Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Sài Gòn cổ tích - Phúc Tiến

Mưa đêm và ánh sáng
Không hiểu vì sao tôi vẫn nhớ thuở lên ba, có những buổi tối hai anh em tôi ngồi chờ mẹ ở nhà bà ngoại trong xóm Bà Hạt, quận Mười. Thuở đó, những xóm nghèo chưa có điện, cả xóm lặng im trong bóng tối và tiếng mưa rả rích. Và rồi, mẹ đạp xe đến, choàng chiếc áo mưa to, chở hai anh em tôi từ hẻm sâu ra đường lớn. Chúng tôi đi như trong một đường hầm đen, thình lình thấy ngoài trời vụt sáng. Ngồi sau lưng mẹ, nấp trong vạt áo mưa, tôi ríu rít đặt tay lên những ánh đèn loang loáng trên áo mẹ. Tôi thích thú vén vạt áo mưa lên, say sưa nhìn những cột đèn đường, những cửa tiệm tràn ngập đèn màu, những chiếc xe hơi đủ kiểu lướt qua. Cảnh vật hai bên đường cứ thế diễu qua hùng dũng như trong một chiếc đèn kéo quân uy nghi. Thế rồi, chẳng mấy chốc, xe mẹ rẽ vào ngõ hẻm nơi có căn gác thuê trong xóm Vườn Bà Lớn (1). Tôi buồn buồn gặp lại những ánh đèn dầu tù mù, gặp lại tiếng dế kêu rả rích, gặp lại mùi nhang và mùi hoa huệ trên bàn thờ Phật. Cho đến bây giờ, tôi vẫn sợ những buổi tối mưa đêm, không đèn, tĩnh mịch và cô liêu.
Quán cà phê Loft trong cao ốc Catinat, 26 Lý Tự Trọng. Đây là cao ốc xây dựng từ những năm 1930, hy vọng không bị phá bỏ xây mới như nhiều di sản kiến trúc Sài Gòn
<!->
Thế nhưng sáng ra, tôi lại bước vào một thế giới khác hẳn. Tiếng rao hàng, tiếng người đi chợ, đi làm rộn rã khắp các con xóm. Tiếng cười nói trên radio, xen lẫn tiếng vọng cổ trên máy hát dĩa, làm thành bài nhạc vui khó tả… Trước khi đến sở, mẹ đạp xe chở anh em tôi đi học, áo mẹ ướt đầm mồ hôi. Từ xóm Vườn Bà Lớn ra đến giao lộ Ngã Bảy, đường phố tuôn chảy đủ loại xe lớn nhỏ, có cả những chiếc xe thổ mộ chạy lóc cóc - âm thanh đầy bí ẩn...
Những thành phố trong thành phố
Những con hẻm của Sài Gòn là một thành phố riêng so với phố xá khác biệt bên ngoài. Xoay quanh và đan xen với một Sài Gòn sang trọng là những xóm nhà lao động, nửa quê, nửa tỉnh. Từ Vườn Bà Lớn chuyển sang Bàn Cờ, tôi lớn lên trong những xóm nhà như vậy. Ký ức của tôi từ bé đã in đậm những mái ngói âm dương rêu xanh, những mái tôn rỉ sét, những cột điện sắt đen xiêu vẹo. Giăng giăng khắp con hẻm là những căn nhà nho nhỏ, đủ màu, khung cửa sổ lúc nào cũng mở. Ngày ấy, hiếm khi có nhà làm cửa sắt, hàng rào sắt bởi cuộc sống hiền hòa, ít trộm cắp. Nhà nào nhà nấy đều là nhà cây, nhà gỗ, có cả nhà vách bằng lá dừa nước phơi khô kết lại. Nhà nghèo hơn thì vách làm bằng thiếc lấy từ các loại thùng... Dù khá hay nghèo, trước căn nhà nào cũng có băng ghế gỗ hay cái ghế đá để chủ và khách ngồi chơi mát, dưới bóng cây khế cây xoài. Căn gác gỗ nhà mẹ tôi thuê có chung vách bằng ván thông với hàng xóm hai bên. Chủ cũ dán giấy báo lên vách, loại báo tiếng Pháp đầy những chữ và hình vẽ ngộ nghĩnh. Mỗi buổi tối đi ngủ, tôi tò mò nhìn giấy báo trên vách và rồi những miền đất xa xăm trôi vào giấc ngủ của mình.
Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, xây năm 1928, đã được xếp hạng di sản kiến trúc. Thế hệ học sinh 1973-1980 không quên thời gian đi học hai thời kỳ của lịch sử
Thời ấy, những con đường hẻm Sài Gòn chưa biết đến xi măng, vẫn còn đầy đất cát. Bọn con nít chúng tôi đi học về, lập tức vất cặp, chạy ra ngoài rủ nhau bắn bi, đánh đáo, tạt lon, chơi trốn tìm. Trong xóm, nhà nào cũng nhờ người gánh nước thuê hoặc ra xếp hàng ở vòi nước công cộng. Đến ngày mưa, người lớn bảo nhau đem lu, đem thùng ra hứng nước. Còn trẻ con thì khoái trí, cởi trần, chạy ào ra hẻm vừa tắm vừa đuổi bắt nhau. Những lúc ve kêu, mùa hè đến, con nít đứa lớn đứa bé đều đi bắt dế. Có đứa nuôi dế trong hộp quẹt, trong bao thuốc và ngay cả vỏ trái măng cụt. Bọn tôi cho dế thi đấu với nhau, con dế nào “hy sinh”, lại cho vào hộp quẹt chôn cất dưới cây khế rất tươm tất.
Những năm kế tiếp, khi chúng tôi lớn lên, các con hẻm bắt đầu thay đổi. Đường trong hẻm được đổ đá dăm rồi tráng xi măng. Nhiều nhà đã có công tơ nước, công tơ điện. Những cột đèn cao lêu nghêu bằng nhôm hay xi măng đúc đã luồn lỏi vào trong các xóm. Có điện, có đèn, người dân lại có thêm máy vô tuyến truyền hình (2). Ở trước cửa trường tiểu học Phan Đình Phùng xóm Bàn Cờ của tôi có cột đặt máy tivi công cộng. Lâu dần, giá máy tivi trở nên bình dân, nhất là khi có tivi do Nhật sản xuất, nhiều gia đình sắm tivi, vẫn ngỏ cửa cho hàng xóm về xem. Nhiều năm về sau, có dịp đi nước ngoài, tôi thấy tự hào khi biết vô tuyến truyền hình ở Sài Gòn ra đời và phổ biến cùng lúc với Singapore và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Cô tiên lộng lẫy
Khi chúng tôi lên bảy, lên tám, Sài Gòn lớn vụt lên, trở thành một cô tiên lộng lẫy. Hai anh em tôi được mẹ đưa đi gặp “cô tiên” vào những ngày Chủ nhựt. Về sau, tôi mới biết nếu đi làm, mẹ tôi sẽ được thêm tiền phụ trội nhưng mẹ vẫn để dành mỗi tháng hai ngày Chủ nhựt cho chúng tôi đi chơi. Mặc vào “bộ đồ Tết”, mỗi năm anh em tôi chỉ có một bộ để diện, chúng tôi theo mẹ đi dạo những phố phường nhứt nhì thành phố. Nào là, ra chợ Bến Thành và những con phố tấp nập chung quanh xem đồ chơi, hàng hóa. Nào là, la cà đường Nguyễn Huệ và thương xá Tax xem đèn, xem hoa vào mùa Giáng sinh và giáp Tết. Nào là được ghé thương xá Sài Gòn Departo (3) ở góc Thái Lập Thành - Tự Do để được chơi xe cứu hỏa mini, bóp kèn inh ỏi. Hai anh em tôi vừa tung tăng trên hè phố rộng, vừa nhâm nhi hộp kem bé xíu. Mẹ cho anh em tôi chụp ảnh trắng đen, vài năm sau là ảnh màu, ở công viên Lam Sơn. Bây giờ nhìn lại ảnh, tôi nhận ra cái góc phố cong cong có quán Givral phía sau, cũng chính là nơi mẹ chụp ảnh khi mới đến Sài Gòn 15 năm trước.
Góc phố phía sau hai cậu bé, chính là cà phê Givral và Thương xá Eden. Bên kia đường là khách sạn Continental. Hình chụp năm 1969. Cà phê Givral và Thương xá Eden biến mất vào năm 2010
Mẹ còn cho hai anh em ra Bến Bạch Đằng, ngắm nhìn hàng dãy tàu chiến, súng to súng nhỏ oai vệ. Tôi nghĩ đến bố tôi, ở nhà mẹ vẫn còn giữ một tấm ảnh chụp ông và các anh lính hải quân ở Nha Trang năm 1951. Lâu lâu, hai anh em được đi chơi Sở Thú, dạo một vòng các chuồng cọp, chuồng khỉ, chuồng gấu. Ở đấy, tôi thích nhất các chú voi, thế nào tôi cũng đòi mẹ mua mía và đút mía cho voi ăn. Sở Thú Sài Gòn còn là khu vui chơi của trẻ em, ở đó có lâu đài như kiểu Disneyland thu nhỏ. Đặc biệt, Sở Thú có xe điện treo trên cao, loại xe dành cho trẻ em chỉ đi khoảng 100 mét. Gần cổng Sở Thú là Viện Bảo tàng, khi về tôi hay chạy ào đến khẩu thần công trước cửa để leo lên ngồi, hể hả như cỡi voi ra trận.
Tết Trung thu đến, tôi cương quyết đòi mẹ mua cho đèn máy bay, tàu bò chứ không chịu chơi đèn con thỏ, con bướm của bọn con gái. Lồng đèn Sài Gòn tạo hình bằng nan tre, bọc giấy kiếng đỏ, điểm xuyết những nét sơn hồng, sơn xanh, lấp lánh suốt tuổi thơ. Những đêm Trung thu, bọn trẻ xóm tôi kéo nhau đi reo hò, hát vang : “Tết Trung thu rước đèn đi chơi... Em rước đèn mừng đón chị Hằng”. Nhưng chị Hằng ở đâu mà phi thuyền Apollo của Mỹ đáp xuống cung trăng năm 1969 không thấy? Chúng tôi hiểu ra chị Hằng, chú Cuội không có thật, song ngày vui Trung thu thì không bao giờ mất!
Chuyện Apollo và loạt phim Star Trek trên tivi Mỹ với nhân vật lỗ tai lừa quái dị, là chuyện bọn con nít chúng tôi bàn tán không hết. Sau buổi học, trưa chiều nào chúng tôi cũng tụ họp dưới cây khế trong hẻm, chơi bi hay tạt lon và kháo chuyện. Đứa nào đứa nấy khoe chuyện trong trường và cả chuyện ba má cho đi chơi vòng quanh Sài Gòn. Toàn là chuyện mới lạ, hấp dẫn hơn cả bánh kẹo. “Ăn” mãi chưa đã thèm!
Sài Gòn ngày ấy cứ như chiếc kính vạn hoa, mỗi lần chạm đến lại thấy nhiều điều kỳ thú chưa biết đến. Sài Gòn bây giờ mong rằng cũng vẫn là thế giới muôn màu, thành phố đáng sống và hấp dẫn!

Bài và ảnh Phúc Tiến

Không có nhận xét nào: