Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Vấn đề Cảng Cam Ranh - Nguyễn Trọng Dân

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Vào khoảng ngày 8 tháng Ba năm ngoái, Cộng sản Việt Nam loan báo cho khánh thành cảng quân sự quốc tế Cam Ranh. Khoảng 89 triệu Mỹ kim được CSVN tung ra tu sửa chỉnh trang để Cam Ranh có khả năng nhận tu sửa tiếp liệu cho khoảng 185 chiến hạm mỗi năm, cũng như có thể tu sửa tiếp liệu cho 18 chiến hạm cùng một lúc (1). Quyết định tu sửa này được cho là vào tháng Chín năm 2014, diễn ra sau chuyến viếng thăm Cam Ranh của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là ông Panetta vào tháng Sáu năm 2012 (2).<!>

Trong chuyến viếng thăm này, bộ trưởng Panetta khẳng định quyền sử dụng cảng Cam Ranh là điều kiện tiên quyết để củng cố mối quan hệ quốc phòng Mỹ Việt và ông Panetta còn tin rằng, "tương lai đó sẽ không xa." Xin được lưu ý ông Panetta đã từng là giám đốc cơ quan tình báo CIA trước khi trở thành bộ trưởng quốc phòng. Điều đó có nghĩa ông Panetta là một người không bao giờ có thói quen khẳng định bừa bãi nếu ông không có nắm chắc cụ thể tin tức tình báo tối mật về hướng hợp tác thuê mướn cảng Cam Ranh trong tương lai sẽ xảy ra như thế nào. 

Ông Panneta còn khẳng định thêm một chi tiết rất quan trọng là vào năm 2020, sẽ có khoảng 60% lực lượng Hải quân của Hoa Kỳ đồn trú thường trực tại châu Á. Điều này có nghĩa là 60% của trên dưới hơn 280 đại chiến hạm, hơn quá nửa trong tổng số 11 hàng không mẫu hạm (HKMH) của Hoa Kỳ sẽ thường xuyên đồn trú tại nơi này. Với một lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới và đông đảo như vậy thường xuyên có mặt tại châu Á, vài trò tiếp liệu sửa chữa cũng như trấn đóng của Hoa Kỳ tại cảng Cam Ranh lại càng cần phải có, do cảng Cam Ranh án ngữ ngay giữa đường biển Nam Bắc của Thái Bình Dương, từ Úc lên đến Nhật. Tập trung một lực lượng hải quân hùng hậu mà không chịu hay không thể kiểm soát Cam Ranh tức là hở be sườn hoàn toàn không thể chấp nhận được trừ phi Hoa Kỳ muốn oanh tạc nát bét cảng Cam Ranh như đã từng thực hiện vào thời đệ nhị thế chiến.


Như vậy, quyết định tu sửa cảng quân sự Cam Ranh để khả năng tiếp liệu tu sửa dành cho hải quân của cảng được mở rộng không thể nào không có sự quan sát dòm ngó và cố vấn một cách kỹ lưỡng của người Mỹ. Việt Nam hiện tại không đủ trình độ kỹ thuật để tu sửa cảng Cam Ranh sao cho thuận lợi cho nhu cầu của lực lượng hải quân hiện đại. Xin lưu ý là Việt Nam hiện còn không có tàu tuần duyên để sử dụng mà phải nhờ lực lượng duyên hải của Hoa Kỳ giúp đỡ đào tạo và tặng tàu tuần duyên để sử dụng. Cho nên có thể nói, đề án tu sửa cảng Cam Ranh như thế nào, chi tiết tu sửa cảng ra làm sao cho đúng, cho tân tiến, cho phù hợp với lề lối tác chiến Hải quân Mỹ, chắc chắn, phải dựa hoàn toàn trên sự cố vấn chuyên viên kỹ thuật của Hoa Kỳ.

(1)- Sân bay quân sự Cam Ranh


Điều đáng nói là sự tu sửa cảng Cam Ranh mà Việt Cộng loan báo với số vốn trên 89 triệu Mỹ kim rồi cho khánh thành cảng vào tháng Ba năm ngoái cũng chỉ là bước đầu của một dự án tân trang cảng Cam Ranh mà thôi. Để cảng Cam Ranh có thể hoạt động hữu hiệu cho cả một lực lượng Hải quân Hoa Kỳ hiện đại nhất thế giới, thì cảng còn cần phải có hàng loạt các kế hoạch xây dựng từ cầu đường, phi trường, bãi kho, cần trục hiện đại, hệ thống phòng chống các loại thủy ngư lôi từ tàu ngầm, hệ thống máy dò sống radar tối tân, hệ thống phòng chống hỏa tiến để bảo vệ cảng, hệ thống mạng viễn thông dành riêng cho quân sự, hệ thống nước, vân vân, rất là nhiều thứ mà chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức đủ tiền, đủ kỹ thuật để tiến hành những việc này. 


Do dự án Cam Ranh quá lớn, chính phủ Hoa Kỳ không thể một mình tự chuyên quyết định mà còn phải chờ bên lập pháp tức Quốc Hội Hoa Kỳ cứu xét và tính toán phụ một tay. Mọi người còn đang chưa biết khi nào thì dự án Cam Ranh mà Panneta đề cập sẽ được Quốc Hội Hoa Kỳ tìm hiểu suy xét điều trần thì thượng nghị sĩ John McCain đột nhiên viếng thăm Cam Ranh. VOA loan tin là Thượng nghị sĩ John McCain viếng thăm Cam Ranh vào đầu tháng Sáu này (3), đi theo sau ông là các nghị viên, thượng nghị sĩ thuộc ủy ban quân vụ của cả Hạ Viện và Thượng Viện ghé thăm Cam Ranh. Như vậy là khối Quân Vụ bên ngành lập pháp của Hoa Kỳ đã đến Cam Ranh để tự kiểm chứng các tin tức dữ kiện đề án và tinh hình hiện tại về cảng Cam Ranh theo sau lời tuyên bố của cựu bộ trưởng quốc phòng Panneta.


Thông thường, sự dính líu của quốc hội Hoa Kỳ hay liên quan đến ngân sách. Rõ ràng, 89 triệu mà CSVN bỏ ra cũng chỉ để làm sạch gọn đẹp mặt bằng cảng. Quân nhu, thiết bị, và nhiều hệ thống máy móc hiện đại khác chỉ có thể chuyển đến Cam Ranh trong dự án Cam Ranh của Hoa Kỳ cần Quốc Hội bàn thảo và đệ chi ngân sách. Chuyến đi của McCain, rõ ràng là để chuẩn bị cho những tranh luận bàn thảo cần thiết cho ngân sách tu sửa cảng Cam Ranh vào những năm sắp đến tại Quốc Hội Hoa Kỳ.


McCain đi thăm những người bất đồng chính kiến, cốt lõi cũng chỉ để đưa cho CSVN một thông điệp rằng nếu Việt Cộng còn trù trừ hay chưa thật sự cùng với Hoa Kỳ tiến thêm bước nữa để đi gần hơn trong việc biến cảng Cam Ranh thành căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, thì chính giới tại Hoa Thịnh Đốn sẽ gia tăng hậu thuẫn về mặt nhân quyền khiến CSVN bị lâm vào thế khốn đốn. 

Từ lâu, Hoa Kỳ vẫn dùng hai chữ "Nhân Quyền", khi buông khi xiết để lôi kéo mặc cả chế độ Cộng Sản này ngoan ngoãn tuân theo các dự tính dài lâu của Hoa Kỳ. Xin lưu ý, Thượng Nghị Sĩ John McCain là một trong những người đã chống lại đạo luật Nhân Quyền cho Việt Nam của dân biểu Smith bao năm qua tại Thượng Viện do ảnh hưởng sự vận động của Podesta, một tổ chức môi giới chính trị quyền uy ở Hoa Thịnh Đốn, mà thân chủ của họ là Cộng Sản Việt Nam (4).


Quan điểm của Thượng Nghị Sĩ McCain và nhiều người quyền uy trong chính giới Hoa Kỳ từ lâu cho rằng, chỉ cần Việt Cộng đi theo đường lối quân sự, ngoại giao và kinh tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, thì việc quốc gia này có là độc tài đảng trị hay dân chủ đa nguyên là điều không cần thiết. Tuy nhiên, do biết rõ chế độ tại Hà Nội là chế độ Cộng Sản, còn nguyên bản chất lật lọng và tàn bạo của Cộng Sản nên Hoa Kỳ cần phải có một biện pháp dè chừng khống chế. Kinh nghiệm chuyện Bắc Kinh càng ngày càng ngang ngược lộng hành chứ không nghe lời thuận thảo Hoa Thịnh Đốn như thời còn Đặng Tiểu Bình nữa lại càng làm cho chính giới Hoa Kỳ cảm thấy cần phải rà xét lại phương thức tiếp cận, lôi kéo và ràng buộc chế độ CSVN từng đem ra áp dụng bấy lâu.

Hoa Kỳ đang muốn biến Việt Nam thành đồng minh chiến lược dài lâu tại Đông Nam Á thì bộ mặt thể chế chính trị CSVN ngày nay càng làm cho giới chiến lược gia Hoa Kỳ lúng túng. Sau chiến tranh Lạnh, nước Mỹ không muốn mình mang tiếng là đồng minh của bất cứ một quốc gia Cộng Sản nào cả. Hoa Thịnh Đốn cho xây tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của Cộng Sản cũng là vì nguyên nhân này. Cho nên, một kịch bản "rửa mặt chính trị" sao cho chế độ Cộng sản tại Hà Nội trở nên sạch sẽ hơn, không còn cái mác Cộng Sản nữa là rất cần thiết không những cho Việt Cộng mà còn cho cả Hoa Thịnh Đốn nữa.

Nhóm môi giới chính trị Podesta quyền uy ở Hoa Thịnh Đốn là Podesta tin là họ có thể làm được việc "rửa sạch mặt mũi" chính trị này cho Việt Cộng. Việt Cộng đã bỏ ra trên dưới cả triệu đô la Mỹ kinh phí cho Podesta đi vận động (5).

Podesta đã suýt nữa thành công khi mà họ đã vận động để các hãng truyền thông, báo chí thông tấn chủ chốt của Hoa Kỳ lờ đi trong việc đăng tải các tin tức xác thực về tình trạng nhân quyền của Việt Nam, làm cho dư luận nước Mỹ hiện nay hầu hết tin rằng Việt Nam nay không phải là một quốc gia Cộng Sản nữa, đất nước này đã có kinh tế tư bản, có tự do báo chí. 

Nhưng trên thực tế, do sự tranh đấu không ngừng nghĩ của mọi công dân Việt Nam Cộng Hòa trong cũng như ngoài nước, sự tuyên truyền giả dối của Podesta giùm cho Việt Cộng đã không đạt được kết quả như mong muốn. Mới đây thôi, Quốc Hội Hoa Kỳ đã phải họp điều trần để tìm hiểu tại sao lại có người bị cắt cổ chết tại đồn Công An Việt Cộng giống như là nạn nhân của ISIS vậy. Nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Tấn 38 tuổi, người tỉnh Vĩnh Long, bị Công An cắt cổ do bị nghi ngờ là treo cờ Vàng của Việt Nam Cộng Hòa (6).

Chiến thắng của Trump đã làm cho thế lực của Podesta tại Hoa Thịnh Đốn bị yếu đi hẳn và làm cho chính giới Hoa Kỳ có quan niệm như Thượng Nghị Sĩ John McCain chịu một áp lực đáng kể trong việc rà xét lại thái độ của mình trước thực trạng nhân quyền tại Việt Nam cũng như cần phải ứng phó như thế nào trong quá trình lôi cổ Việt Cộng vào quỹ đạo quân sự của Hoa Kỳ tạo Đông Nam Á. 

Nếu thật sự 60% lực lượng Hải quân của Hoa Kỳ sẽ có mặt tại châu Á vào năm 2020 thì tương lai cảng Cam Ranh cần phải rõ ràng không thể mập mờ trong thế chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ. Và vì vậy, Việt Cộng cần phải có câu trả lời dứt khoát cho số phận của cảng Cam Ranh, một câu trả lời mà Việt Cộng hiên nay không thể trả lời dứt khoát được vì những bế tắc trên vấn đề an ninh chính trị của của chế độ Cộng Sản toàn trị.

CSVN cần phải biết rõ là nếu để Cam Ranh cho Hoa Kỳ sử dụng, thì chính giới Hoa Kỳ có thật sự đồng ý để cho đảng Cộng Sản tiếp tục tồn tại trên quyền lực tại Việt Nam hay không? Việt Cộng bắt đầu cảm thấy Hoa Kỳ không đi đến một cam kết cụ thể nào về việc này dù vẫn tiếp tục thúc ép mình xúc tiến hòa đàm các điều khoản trong việc sử dụng cảng Cam Ranh. 

Sau khi Trump thắng cử, chính giới của Hoa Kỳ không thể nào đưa ra một lời bảo đảm như thế được nữa. Thái độ của Trump vinh danh công khai đối với một người viết blog bất đồng chính kiến với Việt Cộng tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cho Hà Nội thấy chính quyền Trump không khoan nhượng trước những vi phạm về nhân quyền và những giá trị nhân quyền mà người dân Hoa Kỳ đeo đuổi bảo vệ. Người được vinh danh chính là Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (7) Bà viết nhiều bài tố cáo thái độ bao che của Việt Cộng đối với tập đoàn sắt thép Formosa trong việc cẩu thả bất chấp an ninh môi trường, đã thải hoá chất ra biển không qua công đoạn xử lý, làm cá chết hàng loạt tại biền Đông, một điều chưa từng xảy ra trước giờ ở Hà Tĩnh. 

Cá chết hàng loạt do Formosa gây ra

Để giảm bớt áp lực của chính phủ Trump về mặt cải cách chính trị, thủ tướng Phúc đã phải sang nài nỉ ký hiệp ước kinh tế mua hàng hóa của Hoa Kỳ nhằm lấy lòng chính quyền Trump, cũng như khẳng định quyết tâm sẵn sàng tiếp tục các chương trình tài trợ mua bán vũ khí dư thừa do Hoa Kỳ khởi xướng. 

Thủ tướng Phúc cần phải làm như vậy để Hoa Kỳ không làm khó dễ khi sang Nhật tham dự hội chợ triển làm vũ khí. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Cộng Sản Việt Nam không còn được đàn anh khối Cộng Sản như Liên Xô hay Trung Cộng viện trợ vũ khí tối tân nữa nên phải tự túc; và vì bị Hoa Kỳ cấm vận, không cho thế giới mua bán vũ khí với mình, vũ khí mà Việt Cộng có vào hai thập niên 1970, 1980 càng ngày càng tụt hậu và không có cách gì phòng thủ trước sức mạnh quân sự hiện đại của Trung Cộng. 

Nga cũng ráng miễn cưỡng xé rào bán vũ khí cho Việt Cộng nhưng những thứ vũ khí này, như tàu ngầm Kilo chẳng hạn, Việt Cộng có một thì Trung Cộng có cả trăm về số lượng, nên sự tân trang quốc phòng cũng không thể nào gọi là đáng kể. Quân đội Việt Nam hiện nay cần các loại vũ khí sản xuất của Hoa Kỳ hay của Nhật, mới đủ sức làm khắc tinh trước các loại vũ khí của Trung Cộng, mà hầu hết là vũ khí của Nga sản xuất.

CSVN có thể nhũn nhặn chiều chuộng Trump về ngoại giao và kinh tế để được an thân suôn sẻ những dự tính mua bán trao đổi quốc phòng trong giai đoạn; nhưng câu trả lời là Hoa Thịnh Đốn có bảo đảm để CSVN tiếp tục tồn tại trên quyền lực khi được sử dụng cảng Cam Ranh hay không lại là mối bận tâm cốt lõi của chế độ Cộng sản độc tài đảng trị này. 

Chính giới Hoa Kỳ vẫn hy vọng là mình có thể che giấu quan điểm mong muốn triệt hạ chủ nghĩa Cộng Sản của người Mỹ vì những mục đích quyền lợi quân sự kinh tế chính trị ngoại giao trước mắt khi bắt tay hợp tác với CSVN về các vấn đề an ninh quốc phòng. Chính giới Hoa Kỳ hy vọng sự hợp tác toàn diện từ quốc phòng lẫn kinh tế sẽ khiến CSVN tự diễn biến dẫn đến thay đổi chính trị để rồi mặc cảm cộng tác với Cộng Sản của Hoa Thịnh Đốn sẽ bị xóa đi. Thế nhưng chính phủ Trump không muốn giấu giếm khát vọng triệt hạ Cộng Sản của người Mỹ. Với lối suy nghĩ không phải là của một chính trị gia, Trump sẽ tự hỏi tại sao phải giấu diếm khát vọng triệt hạ Cộng Sản của người Mỹ khi mà sự triệt hạ này đem đến tự hào và thịnh vượng thêm cho nước Mỹ? 

Đối với Trump, một chiến thắng thì vẫn tốt đẹp hơn là một thỏa hiệp. Điều này khiến chính giới tại Hoa Thịnh Đốn hiện nay đang điên đầu. Từ lâu, Hoa Thịnh Đốn vẫn thích đường lối mềm dẻo, uốn éo, ném đá giấu tay hơn ra mặt công khai. Nay Trump không thích phong thái này nữa, đưa nước Mỹ trở về phong thái nghĩ sao nói vậy khiến mọi che đậy trước giờ nước Mỹ hay tiến hành không thể nào tiếp tục được nữa. 

Do đó, vấn đề Cam Ranh sẽ bị Trump soạn thảo lại là nếu Việt Cộng không muốn cho Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh thì những quyền lợi về quốc phòng cho Việt Nam sẽ không có, còn mục tiêu chính trị, thì CSVN phải tự mình chuyển đổi tên tuổi mặt mũi thể chế cho thiệt nhanh trước khi sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước được chính thức vì Hoa Kỳ không thể và không muốn là đồng minh của một quốc gia Cộng Sản nào cả sau khi chiến tranh Lạnh xảy ra và kết thúc.

Điều này để đặt Việt Cộng vào thế lo lắng khó xử vì Hà Nội biết rõ hậu quả của việc công khai từ chối không cho Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh nhưng CSVN lại chưa đủ can đảm để nhận lãnh hậu quả của việc chấp nhận Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh. 

Sáu năm dưới cương vị Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng đã không vẻ ra một giải pháp chính trị lột xác nào khả thi để khiến đảng cầm quyền không còn mang cái mác là Cộng Sản nữa. Giải pháp đi cổng hậu thông qua Podesta xem ra không có hiệu quả. Sự thất cử của bà Clinton khiến giải pháp Podesta hoàn toàn đổ bể.

Mối đe dọa từ Bắc Kinh thì ngày mỗi tăng khiến Việt Cộng không còn cách nào khác mà phải ngã vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ, giúp từ một chiếc tàu tuần duyên cũ đến những hệ thống radar phòng thủ hỏa tiễn hiện đại sau này. Đảng Cộng Sản dưới thời Nguyễn Phú Trọng đã rã từ hàng ngũ với nhiều lớp sóng ngầm, sóng nỗi tranh chấp quyền lực. Trọng có thể có từ chiến thắng này qua chiến thắng khác trong quá trình tranh chấp nội bộ nhưng cứ mỗi lần trong đá văng được đổi thủ thì đảng của ông lại yếu đi về thực quyền trước xã hội vì các vây cánh bè phái chưa bị ông dòm ngó phải tìm cách tự vệ tạo ra các thế lực liên tục bên trong nội bộ đảng và cát cứ quyền lực ở địa phương. Dưới thời của ông Trọng, người ta dám bắn cả bí thư tỉnh công khai giữa ban ngày (8) và bức tử tướng quân đội chết bất ngờ để bịt miệng. 

Mối bất hòa ngấm ngầm lớn nhất hiện nay trong nền chính trị của Việt Nam chính là mối bất hòa giữa đảng và quân đội. Đây là mối bất hòa có thể tạo ra chính biến. Đơn giản là các tướng lãnh quân đội hiện nay nghĩ rằng mình có thể nhận lãnh quyền lợi viện trợ quân sự trực tiếp từ Hoa Kỳ mà không cần phải để cho đảng làm môi giới đứng giữa chỉ đạo nữa.

Hợp tác quân sự với Hoa Kỳ tạo điều kiện cho quân đội có cơ hội thay đổi quan niệm "hồng hơn chuyên" bấy lâu nay. Quan niệm "hồng hơn chuyên" cho rằng phải là người của đảng, có tư tưởng chính trị lý luận Mác Lê thì mới trở thành sĩ quan tướng lãnh trong hàng ngũ quân đội, và vì vậy, đẩy các sĩ quan có tay nghề chuyên nghiệp, các chuyên gia quân sự, các sĩ quan có trình độ tác chiến vào hàng thứ yếu, phục tùng mệnh lệnh của các chính ủy viên vốn dốt nát về chuyên môn quân sự, nhờ đảng mà có lon sĩ quan chỉ huy. 

Thế nhưng quân đội Hoa Kỳ là một quân đội rất chuyên nghiệp, đề cao trình độ kỹ thuật và các nghiệp vụ cần thiết của quân nhân nhiều hơn là lý luận chính trị đảng phái hay ý thức hệ. Do đó, khi huấn luyện và làm việc với các tướng lãnh sĩ quan của Việt Nam, Hoa Kỳ đòi hỏi những người này phải có một trình độ căn bản cụ thể, từ ngoại ngữ đến kiến thức kỹ thuật quân sự, cũng như phải có toàn quyền chỉ huy quyết định dựa trên trình độ kỹ năng quân sự, không phải chỉ có biết lý luận chính trị Mác Lê nhưng yếu kém dốt nát vẫn được mang lon sĩ quan, ra mệnh lệnh cho cả đơn vị như trước giờ.

Càng hợp tác sâu rộng về mặt quân sự với Hoa Kỳ thì vai trò của các chính ủy viên, vai trò của đảng đối với quân đội càng bị tháo tung và vai trò của các sĩ quan có trình độ nghiệp vụ quân sự thật sự được gia tăng. Các sĩ quan có kiến thức chắc chắn sẽ không thể nào chấp nhận nỗi sự điều khiển ngu xuẩn của các chính ủy viên cũng như phương thức điều hành quân đội của đảng như trước nữa, lấy lý luận chính trị Mác Lê làm đầu.

Quân đội Việt Nam càng được hiện đại hóa bởi Hoa Kỳ thông qua vấn đề biển Đông và Cam Ranh thì càng làm vai trò của đảng bị yếu hẳn đi và vai trò của những sĩ quan quân nhân thực thụ chuyên nghiệp trong quân đội càng thêm nổi bật. Đồng minh chiến lược của Việt Nam nay không còn là các nước Cộng Sản nữa mà là Hoa Kỳ và các nước dân chủ tự do khiến quân đội cảm thấy vai trò ý thức hệ Mác Lê của đảng trở nên dư thừa.

Từ đó, quân đội bị rạn nứt chia rẽ trầm trọng giữa một bên là sĩ quan trung thành với đảng và một bên muốn duy trì và phát triển một quân đội Việt Nam chuyên nghiệp, không ý thức hệ và hiện đại. Và nếu tình hình quốc phòng Việt Nam buộc sự hợp tác quốc phòng với Mỹ thêm sâu rộng thì giới sĩ quan chuyên nghiệp trong quân đội càng đông, vai trò càng tăng và bất mãn của giới sĩ quan này đối với giới sĩ quan đảng, với đảng càng bộc phát. Tình trạng rạn nứt chia rẽ trầm trọng này gia tăng dần dần sẽ dẫn đến sự xung đột lan rộng ra trong mỗi đơn vị, trong mỗi vùng, trong mỗi binh chủng. Đó là chưa kể từ lâu, nhóm sĩ quan đảng đang hình thành các nhóm lợi ích ngay bên trong hàng ngũ quân đội, bè phái làm giàu thì khiến sĩ quan chuyên nghiệp thực thụ càng thêm bực tức. 

Hơn nữa, hàng ngũ quân nhân của đảng xưa giờ được đảng nhồi sọ để căm thù đế quốc Mỹ xâm lược, nay đảng lại đi hợp tác với Mỹ; quân nhân được Hoa Kỳ đào tạo và trả lương về mọi mặt khiến quan niệm và tâm lý của giới quân nhân chao đảo. Đảng đã láo lừa lịch sử và chối bỏ thực tế là chủ nghĩa Cộng Sản trên trang giấy không đáng để người Việt Nam phải hy sinh đổ máu. Từ đó, thái độ khinh đảng của giới quân nhân ngày một tăng lên khi hợp tác với Hoa Kỳ sâu rộng hơn về quân sự; làm mọi chỉ thị của đảng lên quân đội không còn được giới quân nhân tuân thủ nữa, dẫn đến rối loạn chia rẽ bè phái và cát cứ quyền lực từ bộ quốc phòng lan ra đến các quân khu và các binh chủng, nhất là Hải quân, cục tình báo, thiết giáp và lực lượng Phòng Không, những lực lượng, những đơn vị hay quân khu làm việc hợp tác trực tiếp với Hoa Kỳ thường trực.

Đảng gọi quá trình này là quá trình “tự diễn biến,” một quá trình diễn ra rất tự nhiên trên con đường hiện đại hóa và hợp tác với Hoa Kỳ về mặt quốc phòng. 

Một trong những biện pháp phá vỡ quá trình "tự diễn biến" trong quân đội mà CSVN có thể làm là trì hoãn tiến trình hợp tác quân sự Việt Mỹ cũng như trì hoãn tiến trình để cho Hải quân Hoa Kỳ hiện diện tại Cam Ranh. Nổ lực trì hoãn quyết định để Hoa Kỳ hiện diện đóng quân thường trực tại Cam Ranh đã được CSVN thực hiện trong nhiều năm vừa qua thông qua chính sách "Ba Không" được tướng Nguyễn Chí Vịnh loan báo, trong đó, sẽ không dùng cảng Cam Ranh để nước Mỹ làm điểm tựa chống Trung Cộng. Nhưng khi thấy tiến trình lấn chiếm biển đảo của Trung Cộng ngày một tăng tốc, cũng như sự tập trung lực lượng không hải và bộ binh nhằm chỉ để tấn công nuốt chửng Việt Nam mà không cho đảng CSVN một con đường sống dù là sống trong quy lụy. Điều này làm CSVN hiểu rõ trì hoãn sự hiện diện của Mỹ tại Cam Ranh là một hành động tự đào hố chôn toàn bộ giới chóp bu của đảng mà thôi. CSVN buộc phải tăng tốc hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ cũng như tăng tốc xúc tiến chỉnh trang mặt bằng cảng Cam Ranh trong hai năm qua.

Mối bận tâm hàng đầu của chính phủ Trump hiện nay là buộc CSVN phải chấm dứt hoàn toàn việc đu dây quân sự chính trị với Trung Cộng. Chính sách và quan niệm "American first" hay còn gọi là quan niệm "Hoàn toàn vì người Mỹ" bao hàm một một quy định rõ ràng là mọi quốc gia làm đồng minh với Hoa Kỳ không thể tìm cách đậm chọt gây thiệt hại đến quyền lợi của người Mỹ như trước nữa. Trump không có thói quen bắt tay với những kẻ phản trắc. 

Vấn đề dùng cảng Cam Ranh để đu dây giữa các siêu cường của CSVN đã từng làm Hoa Thịnh Đốn nổi giận kinh khiếp. Vào trung tuần tháng Ba năm 2015, Hoa Thịnh Đốn đã chính thức lên tiếng cấm Hà Nội không cho phép các chiến đấu cơ của Nga bay từ Nga đến phi trường Cam Ranh đổ thêm xăng trước khi bay ra hướng đảo Guam để thăm dò căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại nơi này, cũng như để thao dượt khả năng bay đường dài đến mục tiêu oanh tạc của không quân Nga (9). Hoa Thịnh Đốn giận lẫy lạnh lùng bảo CSVN là Hoa Kỳ hoàn toàn tôn trọng quyết định của Việt Cộng muốn cho ai vào ra cảng Cam Ranh này nhưng Hoa Kỳ không muốn nhìn thấy phi cơ Nga lai vãng đến Cam Ranh thêm một lần nào nữa! 

Kể từ đó, quả thật giới chức quân sự và phi cơ nước Nga đã không thể lai vãng vào ra Cam Ranh được nữa. Việc Nga chấm dứt mọi hoạt động quân sự của mình liên quan đến cảng Cam Ranh mà không hó hé điều tiếng gì cả khiến cho mọi người thấy cảng quân sự này hoàn toàn nằm trong bàn tay của người Mỹ dù rằng Hoa Kỳ chưa thật sự lộ diện trú đóng thường trực.

Thông qua sự việc trên, chúng ta thấy mọi quyết định cho phép các tàu chiến hay chiến đấu cơ của bất cứ quốc gia nào lai vãng Cam Ranh đều phải có sự đồng ý hay bỏ qua của Hoa Kỳ. CSVN không thể phạm phải thêm lỗi lầm như vụ phi cơ Nga ghé Cam Ranh được nữa.

Vào tháng Mười năm ngoái, tàu chiến Trung Cộng ghé vào khảo sát cảng Cam Ranh (10) mà không thấy Hoa Thịnh Đốn phản đối như vụ ở Nga. Nhiều người cho rằng Tòa Bạch Ốc còn đang vướng bận bầu cử, còn lo hà hơi tiếp sức bà Hillary Clinton cùng đảng Dân Chủ với tổng thống Obama nên không muốn làm lớn chuyện này. Nhiều người khác cho rằng Hoa Kỳ dưới triều Obama đã quá bạc nhược, yếu hèn trước Trung Cộng, nhưng trên thực tế, việc Hoa Kỳ bợp tay đá đít Nga thẳng mặt ra khỏi Cam Ranh trước đó và việc im lặng để cho tàu chiến Trung Cộng ghé vào khảo sát cảng Cam Ranh xảy ra vào hai thời điểm khác nhau.

Tàu chiến Trung Cộng ghé vào Cam Ranh khảo sát xảy ra vào thời điểm Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận vũ khí với Hà Nội trước đó gần năm tháng, báo hiệu mở đầu cho một giai đoạn hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Vào thời điểm này, Hoa Thịnh Đốn không còn lo sợ Hà Nội đi trật quỹ đạo chiến lược quốc phòng của mình như vào năm 2015 khi Không quân Nga hiện diện tại Cam Ranh nữa. Cũng có thể chính Hoa Thịnh Đốn đồng ý cho Hà Nội mở cửa để cho tàu chiến Trung Cộng vào khảo sát cảng Cam Ranh để giới chức quân sự Bắc Kinh thấy rõ là nếu Trung Cộng không khống chế được cảng Cam Ranh, thì giấc mơ khống chế eo biển Malacca của Trung Cộng làm sao mà thực cho hiện nổi. Từ đây về sau, toàn bộ lực lượng Hải quân của Trung Cộng dàn trải từ Hải Nam xuống tận đảo Hoàng Nham bị hở be sườn hoàn toàn vì bị Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh tại cảng Cam Ranh thọc ngang cắt đứt. Sau sự kiện bị bợp tay vì cho Không quân Nga lai vãng Cam Ranh, CSVN không ngu dại gì làm mích lòng Hoa Thịnh Đốn một lần nữa một cách công khai như vậy đối với vấn đề Cam Ranh khi cho tàu chiến Trung Cộng vào Cam Ranh mà không có sự đồng ý của Hoa Kỳ.

Từ cuối năm 2016 sang đến năm 2017 thì mọi sự bắt đầu rõ ràng thêm hơn. Tàu Hải quân của Hoa Kỳ ghé bến Cam Ranh liên tục:

- Ngày 15 tháng 12 năm 2016, chiến hạm công kích USS Mustin ghé Cam Ranh. Đây là chiến hạm chuyên phóng hỏa tiển rất hung hiểm. Cho đến nay, chiến hạm hung hiểm này biệt kín tăm tích chưa biết đã đi xa hay vẫn còn lảng vảng gần vùng Cam Ranh.

- Ngày 20 tháng 5 năm 2017, tàu đổ bộ siêu tốc USNS Fall River ghé bến Cam Ranh. Tàu này có sức chứa rất nhiều, báo hiệu nhiều thiết bị quân sự của Hoa Kỳ sẽ được để lại Cam Ranh sử dụng lâu dài sau này.

- Ngày 3 tháng 6 năm 2017, chiến hạm USS John S McCain ghé Cam Ranh cùng với Thượng nghị sĩ John McCain và phái đoàn Quân Vụ của Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngân sách phê duyệt của Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn để Cam Ranh và các vấn đề liên quan đến biển Đông chắc chắn sẽ phụ thuộc vào chuyến đi này.

- Ngày 13 tháng 6, chiến hạm công kích USS Coronado ghé Cam Ranh. Đây là chiến hạm có khả năng thoát khỏi mọi hệ thống dò sóng tối tân và có rất nhiều thiết bị phòng thủ hiện đại cũng như hệ thống hỏa tiển tối tân. Có thể nói, chiến hạm USS Coronado là chiến hạm công kích tân tiến mới nhất của Mỹ. Sự hiện diện của chiến hạm này cho thấy quyết tâm phản kích của Hoa Kỳ hay của chính phủ Trump nếu Trung Cộng cứ phớt lờ mọi đòi hỏi của Hoa Kỳ tại biển Đông.


Một điểu đáng ngờ về mặt chiến lược mà không thấy các chiến lược gia Hoa Kỳ phân tích đến chính là trong trường hợp Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản và đồng minh hiện diện ồ ạt tại Cam Ranh và căng thẳng quân sự xảy ra để rồi khiến Bắc Kinh nổi giận mà tấn công biên giới các tỉnh phía Bắc Việt Nam thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào? Chẳng lẽ Hoa Kỳ bỏ ngỏ cho Trung Cộng nuốt miền Bắc Việt Nam nhưng án ngữ hải quân trấn giữ phương Nam mà thôi?

Cho đến giờ phút này, chưa thấy có một thỏa hiệp quốc phòng nào cho phép Hoa Kỳ mở căn cứ lục quân, không quân ở tại Yên Bái hay tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam để tăng sức mạnh phòng thủ. Thế là chẳng lẽ cả triệu dân miền Bắc lại bị bán rẻ cho Trung Cộng như sau hiệp định Geneve 1954, bỏ mặc người dân miền Bắc chịu trận thảm sát đấu tố theo kiểu Maoist của Trung Cộng thêm một lần nữa?!

Một điều hết sức ngạc nhiên là tin đồn loan ra tại hội nghị Thành Đô vào tháng Chín năm 1990, bọn Cộng Sản Đổ Mười, Nguyễn Văn Linh đã cam kết là vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh hoặc gia nhập thành một đặc khu kinh tế của Trung Cộng. Cũng cùng lúc đó, chính cựu giám đốc CIA và nguyên bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Panetta lại cũng khẳng định đến năm 2020, 60% sức mạnh Hải quân của Hoa Kỳ sẽ dồn về châu Á. Với lực lượng Hải quân đông đảo như vậy thì đương nhiên Hoa Kỳ cần cảng Cam Ranh để trú đóng cho thuận lợi. Sao mà mốc thời gian trùng nhau quá vậy! Như vậy chẳng lẽ nào, Hoa Kỳ biết trước từ năm 2020 trở đi, miền Bắc Việt Nam sẽ rơi vào tay hay nằm dưới sự kiểm soát của Trung Cộng nên phải nhảy vào hiện diện tại Cam Ranh để chận lại?

Cho dù tin đồn về hội nghị Thành Đô không chính xác thì sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh tại Cam Ranh cũng khiến 9 tỉnh miền Bắc Việt Nam sẽ phải chuẩn bị hứng cơn thịnh nộ hỏa lực của Bắc Kinh bất cứ lúc nào. Rõ ràng hiện nay, Hoa Kỳ không có một dấu hiệu nào cho thấy họ quan tâm đến việc giúp Việt Nam phòng thủ tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nói một cách ngắn gọn hơn, Mỹ Trung mà nổ súng hay căng thẳng thì miền Bắc Việt Nam đổ máu ngay lập tức. Mà nay thì Việt Cộng đã vào tròng của Mỹ, trước hay sau gì sẽ buộc phải cho Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh để người dân miền Bắc lâm khổ nạn, chịu nguy cơ người dân miền Bắc hứng chịu hỏa lực của Trung Cộng không công giùm cho người Mỹ.

Quá khứ trước đó đã từng soi rõ, mặc dù Hải quân Liên Xô hiện diện ồ ạt tại Cam Ranh suốt hơn hai thập niên (1980-2002) nhưng hơn 9 năm trời kể từ năm 1979, người dân các tỉnh miền Bắc gần vùng biên giới chịu không biết bao nhiêu thảm cảnh chiến tranh tàn phá từ Trung Cộng, hứng chịu hỏa lực của Trung Cộng không công dùm cho Liên Xô - như hồi trước đây khi Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng từ Bắc đánh xuống tàn phá nát bét theo ý đồ mà Lê Duẩn đã tuyên bố: "Ta đánh mỹ đây là đánh cho Liên Xô Trung Quốc" (11). Trung Cộng trước còn yếu kém mà các tỉnh miền Bắc Việt Nam còn bị tàn phá như thế thì nay Trung Cộng đã hiện đại hoá quân đội, mức tàn phá của hỏa lực Trung Cộng lên đầu lên cổ người dân miền Bắc Việt Nam sẽ còn nặng nề đến như thế nào! Sự hiện diện của Liên Xô tại Cam Ranh cũng đâu có làm chùn bước chân của Trung Cộng khi chiếm giữ các vị trí tại biên giới phía Bắc trong suốt bao năm!

Cho nên có thể nói, lật đổ chế độ CSVN thành lập chính thể Việt Nam Cộng Hòa vào giờ phút này lại còn càng cần thiết hơn nữa.

Trước hết, chính thể Việt Nam Cộng Hòa thành lập buộc sẽ phải có tổng tuyển cử dưới sự giám sát của quân đội Liên Hiệp Quốc khiến mọi nỗ lực hợp thức hóa quá trình thôn tính miền Bắc Việt Nam thông qua hiệp định Thành Đô của Bắc Kinh bị phá sản. 

Kế đến, sự hiện diện của Việt Nam Cộng Hòa khiến Bắc Kinh không thể vinh vào công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 để chiếm giữ vùng biển Đông. 

Sau cùng, kế hoạch hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Cam Ranh vì thế cũng bị trì hoãn hoàn toàn do chế độ Việt Nam Cộng Hòa mới thành lập cần biểu quyết trưng cầu dân ý về vấn để Cam Ranh chứ không thể tự ý quyết định như CSVN hiện nay. 

Đến khi đó, nếu Trung Cộng tiếp tục ngang ngược buộc Hoa Kỳ phải tự ra mặt hành động quân sự thì vị thế trung lập của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa non trẻ (còn đang dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc) sẽ giúp Việt Nam tránh khỏi tranh chấp giữa hai siêu cường. 

Việt Nam Cộng Hòa đã từng khai hỏa năm 1974 trước Trung Cộng tại Hoàng Sa nhưng Hoa Kỳ lại tháo lui để dung dưỡng thái độ ngang ngược của Trung Cộng thì nay, Hoa Kỳ không thể chối bỏ hậu quả tai hại để lại do thái độ tráo trở của mình đối với đồng minh Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Nước Mỹ phải đương đầu trực diện với Trung Cộng để trừng trị chế độ Cộng Sản này chứ không thể nào lôi kéo toàn bộ dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến trở lại, để rồi lấy tình đồng minh ngày nay mà trốn tránh hành động phản bội đồng minh của quốc gia mình ngày trước.

Vì vậy, nếu giới tướng lãnh quân nhân hiện nay của Việt Nam muốn né một cuộc chiến mà vẫn có thể có chung cuộc toàn vẹn lãnh hải dựa trên công pháp của Liên Hiệp Quốc danh chánh ngôn thuận thì cần phải giải thể đảng Cộng sản thành lập chính thể Việt Nam Cộng Hòa và mời Liên Hiệp Quốc giám sát tổng tuyển cử vào những ngày tháng tới. Cho Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản vào Cam Ranh trong gấp rút vội vã trước tình hình biển Đông đang căng thẳng chỉ khiến toàn bộ miền Bắc Việt Nam bị nguy cơ hứng chịu biển lửa đạn pháo của Trung Cộng không công cho người Mỹ và giúp các siêu cường đi đến thỏa hiệp với một cái giá phải trả rẻ rúng nhất. 

Xin nhớ là Việt Nam Cộng Hòa có chủ quyền không thể chối cãi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không những dựa trên hiệp định Pháp Thanh 1887 mà còn được khẳng định ở hiệp định Geneve 1954. Khi Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa trái phép năm 1974 thì có giới chức quân sự Mỹ ngay tại cuộc chiến làm nhân chứng và Trung Cộng đã buộc phải thả giám viên quân sự của Hoa Kỳ qua ngã Hồng Kông khi trận chiến Hoàng Sa kết thúc. Do đó, sự hiện diện trở lại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa là một thế mạnh về pháp lý và ngoại giao rất cần thiết cho dân tộc Việt để buộc các siêu cường phải hành động một cách có trách nhiệm hơn tại biển Đông.

Hơn nữa, sau khi cuộc chiến tranh chấp tại biển Đông với Trung Cộng chấm dứt thì Hoa Thịnh Đốn cũng tìm cách bóp nát chế độ Cộng Sản tại Việt Nam để thực hiện lại cam kết lời hứa của chính phủ Hoa Kỳ trước quốc dân Hoa Kỳ, đó là xóa sạch chủ nghĩa Cộng Sản tại Á Châu và trả lại danh dự thắng trận cho 54 ngàn quân nhân Hoa Kỳ hy sinh khi tham chiến tại Việt Nam trước năm 1975, một sự thắng trận mà do hoàn cảnh và do mưu kế lâu dài nên bị chính phủ Hoa Kỳ tìm cách ém nhẹm đi, tìm cách chụp mũ đảo ngược lại là thua trận. 

Mà muốn phục hồi sự thật thắng trận của Hoa Kỳ tại Việt Nam trước 1975, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải thừa nhận lại tư cách pháp lý hoàn toàn hợp hiến hợp pháp trước công pháp quốc tế của Việt Nam Cộng Hòa. Nói cho ngắn gọn hơn, Hoa Kỳ có thể cần sử dụng CSVN cho mục tiêu quân sự trước mắt nhưng lại cần Việt Nam Cộng Hòa hiện diện trở lại để vinh danh sự thật thắng trận của quốc gia mình cũng như cần Việt Nam Cộng Hòa hợp tác phát triển kinh tế và quốc phòng với Hoa Kỳ về đường dài. 

Cộng Sản tại Việt Nam đã đến gần giai đoạn bị xóa bỏ mà mọi sự nấn ná níu kéo hay do dự của giới quân nhân trong việc lật đổ đảng chỉ làm cho Việt Nam trả thêm giá đắt cho chiến thắng sau cùng về mặt tự do dân quyền và phát triển, một chiến thắng đúng ra đã nằm sẵn trong tầm tay dân tộc Việt từ lâu.

Sự trở lại của Việt Nam Cộng Hòa đã là một sự việc không thể nào cưỡng lại nếu chịu khó nhìn xa và sâu thêm một chút, vấn để chỉ là ở thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy thì tại sao lại còn chần chừ?


Không có nhận xét nào: