Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc 23-9-2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

1.  Hận Sông Gianh: Đằng Phương - Phạm Bách Phi - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
<!>
2.  Đò Chiều: Trúc Phương - Thanh Tuyền - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
3.  Hướng Về Hà Nội: Hoàng Dương - Thái Thanh - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
4. Gió Bấc - Lý Con Sáo Bạc Liêu: Phan Ni Tấn - Võ Thiện Thanh - Hương Lan - Tâm Đoan - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
5. Lời Buồn Thánh: Trịnh Công Sơn - Lệ Thu - Gs TranNangPhung - HungThe - MacPhuongDinh - NNS
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ..
I. Chuyện Thời sự & Xã hội Việt Nam

(i) Nguyễn Trần Sâm: Chuyện trò với một quan chức về Obama
N vốn là bạn học cũ của tôi thời học phổ thông. Lực học của N khi đó chỉ vào loại khá, nhưng khi gặp lại sau khoảng chục năm, lúc N đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội học và làm việc mấy năm ở ban tuyên huấn, thì điệu bộ của N trở nên trịnh trọng. Bước đi ra vẻ thong thả, khi nói chuyện thì hầu như không nhìn người nghe, dường như để tạo điều kiện cho người khác ngắm vẻ đường bệ quan trọng của mình.
Mấy hôm trước, tôi và N gặp nhau tại nhà một người bạn chung. Bây giờ thì N đã là PGS TS về “lý luận”, điệu bộ càng trịnh trọng, mỗi lời nói đều mang tính giáo huấn. Trao đổi xong mấy câu xã giao, N bắt đầu phổ biến tinh thần “chỉ đạo”, “định hướng” về các vấn đề thời sự gần đây. Câu chuyện có liên quan đến việc đánh giá xã hội “ta” và “tây”, và dẫn đến sự kiện Obama thăm Việt Nam vài tháng trước.
“Vừa rồi, Obama sang ta.” N nói. “Công nhận là tay này có những ưu điểm đáng kể, nhất là về ngoại giao. Nhưng mà dân ta cũng tỏ ra tôn sùng và yêu quý quá đáng. Người dân chỉ nhìn được bên ngoài. Họ đâu có điều kiện để nhìn vào hậu trường như cánh này. Những thứ mà dân ta gọi là “thành tâm”, “giản dị”, “đẫm tình người”, thực ra cũng có phần đúng, nhưng chủ yếu là dàn dựng theo kịch bản định sẵn cả thôi. Phải thừa nhận là tay này sắm vai giỏi và có một đội ngũ cố vấn và phục vụ vừa hùng hậu, vừa đắc lực.”
Mặc dù không có một tí chút nào sức chịu đựng khi nghe “lý luận”, nhưng tôi bắt đầu tò mò muốn nghe giọng lưỡi của một quan chức lý luận đang được trọng dụng này, và nảy ra ý định thử nêu vài câu hỏi hơi “xỏ xiên” chút xem ní noạn dza cắt nghĩa ra sao.
“Tôi hơi thắc mắc”, tôi nói. “Gặp ông ở đây hay quá. Được nghe giải thích từ miệng một vị lý luận gia cao cấp. Xin ông cho biết, tại sao các đồng chí lãnh đạo ta không dàn dựng những kịch bản như của Obama? Như thế dân vận sẽ rất tốt, mà đi ngoại giao cũng rất hiệu quả.”
Có vẻ như đồng chí lý luận gia này hơi bị bất ngờ bởi câu hỏi. Tuy nhiên, những vị này luôn tìm được cứu cánh ở những thứ lý luận khuôn mẫu chung chung. Sau một phút suy nghĩ để sắp xếp ý tứ, N nói:
“Cái gì cũng có nhiều lý do. Việc lãnh đạo ta không tạo ra những kịch bản như thế cũng vậy. Thứ nhất là không cần thiết. Dân ta đã theo Đảng mấy chục năm nay. Đảng với dân như tim óc với máu thịt. Không cần thiết phải thể hiện trước dân theo kịch bản có đạo diễn. Ông không thấy như thế là giả dối sao?”
“Tôi không thể đồng ý với ông được”, tôi nói. “Và tôi cũng có vài lý do. Thứ nhất, vài năm gần đây, chính các ông nhiều lần nói đến vấn đề về sự tồn vong, nói thẳng ra là nguy cơ tiêu vong của chế độ, tức là của đảng của các ông. Trong bối cảnh có nguy cơ đó, nếu tạo ra và thực hiện được những kịch bản làm dân tin yêu như Obama thì các ông sẵn sàng làm quá đi chứ. Nhưng ông thử xem, trong những đồng chí quanh ông liệu có ai có đủ tài để đưa ra một kịch bản quy mô như vậy? Rồi còn đội ngũ “diễn viên” nữa, nếu các ông thích gọi thế. Lấy đâu ra quanh ông đủ số lượng diễn viên diễn thuần thục như thế, nếu đó là diễn thật?…”
N ngắt lời tôi:
“Khoan đã, để tôi nói tiếp.” N không trả lời câu hỏi của tôi. “Lý do thứ hai là sự tốn kém. Chuyến đi của Obama tốn hàng trăm triệu đô. Có thể việc chi cho cái kịch bản ấy cũng tốn tới hàng triệu đô ấy chứ. Có thể trước khi lên đường, họ đã diễn tập tại Nhà Trắng mấy lần rồi.”
“Thì ông cũng chỉ đoán vậy.” Đến lượt tôi ngắt lời. “Diễn trước hay không, chi cho diễn tập hết bao nhiêu, dù ông là cán bộ lý luận cao cấp nhưng ông cũng đếch biết. Ông cũng chỉ đoán mò vậy thôi.”
“Thì đúng là số tiền cụ thể mình sao có thể biết được. Nhưng chắc chắn là phải tốn kém chứ. Mà cái đó thì lãnh đạo ta đâu dám làm. Nước mình còn nghèo, tiết kiệm thì dân được nhờ.” N nói.
“Cho là Obama quyết chi cho cái kịch bản ấy một triệu đô đi.” Tôi nói. “Nhưng một triệu đô là chừng hai chục tỉ tiền Việt. Cái đó thấm chi so với tiền, ví dụ các ông chi cho một cái báo cáo chính trị của đại hội, hay chi cho một đợt học tập chi chi đó, tấm gương hay nghị quyết chẳng hạn… Mà các ông vẫn nói về ưu thế của CNXH. VN ta xây dựng chế độ XHCN ưu việt, thiếu đếch gì tiền!”
“Mà theo tôi”, tôi nói tiếp. “Cái này mới là lý do chính để các ông không thể thực hiện được một kịch bản như thế này. Đó là nếu không có tâm thì kịch bản được viết ra dù có hay bao nhiêu, khi thực hiện nó vẫn sống sượng. Sống không thật thì tập diễn bao nhiêu khi diễn thật nó vẫn lòi cái giả dối ra. Ông có thấy trong phim, nếu nghệ sỹ không biết xúc động khi nhân vật mình đóng lâm vào cảnh bi thương, mà chỉ cố dùng thủ pháp để thể hiện sự xúc động, thì cảnh diễn sẽ giả tạo không?
Ở một nước như Mỹ, con người ta sống thật lòng. Ở đó không có ai bắt người ta thể hiện tình cảm theo nghị quyết, chủ trương. Mong muốn của mỗi con người cũng được phép thể hiện ra hết. Vì vậy mà ngay cả khi diễn, biểu hiện tình cảm của người ta cũng thật.
Một điều nữa mà các ông, những lý luận gia của đảng, có lẽ không biết đến, là ở phương Tây người ta không coi quan chức là loại người khác với dân. Họ quan niệm làm quan cũng là một nghề như bao nghề khác, có chăng là có được một số đặc quyền để thực thi quyền hạn và nhiệm vụ. Không có ai tự cho mình là đứng trên dân. Ở xã hội của họ, những người được tôn vinh nhiều nhất không phải là quan chức, mà là những người tạo ra các giá trị cho cuộc sống. Bản thân quan chức mỗi khi được gặp những nhân tài cũng thực sự kính nể họ. Obama hay Clinton không hề coi mình là giá trị hơn Bill Gates hay Michael Jackson. Mà chỉ cần một ông tổng thống nào tỏ ra mình cao hơn dân, ông ta phải hứng chịu những lời chỉ trích và mỉa mai ngay tức khắc.
Vì quan chức không nghĩ mình không phải là dân nên họ không cần đóng vai người giản dị, gần quần chúng. Nên sự giản dị của họ là bản chất. Họ không cần diễn. Còn quan ta, như ông chẳng hạn, ông hãy cố đóng vai một kẻ “giản dị, gần dân” xem. Sẽ không ngửi được!”
Càng nghe tôi nói, nét mặt N càng chuyển sang tức tối.
“Ông sùng bái những kẻ như Obama thế cơ à?” N nói.
“Ô không! Tôi không bao giờ sùng bái ai. Theo cảm nhận của tôi, trên đời còn có những người hơn Obama nhiều, và tôi vô cùng kính trọng họ, cố học những điều họ dạy, nếu đủ sức. Nhưng ngay cả những người đó, tôi cũng không sùng bái họ, không rưng rưng xúc động khi nhắc đến họ. Tôi cũng không trông chờ chuyến thăm của Obama sang VN mang lại hạnh phúc cho dân Việt. Tôi chỉ ghi nhận một điều là chất con người ở ông ta đậm hơn ở các ông.”
“Ông… ông… Ông là thằng ăn phải bả của bọn tư bản.” N hổn hển nói và kết thúc cuộc chuyện trò.

(ii) Ts Nguyễn Đình Cống: Bàn về uống nước và ăn quả
Dân ta có 2 câu ngạn ngữ rất hay: Uống nước nhớ nguồn và Ăn quả nhớ người trồng cây. Một số DuLuanVien chống lại các người bất đồng chính kiến, sau khi chửi rủa thấy không còn tác dụng thì dẫn câu trên: Mày là kẻ vô ơn, quên mất câu “uống nước…ăn quả…”. Họ cho rằng đây là vũ khí lợi hại, đánh vào lương tâm con người, làm cho người ta phải xấu hổ mà chừa thói phê phán chính quyền và Đảng. Thử xem cái vũ khí đó lợi hại đến mức nào.
Trong 2 câu “Uống nước…, Ăn quả…” có ẩn chứa một ý rất quan trọng. Đó là nước trong, sạch, không ô nhiễm, quả ngon, ngọt, không chứa độc tố. Nước ấy, quả ấy không những thỏa mãn đước cái khát, cái đói trước mắt mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng cho tương lai. Sau hơn 70 năm, nhìn thẳng vào thực tế để xem nguồn nước và cây trồng theo chủ thuyết cộng sản, theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) đem lại cho dân tộc Việt là loại nước nào, loại quả nào.
Quan trọng nhất, được nhiều người nhắc đến nhất là đưa dân tộc thoát vòng nô lệ, là độc lập, thống nhất. Để làm được việc này VN phải mất 30 năm chiến tranh với không biết bao nhiêu hy sinh, đổ nát, thù hận và để lại vô cùng nhiều các hệ lụy. Chiến tranh, vì độc lập thống nhất thì ít mà vì ý thức hệ nhiều hơn. Nói như Lê Duẩn thì, chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên xô và Trung Quốc.
Vào năm 1945, sau khi Bảo Đại tuyên bố VN độc lập ngày 12 tháng 3, sau khi Nhật đầu hàng ngày 15 tháng 8, nếu Việt Minh không làm CachMangThang8 mà hợp tác với Chính phủ Trần Trọng Kim, từ bỏ con đường CS, thì đã có cơ hội đạt được độc lập thống nhất trong hòa bình như nhiều nước trong khu vực, tuy có thể chậm vài năm. Nhưng những người lãnh đạo của CSVN vì nóng vội, muốn lập nhanh chính quyền công nông để làm gương, muốn làm vua quan kiểu mới mà không chịu hợp tác. Càng ngày càng lộ ra rõ ràng, điều mà nhiều người lãnh đạo ĐCS mơ ước nhất, quyết giành cho được là quyền lực chính trị. Vì quyền lực chính trị của cá nhân, vì vô sản chuyên chính, vì sự độc tài toàn trị của Đảng mà họ đã xô đẩy đất nước vào chiến tranh, đưa dân tộc vào con đường tụt hậu, thoái hóa.
Nguồn nước mà CS đã cung cấp, cây quả mà CS đã trồng liệu có trong sạch, ngon ngọt. Xin gấp tất cả các sách báo tuyên truyền mà nhìn thẳng váo xã hội. Xin đọc mấy câu kết trong bài thơ “Đảng” của Trung tướng Trần Độ: “…Ta biết ơn, khi Đảng còn vĩ đại. / Còn hôm nay, cuộc đổi chác bán mua./ Đảng biến mình thành những chúa những vua. / Mà thống trị dân đen, như thuở trước.
Đảng ngụy ngôn: “Có công giành Độc Lập”./ Chức, Quyền, Tiền, dân đã trả Đảng rồi. / Nơi cung đình, đâu phải chợ trời./ Dân hết nợ, Đảng cứ ngồi, cứ hưởng. / Để trần gian, lại công hầu khanh tướng. / Đảng một bên, Dân chịu nhục một bên.
Những luận cứ: "Các Mác và Lê nin. /Giờ xa lạ với Con Hồng Cháu Lạc! / So với Đảng, có súng bom bạo lực./ Còn thơ tôi là vần điệu lương tâm./ Tố Như ơi! Tôi sẽ đợi trăm năm./ Rồi chân lý sáng ngời vào lịch sử!/ Đảng của ngày xưa, Đảng là bất tử. / Còn tương lai!? Phút mặc niệm, bắt đầu!”
Khi vạch ra những sai lầm, độc ác của CS phải chăng là ăn cháo đá bát, phải chăng là phản bội lại sự hy sinh xương máu của ông cha. Hy sinh xương máu là thiêng liêng nên mỗi lần có dịp, những kẻ cơ hội lại mang ra để hù dọa những người phê phán. Về vấn đề này tôi đã viết bài “Những ai đã phản bội ông cha”. Bài viết chỉ ra rằng, ông cha hy sinh là vì tự do và hạnh phúc của con cháu, của nhân dân chứ không vì quyền lực của Đảng. Và như vậy thì chính những người đang lợi dụng chức quyền để tham nhũng, để áp bức nhân dân mới đúng là những kẻ phản bội ông cha. Nếu ông cha chúng ta khi xuyên rừng Trường Sơn, vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng mà biết rõ mục đích chủ yếu của cuộc chiến là nhằm tạo ra chế độ Đảng trị trên toàn quốc chứ không phải để giải phóng nhân dân Miền Nam, nếu họ biết cuộc chiến là do tập đoàn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh chủ động gây ra mà Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ban đầu không tán thành, nếu họ biết trước được sự hy sinh là để cho lãnh đạo ĐCS tạo lập ra nhiều nhóm lợi ích, tham nhũng, mua quan bán tước, hủy hoại môi trường và đạo đức, dân oan bị cướp đất khắp nơi, để CS đẩy dân tộc lệ thuộc vào Trung cộng, bị chúng nó không những chiếm đất, chiếm đảo mà còn tìm cách hủy diệt dần nòi giống… thì liệu họ có vui vẻ, có sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
Ông cha vì nghe và tin vào lời tuyên truyền dối trá của CS mà hy sinh xương máu. Sự hy sinh ấy, xét về từng con người thì đó là hy sinh dũng cảm, đáng ca ngợi, đáng tôn thờ, chúng ta lập đài tưởng niệm, nhưng xét chung, nếu chỉ vì độc lập và thống nhất thì sự hy sinh đó có thể tránh được. Chúng ta một mặt trân quý sự hy sinh của cha ông, nhưng mặt khác phải thấy rõ những kẻ đã lừa phỉnh, đẩy cha ông chúng ta hy sinh để phục vụ cho lợi ích riêng của một số ít người.
Một điều mà các DuLuanVien hay viện dẫn về việc uống nước, ăn quả là “Ai cho mày cơm ăn, học hành, phong học hàm, học vị…, phải chăng tất cả là của Đảng, nhờ công ơn trời bể của Đảng”. Đó là một lập luận tuyên truyền xảo trá. Hãy hỏi xem Đảng và Dân, ai nuôi ai là chủ yếu. Có thể một số rất ít người Việt, vì một lý do nào đó lâm vào đói khổ, thất học, nếu không có sự nâng đỡ của Đảng thì không tự vươn lên được, một số ít khác dựa vào thế lực Đảng để tham nhũng, để làm giàu, còn tuyệt đại đa số chúng ta, lúc còn bé thì cha mẹ nuôi, lớn lên thì lo làm lụng kiếm ăn, chẳng thấy ăn cơm của Đảng khi nào cả. Cha mẹ bạn lo làm lụng để nuôi bạn, cho bạn đi học, nay bỗng nghe bạn nói rằng, cơm bạn ăn là của Đảng thì chắc họ đau lòng lắm.
Nguồn nước do CS khơi, cây do CS trồng đang chứa nhiều độc tố, nó từng làm thỏa mãn cơn khát, cơn đói nhất thời của một số người, nhưng độc tố đang phát tác, gây ra những tật bệnh chưa có thuốc chữa. Uống nước ấy, ăn quả ấy không biết nên nhớ ơn hay nên tự oán trách, tự ân hận.

(iii) Ks Nguyễn Gia Kiểng: Mở mắt và nhỏ lệ
Tôi mở mắt và nghe mình nhỏ lệ // Những trận giặc kéo dài qua nhiều năm // Nhân loại đau buồn kể lể
Thành phố bị chiếm tiêu điều //  Làng mạc hắt hiu trong cơn điên cuồng lửa đạn
Em là người hậu chiến hon hắt hủi bơ vơ ngoài phố // Thương bằng hữu bỗng biến thành kẻ tội tù. (Mai Trung Tĩnh, “40 bài thơ”)
Không hiểu do cảm hứng nào mà Mai Trung Tĩnh làm ra những vần thơ tiên tri như thế. Mai Trung Tĩnh tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng, anh ruột của Nguyễn Thiện Tường, bạn thân của tôi. Tôi hay lui tới gia đình Tường, nhất là những sáng chủ nhật. Lúc đó ba của Hùng và Tường mất có lẽ đã lâu lắm rồi, mẹ Tường hay cho chúng tôi tiền để đi ăn phở với nhau. Không biết bà cụ buôn bán gì nhưng gia đình tương dối khá giả, bà cụ coi tôi gần như một đứa con của gia đình. Tường học đệ nhị với tôi ở lớp Bình Dân Giáo Dục. Thực ra Tường có đủ điều kiện để đi học bình thường như những người khác nhưng cũng ghi tên học Bình Dân Giáo Dục buổi tối để học với tôi cho có bạn. Lúc đó, năm 1960, Hùng đã đậu xong tú tài đang học Đại Học Văn Khoa, ngoài ra còn đi dạy Việt văn ở cấp trung học để kiếm thêm lợi tức cho gia đình. Hùng thích Sartre, Gide và Camus, tuần nào cũng bỏ tiền ra mua Paris Match vì thích nhưng bài bình luận chính trị của Raymond Cartier.
Khi viết câu: “Em là người hậu chiến hồn hắt hủi bơ vơ ngoài phố, thương bằng hữu bỗng biến thành kẻ tội tù”, Hùng không ngờ câu đó lại ứng nghiệm cho mình tới hai lần trong khoảng 15 năm. Tập thơ 40 bài thơ của Hùng làm chung với Lê Đức Vượng (tức Vương Đức) được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc năm 1960. Mỗi người hai mươi bài. Những câu thơ trên lấy từ bài Lịch sử của Hùng. Tôi còn nhớ, ngay ngày cuốn sách in xong, Hùng ân cần tặng tôi một bản. Tôi thích bài Lịch sử và nhớ cho tới bây giờ.
Tuy là giáo sư, nhưng như mọi người trong lứa tuổi, như các anh em tôi, Hùng cũng thuộc “diện sĩ quan biệt phái”. Ai cũng “biết sĩ quan biệt phái” chỉ là một cụm từ rỗng nghĩa, có mục đích để chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có thể gọi nhập ngũ trở lại một số người bất cứ lúc nào. Nhưng trên thực tế đó là những người không có hay không còn, liên hệ gì tới quân đội. Bằng cớ là ngay trước lúc sắp sụp đổ, chính quyền Sài Gòn cũng không gọi họ nhập ngũ. Tuy vậy cái nhãn “sĩ quan biệt phái” đã khiến Hùng bị bắt đi cải tạo gần bảy năm. Tôi gặp lại Hùng mùa thu năm 1982 khi Hùng mới đi cải tạo về và tôi cũng sắp đi Pháp. Bẵng đi tám năm, tôi không liên lạc với Hùng, rồi không ngờ lại được tin Hùng trong một trường hợp khác.
Phải nói là rất không ngờ. Sau khi đi cải tạo về, tôi gặp một số trí thức trẻ có ưu tư với đất nước và chúng tôi giao du với nhau thành một nhóm chia sẻ lập trường Dân chủ. Gặp Hùng, tôi không rủ Hùng gia nhập vì lúc đó Hùng mới đi tù về còn đang yếu mệt và tôi cũng sắp đi Pháp, vả lại tôi biết Hùng không thích chính trị. Đoàn Viết Hoạt ở tù ra năm 1988 thì ít lâu sau đó bắt liên lạc được với chúng tôi. Tôi biết Hoạt có thành lập một nhóm bạn dự định cho lưu hành tập tài liệu Diễn Dàn Tự Do nhưng không biết rằng Hùng cũng có trong đó. Chỉ sau khi nghe tin Hoạt và nhóm Diễn Dàn Tự Do, trong đó có Hùng, bị bắt tôi mới biết và ngạc nhiên. Hùng bị kết án năm năm, sau đó kháng án và được giảm xuống bốn năm.
Cái nhìn lịch sử của nhà thơ rất chính xác. Lịch sử nước ta là một lịch sử đau thương. Đó là một chuỗi ngoại thuộc và chiến tranh.
Cứ coi như nước chúng ta thực sự thành lập với nhà Hồng Bàng với 18 đời vua. Cứ tính trung bình mỗi vị chừng mười lăm năm thì nhà Hồng Bằng kéo dài được non ba trăm năm thì bị nhà Thục cướp ngôi năm 258 trước công nguyên. Như thế thì có nghĩa là chúng ta có khoảng hai ngàn năm trăm năm lịch sử. Thế nhưng cỗ sử của ta lại chép rằng Kinh Dương Vương, ông nội của vua Hùng Vương thứ nhất làm vua nước Xích Quỷ từ năm 2879 trước tây lịch, như thế là ta có tới gần năm ngàn năm lịch sử. Như vậy có một khoảng trống trên hai ngàn năm. Khoảng thời gian ấy là khoảng thời gian cần thiết để một số người từ Hoa Nam vượt vách núi dầy đặc trên một trăm cây số. Giả thuyết hợp lý nhất là vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên một số người đã qua được vách núi đến được giáp vùng đồng bằng sông Hồng để cùng với người thổ dân lập ra nước Văn Lang. Huyền sử con rồng cháu tiên có lẽ đã xuất phát từ một lý do rất thực tiễn. Muốn khuất phục những con người thô sơ, không gì bằng dựa vào phép thần tiên, và những người ít ỏi từ miền Bắc xuống đã tự tạo cho mình một nguồn gốc thần tiên để thu phục người bản xứ.
Trong khoảng năm trăm năm đầu, đất nước Văn Lang chắc là có rất ít người. Bằng chứng là nhà Thục, dòng họ đã diệt họ Hồng Bằng, không hề có một dấu vết nào trong lịch sử Trung Hoa cả, đó chỉ là một gia đình nào đó đã từ Hoa Nam sang Bắc Việt và qui tụ được một số gia nhân lập thành một giang sơn riêng. Vậy mà nhà Thục đã diệt được họ Hồng Bằng thì đủ biết tầm vóc của Văn Lang lúc đó không hơn một bộ lạc là bao. Dù nhỏ bé như vậy, mà trong năm trăm năm đầu trước công nguyên, dân ta đã phải chịu ba cuộc chiến tranh: nhà Thục diệt Hồng Bằng, rồi nhà Triệu diệt nhà Thục, rồi nhà Triệu bị nhà Hán bên Trung Hoa tiêu diệt và nước ta bị sát nhập vào Trung Quốc.
Kế tiếp là hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Trong khoảng thời gian này cũng đã có vô số binh biến đẫm máu. Hai Bà Trưng khởi nghĩa, làm chủ đất nước và cầm cự được ba năm, rồi cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Chinh và Triệu Quốc Đạt. Rồi vô số những loạn lạc đao binh khác, có khi do chính các quan cai trị muốn xưng hùng xưng bá đánh giết lẫn nhau, có khi do nhân dân nồi dậy chống áp bức. Có lần dưới thời Tam Quốc bên Trung Hoa, lúc nước ta đang dưới sự đô hộ của nhà Ngô, dân Giao Châu nổi lên giết được quan thái thú rồi đi thần phục nhà Ngụy ở mãi tận phương Bắc, để rồi lại bị Đông Ngô đánh dẹp. Trong thời gian năm trăm năm của thời Bắc thuộc lần thứ hai, từ năm 43 đến nam 554, nước ta lúc nào cũng có binh biến, và binh biến thường thường do các quan cai trị Trung Hoa thấy Giao Châu có núi ngăn cách với Trung Hoa muốn thành lập một quốc gia độc lập. Cuối cùng Lý Bôn, một người gốc Trung Hoa, làm chủ được đất nước, lập ra nhà Tiền Lý, kéo dài được sáu mươi năm. Nhìn vào giai đoạn này, ta có thể rút ra hai kết luận: Một là ý thức về mình như một xã hội riêng biệt với phương Bắc của ta đã do chính những quan đô hộ người Trung Hoa đem đến. Hai là nước ta đã được thai nghén trong binh lửa và đó cũng là một điều không may.
Trong sáu mươi năm ngắn ngủi của nhà Tiền Lý, nước ta đã phải đương đầu với cuộc tái chiếm của Trung Hoa, rồi cuộc nội chiến giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, cuối cùng lại rơi vào Bắc thuộc một lần nữa. Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba này chiến tranh lại còn triền miên và dữ dội hơn nữa. Chiến tranh với Lâm ấp (Chiêm Thành), cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan, của Phùng Hưng, rồi lại đánh Chiêm Thành, rồi chiến tranh với nước Nam Chiếu (ở khu vực Vân Nam, Trung Quốc bây giờ), và dĩ nhiên, yếu tố thường trực vẫn là những cuộc tranh giành giữa các quan đô hộ. Trong thời gian ấy xã hội Việt nam vẫn tiếp tục hình thành, người mỗi ngày một đông, trí tuệ mỗi ngày một mở mang, ý thức cộng đồng càng ngày càng rõ rệt, kìm kẹp của ách thống trị càng ngày càng bất lực. Đến đầu thế kỷ thứ 10, năm 906, một hiện tượng lạ lùng xảy ra, hệ thống đô hộ của người Trung Hoa tự nó sụp đổ và dân Giao Châu tôn Khúc Thừa Dụ lên làm chủ. Đất nước Việt nam coi như đã thực sự hình thành. Người Trung Hoa định tái lập nền thống trị nhưng không được nữa, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán rồi xưng vương, dẫn đất nước vào giai đoạn độc lập chính thức.
Một ngàn năm Bắc thuộc thường được coi như một giai đoạn đen tối của nước ta, nhưng đó cũng là giai đoạn đất nước ta thai nghén và hình thành như một đất nước theo khuôn mẫu chính trị Trung Hoa. Quá trình hình thành của nước ta là một chuỗi dài chinh chiến. Đứa trẻ Việt nam vì thế đã ra đời với một cơ thể yếu.
Nhưng được độc lập rồi, loạn lạc, chiến tranh không giảm mà còn tăng. Nhà Ngô trị nước chẳng được bao lâu thì rơi vào loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và thi hành một chính sách trị nước cực kỳ tàn bạo, kéo dài mười bốn năm. Lê Hoàn soán ngôi nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê trị vì ba mươi năm. Trong vòng ba mươi năm đó dân ta đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh với nhà Tống, một cuộc chiến tranh với Chiêm Thành và nhiều cuộc chiến tranh bình định khác. Nhà Tiền Lê chấm dứt với triều Lê Long Đỉnh kéo dài năm năm, từ 1005 đến 1009. Lê Long Đỉnh tuy chỉ làm vua trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đã để tên lại trong lịch sử như là bạo chúa kinh khủng nhất của nước ta. Sự thực hay chỉ là một bịa đặt của nhà Lý để bào chữa cho việc cướp ngôi nhà Tiền Lê? Thế kỷ đầu của độc lập, đối với dân ta, còn đau thương hơn cả thời Bắc thuộc.
Triều Lý vẫn được coi là một thời thịnh trị của nước ta vì đã lập ra triều chính, kỷ cương, văn hóa, thi cử như một quốc gia thực sự. Điều đó đúng, những nếu nhìn kỹ hơn một chút thì trong hơn hai thế kỷ dưới thời Lý dân ta cũng không sung sướng là bao. Chiến tranh cũng rất thường xuyên: đánh dẹp Nùng Trí Cao, đánh dẹp các tù ương không thần phục, đánh Chiêm Thành, Ai Lao, rồi lại đánh Chiêm Thành, rồi đem quân đánh Tống, rồi kháng cự với quân xâm lăng Tống và mất Cao Bằng, Lạng Sơn, rời lại đánh Chiêm Thành, rồi giặc Thân Lợi, giặc Phạm Du, cuộc nổi loạn của đám tướng Phạm Bình Di – Quách Bốc làm nhà vua phải bỏ cả kinh đô mà chạy, cầu cứu họ Trần rồi mất ngôi về tay nhà Trần.
Công lao lớn nhất của nhà Trần là đã phá được quân Mông Cỗ trong ba cuộc chiến tranh khóc liệt bậc nhất trong lịch sử nước ta. Nhưng cũng không phải chỉ có thế. Anh em nhà Trần có lúc còn đánh lẫn nhau, giặc giã ở trong nước cũng không ít: giặc Mường, giặc Đoan Thượng, giặc Nguyễn Nọn, giặc Phạm Sư ổn, Dương Nhật Lệ, rồi nhưng cuộc chiến tranh liên miên với Chiêm Thành, trong đó quân Trần bại nhiều hơn thắng, kinh đô Thăng Long bị tàn phá nhiều lần. rồi đánh nhau với Ai Lao. Ngày nay nhiều người vẫn coi nhà Trần là một thời thịnh trị, gần như nhà Lý, vì nhà Trần đều có công đánh được quân Nguyên, nhưng xét ra có lẽ chưa đời nào dân ta khổ bằng dưới thời nhà Trần.
Nhà Trần mất, nhà Hồ lên, quân Minh sang đánh chiếm nước ta. Lập tức Giản Định Đế, Trùng Quang Đế nổi lên rồi bị dẹp. Kế tiếp là cuộc kháng chiến mười năm của Lê Lợi. Giành được độc lập rồi, nhà Hậu Lê cũng phải đương đầu với vô số cuộc nổi dậy, nhất là cuộc nổi dậy của Trần Cao, kinh thành bị tàn phá mấy lần. Nhà Lê mất, một cuộc nội chiến phù Lê diệt Mạc bùng lên, kế tiếp là Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi cuộc nồi dậy của anh em Tây Sơn, cuộc chiến tranh với quân Thanh và quân Xiêm, cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và dư đảng phù Lê, cuộc nội chiến khốc liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Nhà Nguyễn thống nhất được đất nước, làm vua được tám mươi năm thì mất nước vào tay người Pháp, sau khi đã phải đánh dẹp chật vật nhiều cuộc nỗi dậy khác, nhất là cuộc ly khai của Lê Văn Duyệt được Lê Văn Khôi tiếp nối. Sau thế chiến II, chúng ta chiến tranh khốc liệt cho tới năm 1975.
Trong suốt dòng lịch sử của ta, dân ta được bao nhiêu năm hòa bình? Có lẽ chỉ được khoảng một trăm năm mươi năm yên ổn dưới thời Lý, gần một thế kỷ dưới thời Trần, tám mươi năm dưới thời Hậu Lê, xấp xỉ bảy mươi năm (1672- 1739) tại miền Bắc trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh (dưới thời các chúa Trịnh Tạc, Trịnh Cán, Trịnh Cương). Và sáu mươi năm dưới thời Pháp thuộc, nhưng lại là hòa bình trong ngoại thuộc. Xét ra, trong hai ngàn năm trăm năm lịch sử của ta, chúng ta chỉ có được khoảng bốn trăm năm vừa có độc lập vừa có hòa bình tương đối. Thế nhưng ngay cả khi có hòa bình tương đối, chúng ta cũng luôn luôn phải chịu đựng những chế độ hà khắc. Chúng ta rất ít có hoà bình và chưa bao giờ có tự do.
Gần đây, dưới chế độ cộng sản, chúng ta cũng đã phải chịu một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng dữ dội với Trung Quốc, một cuộc chiến tranh dai dẳng tại Cam-bốt, và một cuộc nội chiến rất đặc biệt tuy không có tiếng bom đạn nhưng cũng diễn ra một cách thảm khốc trong lòng người. Hàng trăm ngàn người đã bị tù tội, hàng triệu người bị cướp đoạt tài sản, bị phân biệt đối xử, bị trù dập và cấm đoán. Hơn một triệu người bỏ nước ra đi. Biết bao nhiêu là đau thương và thù hận.
Cuộc hành trình vội vã qua lịch sử này có mục đích để chúng ta “mở mắt và nhỏ lệ” cho thân phận của đất nước mình. Chúng ta chiến tranh nhau quá. Không có dân tộc nào trên mặt đất này chịu nhiều chiến tranh như chúng ta. Chiến tranh đã khiến chúng ta trở thành một dân tộc không bình thường. Câu hỏi tại sao nước ta có địa thế tốt, con người cần mẫn và tinh khôn mà lại không vươn lên được có lẽ đã có câu trả lời. Chiến tranh đã đầy đọa chúng ta trong suốt dòng lịch sử để rồi trở thành một bản năng của chúng ta. Những người lãnh đạo cộng sản lấy những quyết định chiến tranh một cách thản nhiên dễ sợ. Nhưng họ cũng không khác bao nhiêu so với những người Việt nam khác, họ chỉ thể hiện một chứng bệnh tâm thần tập thể của chúng ta mà thôi. Thử nhìn những cuộc tranh cãi chính trị tại hải ngoại. Chỉ vì một ý kiến không hợp ý mình, người ta có thể công kích nhau một cách thậm lệ, dữ dằn. Nếu có binh quyền trong tay chắc chắn là người ta không ngần ngại tuyên chiến.
Mộng ước của mọi người Việt nam hôm nay là đổi hướng đi của lịch sử và mở ra một kỷ nguyên của tiến bộ và hạnh phúc. Đó là một cuộc đổi đời rất lớn. Nhưng có cuộc đổi đời nào không đòi hỏi một thay đổi lớn về tâm lý? Nếu biết nhỏ lệ xót thương cho số phận của đất nước ta, biết dứt khoát tiêu diệt cái bản năng chiến tranh trong con người của môi chúng ta, biết lấy đối thoại, tương kính, tương nhượng làm căn bản dựng nước mới là chúng ta đã rút được bài học lịch sử quí giá nhất và đã vượt được trở ngại kinh khủng nhất.

II. Chuyện Thời sự & Xã hội Thế giới:
*** Le Monde: Trò chơi nguyên tử nguy hiểm của Kim Jong-un
Le Monde ngày 14/09/2016 nhận định "Nguyên tử, chiến lược nguy hiểm của Bắc Triều Tiên" : Bình Nhưỡng hy vọng sở hữu các hỏa tiễn có thể bắn sang tận lãnh thổ của kẻ thù Mỹ.
Tờ báo quay lại với quá khứ : đó là tháng 10/1992, khi đế chế xô-viết vừa bị tan rã. Tại sân bay Cheremetievo ở Moskva, một nhóm hành khách gồm 36 người Nga là chuyên gia về chế tạo hỏa tiễn, chuẩn bị cùng với gia đình sang sinh sống ở Bình Nhưỡng. Họ làm việc tại "văn phòng Makeiev" gần thành phố Tcheliabinsk ở Oural, nơi sản xuất ra R-27 Zyb, một loại hỏa tiễn đạn đạo tầm trung để bắn đi từ tàu ngầm. Với sự tan rã của Liên Xô, lương của các chuyên gia này giờ chỉ còn bằng mức lương công nhân, trong khi Bình Nhưỡng hứa hẹn một cuộc sống thoải mái cho họ. Gió đã đổi chiều : Nga quyết định xích lại gần Hàn Quốc để đối lấy viện trợ tài chính, bỏ mặc người anh em Bắc Triều Tiên tự xoay sở. Việc nhóm chuyên gia bị kiểm tra an ninh, được báo chí Nga thời đó đưa lại, là bằng chứng cụ thể duy nhất cho việc Bắc Triều Tiên lén lút mua công nghệ đạn đạo của Liên Xô cũ. Còn bao nhiêu kỹ sư khác đã bí mật vượt biên giới đến làm việc cho phòng thí nghiệm của vương quốc nhà họ Kim ? Không ai có thể biết được.
Hôm 22/6, sau bốn vụ bắn thử thất bại trong hai tháng trước đó, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã phóng đi hai hỏa tiễn Musudan, cùng loại với R-27 được Bình Nhưỡng chú ý một phần tư thế kỷ trước nhưng là phiên bản bắn từ mặt đất. Một hỏa tiễn đã bay lên được độ cao 1.000 km và đạt được đoạn đường 400 km về hướng Nhật Bản. Rõ ràng đây là một tiến bộ.
Thử hỏa tiễn 30 tháng nhiều hơn cả 30 năm trước
Trong khi người cha Kim Jong Il có tiếng là luôn tìm kiếm vũ khí nguyên tử, người con Kim Jong-un muốn sở hữu loại hỏa tiễn có thể bay đến tận đất Mỹ. Từ đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã cho bắn tên lửa 20 lần, kể cả các vụ bắn thất bại.
Kỹ sư hàng không Markus Schiller ghi nhận : "Trong vòng 30 tháng, họ đã tiến hành số vụ bắn thử nhiều hơn cả 30 năm qua. Kim Jong-un có vẻ theo phương pháp khác hẳn người cha. Ông ta muốn chứng tỏ với thế giới là mình có chương trình hỏa tiễn, và đây là mối đe dọa thực sự".
Chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên tiến triển nhờ lợi dụng sự bất đồng giữa hai đại cường Mỹ-Trung. Đối với Hoa Kỳ, chỉ có Bắc Kinh mới có thể siết lại Bình Nhưỡng. Về phía Trung Quốc thì từ chối gánh lấy rủi ro chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ, nhắc nhở rằng chính Washington mới cảm thấy mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Những tiến bộ về nguyên tử giúp biện minh cho những hy sinh áp đặt cho người dân, và là niềm tự hào của chế độ. Antoine Bondaz, điều phối viên chương trình Triều Tiên của Asia Centre tóm lược : "Bắc Triều Tiên hoàn toàn lép vế trong tương quan lực lượng với Hàn Quốc, nên để tránh thống nhất Triều Tiên theo mô hình miền Nam, chế độ phải dùng đến nguyên tử để bảo đảm an toàn cho mình". Không có lý do nào để phải từ bỏ.
Vụ thử hạt nhân lần thứ năm gây dấu ấn với "đầu đạn nguyên tử thu nhỏ" sẵn sàng để gắn vào hỏa tiễn, như vậy chế độ đã có khả năng gây tác hại nghiêm trọng. Bắc Triều Tiên đầu tư vào hai hướng nguy hiểm, mà hàng đầu là hỏa tiễn đạn đạo tầm xa có thể bay đến lục địa Mỹ. Về lâu về dài, Kim Jong-un đang mơ sở hữu một hạm đội tàu ngầm.
"Nhà nước côn đồ" : Sự hung hăng và tính chính danh
Bên cạnh đó, Le Monde có bài phân tích mang tựa đề "Bắc Triều Tiên, trò chơi khôn ngoan của một Nhà nước du kích". Theo thông tín viên của tờ báo tại Tokyo, việc xếp Bắc Triều Tiên vào hàng "Nhà nước côn đồ", bị cô lập với các nước khác, đã khuyến khích chế độ Bình Nhưỡng theo đuổi một chính sách ngoại giao thảm họa.
Theo tờ báo, từ cuộc chiến "du kích quân sự" chống Nhật rồi Mỹ, Hàn trước đây, Bắc Triều Tiên đã chuyển sang "du kích chính trị", nhờ đó chế độ họ Kim có được tính chính danh để huy động dân chúng "đang trong một thành trì bị bao vây". Họ dùng chiến thuật nắm đấm : khiêu khích xong lại nghỉ ngơi một thời gian, sau đó lại lên giọng.
Chưa hề ký hiệp ước đình chiến với miền Nam sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953 nên chế độ duy trì được tâm trạng "bị bao vây thường trực" đối với người dân. Các lãnh đạo Bình Nhưỡng không muốn lao vào một cuộc chiến tranh mà họ biết trước là sẽ thất bại, nhưng lợi dụng nguy cơ này để dọa nạt địch thủ. Cảm giác bị đe dọa cộng với tình cảm ái quốc được phóng đại, giúp chế độ tuyên truyền rằng những đau khổ của người dân là do quốc tế trừng phạt.
Số phận của Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi càng củng cố thêm quyết tâm về nguyên tử của Bình Nhưỡng. Được ghi vào Hiến pháp từ năm 2013, vũ khí hạt nhân đã trở thành "bản sắc" của Bắc Triều Tiên. Đối với Bình Nhưỡng, vấn đề này là không thể thương lượng ; và nếu có, chỉ là việc tạm thời đóng băng chương trình nguyên tử, và phải song song với vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.
*** Le Figaro: Sự bất công đối với bà Hillary Clinton
Nhìn sang nước Mỹ, tình trạng sức khỏe của ứng cử viên Dân Chủ được nhiều tờ báo Paris quan tâm. Le Figaro cho rằng "Bà Clinton khó thuyết phục được cử tri", còn nhật báo Le Monde trong bài xã luận đã nhận định "Bà Hillary Clinton trước thử thách minh bạch".
Tờ báo cho rằng bà Hillary đã phải chịu đựng bất công : đòi hỏi về sự minh bạch đối với bà cao hơn rất nhiều so với đối thủ Cộng Hòa là Donald Trump, đặc biệt là từ phía truyền thông. Ông Trump đã "nói dối thành thần" nên mãi rồi người ta cũng chẳng màng chất vấn thực hư - và đó cũng là một phần trong cách thức của Trump.
Bà Hillary Clinton đã công bố toàn bộ hồ sơ thuế của mình, còn Donald Trump từ chối. Bà cũng đã công khai nhiều thông tin về sức khỏe hơn ông Trump. Ứng cử viên Dân Chủ 68 tuổi bị cho là yếu sức hơn đối thủ Cộng Hòa 70 tuổi, trong khi nhịp độ chiến dịch tranh cử là khủng khiếp đối với cả hai. Thật là không công bằng đối với bà, và theo Le Monde, cách duy nhất để đối phó là nói sự thật, và chỉ có sự thật.

*** Oxford Economics: Mỹ mất 1.000 tỷ USD nếu Donald Trump làm tổng thống
Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics dự đoán nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thì nước này sẽ thất thoát 1.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông.
Theo Oxford Economics, các chính sách của Trump hướng đến những biện pháp bảo hộ thương mại và trục xuất người nhập cư trái phép quy mô lớn. Những chính sách này được dự đoán sẽ vấp phải cản trở từ quốc hội, tuy nhiên nếu nó thực sự được thông qua thì sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực. "Nếu ông Trump thành công trong việc ban hành các chính sách của mình, hậu quả sẽ vượt ngoài tưởng tượng khi nền kinh tế Mỹ tổn hại 5% GDP, làm ảnh hưởng đến sự hồi phục của tăng trưởng toàn cầu", Oxford Economics nhận định.
Oxford Economics từng dự đoán nếu bà Hillary Clinton chiến thắng thì GDP của Mỹ có thể tăng khoảng 2% vào năm 2017 và sẽ đạt 18.500 tỷ USD vào năm 2021. Do nữ ứng viên đảng Dân chủ sẽ duy trì phần lớn các chính sách hiện hành.
Nhưng nếu Trump đắc cử và thực hiện các chính sách của ông, tăng trưởng sẽ giảm dần và chạm 0 vào năm 2019, làm giảm chung GDP còn 17.500 tỷ trong năm 2021. Đội vận động tranh cử của ông Trump chưa phản hồi trước thông tin này. Trong buổi vận động ở Clive, bang Iowa, đêm 13/9, ông khẳng định sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ.
Ứng viên của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ khôi phục lại khối sản xuất của Mỹ qua việc cấm các công ty lớn trong nước như Apple đưa khâu gia công sản phẩm ra nước ngoài, đàm phán lại về các hiệp định thương mại và bỏ đi nhiều loại thuế liên bang. "Chúng tôi sẽ mang lại cơ hội, sự thịnh vượng và an ninh cho tất cả người Mỹ", Trump nói.
Trong các cuộc thăm dò mới nhất, cựu ngoại trưởng Mỹ vẫn dẫn đầu so với đối thủ ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, tỷ phú Trump đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với bà Clinton.
Khảo sát của Reuters công bố ngày 10/9 cho thấy bà Clinton hiện có 83% cơ hội giành chiến thắng, với 47 phiếu bầu từ đại cử tri đoàn. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, các con số này của bà Clinton lần lượt là 95% và 108.

*** BEIJING: Hơn 70 triệu người Trung quốc sống dưới mức nghèo 
Thảm kịch mẹ giết 4 con rồi tự sát và người cha tự vẫn vì hoàn cảnh bế tắc với cuộc sống cực nghèo đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chênh lệch giàu nghèo tại quốc gia đông dân nhất thế giới dưới quyền lãnh đạo của đảng CS.
Bà mẹ 28 tuổi Yang Gailan dùng buá rìu giết 4 con dưới 6 tuổi gồm 3 gái và 1 trai, rồi uống thuốc trừ sâu để tự vẫn, theo tin công an tỉnh Gansu trong vùng tây bắc. Chồng bà Yang uống thuốc độc 2 tuần sau tang lễ của vợ con. Gia đình này thuộc hạng nghèo nhất của làng Agushan nhưng không đuợc trợ cấp vì lợi tức hơn ngưỡng luật định. Nhiều nguồn tin truyền thông khác nhau xác nhận tham nhũng là 1 yếu tố trong thảm kịch này, bởi bà Yang không biết hối lộ.
1 công dân mạng góp ý qua trang Weibo tương tự twitter "Đây là 1 xã hội tàn bạo, nguời ăn thịt người".
Kinh tế gia Xiang Songzuo của ngân hàng nông nghiệp nhận xét: tình hình này phản ảnh thực tế đau thương của mức độ nghèo tại Trung Quốc trong khi cán bộ tham ô thụt két hàng trăm triệu MK và người giàu tiêu hàng ngàn MK mỗi ngày. Ông Xiang đặt vấn đề "Tại sao người nghèo mất hy vọng vào cuộc sống". Tờ Global Times dẫn thống kê chính thức cho biết 70 triệu dân sống dưới mức nghèo, đa số tại nông thôn, nhiều người sinh sông tại thành thị không thể tưởng tượng đuợc thực tế là thế.
*** VietBao (Đào Văn Bình): Biển Đông
Theo Reuters ngày 12/2/2016, “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte kêu gọi Hoa Kỳ rút binh sĩ ra khỏi một đảo hẻo lánh nằm ở Mindanao vì sợ rằng sự hiện diện của họ có thể làm phức tạp cho cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Hồi Giáo nổi tiếng vì chặt đầu người Tây Phương. Ông Duterte được mọi người theo dõi tuần qua vì những lời công kích Hoa Kỳ và Tổng Thống Obama, nói rằng lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đang huấn luyện binh sĩ Phi Luật Tân tại đây là những mục tiêu rất tốt cho nhóm khủng bố Abu Sayyaf có liên quan đến Nhà Nước Hồi Giáo (IS). Ông Duterte nói rằng lực lượng đặc biệt này phải ra đi. Tôi không muốn rạn nứt với người Mỹ, nhưng họ phải ra đi.”
Đây là tin rất xấu cho Hoa Kỳ. Hầu hết các quốc gia như Iraq, A Phú Hãn, Ukraina, Yemen, South Sudan, lực lượng người Kurd, phiến quân Syria, kể cả các quốc gia trong NATO như Anh, Pháp, Ý, Đức… đều hoan nghênh lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đến nước họ và chiến đấu bên cạnh họ. Lý do, đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của Hoa Kỳ, xử dụng những vũ khí vô cùng tối tân, kể cả những vũ khí bí mật và được yểm trợ bởi tất cả những phương tiện hiện đại nhất từ trên không. Thế mà “ông tổng thống Trương Phi” này lại “mời họ đi chỗ khác chơi”. Đây là dấu hiệu khởi đầu báo hiệu một giai đoạn khó khăn mới trong bang giao Mỹ-Phi. Theo VOA News ngày 13/9/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte hôm nay lại nói rằng chính quyền sẽ không cho phép quân chính phủ tuần tra chung với lực lượng nước ngoài tại khu vực biển đang tranh chấp, hiển nhiên xóa bỏ thỏa thuận với Hoa Kỳ của người tiền nhiệm (Tổng Thống Aquino). Ngoài ra Ô. Duterte còn nói rằng ông tính chuyện tìm kiếm vũ khi từ Nga và Trung Quốc.”
Ô. Duterte đang theo đuổi một chính sách ngoại giao thật nguy hiểm. Rõ ràng Phi Luật Tân đang muốn hòa hoãn với Trung Quốc và tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Phi Luật Tân, tức bẻ gẫy sách lược “Xoay Trục” của Hoa Kỳ. Trong khi Việt Nam dù hòa hoãn với Trung Quốc nhưng lại hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và dùng sức mạnh của Hoa Kỳ để giữ yên Biển Đông tức không cản trở kế hoạch “Xoay Trục”. Việt Nam cũng hiểu được vì vị thế xung yếu của Biển Đông nên cũng đã hợp tác chiến lược với các đại cường như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ để cân bằng ảnh hưởng quốc tế. Xin Ô. Duterte nhớ cho, Đông Nam Á và Thái Bình Dương là “sinh mệnh” của Hoa Kỳ và là nguồn sống của Nhật Bản, Nam Hàn. Không bao giờ Hoa Kỳ để vùng này lọt vào tay bất cứ kẻ nào khác. Như đã nói trong bài trước, không một siêu cường nào có thể đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vùng Đông Nam Á mà trọng điểm là Biển Đông. Nếu Phi Luật Tân đi ngược xu thế này thì Phi Luật Tân cũng “khó sống” lắm chứ không phải chơi. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Phi Luật Tân không thể theo đuổi sách lược vừa hòa hoãn với Trung Quốc nhưng vẫn giữ mối giao hảo với Hoa Kỳ, vẫn cần sự hiện diện của Hoa Kỳ ở mức tối thiểu để bảo đảm Hoa Lục bất ngờ trở mặt và nuốt trọn Biển Đông? Do yếu tố địa lý, Việt Nam có thể trung lập, nhưng Phi Luật Tân cũng giống như Nhật Bản không thể trung lập mà cần có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ mới có thể giữ yên đất nước. Tôi không đồng ý việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào Iraq, Syria và Lybia, nhưng tôi ủng hộ và mong muốn Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông bởi vì Biển Đông là vấn đề “cá lớn nuốt cá bé” và "chà đạp luật pháp quốc tế". Đông Nam Á không thể tự vệ nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ tại đây... (California ngày 15/9/2016)

III. Thơ Hà Thúc Sinh
Nhà máy giấy Vĩnh Phú
Bảng chỉ tiêu to choán lối vào
Cổng chào đỏ thời gian muối sẫm
Cô công nhân đội nắng giữa ao
Tước võ gỗ buồn vui miệng ngậm
     Như đời người trong guồng máy đảng
     Đập, xay, lọc, khuôn bột đem phơi
     Ông cụ già ngước mắt nhìn mây trắng
     Nhớ xa xăm cúi mặt bồi hồi
Bóng cán bộ khóa bưng ý nghĩ
Những tay người bốc xếp cong cong
Ao hồ xưởng máy chiều phủ xám
Vài trăm tờ mo giấy cháo lòng
     Tựa giàn máy sau thời Điềm, Tắc*
     Người đảng viên trẻ ép lòng mơ
     Đứa em nhỏ mai thôi mù chữ
     Tiếp nối cha anh biết i tờ
Tiếng kẻng rền như tiếng khóc lớn
Người chủ nhiệm rời xưởng lên yên
Đường đê gió ngược còng lưng đạp
Áo rách thả bay mớ tờ liền
Chiều qua Thanh Hóa
Những nhịp cầu như những lưng còng
Gánh sức nặng suốt buổi chiều ảm đạm
Ngó sang sông mờ nét tiêu hao
Tây thành cũ hay là thôn bản?
     Tự hỏi mãi. Đến chưa? Chưa đến?
     Hay chỗ này Thanh Hóa ngày xưa
     Ngó lên mây bạch y thương cẩu
     Nhìn xuống dòng bóng cũ mù mưa
Thấy chị qua muốn lời thăm hỏi
Mắt ngu ngơ che nón im hơi
Nhìn em đến này em muốn hỏi
Miệng ngập ngừng rét mướt im lời
     Mưa nặng hạt vỗ buồn cố xứ
     Như tấm hình rỗ mặt trăm năm
     Tia chớp lóe tang sông một dải
     Buồn tôi nhô mồ mả đằm đằm
Quán bên đường
Nằm chui khóm lá chiếc bàn thấp
Lề đường một lũ tụm quanh nhau
Ếm sâu hơi thuốc vào gan mật
Bất giác phà ra nỗi dãi dầu
     Trung tá xích lô thầm hỏi bạn
     Chợ trời dược sĩ sao về không
     Cười như nước mắt nói như bỡn
     Nó bố trưa nay còn cái quần
Ông giáo sử mấy năm vá lốp
Đồ nghề lỉnh kỉnh nặng trên lưng
Một anh văn sĩ ngồi lê hỏi
Thời xưa phong kiến khá hơn chăng
     Gió chiều thổi tốc người nghi ngại
     Mỗi hồn hiện một nét công an
     Lá khô thôi chạy cây thôi động
     Vừa lúc đèn lên khắp Sài Gòn
.............................. .............................. .............................. ........
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: