Sau ngày Tổng thống Donald Trump làm chủ Tòa Bạch ốc, ngày 24/05/2017, lần đầu tiên tàu khu trục USS Dewey Hoa Kỳ trang bị đầy đủ hỏa tiễn đi tuần tra Biển Đông. Đặc biệt, khi tuần tra, USS Dewey đã áp sát vùng biển xung quanh khu vực Đá Vành Khăn, chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng thành đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự, khiến nhiều người chú ý.<!>
Mấy ngày sau, từ 02 đến 04/06, tại Tân Gia Ba đã diễn ra cuộc Đối thoại Shangri – La 2017 (lần thứ 16). Một trong những vấn đề được quan tâm tại Đối thoại Shangri-La 2017 là chính sách Châu Á của Tổng thống Donald Trump sẽ ra sao?
Donald Trump trở về Châu Á?
Sau một thời gian “án binh bất động” do chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ đối với Châu Á, ngày 24/05, tàu khu trục USS Dewey của hải quân Mỹ trang bị đầy đủ hỏa tiễn lại tuần tra Biển Đông nhằm “đảm bảo tự do hàng hải trên biển và tự do đi lại trên không”. Trong khi tuần tra, tàu này đã tiến sâu vào 12 hải lý xung quanh khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, xây dựng đảo nhân tạo, trên đó có sân bay cũng như căn cứ quân sự. Ngày 25/05, tàu khu trục USS Dewey lại diễn tập cứu hộ thủy thủ đoàn bị rơi xuống biển khi đi vào khu vực 12 hải lý quanh khu vực Đá Vành Khăn
Kể từ tháng 01/2017, sau khi Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, hải quân Hoa Kỳ từng 3 lần đề nghị tuần tra vùng biển nơi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo để bảo đảm an ninh trên các tuyến đường hàng hải, nhưng ngài tổng thống phủ quyết, bây giờ tàu khu trục USS Dewey đột nhiên xuất hiện, nhiều người mới chú ý đến.
Ngày 24/05, tờ The Wall Street Journal loan tin, tàu khu trục USS Dewey đã đi sâu vào 12 hải lý quanh khu vực Đá Vành Khăn. Đây được xem là thách thức đầu tiên của chính phủ Donald Trump đối với dã tâm bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, các tàu tuần tra “đảm bảo tự do hàng hải trên biển và tự do đi lại trên không” thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được tiến hành dưới thời Donald Trump, sau 3 lần bộ chỉ huy hải quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch tuần tra khu vực này, vẫn bị ông hủy bỏ.
Như quý độc giả Thời Báo đã biết, trước và sau khi trở thành Tổng thống, ông Donald Trump thường tuyên bố hủy bỏ những gì tổng thống đời trước là ông Barak Obama đưa ra. Trong một video công bố ngày 21/11/2016, Donald Trump cho biết, ngay trong ngày nhậm chức (20/01/2017), ông sẽ ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Obama đề ra nhằm đạt được mục tiêu cho các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2011 tại Hoa Kỳ. Sau khi đắc cử ông Trump đã rút ra khỏi TTP. Ngày 24/03/2017, Donald Trump lại yêu cầu Hạ Viện thông qua dự luật mới vể bảo hiểm y tế nhằm thay thế luật bảo hiểm y tế do Obama đề xuất được gọi là Obamacare. Tuy nhiên, ông Trump đã thất bại vì số phiếu ủng hộ ông quá ít … Bây giờ đến lượt tuần tra Biển Đông, sau 3 lần không đồng ý, lần này ông phải để hải quân Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông.
Dư luận cho rằng, Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh khu vực Đá Vằnh Khăn Trung Quốc chiếm đóng, để cảnh báo Bắc Kinh: Hoa Thịnh Đốn không đồng ý Trung Quốc xây dựng đảo trái phép vì nó thuộc vùng biển quốc tế (theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982).
Trước đó, đầu tháng 05/2017, một số ông bà nghị trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ gửi một lá thư cho Trump với nội dung: Từ tháng 10/2016 đến nay, hải quân Hoa Kỳ không tuần tra tự do đi lại ở Biển Đông. Lá thư này hối thúc chính phủ ông Trump chú ý đến việc thường xuyên tuần tra tự do đi lại trên biển lẫn trên không tại Biển Đông, bởi vì, đó là vùng biển quan trọng đối với các lợi ích an ninh quốc gia Hoa Kỳ và hòa bình tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong thư, các ông bà nghị đồng ý bản đánh giá mới đây của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông để kiểm soát khu vực này. Họ vạch ra nhiều việc làm trái phép của Bắc Kinh như xây đảo nhân tạo, quấy rối các tàu đánh cá, tàu thương mại, không cho phép máy bay và tàu thủy qua lại trên không phận và lãnh hải quốc tế, khiến nhiều người lo ngại.
Ngũ Giác Đài chưa xác nhận các hoạt động tuần tra và diễn tập của hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong một buổi họp báo, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Gary Ross, cho biết: Hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ công bố văn bản tóm tắt các hoạt động này trong báo cáo thường niên.
Ông Ross khẳng định: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, hàng không định kỳ như đã làm trước kia và sẽ làm trong tương lai”.
Trong khi đó, ngày 25/05, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường lại “mồm loa mép dải”: Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ cho tàu khu trục USS Dewey tuần tra ngày 24/05. Đồng thời khẳng định, hành động đó không mang lại lợi ích cho hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 25/05, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết, ngày 25/05, hải quân Trung Quốc đã điều động hai tàu hộ vệ hỏa tiễn Liuzhou và Luzhou “nhận dạng, kiểm tra, cảnh cáo và trục xuất” tàu khu trục hỏa tiễn USS Dewey của Mỹ.
Nhậm Quốc Cường còn lớn tiếng nói rằng: “Hành động phô trương sức mạnh của quân đội Mỹ có thể dẫn đến những ‘tai họa’ trên không và trên biển. Hành động sai lầm của quân đội Mỹ chỉ thúc đẩy quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh …” (?).
Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng!
Đối thoại Shangri – La 2017
Đối thoại Shangri – La còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (The Shangri-La Dialogue – SLD hoặc The IISS Asia Security Summit) với sự có mặt của đại diện 27 quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước hội viên Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước ngoài ASEAN như: Anh Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn, Đức, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Úc Đại Lợi…
Đối thoại Shangri-La được IISS lấy ý tưởng từ Hội nghị An ninh Munich do tình hình an ninh khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường, cần có một nơi để các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng, an ninh, các chuyên gia cùng các học giả các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngồi lại với nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh.
Đối thoại Shingri – La là sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Tân Gia Ba và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Anh. tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La, Tân Gia Ba. Tại đây, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng, an ninh, các nhà nghiên cứu cùng các học giả các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có cơ hội lắng nghe, nghiên cứu và nắm bắt chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Qua đó, các bên liên quan có thể đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng tìm cách giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực, mâu thuẫn giữa các nước bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong những năm qua, thông qua đối thoại, nhiều đề xuất đưa ra nhằm thúc đẩy các sáng kiến an ninh quan trọng, bao gồm an ninh hàng hải ở eo biển Malacca, gia tăng vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ, xây dựng an ninh khu vực, cứu trợ nhân đạo, thiên tai, thỏa thuận “không sử dụng vũ lực” ở Biển Đông… Bởi vậy, Đối thoại Shangri-La đã và đang khẳng định được uy tín của mình với danh nghĩa là nơi đối thoại những vấn đề an ninh quan trọng.
Ngày 02/06, Thủ tướng Úc Đại Lợi Malcolm Turnbull đã đọc diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La 2017.
Dịp này, đại diện các nước tham dự đã thảo luận các chủ đề: Hoa Kỳ và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Duy trì trật tự trong khu vực; Thách thức mới đối với khủng hoảng ở Châu Á – Thái Bình Dương; Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Đối thoại Shangri – La 2017 còn bàn đến các vấn đề được coi là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như: Nguy cơ vũ khí nguyên tử ở Châu Á – Thái Bình Dương; Các hình thức hợp tác an ninh mới; Tác động của công nghệ mới đối với quốc phòng hay các biện pháp tránh xung đột trên biển …
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Á Hishamuddin Tun Hussein kêu gọi: “Để đối mặt với những thách thức và khó khăn, các nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phải phản ứng mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Điều quan trọng là phải kiên quyết, thống nhất và trung thực. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, tương lai của con cháu đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có thể đem lại hòa bình, hòa hợp hoặc tàn phá hay gây đau khổ cho thế hệ con cháu sau này” …
Trong dịp Đối thoại Shingri – La 2017 họp ở Tân Gia Ba, các nước Hoa Kỳ, Pháp đều cử Bộ trưởng Quốc phòng đến tham dự, trong khi đó Trung Quốc chỉ cử một viên tướng 2 sao. Nhiều người đặt câu hỏi “tại sao?”. Lý do vì, năm 2011, Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đến tham dự. Tại đây ông đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các nước liên quan về thái độ ứng xử của Trung Quốc đối với Biển Đông. Để tránh trường hợp tương tự, từ năm 2012 trở đi, Bắc Kinh hạ cấp quan chức tham gia để khỏi phải… nghe chửi.
Posted by: HB <81251tlxt com="" gmail.="">81251tlxt>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét