Duy Xuyên nơi có
con sông Thu Bồn với những bãi bồi nổi lên giữa lòng sông. Gần bốn mươi năm những
nương dâu đã bắt đầu hồi sinh, trải dài ngút ngàn, cùng sống lại với nó là nghề
nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ, dệt lụa đang từng bước được khôi phục. Một buổi sáng đẹp
trời tôi đến nhà Liên thăm cô bạn thân học cùng lớp ngày xưa sau hơn 20 năm lưu
lạc trời Nam bươn chải mưu sinh giờ đã trở về quê hương trồng dâu, dệt lụa.
Nhìn Liên vào tuổi 40 đeo giỏ hái dâu trông vào tầm mẹ bạn ngày xưa và liên tưởng
đến mình, trong khi con gái của Liên tuổi 16 hội tụ tất cả vẻ đẹp của cô bạn
xinh nhất lớp tôi thời trung học như một sự khẳng định cái đẹp trường tồn,
nhưng cái đẹp cũng phù du, mong manh, ngắn ngủi và không ngừng biến đổi, bị
thay thế bởi thời gian.
<!>
Vật đổi sao dời. Ngày hôm qua đã đi rồi đâu còn nữa.
Hai cô gái trẻ đẹp học cùng lớp ngày xưa giờ cũng tàn phai như hoa nở hoa lại
tàn. Nhà bạn ngày xưa bên bờ sông Câu Lâu sau bao mùa mưa lũ một phần của làng
bị con nước dữ cuốn trôi. Nương dâu hôm nay mấy mươi năm trước chỉ là rẻo đất
được bồi lấp giữa dòng.
Bạn và tôi một như hồn biển dâu, một như kiếp
con tằm đang trên quê hương mình nhưng đã trải qua bao thương hải tang điền.
Hai cô gái nhỏ
trên nương dâu làm tôi chợt nhớ đến bài hát trong Kinh Thi:
“Ngày
xuân ấm áp
Chim hót đầu
cành
Thiếu nữ hái
dâu
Chăn tằm kéo tơ.”
Nắng
làm hồng đôi má thiếu nữ đang tuổi tròn trăng. Liên khen hai nàng đã biết dệt lụa.
Ánh nắng trên nương dâu có gì khác lạ mà người xưa lại dùng từ “nhật xuất phù
tang”. Từ chốn cao xanh mặt trời chiếu sáng ngàn cây lá, gió đi qua, ngàn dâu
linh linh sắc nắng vàng.
Buổi
chiều, tôi bâng khâng trước hiên nhà Liên nhìn nong kén. Bên hàng xóm trải rộng
những nong tằm ăn rỗi. Tằm ăn lá dâu nghe rào rào. Một nong tằm đang chín với
những con tằm ửng vàng chưa kịp nhả tơ làm kén. Mấy khung cửi gắn mô tơ điện là
điểm khác biệt để thấy nghề dệt lụa bây giờ đã khác xưa. Liên còn cười bảo ươm
tơ cũng khác hẳn ngày trước, đơn giản hơn và chỉ có kiếp tằm và người trồng dâu
nuôi tằm thì từ bao đời nay vẫn thế.
Liên
dẫn tôi đi xem buồng tằm. Gian buồng thoáng và sạch. Trứng tằm nhỏ hơn hạt cải,
nở ra lũ tằm con li ti. Phải giăng mùng cho tằm con để tránh ruồi muỗi. Tằm non
giống như con nít, yếu và dễ thương, ăn những lá dâu non, xắt mỏng hơn sợi thuốc
rê, rắc lên thân tằm. Ăn xong rồi ngủ, sau ba tiếng đồng hồ thức dậy ăn tiếp. Rồi
ngủ như trẻ sơ sinh, từ từ lột xác, xác mỏng rời nhẹ khỏi thân tằm. Tằm lớn lên
theo tuổi tằm. Màu sắc chuyển từ trắng xanh sang hồng và ửng hồng. Chính tơ
trong bụng tằm làm nên sắc màu này. Một lứa tằm trong vòng 25-30 ngày có thể
cho được kén. Khi tằm nhả hết tơ làm kén bao bọc lấy mình tằm sẽ hóa nhộng.
Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng hơn 5000 năm trước, một nguyên phi của
Hoàng Đế tên là Loa Tố đã phát minh ra nghề nuôi tằm, dệt lụa. Trung Quốc là
nơi đầu tiên trên thế giới nghề dệt lụa ra đời. Tơ lụa Trung Quốc thời cổ đại
quí hiếm và đắt hơn vàng. Nhiều nơi ở Trung Quốc gọi con tằm là Mã đầu nương
(Thiếu nữ có chiếc đầu ngựa). Một truyện cổ kể sự tích con tằm nghe càng đau
xót. Chuyện rằng:
“Có nhà nọ người cha đi lính ra tận vùng biên ải hàng chục năm không về.
Cô con gái ngày càng lớn ra dáng một thiếu nữ phải vất vả, tảo tần lao động
quanh năm. Cô mong tin người cha và một lần cô mang niềm tâm sự này trút vào
lòng con ngựa quí. Cô bảo không biết cha mình còn sống hay đã chết. Cô thề nguyền
rằng ai đưa được người cha trở về cô nguyện làm vợ người đó. Một buổi sáng con
ngựa chạy ra vùng biên ải tìm kiếm người cha. Vượt qua trận mạc, phong ba, đường
dài hiểm trở, gian nguy. Cuối cùng ngựa cũng giúp đưa được người cha về nhà với
cô con gái hiếu thảo.
Có điều người không thể lấy ngựa làm chồng. Cô gái mỗi ngày bắt gặp ánh
mắt buồn rầu, đau đáu, tủi hờn của con ngựa đã lảng tránh, trốn nó và con ngựa
tương tư cô chủ trẻ đã bỏ ăn, gầy yếu và đau buồn, ủ rũ, hí vang ai oán. Cô gái
sợ hãi kể cho người cha nghe lời thề nguyền của mình mà con ngựa biết được. Người
cha bèn lấy gươm đâm chết con ngựa. Ông lột da ngựa đem cất và chôn thây nó. Một
ngày cô gái đi vào nơi cất bộ da ngựa. Một trận lốc nổi lên, cô gái bị tấm da
ngựa cuốn bay đi biệt. Người cha thương con ngày đêm đi tìm. Khi đến một nương
dâu bạt ngàn ông không còn thấy đường đi. Ông bắt gặp một con tằm đang ăn lá dâu.
Sắc da trắng ửng của con tằm trông tựa như áo quần cô con gái yêu vẫn mặc, mà đầu
của con tằm lại giống chiếc đầu của con ngựa tội nghiệp nhà ông. Người cha đem
những cây dâu cùng con tằm nhỏ về nuôi trồng trong vườn. Chỉ trong một vòng đời
ngắn ngủi con tằm đã nhả tơ làm kén, biến thành nhộng, hóa thành bướm (ngài), đẻ
trứng nở thành tằm con lại ăn lá dâu tằm lớn chín vàng và lại nhả tơ… Cuộc hóa
thân kỳ diệu của tằm được người Trung Hoa xưa lí giải nó là tạo hồn của con ngựa
và cô gái. Nên kiếp tằm là kiếp hóa thân khổ đau nhất…”
Lý Thường Ẩn đời
Đường có viết 2 câu thơ:
“Con tằm đến thác tơ còn vướng
Ngọn nến thành tro lệ mới nhòa”.
Với Lý Thường Ẩn thì người nghệ sĩ chịu
bao khổ đau, oan trái, hoạn lộ ở đời để học hỏi để lột xác, hóa thân thành kẻ sáng
tạo tựa như kiếp tằm hoàn thiện một vòng đời đến lúc chết rồi vẫn tiếp tục nhả
tơ.
Liên bảo tôi không phải “con tằm đến
thác vẫn còn nhả tơ” đâu. Thực tế đau thương hơn nhiều. Thế giới của sắc màu lụa
là được kết tinh từ những đau khổ để hóa thân của con tằm. Để có tơ dệt lụa con
tằm phải chết. Chính loài người đã giết con tằm. Họ lấy được những sợi tơ óng
ánh khi con tằm lúc này đã hóa thân thành nhộng và bị đem luộc chín, xác nhộng
dùng làm thức ăn, làm thuốc bắc. Nếu không bị nấu chín nhộng sẽ hóa bướm (ngài)
và cắn đứt tổ kén bò ra, đi tìm bạn tình để giao phối và đẻ trứng dù cả hai rồi
cũng chết. Khi trứng tằm nở ra tằm con thì một vòng đời mới của tằm lại bắt đầu:
tằm nhả tơ làm kén, kén hóa thành nhộng, nhộng hóa thành ngài (bướm), ngài (bướm)
đẻ trứng, trứng nở ra tằm. Đó là những con tằm được loài người nuôi lại để bảo
tồn nòi giống. Nó không chết, nó hóa kiếp mãi mãi, kiếp này đến kiếp khác. Tằm
bị giết chỉ vì nhộng sau khi biến thành con ngài (bướm), không còn nhả tơ nữa
mà dùng cái miệng sắc ngọt cắn đứt tổ kén chui ra, cắt vụn hết mọi đường tơ phá
nát chiếc kén mà tằm đã thầm lặng nhả để quấn quanh thân tằm đến lúc tằm héo
rũ, lột xác đau đớn. Tằm đã đi qua suốt một đời nghiệt ngã. Tằm ăn dâu nhả tơ,
tằm chết để lại tơ, để lại cái đẹp cho đời.
Trong nồi nước trên bếp lửa than đang
sôi sùng sục, mẹ của Liên bây giờ đã là bà cụ già ngồi gỡ từng sợi tơ từ miệng
tằm, cẩn thận tách từ cái môi nhỏ xíu sợi tơ được tằm nhả ra. Cả ổ kén chỉ có 1
sợi tơ duy nhất. Bà mẹ lấy đũa vê từng ổ kén, khơi ra mạch tơ, kéo tơ đưa ra guồng
rồi quay xa. Từng sợi tơ dài vàng óng cuốn mãi vào xa quay, mịn và chắc. Công
đoạn cuối cùng là đưa vào khung cửi để dệt nên những dải lụa.
Vẻ đẹp của lụa là phụ thuộc vào tơ. Tơ
óng thì lụa mềm. Nhìn những dải lụa mềm phơi đầu ngõ, phất phơ trong gió, lòng
như vương tơ trời.
Làng
dệt lụa Mã Châu có lịch sử 500 năm (Tên hành chính là Châu Hiệp thuộc thị trấn
Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ngày xưa sản phẩm tơ lụa Mã Châu
chuyên cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc. Những thương lái nước ngoài từng đến
mua lụa Mã Châu với những tàu hàng chất đầy. Lụa Mã Châu xuất đi khắp bốn biển,
năm châu. Nhưng, có hưng ắt có vong, với hàng trăm năm dâu bể, những hình ảnh
canh cửi, vòng tơ, nong tằm, dải lụa… đã đi vào thời gian.
Khi
du khách tìm hiểu về nghề tơ tằm, lụa truyền thống Quảng Nam thì mong mỏi của mỗi
người con quê hương là phục dựng lại nghề dệt lụa. Hình ảnh những nương dâu mướt
xanh đang dần được dăm trồng trở lại, tiếng thoi dệt bắt đầu vang lên sau những
nong tằm. Hai chữ làng nghề tưởng chừng như đi vào ký ức, nhưng có những thời
điểm thịnh vượng, Mã Châu có đến hơn 2.000 ha đất trồng dâu.
Trên
mảnh vườn ông ngoại của Liên để lại, gia đình Liên cáng đáng đến ba nghề: trồng
dâu nuôi tằm để lấy kén, ươm tơ và dệt lụa. Nhà Liên cùng hàng trăm hộ khác với
hơn 2000 khung dệt làm nên một đại công xưởng, có cơ hội để dệt nên những tấm lụa
đẹp, chất lượng, cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều đơn đặt hàng ở
nước ngoài cũng đã xuất hiện ở làng nghề lụa Mã Châu.
Bây giờ thì Làng
lụa Mã Châu đã trở thành một bảo tàng sống thật sự về Lụa Mã Châu xưa. Nhưng
các nghệ nhân vẫn thở dài: họ mới làm sống lại nghề lụa Mã Châu một thời vang
bóng, phục hồi văn hóa làng nghề tơ tằm canh cửi xứ
Quảng. Tuy nhiên 2 cửa hàng tơ lụa trên thị trấn chỉ đủ sản phẩm phục vụ
khách du lịch. Còn những gì là tinh hoa nhất của quê lụa vẫn ở đâu đó giữa quá
khứ và tiềm năng.
LÊ THU THÙY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét