúc về ngoại cảnh cũng đủ biến hiện thực thành ý niệm khởi đầu cho một tác phẩm. Nếu hội họa là nghệ thuật của đường nét ánh sáng màu sắc, nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu và thơ là nghệ thuật của lời, thì sáng tạo nghệ thuật là tố chất cần thiết của người nghệ sĩ. Thi ca và hội họa từ thời cổ đại đến nay về hình thức, cấu trúc đã có nhiều thay đổi, nhưng giá trị đính thực vẫn hướng về chân thiện mỹ.<!>
Từ ngàn xưa người Việt đã biết vẽ tranh nặn tượng điêu khắc. Ngành mỹ thuật mang tính dân gian, trang trí. Những loại hình thể đó truyền lại nhau theo lối thủ công nghiệp. Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống Hà Nội, ngành điêu khắc, đúc tượng, các đồ thờ tự bằng sơn mài chỉ “cha truyền, con nối”, không có trường sở chính thức để nghiên cứu học hỏi về mỹ thuật. Theo những tài liệu còn lưu trữ ở thư viện Paris, lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam thật sự khởi sắc từ khi có trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (L’école Supérieure des Beaux-Art de L’Indochine). Trường được thành lập ở Hà Nội năm 1925 do họa sĩ Victor Tardieu, một người Pháp làm hiệu trưởng suốt 12 năm. Trường đã được sự cộng tác đắc lực của họa sĩ Joseph Inguimberty, giảng dạy từ năm 1925 cho đến khi bị giải thể năm 1945 (vì chiến tranh). Họa sĩ Victor Tardieu thuộc trường phái Cổ điển cuối thế kỷ 19 và từng là bạn học với danh họa Henri Matisse, Raoult. Họa sĩ Joseph Inguimberty tốt nghiệp trường Trang Trí Quốc Gia Pháp. Ông yêu đất nước Việt Nam nên có nhiều họa phẩm sơn dầu, rất nhập thần về phong cảnh đồng quê Việt.
Họa sĩ Victor Tardieu và Joseph Inguimberty là hai họa sĩ bậc thầy đã hướng dẫn các sinh viên Việt Nam làm quen với kỹ thuật hội họa phương Tây, biết những nét căn bản của trường phái Cổ điển. Với những kiến thức được học hỏi bài bản, sau khi tốt nghiệp, các họa sĩ có thể tự chọn cho mình một trường phái khác, một con đường riêng: Tân cổ điển, Ấn tượng, Lập thể, Trừu tượng, Siêu thực, nhưng vẫn phát huy truyền thống nghệ thuật của nước nhà như lụa và sơn mài. Từ đó ngành Mỹ Thuật của Việt Nam mới có những tên tuổi lớn: Tô Ngọc Văn, Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Công Văn Chung, Đỗ Đức Thuận, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Thạch Lam, Nguyễn Tường Lân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường (người vẽ áo dài kiểu Le Mur), Lưu Văn Sìn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Văn Tỵ, Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Dung, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Nùng, Dương Hướng Minh, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Trọng Hợp, Phan Tại, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Khúc Bình, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Phan Thông, Lê Thanh Đức, Mai Văn Hiến, Trần Duy, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Kim Đồng, Văn Cao, Văn Giáo, Lê Quốc Lộc, Phạm Viết Song, Tạ Tỵ, Phạm Đăng Trí …

Từ ngàn xưa “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” đánh đàn, đánh cờ, ngâm thơ, vẽ tranh là bốn cái thú của kẻ tao nhã. Nhưng biết đàn làm thơ và vẽ tranh chưa hẳn là nghệ sĩ. Hành trình đi tìm Chân Thiện Mỹ của nghệ thuật là bước vào con đường thênh thang nhưng đầy gian nan khó khăn mà người nghệ sĩ phải tự mình tìm lối đi riêng. Trong làng văn nghệ có những trường hợp nghịch lý: Người đã có tác phẩm được ra mắt công chúng chưa hẳn đã hay hơn những người có tác phẩm nhưng chưa in, hoặc ít phổ biến. Giá trị đích thực của một tác phẩm không hẳn được công chúng hoan nghênh khi mới ra mắt, mà giá trị đích thực phải qua thử thách với thời gian và được công chúng yêu mến lưu truyền lâu dài, hoặc được giới nghiên cứu phê bình văn học công nhận. Trong giới nghệ sĩ, những người vừa là thi sĩ vừa là họa sĩ mà mỗi lãnh vực đều xuất sắc mang dấu ấn, nhưng được công chúng biết đến thì không nhiều! Có người, do thiên phú, khởi đầu con đường văn nghệ chỉ làm thơ và có những bài thơ xuất sắc độc đáo, nên được công chúng biết, rồi sau đó mới học vẽ và miệt mài với cây cọ mảng màu để thành họa sĩ. Ngược lại có người đã là họa sĩ, sau yêu thơ, nghiên cứu thơ, làm thơ, đắm đuối vì thơ thành thi sĩ. Đó là những người đam mê và am tường thấu đáo bài bản về hai bộ môn nghệ thuật. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước ở miền Nam, những nghệ sĩ có thi phẩm trình làng và tranh triển lãm không nhiều. Họ được công nhận là thi họa sĩ: Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, thi họa sĩ Vũ Hối, thi họa sĩ Phạm Tăng, thi họa sĩ Mùi Qúy Bồng, thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật, thi họa sĩ Lưu Nguyễn Đạt, thi họa sĩ Huỳnh Ngọc Điệp, thi họa sĩ Bồng (Phạm Văn Thoại), thi họa sĩ Phạm Kế Viêm, v.v. (GS Phạm Kế Viêm và GS Phạm Văn Thoại là thi họa sĩ có tài nhưng rất khiêm nhường, ít muốn trình bày tác phẩm của mình nên người đời chỉ biết hai ông ở lãnh vực dạy học).
Những nghệ sĩ khi ở trong nước đã là họa sĩ hoặc thi sĩ, ra hải ngoại sau năm 1975 đeo đuổi thêm ngành nghệ thuật khác như thi họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt, (họa sĩ Vi Vi tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, có nhiều tác phẩm tranh màu nước, sơn dầu nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 và ở hải ngoại, được giải thưởng cao qúy của chính phủ Canada với những bức tượng điêu khắc), thi họa sĩ Nguyễn Tư ở Úc, thi họa sĩ Diễm Châu Cát Đơn Sa ở Mỹ, v.v. Ở Pháp, Paris nói riêng, những người theo ngành nghệ thuật tạo hình không nhiều. Đây là đất của các danh họa quốc tế lâu đời. Muốn có tên trên tháp vàng đó, ngoài tài năng xuất chúng, còn phải quen biết những danh họa có tầm vóc quốc gia, quốc tế, những tổ chức uy tín có thế lực tiền tài của người bản xứ đỡ đầu giới thiệu. Những họa sĩ VN dù có tài nhưng không đủ tài chánh và phương tiện làm những cuộc triển lãm lớn để quảng bá những tác phẩm của mình đến giới thưởng lãm, qua những phương tiện truyền thông, truyền hình, báo chí… Vì thế họ đành chấp nhận chờ thời, và vẫn miệt mài theo đưổi con đường nghệ thuật. Vào thế kỷ 19, khu nghệ sĩ Montparnasse và hiện nay là khu nghệ sĩ trên đồi Montmartre có biết bao nghệ sĩ có tài. Họ là những họa sĩ thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có một số ít là người Việt. Cũng ở những nơi này đã có một số danh họa Pháp từng sống và hành nghề, nhưng rất tiếc họ đã mất trước khi tranh của họ nổi tiếng được thế giới biết. Gía mỗi bức tranh tính bằng vàng! Những họa phẩm mới ngày nào còn nằm trên những con đường nhỏ, những ngõ cụt bày bán với giá hời cho khách du lịch, bỗng một số bức họa như có phép nhiệm màu tỏa sáng, được nâng niu đưa vào trưng bày ở viện bảo tàng quốc gia để người đời chiêm ngưỡng. Tranh cũng có số phận!
Những họa sĩ Việt thành danh ở Pháp có nhiều cuộc triển lãm và giải thưởng cao qúy, nay đã mất như Nguyễn Vạn Thọ, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Điềm Phùng Thị, Dương Cẩm Chương, Vĩnh Ấn, Thái Tuấn, Minh Châu Thái Hạc Oanh, Phạm Tăng, Lê Bá Đảng, Anh Trần, Vũ Thái Hòa. Những họa sĩ thành danh, còn sống, có nhiều cuộc triển lãm, có người dạy ở các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật vùng Paris: GS Nguyễn Cầm, GS Lê Tài Điển, GS Đỗ Văn Bình, GS Vũ Công Minh …. Họa sĩ Võ Hoài Nam, Nguyễn Đức Tăng, Hồng Loan, Vương Đình Thư, Nguyễn Minh, Hoàng Đình Tuyên, Nguyễn Long Diên, Oanh (Phạm Hoàng Oanh, con thứ của BS Phạm Khắc Hy, cựu Đại Sứ đầu tiên của VNCH tại Pháp), Duy Nga, trưởng nữ họa sĩ Duy Liêm (tranh sơn mài Thành Lễ, bìa nhạc…), Phạm Trọng Chánh (điêu khắc), Huỳnh Thanh Lý (vẽ áo dài), Vương thu Thủy (điêu khắc), Văn Tấn Phước (thư họa)…. Những họa sĩ trung niên như Vũ Đình Lâm (điêu khắc), Vũ (Trần Trọng Vũ), con trai nhà thơ Trần Dần, Vũ Hòa, Ngọc Tuyết, Trang Thanh Trúc, Trúc Tiên, Julien Nguyen Verhaeghe (TS Thẩm Mỹ Học, phê bình nghệ thuật, con trai trưởng nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh & Nguyễn Mây Thu, học trò của Lê Tài Điển, Nguyễn Cầm).
Tác giả và Tác phẩm:
Trong thế giới vô tận của nghệ thuật đã có biết bao nhiêu nhiều nghệ sĩ tài danh đã để lại cho đời những tác phẩm tuyệt tác. Xin có đôi dòng cảm nhận về con người và tác phẩm của thi họa sĩ Vũ Hối. Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Do thiên phú, Vũ Hối đã biết làm thơ và hoa tay vẽ đẹp ngay từ thuở nhỏ. Ông lấy bút hiệu là Hồng Khôi năm 1957, nhưng sau này ông ký tên thật làm bút hiệu. Ông có dáng người cao dong dỏng, bản tính đôn hậu dễ mến, hay cười, rất khiêm nhường và chân tình khi xử thế với bằng hữu, thêm có óc khôi hài, thỉnh thoảng xen câu chuyện tếu làm mọi người vui. Là một tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật nước nhà và quốc tế, ông được mời vẽ chân dung tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, vẽ chân dung Đại tướng Creighton W. Abrams. Đã nhận Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ. Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Paintings in Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting). Là nghệ sĩ Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho thế giới, tại Atlanta, Hoa Kỳ ngày 5-11-1994.
Vũ Hối có tên trong:
– Văn Học Tự Điển thời Việt Nam Cộng Hòa.
– Bách Khoa Tự Điển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới.
– Tự Điển Danh Nhân Thế Giới (Dictionary of International Biography) ấn hành tại Anh Quốc năm 1998.
– 5000 Personalities of The World, do American Biographical Institute ấn hành năm 2000.
– Nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong Tuyển Tập Thư Họa Bậc Thầy Đông Phương, ấn hành tại Tokyo, Nhật Bản năm 2006, Bộ 6 (International Editon).
Ngoài danh tài về họa, Vũ Hối còn là một nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, đã xuất bản nhiều thi tập:
– Mùa Giao Cảm (thơ, 1958). Vần Thơ Màu Trắng (thơ, 1959) được phiên dịch ra Anh và Pháp ngữ năm 1959 tại Sài Gòn. (La Poésie de Couleur Blanche).
– Những Dấu Chân Đi (truyện ngắn), xuất bản năm 1960 và 1963. Chiêm Bao Trở Giấc (thơ), xuất bản năm 1997.
– Nghìn Thương Đất Mẹ (thơ và thư họa), năm 1999.
– Thơ Nhạc Trong Tranh (CD, 2000). Mây Ngàn (thơ, thư họa Norway 2003). Nghệ Thuật (thơ, thư họa 2007). Thư Họa Truyện Kiều, Nguyễn Du 2003).
Thơ là cõi vô tận nên không thể nào trang trải tâm hồn nhà thơ chỉ qua ít dòng trên trang giấy. Do đó, mời qúy đọc giả thưởng thức vài bài thơ tác giả không lấy bút hiệu Hồng Khôi, mà ký tên thật. Bài thơ “Men Chiều Cali” đăng trong tập tuyển Ba Cụm Hoa Tình Yêu, xuất bản năm 1997. Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh và Vũ Hối đã ký tặng người viết tại Paris ngày 21.06. 1997. Bài thơ như sau:
Vẽ cả trong tranh khung trời lộng gió
Vẽ cả men tình, một độ lên ngôi
Nâng niu ta vẽ cành hoa Nhân Ái
Những đóa hoa cười, nở mãi trên môi!
Nắn nót tình thơ, khung trời lộng gió
Mười ngón tay hoa, vướng nhạc bỗng trầm…
Ta về đâu ướp lạnh miền Đông Bắc
Nhớ Cali, từng vạt nắng hanh vàng
E ấp hành trang: men chiều kỷ niệm
Phong kín gửi người: nỗi chứa chan!
Vẽ người thương, giữa khung trời lộng gió,
Vẽ mình ta, ngồi đếm nỗi cô liêu
Vẽ cánh chim rừng, một trời lạc xứ
Cali ơi! Xin gởi nồng ấm men chiều!

Tác giả đã diễn tả nỗi lòng mình, một kẻ tha hương tạm dung nơi miền Đông Bắc Mỹ lạnh lẽo mà chan chứa tình người nhưng vẫn thèm nắng ấm Cali như nắng quê nhà, để sưởi nỗi nhớ về một quê hương xa ngàn dặm. Chất họa trong con người thi sĩ qua hình ảnh trong câu: “Vẽ cánh chim rừng, một thời lạc xứ”. Đây không phải là ngôn ngữ hình tượng của hội họa, nhưng ngôn ngữ mang chất ẩn dụ để diễn tả những thân phận tha hương với nỗi niềm cô đơn. Nhưng trong câu “Khung trời lộng gió”có những hình tượng, thơ và họa đều có thể vẽ và tả được. Nhưng có câu “Vẽ cả men tình một độ lên ngôi” thì chỉ có thơ mới diễn tả được, mà những màu sắc và đường nét của hội họa không thể vẽ được! Thơ Vũ Hối nhẹ nhàng, tha thiết, đượm chất nhân ái. Nhà thơ không mang thù hận vào thơ dù đã mất mát, trải qua nhiều năm tháng trong ngục tù CS, và để lại nơi chốn đọa đày đó một phần ánh sáng! Vận nước thay đổi, lòng người gian dối, hiểm ác đối xử nhau nghiệt ngã, thi sĩ vẫn gượng cười, vẫn giữ niềm tin hướng về chân thiện mỹ. Bài thơ lục bát:

Nửa

Đời ta nửa tỉnh, nửa say
Nửa đen, nửa trắng, nửa ngày, nửa đêm
Nửa vui với cảnh ưu phiền
Nửa sông cồn cát, nửa triền núi cao
Nửa thương, nửa nhớ, nghẹn ngào
Nửa cười tha thiết, nửa ngao ngán tình
Nửa hồn đau kiếp nhân sinh
Chênh vênh nửa cuộc hành trình bể dâu
Chập chờn nửa giấc canh thâu
Cười say bên ngọn đèn dầu nửa khuya.
Đó là tiếng lòng, nỗi u uất như tiếng thở dài về thân phận mình, thân phận của kiếp người, rộng lớn hơn là của đất nước mà một phần lãnh thổ đang bị lấn chiếm bởi ngoại xâm. Nhà thơ đã trút hết tâm tư dệt thành câu thơ buồn. Câu thơ mở đầu: “Nửa tỉnh, nửa say”. Tỉnh ở đây tác giả muốn nói đã nhận thức giá trị cao qúy của sự sống, nhà thơ đã trải qua biết bao khổ đau mà vẫn giữ tâm an lạc làm thơ vẽ tranh cho đời. Say trong thơ không phải say vì men rượu mà say vì đất nước, nhà thơ nhìn quê hương như bức tranh mang gam màu buồn dù rằng nơi ấy trong chốn phồn hoa, có những tòa nhà cao tầng đèn lấp lánh; những con đường rực sáng làm lóa mắt người qua lại hầu khỏa lấp che dấu sự nghèo đói của một phố thị đông người! Thi sĩ Vũ Hối là người bất khuất, không chịu uốn cong mình, trong tù mà vẫn hiên ngang thực hiện một tác phẩm nhằm phản kháng lại chế độ khi vẽ bức tranh Mặt Trời Đỏ. Trong tranh chỉ có một cây khô trụi lá, cành nhọn đâm về hướng mặt trời, diễn tả dưới chế độ đỏ, sự sống bị hủy diệt, dù thành cây khô, cành nhọn vẫn đâm vào chế độ! Sự phản kháng của nhà thơ đã bị những đòn thù của cai tù nên đã bị mất một mắt! Một con mắt còn lại nhìn đời nửa đen nửa trắng. Phần con mắt mất ánh sáng là một hố đen sâu thẳm, nửa trắng là chút ánh sáng sót lại để nhìn màu sắc trên đời, nhất là với người họa sĩ, ánh sáng là nguồn sống, là niềm hy vọng. Hai câu thơ cuối: “Chập chờn nửa giấc canh thâu, Cười say bên ngọn đèn dầu nửa khuya.”
Nhà thơ nặng tình với quê hương. Dù đang sống tha hương, nhưng tâm hồn vẫn quanh quẩn nơi quê nhà. Đêm khuya thao thức bên ngọn đèn dầu, nghĩ chuyện nước và thấy bất lực trước thời cuộc, nên nhà thơ cười để tự chế nhạo mình cũng là chế nhạo những nhiễu nhương đảo điên sự đời. Chữ say ở đây không phải vì rượu mà say vì tê tái đau buồn cho mệnh nước nổi trôi, quê hương vẫn lầm than. Sau bao năm dưới xã hội chủ nghĩa, dân vẫn nghèo, vẫn phải quay quắt vì miếng cơm manh áo mưu sinh. Còn những kẻ cơ hội trở nên giàu có, chìm đắm trong vật chất đã đánh mất lương tâm. Người cầm quyền thì mải mê tranh đoạt quyền lực, nên đã xa rời niềm đau nỗi khốn cùng của dân đen, khiến con người và đất nước đang mất dần bản sắc tình tự dân tộc! Bài thơ dù viết đã lâu nhưng vẫn mang tính hiện thực về một xã hội Việt Nam bị tha hóa hôm nay.
Từ Hội Họa Đến Thư Họa
Trời phú cho Vũ Hối một bàn tay tài hoa để vẽ và một trái tim đa cảm để làm thơ. Năng khiếu bẩm sinh đó đã mở cánh cửa nghệ thuật cho người nghệ sĩ bước vào con đường hội họa để thành danh. Ông vẽ từ tranh sơn dầu qua tranh lụa. Từ hiện thực đến siêu thực, nên khi chuyển sang thư pháp không khó khăn mà còn đầy chất sáng tạo. Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp đã có từ hàng ngàn năm trước đối với văn tự của nhiều nước trên thế giới. Ngày xưa ở Trung Hoa đời Đường có những nhà thư pháp nổi tiếng như Vương Hi Chi, Vương Hi Hiến, Nhan Tài Khanh, Liễu Công Quyền. Ở những nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, thư họa là nghệ thuật dùng bút lông mực tàu để viết chữ như vẽ những câu thơ, câu đối, câu ca dao, hay ngạn ngữ, danh ngôn bằng chữ Hán, chữ Nôm. Thuở xưa, nước ta có những nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến. Kể từ khi có chữ quốc ngữ có vài người như các nhà thơ Đông Hồ, Trụ Vũ, Vũ Hoàng Chương cũng đem thư pháp vào chữ Quốc Ngữ trước Vũ Hối. Mặc dù bước vào con đường thư pháp sau, Vũ Hối đã sáng tạo ra lối vẽ riêng để thành trường phái Luân Vũ Họa hay Hội Họa Sinh Động (Paintings in Motion) để lột tả hết sắc thái độc đáo của con chữ. Để diễn tả thần khí của thư họa nét vẽ mang sắc thái con chữ có lúc chứa ý chí rực lửa theo lối ‘hỏa tự’, có lúc trầm mặc tĩnh lặng chứa tư tưởng hiền triết theo lối ‘thủy tự’ diễn tả qua những đường nét nghệ thuật viết chữ Việt, tạo thành bức tranh rồng bay phượng múa.
Vũ Hối Và Những Sinh Hoạt Nghệ Thuật Bên Trời Âu
Năm 1997, họa sĩ Vũ Hối sang Paris ra mắt thi phẩm Chiêm Bao Trở Giấc, xuất bản năm 1997.
Tháng 9 năm 2002, họa sĩ Vũ Hối sang Paris ra mắt thi phẩm Mây Ngàn, viết chung với thi sĩ Hoài Việt TS Nguyễn Văn Hướng. Thi phẩm khổ lớn, giấy màu, láng, rất đẹp do nhà xuất bản Anh Em ở Na Uy in năm 2002. Dịp này họa sĩ Vũ Hối mang tặng tôi bức tranh lụa Đôi Chim Trên Cành Trúc, màu sắc, phong cảnh thật đẹp.
blank
    Mộng Hòa Bình (Vũ Hối)
Trong cuốn tuyển tập đặc biệt Vũ Hối Nghệ Thuật Thư Họa, khổ lớn, giấy láng, hình màu rất đẹp do nhà xuất bản EM T.MO S.J Magazine in năm 2007, người viết được thi họa sĩ chọn một tấm hình sinh hoạt ngày ra mắt sách và thư họa của Vũ Hối năm 1997 tại Paris, do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris tổ chức, để đưa vào tuyển tập cùng với nhiều tấm hình của sinh hoạt khác.
Tháng 6 năm 2008, người viết và nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả nhạc phẩm tiền chiến vang bóng một thời “Trăng Mờ Bên Suối” sang Washington, D.C. ra mắt sách và CD nhạc, do Hội Văn Bút VN Hải Ngoại tổ chức. Dịp đó họa sĩ Vũ Hối đã tặng chúng tôi mỗi người một bức thư họa.
Vào năm 2009 họa sĩ Vũ Hối cùng một số anh chị em văn nghệ sĩ từ Mỹ, Canada, Âu Châu sang Paris sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề “Thu Tao Ngộ”. Sau buổi sinh hoạt, đêm đó trở về nhà tôi, hai người bạn thời thơ ấu Vũ Hối và Nguyễn Thùy cùng nhau tâm sự. Sáng hôm sau trong lúc dùng điểm tâm, Vũ Hối nói:
“Mình với Nguyễn Thùy nói chuyện đến gần sáng.”
Nguyễn Thùy tiếp:
“ Hai đứa chỉ nói về số bạn bè tan tác sau 1975.” Rồi vừa cười vừa hỏi: “Nhớ lại chiều qua nơi phòng khánh tiết, một số đông các ông các bà, cả những cô trẻ vây quanh Vũ Hối xin ‘thư họa’. Nhiều bà, nhiều cô xin như thế, Hối có ‘thư sướng’ không?”
Vũ Hối cười trả lời: “Mệt thấy mồ. Sướng con mẹ gì. Dĩ nhiên, được mến mộ thì cũng vui lắm. Mà sao Thùy hỏi lạ vậy?”
Nguyễn Thùy trả lời:
“Tôi bảo có ‘thư sướng’ không chứ có bảo ông ‘sướng’ đâu?” Ông có biết ‘thư sướng’ là từ Hán Việt. Theo tự điển Nguyễn Văn Khôn là ‘khoan khoái, thoải mái, dễ chịu’ chứ có phải ‘sướng’ theo nghĩa thông thường đâu”. Rồi Nguyễn Thùy hỏi tiếp:
“Có người nói ‘thư họa là vẽ chữ’. Có như vậy không?”
Vũ Hối: “Thì phần nào cũng có thể nói thế. Còn Thùy nghĩ sao?”
Nguyễn Thùy trả lời:
“Rất phục Hối vì Hối là người đầu tiên đã đem chữ viết VN vào hội họa. Thêm nữa, theo mình ‘Thư họa là đem thơ vào họa’. Hối đã thư họa nhiều câu danh ngôn, nhiều câu thơ trong một số tác phẩm nổi tiếng và số thơ của nhiều người. Nhưng mình nhắc Hối chỉ thư họa những câu thơ nào sáng giá, hay đẹp, chứ đừng vì cảm tình thư họa những câu thơ không hay đẹp gì khiến nhiều người có thể nghĩ ‘Hối đã khiến ngón thư họa của Hối trở nên tầm thường.’”
Nguyễn Thùy quay sang tôi hỏi:
“Anh quan niệm thế nào là hội họa?”
Tôi vội xua tay trả lời:
“Anh phải hỏi anh Vũ Hối chứ sao lại hỏi tôi?”
Nguyễn Thùy tiếp:
“Thấy anh thích tranh lắm sao không có ý kiến?”
Vì muốn chấm dứt câu chuyện để còn thời gian chuẩn bị cho cuộc du ngoạn, tôi nói:
“Theo tôi, hội họa là những cảm xúc mạnh, pha chút tưởng tượng của họa sĩ đã kết hợp màu sắc, ánh sáng, bóng tối thể hiện qua những đường nét đậm nhạt để thành tác phẩm. Nhưng bức vẽ không phải là sự sao chép cho giống với hình mẫu, mà phải sáng tạo để tác phẩm có nét riêng, nghĩa là phải độc đáo cả nội dung lẫn hình thức.”
Vũ Hối:
“Một quan niệm rất hội họa.”
Hai người cứ mải mê nói chuyện, nên tôi thúc dục các anh dùng điểm tâm nhanh để các bạn đến đón đi chơi. Nhưng Nguyễn Thùy vẫn gân cổ lên nói:
“Mình chẳng biết gì về hội họa, nhưng lại ưa nói quan điểm của mình về hội họa. Theo mình, hội họa là thứ nghệ thuật tĩnh. Nó sôi nổi trong trầm mặc, nó động trong bất động, nó càng đón nhận khinh bạc càng trở nên cao trọng, lâu dài. Mình đã viết như thế trong truyện “Mây Rồng”, có tặng Hối, Hối thấy sao?”
Vũ Hối đáp:
“Có đọc. Truyện hay nhưng quan điểm hội họa nơi quyển đó cao kỳ quá, khó ai thực hiện được. Mình chưa đủ khả năng để kết hợp cả hai lối ‘công họa và tâm họa’ như Thùy nói. Mà chắc cũng khó có người làm nổi. Mình già rồi, sức yếu nữa nên khó lòng nghiên cứu, học hỏi thêm để có thể có được nhiều tác phẩm sáng giá hơn.”
Nguyễn Thùy:
“Nếu có thêm càng tốt. Nhưng với bao tác phẩm đã nổi tiếng, chừng ấy, mình thấy Hối đã đem lại cho Việt Nam một tiếng vang khá lớn cho nền hôi họa VN rồi. Mình mừng và vui hơn nữa là Hối là nguời Quãng Nam, đồng hương với mình, xứ Quãng được thêm một ‘nhân tài’ về hội họa thì cũng hãnh diện lắm chứ.”
Tôi đành phải cắt ngang câu chuyện của các anh, và hẹn tối về sẽ để các anh tha hồ nói. Dùng điểm tâm vừa xong thì các bạn cũng vừa đến. Chúng tôi gồm có nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà văn Nguyễn Thùy, họa sĩ Vũ Hối và tôi cùng đi Giverny thăm viện bảo tàng của danh họa Claude Monet, cha đẻ trường phái ấn tượng. Con đường từ Cergy đến làng Giverny chạy xuyên qua vùng Vexin français, bình nguyên phía Tây Bắc Paris, vùng đất phì nhiêu phủ màu xanh của đồng cỏ, ruộng lúa mì, cụm rừng… Sông ngòi chảy uốn khúc, xoáy mòn lớp đất vôi tạo nên một địa hình mấp mô gồm đầm lầy, thung lũng và đồi gò nối tiếp nhau. Kỳ vĩ hơn tất cả chính là dòng sông Seine, cửa ngõ thông thương từ Paris ra biển cả. Dòng sông chảy ngoằn ngoèo soi bóng hàng cây dương liễu, sườn dốc cheo leo, những tòa dinh thự lâu đài…Từ xa xưa, nơi đây đã in dấu chân từng đoàn quân La Mã. Những phế tích do tàn phá của chiến tranh suốt nhiều thế kỷ chứng tỏ từ lâu dân cư đã sống gắn bó với mảnh đất và dòng sông. Do cảnh sắc độc đáo cùng với môi trường sinh vật phong phú, một khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập tại vùng này vào năm 1995 (Parc naturel régional du Vexin français). Thỉnh thoảng dọc bên vệ đường hay giữa cánh đồng ta còn gặp những cây thập giá bằng đá vôi chạm trổ, bốn nhánh hình tam giác, người xưa dùng làm cột mốc ranh giới giữa các xứ đạo, các đất đai sở hữu. Ngày nay di sản nông thôn này trở thành biểu tượng cho vùng Vexin français. Làng Giverny nằm dọc theo sườn phía Nam dãy đồi, bên cạnh hợp lưu nơi sông Epte đổ vào sông Seine.
Trong lúc anh Nguyễn Thanh mải mê lái xe tìm đường, anh Nguyễn Bảo Hưng vui vẻ cất tiếng: “Anh Vũ Hối từ Mỹ sang, lại là họa sĩ, hôm nay được bọn mình dẫn đi thăm Giverny là trúng tủ rồi đấy.” Tuy không phải là họa sĩ, nhưng thích tìm hiểu về hội họa, đặc biệt là trường phái ấn tượng, anh Nguyễn Bảo Hưng giải thích: “Anh phải biết, với người Mỹ, Giverny được coi là cái nôi của hội họa ấn tượng và là chốn hành hương của hầu hết các đoàn du khách Mỹ viếng thăm Pháp. Thực ra Claude Monet không phải là người sáng lập ra trường phái ấn tượng. Sở dĩ tên tuổi ông được gắn liền với hội họa ấn tượng, ấy là nhờ nhà phê bình Loui Leroy, trong một bài báo, đã dùng từ impressionniste để nói lên cảm nhận của mình trước bức họa Rạng Đông (Soleil Levant, 1972), được Claude Monet đem ra trình làng tại cuộc triển lãm do ông cùng một nhóm họa sĩ đứng ra tổ chức riêng vào năm 1974 tại Paris. Thế là từ Impressionnisme được ghi vào sổ bộ đời hội họa từ đấy, để nói về trường phái Ấn Tượng. Còn nói rằng Giverny là cái nôi của hội họa ấn tượng cũng không hẳn đúng. Bởi vì tất cả những bức tranh mang đường nét ấn tượng hầu hết đều được các họa sĩ theo trường phái này như Manet, Sisley, Pissarro, Renoir v. v… thực hiện trong các thập niên 1860, 1870 và tại nhiều địa điểm không gian khác nhau. Chỉ từ sau 1883 Monet mới tới trú ngụ tại Giverny thuộc hạt Eure, không cách thành phố Rouen bao xa. Nhưng vì ngôi nhà xinh xắn với khu vườn phô bày đủ mọi sắc hoa, và đặc biệt cái đầm hoa súng (l’étang des nénuphars) với cây cầu kiểu nhật (le pont japonais) duyên dáng được dùng làm đề tài cho nhiều bức tranh ngoạn mục, đã khiến địa danh này trở thành đối tượng viếng thăm của khách yêu chuộng hội họa trên toàn thế giới.”
Câu chuyện tới đây thì cũng là lúc anh Nguyễn Thanh bắt đầu lái xe đi vào thành phố Auvers Sur Oise. Lần theo dấu vết xưa qua những phiến đá tường đã phủ màu thời gian, chiều xuống ánh nắng dần phai nhìn con phố cổ bên dòng sông Oise trầm mặc hơn. Nguyễn Thanh bỗng dừng xe trên con đường chính, ngay trước quán trọ Ravoux, trạm dừng chân chót của Van Gogh. Chúng tôi ngẩn ngơ trước ngôi nhà trọ, nay đã được chỉnh trang lại bộ mặt trông sáng sủa hơn. Nhưng trong lòng không khỏi bồi hồi nghĩ tới tới hai tháng cuối đời của nhà danh họa này trên căn gác xép chạm mái. Còn đang trầm ngâm suy tưởng bỗng nghe tiếng Nguyễn Thanh kêu gọi qua công viên bên cạnh nơi có bức tượng đồng Van Gogh do Zadkine sáng tác. Sau khi chụp một tấm chung lưu niệm, đứng cạnh tượng, Vũ Hối thở dài than:
“Trông Van Gogh khốn khổ quá, như kẻ đi lang thang, bụi đời!”
Nguyễn Thanh mở ống kính ngắm chụp, sau khi bấm máy liền góp ý: “Van Gogh đã từng thố lộ: ‘Khi tôi càng xấu xí, già, ác độc và nghèo, tôi càng tìm cách chuộc lại những thất bại ấy bằng cách làm cho màu của tôi rực rỡ, cân đối, tỏa sáng.’
Từ khu nhà ga cũ đến ngôi giáo đường cổ, tất cả chúng tôi theo đường lên dốc khá quanh co, tìm đến ngôi nhà thờ nơi bìa làng. Van Gogh đã dừng chân nơi đây và họa bức tranh mặt ngoài hậu cung nhà thờ, diễn tả một kiến trúc không theo phép phối cảnh, nhưng bằng những đường cong quẹo. Anh Vũ Hối đi tới đi lui trên dốc đá góc nhà thhờ, ngắm từng chi tiết như tìm cách đứng đúng chỗ Van Gogh đặt giá vẽ, rồi mới nâng máy lên thu hết hình ảnh vào ống kính. Từ ngôi nhà thờ theo con đường làng ra khỏi vòm cây phong là cánh đồng mênh mông hiu quạnh, nơi an nghỉ của danh họa Van Gogh và ngôi mộ bên cạnh là người em trai Théodore. Trong hoang vắng, đứng trước hai ngôi mộ quá đơn sơ của họa sĩ nghèo, mộ chỉ lấp mà không xây, bia được cuốn bằng thừng! Đất Trời cũng cảm động, xót xa cho người họa sĩ tài hoa, nên kết những loài hoa cỏ đầy màu sắc rực rỡ thành tấm thảm phủ lên ngôi mộ. Anh Vũ Hối và Nguyễn Thùy lần đầu đến thăm nên xúc động mạnh rướm lệ. Vũ Hối từ từ thu mình ngồi cạnh mộ Van Gogh, anh im lặng nhưng chắc hẳn lòng đang thổn thức? Trên khuôn mặt buồn bã ấy có chút gì thương tiếc và ngưỡng mộ một danh tài hội họa thế giới bạc mệnh nằm trên cánh đồng hoang vu! Sau khi thăm mộ Van Gogh và người em trai Théodore, chúng tôi đi thẳng ra cánh đồng trước mặt đến nơi đã ghi dấu kỷ niệm họa phẩm Đồng Lúa Mì và Đàn Quạ. Đứng trước thiên nhiên, mường tượng lại bức tranh, chắc hẳn trong mỗi người chúng tôi đều có cảm nhận riêng về hình ảnh đầy bí ẩn: “Đàn quạ đen bay sà trên đồng lúa chín vàng dưới bầu trời màu xanh sẫm như báo hiệu cơn dông sắp đổ xuống?”
Chúng tôi định đi tiếp vào thăm làng, nhưng con đường đến đây chia làm ba ngã, biết chọn ngã nào? Anh Vũ Hối bảo:
“Van Gogh vẽ đường cho chúng ta, nhưng không chỉ dẫn rõ ràng. Vậy thì đi đâu cũng được.”
Nguyễn Thanh bảo đường quẹo tay trái trở về nhà thờ. Anh Bảo Hưng khuyên nên đi thẳng. Tất cả chúng tôi theo hướng đó.
Tối hôm đó về nhà, chúng tôi thức khuya nói chuyện. Nguyễn Thùy bảo Vũ Hối:
“Hai họa sĩ đều nổi tiếng nhưng một ‘vừa nổi tiếng vừa nổi miếng’ (ý nói có tiền, giàu) còn một thì ‘vừa nổi tiếng vừa nổi điên’, còn Vũ Hối thì nổi gì?”
Vũ Hối trả lời: “Chẳng nổi gì cả, đời quá nhiều bầm dập chỉ ‘nổi chìm’ thôi!”
Họa sĩ Vũ Hối là một nghệ sĩ tài hoa nhưng nhiều thăng trầm. Sự nổi tiếng về hội họa đã làm lu mờ phần nào mặt văn thơ, cho dù nhà thơ vẫn sáng tác đều, vẫn cho đời những vần thơ hay, nhưng công chúng tìm đến anh qua hội họa. Tôi hỏi Vũ Hối, “Giữa thơ và hội họa, nếu phải chọn một, anh chọn cái nào?”
Vũ Hối: “Mình xin chọn cả hai. Nếu tách ra là chết (!), vì Thư Trung Hữu Họa.”
Trước năm 1975 và đến bây giờ, họa sĩ Vũ Hối luôn luôn chân thành với tình bạn. Ở trong hoàn cảnh nào, dù lúc thăng hay trầm, con người đó vẫn thế, vẫn không xa cách với bạn. Bản tính hiền hòa đôn hậu và trung nghĩa đã được các bằng hữu rất qúy trọng. Họa sĩ Vũ Hối chọn một lối sống hòa nhã, an lạc. Ông mê say văn học nghệ thuật, xem nhẹ vật chất, mà chỉ trọng tình người. Ngoài những tác phẩm sơn dầu vẽ chân dung các yếu nhân, Vũ Hối còn vẽ những bức tranh sơn dầu khác ở các thể loại phong cảnh, ấn tượng. Những tác phẩm đó đều thể hiện tấm lòng tha thiết của ông đối với quê hương, đất nước. Những tác phẩm: Cảnh Làng Quê, Con Trâu, Cầu Tre, Lũy Tre, Phố Cổ, Ven Sông, Quê Hương với dòng sông Thu Bồn, Tình Mẫu Tử, v.v… dù xa xăm nhưng vẫn ẩn trong tâm khảm. Tác phẩm Chim Bồ Câu đã nói lên sự khát khao tự do, sự yên bình, ước mơ của nhân loại.
Con đường văn nghệ của Vũ Hối mang hương thơm tình tự dân tộc nơi xứ người. Đã có biết bao người tiếp nối ông đi trên con đường thư họa. Điều làm cho ông hãnh diện và sung sướng là người con trai của ông là họa sĩ Vũ Quốc, một họa sĩ tài hoa chuyên về sơn dầu đã từng thành công trong những cuộc triển lãm. Rồi đây, họa sĩ Vũ Quốc theo con đường văn nghệ của cha, thi họa sĩ Vũ Hối và của bác ruột là cố giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ký, gieo những bông hoa đẹp cho đời.
Văn Học Nghệ Thuật quả có một sức cuốn hút lạ lùng. Hễ ai đã vướng vào nó thì cả đời khó dứt. Muốn bỏ nó để đỡ gánh tâm sức, nhưng nó lại chẳng phụ mình, đành phải theo đến cùng! Con đường nghệ thuật bất tận, mênh mông ý tưởng, đa chiều và muôn lối. Nhưng người làm nghệ thuật vẫn thích đi chung lối sát nhau, đôi khi vướng nhau vấp ngã! Chỉ có những kẻ đam mê nghệ thuật một cách say đắm mới đi trọn con đường đến cùng, dù là gian nan, trắc trở, thiếu thốn… Đó là nghệ sĩ.”

Paris 16.01.2017
Đỗ Bình

Không có nhận xét nào: