Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

ĐÔI GIẦY - VŨ ĐÌNH THỊNH

Innebygd bilde
Tôi được bố mua cho đôi giầy đầu tiên khi chập chững biết đi, bố mang giầy cho tôi rồi dìu tôi từng bước, từng bước để sửa soạn cho những “bước đi vào đời” . Tôi quỵ ngã vì chân chưa đủ cứng, bố dìu tôi đứng dậy rồi lại tiếp tục dẫn dắt tôi đi nốt quãng đường mà bố đã định cho ngày hôm nay. Cứ như thế, bố dìu tôi từng bước, từng ngày, cho đến khi tôi có thể tự đi một mình bằng đôi giầy bố mua. Bố đưa tôi đi thăm họ hàng, bạn bè, coi đá banh, coi xi- nê, bố cũng thỉnh thoảng chở tôi trên chiếc xe đạp ghé tiệm giải khát uống một ly sinh tố hay ăn một cây cà-rem với đôi giầy mới trên chân. <!>
Thế rồi thân hình tôi to lớn dần theo thời gian, đôi giầy bố mua nay phải bỏ xó, tôi thương và quý nó lắm, nó đã cùng tôi tập tễnh bước vào đời, nó là người bạn đồng hành ngắn hạn của tôi, tôi gọi nó là “ĐÔI GIẦY CHÀO ĐỜI”,  bố cất nó trong thùng giấy và mua cho tôi đôi giầy khác.  Tôi vẫn chưa đủ trí khôn để phân biệt “phải”, “trái” nên bố vẫn phải giúp tôi mỗi khi mang giầy. Sang tới đôi thứ ba thì tôi đã tự mang một mình, không cần sự giúp đỡ của bố nữa.  Những đôi kế tiếp cũng chính bố đích thân mua và chúng cùng tôi rảo bước tới trường hàng ngày, ngoan ngoãn cùng tôi xếp hàng trước lớp học trước khi vào lớp, chúng cùng tôi nô đùa trong sân trường, rảo bước ngoài hè phố, chăm chỉ đến trường để thu thập những kiến thức từ “trường học” làm hành trang cho “trường đời” mai sau.  Những đôi giầy của tôi lần lượt bị đào thải theo thời gian , trở thành những phế vật vì: rách mũi, há mồm, long đế hay không còn thích hợp với kích thước của đôi bàn chân….vv…. Tôi gọi nó là những “ĐÔI GIẦY PHONG SƯƠNG”. Nó đã che chở, bảo vệ cho đôi bàn chân của tôi tránh bị thương tích.
        Rời ghế nhà trường, giã từ lớp học ra đời để tham gia những sinh hoạt ngoài xã hội,“giầy” theo tôi dẫm đạp lên cả những sình lầy hôi thối ngoài đường phố, tránh né những chông gai, những cạm bẫy ngoài xã hội, leo đèo, lội suối, nó cùng tôi lăn lộn khắp nơi để thực hiện giấc mơ, để hoàn tất nhiệm vụ được giao phó, để làm dài thêm đoạn đường đã đi và rút ngắn quãng đời còn lại. Tôi gọi nó là “ĐÔI GIẦY CÁT BỤI”.  Cho tới khi trưởng thành, bố vẫn mua giầy cho tôi vào ngày sinh nhật. Giầy đã theo tôi từ Bắc vào Nam, từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ. Nó đã phục vụ tôi từ lúc chập chững vào đời và vẫn còn tiếp tục theo tôi đến cuối cuộc đời, rồi sẽ đi cùng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng cho đến khi thân xác của cả hai chúng tôi cùng trở thành cát bụi.  Tôi gọi nó là “ĐÔI GIẦY VĨNH BIỆT ĐỜI”.
       Ngoài nhiệm vụ “bảo vệ đôi bàn chân” khỏi thương tích, Giầy còn là món đồ trang sức làm tăng vẻ đẹp của đôi bàn chân, làm tăng vẻ oai phong của nam giới (giầy lính bottes de saut) hay tô điểm thêm nét kiều diễm của nữ giới.
        Giầy còn là món quà thiết thực, hữu dụng và phổ thông trong ngày sinh nhật, vào những dịp lễ Giáng Sinh, ngày hiền mẫu (mother’s day) hay ngày phụ thân ( father’s day).  
       Giầy  còn  là “cận vệ” đắc lực và trung thành của đôi bàn chân và cung cấp sự “phục vụ đồng đều”, không phân biệt giầu sang, nghèo hèn, quyền lực hay thấp kém.
       Bàn về đôi giầy làm tôi liên tưởng tới các anh “thương phế binh” một thời xông pha nơi chiến tuyến với đôi  bottes de saut trên chân, lội suối, trèo đèo, ngủ đêm trong rừng thiêng , nước độc để bảo vệ quê hương, mang lại an bình cho hậu phương, đã hiến dâng đôi bàn chân cho tổ quốc . Làm sao không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối một thời tung hoành trên 4 vùng chiến thuật. Đôi bottes de saut đã gắn liền với cuộc đời của họ ngay từ thời gian bước chân vào “quân trường”, đếm bước một, hai theo khúc hát quân hành“ đường trường xa..” (Lục Quân Hành Khúc), cho đến khi ra “chiến trường”, sống chết cùng có nhau, nhiều lúc phải bước qua xác quân thù để tiến công truy lùng địch. Chiến tranh chấm dứt, nhiều anh thương binh trở về bên gia đình với thân thể khiếm khuyết một phần, khi đôi bàn chân đã gởi lại chiến trường. Từ đó các anh cũng đã vĩnh viễn mất luôn đôi giầy trong thương tiếc khôn nguôi. Và có biết bao thương binh một thời hy sinh oai hùng như thế giờ đang còn phải sống khốn khổ ở quê nhà? Ôi chiến tranh !!! một thảm họa của nhân loại, một bi kịch của xã hội, một đau thương của gia đình. Xin gửi đến các anh lòng ngưỡng mộ, sự kính mến vô bờ..   
 Và xin cám ơn đôi giầy, người bạn đồng hành thân thiết, cùng mang chung số phận vinh quang hay bất hạnh với chúng ta.
                     
California, tháng 6-2017    
 Vũ Đình Thịnh

Không có nhận xét nào: