VIỆT NAM - Theo một báo cáo do bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam công bố thì từ 2011 đến 2015, “sai phạm kinh tế” đã gây thiệt hại cho công quỹ 208,540 tỷ đồng, tương đương 9.3 tỷ Mỹ kim.
Một bữa ăn của người bị bệnh tâm thần ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo nơi này ăn chặn khoảng 800 triệu tiền mua thực phẩm, quần áo, vật dụng cho người bất hạnh nhưng công an đã “tạm đình chỉ điều tra” vụ này. (Hình: Lan Dam)<!->
Trong bốn năm từ 2011 đến 2015, Thanh tra của chính phủ Việt Nam đã thực hiện khoảng 800,000 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát giác nhiều ngành, nhiều địa phương có hàng loạt “sai phạm kinh tế,” gây ra thiệt hại như vừa kể.
Thanh tra của chính phủ Việt Nam đã kiến nghị thu hồi khoảng 120,000 tỷ đồng, 19,230 héc ta đất. Đồng thời “đề nghị kỷ luật” 6,460 cơ quan, 22,700 cá nhân.
Điểm đáng ngạc nhiên là dù các “sai phạm kinh tế” vi phạm pháp luật gây thiệt hại trầm trọng, đồng thời những vi phạm pháp luật đó đem lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, các nhóm nhưng lại không bị xem là tham nhũng.
Trong bốn năm vừa qua, Thanh tra của chính phủ Việt Nam chỉ chuyển cho Công an Việt Nam 297 bộ hộ sơ, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của 355 người trên 22,700 cá nhân có “sai phạm kinh tế.”
Những số liệu, thông tin mà bộ trưởng Nội Vụ của Việt Nam công bố khiến người ta hiểu hơn rằng tại sao nhiều ngành như công an, hải quan,... nhiều địa phương như Hà Nội, Sài Gòn,... thản nhiên tuyên bố không tìm thấy... tham nhũng!
Cuối tháng trước, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố kết quả cuộc khảo sát thường niên về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI). Theo đó thì trong năm vừa qua, CPI của Việt Nam vẫn là 31/100 (CPI dao động từ 0 đến 100 và 0 là cao nhất còn 100 là thấp nhất) và thứ hạng của Việt Nam về nỗ lực chống tham nhũng vẫn là 112/168 quốc gia.
Tuy giới lãnh đạo Việt Nam liên tục thề thốt, hứa hẹn gia tăng nỗ lực chống tham nhũng bởi đó là quốc nạn nhưng trong bốn năm từ 2012 đến 2015, CPI của Việt Nam vẫn là 31/100.
Cần lưu ý rằng, cả các tổ chức tài chính quốc tế lẫn giới chuyên gia từng liên tục khẳng định, chỉ cần CPI tăng 1 điểm thì GDP sẽ tăng 0.4% bởi hệ thống công quyền ít tham nhũng hơn thì năng lực sản xuất của xã hội sẽ tăng cao hơn.
Khi CPI của Việt Nam không thay đổi, điều đó đồng nghĩa với tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn rất trầm trọng. Cái gọi là “quyết tâm, nỗ lực chống tham nhũng” của hệ thống công quyền chỉ là chuyện “đầu môi, chót lưỡi” và dân chúng Việt Nam không hề tin vào những lời thề thốt, hứa hẹn của giới lãnh đạo Việt Nam.
Chưa kể nếu tham nhũng là tệ nạn phổ biến, cả dân chúng lẫn doanh giới sẽ cảm thấy bất an và bất bình, kế đó các giới sẽ tìm mọi cách né tránh nghĩa vụ đóng góp để phát triển xã hội, quốc gia. Khi điều này xảy ra, ngân sách sẽ sụt giảm, hiệu quả chống tham nhũng giảm theo và tạo thành một vòng xoáy, kéo mọi thứ đi xuống.
Một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã từng ước tính, GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 200 tỷ Mỹ kim. Chỉ cần chính quyền Việt Nam thực tâm chống và chống được một phần tệ nạn tham nhũng để CPI tăng thêm một điểm thì mỗi năm, ngân sách Việt Nam sẽ có thêm 0.8 tỷ Mỹ kim (khoảng 16,000 tỷ đồng). Tuy nhiên dưới “sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng CSVN,” mong mỏi hết sức khiêm tốn này vẫn là điều không tưởng! (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét