Tạp chí Scientific American số tháng 2/2012 có đăng bài viết “Is Space Digital?” (phải chăng vũ trụ là thông tin số hóa?) của Michael Moyer về một thí nghiệm đang được tiến hành ở Chicago bởi Craig Hogan (Giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn và các hạt cơ bản, Phòng thí nghiệm gia tốc Quốc gia Fermi, GS Đại học Chicago, Illinois ) nhằm đo tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise,) nó biểu hiện mối liên quan sâu xa giữa thông tin, vật chất và thời-không. Nếu tồn tại tiếng ồn toàn ảnh thì theo Craig Hogan, vũ trụ của chúng ta là số (digital) và chúng ta có một hình mẫu (paradigm ) mới cho vũ trụ quan của thế kỷ 21th. Vũ trụ không liên tục mà là gián đoạn bao gồm những bit thông tin. Vũ trụ 3D phát sinh (emerge) từ những bit thông tin chứa trên một mặt phẳng 2D.
Thông tin về vũ trụ ba chiều có thể được ghi lại trong mặt phẳng hai chiều bằng phương pháp toàn ảnh (hologram). Kỹ thuật này gọi là holography (phương pháp toàn ảnh). Chữ holography có gốc từ tiếng Hy Lạp holos whole (toàn thể ) + graphe writing (ghi ảnh).
Đây là một phương pháp chụp ảnh hiện đại. Holography được sáng chế năm 1948 bởi nhà vật lý Dennis Gabor (1900-1979), nhờ thành tích này ông được nhận giải Nobel năm 1971.
Nguyên lý toàn ảnh đưa đến một triết học sâu sắc của David Bohm quan niệm rằng thực tại mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức tranh toàn ảnh (hologram.)
Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded.) Một film toàn ảnh (hologram) và hình ảnh nó tạo ra trên màn hình là ví dụ của hai mức tiềm ẩn và tường minh. Cuộn film thuộc mức tiềm ẩn vì hình ảnh được mã hóa trong các dạng giao thoa chứa trong film còn hình ảnh chiếu ra thuộc mức tường minh vì các giao thoa mã hóa được mở ra (unfolded.)
Theo David Bohm, sóng và hạt đều bị cuộn lại trong một thực thể lượng tử, chỉ có quá trình tương tác mới bộc lộ tường minh một khía cạnh nào đó, còn khía cạnh kia vẫn nằm tiềm ẩn. Vì danh từ toàn ảnh (holographic) có tính tĩnh tại (static) nên để mô tả những quá trình động (dynamic) cuộn lại và mở ra liên tục của thực tại nên David Bohm đưa ra danh từ toàn ảnh động (holomovement.)
Bohm quan niệm rằng mọi vật trong vũ trụ đều là những phần tử của một chuổi liên tục (continuum.) Bohm cho rằng phân biệt thế giới sống (living) và không sống (nonliving) là điều vô nghĩa.
Vì mỗi phần của một bức toàn ảnh (hologram) đều chứa thông tin của toàn ảnh cho nên mỗi bộ phận của vũ trụ đều chứa thông tin của toàn vũ trụ. Điều đó có nghĩa là nếu biết cách tiếp cận thì chúng ta có thể tìm thấy thiên hà Tiên Nữ (Andromeda) trong móng ngón tay của bàn tay trái lúc bắt ấn quyết.
Bài thơ của William Blake (thi sĩ Anh 1757-1827) sau đây diễn tả cùng một ý như trên.
To see a World in a Grain of Sand,
And a Heaven in a Wild Flower.
Hold Infinity in the palm of your hand,
And Eternity in an hour.
Dịch nghĩa:
Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát,
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng.
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn,
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.
(Cao Chi- Vũ trụ toàn ảnh: một kỷ nguyên khoa học mới? và Vũ trụ là số?)
(Trích một chương trong, Vũ Trụ Ảo? Tác giả Lê Huy Trứ, sẽ đăng trong dịp Tết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét