Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Photo tập hợp từ Facebook. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 13/1 công bố “Phúc trình Toàn cầu 2021” và lên án Việt Nam tiếp tục gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân trong năm 2020. Theo tổ chức nhân quyền quốc tế này, chủ trương của Hà Nội trong việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân “dường như có liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội 13)”, dự kiến diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2.
<!>
“Lại thêm một năm đen tối nữa cho nhân quyền ở Việt Nam”, Giám đốc vận động châu Á của HRW, ông John Sifton, nói trong thông cáo báo chí hôm 13/1.
Theo lời đại diện của HRW, “Trong suốt năm 2020, ngoài một số nhà bất đồng chính kiến trực ngôn, công an cũng bắt giam nhiều người khác vì đã nói lên chính kiến của mình và thực hành các quyền tự do ngôn luận cơ bản.”
Trong bản Phúc trình dài 761 trang, ấn bản hàng năm của HRW nhằm đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia, tổ chức nhân quyền nói Việt Nam trong năm 2020 “tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”, qua việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo, chặn truy cập nhiều trang mạng, gây sức ép buộc các công ty viễn thông phải gỡ bỏ các nội dung phê phán Đảng Cộng sản và chính quyền…
Dẫn chứng nhiều trường hợp bị bắt giam trong năm qua như nhà báo Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, các nhà hoạt động như Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu…, HRW cho rằng Việt Nam đã “hình sự hoá” các hành vi ngôn luận có tính phê phán chính quyền.
Đánh giá về cam kết của Việt Nam về vấn đề công đoàn độc lập trong các hiệp định tự do thương mại với quốc tế, Phúc trình của HRW cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực vào tháng 1/2021, trong đó cho phép thành lập “các tổ chức đại diện của người lao động”, chỉ là “bề nổi”, trên thực tế chắc chắn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ vì những người vận động để thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động hiện đang phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ cả phía chính quyền lẫn những người sử dụng lao động.
“Chính quyền Việt Nam sợ dân chủ, báo chí độc lập, và quyền tự do”, ông Sifton nói trong thông cáo báo chí.
Theo đại diện của HRW, “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ cần công khai nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép để Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình về nhân quyền”.
Trong phần giới thiệu phúc trình, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth của HRW cho rằng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump vừa qua “gần như bỏ rơi việc bảo vệ nhân quyền”. Vì vậy, ông kêu gọi chính quyền Biden sắp tới cần đưa việc tôn trọng nhân quyền vào các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố luôn “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Trong một phản ứng đối với Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 3 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói báo cáo của Mỹ có nhiều nội dung “thiếu khách quan”.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong dịp này nói rằng “Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân”.
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm ngoái nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trong một loạt lĩnh vực, trong đó có giam giữ người tuỳ tiện, tra tấn người bị bắt giam, đối xử bất công với tù nhân, hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét