Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Con trâu trong văn học - Lê Đình Thông

 

Năm Canh Tý (2020) qua đi, năm Tân Sửu (2021) thay thế. Sửu là con giáp thứ hai trong số 12 con giáp (十二支 : thập nhị chi). Tân là can thứ hai trong số thập can (十干). Mười hai con giáp gồm có : Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn). Danh sách mười Can chép như sau. Số chót năm dương lịch tương ứng với Can + Chi. Năm 2021 : số 1 là Tân + Sửu (theo thứ tự mười hai con giáp).

<!>

SốCanViệtÂm – DươngHành
0canhDươngKim
1tânÂmKim
2nhâmDươngThủy
3quýÂmThủy
4giápDươngMộc
5ấtÂmMộc
6bínhDươngHỏa
7đinhÂmHỏa
8mậuDươngThổ
9kỷÂmThổ

Trâu là tên gọi tiếng Việt. Chữ Hán viết là 牛 (ngưu), tượng hình cái sừng trâu. Trong văn hóa nước ta, con trâu là điềm lành : nằm mơ thấy trâu vàng là điềm giàu sang, cưỡi trâu là có tin vui, trâu sinh nghé là ý nguyện viên thành.

Văn học nước Tầu có truyện Tây Du Ký, Ngưu ma vương là vua các loài trâu. Trong truyện Ngưu Lang Chúc Nữ, Ngưu Lang là thần chăn trâu, vì mê say Chúc Nữ dệt vải, chàng bỏ việc đồng áng, còn nàng bỏ khung cửi. Thượng đế bắt đôi tình nhân phải xa nhau, kẻ đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Cả hai khóc như mưa, biến thành mưa ngâu. Hàng năm, vào đêm 7 tháng Bảy âm lịch, cả hai được gặp nhau trên chiếc cầu Ô Thước. Trong triết học đông phương còn có sự tích Lão Tử cưỡi trâu.

Trâu trong tranh Đông Hồ

Lịch sử nước ta có sự tích Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ cưỡi trâu, lấy cờ lau tập trận.

Hình luật triều Lý và triều Trẩn đều ngăn cấm việc giết trâu, mục đích là để bảo vệ việc đồng áng.

Ở Bắc Giang và nhiều sắc tộc miền thượng du có tục tế trâu. Saigon, thủ đô VNCH trước 1975, thuở xưa có tên là Bến Nghé.

I – Con trâu trong văn chương truyền khẩu :

Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, giáo sư Dương Quảng Hàm chia văn học nước ta thành hai loại : văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn chương bình dân gồm văn chương truyền khẩu (tục ngữ : lời nói có từ lâu đời) và ca dao (bài hát lưu hành trong dân gian)

Trong kho tàng tục ngữ, có nhiều câu nói truyền tụng nói về trâu như sau :

1.1. Tục ngữ :

– Con trâu là đầu cơ nghiệp

– Chín gang trâu cười, mười gang trâu khóc.

– Tha cày cuốc góc, nghỉ nhọc chăn trâu.

– Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà.

– Trâu thịt thì gầy, trâu cày thì béo.

– Muốn giàu nuôi trâu lái, muốn lụn bại nuôi bồ câu.

– Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.

– Trâu có đàn, bò có lũ.

– Mua trâu xem sừng, mua chó xem chân.

– Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc.

1.2. Ca dao :

– Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi cầy.

– Ai nói chăn trâu là khổ??
Tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu.

– Đêm qua kẻ trộm vào nhà,
Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu.
Nằm đây chớ chẳng ngủ đâu,
Thức mà giữ lấy con trâu con bò.
Nằm đây nào đã ngủ cho,
Thức mà giữ lấy con bò con trâu.

– Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

– Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm.

– Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia.
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công!
Bao giờ cây lúa còn bông,
thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

– Trâu năm sáu tuổi còn nhanh,
Bò năm sáu tuổi đã tranh về già,
Đồng chiêm xin chớ nuôi bò,
Mùa đông tháng giá, bò dò làm sao!

– Trâu buộc thì ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

– Dù ai buôn bán nơi đâu
Mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về

– Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
Gánh về trồng bí trồng bàu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà.

II – Con trâu trong văn học thành văn :

Trong các tác phẩm văn học thành văn, cổ văn có Lục Súc Tranh Công là tiêu biều. Tân văn có tiểu thuyết Con Trâu của Trần Tiêu.

2.1. Lục Súc Tranh Công (六畜爭功) viết bằng chữ Nôm. Theo cụ Phó bảng Bùi Kỷ (1888-1960), tác giả Quốc Văn Cụ Thể (1932), tác phẩm này ra đời vào thời Lê mạt. Năm 1923, học giả Trương Vĩnh Ký có công phiên âm ra quốc ngữ.

Lục Súc Tranh Công viết theo thể nói lối, biến thể của song thất, gồm 570 câu. Không biết tác giả là ai, nhưng theo cụ Bùi Kỷ, tác giả hẳn là một nhà nho uyên bác, dùng nhiều điển cố.

Lục súc (六畜) gồm có ngựa, trâu, dê, chó, lợn (heo) và gà. Sau đây là trích đoạn về phần con trâu tranh công :

Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ:
“Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông;
Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt,
Sau đuôi thêm kéo một cái cày;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt, bước khôn dời bước.
Ai thong thả, trâu nào ben đặng ?
Trâu nhọc nhằn, ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở

Làm không kịp thở,
Ăn không kịp nhai.
Tắm mưa, trải gió chi nài!
Đạp tuyết, giày sương bao sá!

Có trâu, sẵn tằm tơ, lúa má,
Không trâu, không hoa quả, đậu mè.
Lúa gặt cất lên đà có trâu xe,
Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông.
Việc cày bừa, nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khói,
Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân bổi, tranh che.
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.

Bao quản núi non hiểm trở ?
Chi nài khe suối dầm dề ?
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác!

Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè.
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.
Nghĩ suy lại công trâu cho phải,
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày.
Không chi thì quần vải, dải gai,
Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá.
Ăn cho phải những cơm với cá,
Không nữa thì rau cháo cũng nên
Đến mai sau già cả sức hèn,
Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý.
Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế;
Lẽ “sinh cử, tử táng”, mới ưng.
Thủa sống đà không dạ yêu đương,
Khi thác lại đoạn tình siêu độ.
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,
Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè.
Rằng: Trâu này cốt Phật xưa kia,
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái.
Còn hình tích giống chi để lại,
Người người đều bàn bạc với nhau:
Kẻ thì rằng: Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói: Phần tôi cái nọng.
Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi làm lược.
Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều.
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.
Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp,
Người lại tỉa cán quạt, cán dao.

Còn giò chia nhau,
Làm nham, làm thấu.

Trâu gẫm lại là loài cầm thú,
Phận sau chịu vậy, dám nài!
Trâu thác đã công nghiệp phủi rồi,
Trâu sống lại kiện nài với chủ:
Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ.
Ơn Tề vương vô tội kiến tha,
Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già,
Cám Điền tử dạy con chớ bán.

Lời cổ nhân còn dặn,
Sao ông chủ vội quên ?

Chẳng nhớ câu “Dĩ đức hành nhân”.
Lại lấy chữ “Báo ân dĩ oán!”
Nói chi nữa cho dài chuyện vãn ?
Thưa chủ xin nói thép một lời:
Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài,
Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc ?
Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc,
Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân,
Một ngày ba bữa chực ăn,
Thấy đến việc lén mình lét lét.
Chưa rét đã phô rằng rét,
Xo ro đuôi quít vào trôn,
Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc,
Chưa sốt đà nằm dài thở dốc.
Le lưỡi ra phỏng ước dư gang.
Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang
Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng.
Nhưng muông biết cày nương, bừa ruộng,
Thì muông kể biết mấy công ơn ?
Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm,
Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ.
Khi muông thác tống chung, an thổ,
Có gạo tiền cấp táng toàn thân,
Trách một lòng chủ ở bất công,
Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu”.

2.2. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu :

Trần Tiêu (1900 – 1954) là em ruột Khái Hưng. Ông viết văn là nhờ sự khuyến khích của Khái Hưng.

Con Trâu đăng trên báo Ngày Nay từ số 140 ngày 10 tháng 12 năm 1938, sau đó in thành sách và do nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1940.

Ngoài Con Trâu, Trần Tiêu còn viết :

– Chồng con (tiểu thuyết, 1941)

– Năm hạn (tập truyện ngắn, 1942)

– Sau lũy tre (tập truyện ngắn, 1942)

– Truyện quê (đoản thiên tiểu thuyết, 1942)

Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan viết về tác giả tiểu thuyết Con Trâu như sau : “Người dân quê Việt Nam dưới ngòi bút của Trần Tiêu bao giờ cũng là người dân quê nghèo khổ và mê tín. Người dân quê của ông là những người bị xiềng xích trong hủ tục, họ nghèo vì những tục hủ và khổ cũng vì những tục này. Trần Tiêu là nhà văn cho chúng ta thấy cái mặt kém cỏi của người dân quê Việt Nam (…) nhưng vì nếu chỉ nghèo nàn, mê tín, tất đã bị diệt vong từ lâu rồi”.

Dưới đề mục ‘‘Mục đồng’’ mở đầu tiểu thuyết, Trần Tiêu viết như sau : ‘‘Nghé ơ ơ…ơ nghé ! Thằng Tửu ngồi trên mình trâu gọi nghé. Con trâu mẹ kêu thêm mấy tiếng ‘‘nghé ọ’’ và chân vẫn thản nhiên, đều đều bước một trên con đường đất gồ ghề.

Xa xa, cánh đồng cỏ nhấp nhô những mả. Một con nghé đứng sừng sững, cất đầu, ngơ ngác nhìn, đen sẫm in trên nền trời đỏ.

Bỗng nó nhảy quàng mấy cái, rồi vừa chạy vừa nhảy như một đứa trẻ nghịch ngợm, nó đến theo sau mẹ nó, thỉnh thoảng lại kêu mất tiếng ‘‘nghé ọ’’ còn non nớt.’’

Người miền bắc nói ‘‘mả’’ mộ (chôn người chết). Nghé là con trâu con.

Văn học nước ta có ‘‘Con Trâu’’ của Trần Tiêu. Văn học Pháp có nữ sĩ Marguerite Duras kể lại kỷ niệm về con trâu trong thuở niên thiếu ở nước Việt.

2.3. Nhà văn Marguerite Duras viết về con trâu :

Marguerite Duras (1914-1996) là con út trong gia đình gồm ba anh em. Cha bà là hiệu trưởng Trường Gia Định, mẹ : giáo viên. Duras là tác giả L’Amant, giải văn học Goncourt (1986). Trong tác phẩm này, bà thuật những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh các trẻ chăn trâu (enfants sur les buffles) còn in đậm trong ký ức.

Kết luận :

Khác hẳn với câu tục ngữ ‘‘đàn gảy tai trâu’’, con trâu rất gần gũi với văn học, nghệ thuật. Tranh Đông hồ vẽ trẻ chăn trâu. Câu ca dao :

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta

Cấy cầy giử nghiệp nông gia

Ta đây trâu đầu ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

là lời nói thân tình của nhà nông với con trâu, coi trâu cầy như người bạn thân tình. Cả hai cùng làm lụng vất vả, cùng vui hưởng thành quả cần lao. Nhà nông thì gieo mạ, gặt lúa, con trâu có ‘‘ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn’’.

Trâu còn là bạn của các trẻ mục đồng, tai nghe tiếng sáo thổi vi vu trên mình trâu, ngắm nhìn con diều dật dờ trên trời quê xanh biếc.

Trong ca khúc ‘‘Em Bé Quê’’, nhạc sĩ Phạm Duy viết rằng :

Ao bảo chăn trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau

Và miệng hát nghêu ngao.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Đường về xóm nhà

Chữ i chữ tờ

Lùa trâu nhốt chuống

Gánh nước nữa là xoxng

Khoai lùi bếp trấu

Ngon hơn là vàng.

Người viết xin kính chúc bạn đọc sang năm Tân Sửu luôn khỏe mạnh, không còn phải băn khoăn, lo lắng về dịch bệnh ; trong năm mới, mỗi người sẽ gặt hái mùa màng vui tươi, thịnh vượng.

Lê Đình Thông

Không có nhận xét nào: