Ngày xưa, khi còn nhỏ, cứ sáng Chủ Nhật là tôi đạp xe lên đến khu Phù Đổng Thiên Vương, nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung để học vẽ. Lúc đó cũng có con các họa sĩ như Rừng, Hồ Thành Đức- Bé Ký,…Tại đây, tôi có dịp thấy mặt nhiều giới văn nghệ sĩ miền Nam của một thời khó khăn và đầy thiếu thốn.Ông là người thầy đã hướng tôi cầm cọ, uốn nắn và sửa chữa cho từng nét vẽ của tuổi thơ. Cũng tại lò vẽ này, tôi được tham gia “cuộc triển lãm” tranh tập thể đầu tiên, dành cho bọn nhóc chúng tôi, tại Sài Gòn. Hơn chục năm sau, ngày tôi đi học, cha chở tôi đến chào ông. Có điều khi đó ông đã giàu lắm rồi. Sau một thời bị “trói tự do sáng tạo” và bị “cấm vận”, ông đã bán được nhiều, rất nhiều tranh. Ông triển lãm tại các khu phố sang trọng ở trung tâm Sài Gòn. Khách của ông đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ông không còn lái chiếc xe mobylette cũ kỹ nữa.
<!>
Ông cũng chẳng nhớ cha con tôi là ai nữa. Chuyện cũng chẳng có gì lạ. Khi về, tôi có “trách” cha rằng, bác ấy có vẻ xem thường cha và con! Thế thôi.
Sau này, tình cờ tôi cũng có đọc được một số tranh luận nảy lửa xung quanh nhận xét của ông về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thú thật, tôi không còn ngạc nhiên nữa.
Và tôi càng không ngạc nhiên khi biết những nhận xét tự cao về tài năng của chính ông cũng như đánh giá của ông khi được hỏi về các họa sĩ người Mỹ gốc Việt.
Sáng nay, tôi tình cờ đọc được bài thơ ông viết về nhà thơ trẻ, Amanda Gorman, người vinh dự được mời đọc bài thơ “The Hill We Climb” trong buổi lễ nhậm chức của ông Biden.
Tôi bàng hoàng và xấu hổ khi một người có tiếng, tự luôn xem mình là “trí thức” lại có thể thốt lên những lời lẽ xấu xa, đen tối, miệt thị và kỳ thị đáng bị lên án như thế?
Nhân danh nghệ thuật, nhân danh thơ ca để có quyền chà đạp lên nỗi thống khổ của một sắc dân và của cả nhân loại chăng?
Không thể nào chấp nhận được. Những gì ông “sáng tạo” trong những vần thơ đó chính là sự bệnh hoạn mà cả nhân loại này đang cương quyết đào thải: tính kỳ thị chủng tộc.
Tự do ngôn luận? Vâng, ông được quyền viết, được quyền thốt lên những lời lẽ không hay ấy và chưa hẳn ông bị ngăn cấm nhưng tôi có trách nhiệm, với khả năng nhỏ bé của mình, lên án những gì ông viết.
Vì nó đi ngược lại mọi giá trị phổ quát mà nhân loại đang theo đuổi.
Sự ngông cuồng và ảo tưởng về chính mình đã khiến nhân loại này rơi vào những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử.
Trên phạm vi thế giới, ông chẳng là gì và tiếng nói của ông chìm trong sa mạc. Nhưng đối với người Việt, nó không đơn thuần là một bài thơ. Nó có thể tác động xấu, rất xấu đến những suy nghĩ và nhận thức bệnh hoạn của một bộ phận không nhỏ đồng bào vốn đang bị “lên đồng tập thể” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Nó cũng ẩn chứa, ẩn dụ những “thuyết âm mưu” vô căn cứ đang khiến cho xã hội Việt Nam bị chia rẽ sâu sắc.
Là người có hiểu biết, lại được tiếp xúc với thế giới văn minh, được cầm cọ sáng tạo, tìm cảm hứng qua những cảm xúc mà người thường không có được thế nhưng ông đã không đủ minh mẫn để biết đâu là giới hạn giữa CÁI ĐẸP và CÁI XẤU. Đó là điều đáng tiếc và đáng trách!
Ông đã thật sự THẤT BẠI trong con đường đi tìm cái ĐẸP của con người.
Hội họa cao đẹp và cao thượng lắm thay từ ngày con người biết sáng tạo. Từ thưở “ăn lông, ở lỗ” xa xăm.
Một nỗi buồn khó tả, khiến tôi chợt rơi nước mắt, khi đọc được những gì ông viết sáng nay.
Dân tộc này còn lắm lạc hậu ẩn chứa trong tiềm thức để hy vọng đón chào vầng thái dương của sự tiến bộ và nhân bản.<image002.png>
Ảnh chụp bài thơ “Ngọn đồi đen chúng em leo” của họa sĩ Trịnh Cung, đăng trên Facebook ngày 26/1/2021, gây tranh cãi. Hiện ông đã gỡ bỏ khỏi Facebook của ông:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét