Năm Canh Tý gần hết, Tân Sửu sắp bắt đầu. Khi còn là đứa trẻ, Tết đến là vui mừng hớn hở, vì được ăn ngon, mặc quần áo mới, được lì xì, rút bất hay chơi xì lác, lại không phải đi học. Khi tới tuổi thanh niên, Tết đến cũng có nhiều trò vui, nhưng hấp dẫn nhất là những dạ vũ gia đình, dịp may bằng vàng để làm quen, tán tỉnh và ôm người đẹp. Thời gian qua mau, tuổi đời chồng chất, mỗi lần Tết đến là da thêm nhăn, mắt mờ, tóc bạc, chỉ thấy buồn man mác, nào có gì vui... Năm Sửu, chắc thiên hạ sẽ viết rất nhiều về trâu, mà tôi chỉ thích những truyện thần thoại, dã sử, chính sử hay văn chương nên cố tìm những gì liên quan đến trâu để giúp vui quý độc giả.
Tôi vốn gốc trường Việt, nhưng hồi trẻ, đọc ké sách tiếng Pháp của cha khá nhiều, lịch sử, văn chương tiểu thuyết đủ cả mà không nhớ có chỗ nào nói tới con trâu. Trung Hoa và Việt Nam, vốn trọng nông nghiệp, nên chuyện về trâu rất nhiều: ngoài việc chính là cầy ruộng, trâu còn được dùng để cưỡi, để đánh trận, và biết bao nhiêu danh nhân, lúc hàn vi phải đi chăn trâu để độ nhật.
- HỨA DO & SÀO PHỦ :
Đời thượng cổ, hai người bạn có tài, không màng danh lợi là Hứa Do và Sào Phủ.
Sào Phủ ở ẩn, chỉ lo cầy ruộng, vui thú điền viên. Hứa Do làm gì thì không thấy nói.
Vì nghe tiếng Hứa Do là người hiền tài, vua Nghiêu triệu vào để truyền ngôi. Hứa từ chối rồi ra suối rửa tai. Sào Phủ dắt TRÂU đi uống nước, thấy lạ, hỏi tại sao thì Hứa trả lời “ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua” (Đó là văn ngày xưa của Huỳnh Tịnh Của, trong Truyện Giải Buồn), Sào Phủ thấy vậy thì dắt trâu lên trên nguồn cho uống, tránh nước dơ vì dính tới danh lợi. Bát Sách tuy gàn, nhưng hai ông này mới là tổ sư ngang dạ...
- LÃO TỬ :
Là một nhân vật có rất nhiều huyền thoại, tỷ như bà mẹ có thai tới 70 năm mới sinh ra ông, nên lúc ra đời, tóc đã bạc trắng, và được người ta gọi là lão tử.
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, Lão tử tên là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, thuỵ là Đam, sinh vào thời nhà Chu, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Ông làm một chức quan nhỏ đời Chu Chiêu Vương, nhưng thấy chiến tranh liên miên, đạo lý suy đồi nên ông bỏ quan, CƯỠI TRÂU đi về phía tây. Tới ải Hàm Cốc, quan trấn thủ là Doãn Hỷ, biết Lão tử có tài, cố thuyết phục ông viết lại những triết thuyết của mình trước khi đi tiếp vào sa mạc. Đó là cuốn Đạo Đức Kinh lưu truyền sau này. Và Lão tử được coi là ông tổ của Đạo giáo.
Theo truyện Phong Thần thì còn hoang đường hơn nữa:
Một ông tiên tài nghệ tuyệt vời là Hồng Quân Lão Tổ, có 3 học trò
1) Nguyên Thỉ Thiên Tôn, lãnh tụ Xiển giáo, cai quản những người đã tu luyện thành tiên.
2) Thái Thượng Lão Quân, tức Lão tử, chuyên luyện đan, có lò bát quái, quạt ba tiêu để quạt lò, kim cang trát để xỏ mũi trâu, tức là con vật để ông cưỡi.
Con trâu này, tuỳ theo sách, khi thì xanh, lúc thì vàng...
3) Linh Bảo Thiên Tôn, hay Thông Thiên Giáo Chủ, là thủ lãnh Triệt Giáo, coi đám tiên gốc thú vật.
Trong truyện Phong Thần, hai phe Xiển giáo và Triệt giáo đánh nhau loạn xà ngầu, thường thì phe Triệt giáo thua, đương sự bị hiện nguyên hình là con rùa, con gấu, con báo, con cọp...
Đến đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh, gặp một con yêu tinh tên là Độc Giác Tỉ đánh 3 đứa học trò Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng thua liểng xiểng. Sau nhờ người chỉ, Tề Thiên mới tìm Thái Thượng Lão Quân tới thu phục được Độc Giác Tỉ, vốn là CON TRÂU của Lão Tử, ăn cắp bảo bối của chủ, xuống trần gây rối để phá Đường tăng...
Cũng trong Tề Thiên Đại Thánh, ta phải kể đến NGƯU MA VƯƠNG. Theo Hán tự, thủy ngưu là con trâu, hoàng ngưu là con bò.
Ngưu ma vương được tả là có sừng dài, thân thể to lớn nên đúng là con trâu. Ngưu ma vương là đại ca trong nhóm thất đại thánh, hiệu là Bình Thiên Đại Thánh, chồng của Thiết Phiến Công Chúa hay La Sát Công Chúa, cha Hồng Hài Nhi. Muốn đi qua núi lửa, Tề Thiên Đại Thánh cần quạt Ba Tiêu của La Sát, nhưng bà này không chịu, phải trổ tài đạo chích, rồi đánh nhau với hai vợ chồng Ngưu ma vương. Tề Thiên không thắng nổi đại ca của mình, nhờ Thát Tháp Thiên Vương Lý Tịnh và Na Tra thái tử giúp mới lấy được quạt ba tiêu, quạt tắt núi lửa để tiếp tục đi thỉnh kinh. Ngưu Ma Vương thì bị hoá thành trâu, theo Lý Tịnh, còn La Sát thì đóng cửa động tu hành.
- THẬP MỤC NGƯU ĐỒ: MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU :
Viết xong về Lão Tử thuộc Đạo Lão, giờ phải qua Đạo Phật, kẻo bị chê là bên trọng, bên khinh, nhưng thú thật, tôi vô thần, sự hiểu biết rất mù mờ, nếu có gì sai thì xin quý vị niệm tình tha thứ.
Đời nhà Tống, có rất nhiều người vẽ mục ngưu đồ, tức là tranh về chăn trâu, số tranh cũng tùy tác giả, nhưng 10 bức tranh của Thiền Sư Khuếch Âm Sư Viễn là nổi tiếng nhất. Không ai biết ngài vẽ vào năm nào, và tranh cũng thất lạc, tuyệt tích vì binh lửa (Nhà Tống bị Kim rồi Mông Cổ đánh phá tơi bời). Vậy mà khoảng 200 năm sau, chả hiểu làm sao mà một họa sĩ Nhật Bản là Chu Văn vẽ lại được đủ 10 bức. (Đó là theo truyền thuyết, và tôi thấy có gì lấn cấn: vì sao họa sĩ lại không đưa ra bản chính, hơn nữa, có gì chắc chắn rằng bản sao giống như bản của thiền sư.)
Các bức tranh đó có tựa đề như sau:
1) Tầm Ngưu (Tìm trâu)
2) Kiến Tích (Thấy dấu vết)
3) Kiến Ngưu (Thấy trâu)
4) Đắc Ngưu (Bắt được trâu)
5) Mục Ngưu (Chăn trâu)
6) Kỵ Ngưu Quy Gia (Cưỡi trâu về nhà)
7) Vong Ngưu Tồn Nhân (Quên trâu còn người)
8) Nhân Ngưu Câu Vong (Người trâu đều quên)
9) Phản Bản Hoàn Nguyên (Trở về nguồn cội)
10) Nhập Triền Thùy Thủ (Thõng tay vào chợ)
- Cưỡi trâu về nhà Thõng tay vào chợ :
Mỗi bức tranh có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, nhưng nếu viết ra đây thì dài quá, lại phải dịch mười bài thơ đó thì không đủ can đảm vì mất quá nhiều thời giờ, tôi chỉ nói đại khái ý nghĩa của mấy bức tranh:
Lúc đầu, chưa có trâu thì mình đi tìm, mới đầu thấy dấu vết, rồi thấy trâu, bắt nó, chăn nuôi nó, cưỡi nó về nhà. Tới nhà thì mình quên trâu, sau quên mình luôn, khi đó mình trở về cội nguồn, tức là như lúc mình chưa đi tìm trâu, thảnh thơi, thõng tay vào chợ. Nghe nói, trong tranh, con trâu lúc đầu thì đen, sau thành trắng. Tất cả những diễn biến đó tương ứng với quá trình tu hành của Phật Giáo Đại Thừa, từ lúc đầu cho tới khi GIÁC NGỘ, chân tâm thanh tịnh.
- NGƯU LANG CHỨC NỮ :
Đây là truyện cổ tích, rất hoang đường, nhưng lại thương tâm và lãng mạn. Có tích của Tầu, và của Việt Nam, tôi dùng tích của mình thanh lịch hơn:
Ngày xưa, ở trên thiên đình, có người chăn trâu, tên là Ngưu Lang, và một nàng dệt vải tên là Chức Nữ.(Tôi nghĩ không phải tên, mà là nghề của họ, vì Ngưu là trâu, chức là dệt). Chàng yêu nàng vì nhan sắc, nàng yêu chàng vì tiếng sáo du dương. Quá mê mẩn, Chức Nữ lơ là công việc, Ngưu lang vô ý để trâu đi lạc vào điện Ngọc Hư, Ngọc Hoàng giận quá, bắt chàng và nàng phải xa nhau, mỗi người ở một bờ của sông Ngân Hà, vào ngày thất tịch 7 tháng 7 hàng năm mới được gặp nhau một lần.
Vì sông Ngân không có cầu, nên khi 2 người gặp nhau, Ngọc Hoàng sai chim Ô Thước (quạ) nối nhau làm cầu cho họ đi qua. Tới lúc chia tay, hai người đều buồn bã mà khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần thành mưa nhỏ, dân mình gọi là MƯA NGÂU. Mưa này nhè nhẹ, thêm vào cái buồn man mác của mùa thu, nên đã gây cảm hứng cho bao nhiêu thi, nhạc sĩ làm nên những tác phẩm để đời, như Sầu Ô Thước, Vợ Chồng Ngâu của Trần Tế Xương, Chức Nữ Ngưu Lang của Nguyễn Bính, Giọt Lệ Thu của Tương Phố (Năm năm ô thước bắc cầu Ngân giang, đôi ta ân ái lỡ làng)
Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong (vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu), Thu Sầu của Lam Phương (Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau..)
- BÁCH LÝ HỀ NUÔI TRÂU :
Bách Lý Hề, người nước Ngu, rất nghèo khổ, vợ con vô cùng đói rách, nên quyết tâm ra đi để tìm việc làm. Để tiễn chồng, người vợ nấu nồi cơm gạo vàng (xấu) thịt con gà mái duy nhất...
Bách qua nước Tề, phò Công Tôn Vô Tri, nhưng người bạn là Kiển Thúc khuyên từ quan, vì thấy Vô Tri không có tài lại tàn ác. Bách nghe theo, quả nhiên tránh được tai vạ khi Vô Tri bị giết.
Khi qua nhà Chu, Bách giữ việc NUÔI TRÂU cho Vương Tử Đồi. Đồi có tính thích trâu, thấy Bách nuôi khéo, con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh nên trọng dụng. Lúc đó Đồi đang muốn dành chức thái tử, kéo bè cánh, hống hách, Kiển Thúc lại khuyên Bách bỏ đi. Một lần nữa nghe lời bạn, Bách lại thoát thân khi Vương Tử Đồi bị sát hại.
Sau Bách trở về nước Ngu, được vua phong cho chức đại phu. Kiển Thúc lại khuyên từ chối, nhưng vì lang thang, nghèo khổ lâu rồi, Bách không nghe, cứ nhận làm quan. Sau Tấn diệt nước Ngu, Bách bị bắt, phải làm người hầu cho công chúa Mục Doanh, theo đoàn tuỳ tùng đưa nàng xuất giá qua Tần. Dọc đường, Bách bỏ trốn, bị nước Sở bắt, đưa đi chăn dê.
Sau, vua Tần Mục Công, nghe tiếng Bách, muốn vời về dùng, nhưng sợ Sở biết là người tài, dùng mất, nên sai sứ đem 5 bộ da dê đến chuộc, nói là đem về trị tội. Vua Tần phong Bách là đại phu. Bách nhớ ơn Kiển Thúc, tiến cử với Mục Công, nên Kiển cũng được phong chức. Lúc đó Bách Lý Hề đã 70 tuổi. Người Tần gọi da dê là Cổ, nên họ gọi Bách Lý Hề là Ngũ Cổ Đại Phu. Sau ông được xụm hợp với vợ con, và con trai của ông là Mạnh Minh cũng làm tướng nước Tần.
Đây là truyện một nhân tài nổi tiếng mà đường công danh lận đận, trước khi thành công đã mưu sinh bằng nghề CHĂN TRÂU.
- NINH THÍCH GÕ SỪNG TRÂU :
Ninh Thích là người nước Vệ, đời Đông Chu, có tài kinh bang tế thế, khi chưa gặp thời, đi chăn trâu, thường gõ sừng trâu mà hát ở núi Dao Sơn.
Khi đánh Tống, Tề Hoàn Công đi sau, quan tướng quốc Quản Trọng đi trước, thấy Ninh Thích mặt mày sáng sủa, khí độ phi phàm, gõ sừng trâu mà hát những bài ý tứ cao xa thì đoán là người tài, nhưng vội việc quân, chỉ sai người đem cho cơm rượu. Ninh xin gặp tướng quốc, nhưng Quản đã đi xa, nên Ninh nhờ người lính nhắn quan tướng quốc 4 chữ “nước trong leo lẻo“. Quản Trọng nghe không hiểu, thì người thiếp lúc nào cũng đi theo Quản nói rằng, xưa có bài thơ “Nước trong”
Nước trong leo lẻo, Cá lội giữa dòng, Người đến triệu ta, Ta cũng bằng lòng.
Chắc người ấy muốn làm quan...
Quản Trọng cho vời Ninh Thích đến, Ninh xưng tên họ, chỉ vái mà không lậy, đàm đạo với Quản đủ các vấn đề, tỏ ra hiểu cao, biết rộng, nên Quản viết một bức thư để giới thiệu với vua. Ba ngày sau, Tề Hoàn Công tới, Ninh vẫn ăn mặc rách rưới, gõ sừng trâu mà hát, không tỏ vẻ gì sợ hãi cả. Hoàn Công thấy lạ, sai lính đòi đến trước xe, hỏi tên. Nghe Ninh xưng tên, vua mắng: mi là đứa chăn trâu, sao dám chê bai việc chính trị?
Ninh nói: tôi có chê bai gì đâu.
Hoàn Công gắt: bây giờ, nhà Chu trị vì, chư hầu theo lệnh, dân chúng no ấm, an vui, đồng ruộng, cây cỏ tốt tươi mà ngươi dám hát ”Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp “ lại còn “đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng “ như vậy không phải chê bai là gì?
Ninh Thích đem việc xưa so sánh với hiện tại, dẫn chứng đủ thứ, làm Hoàn Công giận lắm, sai quân trói lại, mang ra chém!
Ninh không hề sợ chỉ than:
Xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay thêm tôi nữa là đủ 3 người.
Thấp Bằng thấy khí độ của Ninh, biết là người tài, bèn can vua, Hoàn Công nghĩ ra, bèn sai cởi trói...
Khi đó Ninh mới dâng thư của Quản Trọng. Vua bèn phong Ninh Thích làm quan Đại Phu, cùng Tướng Quốc lo việc nước. Sau Ninh Thích dâng nhiều mưu kế, lập được công to, đáng mặt một danh thần của nước Tề.
- DÙNG TRÂU ĐÁNH TRẬN :
Nước Tề, vốn là hậu duệ của Khương Tử Nha, sau bị họ Điền cướp ngôi. Đến đời Mân Vương, nước Tề còn cường thịnh lắm, hay bắt nạt láng giềng, đem quân chinh phạt, và nước Yên bị tàn phá nặng nhất, nên thề không đội trời chung với Tề. Vua Yên Chiêu Vương, được Nhạc Nghị phò tá, sửa sang chính trị, nên nước càng ngày càng thêm hùng mạnh, trong khi Tề suy yếu dần, nhất là từ khi Mạnh Thường Quân Điền Văn bị biếm. Thấy thời cơ đã tới, Yên Chiêu Vương bái Nhạc Nghị làm đại tướng, sai đem quân đánh Tề. Trong vòng 6 tháng, Nhạc Nghị đã chiếm được 72 thành của Tề, kể cả kinh đô Lâm Tri, trừ Cử Châu do Thái Tử Pháp Chương trấn giữ, và thành Tức Mặc, do một tôn thất nước Tề là Điền Đan làm chủ soái. Mân Vương chạy qua nhiều nơi, xin tá túc, đều bị từ chối, phải trở về, cầu cứu với nước Sở, nhưng tướng Sở là Trác Xỉ, thay vì cứu Mân Vương, lại giết ông ta, tư thông với Nhạc Nghị, muốn chia đôi nước Tề. Mân Vương chết, Thái Tử Pháp Chương lên ngôi, là Tề Tương Vương, được Vương Tôn Giả giúp, đem quân đột kích quân Sở, giết được Trác Xỉ, trả thù cho cha. Nhạc Nghị đóng quân ở Tề 3 năm, chỉ còn 2 thành mà không sao hạ được.
Lúc đó, Yên Chiêu Vương chết, con là Huệ Vương nối ngôi, có ý nghi Nhạc Nghị, bèn cách chức, sai Kỵ Kiếp ra thay. Nhạc Nghị trốn qua Triệu. Kỵ Kiếp bất tài, lại tự đắc, khinh địch.
Điền Đan trái lại, hết lòng thương yêu, vỗ về bình sĩ, chăm sóc dân chúng, lại giả bộ sợ hãi, sai sứ qua gặp Kỵ Kiếp, hẹn ngày ra hàng. Kỵ Kiếp tưởng thật, không phòng bị. Điền Đan tìm trong thành được hơn ngàn con trâu, cho choàng vải, vẽ rồng ngũ sắc, gắn gươm đao trên sừng, buộc rơm vào đuôi, đốt lên rồi xua qua trại quân Yên, và đem 5000 quân cũng vẽ ngũ sắc, theo trâu, xông vào giết giặc. Quân Yên tưởng thần binh, sợ chạy tán loạn, bị trâu và bình sĩ của Đan giết chết vô số, Kỵ Kiếp cũng bị Đan đâm chết. Đan đem quân đuổi hết quân Yên, khôi phục lại nước Tề, được phong là An Bình Quân.
- TRÂU GIÀ LIẾM CON: (ĐỂ ĐỘC TÌNH THÂM) :
Thời Tam Quốc, Tào Tháo là thừa tướng của nhà Hán, có hùng tài đại lược, thâm mưu viễn lự, lại giỏi văn thơ, nhưng bị tật đa nghi thái quá. Quan chủ bạ của Tháo là Dương Tu, tự Đức Tổ, người huyện Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây, rất thông minh, thường đoán được ý của Tháo, chẳng hạn như có lần, Tháo đến thăm một khu vườn, khi về, không nói gì, chỉ viết một chữ Hoạt. Mọi người không ai hiểu, chỉ có Dương Tu sai thợ làm cái cửa nhỏ lại, và giải nghĩa rằng, chữ Hoạt trong chữ Môn là chữ Khoát (là rộng), ý thừa tướng chê cái cửa quá rộng.
Có lần, Tháo đi đánh Thục, đóng ở cửa Tà Cốc, bị trời mưa, đang phân vân, đánh thì chưa chắc thắng, lui thì sợ bị chê cười. Hạ Hầu Đôn tới xin mật khẩu, đúng lúc Tháo đang ăn bát canh gà, nhai phải miếng gân, liền nói “gân gà”.
Dương Tu nghe mật khẩu, liền cho quân sửa soạn hành trang để chuẩn bị rút quân. Hôm sau, Tháo biết chuyện đó, sai chém Tu vì tội làm náo loạn lòng quân.
Khi đó Tu mới có 34 tuổi. Chém Tu xong, thì Tháo ra lệnh rút quân! Thì ra, Tu chết oan, chỉ vì quá thông minh, đoán được ý chủ. Ít lâu sau, Tháo gặp cha của Tu là Dương Bưu, thấy ốm yếu tiều tụy, hỏi tại sao thì Bưu ứa nước mắt trả lời: Do hoài lão ngưu để độc chi ái, nghĩa là buồn khổ vì nghĩ tới cái tình trâu già liếm con mà thôi. Vì câu nói của Dương Bưu, người ta dùng câu ĐỂ ĐỘC TÌNH THÂM, để nói về lòng thương của cha mẹ đối với con cái. Để là liếm, Độc là con trâu con, mình gọi là con nghé. Cả 4 chữ nói lên thâm tình của trâu già thương
mà liếm con.
Truyện này lạ và hay, nhưng thật bi thảm, đọc xong muốn rơi nước mắt, thương cho cảnh lá vàng khóc lá xanh.
- TRÂU THEO ĐUÔI NGỰA :
Thời Tam Quốc, Tào Tháo làm Thừa Tướng, tước Nguỵ Vương, lấn át vua Hán, nắm hết quyền hành, Hán đế chỉ làm bù nhìn. Khi Tháo chết, con là Phi lên nối chức Nguỵ Vương, còn lộng hành hơn nữa, rồi ít lâu sau phế vua Hán, cướp ngôi, xưng là Nguỵ Văn Đế. Khi Tháo còn sống, Tào Phi và Tào Thực tranh ngôi thế tử, nhưng quan đại thần là Tư Mã Ý giúp Phi, nên khi lên ngôi, Phi rất tin tưởng và trọng dụng Ý, phong làm thừa tướng trưởng sử. Khi Phi chết, Tào Duệ nối ngôi, là Nguỵ Minh Đế, lại phong thêm chức Phiêu Kỵ Tướng Quân, nắm hết binh quyền tước Tấn Vương. Ý có hai con trai, Tư Mã Sư đã chết, nên sau này, con thứ là Tư Mã Chiêu nối chức Tấn Vương của cha.
Chiêu lại bắt chước Tào Phi, lấn át con cháu họ Tào, uy quyền nghiêng trời lệch đất, rồi con Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi nhà Nguỵ, lập ra nhà Tấn, hiệu là Vũ đế. Đời thứ 2 là Huệ Đế Tư Mã Trung, ngu si, vợ là Giả hoàng hậu lộng quyền, gây ra nội chiến, huynh đệ tương tàn, thế nước mỗi ngày mỗi suy...Lúc đó có 5 rợ Hồ ở phương bắc, thay phiên nhau xuống đánh Tấn, sử gọi là thời Ngũ Hồ Loạn Hoa (như họ Mộ Dung, họ Phù, họ Thạch, họ Lưu...). Về sau, LưuThông đem quân diệt Tấn, giết Mẫn đế. Lúc đó, Lang Nha Vương Tư Mã Duệ, là người tài trí, thiên hạ quy phục rất đông, nghe tin Mẫn đế chết, bèn tự lập làm vua, xưng là Tấn Nguyên đế, giữ vùng Giang nam, sử gọi là Đông Tấn.
Nguyên đế sinh năm 276, mất năm 323, làm vua từ năm 317. Ông không phải con của Tư Mã Cẩn, vợ Cẩn tư thông với một viên tiểu lại tên Ngưu Kim Thông mà sinh ra ông.
Đời Nguỵ Minh đế Tào Duệ, dân đào được một bức tượng, trên đó có 7 con ngựa đi trước, con trâu đi sau cùng.
Nay coi trong sử, thì từ Tư Mã Ý tới Mẫn đế Tư Mã Nghiệp là 7 đời, ứng với 7 ngựa, Tư Mã Duệ lên làm vua, nhưng thật sự là họ Ngưu, ứng với con trâu. Đó chính là tích Trâu theo đuôi ngựa..
Đây là theo truyện Hậu Tam Quốc, có nhiều sự tích hoang đường, nhưng đọc rất vui, chỉ tội có nhiều nhân vật quá, phải thích lắm mới nhớ nổi. Tôi xin kể vài người đặc biệt, như Trương Hoa, vị thừa tướng thông kim, bác cổ, Thạch Sùng nổi tiếng giầu có, Phan An đẹp trai, Nguyễn Tịch nhìn người mình thích bằng mắt xanh, Đào Khản đại tài quân sự và chính trị, Tạ An, Tạ Đạo Uẩn, Vương Hy Chi đều nổi tiếng về văn học...
- TRÂU VÀNG VÀ HỒ TÂY :
Sau khi hết truyện bên Tầu, giờ tới tích nửa Tầu, nửa Việt.
Đời nhà Lý, có thiền sư Không Lộ và thiền sư Minh Không. Vì là truyền thuyết, nên mỗi chỗ nói một cách, hoặc hai người là một, hoặc hai người khác nhau. Có lẽ vì cả hai cùng đi tu, lại giỏi chữa bệnh nên mới có sự lầm lẫn. Sau khi coi nhiều tài liệu, tôi thấy Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn, quê quán khác nhau và tích này nói về Không Lộ.
Ông giỏi văn thơ, kiến thức uyên bác, có tài chữa bệnh, lại thêm phép thần thông. Ông chữa bệnh cho nhiều người, kể cả vua nhà Lý nên nổi tiếng như cồn, được vua Tống vời sang chữa bệnh cho thái tử. Tại triều đình, ông trổ tài để làm rạng danh nước Việt, nhưng giấu vua, không cho biết mình có phép tiên.
Sau khi chữa lành bệnh thái tử, ông được vua thưởng,cho phép vào kho, muốn lấy gì cũng được. Thấy trước kho có con trâu bằng vàng ròng, ông muốn lấy, lòng đã có dự mưu, nên ông chỉ xin một lượng đồng đen đựng vừa cái túi (có phép tiên) rất nhỏ. Khi cho đồng vào túi, ông làm phép nên lấy rất nhiều. Được lính bẩm báo sự tình, vua sai người đuổi theo, ông tung nón “Tù Lờ” xuống sông, biến thành thuyền, trốn thoát. Về tới kinh đô, ông lấy đồng đúc một cái chuông thật lớn treo tại chùa Nghiêm Quang**, và nhiều chuông nhỏ cho mấy chùa khác. Khi đánh chuông, tiếng kêu thật lớn, bay xa vạn dặm, tới tận bên Tầu. Con trâu vàng của vua Tống, nghe tiếng chuông, tưởng mẹ gọi, chạy qua tới kinh đô Thăng Long: Không thấy mẹ đâu, con trâu vàng chạy loanh quanh tìm kiếm, đất xụp lở thành một cái hồ lớn, đó là hồ Tây, cũng gọi là hồ Kim Ngưu.
*Trước đó nhiều năm, vua Lý đã cho phép Không Lộ xây chùa, và ông lang thang đi tìm đất. Xây xong, chùa Nghiêm Quang, ông cao hứng, làm bài thơ Ngôn Hoài.
Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư,
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Chọn được đất long xà, có thể ở được,
Với tình yêu nơi hoang dã, suốt ngày vui vẻ, không lo nghĩ, Có khi đi thẳng lên đỉnh núi đơn độc,
Kêu một tiếng dài làm lạnh cả không gian.)
- GÃ CHĂN TRÂU KỲ TÀI :
Bây giờ tôi xin nói tới một nhân vật kỳ tài của Việt Nam, cũng phải đi chăn trâu trong lúc chờ thời. Đó là ông Đào Duy Từ. Chuyện của ông, nửa thực, nửa hư, một phần chính sử, một phần huyền thoại, vô cùng hấp dẫn và văn nghệ...
Đào Duy Từ sinh năm 1572 tại huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là người thông minh, học rộng, biết nhiều. Vì cha ông là Tá Hán, làm nghề hát xướng, mà luật của vua Lê chúa Trịnh hồi đó, thì con cháu những người thuộc loại “xướng ca vô loài” bị cấm không được đi thi. Ông bèn nhờ xã trưởng khai man lý lịch, lấy họ Vũ của mẹ, với điều kiện là nếu thi đỗ, sẽ cưới con gái ông này.
Năm 1593, ông đậu Á nguyên kỳ thì hương (thời Trịnh Tùng). Trong khi ông đang thi hội, thì xã trưởng tới nhà dục việc hôn nhân mà không toại nguyện, hắn bèn tố cáo việc ông khai man lý lịch. Thế là ông bị lột mũ áo, đuổi đi. Mẹ ông tự vẫn vì quá thất vọng. Ông bị 2 việc đau đớn tột cùng nên sinh bệnh nặng.
Lúc đó, chúa Nguyễn Hoàng đang ở Bắc Hà, nghe tiếng ông, đến chu cấp tiền ăn, ở, thuốc men, và dụ ông vào Nam giúp chúa.
Hồi đó miền Nam được gọi là Đàng Trong, thuộc chúa Nguyễn, miền Bắc là Đàng Ngoài, thuộc chúa Trịnh.
Tuy dụ Đào vào Nam, mà Nguyễn Hoàng lại không cho thư giới thiệu, nên ông mới vất vả, lao đao. Không thấy nói ông vào Nam năm nào, có sách nói là 1625, tôi nghĩ là không đúng, vì ông phò chúa từ 1625, mà mới vào, đâu đã được trọng dụng ngay, phải lận đận một thời gian khá dài.
Tới Đàng Trong, vì bơ vơ, nghèo khổ, ông phải đi chăn trâu cho một Phú gia là Chúc Trịnh Long ở Bình Định. Con Long là Chúc Hữu Minh, thích văn chương, mở Tùng Châu thi xã để họp bạn làm thơ phú. Một lần, Đào dắt trâu về, đứng nghe họ đàm luận văn chương thì bị mắng. Đào bèn trổ tài, nói thao thao bất tuyệt, bàn luận rất xác đáng về mọi vấn đề, ai nấy đều cảm phục mà tôn làm thầy. Phú hào thấy vậy, bèn chu cấp, không bắt chăn trâu nữa, và giới thiệu Đào cho quan Khám lý Trần Đức Hoà, một sủng thần của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Thấy Đào có tài, lại được đọc bài Ngọa Long Cương của Đào ví mình với Gia Cát Lượng, Trần Đức Hoà một mặt gả con gái là Trần Thị Chính cho Đào, một mặt tâu chúa để tiến cử con rể. Chúa Sãi được Đào như cá gặp nước, giao hết chính sự, phong tới chức Nha Uý Nội Tán. Trong 9 năm phò tá Chúa Sãi, ngoài việc phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, Đào còn đắp 2 chiến lũy để chống quân Trịnh:
- Một lũy từ núi Trường Dục tới phá Hạc Hải.
- Một lũy lớn và dài hơn, từ cửa sông Nhật Lệ tới núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tức là Lũy Thầy!
Ông mất năm 1634, thọ 63 tuổi. Bà Chính không có con, bà vợ khác là Cao Thị Nguyên thì đông con. Hậu duệ của ông đều làm quan nhà Nguyễn, trong đó có một người rất nổi tiếng, là cụ Đào Tấn, chuyên làm từ và viết tuồng. Con cụ Đào Tấn là nữ sĩ Trúc Tiên, thường dịch Liêu Trai Chí Dị, và là thân mẫu của phu nhân Giáo Sư Trần Đình Đệ.
Đó là chính sử, chắc có thêm thắt chút đỉnh cho có đầu đuôi.
Ngoài ra, còn có vài huyền thoại
*Ta không nhận sắc (Dư bất thụ sắc)
Năm 1629, Trịnh Tráng sai sứ, mang sắc chỉ của vua Lê, vào phong cho chúa Nguyễn, đòi cống phẩm, đồng thời dò xét tình hình. Đào Duy Từ biết vậy, xin chúa hoà hoãn, giấu bớt lực lượng, tỏ ra yếu đuối...
Năm sau, Đào tâu chúa, sai sứ ra Bắc đáp lễ, với cái khay 2 ngăn, trên để cống phẩm, dưới để bài thơ:
Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường, Lực lai tương địch.
Đào lại dặn, dâng cống phẩm xong thì trốn đi.
Trịnh Tráng thấy sứ trốn đi thì nghi, bèn phá khay, thì tìm được bài thơ, nhưng không hiểu gì cả, phải triệu trạng nguyên Phùng Khắc Khoan tới hỏi. Khoan giảng:
Chữ Mâu, bỏ dấu phẩy, là chữ Dư
Chữ Mịch không có chữ kiến, là chữ Bất. Chữ Ái, mất chữ tâm, là chữ Thụ
Chữ lực, thêm chữ lai, là chữ Sắc.
Bốn câu thơ nói rằng Dư Bất Thụ Sắc, nghĩa là Ta Không Nhận Sắc. Chuyện này sai chắc, vì khi Đàng Trong đi cống là năm 1630, thì trạng
Phùng đã chết lâu rồi. (1528-1613). Nếu truyện có thật thì người giảng là một nhân vật khác.
*Trịnh Tráng dụ hàng:
Thấy Đào là người có tài, chúa Trịnh cho người đem lễ vật tới tặng, và đưa bài thơ, có ý dụ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân, Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Hồi xưa, chúa Trịnh và Đào ở cùng xứ, giờ Đào đi theo người khác, chúa tiếc lắm.
Đào không nhận lễ vật, gửi bài thơ trả lời:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không. Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng, biết thủa nào ra.
Chúa Trịnh thấy không có vẻ gầy gắt lắm, nên lại cho người đem tặng vật, cố dụ thêm lần nữa. Đào lại trả lễ vật, và viết 2 câu:
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!!
Chúa có lòng thì thần xin tạ ơn, đừng dụ nữa kẻo chủ nghi ngờ. Truyện này thì thậm vô lý, vì nhiều lý do:
- Hai nước đang chiến tranh hoặc thù địch thì ai lại dụ tướng của đối phương, nếu họ vì lợi theo mình thì cũng có thể vì lợi mà phản mình.
- Hai nước chiến tranh bao nhiêu năm, bên nào chả phòng bị kỹ càng, làm sao mà dễ dàng đi gặp tướng địch như vậy? Ở quân dinh thì canh gác còn nghiêm ngặt hơn nữa, khó dàn trời.
- Đào giao thiệp như vậy có thể bị kết tội tư thông với địch, trừ phi đã bẩm báo với chúa.
- Hai đoạn đầu của bài thơ rất hay, rất lãng mạn, và có vần. Hai câu sau, ở trên trời rơi xuống, chẳng có vần điệu gì cả.
Truyện này có vẻ như bị ảnh hưởng của Tầu, với bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, mà tôi có viết trên TSYS đã lâu lắm rồi: Trương Tịch cũng bị Lý Sư Đạo đem lễ vật dụ về làm với mình. Trương không dám chối ngay, cứ chần chờ khi thấy coi bộ êm êm, mới trả lễ vật, và gửi bài thơ:
Quân tri thiếp hữu phu, Tặng thiếp song minh chu, Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu.....
........
Hận bất tương phùng vị giá thì.
Cụ Ngô Tất Tố dịch:
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành. Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình mầu sen.
.......
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng
- Ý CẨM KỴ NGƯU (Mặc áo gấm cưỡi trâu) :
Anh em học Y, Dược thì đều biết một vị giáo sư rất giỏi, rất dễ thương, dậy môn Dược học, có hồi còn làm Khoa Trưởng Dược Khoa. Thầy hơi thấp, to ngang, da đen, trông thì hơi cục mịch và nhà quê, trái ngược hẳn với tài năng của mình.
Có lần, thầy tới coi tướng với Vũ Tài Lục. Lẽ dĩ nhiên, nhà tướng số nói gì với thầy thì không ai biết, chỉ có câu rất chua và hơi xấc láo bị lọt ra ngoài là Ý CẨM KỴ NGƯU. Ý đây là chữ Y, tức là áo, khi dùng làm động từ thì đọc là ý. Câu này là có ý chê thầy nhà quê: Giầu sang, mặc áo gấm thì cưỡi ngựa, ngồi kiệu, ai lại cưỡi trâu...
- LINH TINH:
*Trong sách, truyện, cũng có nói khá nhiều về trâu:
- Trần Tiêu viết truyện Con Trâu.
- Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Quách Tĩnh bị gọi là Trâu nước, thuỷ ngưu, tức là con trâu của mình đó.
- Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ, vì muốn dấu thân phận, xưng là Tăng A Ngưu.
*Trong ca dao tục ngữ: Trâu chậm uống nước đục, Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết, Đi sông đi biển không chết, về nhà chết lỗ chân trâu...Mấy thứ này chắc có nhiều người viết lắm rồi.
* Vì vậy tôi xin phép thố lộ một chút riêng tư.
Tôi vốn tuổi Ngọ, nhưng lại dốt về nhạc, nên thành quái vật, Ngựa mà tai Trâu. Hồi còn trẻ, nói nào ngay, tôi có yêu một nàng tuổi Sửu. Không lấy được nàng, tôi đau khổ khá lâu, sau tự an ủi rằng mình đã thoát được cảnh hai vợ chồng làm thân Trâu Ngựa cả đời để mưu sinh.
Nhưng người ta có số, lại vớ phải một nàng tuổi dần: Ngựa mà thấy cọp thì sợ co rúm người lại, run lập cập, và tuy ngựa mà lại phải làm Trâu, cầy cả đời...thì ra, mèo lại hoàn mèo mà thôi.
Năm Sửu sắp tới, xin chúc quý vị lúc nào cũng khỏe như Trâu, mà không phải ngày ngày đi cầy,cứ nằm phè cánh nhạn mà gặm cỏ.
Bs NGUYỄN THANH BÌNH
Lời bàn của Mao Tôn...cương ẩu tả ...:
Bài viết của BS Nguyễn Thanh Bình đầy đủ về " thần thoại, dã sử, chính sử hay văn chương " rồi .
Nhưng còn thiếu về Trâu theo kiểu Tiếu Ngạo Giang Hồ nên TQĐ xin thêm cho ....dzui dzẻ ....về con Trâu nhen .....hììi.....
Đó là :
- Trâu Già Gặm Cỏ Non và Chăn Em Khổ Hơn Chăn Trâu với 2 hình đính kèm là trọn Ý Nghiã , khỏi cần giải thích chi cho mệt ....hììì.........hììi...
Và hình thứ 3 là Tục Ngữ thì là người Việt Nam từ trẻ tới già ai cũng biết , giải thích thì có nhiều người ....tự ái dân tộc ......bùng nổ .... nên cũng khỏi cần nói thêm chi cho ....bị đục phù mỏ ....hììì........hììi.....
- Đàn Gảy Tai Trâu
-------------
Bài này TQĐ nhận từ anh BBT với lời của anh BBT giới thiệu dưới đây :
- Sắp sửa bước qua năm TÂN SỬU, BBT xin mời quý ACE đọc bài Viết Về Trâu của BS. Nguyễn Thanh Bình. BS. Nguyễn Thanh Bình, tốt nghiệp YK Saigon năm 1967, từng là cựu Hội Trưởng nhiều lần Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada, hiện nay là Phụ Tá Trưởng Khối Báo Chí cho Tập San Y Sĩ – do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada chủ trương, đã ưu ái dành cho diễn đàn YKHHN đăng bài này từ TSYS số 221 MỚI NHẤT, phát hành tháng Giêng 2021. Một bài viết đặc sắc bao gồm nhiều điển tích đòi hỏi sưu tầm sâu rộng.
BBT HYKHHN cám ơn thịnh tình của BS. Nguyễn Thanh Bình và mong sẽ nhận được thêm nhiều bài viết có giá trị từ Bác Sĩ.
Thân kính. BBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét