Phụng háo hức lắm, háo hức được về một lần ngồi ở trước hiên nhà, nhìn bóng chiều đi dần ra bìa sân, dần ra ngoài cổng. Nghe tiếng heo kêu đòi ăn của những nhà hàng xóm. Tiếng gió chiều thổi vi vu trên những ngọn tre già. Đong đưa những cái tổ của chim giột giột. <!>
Những gốc tre già chạm nhau kêu kin kít khó quên…Nghe tiếng gà gáy ở góc vuờn. Nghe tiếng cu gù tuốt trên ngọn cây thầu đâu thật cao ở gần cổng vào. Tiếng chó sủa. Nhìn lại bầu trời quê hương đi xa là nhớ, ở gần là thương.
Và Phụng đã trở về, về chiều hôm qua. Về lại căn nhà xưa sau 42 năm. Cái ngày 30 tháng tư năm 75, Phụng chạy, chạy tuốt luốt vào Nam. Đi ở tù. Được tha trở về, Phụng sợ hết hồn làm chi giám trở lại quê. Lăn lóc ở Sài Gòn kiếm ăn và nuôi con. Đến ngày được qua Mỹ đổi đời.
Chiều hôm qua đến nhà lúc 7 giờ tối. Mệt. Cả đêm đâu có ngủ được. Háo hức. Vui. Buồn. Trưa nay nằm trên bộ ván ngựa ngủ một giấc êm đềm. Buổi trưa ở quê sao vắng vẻ, tĩnh lặng. Tưởng chừng như cha đi thăm đồng ruộng. Mẹ đi chợ chiều. Nhưng có còn đâu. Vắng hết rồi. Mất hết rồi…
Sau một giấc ngủ trưa. Phụng đi lần ra cửa và ngồi trên bực hiên, nhìn ra sân. Bóng chiều xuống đã nửa sân. Phụng nhìn chăm băm ra cổng. Cái cổng ngói của Ông Nội để lại còn nguyên vẹn. Sau bao năm chiến tranh bom đạn tơi bời. Ngôi nhà ngói ba gian đã bị sập một gian. Mẹ sửa lại. Vuông sân gạch rộng thênh thang đạn cày xới vẫn còn dấu vết.
Lạ nhỉ. Lạ lắm. Những cái cổng của nhà ông xã Diệu, ông xã Huấn, ông xã Liễu, ông xã Chánh, ông xã Bốn, ông chánh Tri, ông chánh Thận đều bị sập hết. Chỉ cổng nhà Phụng còn nguyên. Mà cũng không có những vết đạn để lại dấu. Phụng nghĩ lạ lắm. Ai cũng nói lạ lắm. Phúc đức lắm. Di tích của họ Trần. Hèn chi, mấy đứa con trai đều thoát được gông cùm Cộng Sản. Và ở hết nước ngoài…
Phụng nhớ. Phụng nhớ lắm, nó cứ canh cánh trong lòng. Vết gạch và mối tình tuổi thơ. Ôi cái tuổi thơ đẹp quá đi chớ. Thơ mộng quá đi. Và nàng. Phụng đau đớn trong lòng. Phụng lần ra cổng. Ngắm cái cổng vững chắc. Công trình của Ông Nội. Phụng đưa tay phủi hết lớp bụi thời gian. Cạy hết lớp rong rêu. Vết gạch đây rồi. Còn nguyên.
Phụng áp sát thân người vào đó. Chỉ tới cổ thôi mà. Ừ thì hồi đó 14, 15 tuổi chứ nhiêu. Học đệ lục, ngũ, tứ. Làm chi có yêu đương đắm đuối, si tình, vỡ mộng. Nhẹ nhàng thôi, mà sâu lắng…nhớ hoài. Mang theo trong lòng suốt những năm tháng triền miên.
Phụng đếm. Tất cả 6 vết, hai hàng, mỗi hàng 3 vết. Mỗi vết gạch cách nhau 2 lóng tay. Hàng bên trái cao hơn bên phải. Của nàng đây. Con gái mau lớn và mau khôn hơn con trai. Ừ thì có mấy năm thanh bình. Mỗi năm cao lên được hai lóng tay. Nhổ giò. Dậy thì.. Cái hồi đó thanh bình lắm. Ngày tết ai đi xa làm ăn cũng trở về quê ăn tết. Nhất là học trò. Vui đáo để. Được nghỉ học. Được ăn tết. Được khoe áo mới. Được đi chơi. Được thêm một tuổi. Và được gặp nàng.
Mồng hai tết. Cha đi chúc tết bạn bè. Mẹ cùng với những bà bạn quê đi đánh Bài Chòi lấy hên đầu năm. Chị và em trai cũng đi chơi tuốt. Phụng ở nhà coi nhà và thắp hương bàn thờ. Tiếp khách nếu có bà con hàng xóm đến thăm. Và nàng đến. Tươi thắm như hoa mai. Với áo sơ mi màu trắng có điểm những hoa anh đào hồng nhạt. Quần tây màu đen. Mái tóc xõa dài ngang lưng, thướt tha, dịu dàng, xinh xắn. Trông nàng lớn hẳn ra. Thiếu nữ.
Ngồi nói chuyên bâng quơ với đĩa mứt gừng và hạt dưa. Không biết nói cái gì mà nói nhiều lắm. Việc học hành, thầy cô giáo, bạn bè và sách vở. Chỉ có vậy thôi mà hết cả buổi sáng. Nàng về.
Lần nào Phụng cũng đưa nàng ra cổng. Và dừng lại. Lưu luyến. Không nhớ ai đề nghị, nàng đứng sát vào vách cổng. Phụng đo từ đỉnh đầu nàng vào vách tường. Gạch thật mạnh. Sâu. Tới phiên Phụng đứng sát vào. Nàng chỉ làm dấu. Tay con gái yếu lắm. Làm sao mà gạch được. Phụng gạch. Gạch thật mạnh. Những tiếng cười hồn nhiên. Và cứ thế 3 năm liền những ngày tháng thanh bình của miền Nam. Hàng bên trái mỗi năm nhích hơn một chút. Con gái mau lớn mà. Ba năm qua nhanh quá. Kéo tuổi thơ chạy thường thượt. Chạy hụt hơi…
Chiến tranh lại tràn về. Tứ tán hết. Chia cách hết. Bỏ quê mà chạy, mà đi. Ruộng vườn bỏ hoang hết. Ráng mà học. Ráng quá mà quên hết. Mỗi năm chỉ gặp nhau một lần. Ở thành phố nó lạt như thế sao? Vô tình như thế sao? Tại chiến tranh. Tại chết chóc. Nghèo đói. Không phải hết. Tại cái gì mà cứ kéo Phụng chaỵ. Chạy tận vào phương Nam.
Mỗi năm đau đáu nhìn về quê nhà. Nhớ nàng. Nàng sống lặng lẽ đi dạy học. Tuổi thanh xuân hững hờ qua. Thời gian có chờ đợi ai đâu.
Phụng quyết định phải thăm nàng. Quyết gặp nàng một lần để kể hết những sâu lắng trong lòng mà Phụng dấu kín. Hai lần đến nhà đều cửa đóng then cài. Nàng ở một mình. Căn nhà dưới tàn cây vú sữa có cả trăm năm. Vuông sân gạch đầy những chậu hoa và một con chó nằm buồn bã giữa sân. Vắng lặng. Tiếng của người hàng xóm nói vọng ra: Cô giáo đi đã ba ngày rồi. Đi cầu an cho gia đình Phật tử.
Định mệnh và duyên. Đức Phật nói không có duyên là không thể gặp nhau.
Đã hết thời gian ở quê rồi phải đi, phải giã từ. Như một thói quen. Phụng dạo quanh vườn. Khu vườn của tuổi thơ. Qua bao cuộc bể dâu vẫn còn. Cái giếng nước trong veo. Cây dâu đất có cả trăm năm vẫn còn và mỗi năm ra trái sum sê. Cây nhãn, cây ổi, cây mãng cầu có lẽ đã mọc cây mới để duy trì nòi giống. Phụng đi lần đến đầu hè. Đây vạt đất đầu hè. Mẹ nói, nhau của ba chị em chôn nơi đây. Ôi nơi chôn nhau cắt rún là đây. Phụng cố nhìn hết, ghi hết những hình ảnh của khu vườn tuổi thơ vào trong trí nhớ. Biết bao giờ về lại…
Đi lần ra cổng. Phụng nghĩ sẽ gạch môt vết gạch cuối (có thể) để ghi dấu một lần về. một tình yêu mật ngọt. Phụng sững sờ. Một vết gạch mới ở phía bên trái hiện ra. Có phải là mơ hay thực. Chắc chỉ mới ngày hôm qua hay hôm kia. Phụng chùng xuống, nhói cả cõi lòng. Tim co thắt. Cô giáo đi cầu an cho Phật tử. Câu nói của người hàng xóm còn vẳng bên tai. Không, nàng lẩn khuất đâu đó. Ôm vết thương lòng sống lặng lẽ ở quê hương. Quanh quẩn ở quê hương và vui với kinh kệ.
Phụng tìm một cục đá cứng và gạch thật mạnh một dấu bên phải ngang với vết gạch mới. Vết gạch nầy mạnh và sâu. Sâu lắm. Sâu như cõi lòng của Phụng chôn kín trong mấy mươi năm qua. Như gạch sâu vào quả tim đang rướm máu…Và đau.
Phụng nhìn thật lâu vào hai vết gạch. Hai vết gạch lớn dần, lớn dần bao trùm hết cả khu vườn tuổi thơ, căn nhà ngói ba gian, và xóm làng thân yêu. Phụng bước đi, chập chờn, xiêu vẹo trong nỗi đau cuộc đời….
Mùa Xuân đã qua mất rồi.
Mùa Xuân đã qua mất rồi.
Trần Thế Phong
(Đầu Năm Dậu 2017)
BanVanNghe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét