Chị mất, em vẫn chưa về quê dưới bóng cờ vàng. Bàng hoàng, nhưng đành cúi đầu chấp nhận. Chị cũng đã sống trên đời này được bảy mươi bảy năm. Một quãng đời khá dài. Khi chị bước qua tuổi bảy mươi, em đã tự dặn lòng rằng có ngày hung tin sẽ đến. Và ngày đó đã đến. Chị lặng lẽ ra đi sau hơn bốn mươi năm chứng kiến cảnh miền Nam đổi chủ. Có lẽ chị đã quá chán chường khi thấy cảnh quân cướp nước hàng năm cứ vào tháng Tư lại ăn mừng trên xác người và trên những tang thương đổ nát do chúng gây ra. Nên năm nay, 42 năm sau ngày miền Nam thất thủ, chị quyết định ra đi bốn ngày trước khi chúng mở tiệc ăn mừng.<!>
Chị đi, em mất một người chị kính yêu, một người chị rất mực thương em, đã từng che chở, đùm bọc cho em những ngày niên thiếu và cho đến cả lúc trưởng thành. Tháng 5 năm 1975 nếu không có chị chắc em đã trở về cát bụi. Hơn sáu mươi năm đầu đội trời, chân đạp đất, trước em nợ ơn Phật Trời, ơn cha mẹ, sau nợ ơn chị. Một cái ơn không bao giờ trả được.
Những gì em làm cho chị quá nhỏ so với những gì chị đã ban cho em. Em biết mình thiếu sót trăm bề, nhưng em tin vào lòng từ ái bao dung của chị. Chắc chị sẽ thông cảm và tha thứ cho thằng em út đã sống qua một chặng đời tự đánh mất chính mình. Khi em tìm lại được em chưa bao lâu thì chị lại ra đi.
Sinh ký, tử quy. Em không biết làm sao... chỉ biết nguyện cầu cho chị sớm về chân Phật. Nhưng em lại ngại tiếng kinh cầu của em sẽ không hiệu quả bằng tiếng kinh cầu của các bậc chân tu và chị sẽ không chóng siêu thoát.
Em nghĩ em sẽ yên tâm khi đưa chị vào được một cảnh chùa nào đó cho chị gần gũi với Phật Trời hơn. Thôi thì, theo tục lệ ông bà để lại, em sẽ làm như những người đi trước đã làm.
Sáng nay, một ngày chủ nhật đẹp trời, vừa quá lễ thất tuần của chị vài ngày, ôm bức ảnh nhỏ của chị vào lòng, em đưa chị đến chùa Hoa Nghiêm, một ngôi chùa khá khang trang tại nơi em đang ở.
Trùng với ngày Từ Phụ (Father's Day), xe đậu kín bãi, không còn một chỗ. Vào đến chính điện mới biết đang có lễ cầu siêu. Có tiếng khóc của ai đó nghe thật não lòng. Giống như em đã khóc sướt mướt ngày nghe tin chị mất. Nhìn những dãi khăn tang phủ xuống lưng áo của những người đang sì sụp lạy, em thấy đời thật quá mong manh. Đông đảo thế này, chắc em sẽ khó có cơ hội xin được cho chị an vị hôm nay.
Nghiêng đầu nhìn vào phòng trực đang hé cửa, thấy có một viên chức đang ngồi tại bàn giấy, em mừng. Như vậy là chắc được rồi. Em kính cẩn trình bày với viên chức của chùa rằng em xin được gửi ảnh chị tại đây để chị được kề bên chân đức Phật, hàng ngày nghe tiếng kệ câu kinh. Viên chức đó ngước lên nhìn rồi đưa cho em tờ “Đơn Ký Linh”, nói “anh điền vào các chỗ trống trên đơn này rồi đưa cho tôi. Lệ phí gửi ảnh người quá vãng để thờ tại chùa là 300 đô la một năm”. Viên chức ấy còn mạnh dạn nói thêm với phong cách của một saleman "Để ảnh ở đây tốt lắm! Các thầy tụng kinh hàng ngày..." Em lặng người trong giây lát khi nhớ đến những ngôi chủa tuổi nhỏ tại quê hương, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Giác Sanh, những ngôi chùa em đã từng ghé đến mà có bao giờ nghe ai nói phải làm đơn xin được đưa ảnh người chết vào chùa để thờ đâu! Và lại còn có ra giá hẵn hòi nữa chứ, ba trăm đô la một năm! Nếu một người nào đó không có tiền đóng lệ phí thì sao, hồn thân nhân của họ rồi có siêu thoát được hay không?
Ngày nghe tin chị mất, em lặng người. Ngày đưa chị lên chùa, em cũng lặng người. Nhưng lặng người lần này không phải vì đau xót mà vì ngỡ ngàng khi lần đầu trong đời nghe hai chữ “giá cả” ở chốn thiền môn. Giá mà viên chức của chùa Hoa Nghiêm nói “lệ phí tùy hỉ, thí chủ có thể cúng dường theo khả năng” thì đẹp biết bao! Thôi, nếu em không tìm được một cảnh chùa nào khác để đưa chị đến thì chắc em sẽ đưa chị về nhà, và em sẽ tự đọc kinh cầu cho chị. Em chỉ sợ khi chị còn sống, em đã không tròn bổn phận của một người em, bây giờ, chị mất, thêm một lần nữa em lại không làm tròn bổn phận với chị thì thật đáng tội biết bao.
Không dám thẳng thừng nói “không” với viên chức của chùa Hoa Nghiêm, em chỉ nói “Cảm ơn bà. Tôi xin được mang đơn này về nhà điền rồi sẽ trở lại sau”. Ôm bao thư đựng di ảnh chị ra xe, trên đường về, nhìn tờ “Đơn Ký Linh”, những hàng chữ “Đã mua Hậu ngày....”, rồi nhớ giá tiền phải trả là ba trăm đô la, em cứ tưởng mình đang nằm mơ. Chẳng lẽ chùa chiền bây giờ đều như thế thôi sao?
Chị yên tâm. Em sẽ tiếp tục tìm cho chị một ngôi chùa khác. Em nghĩ chắc hồn chị cũng sẽ không vui khi em trai của chị bắt chị phải ở lại một ngôi chùa sặc mùi buôn thần bán thánh. Em sẽ vui lòng cúng dường ba trăm đô la một năm hoặc hơn nếu ngôi chùa nào đó sẵn sàng tiếp nhận chị mà không buộc em phải điền đơn hay ra giá cả. Cửa thiền là nơi từ bi hỷ xả, mà đã nói từ bi hỷ xả thì không thể ra giá cả hoặc đặt điều kiện với tính cách đổi chác, thương mãi. Xưa nay bất cứ tín hữu nào cũng biết mình phải tự giác đóng góp cho chùa theo khả năng và đó đã là một hợp đồng bất thành văn, một truyền thống cao quý của người Phật tử.
Sống khôn, thác thiêng, rồi chị sẽ dẫn lối đưa đường cho em đến một cảnh chùa nào đó cho em yên lòng nhìn thấy chị dưới chân Phật trong nụ cười mãn nguyện. Cảnh chùa đó chắc chắn không xa.
vđt
Father's Day 2017
Thử làm một bài tính nhỏ:
- Diện tích mỗi bức ảnh: 2 inch x 3 inch = 6 inch vuông (nhiều bức có diện tích nhỏ hơn, nhưng cứ tính 2 x 3 cho tiện).
- Bức tường vuông dán ảnh người quá vãng mỗi cạnh 8 ft (96 inches) có diện tích: 96x96 = 9,216 inch vuông.
- Số lượng ảnh dán trên bức tường: 9,216 / 6 = 1,536 bức ảnh.
- Lệ phí chùa thu vào cho việc dán ảnh người quá vãng: 1,536 x $300 = $460,800.00 (four hundred sixty thousand eight hundred dollars).
Như vậy, không kể tiền khách thập phương cúng dường cho chùa và những món tiền đóng góp khác, mỗi năm chỉ tiền lệ phí dán ảnh cho bức tường 8ft x 8 ft đó cũng đã mang lại gần nửa triệu đô la cho chùa!
Con số gần nửa triệu này nảy ra 2 vấn đề không thể không đề cập đến:
1/ Nếu chùa không làm "invoice" chính thức bán chỗ dán hình cho mỗi thân chủ với "sale receipt" hẵn hòi thì $460,800.00 này sẽ không được xem như "business income" mà chỉ là "charitable contribution", và như vậy chùa sẽ không phải đóng thuế lợi tức. Còn gì hay hơn?
2/ Nếu chùa làm "invoice" và "sale receipt" thì chùa đâu còn là chốn thiền môn nữa mà chỉ là một nơi mua bán!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét