Khi nhắc mùa thu, mọi người đều nhắc tới Hà Nội. Chẳng khi nào nghe nói mùa thu Nam Định, Tuyên Quang… hay Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh… Mặc dù mùa thu hiển hiện khá rõ tận phía Bắc đèo Ngang của dãy Hoành Sơn. Có lần tôi ra chơi Hà nội, bấy giờ đã sang đông nhưng chút thu còn rơi rớt lại vẫn đẹp xiêu lòng. Màu sắc rực rỡ diệu kỳ của những chiếc lá bàng đổi màu cũng như lá phong, lá ngô đồng… gợi nên khung cảnh bàng bạc mênh mông của những cánh rừng nơi quan tái, tới nỗi quan hoài vô cớ khiến lòng trở nên man mác. Rừng thu xa đã nhuốm màu quan san (1).
Những cành khô trơ trụi in hình se sắt trên bầu trời ánh bạc và mặt hồ lăn tăn trong lòng thành phố khiến tôi nhớ mấy câu thơ. Hôm nay có phải là thu… Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn… Ai về xa mãi cô thôn… (2). Không nóng nực như hạ đỏ, không rét buốt như đông xám, không rộn rã như xuân hồng mà mùa thu chơi vơi như một bài thơ, như người đẹp khói sương hiện đến quyến rũ thi sĩ trong vần thơ dào dạt, khi những giấc mơ dường như bỗng hiện hình trong thời tiết, trong thiên nhiên giữa cây cỏ đất trời giao hòa cùng tâm hồn con người…
Phong cảnh mùa thu đó không có ở một thành phố miền Nam xứ nhiệt đới. Tin khí tượng của Saigon không hề mang khái niệm tứ thời bát tiết. Một năm trôi qua chỉ hai mùa mưa nắng. những cơn mưa rào, mưa đó tạnh đó vào mùa mưa mà người ta hay nói như tính khí của người miền Nam dễ dàng và phóng khoáng, hay nắng khô da cháy tóc vào mùa khô. Dù sao, mọi người vẫn có thể cảm nhận rất rõ ràng mỗi ngày, mùa đang từ từ chuyển dịch. Từng cơn gió mát, từng đợt mưa sa nắng nhẹ và rất nhiều lễ lạt, hội hè cho biết đây là thời gian của mùa thu.
Theo lịch, từ tháng Bảy ta bắt đầu tiết Lập Thu, lúc này Saigon đang vào giữa mùa mưa nên dù đúng ngày thất tịch hay không, từ cầu Ô Thước, nước mắt của Ngưu Lang- Chức Nữ rơi xuống cũng dư thừa làm nhiều nơi trong thành phố ngập lụt tràn lan. May là mỗi năm tái ngộ chỉ một lần, gặp gỡ mấy lần buồn vui lẫn lộn thì không biết đường phố còn dâng nước đến đâu. Thật ra đường xá ngập nước do hệ thống cầu cống của thành phố ngày càng hư hại chứ không hẳn do mưa quá nhiều. Người ta cảm thấy rất rõ ràng mưa bây giờ không rả rích, dai dẳng từ sáng đến tối, sập sùi từ chiều đến khuya như xưa nữa. Chẳng còn mưa chiều đều đặn mỗi buổi chiều hay mưa sáng đều đặn trong nhiều sáng mà chỉ mưa kéo dài khi rớt bão. Giọt mưa thu không mãi triền miên thánh thót ngoài hiên nữa. Mọi người kêu chắc do hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường… nên thời tiết thay đổi quá nhiều, chẳng có gì giống ngày xưa cả. Dù bầu trời xám xịt, ủ rũ nhưng những trận mưa vẫn mưa ngay tạnh ngay đó rất chóng vánh. Thành thử nhiều khi còn đang ngắm hạt mưa rơi xiên xiên đẩy óc tưởng tượng mơ màng đến những cuộc tình dang dở. Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu. Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền. Một rằng duyên hai rằng là nợ. Sợi xích thằng ai gỡ cho ra… (3). Đàn quạ hẳn chưa kịp chứng kiến vợ chồng Ngâu nỉ non cạn lời, bài thơ đang làm dang dở chưa xong thì mưa hốt nhiên đã tạnh, trời hửng sáng và nắng dù nhạt nhưng mặt đường đã vui vẻ ráo hoảnh ngay lập tức.
Đầu mùa Thu cũng là mùa Vu Lan. Saigon ngoại trừ tháng bão mới có đôi chút Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, nhưng chẳng bao giờ biết đến cảnh toát hơi may lạnh buốt xương khô. Khắp tháng này nổi bật ở Saigon là mùa ăn chay. Chỗ nào cũng bán đầy hàng chay. Các nhà hàng lớn tranh nhau mời chào buffet chay với những chủ đề thật kêu: “Lời cám ơn đấng sinh thành”, “Vu Lan chay tịnh”… đủ loại thực đơn chay từ Âu Mỹ đến Á, ẩm thực chay Trung quốc đứng đầu rồi đến Nhật, Thái Lan, Mã Lai… Các sạp hàng nhỏ trong chợ chuyển sang hàng chay nguyên tháng và những gian hàng dã chiến bán đồ thí thực khắp nơi chỗ nào cũng có: bỏng rang, mía khúc, kẹo bột, cóc xanh… tạo nên hình ảnh đặc biệt cho mùa Vu Lan. Các hãng du lịch rất nhanh chóng nắm được thị truờng bằng cách mở những tour đặt tên nghe thật lôi kéo: Tour báo hiếu, tour hành hương… dành cho người già. Những chương trình du lịch đặc biệt này đuợc dạo chơi một cách thong thả chứ không như các tour bình thường khác luôn hối hả, thúc giục du khách đi chơi như chạy đua, lại kết hợp với với các khóa cấp tốc thực tập dưỡng sinh, tư vấn về sức khỏe nên các cụ ông, cụ bà rất ưa thích. Gần thì Nha Trang, Phan Thiết… xa đến Singapore, Đài Loan, Trung Hoa… Ngày nay, khi đến tuổi về hưu, người già không còn rút lui vào ẩn dật trong các sinh hoạt góc nhà như trước kia nữa mà vẫn ra ngoài xã hội để tiếp tục những sinh hoạt giải trí hay làm việc phù hợp. Vì thế, họ không còn cảm thấy suốt quãng tuổi già là thời gian bị gạt ra lề, đứng ngoài cuộc sống.
Và Trung Thu, một Trung thu cứ đúng ngày thường mưa tầm tã nên hiếm năm nào vào ngày đó tìm thấy hình bóng chú Cuội trên cao. Cuội ngồi dưới cội cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời. Cha còn cắt cỏ trên trời. Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên (4). Vả ở thành phố, nếu không mưa, cung Quế nhiều khi vẫn bị che khuất bởi nhà cao tầng bốn bề vây kín. Thú ngâm thơ vịnh nguyệt hầu như chỉ tồn tại trên những trang sách của Nguyễn Tuân, hay xa hơn nữa, nơi khung cảnh cổ xưa của Hồng Lâu Mộng khi các công tử, tiểu thư trong vườn Đại Quan tha thướt xướng họa với nhau dưới ánh trăng thơ mộng. Ngoài nhà văn, nhà thơ… đôi khi họp mặt ngâm nga, khó ai nghĩ đến việc ngẩng đầu lên bầu trời thăm thẳm để ngắm một mảnh trăng huyền ảo treo lơ lửng nỗi gì bí ẩn, Hằng Nga còn đó mà hồ như mối tình với nàng đã phần nào phai nhạt trong lòng người trần gian, ở một thành phố, vốn lúc nào cũng đuổi theo nhịp sống quay cuồng đến chóng mặt. Trung thu ở những vùng xa xôi may ra còn giữ được ít nhiều phong tục cũ, có cúng rằm, có bày cỗ hoặc một số điểm du lịch tổ chức đêm trăng rằm hoài cổ với lồng đèn, bàn cờ tướng, đàn ca hát xướng… Chỉ là vài màn văn nghệ trình diễn, dù sao cũng một chút gợi nhớ đến cảnh Đêm hoa đăng đèn xanh bóng trăng. Đêm hoa đăng đèn quanh lối xóm khi tà áo văn nhân bay quấn quít giữa hình bóng giai nhân…
Tết Trung Thu ngày càng kéo dài ra. Thay vì lồng đèn và bánh thường được bày bán vào ngày mười sáu tháng bảy ta trước Tết một tháng thì nay được tung ra tràn lan từ thượng tuần tháng bảy. Trăng ít người ngắm nhưng tiệc Trung Thu trong thành phố ngày càng thịnh soạn. Mọi người mải xúm xít vui vầy mà quên mất lý do chính của bữa tiệc. Không có trẻ em rước đèn ăn bánh. Chẳng ai còn nhớ, còn ngước lên để ngó ngàng đến một nhan sắc lẻ loi đang rực sáng trên cao…
Quả Saigon là thành phố làm nhiều, vui chơi ăn mặc cũng lắm. Mặc dầu quanh năm nối tiếp nhau hết mưa lại nắng nhưng thời trang Saigon bao giờ cũng rất sôi nổi. Thời trang phổ biến rộng rãi, thay đổi mau chóng với các cuộc trình diễn thời trang Xuân Hạ, Hè Thu rồi Thu Đông… cứ liên tiếp diễn ra ở các sàn diễn. Báo chí cũng nhập cuộc bằng cách dành hẳn ra những trang đặc biệt để giới thiệu về y phục theo mùa, về các khuynh hướng thời trang. Mang tiếng mùa mưa nhưng chỉ khi rớt bão mới mưa ào ào vài trận, còn vẫn xen kẽ những ngày nắng nóng khô ráo. Chỉ cần mưa vài ngày liền, thời tiết mát mẻ là thời trang mùa Thu được tung ra, từ siêu thị, cửa hàng y phục thời trang cho chí quầy sạp quần áo trong chợ, ngoài vỉa hè.
Áo mùa Thu đương nhiên không còn hai dây như mùa hè mà chuyển sang tay dài, không có mũ vì mũ chỉ dành riêng cho mùa Đông. Chỉ mát mà không lạnh nên trở về những cổ áo cổ điển: danton lá nhỏ, lá sen, cổ trái tim không rộng lắm phủ xuống một bóng râm dịu dàng, thầm lặng. Năm nay chuộng kiểu thêu. Vài bông hoa nằm trên vai áo, mấy chiếc lá màu đồng rơi hững hờ từ cổ xuống vạt trên nền hồng ruốc, xanh chai… đã xẫm đi theo mùa ngả vẻ cổ kính, quý phái. Đầm và các kiểu áo ngắn, áo dài đều chuyển sang tông màu trầm. Giới trẻ chuộng quần và áo rộng thùng thình.
Mùa Thu cũng là mùa khai giảng. Hoa phượng đã tàn theo ngày hè, trong sân trường là tàng cây xanh mướt như ngọc tắm chồi non dưới những trận mưa thỏa thuê. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp… Dẫu Saigon không có thời tiết đó nhưng ai chẳng thuộc lòng hay lạ lẫm đoạn văn giản dị mà ấm áp của Thanh Tịnh trong sách giáo khoa cũ, mỗi khi nhớ về ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Cảm giác bồi hồi, nao nức của ngày ấy đều giống nhau khi bé rời nhà, nắm tay mẹ bỡ ngỡ bước chân bắt đầu trên lối đi la, dẫn tới những ngả đời ngày càng xa mãi…
Mùa thu cũng có nhiều phẩm vật đặc biệt. Gần tháng tám, lúa đã gặt xong từ lúc mới đông, rang rồi giã trong cối đá. Cốm xanh biếc bọc trong lá sen, buộc nhẹ nhàng bằng cọng rạ còn thơm mùi thóc mới, mang nâng niu trên tay một gói hương hoa của đất trời đi sêu lễ. Mùa cưới bắt đầu tại miền Bắc với hồng cốm tốt đôi, cũng ở cả miền Nam với xoài và na. Cưới xin, động thổ nhà đất vì ngại ảnh hưởng chia ly của cặp vợ chồng chăn trâu, dệt cửi mỗi người một phương, cho nên kiêng cữ vừa qua Tháng bảy là đám cưới rải rác luôn đến tháng mười hai là cao điểm. Từ đầu năm, các nhà hàng lớn ở trung tâm thành phố đã nhận đặt bàn nên từ tháng tám ta đến hết mùa khô năm sau lịch cưới xếp kín không còn thời gian trống. Mùa Thu được đánh dấu một cách đầy thơ mộng khi đi ngang khu trung tâm thành phố và các công viên ngày nào cũng xuất hiện các cô dâu chú rể trong lễ phục cưới đứng làm kiểu để quay phim, chụp hình. Bắt gặp hình ảnh lúc đẹp nhất của đôi vợ chồng mới, khách qua đường không khỏi thú vị trước khung cảnh quá dễ thương, nên nhiều người đã phải dừng xe giơ máy hình lên ghi lại… Cô dâu áo cưới đi qua ngõ. Triệu triệu nhân duyên mỉm miệng cười…
Tôi hỏi nhà thơ, Saigon có mùa thu không.
Ông nhìn tôi nghiêm trang trả lời. Có chứ, tại sao không? Tận đáy lòng Saigon tưởng chừng khí hậu chỉ luân phiên hai mùa mưa nắng vẫn tồn tại một mùa thu nhẹ nhàng len lỏi. Nhà thơ không để ý đến bão tố, đến Trung thu… Ông lắng nghe thời gian chuyển dịch trong không gian, đợi chờ mùa thu bỗng hiện ra làm rung động hồn người. Khi bầu trời ngả xám hơi nặng, hàng me, hàng điệp ào ào rụng cơn lá vàng, buổi trưa nắng nhạt đem cái mát heo heo của cơn mưa dài sắp đến hay mây chiều xà thấp mang mang vẻ gì quạnh quẽ…
Chính là mùa thu Saigon đó, không chỉ gói trong ba tháng trời đi qua các tiết Xử Thử, Bạch Lộ, nhất là Sương Giáng tháng 10 Tây hiện giờ mà Thu Saigon ẩn hiện rải rác suốt năm vào trước cơn mưa, cuối mùa khô vạn vật trở mình hay những ngày cuối năm bắt đầu chuyển làn gió chướng phất phơ, từ đại dương xa xôi vạn dặm mang tới nỗi niềm mênh mang. Những khoảnh khắc mùa thu chợt đến trong một ngày, một buổi, một thoáng rất nhẹ nhàng, rất mỏng mảnh, nhưng cũng thật rõ ràng nhận thấy với kẻ đã mang sẵn trong lòng bốn mùa của trời đất. Saigon có mùa thu và mùa thu Saigon riêng đến, riêng hò hẹn với tri âm, với những con người thành phố muốn gặp gỡ, hoài nhớ, muốn tâm hồn mình bâng khuâng, lắng đọng cùng hình bóng thu.
Hàm Anh
(1)Nguyễn Du
(2)Đinh Hùng
(3+4)Ca dao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét