Quân Iraq quyết chiến trận cuối ở phố cổ Mosul
Các lực lượng Iraq đã tiến hành cuộc tấn công quyết chiến lần cuối ở cổ thành Mosul, hang ổ cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo trong vương quốc tự xưng của chúng ở Iraq.<!>
Tiếp sau các cuộc không kích trong đêm của liên minh do Mỹ đứng đầu, các lực lượng Iraq bắt đầu cuộc tấn công vào khu phố cổ thuộc thành phố lớn thứ hai của Iraq vào lúc bình minh, theo các chỉ huy quân đội.
Khu phố cổ Mosul là nơi cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo, chúng đã chiếm thành phố này cách đây 3 năm.
Khoảng 100.000 thường dân vẫn mắc kẹt trong khu phố cổ, họ đối mặt với tình trạng rất tồi tệ trong khi chỉ có ít thực phẩm và thuốc men, bên cạnh đó là nguy cơ bị nằm giữa hai làn đạn.
Cuộc tấn công quân sự của Iraq nhằm tái chiếm Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo đã bắt đầu vào ngày 17/10. Các phần tử IS đã bị đánh bật ra khá nhanh khỏi hang ổ của chúng ở phía đông, nhưng lấy lại phần phía tây đông dân của thành phố, bao gồm cả khu phố cổ, đã mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. - VOA
2.
Indonesia phái chiến đấu cơ chặn phiến quân
Indonesia đã triển khai các máy bay chiến đấu tới một căn cứ trên đảo Borneo ở miền bắc nước này để củng cố an ninh, đề phòng các chiến binh Hồi giáo bỏ chạy từ Philippines sang quốc đảo này.
Theo Reuters, một quan chức không quân cho biết rằng ba chiếc Sukhoi đã đáp xuống căn cứ vào ngày 16/6 và sẽ hiện diện tại đó trong vòng một tháng nhằm ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo bỏ chạy từ thành phố Marawi ở Philippines sang Indonesia.
Trong khi đó, quân đội Philippines hôm 16/6 cho biết rằng một số phiến quân trung thành với Nhà nước Hồi giáo có thể đã trà trộn vào các cư dân sơ tán để bỏ chạy khỏi thành phố Marawai nơi các chiến binh đã chiếm giữ nhiều tuần qua.
Quân đội cho hay rằng khoảng 200 chiến binh, cả địa phương lẫn nước ngoài, vẫn cố thủ, sử dụng dân thường làm lá chắn và các đền thờ làm nơi trú ẩn.
Vụ vây hãm này khiến các nước láng giềng của Philippines như Indonesia và Malaysia quan ngại.
Quan chức quốc phòng của ba nước dự kiến sẽ sớm gặp nhau để bàn về các cuộc tuần tra chung nhằm ngăn chặn chiến binh Hồi giáo bỏ chạy khỏi Philippines. - VOA
3.
Bắc Hàn cáo buộc Mỹ ‘ăn cướp’
Bắc Hàn hôm 18/6 cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ “cướp” một kiện hàng ngoại giao tại sân bay John F. Kennedy ở New York.
Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bình Nhưỡng nói rằng một phái đoàn của Bắc Hàn trở về từ một hội thảo tại Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật “đã bị ăn cướp” tại phi trường John F. Kennedy trong “một hành động khiêu khích trái phép và ghê tởm”.
Người phát ngôn nói: "Các nhà ngoại giao của một quốc gia có chủ quyền bị cướp một kiện hàng ngoại giao ở giữa New York, nơi đặt trụ sở của Liên Hiệp Quốc và là địa điểm cho các cuộc họp quốc tế, bao gồm cả cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc".
Hãng tin KCNA của Bắc Hàn dẫn lời phát ngôn viên này nói rằng việc đó “rõ ràng cho thấy Mỹ là quốc gia vô luật”.
Bộ Ngoại giao và Nhà trắng không có bình luận ngay về cáo buộc của Bắc Hàn.
Theo KCNA, vụ việc xảy ra hôm 16/6 khi hơn 20 quan chức của Bộ An ninh Nội địa và cảnh sát Mỹ “đã hành động như những kẻ côn đồ để lấy đi một gói hàng ngoại giao từ các nhà ngoại giao”, vốn có giấy chứng nhận hàng hóa ngoại giao phù hợp. - VOA
4.
Nga chỉ trích Mỹ ‘chống Cuba’
Bộ Ngoại giao Nga hôm 18/6 nói rằng các hành động “chống Cuba” mà Washington mới công bố là điều đáng tiếc và rằng Moscow khẳng định tình đoàn kết với Havana.
Theo Reuters, Bộ này cũng nói rằng cách tiếp cận mới đối với Cuba của chính quyền Mỹ giống như thời “Chiến tranh Lạnh”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/6 thông báo hủy bỏ thỏa thuận mà ông nói là “sai lầm và tệ hại” với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama.
Các biện pháp mới bao gồm thắt chặt các hạn chế về du lịch và cấm các giao dịch tài chính với các tổ chức có liên hệ tới các cơ quan tình báo và quân đội Cuba.
Chính phủ Cuba hôm 16/6 ra thông cáo, nói rằng Havana "sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính tôn trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ”.
Thông cáo nói rằng Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng "họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và cổ xúy những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước".
Tuy nhiên, Cuba cảnh báo rằng Mỹ "không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình, và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy". - VOA
5.
Trung Quốc tập trận chung với Iran
Chính quyền Bắc Kinh và Tehran hôm 18/6 bắt đầu cuộc thao dượt hải quân chung ở vùng Vịnh.
Cuộc diễn tập này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa quân đội Iran và Mỹ tại vùng Vịnh, và nhiều khả năng sẽ gây quan ngại cho Washington.
Trong những tháng gần đây, hải quân Mỹ cáo buộc Iran phái các tàu cao tốc tới tấn công các tàu chiến của nước này khi chúng đi qua Eo biển Hormuz, theo Reuters.
Một tàu khu trục của Iran và hai chiếc khác của Trung Quốc sẽ tham gia cuộc diễn tập tại phía đông Eo biển Hormuz và Biển Oman.
Theo Reuters, khoảng 700 thủy thủ Iran sẽ tham gia cuộc thao dượt chung.
Hai tàu chiến Trung Quốc cập cảng Bandar Abbas của Iran để tham gia vào một cuộc thao dượt hải quân chung ở vùng Vịnh lần đầu tiên vào năm 2014. - VOA
6.
Ít nhất 62 người chết vì cháy rừng Bồ Đào Nha
Một vụ cháy rừng ở miền trung Bồ Đào Nha đã làm ít nhất 62 người thiệt mạng, nhiều người trong số họ chết cháy trong xe hơi.
Có tin ít nhất 59 người đã bị thương trong vụ hỏa hoạn xảy ra giữa lúc có đợt nắng nóng dữ dội kèm theo nhiều sấm sét song không có mưa.
Thủ tướng Antonio Costa đã tuyên bố 3 ngày quốc tang, bắt đầu từ Chủ nhật 18/6.
Các quan chức cho hay hàng trăm nhân viên cứu hỏa đã được điều tới để chiến đấu với giặc lửa ở vùng núi Pedrogao Grande, cách Lisbon khoảng 150 cây số về phía đông bắc.
Tây Ban Nha và Pháp đang đưa máy bay tới để trợ giúp các nỗ lực dập lửa, theo nhà chức trách. Liên hiệp châu Âu cũng đang tiến hành một chiến dịch trợ giúp khẩn cấp. - VOA
7.
Vòng hai Quốc Hội Pháp: Thủy triều xã hội công dân mấp mé thềm nghị viện
Cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu từ 8 giờ sáng chủ nhật 18/06/2017 để bầu Quốc Hội mới, chọn ra 573 dân biểu trong tổng số 1146 ứng cử viên vượt qua vòng một. Nếu kết quả được dự báo được xác nhận, đảng Cộng Hoà Tiến Bước sẽ chiến thắng áp đảo. Tân tổng thống Macron có thể tiến hành cải cách kinh tế, xã hội đớn đau với một nghị viện hoàn toàn « mới » theo đúng nghĩa.
Quy mô chiến thắng của phe tổng thống sẽ như thế nào là ẩn số duy nhất của cuộc bầu cử này và sẽ được giải đáp vào 20 giờ chiều nay, khi tất cả phòng phiếu đóng cửa. Theo các dự báo, đảng Cộng Hoà Tiến Bước sẽ giành được từ 400 đến 470 ghế trên 577 trong bối cảnh hai chính đảng tả hữu truyền thống bị suy yếu (trong số bốn ứng viên đắc cử ngay sau vòng một, thì hai người là thành viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước và một người tuyên bố ủng hộ tổng thống Macron).
Nhưng cho dù kết quả phòng phiếu có chênh lệch với dự báo đến đâu thì Quốc Hội mới cũng hầu như đổi mới hoàn toàn.
Trước hết về nhân sự, chỉ có 222 dân biểu mãn nhiệm vào được vòng hai. Đa số dân biểu khóa trước hoặc bị loại ở vòng một hoặc không tái tranh cử vì đạo luật cấm kiêm nhiệm lần đầu tiên được áp dụng. Từ nay, một chính trị gia Pháp không thể vừa là dân biểu, vừa là thị trưởng hay nghị viên trong chính quyền địa phương như truyền thống từ hơn 50 năm nay.
Hệ quả đầu tiên là đa số ứng cử viên, nhất là của đảng Cộng Hoà Tiến Bước và của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), đều xuất thân từ xã hội công dân, những nhà hoạt động hội đoàn hay trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn.
Cái mới thứ hai là lần đầu tiên số nữ ứng cử viên vượt kỷ lục : 246 người vào chung kết. Nếu dự báo của các viện thăm dò chính xác thì trong Quốc Hội mới, tỷ lệ phái yếu sẽ lên đến 42%. Tại châu Âu, Pháp chỉ còn đứng sau Thụy Điển trong chính sách cân bằng nam nữ tại nghị trường.
Là một nhà chính trị chưa có tiếng tăm cách nay ba năm, tân tổng thống Emmanuel Macron sắp vượt qua được thách thức cuối cùng : chiếm đa số rộng rãi tại Hạ Viện để tiến hành ba cuộc cải cách quan trọng. Đó là đạo đức hóa đời sống chính trị, sửa đổi luật lao động và tăng cường các biện pháp chống khủng bố đang đe dọa thường trực nước Pháp và châu Âu. - RFI
8.
Hiệu ứng nhà kính: Pháp lập Quỹ khí hậu để thu hút nhân tài... Mỹ
Hai tuần sau khi tổng thống Emmanuel Macron mời gọi khoa học gia Mỹ và quốc tế sang Pháp nghiên cứu chống biến đổi khí hậu, chính phủ Pháp tháo khoán 30 triệu euro đầu tiên để « tiếp đón khoảng 50 nhà nghiên cứu trong vòng 5 năm ».
Theo AFP, trong thông báo ngày 17/06/2017 bộ trưởng bộ Đại Học và Nghiên Cứu Frederique Vidal cho biết « Chương trình ưu tiên nghiên cứu chống biến đổi khí hậu » có ngân sách lên đến 60 triệu euro. Chính phủ đóng góp phân nửa là 30 triệu, theo tỷ lệ mỗi euro do đại học và các cơ quan nghiên cứu chi ra sẽ được Nhà nước ủng hộ thêm một euro.
Cách nay hai tuần, khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris COP 21, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi giới khoa học gia và các nhà công nghiệp Mỹ sang Pháp làm việc.
Lời kêu gọi « hãy làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại » đã được cộng đồng mạng đón tiếp nồng nhiệt với hơn 240.000 chia sẻ trên toàn cầu. Một tuần sau, Điện Elysée mở tài khoản trên internet để quảng bá lời mời gọi này sau khi hội ý với bộ trưởng Sinh Thái Nicolas Hulot và chính phủ.
Ngân sách 60 triệu euro tài trợ cho các chuyên gia ngoại quốc, đặc biệt là Mỹ, trong các ngành nghiên cứu về biến đổi khí hậu, địa cầu và chuyển tiếp năng lượng. - RFI
Tin Hoa Kỳ
9.
Hoa Kỳ: Biểu tình vì một cảnh sát giết người da đen được trắng án
Căng thẳng gia tăng tại St-Paul, Minnesota, sau khi tư pháp Hoa Kỳ xử trắng án cho một cảnh sát đã bắn chết Philando Castile, một người đàn ông da đen 32 tuổi, khi kiểm tra xe hơi của người nàyhồi năm ngoái. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình, chặn một đường cao tốc. 18 người đã bị cảnh sát bắt.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet giải thích :
"Tạm thời không có vụ bạo động nào, chỉ có một cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia. Họ nổi giận vì một bản án mà bà Valérie Castile, mẹ của nạn nhân lấy làm tiếc là đã quá quen thuộc với người da đen. Bà nói : « Cả hệ thống tiếp tục coi thường người da đen và sẽ tiếp tục coi thường tất cả các bạn. Con trai tôi yêu thành phố này và thành phố này đã giết chết con tôi. »
Vụ việc đã gây tiếng vang trên toàn thế giới, vì khi cảnh sát Jeronimo Yanẽz bắn Philando Castile, cô Diamond Rachel, bạn gái của anh Castile đang ngồi trong xe với cô con gái nhỏ. Cảnh quay vidéo đã được phát trực tiếp trên Faceboook. Người ta nghe thấy tiếng cô Diamond Rachel : « Ôi Chúa ơi, đừng nói với tôi là anh ấy đã chết rồi … Làm ơn nói với tôi là bạn trai tôi chưa chết … Làm ơn … Ôi không ! »
Trong phiên tòa, Jeronimo Yanẽz vừa khóc vừa giải thích là anh sợ tính mạng bị đe doạ khi Philando Castile cho tay vào túi rút ví để lấy giấy phép lái xe. Viên cảnh sát tin là Philando Castile sẽ rút súng ra bắn. Chưởng lý khi đó đánh giá là không một cảnh sát có lý trí nào lại nổ súng trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng bồi thẩm đoàn đã không nghe theo.
Những người Mỹ da đen có người thân trong gia đình bị cảnh sát giết hại vào năm ngoái có cảm giác phải chịu bất công sâu sắc tại Hoa Kỳ. Vụ việc này gợi cho họ nhớ tới một quá khứ mà họ từng nghĩ là đã lùi xa." - RFI
10.
Nắng nóng dữ dội bao trùm khu vực Tây và Tây Nam nước Mỹ
Mùa Hè ở Mỹ chưa chính thức khởi sự cho tới ngày Thứ Tư, nhưng nhiều khu vực ở vùng Tây và Tây Nam nay đang ở trên mức 100 độ F, do trận nắng nóng dữ dội bao trùm cả một vùng rộng lớn.
Tại Furnace Creek, tiểu bang California, nhiệt độ lên tới 119 độ. Trong khi đó, ở Blue Water, Arizona, nhiệt độ là 113 độ và ở Midland, tiểu bang Texas, là 112 độ F.
Tình trạng nóng bức này tạo thêm nguy cơ cháy rừng và cũng tạo thêm nguy hiểm cho các toán cứu hỏa đang phải tìm cách dập lửa.
Ở California, nhiệt độ nhiều nơi dự trù sẽ lên cao hơn 25 độ so với mức bình thường.
Các báo động về nóng gay gắt cũng có ở Nevada, Utah và Arizona, nơi đang có khoảng hơn một chục đám cháy rừng. Có sáu lính cứu hỏa phải được điều trị vì ảnh hưởng của nắng nóng khi chống cháy rừng ở Payson. Nhiệt độ ở thành phố Phoenix dự trù sẽ lên tới 120 độ F.
Nhiệt độ nóng bức sẽ lan tới vùng Tây Nam vào ngày Thứ Hai và sẽ kéo dài cho đến cuối tuần. Ở vùng sa mạc ở Nam California, nhiệt độ tại vùng Death Valley có thể lên tới 127 độ F.
Trong cuối tuần lễ Father’s Day, nhiệt độ vùng quanh Los Angeles có thể lên tới hơn 100 độ F và tìnnh trạng nóng bức sẽ kéo dài cho hết tuần. - nguoiviet
11.
Khách sạn của TT Trump đạt doanh thu gần $20 triệu chỉ trong ít tháng
Khách sạn của Tổng Thống Donald Trump tại Washington, DC đạt được doanh thu gần $20 triệu chỉ trong ít tháng, từ ngày ông tuyên thệ nhậm chức tới nay.
Trong khi đó, khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở Florida, nơi ông đến thăm bảy lần từ lúc lên làm tổng thống, cũng thu về nhiều triệu đô la cao hơn cùng thời gian trước đây.
Các chi tiết này được đưa ra trong bản khai báo tài chánh Tổng Thống Trump tự ý nộp cho Văn Phòng Liêm Chính chính phủ hôm Thứ Sáu vừa qua.
Kể từ khi lên cầm quyền hồi Tháng Giêng, ông Trump trao quyền điều hành các công ty của mình trên toàn thế giới cho hai người con trai cũng như một giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, ông có thể lấy lại quyền điều khiển bất cứ lúc nào và cũng có thể lấy tiền ra tiêu xài nếu muốn.
Trên giấy tờ, tài sản của ông Trump có vẻ không bị ảnh hưởng gì bởi vì phải dành thời giờ cho cuộc vận động tranh cử vừa qua cũng như cho việc chuyển quyền.
Tổng Thống Trump hiện có ít nhất $1.4 tỷ tài sản và có ít nhất $594 triệu là tiền thu được kể từ Tháng Giêng, 2016 tới mùa Xuân năm nay. - nguoiviet
Tin Việt Nam
12.
Thanh tra chính phủ ‘vào cuộc’ vụ Đồng Tâm
Thanh tra chính phủ Việt Nam mới cho biết “tiếp tục phối hợp” với chính quyền Hà Nội để xử lý vụ Đồng Tâm nhằm “bảo vệ lợi ích nhà nước” cũng như “bảo vệ quyền của công dân”.
Đây là nội dung được thanh tra chính phủ gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói trước cơ quan lập pháp rằng ông “chưa thấy tổng thanh tra chính phủ có ý kiến” về vấn đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm.
Vụ việc lại nóng lên trong tuần trước sau khi chính quyền Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự đối với người dân xã nằm ở ngoại thành thủ đô Việt Nam, dù đích thân Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung ký vào cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm” hồi tháng Tư nhằm giải thoát cho nhiều cảnh sát cơ động bị dân làng bắt giữ.
Không chỉ có ông Chung, mà một số luật sư và cả đại biểu quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng cũng như Dương Trung Quốc cũng ký vào văn bản mà ông Quốc cho là để “tháo ngòi nổ”.
Trong văn bản đề ngày 16/6 để phản hồi ý kiến của ông Nhưỡng, cơ quan thanh tra chính phủ cho biết đã “có nhiều chỉ đạo liên quan tới vụ việc” và đã cử người cùng ông Chung tới đối thoại với người dân hồi tháng Tư.
Theo báo chí trong nước, Hà Nội đang “hoàn chính kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, và “thanh tra chính phủ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan; nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội".
Trong một diễn biến có liên quan, một đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook, trong đó “thủ lĩnh tinh thần” của người Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, cáo buộc người “đi ô tô biển đỏ [của quân đội]” “đánh, đá” và làm ông gãy xương rồi đẩy ông lên ôtô “như một con vật” rồi “đút giẻ” vào mồm ông rồi đưa ông tới cơ quan công an, coi ông là “đối tượng gây rối trật tự công cộng”.
VOA Việt Ngữ chưa thể kiểm chứng độc lập đoạn clip về lời kể đối với sự việc xảy ra hồi tháng Tư này.
Về hành động bị coi là “phá vỡ cam kết” của Chủ tịch Hà Nội, ông David Brown, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, mới nhận định với VOA Việt Ngữ: “Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”. - VOA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét