Mỹ: Nếu tấn công hạt nhân, Bắc Triều Tiên sẽ bị giáng trả "vùi dập" --- Bắc Triều Tiên cách chức bộ trưởng An Ninh, hành quyết nhiều sĩ quan<!>
Trong chuyến công du Seoul, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm nay, 03/02/2017, có một tuyên bố mạnh mẽ để trấn an đồng minh Hàn Quốc : Hoa Kỳ sẽ có các phản ứng « hữu hiệu », nếu Bình Nhưỡng có động thái gây hấn. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng hai nước cũng nhất trí thúc đẩy chương trình lá chắn tên lửa THAAD, để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Theo AFP, phát biểu với báo giới tại bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trước cuộc gặp đồng nhiệm Han Min-Koo, bộ trưởng Mỹ James Mattis nhấn mạnh : « Bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ, hay các đồng minh sẽ bị đánh bại, và bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị giáng trả một cách hữu hiệu và áp đảo ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định : Bảo vệ đồng minh Seoul là « ưu tiên » của Washington, và Hoa Kỳ cam kết « triệt để hậu thuẫn » nền dân chủ Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Trump công du nước ngoài. Theo giới quan sát, mục tiêu chủ yếu của chuyến đi này là nhằm trấn an các quốc gia Đông Bắc Á. Hàn Quốc lo ngại về tương lai của liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ, sau khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nếu các đối tác không tăng mạnh các đóng góp tài chính. Các phát biểu của bộ trưởng James Mattis trong chuyến công du Hàn Quốc vừa qua được đánh giá là tiếp nối chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ với các đồng minh châu Á.
Hôm qua 02/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn đã đồng ý thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước các đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2017.
Theo các chuyên gia, trong thời gian gần đây, chế độ Kim Jong Un đã có những tiến bộ đáng kể trong chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công đến Hoa Kỳ. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã thử bom nguyên tử hai lần và thử tên lửa hàng chục lần. Trong một phát biểu đầu năm mới 2017, Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng sắp thử tiếp hỏa tiễn xuyên lục địa.
Tháng 02/2016, sau khi Bình Nhưỡng thử nguyên tử, chính quyền Seoul đã chấp nhận kế hoạch triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, tuy nhiên địa điểm cụ thể lắp đặt dự án này còn chưa được quyết định. Bắc Kinh - đồng minh số một của Bắc Triều Tiên - phản ứng rất mạnh với dự án hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, với lý do hệ thống này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc.
Trước khi rời Hàn Quốc tới Nhật Bản hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tới đặt hoa tại tượng đài chiến sĩ vô danh tại Seoul, và gặp gỡ hàng trăm cựu chiến binh Hàn Quốc, từng tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cùng những người ủng hộ.
Tại Tokyo, ông James Mattis sẽ gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Tomomi Inada. - RFI
Bình Nhưỡng lại tiến hành thêm một vụ thanh trừng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã cách chức đại tướng Kim Wong Hong, đưa nhân vật thân cận này đi lao động cải tạo và xử bắn nhiều sĩ quan tình báo. Tin này do bộ Thống Nhất Hàn Quốc loan báo ngày 03/02/2017.
Bộ trưởng An Ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên và cũng là cánh tay mặt của Kim Jong Un là nạn nhân mới trong chính sách thanh trừng đẫm máu. Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc Jeong Joon Hee cho biết đại tướng Bắc Triều Tiên Kim Wong Hong bị mất chức bộ trưởng An Ninh, bị giáng cấp xuống thiếu tướng và bị đưa đi cải tạo từ giữa tháng 01/2017 vì tội « lạm quyền ». Một số sĩ quan và cán bộ của sở tình báo, thuộc quyền của Kim Wong Hong cũng bị hành quyết theo lệnh của Kim Jong Un.
Theo AFP, trong chế độ Bình Nhưỡng, bộ An Ninh là cơ quan cốt lõi có vai trò tình báo, theo dõi kềm kẹp dân chúng, trấn áp những người chống đối và quản lý các nhà tù chính trị.
Sự kiện Kim Wong Hong bị thanh trừng cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên có nguy cơ bất ổn thêm, thành phần có ưu quyền hoang mang hơn vì không biết ngày mai số phận ra sao.
Đại tướng Kim Wong Hong nắm quyền trong suốt các đợt thanh trừng từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền từ năm 2011. Bốn trong số năm tướng lãnh cao cấp nhất cha Kim Jong Un để lại cùng với hơn một trăm sĩ quan và đảng viên khác đã bị hành quyết. Đứng đầu bộ An Ninh và Tình báo từ năm 2012, Kim Wong Hong đóng vai trò then chốt trong vụ hành quyết Jang Song Thaek, chú dượng của lãnh đạo Kim Jong Un, và cũng là nhân vật số hai của chế độ vào năm 2013.
Theo AFP, trong diễn văn đầu năm 2017, Kim Jong Un « nhận lỗi » đã không phục vụ « nhân dân » một cách tốt đẹp. Rất có thể hàng loạt quan chức chính quyền sẽ bị đưa ra làm « vật tế thần » trong năm nay để nhà độc tài trẻ tuổi chạy tội, theo báo cáo của Viện Chiến Lược và An Ninh Quốc Gia tại Seoul. - RFI
2.
Nga-Hungary: Quan hệ hữu hảo chỉ là "bề nổi"
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến công du Hungary vào ngày hôm qua, 02/02/2017. Báo chí Hungary bình luận là ông Putin “sang Hungary như đi chợ”, ám chỉ tần suất tương đối dày của những chuyến thăm này.
Trong buổi trao đổi với RFI, thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest cho biết :
An ninh ở thủ đô Budapest đã được tăng cường một cách hiếm có, hầu như tất cả các tuyến đường chính đều bị chặn. Một cuộc biểu tình phản đối ông Putin của đảng đối lập “Cùng Nhau”, cho dù đã được cấp phép từ cảnh sát trước đó, nhưng rốt cục cũng bị ngăn cản và chỉ tiến hành được ở một địa điểm khác cách Nhà Quốc Hội Hungary hơn 1km.
Nhất trí toàn diện. Có thể nhận xét bằng một từ như thế, về những phát biểu của ông Putin và chủ nhà Orbán, trong cuộc họp báo sau khi hai vị lãnh đạo này có cuộc hội đàm tại Budapest. Đáng chú ý là trong cuộc họp báo này, chỉ các cơ quan truyền thông thân Nga và thân chính quyền mới được đặt câu hỏi, báo chí đối lập của Hung hoặc có chiều hướng thân Phương Tây đều phải im lặng.
Tổng thống Nga Putin cho hay chuyến công du đối với ông quan trọng là vì Hungary là thành viên Liên Âu và NATO, và ở Châu Âu, nước này ngày càng được quan tâm vì quan điểm khác biệt trong vấn đề tỵ nạn. Ngược lại, với chính phủ Hungary, nước Nga là một siêu cường và ông Orbán hy vọng có thể trở thành đồng minh và có những lợi ích kinh tế trong mối quan hệ này.
Do đó, trong họp báo ông Putin chủ yếu nói về các sự kiện quốc tế, còn Orbán thì tập trung vào các mối quan hệ kinh tế. Thủ tướng Hungary đã rất “thiếu tế nhị” khi nói về nước láng giềng Ukraine, theo báo chí Hung, vì ông chỉ nhắc tới Hiệp ước Minsk thứ 2 ký kết năm 2015, mà theo đó nước Nga không có bất cứ trách nhiệm gì, và không có một lời nào về tương lai Ukraine.
“Không thể xử lý một vấn đề chính trị bằng công cụ kinh tế”, đó là ý kiến của ông Orbán về những biện pháp trừng trị Nga của Phương Tây, và cũng là quan điểm mà lâu này chính phủ Hung vẫn hay nhấn mạnh. Tuy nhiên, Châu Âu không muốn chiến tranh và không còn công cụ nào khác để chế ngự mối hiểm nguy đến từ nước Nga, là theo chiều hướng mà Đức và Pháp đề xướng.
Thủ tướng Hung cũng nói thêm rằng theo ông, chính sách đối đầu với Nga đã trở nên một cái mốt ở Phương Tây, còn nước Hung cần biết vị trí của mình trong các vấn đề địa chính trị. “Chúng ta ai cũng cảm thấy rằng thế giới đang có một biến chuyển”, ông Orbán nói, và cho rằng biến chuyển đó đặt tiền đề thuận lợi cho quan hệ Nga - Châu Âu và quan hệ Nga - Hung.
Ông Orbán khẳng định, một mối quan hệ cân bằng giữa Nga và Châu Âu là điều kiện tiên quyết cho nền hòa bình ở châu lục này. Quan hệ Hung - Nga sẽ được đôi bên gìn giữ và bảo vệ tất cả những gì có thể, vì nó ở “một tầm kích khác”, và nếu thế giới trở lại bình thường (tức là khi những trừng phạt kinh tế với Nga được hủy nỏ) thì Hung sẽ có khởi động tốt ở thị trường Nga.
RFI : Tâm điểm của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo là gì ?
Thông tín viên Hoàng Nguyễn : Những vấn đề kinh tế là tâm điểm của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Hungary và Nga, và tất nhiên chủ đề chính vẫn là “thương vụ thế kỷ” của Hungary, khi nước này muốn xây thêm hai tổ máy tại Nhà máy điện nguyên tử ở TP Paks bằng nguồn vốn tín dụng 10 tỷ Euro của Nga và công nghệ Nga, với một hợp đồng được ký tắt trước khi đưa ra Quốc hội, và được mật hóa trong mấy thập kỷ.
Đây chính là nguồn cơn chính của những phản đối dữ dội của nhiều tổ chức dân sự, cùng phe đối lập Hungary, rằng nó sẽ khiến Hung phụ thuộc vào Moscow cả về tài chính lẫn chính trị, chưa kể, việc thiếu minh bạch sẽ khiến trị giá thực của hợp đồng sẽ bị đội giá lên đáng kể. Việc Nga có thể độc quyền trong một thương vụ lớn về năng lượng tại một nước thành viên EU cũng đang bị Liên Âu xem xét.
Thủ tướng Orbán Viktor cho hay, Hungary tiếp tục muốn sử dụng nguồn tín dụng Nga chứ không hợp tác với Phương Tây trong vấn đề này, thậm chí ông Putin còn đề nghị có thể cho mượn thêm 2 tỷ Euro cần thiết còn lại. Theo ông Orbán, Hungary sẽ được cung cấp đủ khí đốt cho tới năm 2021, và hiện đang chuẩn bị cho một thỏa thuận với Liên bang Nga về thời kỳ sau năm 2021.
Bình luận về vấn đề này, báo chí Hung cho rằng, hiện tại Hung phụ thuộc 60% về năng lượng với Nga, và những thỏa thuận tiếp tới, cùng việc hợp tác với Nga trong thương vụ xây nhà máy điện nguyên tử chỉ khiến nước này càng lệ thuộc vào Moscow. Điều mà khi còn là đảng đối lập, phe ông Orbán gọi là “phản quốc”, thì hiện tại lại được khẳng định là “lợi ích quốc gia”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Nga cũng sẵn sàng để Hung tham gia những dự án khí đốt của Nga, chẳng hạn Hungary có thể nhận khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Balkans, hoặc theo hệ thống Hải Lưu Phía Bắc, tức là không còn liên quan tới hệ thống khí đốt qua Ukraine, vẫn bị Nga coi là rủi ro. Nếu điều này diễn ra, Hungary có thể mất thêm một láng giềng là Ukraine, trong trận chiến với Nga.
RFI : Liệu có phải tổng thống Nga và thủ tướng Hungary đã thiết lập được một quan hệ hữu hảo ?
Thông tín viên Hoàng Nguyễn : Quan hệ hữu hảo chỉ là trên bề nổi. Đó là ý kiến đồng nhất của bốn chuyên gia nghiên cứu về Nga, phát biểu ngay sau cuộc gặp gỡ Orbán - Putin. Theo đó, hai vị lãnh đạo này thực chất cũng chẳng tin cậy nhau và câu hỏi lớn nhất là khi nào nước Nga cảm thấy rằng đã “đầu tư” đủ vào Hungary, để quyết định là đã tới lúc gặt hái thành quả của “thương vụ đầu tư” chính trị đó.
Từng là một điệp viên KGB trung thành, Putin không bao giờ quên, Thủ tướng Hung Orbán Viktor khởi nghiệp chính trị thời trẻ bằng hoạt động chống Liên Xô, và cả sự nghiệp của ông được xây dựng trên căn bản đó, nên không thể có chuyện tin tưởng.
Một bình luận viên khác đặt vấn đề, Orbán có thể đấu trí kịch liệt với Thủ tướng Đức Merkel, nhưng vẫn có thể tin tưởng vào bà. Là bởi, ở Merkel không có quan niệm “một mất một còn” kiểu thời Chiến tranh lạnh, như ở Putin. Đôi bên có thể bắt tay nhau, cười nói và phát biểu hữu hảo, nhưng khó mà có được lòng tin tưởng tương hỗ. Những trang mạng thân Nga, mà đứng sau có thể là chính quyền Nga, vẫn thường xuyên loan những tin giả mạo có lợi cho Nga, và khó có thể nói là “hữu nghị” đối với Hung.
Đó là chưa kể, cơ quan mật vụ Nga có quan hệ mật thiết với một tổ chức bán vũ trang của Hungary, và chưa thể biết cụ thể là họ muốn gì. Tuy nhiên, việc Nga muốn bao trùm các tổ chức dân tộc cực đoan thân Nga - hiện đã trở thành một mạng lưới trong vùng Trung Âu - để một khi nào đó có thể sử dụng, gây bất ổn, là điều hết sức nguy hiểm đối với Hungary, theo các nhà phân tích.
Ở một góc độ khác, nội các Orbán bấy lâu nay chủ trương đường lối ngoại giao “Hướng Đông”, tìm mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và Nga để kiếm lợi về kinh tế, nhưng Putin thì không nghĩ như vậy. Một nhà bình luận cho rằng, Putin quan niệm mối tương giao với Hung là một sự đầu tư chính trị, và khi Hung đã đủ rời xa Mỹ và Phương Tây, thì Nga sẽ phải “tiếp quản”.
Bởi lẽ, thứ văn hóa KGB chỉ biết một khái niệm trắng đen rõ rệt, “của anh hay của tôi”, kể cả trong vấn đề kinh tế, chẳng hạn, Hungary sẽ không thể rút khỏi sự phụ thuộc Nga trong hồ sơ nhà máy điện nguyên tử Paks. Thêm nữa, “có hàng tỉ những vụ việc nho nhỏ mà mật vụ Nga biết về Ban lãnh đạo Hung, và do đó, tới giờ lãnh đạo Hung vẫn phải sợ lãnh đạo Nga”.
Về mặt hình thức, chuyến thăm Hungary của Putin có lợi cho nước Nga, vì nó cho thấy dù bị tẩy chay nhưng Moscow vẫn có đồng minh trong Liên Âu và NATO, cho dù sự đánh giá Hungary ở Châu Âu không mấy tốt đẹp. Chính quyền Hung cũng đạt được một số thỏa thuận kinh tế, nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là, có bõ hay không, kể cả về kinh tế và chính trị, khi thân Nga và đối đầu Liên Âu? - RFI
3.
Lính Pháp bắn kẻ tấn công tại bảo tàng Louvre
Một quân nhân Pháp đứng gác tại bảo tàng Louvre tại Paris đã nổ súng bắn một kẻ tấn công mình, tin tức nói.
Một người đàn ông hô to "Allahu Akbar" (tức "Thượng đế vĩ đại" trong tiếng Ả-rập) và tìm cách tấn công quân nhân này bằng một con dao. Đối tượng đã bị thương nặng khi người lính phản ứng lại.
Một quân nhân bị thương ở đầu.
Thủ tướng Bernard Cazeneuve nói vụ tấn công "có tính khủng bố".
Kẻ tấn công được cho là đã tìm cách vào cửa hàng ở tầng hầm của bảo tàng.
Chiến dịch an ninh lớn đang diễn ra, và Bộ Nội vụ gọi tình thế là "nghiêm trọng".
Bảo tàng Louvre đã cho sơ tán người.
Chi tiết về vụ việc vẫn đang được đưa ra. Phát ngôn viên cảnh sát Pháp nói kẻ tấn công hô "Allahu Akbar" nhưng không mang theo chất nổ.
Các tường thuật nói ông này mang theo một hoặc hai vali.
Cũng có tin nói ông ta đeo ba lô và mang theo một mã tấu.
Bảo tàng Louvre, nơi có nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá, là một trong những bảo tàng được nhiều người tới tham quan nhất thế giới.
Cảnh sát nói nghi phạm bị bắn năm phát và hiện đã được đưa vào bệnh viện.
Một đối tượng nữa đã bị bắt.
Tổng số 250 khách tham quan có mặt tại bảo tàng vào lúc xảy ra vụ việc đã được đưa đi sơ tán sau khi được kiểm tra an ninh.
Pháp đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao kể từ sau các vụ tấn công Paris hồi 2015.
Một loạt các vụ tấn công do các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát thực hiện đã khiến 130 người thiệt mạng hồi 11/2015, là vụ nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo đã đứng ra nhận trách nhiệm.
Hồi 1/2015, 17 người chết trong vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo và các vụ nổ súng có liên quan. - BBC
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ tỏ thái độ cứng rắn với Nga trên hồ sơ Ukraina
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, vào hôm qua, 02/02, Hoa kỳ đã cứng giọng với Nga trên hồ sơ Ukraina : Trừng phạt vẫn được duy trì chừng nào Nga chưa trả lại Crimée cho Ukraina.
Thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio tường thuật từ Washington :
Hoa Kỳ đã sửa đổi trừng phạt đối với Nga, nhưng ông Trump đã đính chính ngay rằng đó không phải là giảm nhẹ mà theo Nhà Trắng, chỉ là để cho phép các công ty xí nghiệp Mỹ tiếp tục xuất khẩu sang Nga các sản phẩm công nghệ thông tin. Và những trao đổi này được thực hiện thông qua cơ quan tình báo Nga FSB.
Trong phát biểu đầu tiên trước Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ Haley nói rõ : Hoa Kỳ vẫn lên án và kêu gọi chấm dứt ngay việc chiếm đóng Crimée. Bán đảo này thuộc về Ukraina. Và trừng phạt của Mỹ trên hồ sơ này vẫn được duy trì cho đến khi nào Nga trả lại quyền kiểm soát Crimée cho Ukraina.
Ông Trump phải chăng đã thay đổi quan điểm đối với Matxcơva ? Darrell Issa, đại diện đảng Cộng Hòa, giải thích : Phải kềm chế Nga, không để họ phớt lờ chủ quyền của những quốc gia ‘chư hầu’ trước kia. Putin vẫn có ý muốn tiếp tục hành động. Tôi nghĩ là ông Trump đã cảm thấy trách nhiệm này trên vai và do đó đã hành động.
Phe diều hâu ở Quốc Hội và trong chính quyền Mỹ cảm thấy an tâm. Donald Trump như thế đã trấn an những người vốn hoàn toàn đi theo đường lối đối nội của ông, nhưng tỏ vẻ lo ngại về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. - RFI
5.
Phe Dân chủ Mỹ yêu cầu TT Trump chấm dứt lệnh cấm nhập cư --- Tị nạn Indonesia khốn khổ vì sắc lệnh của TT Trump
Gần một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tạm cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với bảy nước có đa số người Hồi giáo, các đại biểu Dân chủ ở Quốc hội một lần nữa yêu cầu tân tổng thống Mỹ chấm dứt chính sách di trú gây nhiều tranh cãi này.
Từ các cuộc phản đối ở các phi trường cho đến một cuộc tụ tập biểu tình trước Tối cao Pháp viện, rồi một cố gắng bất thành ở hội trường Hạ viện, các đại biểu Dân chủ bất mãn kết thúc tuần lễ làm việc với cáo buộc cho rằng tân tổng thống đã phá vỡ những nguyên tắc mà ông hứa sẽ bảo đảm khi tuyên thệ nhậm chức.
Dân biểu Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số Dân chủ ở Hạ viện, phát biểu:
"Chính quyền của ông Trump đã vi phạm tuyên thệ nhậm chức với những hành động không những vi hiến mà còn phương hại tới sự an toàn của người dân Mỹ."
Bất chấp lệnh cấm nhập cư gây ra biểu tình phản đối trên cả nước, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn lập luận rằng công chúng đứng về phía họ.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói:
"Rõ ràng là đa số cử tri Mỹ đều ủng hộ lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với người tị nạn từ các nước Syria, Iraq, Iran, Libya, Somalia, Sudan, và Yemen, cho đến khi nào chính phủ cải thiện tiến trình thanh lọc, để loại những phần tử xấu có thể đặt ra một mối đe doạ cho nước Mỹ."
Trong cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất Hoa Kỳ ở thành phố Dearborn, bang Michigan, lệnh cấm nhập cư tạm đã khiến nhiều người hoang mang lo sợ.
Dân biểu Debbie Dingell của Ðảng Dân chủ, đại diện cho khu vực, nói:
"Tôi không thể tả hết với quý vị nỗi lo sợ đang ám ảnh người dân ở đó. Họ lo rằng một ai đó sẽ đến đập cửa nhà họ vào lúc 3 giờ sáng, lôi họ ra khỏi giường và tống xuất họ ra khỏi nước Mỹ."
Dân biểu Dingell cho rằng cái giá phải trả cho sắc lệnh hành pháp này là quá cao:
"Tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng vấn đề an ninh quốc gia còn có nghĩa là phải bảo vệ những rường cột của Hiến pháp, trong đó có tự do tôn giáo."
Những người phản đối nói rằng lệnh cấm nhập cư làm tổn thương hình ảnh của Mỹ dưới con mắt của quốc tế, đe dọa an ninh ngay tại chính các nước mà lệnh cấm trực tiếp nhắm tới, và trong cả thế giới Hồi giáo.
Ông Thomas Countryman, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp Mỹ đã về hưu, bày tỏ lo ngại:
"Mỹ là quốc gia luôn mở rộng vòng tay chào đón di dân và người tị nạn từ tất cả các nước và thuộc mọi tôn giáo trong suốt mấy trăm năm qua. Tôi hy vọng họ sẽ nhận ra rằng đây chỉ là một lệnh cấm tạm thời, nhưng tôi thực sự lo lắng về cách thức phổ biến lệnh cấm này và cách thi hành lệnh cấm nhập cư đã gởi đi một thông điệp ngược lại."
Nhưng Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan nói với các phóng viên báo chí rằng ông không bao giờ ủng hộ một lệnh cấm đối với người Hồi giáo, mà ngược lại ông xem sắc lệnh vừa ban hành là một sự tạm ngưng chương trình di dân với những lý do xác thực. Chủ tịch Paul Ryan:
"Sau vụ khủng bố nổ súng tấn công ở Paris, chúng ta đã thấy rõ rằng các phần tử khủng bố đã trà trộn vào khối người tị nạn từ Syria, do đó chúng tôi muốn bảo đảm chuyện đó sẽ không xảy ra ở đây, trên đất nước này. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất về an ninh quốc gia."
Có một dấu hiệu cho thấy mặc dù những người phản đối sẽ chống lại sắc lệnh cấm nhập cư tại tòa, chính quyền của ông Trump có phần chắc sẽ không lùi bước. - VOA
Quyết định Tổng thống Hoa Kỳ chặn công dân từ 7 quốc gia đa số theo Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ đã gây ra phản ứng dữ dội, nhưng bị tác động nặng nề nhất là những người tị nạn, khi chương trình định cư người tị nạn bị đình chỉ trong 120 ngày.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, được ban hành tuần trước, ngưng cấp thị thực và ngưng cấp các quyền lợi khác cho các công dân Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen. Các quốc gia này có tên trong danh sách "các nước đáng quan tâm" trong một đạo luật năm 2016 liên quan đến việc cấp thị thực di trú.
Sắc lệnh mới cũng tạm ngừng chương trình người tị nạn trong 120 ngày, trong khi chờ các quan chức xét lại các thủ tục kiểm tra. Sắc lệnh còn giới hạn số người tị nạn được phép nhập cảnh Hoa Kỳ xuống còn 50.000 người trong năm tài khóa 2017 kết thúc vào ngày 30 tháng 9.
Khốn khổ nhất vì lệnh đình chỉ chương trình tị nạn Mỹ là một nhóm gồm 14.000 người tị nạn Indonesia. Hoa Kỳ là quốc gia tiếp nhận nhiều nhất thành phần bị buộc phải dời cư người Indonesia, phần lớn trong số họ là tín đồ Hồi giáo.
Ông Febi Yonesta, Chủ tịch SUAKA, Mạng lưới xã hội dân sự Indonesia Bảo vệ quyền tị nạn nói:
"Chỉ riêng năm 2016 đã có 790 người được chấp nhận cho định cư đến Hoa Kỳ. Nếu chính sách của ông Trump kéo dài, những người tị nạn Indonesia sẽ bị tác động nghiêm trọng." - VOA
Tin Việt Nam
6.
UNHCR bó tay trong vụ tị nạn Việt không được đến Mỹ
Một quan chức đại diện Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Thái Lan thừa nhận họ không biết liệu Mỹ có tiếp tục cho phép người tị nạn nhập cảnh hay không sau lệnh cấm 120 ngày trong sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 27 tháng 1, và rằng không có cách nào khác ngoài việc chờ đợi.
Quan chức này nói với thông tín viên Ron Corben của VOA Tiếng Anh như vậy sau khi VOA Tiếng Việt mới đây đưa tin về trường hợp của một người đàn ông Việt Nam cùng vợ và hai con bị đình chỉ chuyến đi đến Mỹ định cư vào ngày 8 tháng 2 theo diện người tị nạn.
Jennifer Bose, viên chức báo cáo cho văn phòng UNHCR tại Bangkok, nói rằng Liên Hiệp Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ cho những gia đình bị ảnh hưởng như một vấn đề thuộc về chính sách của cơ quan này.
UNHCR không bình luận với giới truyền thông về những trường hợp đơn lẻ.
Bà Bose cho biết có “vài trăm” người chuẩn bị rời đi trong vòng vài tuần tới theo chương trình tái định cư nhưng giờ đã bị tạm ngưng.
“Điều mà chúng tôi đang làm bây giờ là chờ xem chuyện gì xảy ra sau 120 ngày, bởi vì chúng tôi cũng không biết nhiều hơn các bạn. Chúng tôi vẫn đang liên lạc với giới hữu trách và Đại sứ quán Mỹ để cố gắng hiểu được tình hình. Nhưng chúng tôi phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra bởi vì ngay bây giờ chúng tôi không biết,” bà Bose nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người giúp chuẩn bị hồ sơ xin định cư của gia đình nói trên và là chủ tịch của Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), cho biết họ không phải là gia đình người Việt duy nhất bị ảnh hưởng vì lệnh cấm của Mỹ.
“Còn nhiều gia đình khác mà chúng tôi can thiệp trong thời gian qua đã thành công sau rất nhiều năm – ba năm, năm năm, bảy năm,” ông nói. “Bây giờ cuối cùng họ có cơ hội đến một quốc gia tự do là Hoa Kỳ thì bị đình hoãn hết tất cả và không biết là sẽ phải chờ đợi bao lâu mới được cứu xét trở lại để mà đi định cư tại Hoa Kỳ.”
Tiến sĩ Thắng nêu lo ngại rằng việc người tị nạn không được đi định cư cứ lần lữa ở lại trên đất Thái Lan có thể gây nên áp lực buộc nước này tìm cách hồi hương thay vì công nhận họ là người tị nạn.
“Lệnh vừa rồi của Tổng thống Donald Trump có lẽ không cố tình nhưng mà vô hình trung đã tạo nên một sự rối loạn ở trong chương trình tị nạn, không riêng của Hoa Kỳ mà có thể lan ra khắp thế giới,” ông nói thêm.
Tổng thống Trump trong một thông cáo Chủ nhật tuần trước nói rằng “[nước Mỹ] sẽ tiếp tục thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người chạy lánh sự áp bức, nhưng chúng ta sẽ làm như vậy trong khi bảo vệ người dân và biên giới của chính chúng ta.”
Chính quyền Trump hôm thứ Ba cho hay 872 người tị nạn sẽ vẫn được cho phép nhập cảnh Mỹ bất chấp lệnh cấm người tị nạn của Tổng thống. Kevin McAleenan, Quyền Cục trưởng Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, giải thích lý do là những người tị nạn này đã lên đường sang Mỹ và việc ngăn cản họ sẽ gây nên “khó khăn quá mức.”
Ngoài việc tạm ngưng chương trình người tị nạn của Mỹ trong 120 ngày, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump còn đình chỉ vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn đến từ Syria và ngăn cản công dân đến từ bảy nước có đa số dân là người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. - VOA
7.
Tranh cãi về kế hoạch K5 của Việt Nam tại Campuchea
K5 đầy tranh cãi
Các tranh cãi xoay quanh sự can thiệp quân sự của Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchea đánh đuổi Khmer Đỏ, sau 38 năm, vẫn chưa nguôi lặng.
Mới đây, lãnh tụ đảng đối lập của Campuchea công khai tố cáo rằng Việt Nam đã chỉ đạo cho giới lãnh đạo Campuchea trong giai đoạn cuối thập niên 70, đầu những năm 80 sát hại chính đồng bào của họ.
Ông Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp, mấy ngày qua đã lên Facebook nhắc lại thời kỳ lịch sử sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, cáo buộc kế hoạch K5 của Việt Nam lúc đó đã cướp đi thêm nhiều sinh mạng của dân Campuchea thời hậu Pol Pot.
Ông Rainsy nói với VOA Việt ngữ: “Bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng sẽ nhận ra rằng trong giai đoạn lịch sử Campuchea hồi thập niên 80 có một chiến lược được vạch ra để sát hại thường dân vô tội, giống như chế độ Pol Pot vậy. Xin quý vị hãy vào Facebook của tôi để xem tất cả những tài liệu, bài báo, và sách vở tham khảo. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm phải phơi bày sự thật lịch sử bị quên lãng này ra ánh sáng.”
Khởi phát từ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 80, kế hoạch K5 dần dần được đưa vào thực thi trước khi được áp dụng hoàn toàn tại Campuchea trong giai đoạn 1984-1988.
Kế hoạch này liên quan đến việc khai hoang một dải đất dọc theo biên giới giữa Campuchea với Thái Lan để quân Khmer Đỏ không còn chốn ẩn náu, đồng thời gài mìn bẫy để tiêu diệt và ngăn chặn tàn dư Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Phe chỉ trích kế hoạch này nói rằng nhiều người dân Campuchea được tuyển mộ từ các tỉnh để chuyển tới các khu vực dọc theo dải biên giới ấy để thực hiện công tác khai hoang, đối mặt với những hiểm nguy từ mìn bẫy, sốt rét, đói khát, và lao động quá sức.
Lúc kế hoạch K5 được áp dụng tại Campuchea, ký giả Kimseng Men của ban tiếng Khmer đài VOA đang trong độ tuổi tiểu học. Bố anh là trưởng thôn được lệnh từ cấp trên đi động viên dân làng tham gia kế hoạch K5.
Anh Kimseng cho biết K5 có ba mục tiêu chính: bảo vệ, xây dựng, và khai hoang. Anh nói dân bản địa không mấy ưa chuộng kế hoạch này nhưng buộc phải tham gia. “Lúc bấy giờ, thanh niên 18 tuổi trở lên, hoặc phải nhập ngũ, hoặc bị đưa đi K5. Nhiều người tìm mọi cách gian lận tuổi tác để tránh né. Trở về từ K5, không ít người ốm yếu và bệnh tật,” anh kể.
Giới cầm quyền ở Campuchea, đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, người từng sang ‘cầu viện’ Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchea đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cho rằng kế hoạch K5 đã giúp mang lại hòa bình và ổn định chính trị cho Campuchea.
Trái lại, phe đối lập của Campuchea nói sự thật đằng sau kế hoạch K5 là phía Việt Nam đã dùng lãnh đạo Campuchea, những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền, tiếp tục chính sách sát hại chính người dân Campuchea, chẳng khác gì Pol Pot.
Ông Hồ Bá Lộc là một sĩ quan quân đội từng chiến đấu ở Campuchea từ trước 1975 đến cuối 1981. Sau 1979 khi Pol Pot bị truy quét ra khỏi Campuchea, ông Lộc nằm trong lực lượng tham gia giải phóng Campuchea trong vai trò trợ lý tham mưu tác chiến của lữ đoàn 127, vùng 5, hải quân. Ông được đưa lên vùng biên giới Campuchea-Thái Lan, đảm nhận các công tác bao gồm nắm tình hình qua lại ở biên giới Campuchea, vận chuyển trang thiết bị, thay quân cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchea.
Ông Lộc nói K5 là một chiến lược chung, vì lúc đó Khmer Đỏ có các căn cứ đóng ở sát dọc biên giới Thái Lan-Campuchea: “Nếu mà lơi lỏng, các lực lượng Khmer Đỏ lại đột kích dọc theo chiều dài biên giới trở vào làm cho tình hình bất an. Việc rải mìn không chỉ phía Việt Nam, mà cả phía Khmer Đỏ cũng làm, trong đó bộ đội Việt Nam chết nhiều nhất, bị thương nhiều nhất vì các bãi mìn của Khmer Đỏ. Trong tổng số 40 ngàn người đã chết trong cuộc chiến 1979 trở về sau, cũng có rất nhiều bộ đội Việt Nam chết và bị thương chủ yếu là do bãi mìn của Khmer Đỏ.”
Sĩ quan này cho biết từ tháng 1/1979 khi lực lượng Khmer Đỏ xem như hoàn toàn bị quét khỏi các cứ địa lớn ở Campuchea, Việt Nam đưa lực lượng biên phòng sang để giúp bộ đội biên phòng Campuchea, hình thành lực lượng dọc theo đường biên giới Campuchea-Thái Lan, với chủ trương ngăn tại biên giới, không cho Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Ông Lộc nói: “Cái chuyện lập K5 ra để tàn sát hoàn toàn là lập luận hết sức vu cáo, nhằm vu cáo bộ đội Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là lập các khu an toàn để người dân trở về. Ngay cả những người đi lính Khmer Đỏ có nguyện vọng trở về lại với nhân dân cũng đều được bảo vệ. Nhưng chính vì vậy mà lực lượng Khmer Đỏ giả vờ về, rồi gia nhập lại lực lượng kháng chiến của Hun Sen. Rất nhiều người đội lốt, tức là Khmer Đỏ trở về mặc áo của người lính ban ngày, đêm lại quay lại báo cho Khmer Đỏ vị trí đóng quân để đột kích lại lực lượng quân đội. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Điều đó tạo ra thêm hy sinh sau chiến tranh, trở ngại cho bộ đội Việt Nam và Campuchea rất nhiều.”
Chưa có đánh giá chính thức về kế hoạch K5 thành công hay thất bại, cũng không có thống kê chính thức số tử vong vì K5, nhưng tờ Khmer Times trong tuần dẫn tin tức báo chí rằng kế hoạch này đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mà theo lời ông Sam Rainsy, trong đó có rất nhiều thường dân Campuchea, chưa kể số bị thương tật và tàn phế suốt đời.
Người sĩ quan Việt Nam tham chiến tại Campuchea cho biết sau giải phóng, phần đông dân Campuchea đã bị Khmer Đỏ lùa lên rừng và ‘chính lực lượng trong rừng là chiến tranh du kích, ban ngày họ có thể là dân, đêm họ có thể trở thành lính của Khmer Đỏ.’ ‘Thành ra, khó có thể xác định được có phải là dân hay không. Đó là thực tế trong chiến tranh.’
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cả Campuchea lẫn Việt Nam lúc đó đều đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ dân, đưa những người sơ tán khỏi họa diệt chủng đang sống rải rác trong rừng hoặc bị Khmer Đỏ ép lên các vùng núi cao trở lại các thôn làng.
Và can thiệp quân sự của Việt Nam
Không chỉ mục đích của kế hoạch K5, sự can thiệp quân sự từ Việt Nam cũng là một đề tài gây tranh cãi gay gắt lâu nay, được diễn giải khác biệt bởi giới phân tích chính trị, bởi phía đối lập, phe cầm quyền Campuchea, lẫn người dân Campuchea.
Bên tố cáo cho rằng quân đội cộng sản Việt Nam mượn cớ giải phóng người dân Campuchea ra khỏi tay Pol Pot để xâm chiếm Campuchea, phục vụ mục đích bành trướng chủ nghĩa cộng sản; trong khi những người lính Việt Nam nói sự hiện diện của họ trên chiến trường Campuchea là đáp lời ‘cầu viện’ hầu ngăn chặn hiểm họa Pol Pot bởi lẽ với cuộc chiến Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 và một nền kinh tế kiệt quệ theo sau, dân Việt Nam chẳng ai còn muốn chiến tranh nữa.
Dù chưa có câu trả lời thực chất về động cơ sự can thiệp này, nhưng một điều có thể ghi nhận rằng có sự thay đổi trong ánh mắt của nhiều người dân Campuchea đối với nước láng giềng Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy đã kéo theo tinh thần bài Việt Nam. Ký giả Kimseng nói: “Sau 5 năm, quân cộng sản Việt Nam không rút về mà cứ ở lại Campuchea, đó là lúc tình cảm người dân Campuchea đối với Việt Nam bắt đầu đổi sắc.”
Những người Việt từng hiện diện trên chiến trường Campuchea, như anh Lộc, nói: “Cũng như Mỹ, phải đảm bảo chính quyền Iraq mới đủ mạnh mới có thể rút quân. Lúc đó, các chuyên gia Việt Nam ở lại mục đích là giúp chính quyền có thể tự vận hành, vì Việt Nam hiểu nếu Khmer Đỏ trở lại, không chỉ là mối họa đối với Campuchea mà với cả Việt Nam.”
Ngờ vực chính trị và tranh cãi lịch sử đã dẫn tới những lời kêu gọi tiến hành những cuộc nghiên cứu sâu rộng. Dù cho tới nay vẫn chưa có một công trình nào như thế, nhưng người sĩ quan tham mưu tác chiến trên chiến trường Campuchea này khẳng định: “Nếu Việt Nam buông lúc đó, Campuchea không có ngày hôm nay.” - VOA
8.
Ông Nguyễn Văn Hóa bị tạm giam vì vi phạm điều 258 BLHS
Gia đình ông Nguyễn Văn Hóa hôm 3/2 cho biết mới nhận được thông báo "Tạm giam bị can" của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 20/01/2017 vì "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của ông Hóa, cho biết ông bị bắt giữ hôm 11/01/2017 và bà cho biết lý do bắt giữ là cáo buộc "ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy". Tuy nhiên cho tới ngày 23/1 sau khi gia đình làm đơn gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía chính quyền.
"Trong năm 2016, việc Formosa đổ rác thải đổ ra biển khiến cá chết nhiều mà Hóa nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhất của Hà Tĩnh, Hóa cũng có lên tiếng đòi hỏi công bằng cho bà con người dân miền Trung khi thấy bất công mà bà con miền Trung phải gánh chịu."
"Trước đây những vùng biển mà quyền lợi của họ chưa được đền bù thỏa đáng thì họ biểu tình. Riêng Hóa cũng lên tiếng đòi quyền lợi cho bà con miền Trung, làm việc từ thiện giúp bà con thôi, còn Hóa không làm các việc gì khác đâu," bà Huệ nói.
Bà Huệ cũng cho biết thêm: "Từ ngày 27/1 người nhà có ra tỉnh xin gặp Hóa nhưng họ không cho nên chỉ gửi được quà thôi. Sau Tết âm lịch thì mùng 6, mùng 7 họ mới làm việc nên người nhà chuẩn bị đi ra gửi đồ cho Hóa vì họ không cho thăm, nhưng sáng nay thì nhận được giấy Hóa bị tạm giam với điều 258 đó."
"Vì công an không cho người nhà gặp từ hôm đó nên gia đình đang lo lắng. Mà từ nhà tới nơi Hóa bị giam giữ cũng xa lắm, gần cả 100 cây số."
Bà Huệ cho biết hiện gia đình cũng chưa thu xếp hay có được trợ lý nào về mặt pháp lý kể từ khi ông Nguyễn Văn Hòa bị giam giữ.
Theo luật sư Trần Thu Nam cho BBC biết thì thường có Quyết định Khởi tố một khi có Thông báo Tạm giam bị can, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hóa cho biết hiện chưa nhận được thông báo hay quyết định Khởi tố bị can hay Khởi tố vụ án nào.
Nguyễn Văn Hóa sinh ngày 15/4/1995 tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi gia đình ông Hóa sinh sống là một trong những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất trong vụ xả thải độc ra biển từ nhà máy của Formosa, gây thảm họa môi trường.
Trong Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra ngày 27/01/2017 đề cập tới một số vụ bắt giữ những người mà họ mô tả là lên tiếng phê phán và vận động nhân quyền cũng có nhắc tới trường hợp ông Hóa bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), có trụ sở tại New York, cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Văn Hóa và bà Trần Thị Nga (vẫn được biết đến với tên Thúy Nga), người cũng đang bị giam giữ với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự. - BBC
9.
Tướng Hưởng nói về ông Trump và trật tự thế giới
Lần đầu tiên một cựu lãnh đạo cao cấp của ngành công an Việt Nam nêu các nhận định chiến lược về nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump và đặt ra các câu hỏi liên quan tới khu vực.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an cho đến tháng 3/2013 có bài đăng trên trang Tuần Việt Nam (VietnamNet 03/02/2017) đánh giá tổng quan rằng:
"Chỉ trong 10 ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, Donald Trump đã gây chấn động chính trị quốc tế."
"Chắc chắn ông Trump không dừng bước."
Theo Thượng tướng Hưởng, người cũng giữ chức Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về an ninh và tôn giáo sau khi rời Bộ Công an, "Thế giới phương Tây đang đứng trước những xung đột nội tại vô cùng lớn, làm nảy sinh xu hướng dân tộc biệt lập".
Ông tin rằng Trump và Brexit tức quá trình Liên hiệp Vương quốc Anh rời EU "chỉ là điểm khởi đầu".
Riêng về Tổng thống Donald Trump, Tướng Hưởng nhận xét:
"Ông ta sẽ tiếp tục làm những lời ông từng tuyên bố, nếu điều đó xảy ra thì thế giới đang ở bước ngoặt lớn của lịch sử, chủ nghĩa dân tộc biệt lập đang phục hồi ở các nước phương Tây xuất phát từ những thất bại của những định hướng chiến lược của chủ nghĩa tư bản diễn ra ở Mỹ và Liên minh Châu Âu, để nhường chỗ cho khuynh hướng lấy lợi ích quốc gia là tối thượng."
Từ Trump đến Tập Cận Bình
Thời gian qua, giống như nhiều lãnh đạo châu Á đang còn xem xét tình hình Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ của ông Trump, các lãnh đạo đương chức tại Việt Nam cũng ít lên tiếng về tân tổng thống Mỹ.
Trang Nikkei Asian Review cho rằng ngoài những phát biểu mang tính "ăn theo" cùa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterter, người duy nhất lên tiếng bác bỏ chính sách cô lập và bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump là Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Cùng lúc, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tiên được bộ tham mưu mới của Tổng thống Donald Trump tiếp xúc chính thức và cam kết duy trì liên minh quân sự.
Các quan chức Việt Nam cho đến nay chỉ nói về chuyện tìm cách ứng phó trước quyết định của ông Trump rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP.
Một loạt lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng sang thăm Trung Quốc đầu năm 2017 nhưng hiện chưa có dấu hiệu gì là quan hệ Washington - Hà Nội tiến triển hơn trước, thậm chí có vẻ như còn chững lại.
Nhà quan sát Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Úc có bài hôm 03/01/2017 trên VietnamNet bản tiếng Anh cho rằng:
"Việt Nam cần chủ động hơn ở Washington nhằm tìm lối vào tiếp xúc với Chính quyền Trump và tìm kiếm đảm bảo về hướng đi tương lai của quan hệ song phương..."
Nhưng về tầm khu vực, bài viết của Tướng Nguyễn Văn Hưởng có thể là phát biểu công khai và rõ rệt nhất từ Việt Nam nêu ra quan ngại rằng nếu Hoa Kỳ suy yếu thì Trung Quốc sẽ vươn lên.
"...ta phải thấy một vấn đề là khi Mỹ và phương Tây suy yếu, Trump đang thực hiện xây dựng nước Mỹ hùng mạnh trở lại, thì Trung Quốc sau hơn 30 năm trỗi dậy đã trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng quốc tế quan trọng, cạnh tranh với Mỹ và tư bản phương Tây."
Tướng Hưởng đặt câu hỏi, "trước bối cảnh quốc tế diễn ra, Brexit ở Anh và Trump ở Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ đóng vai trò như thế nào đối với trật tự quốc tế?"
Ông nêu ra cảnh báo:
"Các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng trống này sẽ là cơ hội cho Trung Quốc gây ảnh hưởng của mình đối với các khu vực, đó là điều tốt hay là mối đe doạ các nước thì cần nghiên cứu tiếp..."
"Chắc chắn rằng thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản sẽ diễn ra không kém phần quyết liệt, trật tự thế giới sẽ không còn như trước nữa".
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, sinh năm 1946 ở Quảng Ninh và là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hai khóa.
Trước khi làm Thứ trưởng Công an, ông từng nắm Tổng cục An ninh Bộ Công an và là thành viên Ban Chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.
Năm 2011, Việt Nam trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cùng với Bộ trưởng Công an Đại tướng Lê Hồng Anh và Trung tướng Bùi Văn Nam.
Báo Công an Nhân dân khi đó cho biết phần thưởng này là sự ghi nhận, biểu dương cho nhiều thành tích, trong đó có "chuyên án đấu tranh với tổ chức phản động do các đối tượng Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung cầm đầu". - BBC
10.
Nữ dân biểu gốc Việt chúc Tết cộng đồng
Tối 2/2, nữ dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên đã có buổi họp mừng Xuân Đinh Dậu 2017 với cộng đồng người Việt ở khu vực thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Tối 2/2, nữ dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên đã có buổi họp mừng Xuân Đinh Dậu 2017 với cộng đồng người Việt ở khu vực thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Mở đầu bài phát biểu, Dân biểu Stephanie Murphy cho biết tên tiếng Việt của cô là Dung (Đặng Thị Ngọc Dung) và gửi lời chúc Tết đến cộng đồng bằng vốn tiếng Việt còn khá hạn chế. Cô nói:
“Kính chúc quý vị năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý”.
Gia đình Dân biểu Stephanie Murphy đến Mỹ tị nạn khi cô chưa đầy 1 tuổi. Trước khi đắc cử vào Quốc hội, Stephanie là một nhà giáo, một nữ doanh nhân và chuyên gia an ninh quốc nội. Cô tham gia điều hành một công ty tư vấn đầu tư và giảng dạy tại trường cao đẳng Rollins. Trước đó, cô là một chuyên gia an ninh làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ và nhận được rất nhiều bằng khen vì những thành tích trong công việc.
Sau khi đắc cử làm dân biểu đại diện cho Địa hạt 7, bang Florida, cô Stephanie Murphy cũng trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bước chân vào Quốc hội Hoa Kỳ. Chia sẻ với VOA về cảm nhận sau khi đắc cử, cô Stephanie cho biết:
“Tôi rất vui sướng vì có cơ hội được đại diện cho người dân ở miền Nam Florida ở Quốc hội. Tôi cũng rất vui sướng trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên phục vụ tại Quốc hội vì tôi tin rằng người đại diện ở Quốc hội cũng như mọi người trên đất nước này, đều mong muốn có một chính phủ đa dạng. Tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế tươi sáng cho nước Mỹ để mọi người được cùng hưởng lợi, tiếp tục tạo ra những cơ hội mà gia đình tôi đã có được, là làm việc chăm chỉ và thăng tiến trên đất Mỹ”.
Trước đó, cô chia sẻ với cộng đồng về câu chuyện của bản thân và gia đình:
“Tết là dịp rất đặc biệt vì nó phản ánh di sản rất đáng tự hào của chúng ta. Quý vị cũng biết là gia đình tôi chạy trốn Cộng sản Việt Nam sang đây tị nạn khi tôi gần 1 tuổi. Tôi phải thú nhận là chính câu chuyện gia đình tôi là động lực khiến tôi tranh cử vào Quốc hội. Là một người tị nạn, tôi rất ngại chia sẻ câu chuyện của mình trong chiến dịch vận động tranh cử. Nhưng may mắn thay, một người anh của tôi đã giúp tôi hiểu rằng câu chuyện của gia đình tôi cũng chính là câu chuyện của nước Mỹ. Nó đáng tự hào và cần được chia sẻ với công chúng. Nhưng câu chuyện của gia đình tôi đã không xảy ra nếu người Mỹ không tôn trọng những nguyên tắc nền tảng để mang lại niềm hy vọng, ánh sáng và tự do cho những người trốn chạy khỏi những sự đàn áp trên thế giới.”
Cô nói tiếp:
“Tôi có lẽ không cần phải nói với quý vị rằng người tị nạn rất hãnh diện khi trở thành công dân Mỹ. Họ cũng yêu mến đất nước mới này nhiều như gia đình chúng tôi. Một trong những sự kiện hãnh diện nhất đời tôi là khi tôi đứng bên cạnh mẹ để tuyên thệ trở thành công dân Mỹ và vẫy lá cờ Mỹ. Lúc đó tôi mới được 12 tuổi. Hơn 25 năm sau, vào tháng 1 năm nay, con trai 6 tuổi của tôi đã cầm lá cờ mà tôi đã cầm khi lên 12, đứng tại Hạ viện để xem tôi tuyên thệ lần thứ hai khi trở thành dân biểu Quốc hội Mỹ. Khoảnh khắc như thế chỉ có thể xảy ra tại nước Mỹ”.
Nữ dân biểu Murphy nói với cộng đồng người Việt rằng điều quan trọng là phải lên tiếng để góp phần giữ gìn những giá trị của nước Mỹ như tính đa dạng, đa sắc, bình đẳng, tự do và cơ hội cho tất cả mọi người. Cô nói:
“Đây không phải là lúc để im lặng. Đây là lúc để hành động. Xin hãy tham gia và kể câu chuyện của quý vị, giúp chúng tôi bảo vệ nước Mỹ mà chúng ta từng biết. Đó là một nước Mỹ với vòng tay mở rộng, mang đến tự do và những cơ hội không thể có được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Ngoài vấn đề người tị nạn, những vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng cũng rất được Dân biểu Stephanie Murphy quan tâm.
Cũng trong ngày 2/2, Dân biểu Murphy đã trình lên quốc hội một dự luật liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự về an ninh trong chính quyền Hoa Kỳ.
Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, sáng lập viên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, một trong những thành viên Ban tổ chức sự kiện mừng Xuân, cho biết thêm:
“Hôm nay là một ngày rất vui vì thứ nhất, đó là ngày đầu năm Đinh Dậu. Thứ hai, đây là lần đầu tiên chúng ta có một nữ dân biểu người Mỹ gốc Việt đắc cử vẻ vang vào Hạ viện Hoa Kỳ. Cô là đại diện đảng Dân chủ và cũng đại diện cho tiếng nói của người Mỹ gốc Việt. Nhưng hôm nay, cô vừa ra một dự luật nói đặc biệt đến vấn đề của ngày hôm nay. Cô rất quan tâm đến những vấn đề của người tị nạn, di dân vì quá khứ của cô. Nhưng cô cũng có kinh nghiệm về quốc phòng. Cô từng làm trong Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bush. Cho nên dự luật cô trình ra hôm nay rất được tán thưởng. Dự luật nói rằng một người muốn được vào Hội đồng An ninh Quốc gia thì phải là người có căn bản, kinh nghiệm và phải được Quốc hội thông qua, chứ không phải ai cũng có thể vào Hội đồng An ninh Quốc gia được”.
Theo bà Ngọc Giao, dự luật do Dân biểu Stephanie đưa ra được nhiều người hưởng ứng bởi vì nó đáp ứng nỗi lo của nhiều người dân Mỹ về khả năng có những người không có kinh nghiệm về an ninh hay quốc phòng được bổ nhiệm để nắm các chức vụ trong cơ quan phụ trách về an ninh quốc gia Mỹ.
Một thành viên khác của Ban tổ chức, Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn Á châu cho Thống đốc bang Virginia, khuyên cộng đồng Việt Nam nên mạnh dạn liên lạc với văn phòng của các dân biểu, thượng nghị sĩ khi có những vấn đề cần lên tiếng.
“Dân biểu phải là người đi rất sát với dân chúng. Họ là những người đại diện cho những cử tri trong vùng họ sinh sống. Hơn thế nữa, khi họ vô Quốc hội Hoa Kỳ, họ có thể được bổ nhiệm vô những công việc chuyên môn mà có thể đại diện nhiều hơn nữa ngoài những cử tri trong vùng họ sinh sống. Những người này thực sự là tiếng nói của người dân trong Quốc hội Hoa Kỳ. Vì thế, chúng ta đừng ngại và nghĩ rằng họ quá xa vời ngoài tầm với của người dân”.
Tham gia trong sự kiện mừng Xuân Đinh Dậu còn có các bạn trẻ, sinh viên, học sinh người Việt. Một trong số đó là Phó Thanh Nhật.
“Thật sự rất hãnh diện khi có người Mỹ gốc Việt thành công làm Congresswoman (dân biểu). Sinh ra ở Việt Nam, sống ở Mỹ và trở thành người đàn bà đầu tiên (vào Quốc hội) nên Stephanie làm em rất inspired (được truyền cảm hứng). Stephanie là idol (thần tượng) cho những người giống như em. Thời này là rất khó cho những người nghĩ rằng government (chính phủ) không supportive (ủng hộ, giúp đỡ) thì bây giờ có Stephanie Murphy như là một positive moment (điều tích cực), some hopes (chút hy vọng), có representation (đại diện) trong government”.
Trước Dân biểu Stephanie Murphy, người gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh). Ông Joseph Cao là dân biểu Địa hạt 2 của bang Louisiana tại Hạ viện Hoa Kỳ trong những năm từ 2009 đến 2011. - VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét