Năm mới 2016 Bính Thân âm lịch, tôi lại viết ba điều bốn chuyện lăng nhăng về con vật của năm. Tài liệu về con khỉ có sẵn trên Internet nhiều lắm, tôi tha hồ lượm lặt, góp nhặt và chí choé viết để bị nghe mắng "Khỉ khọn! Khỉ khô! Đồ khỉ gió!" Huề! Tưởng gì lạ, vụ bị mắng "khỉ khọn" này thì hồi nhỏ tôi nghe hoài và quen rồi; nghe xong thấy vui, nhe răng cười giống… khỉ!
<!->
Moi móc lục tài liệu của hai ông Gú Gồ (Google) và Quý Kỳ (Wikipedia), tôi mới biết trên thế giới có hơn 260 loại khỉ khác nhau. Nhiều dữ thần! Làm sao tôi biết hết và đặt tên Việt cho hết đây? Còn tên khoa học của nó bằng chữ La Tinh thì tôi chịu thua, không thể nào nhớ nổi. Khỉ mốc họ! Từ trước tới giờ tôi cứ tưởng khỉ có cỡ chừng mươi loài là cùng, kể cả "khỉ lửa".
Nghĩ lại sao tôi dốt môn vạn vật tệ ôn. Mỗi khi nghe ai nói "Con khỉ mốc họ!" tôi cứ tưởng "con khỉ mốc" là một con vật hoang đường, nào ngờ trên đời có con khỉ mốc thiệt. Bạn đọc tiếp sẽ thấy. Tôi biết là loài người và loài khỉ đều cùng thuộc bộ linh trưởng (primates). Nhưng trước đây tôi chỉ hiểu hai chữ "linh trưởng" rất mù mờ đại khái; nói trắng ra là tôi chỉ đoán mò. Bây giờ tôi đọc thấy Bách khoa từ điển mở giải nghĩa như sau:
Linh trưởng là gì?
"Bộ Linh trưởng" là từ ngữ phiên âm Hán Việt của 灵长目 (linh trưởng mục), trong đó chữ "linh" 灵 có nghĩa là tinh anh, lanh lẹ. Chữ "trưởng"长 có nghĩa là đứng đầu, hàng thứ nhất, có tài.
Như vậy nghĩa của hai chữ "linh trưởng" ở đây chỉ các động vật có độ tinh anh (trí tuệ) cao hàng đầu trong tất cả các loài động vật, là người ta chớ ai trồng khoai đất này, kế đến là các loài khỉ. "Linh trưởng" có thể hiểu thêm một nghĩa khác nữa là Ngón tay cái linh động, chỉ nhóm động vật có ngón tay cái có thể cử động linh hoạt, "bàn tay năm ngón kiêu sa".
Trong Anh ngữ, "linh trưởng" là chữ dịch tương ứng với chữ Primate (số nhiều primates). Trước kia, Primates còn được gọi là bộ Khỉ. Chữ này bắt nguồn từ gốc La Tinh primas, primus có nghĩa là nhất, đứng đầu, cao cấp. (Thảo nào thủ tướng gọi là prime minister, là ông bộ trưởng đứng đầu chỉ huy mấy bộ trưởng kia).
Ngày nay, bộ linh trưởng được chia thành hai phân nhánh là Strepsirrhini và Haplorhini. Trong nhánh Haplorhini có họ người (Hominidae = khỉ dạng người), và loài người (Homo sapiens). Trừ con người sống trên các lục địa trên trái đất, hầu hết loài linh trưởng sống trong các vùng rừng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Trọng lượng của linh trưởng từ con nhẹ nhứt là vượn cáo chuột Berthe nặng chỉ 30 gram cho tới khỉ đột núi (mountain gorilla) nặng tới 200 kilogram (440 lb).
Đó là lý do tại sao mấy gã cận vệ vai u thịt bắp, tướng tá to đùng, đi đứng khệnh khạng, mặt mày bặm trợn, lúc nào cũng mang kính đen, thường được gán cho nặc danh là khỉ đột. Tôi nhớ hồi thời những năm 1960 ở Sài Gòn tôi có xem phim Pháp Le Gorille vous salue bienthuộc loại gián điệp với tài tử Lino Ventura đóng vai "le Gorille", biệt danh của một nhân viên mật vụ của sở cảnh sát Pháp. Thảo nào người ta đặt tựa Việt ngữ cho phim này là Khỉ đột xin chào. Các bạn hãy nhớ nhá; khỉ nhỏ mới đùa nghịch chứ khỉ đột hay nổi quạu lắm. Còn con người do có gốc khỉ cho nên vẫn còn hay làm trò khỉ.
Hình 1: Cây gia đình linh trưởng
Bức hình vẽ cây gia đình linh trưởng trên đây cho thấy thứ tự các loài có mặt trên quả địa cầu, từ xa xưa nhất đến hiện tại. Xưa nhất (hơn 60 triệu năm) là con cù lần, còn được gọi là cu li (loris), kế đến là khỉ đuôi sóc (marmoset), khỉ đuôi dài (macaque), vượn (gibbon), đười ươi (orang-utan), khỉ đột (gorilla), tinh tinh (chimpanzee), xuất hiện sau cùng là loài người, tính sơ sơ cũng hơn hai trăm ngàn năm trước rồi.
Bức hình cũng cho thấy có sự phân loại Monkeys và Apes (hãy tạm gọi là "Khỉ" và Hầu"), Lesser Apes và Great Apes (Tiểu Hầu và Đại Hầu). Tiếng Anh có hai từ ngữ riêng để chỉ các loại linh trưởng, thật tiện. Sự khác biệt rõ rệt nhất là "monkey" nhỏ, có đuôi, còn "ape" to xác hơn, không có đuôi, có nhiều đặc tính giống người hơn. Họ còn có chữ "nonhuman primates" để chỉ loài linh trưởng không phải người. Con người dùng "linh trưởng không phải người" làm con vật thí nghiệm để tìm ra phương cách phòng bệnh và chữa bệnh cho con người sống lâu hơn. Con người khôn ngoan chúa tể cho nên mới tự đặt cho mình cái tên khoa học là "homo sapiens", nghĩa đen tiếng La Tinh là người khôn ngoan hiểu biết.
Chúng ta hãy xem những "linh trưởng không phải người" trong hình trên đây là những con nào nhá. Tôi lượm lặt góp nhặt tài liệu tổng quát để quý bạn cùng thích khỉ khọn đọc chơi giải trí trong năm mới.
1. Loris (con cù lần)
Hình 2: Loris (Cù lần)
Cù lần, loại linh trưởng có mặt sớm nhất trên quả địa cầu, là loài thú ăn đêm, di chuyển rất chậm chạp, mắt thật to để có thể nhìn xuyên thấu đêm tối mịt mù của rừng sâu. Mắt cù lần rất nhạy cảm với nắng chói nên ban ngày chúng ngủ phải gục đầu giấu mặt. Chỉ cần một chút ánh sáng ban đêm phát ra từ các loài sâu phát sáng hay đom đóm cũng đủ đễ đôi mắt của cù lần khuếch đại nhìn rõ mọi vật. Với khả năng thiên bẩm này, họ hàng nhà cù lần có thể di chuyển trên cây dễ dàng trong đêm tối. Con người đã khảo cứu đặc tính nhìn xuyên bóng tối của cù lần để chế tạo ra các thiết bị quang học.
Quan niệm dân gian cho rằng loài cù lần ít khi ngẩng mặt lúc ban ngày vì chúng nhút nhát mắc cỡ. Nhưng thật ra dưới góc nhìn khoa học thì đôi mắt to của chúng hữu dụng trong bóng tối nhưng là một trở ngại giữa ánh sáng chói lọi ban ngày. Nếu nhìn ánh sáng có cường độ mạnh, mắt chúng có thể bị tai hại dẫn đến mù lòa. Nhằm bảo vệ đôi mắt cách tốt nhất là chúng hạn chế để ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt. Chúng thường giấu mắt vào phần trong cơ thể bằng cách cuộn tròn và tìm những nơi tối ít ánh sáng để ngủ ngày.
Chúng sống ở các khu rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, tán cây dầy phía Nam và Đông Nam Á, được tìm thấy ở các quốc gia như Nam Dương, Mã Lai Á, Miến Điện, Việt Nam và Cao Miên. Chúng có đặc điểm mắt to màu nâu đỏ vàng, dọc sống lưng màu xám tro loang lỗ. Thức ăn của chúng thường là hoa quả rừng và lá non hay các loại côn trùng. Mùa sinh sản là vào các tháng 10, 11, 12. Tuổi thọ từ 12 đến 16 năm.
Do chúng trông ngộ nghĩnh, nhút nhát, chậm chạp hiền từ và nhất là ăn ít ngủ nhiều dễ nuôi nên chúng được nhiều người ưa chuộng làm thú cảnh. Từ hơn nửa thế kỷ trước vào thập niên 1960 người ta đã thấy dân tộc K'Ho ở Lâm Đồng Đà Lạt lúc bấy giờ vào rừng "nhặt" con Cù Lần có đôi mắt đẹp dễ thương nhất thế gian đem về nuôi hoặc bán cho du khách phương xa. Ngoài ra người K'Ho cũng dùng thân cây Cù Lần để đẽo gọt thành hình tượng con Cù Lần mang ra Hồ Xuân Hương bán cho du khách.
Đà Lạt có một khu du lịch mới lập mang tên là Làng Cù Lần. "Làng" này cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù 20 km, đi theo hướng suối Vàng suối Bạc (tỉnh lộ 622) hay còn gọi là đường Đông Trường Sơn, ngang qua những mặt hồ mênh mông, xuyên qua những rừng thông bất tận. Khu du lịch Làng Cù Lần tọa lạc trên địa giới thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Bây giờ nếu bị ai mắng là "Đồ cù lần!", tôi sẽ cười thích chí vì mình chậm chạp lờ khờ như con cù lần thiệt.
2. Khỉ đuôi sóc (marmoset)
Hình 3: Marmoset
Khỉ đuôi sóc được xem là loài khỉ tí hon trên thế giới với thân dài chưa tới 15cm, đuôi dài khoảng 18cm, và cân nặng khoảng 150g. Loài khỉ tí hon này có cặp mắt sáng bóng long lanh như hột nhãn, hai lỗ tai bị che khuất bởi lớp bờm dày, miệng rộng, lông hơi vằn loang màu xám pha vàng nâu. Cách giao tiếp của chúng bao gồm sự đánh dấu bằng mùi hơi, chải lông cho nhau, biểu lộ bằng nét mặt và phát ra những âm thanh the thé… Chân có vuốt và thân hình nhỏ bé giúp cho chúng có thể bám chặt vào cành cây, sau đó dùng những cái răng cửa sắc như dao của mình khoét sâu vào lớp vỏ cây, rồi thưởng thức chất nhựa cây.
Nhỏ nhắn, xinh xắn dễ thương, và tương đối dễ chăm nuôi, chúng được chọn làm loại thú cưng ưa chuộng. Ở Hoa Lục rộ lên phong trào tìm nuôi khỉ đuôi sóc tí hon được gọi là "Tiểu Tôn Ngộ Không" và đang trở thành mốt trong giới trẻ "đại gia". Giá thị trường của mấy chú khỉ này mắc lắm, cả mấy ngàn Mỹ kim một con. Dân dư tiền lắm bạc ở Việt Nam cũng bắt chước tìm nuôi khỉ đuôi sóc vốn rất hiếm hoi khó tìm để khoe "đẳng cấp".
Môi sinh tự nhiên của khỉ đuôi sóc là rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ. Chúng hiện diện tại các vùng rừng Colombia, Ecuador, miền tây Brazil và bắc Peru. Chúng thường sống ở ven bờ sông, sát các nông trại và ở những khu vực có nhiều bụi tre. Chúng sống từng bầy nhỏ gồm 5 hay 6 con, trong đó có một con đực đầu đàn và một con cái chuyên sinh sản. Thức ăn chính của chúng là côn trùng, lá cây, trái cây chín. Hầu hết loại khỉ xinh xắn này đều có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắt để bán. Khả năng tồn tại môi trường tự nhiên vốn đã thấp, nay chúng còn bị săn bắt để bán càng làm cho số lượng giảm đi nhiều. Người nuôi thường tách khỉ con ra khỏi khỉ mẹ sau khi chúng được 3 đến 5 ngày, vì thế chúng cần được giữ ấm bằng đèn và rất cần bú sữa thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi mới sinh, khỉ con đã mở mắt, lông nhiều, miệng đã có đầy răng, và rất khỏe mạnh, tứ chi và đuôi đã đủ cứng cáp để chúng bám vào cơ thể bố mẹ. Bình thường thì chúng ngoan hiền dễ thương, nhưng không thể lường trước được lúc nào chúng nổi chứng tấn công chủ, đặc biệt trong thời kỳ chúng giao phối.
Thí nghiệm khảo cứu ở Brazil cho thấy khỉ đuôi sóc khá thông minh. Bằng cách dùng một hộp chiếu phim nhỏ (gồm một màn hình máy tính đặt trong hộp bìa dựng trên cây), các nhà nghiên cứu đã nhận thấy là khỉ đuôi sóc có thể học được cách mở hộp chứa và lấy chuối rất dễ dàng sau khi xem đoạn băng ghi hình hướng dẫn. Chúng có khả năng giao tiếp bằng nhiều hình thức phức tạp bao gồm âm thanh, hóa chất tiết ra từ tuyến trên ngực, bộ phận sinh dục hoặc các tín hiệu cử chỉ. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy đặc tính độc đáo của loài khỉ đuôi sóc là chúng biết phân chia lượt nói để tránh chen ngang cướp lời. Những buổi nói chuyện của khỉ đuôi sóc có thể kéo dài đến nửa giờ, giữa những con thân quen và cả xa lạ. Đặc tính này ở loài khỉ đậm chất "ngồi lê đôi mách, nhiều chuyện" kiểu con người, khiến chúng càng được ưa thích vì hoạt ngôn, thân thiện và hòa đồng.
3. Khỉ vàng (Rhesus macaque)
Hình 4: Khỉ vàng - Rhesus macaque
Khỉ vàng (Rhesus Macaque) có tên khoa học là Macaca mulatta, là loài khỉ phổ biến có bộ lông dày màu nâu vàng. Người Việt Nam chúng ta còn gọi chúng bằng những tên khác là Khỉ đỏ đít, Khỉ đàn. Con trưởng thành cân nặng 4-8 kg, thân dài 32 - 62 cm, đuôi dài 13 - 23 cm. Mặt màu hồng đỏ và hai má trong miệng có thể phồng lớn để chứa thức ăn. Lông trên đỉnh đầu chúng rất ngắn; đuôi thẳng, thòng xuống và ngắn hơn thân. Lông nửa thân sau của chúng phớt màu hung đỏ khác với màu xám của nửa thân trước. Mông tròn, da mông đỏ và chai trụi lông.
Khỉ vàng hoạt động ban ngày, trên mặt đất và trên các cành cây. Môi trường sống của Khỉ Vàng là rừng gỗ nhiều tầng trên núi đá dọc theo các con sông, hồ hoặc ven biển, rừng hỗn giao rụng lá, rừng khộp... Vùng sống thường ổn định. Khỉ vàng sống thành bầy đàn từ 20 - 50 con. Đầu đàn là một con đực to khỏe nhất và quản lý mọi sinh hoạt của đàn. Khỉ trưởng thành khoảng 42 - 48 tháng, thời gian mang thai là 164 ngày, khoảng cách giữa các lần sinh từ 12 - 24 tháng. Tuổi thọ khoảng 29 năm. Khỉ vàng là loài ăn tạp. Thức ăn của chúng đa dạng bao gồm: chồi non, các loại quả, hạt, trứng chim và một số loại côn trùng.
Khỉ vàng sinh sống trong môi trường thiên nhiên nhiều ở các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, A Phú Hãn, Népal, Miến Điện, Nam Trung Quốc, Miên, Lào. Tại Việt Nam, chúng có mặt từ biên giới phía Bắc tới các tỉnh Tây Nguyên.
Khỉ vàng có khả năng sinh tồn cao, không bị đe dọa bởi nguy cơ tuyệt chủng.
Khỉ mốc tương cận với khỉ vàng, với tên khoa học là Macaca assamensis, tên tiếng Anh là Assamese Macaque. Khỉ Mốc tương đối to hơn khỉ vàng, trọng lượng trung bình khoảng từ 6 đến 11 kg, thân dài từ 41 đến 73,5 cm, đuôi dài từ 14 đến 24,5 cm. Màu lông có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt, nhưng ở vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường sáng màu hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám. Lông đuôi dài, phần dưới đuôi có màu nhạt hơn phần trên. Hướng của lông ở trên đỉnh đầu rất đặc trưng, mọc rẽ sang phải và sang trái, xoắn ở trên gốc tai. Mông lớn, xung quanh có lông. Đuôi thường mập phần gốc, thẳng và không thon.
Khỉ Mốc sống thành bầy đàn từ 10 - 50 con, hoạt động trên mặt đất và các tầng cây cao. Khỉ mốc sinh sản quanh năm, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ một con. So với các loài khỉ Vàng, khỉ Mốc hoạt động ít náo nhiệt hơn. Khỉ Mốc ăn thực vật, ngoài các loại quả có vị chua chát, nó còn thích ăn cả măng của tre, nứa, vầu..., đôi khi chúng còn ăn cả côn trùng và thằn lằn. Môi trường sống của chúng là những rừng cây cao trên núi đá, rừng ẩm thường xanh, rừng thưa, rừng tre nứa... Ban ngày chúng xuống đất kiếm ăn, ban đêm chúng trèo lên cành cây hoặc các hốc trên vách đá để ngủ. Khỉ mốc có nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á, kể cả các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đó chính là loại khỉ mà tôi đã thấy trong mấy đám sơn đông mãi võ.
Nói chung, có tất cả 23 loại "macaque" khác nhau được gọi bằng những tên như khỉ vàng, khỉ cộc, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ bạc má, khỉ ăn cua, khỉ Nhật Bản, khỉ Tây Tạng, v.v…
Ngoại trừ con người, khỉ Macaque là chi linh trưởng phân bổ rộng rãi nhất trên thế giới, nhiều nhất ở châu Á với khu vực sinh sống kéo dài từ Nhật Bản tới Đông Nam Á, sang tận Afghanistan và, trong trường hợp của khỉ Barbary, ở Bắc Phi. Có 22 loài khỉ Macaca hiện đang được nhận diện, gồm một số loài khỉ phổ biến nhất đối với công chúng như khỉ nâu (Macaca mulatta) và khỉ Barbary (M. sylvanus), trong đó một quần thể sinh sống ở Núi Gibraltar. Mặc dù một số loài không có đuôi và được gọi là khỉ hình người, tất cả chúng là "khỉ" thật sự (chứ không phải vượn) và không có mối quan hệ huyết thống gần gũi hơn với khỉ hình người so với các loài khỉ Cựu Thế Giới khác.
Một số loài Macaque có ngón chân trỏ, giữa, áp út và út dính liền với nhau, gần như với tới khớp thứ nhất của khối xương bàn chân. Túi má của các loài khi Macaque có thể chứa đựng lượng thức ăn tương đương với sức chứa của dạ dày chúng.
Khỉ Macaque có cấu trúc xã hội và cấp bậc rất phức tạp. Nếu như một con khỉ ở đẳng cấp thấp đang ăn một loại trái cây mà các con ở cấp cao hơn hiện không có hoặc không còn, con khỉ cấp cao hơn có thể giật phắt món ăn mà con khỉ cấp thấp đang thưởng thức. Hình ảnh nhân vật Tề Thiên Đại Thánh Tôn Hành Giả của Tây Du Ký rất giống một con khỉ mốc.
4. Vượn (Gibbon)
Hình 5: Vượn - Gibbon
Vượn (tên khoa học Hylobatidae) là tiếng chỉ chung cho tất cả loài vượn gồm 184 giống vượn khác nhau hiện còn sinh tồn trên quả đất và đang sinh sống trong các rừng già nhiệt đới và cận nhiệt đới từ đông bắc Ấn Độ tới Indonesia, bao gồm cả các đảo như Sumatra, Borneo và Java, và về phía bắc tới miền Hoa Nam.
Tùy từng loài, bộ lông của vượn có thể màu đen, xám, ánh nâu, có thể thêm đốm hay vệt màu trắng trên tay, chân và mặt. nâu sẫm tới nâu nhạt, có khi đốm loang màu đen hay trắng. Vượn toàn trắng rất hiếm. Một số loài có bướu lớn ở cổ họng với chức năng làm hộp cộng hưởng khi hú. Kích thước bướu có thể to gần bằng đầu con vật. Hộp sọ và răng vượn tương tự như ở các loài khỉ dạng người loại lớn, còn mũi của chúng thì giống như mũi của tất cả các loài linh trưởng mũi hẹp. Trong số các loài vượn có vượn mực, vượn tay trắng, vượn mày trắng. Vượn mực (Symphalangus syndactylus), loài vượn to lớn nhất, được phân biệt bởi 2 ngón chân trên mỗi chân hợp lại, vì thế mà có tên gọi cho chi Symphalangus và tên định danh loài syndactylus.
Một đặc điểm trong cơ thể loài vượn là khớp xương cầu ổ (ball and socket joint) ở cổ tay chuyển động theo hai trục, cho phép chúng đu chuyền trên cây cao rất nhanh và chính xác. Ưu điểm này khiến vượn không cần phát triển sức mạnh tuyệt đối ở vai và thân trên. Khớp xương vai cũng vì vậy giảm bớt sức giãn kéo khi vượn đu chuyền. Tỷ lệ tay chân so với thân mình của vượn cao hơn các loài thú khác nên tầm với của vượn khá dài. Khoảng cách giữa ngón thứ nhất (ngón cái) và ngón thứ hai (ngón trỏ) cũng lớn, giúp vượn nắm chắc. Tuy nhiên nếu lỡ tuột tay hoặc khi cành gãy thì vượn dễ bị chấn thương; theo ước tính thì trung bình mỗi con vượn gãy xương ít nhất một lần trong cuộc đời.
Vượn sinh sống thành bầy kiểu xã hội tập thể. Mỗi đàn chiếm cứ lấy một khu vực và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng cách kêu hú hoặc phô trương. Tiếng vượn hú có thể vang vọng đến 1km, thường là tiếng kêu của cặp vượn phối ngẫu. Đôi khi vượn con cũng tham gia. Khi vượn hú riêng lẻ thì thông thường là vượn đực kêu hú để tìm bạn, mời gọi bạn tình hoặc thông báo khu vực chiếm hữu. Nếu ưa thích tiếng hú thì vượn khác phái sẽ tìm gặp, kết thân rồi giao hợp. Thời gian giao hợp có thể kéo dài tới 3 ngày với nhiều lượt. Tiếng đôi vượn đùa hót trong thời điểm này khiến chúng dễ bị thợ săn tìm bắt, cung cấp thịt cho thị trường mua bán động vật hoang dã, trong đó có ngành y dược dân gian thu mua nhiều bộ phận. Vì mỗi loài vượn có tiếng hú riêng nên người nghe có thể nhận dạng từng loài và xác định môi trường sinh sống của chúng.
Còn được gọi là khỉ dạng người loại nhỏ (lesser apes), loài vượn khác với các loài khỉ dạng người loại lớn (great apes) ở chỗ vượn có tầm vóc nhỏ hơn, hình dạng con đực và con cái ít khác biệt. Vượn cũng kết đôi vĩnh cửu, không lang chạ giống như các loài khỉ dạng người loại lớn. Đặc tính này của loài vượn được thể hiện tài tình trong truyện dân gian Bạch Viên Tôn Các rất phổ biến qua nhiều thế hệ. Ngày nay bạn có thể thưởng thức câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn này qua sách truyện, tuồng cải lương, phim ảnh và tân nhạc.
Loài vượn cũng vượt trội trong loài thú khi di chuyển bằng cách chuyền cành với hai tay, đu từ cành này sang cành khác cách khoảng lên tới 15 m (50 ft), với vận tốc lên đến 56 km/h (35 mph). Chúng cũng có thể nhảy xa tới 8 m (26 ft), và đôi khi đi lại bằng hai chân với hai tay giơ lên để giữ thăng bằng. Chúng nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao mà không biết bay.
Người xưa quan niệm vượn là động vật nên coi trọng hơn khỉ vì họ cho rằng vượn gần giống người hơn về những cá tính tốt như nghĩa tình, chung thủy, hiền hòa, quân tử… Đạo Lão Trung Hoa quan niệm loài vượn có tính chất siêu nhiên huyền bí và tin chúng có thể biến thành người hay thành tiên như trong truyện Bạch Viên Tôn Các.
5. Đười ươi (Orangutan)
Hình 6: Đười Ươi - Orangutan
Đười ươi là một chi thuộc họ dạng người loại lớn (great apes), thuộc bộ Linh trưởng ở châu Á còn tồn tại, sống trên cây nhiều hơn trên mặt đất. Chúng có lông rậm màu vàng sẫm pha trộn với màu xám hay màu nâu đỏ. Chúng thuộc loại gần gũi nhất với con người cả về mặt hình thể lẫn trí tuệ, là một trong những loài linh trưởng thông minh nhất, biết dùng rành mạch một loạt các công cụ cũng như có thói quen làm tổ ngủ mỗi đêm từ các nhánh cây và lá cây. Đười ươi có thể sống tới 60 năm trong môi trường nuôi nhốt.
Đười ươi được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo Mã Lai Á và đảo Sumatra Nam Dương, mặc dù các hóa thạch của chúng cũng đã được tìm thấy ở Java, bán đảo Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam và Hoa Lục. Các nước phương Tây gọi đười ươi là orangutan theo tiếng Mã Lai orang-outang có nghĩa là "người rừng" hay dã nhân. Tên La Tinh của chúng là Pongo.
Người ta xác định tầm vóc những con đười ươi trưởng thành bằng sải tay của chúng khi dang rộng, thường đạt đến 2 mét. Đười ươi đực đứng thẳng trên hai chân cao 1.5 m, tay vẫn có thể chạm đất. Tay và chân chúng rất khoẻ mạnh với các đốt trên ngón có thể uốn cong vào để cầm nắm, có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của loài linh trưởng, cho phép chúng đeo bám chắc chắn để đánh đu như các diễn viên xiếc vì đến 90% thời gian trong đời chúng sống ở trên cây. Đười ươi đực bắt đầu sinh hoạt tình dục để truyền giống lúc 15 tuổi, nhưng để chinh phục được một con cái thì con đực còn cần có một đặc trưng phụ về giới tính nữa là phải có những hàng lông dày dặn ở ngực và dễ nhận ra hơn nữa là những túm lông hai bên má. Những con đười ươi đực sống tại Borneo khác với đười ươi đực sống ở Sumatra, có thể độc quyền sở hữu những đười ươi cái hàng tuần trong một thời gian nhất định.
Cả đời, đười ươi gắn liền với cây cối. Đêm nào chúng cũng vơ cành cây và lá cây làm tổ để ngủ qua đêm với thời gian không đầy 5 phút rồi cuốn quanh mình để ngủ. Đười ươi ăn, nghỉ và ngủ trên những cây cổ thụ, lấy những cành cây có lá rộng kết thành tổ để ngủ và trú ẩn dưới những trận mưa rào nhiệt đới. Khi ăn uống, thường chúng không cần xuống mặt đất vì thức ăn của chúng là hoa quả, côn trùng, đọt lá non và nước uống chúng lấy từ những bọng cây quen thuộc.
Trong tự nhiên, đười ươi cũng có cấu trúc xã hội phức tạp với các thứ bậc và có sự tranh giành thứ bậc. Những chú đười ươi trên đảo Sumatra hoãn dậy thì để tập trung vào việc rèn luyện thể lực cho tới khi đánh bại được con đực thủ lĩnh. Khi chưa có sức lực ngang ngửa với con khỏe nhất thì các đám lông hai bên má của chúng cũng bị hoãn cả việc mọc ra, có khi trong nhiều năm. Không một loài linh trưởng nào khác kể cả đười ươi Borneo có tập tính này.
Trong môi trường nuôi nhốt, đười ươi cũng có những hành vi khác lạ. Có những con đười ươi học cách dùng máy tính bảng iPad để nhận biết các bộ phận trên cơ thể và thức ăn. Những cuộc khảo sát cho thấy đười ươi có nhiều điểm tương tự như con người; hiện tượng khủng hoảng tâm lý cũng xuất hiện ở đười ươi khi chúng bước vào giai đoạn giữa của cuộc đời (mid-life crisis).
Đười ươi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 1998, số lượng đười ươi đã giảm 80% trong 75 năm qua, nay chỉ còn khoảng bảy ngàn con sống ở rìa rừng phía bắc đảo Sumatra, Indonesia và năm chục ngàn con ở đảo Borneo, Malaysia. Vấn nạn phá rừng để lấy gỗ cũng như phát triển và khai thác dầu cọ là mối đe dọa chính đối với những loài động vật ăn quả sống trên cây này.
6. Khỉ đột (Gorilla)
Hình 7: Khỉ đột - Gorilla
Khỉ đột (Gorilla) là giống linh trưởng thuộc Họ Người lớn nhất trong bộ linh trưởng còn tồn tại. Khỉ đột được chia thành hai loài (có thể có 4 đến 5 phân loài nữa). DNA của khỉ đột giống của con người 98%. Chúng có họ hàng rất gần gũi với con người chỉ sau 2 loài tinh tinh. Khỉ đột có thân hình đồ sộ, cao đến 2 thước khi đứng thẳng và nặng từ 180 tới 200 kg. Chúng đi bằng bốn chân dù có thể đứng bằng hai chân. Khỉ đột sống ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Châu Phi.
Họ hàng gần nhất của khỉ đột là hai loài tinh tinh và con người, tất cả các loài thuộc Homininae (Họ Người) đã tách ra từ một tổ tiên chung khoảng 7 triệu năm trước. Bộ gen (genome) con người chỉ khác biệt trung bình 1.6% so với bộ gen tương ứng của khỉ đột. Cho đến gần đây, khỉ đột được coi là một loài duy nhất, với ba phân loài: khỉ đột đồng bằng phía tây, khỉ đột đồng bằng phía đông và khỉ đột núi. Hiện nay có hai loài khỉ đột với mỗi loài hai phân loài. Các loài và phân loài khác nhau phát triển từ một loài khỉ đột duy nhất vào kỷ băng hà.
Một vài đặc điểm để phân biệt khỉ đột gồm kích thước, màu lông, chiều dài, tính xã hội và độ rộng mặt. Hiện nay, hơn 100,000 con khỉ đột đồng bằng phía tây được cho là tồn tại trong thiên nhiên, với 4,000 trong vườn thú; Khỉ đột đồng bằng phía đông với 4,000 trong thiên nhiên, 24 trong vườn thú. Khỉ đột núi có khả năng tuyệt chủng cao nhất, ước tính khoảng 620 con còn lại trong thiên nhiên và không có trong các vườn thú.
Khỉ đột sống ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Châu Phi. Hai loài khỉ đột hiện nay là khỉ đột núi và khỉ đột đồng bằng. Khỉ đột núi rất quý hiếm, sống trong rừng trên núi Albertine Rift cao 2225 đến 4267 m, thuộc dãy Virunga phía đông Châu Phi. Khỉ đột đồng bằng sống tại những khu rừng rậm rạp, đầm lầy và các vùng ngập nước xấp xỉ mực nước biển. Thức ăn chính của chúng là các loại thực vật như cây mọng nước, chồi non,...
Chúng sống theo đàn dưới sự chỉ huy của một con đực to khỏe nhất. Nhiệm vụ của con đực là lãnh đạo và bảo vệ cả đàn khỏi bị thú dữ tấn công. Kẻ thù nguy hiểm nhất của Khỉ đột là loài báo hoa mai rất hung dữ. Khi bị đe dọa, con đực sẽ đứng thẳng người và dùng 2 tay đấm thình thịch vào bụng để cảnh báo trước khi chiến đấu. Chúng được biết đến như một dã thú đầy sức mạnh với ngoại hình to lớn, khỏe hơn nhiều so với người. Một cú đấm của khỉ đột có thể khiến mọi vật đối diện phải biến dạng. Với thân hình to lớn kềnh càng, chúng chạy không nhanh lắm, chỉ khoảng 40 km/h. Tuy trông dữ tợn nhưng thực tế khỉ đột chỉ ăn thực vật là chính và ít khi gây hại cho những con thú khác. Nó chỉ nổi giận và trở nên hung dữ khi bị chọc tức hay bị đối xử tàn tệ. Đặc tính này của khỉ đột được kịch tính hóa trong loạt phim King Kong thực hiện những năm 1933, 1967, 1976, 1986 và 2005 nổi tiếng và làm say mê khán giả khắp thế giới.
7. Tinh tinh (Chimpanzee)
Hình 8: Tinh tinh – Chimpanzee
Tinh tinh là loài linh trưởng có họ hàng gần nhất với con người, chia sẻ nhiều hơn 98 phần trăm gen di truyền. Con người và tinh tinh được xem là có cùng một tổ tiên chung từ 4 đến 8 triệu năm trước. Có hai loài tinh tinh. Loại tinh tinh thường sống ở Tây và Trung Phi; loại tinh tinh lùn sống ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Ranh giới địa lý giữa hai loài này là sông Congo.Tinh tinh đực trưởng thành có thể cân nặng tới 70kg và cao 1.2 m khi đứng thẳng, trong khi tinh tinh cái chỉ cân nặng tới 50 kg và cao 1 m.
Sự khác biệt về cơ thể học giữa tinh tinh thông thường và tinh tinh lùn không đáng kể, nhưng trong hành vi tình dục và cộng đồng thì các khác biệt này rất rõ nét. Tinh tinh thông thường là loài ăn tạp, các con đực đi săn mồi nguyên nhóm. Trái lại, tinh tinh lùn chủ yếu là loài ăn thực vật và có quan hệ tình dục quân bình, mẫu hệ và bừa bãi. Lớp da mặt, hai bàn tay và hai bàn chân ở cả hai loài đều có màu hồng nhạt lúc nhỏ rồi sẫm dần theo tuổi tác. Tinh tinh lùn có tay dài hơn và thường đứng thẳng thân mình.
Tinh tinh thường sống một bầy vài chục con. Mặc dù thường đi bằng bốn chi với khuỷu các ngón tay xếp lại, tinh tinh có thể đứng và đi thẳng lưng. Chúng cũng có thể di chuyển khá hiệu quả trên cây bằng cách đu chuyền từ cành cây này qua cành cây khác để tìm thức ăn và tìm chỗ ngủ. Ngoài thức ăn thực vật, tinh tinh cũng ăn các loài côn trùng, trứng và thịt, bao gồm cả vật thối rữa. Chúng có một chế độ ăn uống rất đa dạng bao gồm hàng trăm các loại thực phẩm được biết đến.
Tinh tinh là một trong số ít các loài động vật biết dùng dụng cụ. Chúng bẻ cành làm gậy để khều moi lấy côn trùng từ trong hang ổ hoặc đào bới các khúc gỗ. Chúng cũng biết dùng đá để đập vỡ hạt và dùng lá để hứng nước uống. Thậm chí tinh tinh cũng có thể học để sử dụng một số ngôn ngữ ký hiệu căn bản của con người.
Tinh tinh cái có thể sinh con ở bất kỳ thời gian nào trong năm, thường chỉ sinh mỗi lần một con duy nhất. Tinh tinh con mới sinh biết bám vào lông của mẹ và sau đó cưỡi trên lưng mẹ cho đến khi hai tuổi. Tuổi bắt đầu để sinh sản của tinh tinh là 13, trong khi con đực không được coi là người lớn cho đến khi 16 tuổi.
Mặc dù dân bản xứ châu Phi bắt đầu tiếp xúc với tinh tinh đã từ xưa nhưng tới những năm trong thế kỷ 17 người phương Tây mới thấy tinh tinh và ghi chép khảo sát khi họ thám hiểm Angola. Tên gọi tiếng Anh "chimpanzee" tới năm 1738 mới được đặt ra dựa theo thổ ngữ Angola "tshiluba kivili-chimpenze" có nghĩa là "người hay bắt chước" hoặc "khỉ dạng người". Tên ngắn gọn "chimp" xuất hiện sau năm 1870. Người ta cũng lấy chữ 'pan' trong 'chimpanzee' để chỉ tinh tinh theo chữ Pan, tên vị thần của những người chăn cừu và cừu cổ đại Hy Lạp. Các nhà sinh vật học đã dùng Pan như là tên khoa học của chi động vật này. Chi Pan hiện nay được coi là một phần của phân họ Người (Homininae). Các nhà sinh học tin rằng hai loài tinh tinh là các họ hàng tiến hóa còn tồn tại gần nhất với loài người. Người ta cho rằng loài người có cùng một tổ tiên chung với tinh tinh và khỉ đột vào giai đoạn 4 tới 7 triệu năm trước, và chúng có khoảng 95 - 99,4% DNA chung với loài người.
Thuyết tiến hóa của Charles Darwin (xuất bản năm 1860) đã kích thích sự quan tâm khoa học đối với tinh tinh, và đã dẫn tới hàng loạt các nghiên cứu về động vật này trong môi trường tự nhiên và trong tình trạng giam giữ. Vào thời kỳ khởi đầu đó, các cuộc khảo sát đối với tinh tinh chủ yếu là so sánh về những hành vi tương tự với người. Vào những năm cuối thế kỷ 19 thì tinh tinh vẫn còn là một cái gì đó khá bí hiểm đối với con người, với rất ít thông tin khoa học dựa trên thực tế.
Đến thế kỷ 20 thì nghiên cứu khoa học về hành vi của tinh tinh đã bước sang một giai đoạn mới. Cho tới tháng 7 năm 1960, gần như vẫn không có thông tin gì về hành vi của tinh tinh trong môi trường sinh sống tự nhiên của nó.
Thế rồi tiến sĩ Jane Goodall, một nhà nghiên cứu mới 26 tuổi người Anh đã tới các cánh rừng ở Tanzania và sống giữa các bầy tinh tinh để khảo sát và nghiên cứu về tập tính đời sống của chúng. Phát hiện của bà về việc tinh tinh biết dùng các công cụ là một sự đột phá vì trước đó người ta cho rằng chỉ có loài người mới có khả năng này. Bà đã sống và làm việc ở châu Phi trong 45 năm. Những nghiên cứu của bà được nhiều người đánh giá là đã ảnh hưởng đến toàn thế giới nói chung và thế giới động vật nói riêng. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về các mối quan hệ xã hội và gia đình của tinh tinh hoang dã trong vườn quốc gia Gombe Stream, Tanzania.
Sống ở môi trường thiên nhiên, tinh tinh hiếm khi thọ quá 40 tuổi. Nhưng chúng có thể sống tới 60 tuổi trong sự nuôi dưỡng chăm sóc của con người. Theo Wikipedia, con tinh tinh đóng vai Cheetah trong phim Tarzan thời thập niên 1960 sống tới 80 tuổi. Cheetah chết vì suy thận vào ngày 24 tháng 12 năm 2011 ở Palm Harbour, Florida.
Ngoài việc mang lại sự giải trí lành mạnh cho đời sống con người, những linh trưởng họ hàng xa của chúng ta còn cống hiến biết bao lợi ích về khoa học và y học. Những con khỉ macaque mang tên Albert bị bỏ vào các hỏa tiễn V2 Blossom phóng lên 9 tầng mây kể từ năm 1948 để trắc nghiệm sự an toàn phi hành không gian thay cho người. Những con tinh tinh bị tiêm thuốc để trắc nghiệm hiệu quả trước khi cho người dùng. Vậy mà những họ hàng xa ấy còn bị con người phá hại môi sinh hay ngay cả bị bắt ăn thịt. Khỉ!
Phan Hạnh.
Nguồn tham khảo: Wikipedia và nhiều trang mạng khác.
Mọi ý kiến đóng góp của quý bạn đọc đều sẽ được trân trọng đón nhận.
PH-HCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét