Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc Xuân Bính Thân - LaThuUcChau: Chúc Mừng Năm Mới - TS Nguyễn Nam Sơn

Lam Phương: Mùa Xuân Nào Ta Về 
(Hợp ca)
Trịnh Công Sơn: Chiều một mình qua phốGuitarist: Ns Võ Tá HânYoutube: TranNangPhung

<!->(1)  Chuyện Thời sự & Xã hội
(Chuyện những ngày gần Giao thừa,Việt Nam):

(i) Ts Nguyễn Văn Tuấn: Văn nghệ thời bác Hồ
Mấy hôm còn ở trong nước, đi đến đâu tôi cũng nghe ca khúc "Ly rượu mừng " trên làn sóng radio. Vì bài "xuân ca" này quá quen thuộc với tôi, nên tôi không cảm thấy gì đặc biệt. Thế nhưng khi nói chuyện với bạn bè trong nước, tôi mới biết đó là một ... sự kiện. Hoá ra, sau này đọc Tuổi Trẻ tôi mới biết bài xuân ca này mới được "cho phép" phổ biến. Thật kinh ngạc! Một ca khúc hay như thế, vui tươi và ý nghĩa như thế, mà bị cấm đến 40 năm!
Những ai am hiểu âm nhạc đều biết ca khúc Ly rượu mừng do nhạc sĩ Phạm Đình Chương (còn có tên là Hoài Bắc -- tức nhớ đất bắc) sáng tác từ những năm đầu thập niên 1950. Ông là người Hà Nội (thứ thiệt) thuộc một gia đình có truyền thống nhạc. Em gái ông chính là ca sĩ Thái Thanh và Thái Hằng.
Thái Hằng là phu nhân của Nhạc sĩ Phạm Duy. Những ai thuộc thế hệ tôi đều biết câu chuyện buồn trong gia đình Hoài Bắc, vì vợ ông là ca sĩ Khánh Ngọc có dan díu với Phạm Duy. Sau này, hai vợ chồng Khánh Ngọc - Hoài Bắc chia tay, và cuộc chia tay đó để lại cho đời những ca khúc rất ray rứt như Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Quay lại bài Ly rượu mừng, chẳng ai biết tại sao nó bị cấm. Ca từ trong bài này chúc mọi thành phần xã hội, có thứ bậc đàng hoàng, và những lời chúc rất hợp. Nhưng nghe kĩ lại thì thấy ông có viết những câu như:
Chúc non sông hoà bình, hoà bình / Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui / đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này / Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà...
À, rất có thể câu "chúc ngày mai sáng trời tự do" làm cho mấy người kiểm duyệt thấy nhột chăng? Thật ra, dù họ có cho phép hay không thì ca khúc này vẫn được công chúng, nam và bắc, ca lên vào những dịp Tết. Thế mới biết giữa người kiểm duyệt giáo điều và công chúng có một khoảng cách lớn về tâm tình dân tộc và ước nguyện.
Trong thời gian ở trong nước tôi phát hiện nhiều ca khúc xuân khác cũng chưa được "cho phép". Nhớ một hôm tiệc cuối năm, các bạn tôi yêu cầu tôi góp vui một bài karaoke, tôi chọn bài "Mùa xuân trên cao" của Trầm Tử Thiêng, nhưng chẳng ai biết, và anh chàng chọn bài lắc đầu nói bài này chưa được cho phép! Thế là tôi có lí do trốn, khỏi phải ca hát.
Phải nói là chế độ kiểm duyệt văn hoá ở VN rất Mao-ít và kinh khủng. Chẳng những kiểm duyệt văn nghệ miền Nam trước 1975, mà họ còn kiểm duyệt luôn cả Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Minh Cần, một cựu quan chức Hà Nội, cho biết tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi bị mấy người kiểm duyệt như sau: "Hồi những năm 60-70 thế kỷ trước, Trường Chinh và Tố Hữu lúc đó phụ trách về tuyên huấn, văn hóa, giáo dục... Các ông ấy cho rằng trong nguyên bản tờ Bình Ngô Đại Cáo ở đoạn cuối, trước chữ 'Than ôi !' có một câu mà các ông cho là duy tâm, mê tín quá là câu 'Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy' (bản dịch của Trần Trọng Kim), thế là các ông quyết định bỏ đi, mà mập mờ cho ba chấm vào trước câu sau. Thế là những sách có in Bình Ngô Đại Cáo trong thời đó đều bỏ câu đó đi, có khi họ quên để cả ba chấm nữa."
Đến Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi mà còn bị kiểm duyệt thì tác phẩm của nước ngoài bị cắt xén và sửa đổi là chuyện có thể xảy ra. Gần đây hơn, chúng ta đã từng biết vụ kiểm duyệt bản dịch cuốn sách "The Spy Who Loved Us" (Tên gián điệp thương chúng ta) của Thomas A. Bass viết về Phạm Xuân Ẩn. Câu chuyện đằng sau vụ này rất ư sống động, và nó cho chúng ta một bài học là nếu muốn đọc sách nước ngoài thì nên dùng nguyên bản, đừng có dại dột dùng bản dịch của những dịch giả mà uy tín học thuật chưa được khẳng định.
Một bài học khác là khi cần tham khảo những sáng tác của các tác giả xưa (ví dụ như các tác giả ở miền Nam trước 1975) thì nên tìm bản gốc, chứ dựa vào bản mới xuất bản sau này thì có khi bị lầm và đánh tráo. Một nền học thuật chẳng biết tôn trọng sự thật là một nền học thuật thối nát (corrupted). Những người tiếp tay làm cho nền học thuật đó trở nên thối nát cần phải bị lên án.

(Tưởng Năng Tiến: Danh hiệu và Nhãn hiệu.
Cuối năm, báo Lao Động hớn hở cho biết một tin vui: "479 nghệ sĩ xúc động khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú... Chúc mừng các nghệ sĩ được nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao đóng góp của đội ngũ những người có tài năng nghệ thuật, tâm huyết, được đồng nghiệp quý mến, công chúng tin yêu".
Bên dưới bản tin (vui) tin thượng dẫn - buồn thay - chỉ có vỏn vẹn hai cái phản hồi, cả hai đều hơi ngán ngẩm : "Phong tặng nghệ sĩ quá nhiều... sẽ tiếp tục phong tặng... , giống như phong tặng quá nhiều Tướng lỉnh..., phong tặng anh hùng, huân chương lao động..., hàng loạt giáo sư tiến sĩ ...có lẽ ra đường gặp các ông các bà hết , hiếm gặp dân đen bao nhiêu , nhưng xã hội vẫn xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, đất nước luôn nguy cơ bị xăm lấn, khoa học kỹ thuật thuộc loại kém của Đông Nam Á...(tranngochung - 05 :43 PM - 10/01/2016)".
Không biết đến khi nào mới chấm dứt việc phong tặng các danh hiệu bắt chước nước ngoài đã quá lỗi thời này ??? Hổng dám "bắt chước" đâu ! Ban phát danh hiệu, huy hiệu, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, giấy ghi công, bằng tuyên dương, bằng tưởng thưởng, và đủ kiểu (đủ cỡ) huân chương, huy chương hay huy hiệu... - xưa nay - vẫn là "sở trường" của nhà nước cộng sản Việt Nam mà.
Chả riêng gì những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu văn nghệ, đám quan chức trên sân khấu chính trị cũng vẫn được chính phủ ban phát bằng khen hay danh hiệu đều đều - theo như lời than phiền của nhà báo Nguyễn Duy Xuân và nhà giáo Hà Văn Thịnh:
- Nguyễn Duy Xuân : Một thực tế đang diễn ra ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là hầu như các danh hiệu thi đua cao quí hoặc khen thưởng danh giá hàng năm đều "chia" cho lãnh đạo theo lệ đến hẹn lại lên, lần trước anh lần này tôi. Phải chăng trong bối cảnh hiện nay người lao động không còn có cơ hội để thể hiện mình ? Chả nhẽ chỉ có tầng lớp lãnh đạo mới là hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước ? Khi người lao động đứng ngoài "cuộc chơi" thì liệu phong trào ấy còn có ý nghĩa, tác dụng gì ?
- Hà Văn Thịnh : Đến cả cái danh hiệu thi đua cũng giành hết phần của dân...
Nói nào ngay thì quả là qúi vị quan chức có "giành" nhưng sao "hết" được mà lo, ông giáo ? Cái gì chớ bánh vẽ thì ở nước ta có bao giờ mà thiếu. Dân có phần riêng của họ chớ. Phần này được chế biến theo công thức "đại táo" và phân phối theo phương thức... đại trà. Ở đâu mà không có đám "nông dân giác ngộ" hay "công nhân tiên tiến". Số còn lại nếu không là "trí thức yêu nước" thì cũng cũng là "chiến sĩ thi đua," "tư sản tiến bộ," hay "nghệ sĩ nhân dân," hoặc "nhà giáo ưu tú" cả.
Ở bình diện tập thể, cùng với những gia đình thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ... còn có vô số những gia đình mẫu mực và gia đình văn hóa nữa. Nhiều nơi còn nới rộng phạm vi gia đình ra tới đơn vị làng xã (văn hoá) luôn, cho nó tiện việc sổ sách.
Cuối năm 2015, báo Công An Nhân Dân tổng kết :
"Cả nước ta hiện nay có 22 triệu gia đình trong đó có 19 triệu gia đình đạt chuẩn ‘Gia đình văn hóa’, đạt tỉ lệ 85, 03 %. Theo số liệu này, chứng tỏ số lượng gia đình văn hóa của ta đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái... Thật hoang mang với sự tồn tại của ‘gần 19 triệu gia đình văn hoá’ trong một khí quyển văn hóa như bây giờ !".
Các anh "công an" cũng làm bộ than "hoang mang" cho nó có vẻ tình cảm (chút xíu) vậy thôi, chớ họ thuộc nằm lòng danh sách số gia đình không được ban phát danh hiệu, và bị dán nhãn hiệu là "gia đình phản động," "gia đình có kẻ vượt biên, "gia đình có kẻ đi tù" ... Và tất cả đều sẽ bị hành cho tới bến. Tới lúc đó thì người dân mới hiểu thấm thía nỗi lo âu của những kẻ "bị đảng ruồng bỏ" (hay "trừng phạt") đáng sợ ra sao: "Khi danh sách cử tri được trương lên quanh khu bầu cử từ nhiều ngày trước đó, vợ chồng tôi nhìn nhau mà đọc thấy mối lo không thành lời : Trong những dòng chữ ghi tên họ cử tri chi chít như kiến bò kia có tên tôi không ? Không có tên trong danh sách đi bầu thì không chỉ nhục nhã cho mình, cho vợ mà còn khốn nạn suốt đời mình, khốn nạn suốt đời con. Vợ tôi đi thám thính, làm như có việc ra Ngã Sáu mua bán cái gì đó, ghé qua xem danh sách như những người vô công rỗi nghề và trở về nhà cố nén để khỏi reo lên : ‘Có tên bố nó. Em xem rồi. Bùi Ngọc Tấn. Mười. Điện Biên Phủ.’ Tôi như vừa qua được căn bệnh hiểm nghèo, thoát khỏi chứng ung thư di căn, dù vẫn còn lo có người nào đó gửi đơn lên trên phản đối. Tôi lại được vào Nhân Dân rồi ! Tôi lại đứng trong hàng ngũ những người được đảng lãnh đạo rồi ! Không bị đảng ruồng bỏ trừng phạt nữa ! Tôi đem dán cái chứng chỉ dấu son Gia Đình Văn Hóa Mới, vốn liếng chính trị và tài sản lớn nhất của gia đình, ngay phía trên bàn tiếp khách của tôi và cũng là bàn học của các con tôi. Nơi đập vào mắt mọi người. Để ai đến nhà cũng thấy ngay, biết gia đình tôi đã lại được là một gia đình bình thường như mọi gia đình khác, hơn thế còn là một gia đình văn hóa mới (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương : Virginia, 2015).
Đã có biết bao nhiêu người Việt vì bị dán cho một cái nhãn hiệu (địa chủ, phú nông, Nhân Văn, xét lại, tư sản ...) mà bỏ mạng. Đôi khi, chỉ cần một cái nhãn rất lờ mờ là ("có vấn đề") cũng đủ để... tàn đời trong ngõ hẹp: "Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu đó là cái đói... Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống ? ...Tôi không thể ra đạp cyclo như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không phải vì chuyện ‘thiên hạ xầm xì’ mà chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện đó : hoặc người ta không dám gọi tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một hai chuyến đi không đủ để mua thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tụy lắm rồi...".
"Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng..." [Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié - Hanoi 1954-1991 : Procès d’un intellectuel, trans. Nguyễn Quốc Vĩ - "Kẻ Bị Mất Phép Thông Công, Hà Nội 1954-1991 : Bản Án Cho Một Trí Thức" (Thông Luận Online)].
Cái thời khốn nạn này, may quá, đã qua. Những cái nhãn hiệu "nguy hiểm chết người" (phản động, tư sản, xét lại, hữu khuynh, vượt biên, phản kháng...) nay không còn giết chết được ai mà còn khiến cho bao người lấy làm... vinh dự. Đã thế, không ít những bản án tù của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn "phong thánh" hay "chấp cánh" cho nạn nhân.
Nhãn hiệu cùng với mọi hình thức trừng phạt không còn hiệu lực, đã đành, danh hiệu và phần thưởng cũng chả còn khiến cho người nhận lãnh lấy làm vinh dự nữa. Ngày 28 tháng 8 năm 2011, nhật báo Người Việt buồn bã loan tin :  "Bốn nhà văn lớn từ chối giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Gia đình nhà văn Sơn Nam là người mới nhất muốn rút khỏi danh sách đề cử hai giải thưởng văn học trong nước năm nay, là giải Nhà Nước và giải Hồ Chí Minh. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, cũng xin rút ra khỏi danh sách dự giải".
Ngày 20 tháng 01 năm 2013, Báo Mới ái ngại cho hay tiếp: "Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012 : Chưa trao đã bị từ chối. Trong bức thư gửi lên Chủ tịch và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban nêu rõ lý do không nhận bằng khen của Hội : Tôi từ chối không nhận bằng khen. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thừa nhận Ban giám khảo này. Tại sao tôi lại phải chấp nhận một Ban giám khảo không đủ Tâm đủ Tầm đủ Tài ?"
Vô tài, và bất đức không phải chỉ là những thuộc tính "dành riêng" cho nhân sự của Ban Giám Khảo - Hội Nhà Văn Việt Nam. Theo BBC, vào hôm 9 tháng 1 năm 2013, Nghệ sỹ Kim Chi (người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam) còn tuyên bố: "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm".
Qua năm nay, may thay, mới có nhân vật cảm thấy "vinh dự" vì được Đảng và Nhà Nước phong tặng là Nghệ Sĩ Ưu Tú. Báo Dân Trí, số ra ngày 10 tháng 1 năm 2016, hân hoan loan báo : " ... lần đầu tiên một nghệ sĩ hải ngoại được đặc cách nhận danh hiệu này". Đây là một (D) anh hề, Hoài Linh ! (Nguồn : RFA, 02/02/2016 (tuongnangtien's blog)

(ii) Nguyễn Khắc Mai: Thơ Tặng Giáo Sư Nguyễn Đình Cống.
Nhân đọc lời tuyên bố bỏ đảng Cộng sản Việt Nam cứ kiên trì chủ nghĩa Mác Lê nin và tiến lên chủ nghĩa xã hội của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khiến Đất nước ngày càng lệ thuộc Trung cộng, ngày càng suy đồi, tụt hậu xa so với lân bang. Tôi thấu hiểu tâm trạng của kẻ sĩ đối với vận nước, luôn luôn đau đáu cái nghĩa lớn “thất phu hữu trách”, tôi có mấy vần cảm khái:
Thơ này gởi tặng mừng Ông Cống,
Bỏ đảng về Dân nhẹ như không.
Kẻ sĩ tâm hồn cao lộng lộng,
Sá gì sương tuyết nghễ cùng thông.
Ông già điếu đóm cho Minh Triết Nguyễn Khắc Mai, vào chiều giá lạnh, 25 tháng Chạp Ất Mùi, uống rượu với bạn bè, dựng nêu lên trời ở xóm Tỏ Văn Lâm Trấn Hải Đông xưa. Anh em mở điện thoại đọc cho nghe bài Tuyên bố ra đảng của Ông Cống, bèn sinh tình làm thơ tặng.
Kính nhờ quý mạng đăng để mừng ông nghè Cống.
(BBC: Gs Nguyễn Đình Cống từ bỏ Đảng.
Trên trang cá nhân, giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trí thức tại Quảng Bình, thông báo ông 'từ bỏ Đảng' từ ngày Ba tháng Hai. Ông Nguyễn Đình Cống viết: “Tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách”.
Trả lời BBC Tiếng Việt về quyết định của mình, Giáo sư Cống cho biết nguyên nhân việc làm của ông: “Thực ra ý định ra khỏi Đảng có từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo dài ra đến Đại hội 12 vì trước đại hội 12, tôi cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho đại hội, muốn đại hội thảo luận, trao đổi."
"Tôi chờ xem thử đại hội có trao đổi, thảo luận gì không, có chuyển biến gì không.". "Rồi sau đại hội, không thấy chuyển biến gì cảm thì tôi quyết định dứt khoát ra khỏi Đảng.”
Khi được hỏi đã đóng góp ý kiến gì, ông liệt kê:“Tôi có nêu ý ‎ kiến Chủ nghĩa Marx - Lenin là không thích hợp nữa, nên bỏ nó đi. Chứ đừng có kiên trì Marx- Lenin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đất." "Nghĩa là phải thay đổi thể chế chính trị, chứ không phải giữ nguyên như thế này."

Không được phản hồi
“Nên bỏ cái tên Đảng Cộng sản, lấy lại cái tên Đảng Lao động Việt Nam. Nếu không được thế thì chia cái đảng này ra làm hai. Một bên anh nào muốn giữ Đảng Cộng sản thì cứ giữ, còn số nào không muốn theo Đảng cộng sản thì cứ lập ra một cái đảng mới.” - Ông giải thích.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói ông đã gửi những đóng góp của mình đến các hòm thư thu thập ý ‎ kiến của Trung ương Đảng, của tuyên huấn, và ông đăng công khai thư ngỏ của mình trên các trang Basam, Bauxite, trang cá nhân. Tuy nhiên, ông “không nhận được bất kỳ một phản hồi nào hết”.
Thông báo từ bỏ Đảng của giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận được hơn 6000 like chỉ sau vài giờ đăng lên.
Ông là cựu giảng viên tại Đại học Xây dựng. Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1985, khi công tác tại trường này, khi ông là Phó giáo sư. Hiện nay ông đã nghỉ hưu và có học vị giáo sư. Ông vẫn theo đuổi các chương trình giảng dạy từ khi nghỉ hưu.).

(Ngụy Hữu Tâm: Bài báo nhân kỷ niệm thành lập Đảng
Hồi đó là vào những năm đầu chiến tranh, khoảng năm 1964-1965 gì đó, tôi mới vào đại học. Tôi lúc đó vừa qua cái tuổi 20. Không như các bạn trẻ bây giờ thường học hết trung học phổ thông rồi vào thẳng đại học, mà vì có cái may là năm 1956 đã đi thiếu sinh quân ở CHDC Đức, và còn tiếp tục học trường công nhân kỹ thuật ở đấy 3 năm, tốt nghiệp về nước làm việc 2 năm rồi mới thi vào đại học. Vì đã đi làm và có quyết tâm học nên sau khi đã sử dụng thành thạo tiếng Đức, trong 2 năm song song đi làm và theo học bổ túc văn hóa, mỗi năm tôi tự học thêm một ngoại ngữ nữa, tức là ngoài tiếng Đức còn võ vẽ, tôi còn biết cả tiếng Nga và Pháp nữa. Bởi lẽ học đại học thời đó, tiếng Nga rất quan trọng, có lẽ còn hơn cả tiếng Anh bây giờ, do sách tham khảo tiếng Việt hầu như không có, với ngành vật lý chúng tôi, duy nhất chỉ có ít cuốn toán đại cương và cuốn cơ lượng tử là sách dịch của Nga, nhưng ở thư viện ê hề sách tiếng Nga, nên trường dành rất nhiều giờ cho việc ngọai ngữ. Vì khi thi vào, đạt điểm tiếng Nga rất cao, nên các thầy cho nghỉ giờ ngoại ngữ, tôi chơi dài.
Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2 năm đó, báo Cứu Quốc của Mặt trận Tổ Quốc mà cụ nhà tôi, một nhân sĩ (xin các bạn trẻ hiểu cho đây là danh từ thời đó chỉ người ngoài đảng, hơi có nét miệt thị chút đỉnh) trí thức nổi tiếng, vốn hay tham gia viết, có mời cụ góp một bài. Chắc cụ chán lắm nên mới giao cho tôi viết. Tôi hiểu như vậy vì cụ đã kể, sau khi tốt nghiệp trường Sorbone, đang say mê nghiên cứu vật lý nguyên tử ở phòng thí nghiệm của giáo sư Joliot-Curie tại Paris, thì Thế chiến thứ Hai bùng nổ. Trước tình hình phòng thí nghiệm bị Bộ Quốc phòng trưng dụng để tiến hành những nghiên cứu phục vụ quân sự, thầy cụ, vốn là đảng viên cộng sản Pháp, khuyên cụ về nước nhằm đóng góp thiết thực cho nhân dân nước mình chứ không nên ở lại Pháp, nên cụ đã làm theo lời khuyên đó của thầy. Việc về lại Việt Nam của cụ như vậy là hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu nước mà thôi. Hơn nữa, những năm ba mươi thế kỷ trước, mấy ai hiểu được thuyết Mác–Lê như bây giờ, nhất là dấu ấn Stalinist chưa rõ, còn thuyết Maoist lại chưa có.
Đúng như người ta thường nói: Khi 20 tuổi mà không yêu chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, còn khi đến 30 tuổi mà vẫn còn tin vào chủ nghĩa cộng sản thì sẽ là không có não bộ.
Thế nên khi về nước dạy học và tổ chức những hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp cho học sinh của mình rồi tham gia Cách mạng tháng Tám 1945, rồi khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, làm cán bộ trung cao cho Bộ Giáo dục của thể chế mới, tiếp xúc với các đảng viên cộng sản Việt Nam, dần dà cụ cũng hiểu ra. Vì vậy vào năm 1951 Đảng Lao động Việt Nam được thành lập mà thực chất chỉ là một vụ thay tên, hay trá hình mà thôi, nên cụ đã hiểu ra ngay, nhất là nét Maoist đã lộ rõ trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, do đó khi thứ trưởng Bộ Giáo dục gợi ý cụ vào đảng, cụ đã từ chối. Hiển nhiên là những trí thức như cụ tôi, họ không chỉ có trái tim, mà cả khối óc nữa.
Cũng chẳng khó khăn lắm cho việc viết một bài 500-1000 chữ, vì ngày nay các bạn có thể dễ dàng nghĩ ra, theo cái khuôn sáo mà bây giờ ai cũng biết đó và cho đến nay, sau năm với biết bao nhiêu biến cố xảy ra trên thế giới và nhất là ở nước Việt Nam ta và đảng cũng đã 86 tuổi mà vẫn chẳng chịu thay đổi gì nhiều, thì dù ở tuổi này đã bắt đầu chớm mắc bệnh Alzheimer, tôi vẫn nhớ như in và sẵn sàng viết lại ngay được.
Thấm thoát nửa thế kỷ đã trôi qua, nghĩ lại mình viết bài báo ca ngợi đảng ở tuổi đó cũng là do thật sự say mê. Không những thế, người đọc, đảng viên hay ngoài đảng, do thông tin chỉ độc chiều chứ không đa chiều như ngày nay, vẫn mang niềm tin ấy, nhất là khi xung đột hai phe lên đến đỉnh điểm, thì nay soi lại, bài báo đó rất bình thường. Còn với sự toàn cầu hóa và phát triển mạng xã hội, lượng thông tin lề trái, lề phải ê hề, chẳng còn ai, ngay cả đảng viên, thật sự tin vào đảng và chủ nghĩa cộng sản nữa, thì chắc chắn là ai cũng phải thấy rằng, bài báo này ngây ngô lắm.
Nhưng dẫu sao, dù cho đến khi về nghỉ hưu, tôi vẫn làm trong nghề vật lý, thì trên thực tế tôi đã bắt đầu viết báo từ thời đó, và rất nhanh, ngay bài đầu tiên đã được đăng (mà bây giờ khó khăn đến thế, nhất là với báo lề phài, vì nếu mình viết thực thì làm thế nào để mà lọt được mắt xanh của tổng biên tập), dù bài báo mang tên ông bố mình. Không những thế, Cứu Quốc trả nhuận bút rất nhanh và rất hậu hĩnh. Dĩ nhiên cụ nhà đưa tôi ngay số tiền đó, dẫu sao cũng là hàng chục bát phở, mà với sinh viên hay bất cứ ai của bất cứ thời đại nào, tiền kiếm được bằng sức lao động của chính mình mới quí làm sao và tôi đã từng sung sướng thế nào.
Để kết thúc cho bài viết ngắn gọn này, xin vận dụng một cách hết sức linh hoạt về nhận xét tim óc ở trên cho Việt Nam ta như sau: Nếu như vào thế kỷ 20 còn hạn hẹp thông tin mà không yêu chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, thì vào thế kỷ 21 của facebook và mạng xã hội, mà vẫn còn tin vào chủ nghĩa cộng sản và đảng của nó, thì chẳng những không có cả trái tim lẫn khối óc, hơn nữa còn phơi bầy mục đích duy nhất là lòng tham vô độ về quyền lực và lợi ích vật chất.).

(Đinh Phương: Ván bài của người Bắc
Lời tác giả: Người viết nói ra điều này có thể bị hiểu theo một cách khác là kỳ thị người bắc. Nhưng thực tế người viết gốc người miền bắc, chỉ muốn nói ra một sự thực với hy vọng đánh động được vào cách suy nghĩ về những vấn đề liên quan một cách tích cực, nhất là với giới trí thức đang cầm bút. Người ta thường giương khẩu hiệu Bắc-Trung-Nam là một, nhưng thực tế đấy chỉ là những lời có cánh.
***
Cái đặc tính kỳ thị vùng miền được cổ súy trong văn chương dân gian, và còn được lưu truyền cả trong sách giáo khoa: “Ta về ta tắm ao ta / dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Suy diễn và hành động theo nhưng câu ca dao như trên sẽ đưa đến trước hết là cục bộ gia đình, sau đó là bè phái họ hàng bạn bè thân thuộc, rồi xa hơn là cục bộ vùng miền, quốc gia xuyên quốc gia. Vô tình hay cố ý, nó làm cho người ta nghĩ đó là tự nhiên, một sự tự nhiên mang tai hoạ của một khối u ác tính. Ở thời buổi văn minh hiện đại cùng với xu hướng toàn cầu hóa, lối tư duy này xem ra rất “phản động”. Biết rõ người nhà mình sai, nhưng vẫn mưu mẹo để chống chế. Biết rõ đất nước người ta giầu mạnh nhưng cứ khư khư là đang giẫy chết (và cũng muốn người ta chết thật).
Sau khi đất nước “thống nhất”, “giang sơn được thu về một mối”, thì tình trạng “không thống nhất” vùng miền có cơ hội thể hiện rõ nét nhất. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này ở mọi nơi sinh hoạt.
Trong cuộc chiến anh em, cho dù một số người nam – dưới tên là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” (MTDTGPMN) – đã sát cánh cùng người bắc để chiến thắng toàn bộ miển nam, và cho dù đã 40 năm “anh em” hòa hợp tay bắt mặt mừng, thế nhưng cái đố kỵ vùng miền vẫn còn được giắt ở thắt lưng, từ hạ tầng đến thương tầng của xã hội.
Thể hiện sự “thâm thúy” của mình, người bắc “xuất chiêu” với người anh em miền nam ngay sau khi “giải phóng”. Năm 1976 – chỉ một năm sau – cái gọi là “Tổng tuyển cử thống nhất đất nước” đã vĩnh viễn đưa MTDTGPMN của người miền nam đến phần huyệt mộ, và họ ồ ạt đưa đưa cán bộ người bắc vào nam nắm các vị trí chủ chốt đến tận cấp xã phường cho tới hôm nay. Còn “Đạp-Đồng-Đài” ở đâu có sẵn cho họ “Vào-Vơ-Vét-Về” thì chỉ là câu chuyện cười khẩy lúc bù khú.
Đọc qua các tài liệu như “Bên Thắng Cuộc”…, thì kỳ thị vùng miền rất sít sao ở thượng tầng kiến trúc chính trị. Những mưu toan nhân sự với “tư duy bắc kỳ” đã ảnh hưởng toàn bộ đến sự phát triển và tồn vong của đất nước coi như gần một thế kỷ qua. Kết quả là gì hôm nay?
Nhiều người trong dịp đại hội đảng XII cứ đồn đoán lăng nhăng, nhưng ít ai chịu nhận ra là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người miền nam – chỉ là “con ghẻ” của đảng. Giả thử nếu ông Dũng là người bắc, thì rất khả dĩ là ông ấy không bị hất ra không trống không kèn như thế. Không mấy người thần tượng ông Dũng, nhưng dù sao trong xứ mù thì ông Dũng còn là người chột – dù dưới sức ép ngàn cân của Tầu – dám tuyên bố trước bá quan văn võ là “nhất định không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng với tình hữu nghị viển vông lệ thuộc nào đó”.
Nhiều người bảo ông Trọng lần này mưu cao. Thực chất ông Trọng đâu phải tính toán nhiều, đứng đằng sau ông Trọng cả là một ban bệ "thâm mưu” người bắc, mà họ lại nằm trong Trung ương, nắm bộ Chính trị. Họ vận dụng “văn hoá vùng miền“ với "dân chủ tập trung“ thì dân miền nào – ngoại trừ người miền bắc – dù có giỏi đến đâu cũng bị kéo lật nhào khỏi cái ghế chóp bu quyền lực, bằng mọi giá. Đừng có mon men! Ông Trọng chỉ cần ngoáy chỗ này một tí, chọc chỗ kia một tẹo, thế là xong. Tiêu chuẩn đầu tiên: “Tổng bí thư phải là người miền bắc” đâu có phải là lời nói để đùa một cách vô tình. Đằng sau nó cả là một “triết lý” đấy chứ! Thế là ông Dũng miền nam ngã ngựa, cho dù bao nhiêu quan hầu chung quanh.
Trong ván bài chính trị truyền thống của đảng, người bắc (và người trung phía bắc) luôn giành nắm bài chủ. Họ luôn cục bộ bè phái như thế. Người nam (và người trung phía nam) chỉ là “người phu khiêng kiệu cưới”.
Bất luận thế nào, người bắc đã lãnh đạo miền bắc hơn 70 năm và miền nam hơn 40 năm. Họ để lại cho Việt Nam một đất nước rất dễ bị người dân từ chối. Kết quả thấy rõ là ở đâu họ cầm quyền càng lâu thì vùng đất ấy lại càng sa lầy, xã hội càng bạo lực, văn minh càng luẩn quẩn và kinh tế nồng mùi lúa nước. Đơn giản: Thầy trò họ truyền cho nhau những lý luận giáo điều, không được giáo dục để có một tư duy trong lành. Cứ đời ông này tiếp sang đời ông sau như thế.
Sự khác biệt về cách sống của Sài Gòn và của Hà Nội đã nói lên tất cả dù đã có hơn 40 năm nối liền. Có nhiều người mơ mộng: Sao ngày 30.04 ấy không phải là ngày miền nam giải phóng miền bắc?...
Để tồn tại và thăng tiến, đã đến lúc xã hội Việt Nam phải tự khai phóng khỏi những tư duy giáo điều và lý luận độc hại. Người dân phải nắm được quyền tự quyết để chọn người đại diện điều hành đất nước. Và ai, người miền nào cũng được, miễn là họ có tài, can đảm, và đồng thời có lòng với người dân, tránh được „khủng hoảng lãnh tụ“ như hiện nay. Chúng ta có sẵn lòng không?
Đại hội đảng XII đã xong. Với “nhân sự mới”, đất nước sẽ đứng lại thêm ít năm nữa – chứ không phải “Đất nước đứng lên” như của nhà văn Nguyên Ngọc – Muốn đứng lên sánh vai cùng cường quốc năm châu, Việt Nam cần phải có một hệ thống chính trị với tư duy mới, con người mới, ít nhất là khác hơn với cũ như đang hiện hình. Càng kéo dài thêm tình trạng như hiện nay thì đất nước càng mạt vận. Chúng ta chưa có gì đáng tự hào, ngoại trừ tự hào chiến tranh, đánh thắng hai đế quốc theo kiểu của mình: “Lấy thân chèn pháo” và “chui luồn điạ đạo Củ Chi”.).

(2) Thơ Xuân từ Bạn bè
(i) Hoàng Lộc: Ngày cận Tết
cứ ngồi ngó nắng về sân
ngó ta thấy được có lần về quê
bửa thêm gốc liễu sau hè
chụm cho nồi bánh tét vừa mới sôi
     ngó ta ngó gió qua trời
     thổi bay mấy sợi tóc, vai lạnh tràn
     để ngày cận Tết buồn hơn
     nhớ em và những dặm ngàn ờ xa...

(ii) Phan Xuân Sinh: Đêm ba mươi, uống rượu
trời lạnh, đêm tàn. Một mình uống rượu
một mình ngồi giữa đêm ba mươi
tìm quanh không thấy một bóng người
lòng rủ, mắt đục mờ sương khói
     lại thêm một năm trông mòn mỏi
     bạn bè tứ tán biết về đâu
     nâng ly, biết ai cụng với nhau
     đành thôi một mình ta cạn chén
sao rượu bữa nay, vừa cay, vừa đắng
vừa nhạt, vừa chua, như nước cơm thiu
nhớ ai, mà hồn phách quanh hiu
mới hay thấm nỗi lòng xa xứ
     không đậm đà thiếu tình rót xuống
     nên rượu vữa giữa lúc tàn đêm
     ta ôm mặt, làm một kẻ hèn
     thôi cuộc rượu kể như hỏng mất
đêm ba mươi, ngồi đây hiu hắt
mắt như chìm giữa chốn mù sa
lòng thấm đẩm một kiếp xa nhà
rượu bốc lửa vẫn không cháy được.


(iii) Lê Ký Thương: Thơ viết trên nón cời
Chim cu gù ngọn cau
giục ngày qua mau Tết
anh hái chùm bồ kết
dành cho em gội đầu
     Anh sửa lại cây cầu
     nối hai bờ mương nhỏ
     sợ em sẽ là... thỏ
     cầu khỉ không dám đi!
Anh tậu đôi gà ri
nhốt trong chuồng làm cảnh
mỗi bận em rỗi rảnh
sàng gạo cho chúng ăn
(cha mẹ khỏi cằn nhằn
con dâu lười chây xác)
     Anh đan chiếc giỏ lác
     cho em đi chợ quê
     anh chằm nón bài thơ
     cho em về thăm Mạ...
Lo cho em mọi lẽ
trước khi về với anh
nhưng em bặt tăm tăm
bắt anh tìm mãi mãi...
     Anh lên đồng Con Gái
     lại cụng mặt Đồi Ông
     anh vác cuốc chạy rong
     mương Bà Bầu cạn nước
Cây cầu sửa hôm trước
nhịp gãy tự bao giờ?
Gạo mới xay nằm chờ
đôi gà ri kêu đói
Chiếc giỏ treo cành ổi
Nón bài thơ đứt dây...
     Anh như thằng say say
     thương mình mình còn tỉnh
     bước bước đi vô định
     tìm em tìm tìm em...

.........................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: