Con thoi kéo sợi tơ vàng, theo tay dệt của người Hà Đông đã từ nghìn năm nay. Những thớ lụa mềm mại, óng ả, từ trong cung đình ra đến thế giới và trong cả thơ ca.Cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, Làng lụa Hà Đông còn được gọi là làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm, từng được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng lụa Hà Đông vẫn giữ trong mình nét đẹp của một làng nghề truyền thống.
<!>
Theo các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy nghề dệt làng Vạn Phúc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 9. Tương truyền, cách đây khoảng hơn 1100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành Vạn Phúc) đã có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, và dệt lụa. Sau khi mất, bà được người dân trong vùng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ ngày nay vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ – chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.
Trải qua các giai đoạn phát triển, lụa Vạn Phúc đã khẳng định được danh tiếng của mình, từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt các sản phẩm tơ lụa của làng được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn (1802 – 1945). Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ Marseille (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo ở Đông Dương. Từ 1990, lụa Vạn Phúc xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc dù mang dáng vẻ khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố Lụa luôn tấp nập du khách nhưng vẫn giữ lại ít nhiều nét cổ kính của làng quê Việt xưa với cây đa cổ thụ, giếng đá ong, mái đình làng, và những bàn thờ lễ tổ…
Hiện nay làng có 8 nghệ nhân, 164 gia đình sản xuất và kinh doanh với khoảng 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm. Để làm nên những sản phẩm tơ lụa đặc sắc, người thợ ở làng lụa Vạn Phúc phải thực hiện một quy trình sản xuất rất công phu. Đầu tiên, người ta cho kén tằm vào xoong đun sôi lên, sau đó lấy đũa khoắng đều rồi lọc cho vào vay. Sau đó guồng tơ ra ống để mắc cửi nối vào khung dệt và dệt. Mỗi người một công đoạn, người dệt, người guồng tơ, người suốt, người mắc cửi dệt, dệt xong rồi nhuộm. Bình quân mỗi ngày dệt được 5 đến 6m vải. Lụa Hà Đông tinh xảo, độc đáo là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của người dân Vạn Phúc.
“Mặc mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm”, đây là câu nói mọi người thường nói để chỉ về cái hay của lụa Vạn Phúc. Có được điều này bởi vì, lụa được dệt hoàn toàn từ 100% sợi tơ tằm nguyên chất của Việt Nam. Phần dệt vào lụa hay còn gọi là tơ nõn, được lấy ở đoạn giữa của con kén, cho nên sợi tơ vừa óng, vừa mềm mại, lại vừa đều. Sợi tơ được se từ 6 sợi lại với nhau, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, sợi tơ ở đây đạt đến độ hoàn mỹ, hiếm có nơi nào khác có được. Ngoài ra, công đoạn nhuộm màu cũng đòi hỏi người thợ ở đây sự tỉ mỉ và cẩn thận. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên màu nhuộm không có một công thức chính xác mà phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề mới có thể tạo ra những màu sắc đẹp mắt.
Bên cạnh kỹ thuật dệt tơ, nhuộm màu, những người thợ dệt nơi đây còn có một kỹ thuật khác vô cùng đặc biệt, có thể coi là bí quyết, đó chính là trang trí lụa. Các nghệ nhân thổi hồn vào những tấm lụa, làm ra những loại lụa độc đáo mang nét đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu của lụa Vạn Phúc.
Nói đến lụa Vạn Phúc, nổi tiếng nhất chính là lụa Vân. Lụa Vân là sản phẩm nghệ thuật, vì phải trải qua nhiều công đoạn, chủ yếu là làm thủ công. Lụa Vân có đặc điểm trông rất trong nhưng lại không già, không nhăn, rất thưa nhưng lại không bị mỏng. Mảnh vải lụa giơ lên trông như chiếc quạt giấy mà người ta trông thấy hàng vạn lỗ nhỏ nhưng không bao giờ bị rách. Đấy là điểm đặc biệt. Có nhiều nơi làm lụa tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu làm lụa Vân nhưng không thể làm được. Cho đến bây giờ chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa Vân.
Trải qua biết bao thế hệ, với thương hiệu nổi tiếng, làng lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống của một làng nghề có lịch sử gần 1.200 năm. Chính sự tỉ mỉ, chau chuốt và sáng tạo với đôi tay khéo léo của các nghệ nhân tài hoa đã đưa lụa Hà Đông mang hồn Việt vươn ra thế giới.
“Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắnGiữ hộ anh màu áo lụa Hà ĐôngAnh vẫn yêu màu áo ấy vô cùngGiữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”…(Áo lụa Hà Đông – Nguyên Sa)
Tâm Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét