Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Tuổi Thọ - PHAN

Ai cũng biết tuổi thọ của con người ngày càng cao nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y học. Báo chí đọc mỗi ngày thường nhắc tới năm 2020, thế giới sẽ có hai triệu người trăm tuổi trở lên. Nên nhìn vào hãng xưởng bây giờ ở Mỹ, tỷ lệ người đã tuổi hưu nhưng vẫn đi làm mỗi ngày không còn hiếm hoi như xưa. Bỏ qua lý do hoàn cảnh riêng không tiện nói ra của những vị cao niên đặc biệt ấy thì cũng khó quên những ánh mắt không vui của những người trẻ bị cho nghỉ việc mà hãng xưỡng lại giữ lại những người già làm người trẻ khó chịu. Nhưng người trẻ bởi không quan tâm chuyện hãng xưởng căn cứ trên những tiêu chuẩn mà họ đề ra như: không đi làm trễ, không về sớm, không nghỉ trước báo sau gây khó khăn nhân sự cho hãng, không từ chối đi làm thứ bảy khi hãng yêu cầu<!>
 Ngoài ra, việc chấp hành những luật lệ không văn bản của những ông (bà) sếp ở mỗi hãng xưởng khác nhau, thì những người lớn tuổi lại biết giữ mồm giữ miệng để giữ việc hơn những người trẻ.
Nếu nhìn rộng hơn ở tầm mức xã hội Mỹ thì người già bây giờ không còn được hưởng phúc lợi xã hội như xưa, tiền già và bảo hiểm sức khoẻ gặp khó khăn vì cứ bị gọt dũa do kinh phí chính phủ đầu tư ngày càng nhiều vào quốc phòng theo cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Về mặt gia đình thì văn hoá phụng dưỡng cha mẹ già lu mờ đi theo đà sống mới hiện đại của lớp trẻ. Nên những người già còn sức khoẻ thường chọn cách tiếp tục đi làm thay vì về hưu để tự lực cánh sinh về cuộc sống vật chất, tự do tinh thần hơn là sống lệ thuộc vào con cái miễn cưỡng…
Hậu quả của sự thay đổi trong xã hội có nhiều người lớn tuổi còn đi làm là sự lên tiếng của giới trẻ mất việc. Đại khái là già rồi không chịu nghỉ thì việc đâu cho những người trẻ làm? Rồi ra cuộc xung đột sẽ leo thang khi chu kỳ kinh tế suy thoái trở lại sau mấy năm nay kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nên cuộc xung đột tất yếu ấy tạm lắng. Nhưng nay những dấu hiện kinh tế chựng lại trên toàn cầu chứ không riêng gì Hoa Kỳ đã đáng lo ngại…
Nhìn lại, thời đại của những người lớn tuổi nhưng không về hưu được vì công việc họ làm không có người đủ kinh nghiệm để thay thế, nên hãng xưởng đành chấp nhận chuyện một hôm nào không còn họ nữa thì đành để người ít kinh nghiệm hơn thay thế họ, rồi thì công việc được đến đâu hay đến đó! Thời đại ấy đã qua. Thời đại mới bắt đầu của những người già thiếu may mắn vì tiền già không đủ sống, đi khám bác sĩ… Con cái đầy khổ tâm nhưng bất lực dù bằng cấp hay không cũng như nhau theo xu thế thời đại không bằng cấp thì lương không đủ sống, nhưng bằng cấp càng cao thì lương càng không đủ trả tiền nợ học, chi phí cho đời sống cao của tầng lớp có bằng cấp nhưng đời sống tiện nghi lại đòi hỏi cao hơn đồng lương cao. Giới trẻ không vô tâm với cha mẹ già nhưng chỉ vì thời đại của họ đã thay đổi cách sống theo văn minh hưởng thụ.
Nên những người đã quá tuổi về hưu nhưng còn phải đi làm như mặt trái của tuổi thọ theo văn minh phương tây coi trọng con nít, phụ nữ, con chó, rồi mới tới đàn ông. Và văn hoá phương đông thì không có lời chúc tốt đẹp nào hơn lời chúc thọ. Nhưng phải chăng những quan niệm ấy đã lỗi thời khi nhìn vào mặt trái của việc sống thọ và hậu quả. Như một lần tôi từ Sài gòn về thăm nhà bất tử dưới quê. Mẹ tôi nói với tôi, “sẵn con về, sẵn xe, đưa mẹ ra chùa giúp. Mẹ có việc cần đi chùa ngay mà mấy đứa cháu chả biết chúng đi hết cả rồi!”
Đến chùa. Tôi cứ chăm chăm nhìn một bà cụ ngồi ở góc sân chùa một mình như khúc gỗ mục. Tôi không thể nhớ ra được cụ là ai, không đoán được cụ đã bao nhiêu tuổi? Còn thấy đường hay đã mù? Còn nghe, nói được hay đã câm điếc? Còn nhớ được gì không hay đã không còn biết mình là ai? Tôi chỉ biết cụ còn sống vì còn hơi thở nhẹ mềm áo vải…
Bỗng người bạn nhỏ từ hồi tiểu học đến vỗ vai tôi, “…đã lâu không gặp thằng bạn mình.” Chúng tôi trò chuyện mới biết ra bà cụ là bà nội của người bạn học chung với chúng tôi từ tiểu học. Sau biến cố tháng tư ở quê nhà, cha bạn tôi là lính nhưng không về nữa. Mẹ bạn tôi dẫn hai con nhỏ về quê ngoại ngoài miền trung. Bà nội ở lại nhà chăm sóc ông nội vì ông không chịu đi đâu hết. Rồi ông cũng đã mất, bà sống một mình tới khi không tự chăm sóc được cho mình nữa thì những người hàng xóm đưa bà ra chùa nhờ những sư cô chăm sóc…
Thời gian đồng loã với hủy hoại nên tôi không nhận ra được bà vì khi tôi còn là đứa trẻ con trong xóm làng thì tóc bà đã trắng như mây. Giờ ngồi nhớ lại chuyện xóm làng thì bà cụ vẫn còn ám ảnh tôi về việc sống thọ quá là phúc hay hoạ?
Những trang báo đọc mỗi ngày, thỉnh thoảng lại gặp những người sống thọ quá hoá thương tâm khi không hiểu được lý do vì sao mình sống hoài không chết trong khi con cháu chết trước với đủ thứ lý do như chiến tranh, bệnh tật ở những nước nghèo và bất ổn chính trị. Như ông cụ 106 tuổi ở Ukraine đã trả lời phóng vấn báo chí, “Tôi không biết sao tôi không chết, khi đói nghèo từ nhỏ. Bằng chứng là khi còn nhỏ không có gì ăn sáng nên tôi ăn sống một cái củ hành trắng vì nhà trồng được. Tôi vẫn ăn một củ hành sống cho tới bây giờ vì sáng ra vẫn không có gì để ăn…”
Tôi cứ hình dung ra ông cụ ăn xong cái củ hành mỗi sáng rồi ngồi nhớ con cháu đã chết vì chiến tranh, bệnh tật không thuốc men… thì sống thọ là phúc hay hoạ?
Ngay người Việt sống trên nước Mỹ với những điều kiện sống và điều kiện chăm sóc sức khoẻ được hơn hẳn ở quê nhà thì cũng không phải ai cũng mong sống trường thọ. Tôi có quen biết anh chị bạn ở địa phương từ hai mươi năm qua. Khi ấy anh chị bước vào tuổi sáu mươi, con gái mới lập gia đình nên ông bà trẻ vui lắm; gia đình càng vui như một bức tranh bốn đời ở chung nhà khi anh chị còn cha mẹ ở tuổi tám mươi…
Nhưng nay thỉnh thoảng ghé thăm anh chị và hai bác, tôi ra về thường suy nghĩ miên man mà phần tiêu cực lấn át tích cực. Bởi con cháu ở nhà riêng theo đời sống Mỹ. Rồi con cái bận học, cha mẹ bận làm, đâu có về thăm ông bà ngoại, ông bà cố thường xuyên. Nên nhà không người dọn dẹp trong ngoài cho khang trang như xưa anh còn khoẻ, chị còn mạnh. Nay nhìn cảnh ông bà già tám mươi cứ một tiếng “dạ má” hai tiếng “dạ ba” đã trăm tuổi đời. Nhưng “dạ” để đó chứ có làm được đâu nên dạ như hát cho nhau nghe qua ngày…
Cả bốn người đều cần được chăm sóc trong viện dưỡng lão, nhưng tình nghĩa, truyền thống, không dứt áo nhau được nên khổ chung trong gian nhà ngày càng âm u, nặng mùi người già.
Anh bạn vẫn ra ngồi với tôi ngoài patio sau nhà anh như hai mươi năm trước mỗi lần tôi ghé thăm. Nhưng tiếng cười mãn nguyện của anh về ơn trên, gia đình, con cái; chai bia bọt tràn nên uống vội để khỏi uổng nghe mảy, nghe mày… Bây giờ chỉ còn nghe anh thở dài khi chị gọi, “anh vô tắm rửa cho ba đi anh. Tối rồi.” Anh tám mươi còn tự tắm cho mình được đã là, huống hồ…
Về đọc báo về tuổi già. Các nhà khoa học nói gene di truyền có tác động đến tuổi thọ của con người. Song vẫn còn nhiều điều khoa học chưa hiểu được về sự sống thọ của người này khác người kia là sao? Khoa học muốn tìm ra bí quyết của tạo hoá để nâng cao tuổi thọ con người hơn nữa… Giả sử hôm nào báo chí rùm beng về viên thuốc trường sinh ra đời sau bao nhiêu năm viên thuốc ngừa thai trình làng đã làm thay đổi xã hội truyền thống, thì viên thuốc trường sinh ra đời sẽ đưa nhân loại đi về đâu?
Đọc những trang báo phỏng vấn bí quyết sống thọ của những người tên tuổi thật khả kính như:
Cụ Randolph Hokanson là giáo sư, nghệ sĩ dương cầm người Mỹ, hiện đang 103 tuổi. Cụ khuyên mọi người cứ tiếp tục làm những gì bạn yêu thích vì đam mê và sống hết mình với niềm đam mê là sức khỏe, là hạnh phúc với nhiệt huyết không dừng. Cụ nói, “Tôi không có thời gian rảnh bởi tôi luôn làm việc không ngừng. Tôi nghĩ điều này buộc tôi phải thật khỏe mạnh để theo đuổi công việc tôi đam mê nên khi 90 tuổi, tôi vẫn có thể làm việc được. Đó là điều tôi không dám mơ đến trước kia, nhưng nay tôi hãnh diện là người già may mắn nhất thế giới khi vẫn còn đi đứng được bằng đôi chân của mình.”
Frank Handlen là hoạ sĩ người Mỹ đã 101 tuổi cho biết, “Bác sĩ tim mạch của tôi nói: Cụ Frank à, cháu muốn có được những gì cụ đang có. Tôi đáp: Nếu mà biết điều đó là cái gì thì chắc tôi đã được cấp bằng sáng chế lâu rồi, bởi tôi có gì đâu ngoài bệnh tật. Tôi đã bị cắt túi mật, bị làm phẫu thuật hở van tim, đau tim, đột quỵ, suy tim sung huyết, và bây giờ còn phải sử dụng máy rung tim… Tôi không biết nó là gì? Tôi không biết phải giải thích như thế nào? Chỉ là không có bất kỳ căng thẳng nào trong đời khiến tôi cảm thấy bực dọc. Tôi sống cuộc sống quá đỗi yên bình. Lần duy nhất tôi thực sự nổi giận là khi đang lái xe, nhưng ý thức của mấy người xung quanh rất tệ! Tôi nghĩ có một từ có thể giải thích được tuổi thọ. Đó chính là: thái độ. Bạn phải sống thật năng động và tích cực, ngay cả khi mọi chuyện không diễn ra theo cách mà bạn muốn. Tôi nghĩ rằng nếu bạn cứ mặc kệ bản thân buồn rầu và nuối tiếc, thì sẽ lãng phí rất nhiều năm tháng trong cuộc đời bạn.”
Norman Lloyd là tài tử, đạo diễn và nhà sản xuất phim người Mỹ, 103 tuổi cho biết, “Tôi đã rất may mắn tìm được cho mình người bạn đời vào 63 năm trước, và tôi tin rằng cuộc hôn nhân mỹ mãn của chúng tôi kèm thêm những buổi trò chuyện hàng đêm đã giúp tôi sống lâu hơn.”
Kirk Douglas cũng là tài tử, nhà sản xuất, đạo diễn và nhà văn người Mỹ, 101 tuổi đã cho biết, “Chìa khóa dẫn đến cuộc sống hạnh phúc có lẽ là sống đủ lâu để nhìn lại những điều xảy ra, vì những lo toan luôn cản trở tôi thực hiện những dự định và ước mơ của mình…”
Henry Morgenthau III, tác giả và nhà sản xuất các chương trình truyền hình người Mỹ, hưởng thọ 100 tuổi và qua đời ngày 10/07/2018 cho biết, “Toàn bộ bí quyết trong cuộc sống của tôi chính là sự điều độ, mỗi thứ chỉ cần một ít là đủ…”
Jessie Lichauco, nhà từ thiện người Cuba, 106 tuổi cho biết, “Câu thần chú của tôi mỗi sáng sớm thức dậy là: Đây sẽ là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Làm như vậy khiến tôi có thể đối mặt với tất cả mọi điều. Chân lý của tôi dành cho cuộc sống này là: Không có gì mà bạn không thể làm được…”
Tao Porchon-Lynch đã 100 tuổi. Bà cho biết, “Hàng ngày tôi thức dậy cảm thấy vô cùng biết ơn cuộc đời! Tôi vẫn còn sống lành lặn, mắt vẫn sáng, tai vẫn còn nghe rõ được xung quanh. Đó cũng là một lý do khiến người ta nghĩ đến là đã thấy hạnh phúc rồi. Còn về bệnh tật, nó là một phần của cuộc sống. Bạn sẽ phải trả giá cho cuộc sống của mình, và tôi thiết nghĩ, những gì bạn phải trả giá trên đường đời để biết được bản thân mình may mắn đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào việc cuộc đời bạn dài hay ngắn…” Bà là bậc thầy về Yoga.
Herman Wouk, nhà văn Mỹ đoạt giải thưởng Pulitzer American, sống thọ 103 tuổi đã nói, “Thành thật mà nói tôi không có bí quyết gì hết. Tôi chỉ đơn giản là ưa chạy bộ và đi bộ. Tôi đã tập yoga để luyện tập hít thở từ khá lâu trước khi yoga trở nên thịnh hành như bây giờ. Tôi rất thích thức dậy lúc 5:30 mỗi sáng và chạy bộ đến chợ Original Farmer để thưởng thức một tách cà phê tại quán Charlie’s Coffee rồi sau đó chạy về nhà…”
Patricia Morison, diễn viên, ca sĩ người Mỹ 101 tuổi cho biết, “Sống thọ là điều tuyệt vời. Trước khi bước sang tuổi 60, họ có thể nỗ lực làm việc vì gia đình và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên khi về già, chúng ta nên cố gắng đóng góp chút gì cho xã hội. Tôi đã trở thành thiện nguyện viên khi bước sang tuổi 65. Tôi vẫn làm việc 8 giờ mỗi ngày và bảy ngày một tuần, và tôi mến yêu từng phút giây trôi qua đó…”
Ngẫm lại những người trăm tuổi được báo chí phỏng vấn đều là giới trí thức và tương đối khá giả khi về già, lại thêm việc có (còn) sức khoẻ của họ như cọp mọc thêm cánh nên tuổi thần tiên của họ thật đáng ngưỡng mộ. Trong khi giới lao động bình dân như người lính cũ trong hãng tôi đang làm đã sáu mươi bảy tuổi. Sáng hôm qua trở trời. Vào phòng thay đồ làm tôi còn ngái ngủ nên chẳng trò chuyện với ai, chỉ nghe chị sáu mươi ba tuổi kia trò chuyện với ông…
“Nghe giọng ông sáng nay là dính cúm rồi đó! Sáng đi làm có uống mật ong với chút chanh, chút gừng gì không?”
“Biết. Tui biết từ hôm qua là dính rồi! Tự nhiên thấy ớn ớn lạnh, mất tiếng từ trưa hôm qua. Nhưng sáng nay dậy làm biếng quá! Oải tới muốn nghỉ, nhưng hết ngày nghỉ rồi nên phải đi làm. Thôi. Chiều về uống…”
“Trời ơi! Già rồi thì phải biết lo thân. Thấy không xong thì đi uống ly mật ong nóng với chanh, hay gừng liền cho nó giải cảm….”
“Ôi. Chết được thì mừng. Khỏi đi làm nữa. Chán quá rồi chị ơi!”
“Trời ơi! Cái dòng chết không chết mà ngáp ngáp mới không ai lo…”
“Mẹ nó. Hồi trẻ. Tui sống sót được sau trận Hoàng Sa. Tới được về nhà nghỉ phép vài bữa. Má tui cúng nguyên con heo quay. Bây giờ. Chết được. Tui cúng nguyên con bò thui cũng vui lòng…”
Câu chuyện của hai người già đọng lại trong tôi có lẽ sẽ hết quỹ thời gian còn lại cũng không quên hai người bạn già vì đó là tương lai của người lao động Mỹ khi về già. Có lẽ những người già minh mẫn nhất là những người không quan tâm tuổi thọ, mà chỉ cầu nguyện sự ra đi nhẹ nhàng, nhanh gọn để bản thân không đau đớn, con cháu không phiền hà…
                                                   
Phan

Không có nhận xét nào: