Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 27/9/16 - Lê Minh Nguyên


Tranh chấp biển với Úc: Tòa Trọng Tài nhận đơn kiện của Đông Timor Sau khi yêu sách chủ quyền quá lố của mình bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA) ngày 12/07/2016 phán quyết là bất hợp pháp, Trung Quốc đã lớn tiếng gọi định chế pháp lý quốc tế là công công cụ của Mỹ và phương Tây. 
<!>
Thế nhưng ngày 26/09/2016, Tòa Trọng Tài La Haye đã chứng tỏ tính chất vô tư khi tuyên bố chấp nhận thụ lý đơn của quốc gia tí hon vùng Đông Nam Á là Đông Timor, kiện láng giềng khổng lồ là Úc đã chèn ép mình khi phân định lãnh hải. Và trong vụ kiện này, Tòa La Haye cũng đã bác bỏ lập luận của Canberra cho rằng Tòa Trọng Tài lâu đời nhất thế giới này không có thẩm quyền xét xử.

Vụ kiện bắt nguồn từ một hiệp ước về dầu khí mà Đông Timor và Úc đã ký kết sau khi Đông Timor giành được độc lập từ tay Indonesia năm 2002. Sau đó, Đông Timor đã yêu cầu Úc đàm phán lại vấn đề biên giới trên biển được nêu trong hiệp ước, nhưng bị Canberra bác bỏ và cho rằng phải đến năm 2056 mới có thể đàm phán lại.

Đông Timor đã đệ đơn kiện Úc trước Toà Trọng Tài Thường Trực vào tháng Tư 2016, và yêu cầu tòa phán xét theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Úc đã cực lực phản đối với lý do Tòa La Haye không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì Canberra đã ký với Đông Timor không đưa vấn đề ra trước PCA. Thế nhưng trong thông cáo ghi ngày 26/09/2016, PCA "duy trì quan điểm theo đó Tòa có thẩm quyền để tiếp tục tiến trình hòa giải" do Đông Timor khởi xướng.

Úc xứng tầm một nước thượng tôn luật pháp, không như Trung Quốc

Chính quyền Đông Timor dĩ nhiên là đã rất hoan nghênh quyết định của Tòa La Haye. Trong một thông cáo, cựu thủ tướng Xanana Gusmao, và cũng là lãnh đạo phong trào kháng chiến giành độc lập cho Đông Timor, cho rằng: "Người Timor Leste (tên chính thức của Đông Timor) vốn đã đấu tranh gian khổ để giành độc lập, sẽ không ngồi yên cho đến khi lấy lại được chủ quyền cả trên bộ lẫn trên biển".

Phản ứng của Úc ngược hẳn thái độ coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua khi lập trường bị Tòa Thường Trực bác bỏ. Theo lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Canberra "chấp nhận quyết định của ủy ban trọng tài sẽ tiếp tục dấn thân với thiện ý khi bước vào giai đoạn mới của tiến trình hòa giải". Bà Bishop nói thêm: "Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc chung với nhau để thắt chặt quan hệ và vượt qua các bất đồng về biển Timor."

Bất đồng lãnh hải Úc-Đông Timor ra sao ?

Đông Timor là một quốc gia nghèo, có vùng biển dồi dào dầu khí sát cạnh nước Úc. Sau khi giành được độc lập vào năm 2002, và tách ra khỏi Indonesia, Đông Timor đã đàm phán với Úc để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải của hai bên.

Theo phía các luật sư của Úc, Canberra đã bắt đầu trao đổi thư từ với Đông Timor ngay từ năm 2003 để giải quyết tranh chấp, và vấn đề đã có kết quả thỏa đáng với hiệp định năm 2006 mang tên "Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor" (CMATS - Certain Maritime Arrangements in the Timor Sea), bao trùm vùng mỏ khí đốt rất rộng Greater Sunrise, nằm giữa hai nước. Hiệp định này ấn định mức phân chia 50-50 từ việc khai thác các mỏ năng lượng nằm giữa Úc và Đông Timor, ước tính khoảng 36 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Tòa PCA đã cho rằng việc trao đổi thư từ giữa Canberra và Đông Timor "không phải là một thỏa thuận…vì thư từ không có ràng buộc về mặt pháp lý". Ngoài ra, theo 5 thẩm phán của PCA trong ủy ban trọng tài, tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hơn là hiệp định năm 2006.

Hơn nữa, chính phía Đông Timor cũng từng đòi hủy bỏ hiệp định CMATS sau khi tố cáo Úc sử dụng gián điệp để thu lợi thương mại trong các cuộc đàm phán năm 2004, trước khi chính thức rút lại những lời tố cáo gián điệp trước Tòa án Quốc tế của Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu 2015, sau khi Úc trả lại một số tài liệu nhạy cảm.

PCA không sợ những xung đột ngoại giao phức tạp

Việc Tòa Trọng Tài Thường Trực nhận đơn kiện của Đông Timor, bất chấp phản đối của Úc, diễn ra chỉ hơn hai tháng sau khi PCA đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vào tháng Hai 2016 đã bị Trung Quốc đả kích vì đã tuyên bố rằng Philippines có quyền đưa Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài PCA để nhờ phân xử về tranh chấp hai bên ở Biển Đông. - RFI

2.
Venezuela "bán đứng" vấn đề Biển Đông như thế nào

Vì sao phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bị chận trong thượng đỉnh phong trào Phi Liên Kết? Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc xu hướng chủ chiến tại Trung Quốc chỉ trích Singapore gây áp lực đòi Phong Trào Phi Liên Kết (NAM) đưa phán quyết của Toà Trọng Tài vào bản tuyên bố chung nhân thượng đỉnh lần thứ 17 tại Venezuela. Chuyện gì đã xảy ra? Hư thực ra sao?

Trước hết, trong bài tổng kết về thượng đỉnh các nước không liên kết tại Venezuela trong hai ngày 17 và 18/09/2016, Hoàn Cầu Thời Báo cho là phái đoàn Singapore đã gây sức ép, buộc hội nghị phải đưa phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, vào văn kiện làm cơ sở cho tổ chức hoạt động trong ba năm tới. Đại diện của Singapore còn dùng lời lẽ nặng nề để công kích những thành viên chống lại ý định đưa phán quyết La Haye vào hồ sơ Biển Đông.

Theo trang mạng The Straites Times của Singapore ngày 27/09/2016, đại sứ Singapore tại Bắc Kinh đã cực lực phản đối cáo buộc của Hoàn Cầu Thời Báo và yêu cầu tờ báo này phải đăng cải chính "thông tin dối trá". Đề nghị này không được đáp ứng.

Qua phóng viên của The Straites Times và đại sứ Singapore tại Bắc Kinh, độc giả biết rõ một số sự kiện mà dường như Hoàn Cầu Thời Báo không muốn cho công luận Trung Quốc am tường:

Một là chính nước Lào, với tư cách chủ tịch luân lưu của ASEAN, từ tháng 7, đã thông báo với Iran, chủ tịch Các Nước Phi Liên Kết về nhu cầu "cập nhật hóa" tình hình Biển Đông nhân thượng đỉnh vào tháng 9 tại Venezuela. Hồ sơ Biển Đông được ASEAN chuẩn bị từ hai tháng trước chứ không phải hấp tấp đưa ra vào giờ chót như báo đảng Trung Quốc cáo buộc.

Điểm thứ hai là khi Venezuela thay Iran làm chủ tịch, thì Caracas từ chối yêu cầu của ASEAN ghi thêm phán quyết La Haye vào chương Biển Đông.

Điểm thứ ba, là từ khi Biển Đông được đưa vào hồ sơ Đông Nam Á vào năm 1992, mỗi lần họp thượng đỉnh Phi Liên Kết, hồ sơ Biển Đông bao giờ cũng được "cập nhật hóa", trừ lần này.

Trước lập trường của Venezuela, xem thường quyền lợi của các thành viên ASEAN, trưởng đoàn Lào Kham-Inh Khitchadeth đã tỏ thái độ "thất vọng". Ông nhấn mạnh, Biển Đông là vấn đề  "sinh tử của hoà bình, ổn định, an ninh và hợp tác của Đông Nam Á".

Câu hỏi đặt ra là vì sao Venezuela bất chấp quyền lợi của các thành viên Đông Nam Á trong nhóm Phi Liên Kết? Vì sao cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc không đưa tin đa chiều? Và vì sao không đăng bài phản bác của đại sứ Singapore cho người Trung Quốc suy xét ?

Theo Tân Hoa Xã, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09, ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ gia tăng hợp tác giúp Venezuela đối phó với khủng hoảng kinh tế. Caracas được Bắc Kinh cho vay 50 tỷ đôla, trả nợ bằng dầu hỏa. Đầu năm 2015, tổng thống Nicolas Maduro bay sang Bắc kinh cầu cứu và xin triển hạn thời gian trả nợ. - RFI

3.
Bắc Kinh quyết thống trị Biển Đông để lập cấm địa cho tàu ngầm --- Singapore cáo buộc Trung Quốc dựng chuyện về biển Đông

Diễn văn mới nhất của tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chứa đựng một lời công kích nhắm vào các hành động hung hăng của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa « một vài mỏm đá và rạn san hô » ở Biển Đông. Đối với tổng thống Mỹ : « Một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên pháp luật sẽ mang lại một sự ổn định lớn hơn nhiều ».

Trên nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 24/09/2016, nhà nghiên cứu lão luyện Nayan Chanda, tác giả tập biên khảo nổi tiếng Anh em thù địch – Brother Enemy – viết về tình hình Đông Dương sau ngày 30/04/1975, xuất bản năm 1986 – đã cho rằng : nếu mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc là làm chủ Biển Đông, thì việc xây dựng sân bay và triển khai tên lửa trên các hòn đảo mới bồi đắp chỉ là điều rất nhỏ.

Thống trị Biển Đông là bước đầu cần yếu để trở thành cường quốc biển

Trong thực tế, theo chuyên gia người Ấn Độ này, giới lãnh đạo Bắc Kinh có một mục tiêu chiến lược bao quát hơn nhiều, một điều mà tổng thống Obama không thể công khai nói đến : Đó là thiết lập quyền thống trị trên Biển Đông, một chặng thiết yếu đầu tiên của Trung Quốc trên bước đường thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển khơi, một điều mà chắc hẳn Washington không hỗ trợ.

Khi tuyên bố rằng Biển Đông là « lợi ích cốt lõi » của họ, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng, loại trừ hẳn khả năng thỏa hiệp hoặc đàm phán trên vấn đề này, Bắc Kinh đã nhấn mạnh giá trị chiến lược mà họ gắn cho Biển Đông.

Trên bề mặt, tuyên bố về lợi ích cốt lõi này có vẻ kỳ lạ bởi vì, ngoài việc đòi hỏi quyền sở hữu một cách mơ hồ, nhân danh chủ quyền lịch sử, trên một vùng biển rộng lớn, dồi dào tài nguyên dầu mỏ và ngư nghiệp (một đòi hỏi đã bị một tòa án quốc tế phủ nhận), Trung Quốc đã không hề cho thấy rõ ràng là họ tìm kiếm gì tại vùng biển nước nông là Biển Đông.

Dùng cả thủ đoạn ngoại giao lẫn võ lực để cản trở Việt Nam

Một số lợi ích của Trung Quốc trong vùng biển rất hiển nhiên : Bắc Kinh đã cho khoan dò dầu khí ở vùng Biển Đông, đã tìm cách lôi kéo các tập đoàn dầu mỏ nước ngoài bằng cách giao thầu khai thác, trong lúc lại dùng các thủ đoạn ngoại giao và cả sức mạnh cụ thể để cản trở không cho các nước khác, ví dụ như Việt Nam, thăm dò.

Trung Quốc cũng đã đơn phương cấm đánh bắt cá trong vùng biển của các láng giềng vào một số thời điểm nhất định trong năm, và gần đây còn đòi ngư dân từ các nước khác phải xin phép trước khi vào Biển Đông đánh bắt. Trung Quốc đã mở rộng đáng kể đội tàu tuần duyên của họ, trang bị vũ khí mạnh cho các chiếc tàu này, đồng thời khuyến khích đội tàu đánh cá của họ tích cực đến hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng.

Mỹ và nhiều nước khác đã phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bị cho là có tác dụng cản trở quyền tự do hàng hải, điều mà Bắc Kinh đã mạnh mẽ phủ nhận. Thật vậy, việc hạn chế sự tự do hàng hải sẽ đi ngược với lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Dẫu sao thì 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông, chưa kể đến khối xuất khẩu khổng lồ của nước này.

Thế nhưng, điều mà Trung Quốc thực sự muốn làm là ngăn chặn các hoạt động do thám của tầu thuyền và phi cơ Mỹ trên Biển Đông. Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tàu và máy bay nước ngoài được phép đi qua vô hại vùng đặc quyền kinh tế mở rộng của một nước khác.

Độc chiếm Biển Đông để tạo nên vùng cấm Hải Quân ngoại quốc

Tuy nhiên, từ năm 2001 – sau vụ một chiếc phi cơ Trung Quốc bị rơi sau khi cố gắng cản đường một máy bay do thám Mỹ ở phía nam đảo Hải Nam - đã liên tiếp xẩy ra một số sự cố, với việc quân đội Trung Quốc quấy nhiễu tàu hải quân và nghiên cứu hải dương học của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Trong bối cảnh đó, tại sao Trung Quốc lại cố sức thiết lập quyền thống trị trong khu vực Biển Đông ?

Các chuyên gia nghiên cứu lãnh vực lập kế hoạch và triển khai lực lượng quân sự đã kết luận rằng điều mà Bắc Kinh muốn là tạo ra một vùng cấm hải quân ngoại quốc để bảo vệ lực lượng tàu ngầm còn non trẻ của Trung Quốc.

Trong hai thập niên qua, họ đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm được bảo vệ chặt chẽ ở Tam Á, nằm sâu dưới các tảng đá trên đảo Hải Nam. Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc triển khai tàu ngầm có vũ khí hạt nhân của họ từ Tam Á ra vùng biển khơi ngoài Thái Bình Dương chính là vùng nước nông của Biển Đông.

Do việc tàu ngầm Trung Quốc vẫn rất « ồn », hành trình đi về phía tây của họ sẽ bị phát hiện. Hiện nay, để tránh bị dò tìm, tầu ngầm Trung Quốc chỉ có thể sử dụng một con kênh nước sâu mang tên Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines, ở độ sâu 4.000 mét. Thế nhưng nơi này gần như là liên tục nằm trong tầm giám sát của Mỹ và Hải Quân các nước khác. Khi bố trí chiến đấu cơ và tên lửa tầm ngắn trên chuỗi đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gây khó khăn cho đối thủ trong công việc giám sát, đồng thời tăng cường khả năng gây nguy hiểm cho kẻ thù.

Mỹ phản ứng yếu ớt trong lúc Trung Quốc hùng hổ lấn tới

Mỹ tất nhiên, đã cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển bị Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi pháp. Trong thực tế, các động thái mang tính biểu tượng như vậy đã trở nên thưa thớt tạo nên sự hoài nghi về quyết tâm của Mỹ trong việc thách thức các yêu sách của Trung Quốc.

Trong khi đó thì Bắc Kinh đang dần tăng cường sức mạnh hải quân của họ, gia tăng số tàu ngầm hạt nhân, và cử chiến hạm ra tận Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thỏa thuận gần đây với Djibouti đã cung cấp cho Trung Quốc một căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại, nơi hải quân Trung Quốc có thể đưa tàu vào trú ẩn và nhận tiếp tế.

Các « mỏm đá và rạn san hô » được quân sự hóa có thể có hậu quả nghiêm trọng hơn là những gì tổng thống Mỹ Obama đã nêu lên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. - RFI

***
Đại sứ Singapore ở Bắc Kinh hôm nay cáo buộc một tờ báo lớn của chính phủ Trung Quốc đã dựng lên một câu chuyện về vị thế của Singapore ở biển Đông nhưng tờ báo này khăng khăng cho mình là đúng.

Theo Reuters, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, dẫn chứng một nguồn tin vô danh, nói Singapore đã đưa vấn đề hải lộ gây tranh cãi ra trước một hội nghị thượng định của Phong Trào Không Liên Kết ở Venezuela hôm 21/9 và cũng đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài quốc tế với những tuyên bố có lợi cho Philippines trong vụ nước này kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông.

Trong một bức thư gửi tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Đại sứ Singapore Stanley Loh nói rằng những hành động và những ngôn từ viết về Singapore trong bài báo là “không đúng và không có cơ sở.” Ông Loh nói phái đoàn của Singapore không hề đưa vấn đề biển Đông hay phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ra hội nghị này như tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã viết. Ông bày tỏ sự thất vọng đối với một tờ báo có tiếng của Trung Quốc mà lại đăng một bài báo ‘vô trách nhiệm’ với những cáo buộc không có cơ sở và không trung thực.

Tổng biên tập của tờ báo, Hu Xijin, trong một tuyên bố đăng trên microblog của tờ báo, nói ông giữ lập trường ủng hộ bài báo và cho biết nguồn tin mà họ có là “nghiêm túc và đáng tin cậy” và bài báo là chính xác.

Mặc dù không phải là một nước có tranh chấp trên biển Đông, nhưng Singapore đã luôn đứng về phía Việt Nam và Philippines, nước này còn cho phép các máy bay của không lực của Mỹ dùng Singapore làm căn cứ chính, điều mà ông Hu nói “ai cũng biết nó nhắm tới Trung Quốc.”

Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trực tiếp bình luận về cuộc tranh cãi giữa Singapore và tờ Hoàn Cầu Thời Báo và người phát ngôn của bộ này nói 2 nước nên hiểu và tôn trọng các quyền lợi cốt lõi của nhau.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông nơi có tuyến hải lộ thương mại thiết yếu trị giá 5 tỷ đô la hàng năm. Ngoài Việt Nam và Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền một phần trên vùng biển này.

Tháng 7 vừa qua, tòa trọng tài quốc tế ở La Haye đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc trên tuyến hải lộ này trong vụ kiện của Philippines. Trung Quốc vẫn duy trì lập trường là không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. - VOA

Tin Hoa Kỳ
4.
Bầu cử Mỹ: Ai thắng, ai thua cuộc tranh luận? --- Các ứng cử viên bất đồng về các liên minh quân sự của Mỹ

Sau khi hai ứng cử viên của hai đảng chính rời sân khấu, tranh luận vẫn tiếp tục ở Đại học Hofstra, nơi tổ chức cuộc tranh luận tổng thống 2016 thứ nhất. Các chuyên gia lẫn các sinh viên bàn cãi về ứng cử viên nào đã giành phần thắng, và ứng cử viên nào thua.

Tại trường đại học Hofstra ở Hempstead, bang New York, sinh viên và các nhà bình luận săm soi từng chữ, từng cử chỉ một của hai nhân vật đã được hai chính đảng lớn nhất của Mỹ đề cử ra tranh chức tổng thống, trong cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống 2016 lần thứ nhất.

Khi cuộc tranh luận chính thức hạ màn, cuộc đua để giành phần thắng vẫn tiếp diễn.

Ông Mark Cuban, một doanh nhân tỉ phú, đồng thời là chiến lược gia ủng hộ bà Clinton, nhận xét:

"Trả lời của bà Clinton có chiều sâu. Bà không hề ngập ngừng. Ông Trump là người ở thế thủ, và giống như những người ở thế thủ như vậy, khi tung ra đòn mà đánh hụt thì sẽ đâm ra bực dọc, và càng tăng sức ép hơn nữa."

Ông David Plouffe, một chiến lược gia về chính trị thuộc đảng Dân chủ, nhận xét:

"Theo tôi thì giữa lúc cuộc tranh luận kéo dài, ông Trump bị phân tán và gặp khó khăn để tìm cách lấy lại sự tập trung. Ý tôi muốn nói là có những lúc chúng ta khó nắm bắt nội dung của những gì ông thực sự muốn nói."

Ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng New York và là một người ủng hộ ông Trump, nhận định:

"Bà ấy đúng là một người giả dối. Bà là một ngoại trưởng thất bại. Điều mà bà ấy muốn phô diễn tối hôm nay là một sự thiếu hiểu biết khó tin về kinh tế. Làm sao có thể duy trì việc làm ở trong nước khi tăng thuế đánh vào doanh nghiệp? Có doanh nghiệp nào muốn bị tăng thuế không?"

Nhưng có lẽ lời tán dương tài tranh luận của ông Donald Trump chính là lời ông tự ca ngợi mình:

"Căn cứ vào kết quả các cuộc thăm dò trên Internet, chúng tôi đạt thành tích vô cùng lớn. Tôi rất hài lòng là đã không đưa ra những phát biểu về những hành động thiếu thận trọng của ông Bill Clinton, bởi vì tôi rất tôn trọng Chelsea Clinton và không muốn nói ra những gì tôi đã định nói và đã chuẩn bị sẵn sàng để nói."

Bên ngoài hội trường chính, nhiều sinh viên theo dõi cuộc tranh luận cũng bàn luận sôi nổi không kém gì giới bình luận gia.

Brandon Lebowitz, sinh viên trường Hofstra, nói:

"Ông Trump là một diễn giả xuất sắc. Nhiều người đánh giá sai khả năng diễn thuyết của ông, và cách ông truyền đạt thông điệp. Hãy nhớ là ông ấy đã làm việc với hàng ngàn công nhân trên khắp nước. Ông ấy đã làm việc với các công nhân xây dựng, và đã tự thân tiến lên hàng đầu trong lãnh vực tài chánh, và trong rất nhiều lãnh vực khác."

Với các sinh viên Hofstra, cuộc tranh luận ở trường sẽ vẫn tiếp tục. - VOA

Các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton và Donald Trump tái khẳng định những quan điểm tương phản mạnh mẽ về vấn đề hỗ trợ quân sự cho các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, đặc biệt cho Nhật Bản và Hàn Quốc, trong cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp hôm thứ Hai.

Bà Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ, đã chỉ trích những tuyên bố của ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump trước đây nói ông có thể rút quân khỏi châu Á trừ khi các đồng minh châu Á đáp trả một cách công bằng hơn cho Hoa Kỳ để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ.

Bà Clinton nói: “Ông Trump một mực nói rằng ông ấy không quan tâm đến chuyện các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân hay không, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí cả Ả Rập Xê-út”.

Ông Trump phản bác rằng đối thủ của ông, bà Hillary Clinton đã bóp méo lập trường của ông về việc thương thuyết một thỏa thuận để Mỹ được bù đắp công bằng hơn về những sự hỗ trợ về an ninh cho các nước khác.

Ông nói: “Tôi chỉ nói là họ có thể phải tự bảo vệ lấy chính họ, hoặc họ phải giúp chúng ta. Chúng ta là một đất nước đang thiếu nợ tới 20 nghìn tỷ đôla, họ phải giúp chúng ta.”

Ông Trump trước đây chỉ ra rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đã hưởng gần như miễn phí hoặc trả cho Washington một khoản tiền không đáng kể để đổi lấy sự hiện diện của 50.000 binh sĩ Mỹ trú đóng tại Nhật Bản, và 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc để duy trì hòa bình và an ninh khu vực. 

Nếu Tokyo và Seoul từ chối yêu cầu đòi tăng số tiền bù đắp cho Washington để giúp duy trì an ninh, ông Trump nói ông sẽ cân nhắc việc rút quân ra khỏi khu vực và để cho các đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương tự gánh vác lấy trách nhiệm thủ đắc khả năng răn đe hạt nhân của chính họ. - VOA

Tin Việt Nam
5.
WHO: VN trong số các nước ô nhiễm không khí nhất thế giới

Một phúc trình mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng hơn 90% dân số thế giới bị phơi nhiễm tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ra những vấn đề về sức khỏe.

Số liệu mới được cơ quan giám sát y tế Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Ba cho thấy tình trạng phổ biến nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên khi phát hiện chất lượng không khí ở các khu vực nông thôn cũng rất tệ.

“Tình trạng tệ hại tới mức tất cả chúng ta phải vô cùng quan tâm”, bà Maria Neira, Giám đốc Sở y tế công và môi trường của WHO cho biết. “Đây là trường hợp khẩn cấp về y tế công. Hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là điều cần làm trong thời gian sớm nhất”.

WHO ước tính hơn 92% người dân trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm không khí, và không khí không đạt tiêu chuẩn đã góp phần gây tử vong cho hơn 6 triệu người mỗi năm. Hầu hết các ca tử vong, ước lượng khoảng 90%, xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Những số liệu vừa kể là kết quả của các cuộc xét nghiệm, đo những hạt li ti, rất nguy hiểm trong không khí, thực hiện tại khoảng 3.000 địa điểm trên toàn thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới từ chối, không công khai nêu danh nước nào có kỷ lục ô nhiễm tồi tệ nhất. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam, có mức độ ô nhiễm cao nhất. - VOA

6.
Bộ trưởng Quách Thanh Côn hội đàm ở VN

Ủy viên Quốc vụ của chính phủ Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Công an, ông Quách Thanh Côn đã hội đàm với người tương nhiệm Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm để thúc đẩy 'hợp tác ngày càng hiệu quả', theo truyền thông từ Hà Nội.

Trong ngày 26/09, ông Quách cũng đến trụ sở Chính phủ và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp.

Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam viết, "phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quách Thanh Côn".

"Thủ tướng phấn khởi trước kết quả chuyến thăm này, kết quả hội đàm thành công giữa Bộ Công an hai nước."

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng:

"Chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Công an hai nước hợp tác ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước."

Các lĩnh vực tăng cường hợp tác gồm có "trao đổi thông tin, kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm công nghệ cao, tội phạm lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phá hoại an ninh nội địa của mỗi nước".

Báo Việt Nam trích lời Thượng tướng Tô Lâm "chúc quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".

Được biết tháng 10/2015 ông Quách Thanh Côn đã đón ông Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Công an Việt Nam, sang thăm Bắc Kinh.

Tuần này, ở cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang đã tiếp ông Quách Thanh Côn ở Hà Nội.

Các trang chính thức ở Trung Quốc cho hay ông Quách Thanh Côn, dân tộc Hán, sinh năm 1954 ở tỉnh Giang Tây, tốt nghiệp kỹ sư luyện kim và đi lên từ ngành công nghiệp nhôm.

Sau đó, ông sang làm cán bộ Đảng Cộng sản và nắm các chức vụ tại Quảng Tây, tỉnh giáp biên với Việt Nam.

Năm 2012 ông lên làm Bộ trưởng Công an và một năm sau lên làm Ủy viên Quốc vụ, một chức cao hơn bộ trưởng và chỉ dưới Phó Thủ tướng.

Từ 2013, ông Quách Thanh Côn cũng phụ trách mảng 'chống khủng bố' và an ninh mạng tại Trung Quốc.

Ở cương vị này, ông đã thường xuyên có các chuyến đi sang châu Âu và Hoa Kỳ bàn thảo về an ninh mạng.

Hồi tháng 4/2015 ông Quách đã có chuyến thăm hai ngày sang Việt Nam và được TBT Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo cao cấp Việt Nam đón tiếp, theo Tân Hoa Xã. - BBC

7.
Thăm Việt Nam, tổng thống Philipines sẵn sàng thảo luận về Biển Đông --- Tổng thống Philippines muốn xích gần Nga và Trung Quốc

Ngày mai, 28/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến công du chính thức đầu tiên, kéo dài 2 ngày, ở Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập bang giao. Trong chuyến đi này, tổng thống Philippines sẵn sàng thảo luận vấn đề Biển Đông với các lãnh đạo Việt Nam.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose hôm thứ hai (26/09/2016) cho biết là theo lịch trình dự kiến, tổng thống Duterte sẽ hội kiến chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 29/09 và cũng sẽ đến chào xã giao hai lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo lời phát ngôn viên, lãnh đạo hai nước dự trù thảo luận về hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, thực thi pháp luật và quốc phòng, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường trao đổi về nông nghiệp và ngư nghiệp. Hai bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Charles Jose nói rằng tổng thống Duterte sẵn sàng thảo luận về tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong chuyến viếng thăm Việt Nam. Nhưng theo ông, cuộc thảo luận về hồ sơ này "phải được đặt trong bối cảnh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực".

Ông Jose cũng thận trọng nói thêm, lập trường của Manila về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện Biển Đông, với nội dung có lợi cho Philippines, "phải được đặt trong bối cảnh tái khẳng định cam kết của chúng ta về một giải pháp hòa bình và thượng tôn pháp luật".

Trong thời gian viếng thăm Việt Nam, tổng thống Duterte sẽ gặp gỡ cộng đồng người Philippines ở Việt Nam tại một khách sạn ở Hà Nội. Hiện có khoảng 3800 người Philippines sống và làm việc ở đây. Hà Nội và Manila đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/07/1976. - RFI

***
Hôm qua, 26/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ý định công du Trung Quốc và Nga trong thời gian sắp tới. Mục đích của chuyến đi là nhằm phát triển một nền ngoại giao độc lập, thoát khỏi sự bảo hộ của Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm mà theo ông Duterte mối quan hệ song phương hiện nay đã vượt qua "ngưỡng không lùi lại được".

Trước báo giới, ông Rodrigo Duterte phát biểu: "Tôi thật sự không muốn cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ nhưng tôi sẽ lập thêm liên minh mới với Trung Quốc và ông Medvedev (thủ tướng Nga) đang chờ chuyến thăm của tôi". Ông nói tiếp: "Tôi đang trên đường vượt qua lằn ranh giới hạn trong quan hệ giữa tôi và Hoa Kỳ. Đây là điểm quyết định, không lùi lại được".

Các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Philippines sẽ vẫn được tiến hành trong khoảng 15 ngày đầu tháng 10/2016. Hôm qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Manila thông báo hai máy bay vận tải C130 và khoảng một trăm quân nhân sẽ được triển khai trong vòng hai tuần tại một căn cứ ở trung tâm quần đảo, liên kết với Washington từ năm 1951 thông qua một thỏa thuận quốc phòng.

Vào tuần trước, nguyên thủ Philippines thể hiện mong muốn sớm công du Bắc Kinh và hy vọng sẽ thường xuyên đến Trung Quốc cho dù hai bên có tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông.

Tháng 07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã đưa ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về những yêu sách của Trung Quốc trong vùng giầu nguồn hải sản và cho rằng những đòi hỏi của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. - RFI

Không có nhận xét nào: