BẢN TIN THÁNG HAI TẠI SAN JOSE
Thưa Quý Vị cùng các Bạn Hữu,
Bản tin này gồm 2 phần:
(1) Viet Museum đón khách và
Viet Museum đón khách đầu xuân.
Quí vị nguyên Tổng bộ trưởng và các viên chức của nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam sẽ từ các nơi xa về thăm San Jose. Quý ông Hoàng Đức Nhã, bác sĩ Trần Quang Minh, Cao văn Thân, Nguyễn Đức Cường, Vũ Tường, Lê Mạnh Hùng, Lê Phan...
Đầu năm Bính Thân 2016 cũng là dịp cơ quan IRCC đạt thành tích 40 năm thành lập, Viet Museum đã có hân hạnh đón tiếp nhiều quan khách đầu năm tại Bảo tàng Viet Museum nằm trong San Jose History Park lối vào trên góc đường Pheland và Senter giữa thành phố San Jose.
Tại đây đã tổ chức tiếp tân đón khách vào ngày thứ bẩy 28 Tết âm lịch và tiếp theo qua ngày cuối năm cho đến mùng một Tết. Nhiều thân hữu và đồng hương đã từ miền Nam CA và các nơi khác về thăm Viet Museum.
Đặc biệt cuối tuần này, nhân dịp quan khách về tham dự chương trình ra mặt sách của giáo sư Lê Mạnh Hùng từ Luân Đôn, Anh quốc nhiều thân hữu đã về thăm San Jose.
Nhân danh giám đốc cơ quan IRCC và Viet Museum, chúng tôi tổ chức tiếp đón phái đoàn quý vị Tổng bộ trưởng và công chức của nội các Đệ nhị Cộng hòa.
Cuốn sách tập thứ 5 trong bộ Sử của giáo sư Lê Mạnh Hùng phát hành lần này mang danh hiệu Nhìn lại lịch sử thời cận đại từ 1945 đến 1975.
Đây chính là thời gian ý nghĩa của Viet Museum. Trên 4 ngàn năm lịch sử Việt Nam lập quốc chúng tôi không đủ khả năng xây dựng một viện bảo tàng lịch sử toàn diện. Viet Museum chỉ thu lại một khoảng khắc thời gian ngắn nhưng hết sức quan trọng ghi dấu sự khởi đầu của cộng đồng người Việt hải ngoại. Thời gian này cũng rất thích hợp với tác phẩm sẽ ra mặt sách tại San Jose.
Vì lý do kể trên, chúng tôi hân hạnh có sự giúp đỡ của ông Nguyễn Đức Cường, thu xếp tổ chức buổi thăm viếng tại vườn lịch sử San Jose.
Ông Cường nguyên là Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ VNCH. Trước đây ta vẫn gọi là Bộ Kinh tế. Ông cho biết phái đoàn thăm viếng sẽ có mặt khoảng 15 vị từ Anh quốc, Canada và nhiều tiểu bang tại Hoa kỳ cũng về San Jose:
* Bác sĩ Trần Quang Minh, nguyên thứ trưởng Canh Nông về từ Kentucky.
* Ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Chiêu Hồi và Dân Vận, về từ Illinois.
* Ông Cao Văn Thân, nguyên Tổng trưởng Phát triển Nông Thôn về từ Canada. Được biết ông là tác giả của chương trình Người Cầy Có Ruộng, một thành công lớn lao của nền Đệ nhị Cộng hòa thời Tổng thống Nguyễn văn Thiệu.
* Tiến sĩ Vũ Tường, hiện là giáo sư chính trị học của đại học Oregon.
* Tiến sĩ Lê mạnh Hùng và phu nhân - nhà báo Lê Phan - đến từ Luân Đôn.
Bà Lê Phan là con gái của Thủ tướng Phan Huy Quát, người đã qua đời trong nhà tù cộng sản.
Toàn thể phái đoàn thân hữu của tác giả Sử học Lê Mạnh Hùng sẽ được ông Nguyễn Đức Cường hướng dẫn thăm Viet Museum vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ bẩy 20 tháng 2-2016.
Tại đây quan khách sẽ có dịp tưởng niệm các tử sĩ QLVNCH và các anh hùng tuẫn tiết ghi danh trên tấm bia lịch sử. Đồng thời cũng có dịp tưởng nhớ các thuyền nhân hy sinh trên biển cả được ghi dấu hiện diện trên hai thuyền vượt biên từ Cà Mâu, miền Nam và từ Hải Nhuận, miền Trung..
Vì ý nghĩa của tác phẩm Nhìn Về Lịch Sử viết về giai đoạn lịch sử xây dựng hai nền Cộng hòa miền Nam, quý vị quan khách đến thăm Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt nam Cộng Hoà sẽ là một dịp hết sức ý nghĩa.
Đây là Viện bảo tàng đầu tiên và duy nhất tại hải ngoại. Tổng số tác phẩm và di vật hiện được đánh giá theo trị giá bảo tàng là 2 triệu 700 ngàn mỹ kim. Bao gồm di sản bảo tàng các tranh sơn dầu, các bức tượng và tài liệu vô giá của VNCH đặt trong tòa nhà Victoria lịch sử có gần 200 năm tuổi thuộc khu vườn lịch sử San Jose hiện được coi như di sản quốc gia.
Chúng tôi xin hân hạnh loan báo việc đón chào quý quan khách tới Quý vị cùng các Bạn hữu.
Nhân dịp nầy Viet Museum xin có đôi lời thưa với quý vị:
1) Vì có khách phương xa đến Viet Musem, nếu quý thân hữu trong tình quen biết hay vì chung lý tưởng VNCH muốn đến tham dự buổi tiếp tân tại Viet Museum, xin vui lòng cho biết để Ban Tổ chức tiện việc sắp xếp. Buổi tiếp tân số chỗ có giới hạn nên rất cần để chuẩn bị trước. Xin liên lạc về (408) 316 8393 hoặc email giaochi12@gmail.com.
2)Viet Museum luôn luôn hoan nghênh các vị tổ chức đại hội đón khách phương xa liên lạc với chúng tôi để mời toàn thể quý anh chị em đến thăm một lượt. Cần thông báo để được đón tiếp và hướng dẫn.
3)Ngoài ra cũng xin mời quý đồng hương tại San Jose cùng đến dự buổi ra mắt sách Nhìn lại Sử Việt Thời Cận Đại Từ 1945 - 1975 theo bản tin dưới đây.
Vũ Văn Lộc.
Giám đốc IRCC, chủ tịch sáng lập Viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH.
***************************************************
RMS NHÌN LẠI SỬ VIỆT TẬP 5 (THỜI CẬN ĐẠI TỪ 1945 - 1975)
SỬ SÁCH ĐỢI CHỜ.
Giao Chỉ, San Jose
Rất hân hạnh được ông Nguyễn đức Cường giới thiệu lại còn có công gửi tặng tập sách, chúng tôi hết sức cảm tạ. Ông Cường, nguyên Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ VNCH hiện cư ngụ tại Bắc Cali đã giới thiệu với chúng tôi 2 tác phẩm.
Một tác phẩm bằng Anh ngữ : Khi Đệ Nhị Cộng Hòa Lên Tiếng (Voices from the Second Republic of South VietNam). Sách do Cornell Southeast Asia xuất bản, tác giả K.W. Taylor chủ biên và bao gồm tham luận của nhiều nhân sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Quý ông Bùi Diễm, Phan công Tâm, Nguyễn ngọc Bích, Trần quang Minh, Nguyễn đức Cường, Phan quang Tuệ, Trần văn Sơn, Mã Xái, Hồ văn kỳ Thoại, và Lữ Lan . . .
Trong 1 dịp khác, chúng tôi sẽ đọc và bàn về những tiếng nói của nền Đệ nhị Cộng hòa.
Bây giờ xin được giới thiệu 1 tác phẩm sẽ ra mắt cuối tuần tại San Jose.
Nhìn lại sử Việt tập 5.
Tác phẩm này của Tiến sĩ Sử Đại học Anh quốc Lê Mạnh Hùng. Ông bà từ Luân Đôn qua Cali ra mắt sách. Tuần trước tại Nam Cali, tuần sau tại Bắc Cali vào 13:00PM ngày thứ bẩy 20 tháng 2-2016 tại Khu Hội Tù Chính Trị, 111 E. Gish Rd. San Jose 95112.
Theo ban tổ chức thông báo ngoài ông bà tác giả, còn có 2 diễn giả tham luận là giáo sư Vũ Tường, đại học Oregon và nguyên Tổng trưởng Chiêu hồi và Dân Vận Hoàng đức Nhã. Cùng hiện diện bên cạnh tác giả là nhà truyền thông Lê Phan. Bà là con gái của thủ tướng Phan huy Quát.
Chúng tôi rất hân hạnh giới thiệu buổi ra mắt sách rất đặc biệt tại San Jose. Bây giờ xin giới thiệu thêm về tác giả và tác phẩm.
Tiến sĩ sử học Lê Mạnh Hùng.
Ông Hùng không phải là người xuất thân theo ngành sử học từ đầu. Ông tốt nghiệp cao học kỹ sư từ MIT nổi danh của Mỹ về ngành đóng tàu biển. Nhưng khi tốt ngiệp về Việt Nam lại làm cho bộ kế hoạch. Thời ông Nguyễn Tiến Hưng làm tổng trưởng. Sau 1975 ông Hùng có dịp học chữ Hán khi đi tù cải tạo. Ra tù ông xuất ngoại lại qua làm truyền thông cho BBC tại Úc, tại Anh và Á châu Tự Do tại Mỹ. Khi về hưu ông không làm kế hoạch, không đóng tàu biển, không viết chữ Hán, ông dùng sở học về sử của Luân Đôn để viết sử Việt Nam. Ông bỏ ra 10 năm không gọi là sáng tác sử mà chỉ Nhìn lại sử Việt qua 2,500 trang với 5 bộ sách. Lần ra mắt sách này là bộ thứ năm. Bộ cuối cùng của nhà sử học có bằng cấp mà chỉ tạm gọi là Nhìn lại sử Việt.
Bậc tiền bối của sử học Việt Nam là cụ Trần trọng Kim ngày xưa viết sử cho con cháu cũng chỉ khiêm nhường đặt tên là Việt Nam Sử lược. Chưa phải là sử đầy đủ. Mới chỉ là lược sử. Trăm năm sau vị tiến sĩ Mạnh Hùng cũng khiêm tốn thưa rằng chỉ xin phép nhìn lại sử Việt mà sáng tác đến 2,500 trang. Đó là phần xin viết về tác giả.
Nhìn qua về tác phẩm
Quả thực đọc hết 2,500 trang ngay một lần thì bất khả. Riêng cuốn cuối của bộ sử này chúng tôi có xem qua. Hết sức vất vả. Nhà xuất bản miền Đông Hoa Kỳ của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng phải mất công đọc kỹ, góp hình ảnh và nhất là đem in. Sách dày 750 trang, giá 40 đồng. Chữ rất nhỏ, cầm nặng tay. Sách này mà gửi qua Pháp hay Úc, cước phí có thể gây ngạc nhiên và phiền lụy.
Nhưng ông Nguyễn đức Cường nói rằng sử viết về thời kỳ cận đại 1945-1975 nên rất nặng. Cả nghĩa đen lẫ nghĩa bóng. Tôi cũng nghĩ rằng nặng vì tính chất quan trọng không ngờ vừa nặng về tinh thần vừa nặng về vật chất. Nếu in chữ to cho độc giả bát tuần đọc thì sách có thể lên đến 1.000 trang. Thật là khó nghĩ cho nhà xuất bản, cho tác giả và cho cả độc giả chúng tôi.
Nội dung thời cận đại
Tác giả viết về giai đoạn 1945-1975. Đây là thời lịch sử của chúng tôi, độc giả tuổi 80. Thời kỳ đệ nhị thế chiến chấm dứt. Suốt 30 năm lịch sử của cuộc chiến Quốc Cộng. Chiến tranh Việt Pháp. Những người quốc gia theo Việt Minh chống Pháp, rồi theo Pháp chống Việt Minh khi Việt Minh thành Việt Cộng. Rồi Genève, rồi Bến Hải, rồi di cư. Miền Nam xây dựng 2 nền Cộng Hòa. Chính biến, chỉnh lý, cách mạng. Trải qua bao nhiêu là chiến dịch. Vượt biên sang Cam Bốt. Đánh qua Hạ Lào. Mậu thân, mùa hè đỏ lửa, Hiệp định Paris, giành dân lấn đất. Sau cùng trận 75. Phản chiến nổi dậy, Mỹ bỏ Việt Nam, di tản tan hàng. Miền Bắc trải qua giai đoạn đón tập kết, đấu tố, nhân văn giai phẩm, thời kỳ bao cấp, thành lập mặt trận giải phóng miền Nam. Và sau cùng là chiếm đóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem quê hương lùi lại 20 năm.
Ngày nay dù thời cận đại chấm dứt 40 năm qua nhưng đối với giới cao niên, lịch sử tưởng chừng như mới ngày nào. Đây là loại sử mà độc giả cảm nhận được vì đã từng sống trong các trang sử.
Khi chúng ta đọc sử thời ngàn năm hay trăm năm trước không thể biết rõ được ngọn ngành.
Đọc sử cận đại ba bốn chục năm qua, nếu ta may mắn có thể đã có dịp ngồi ăn phở uống cà phê với các nhân vật lịch sử. Ta có thể hỏi ông Khiêm, Thủ tướng hay ông Khánh, Quốc trưởng rằng sử viết như vậy bác thấy có đúng hay không?
Một vài ý kiến:
Chúng tôi là người xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa nên hết sức trân trọng các tài liệu lịch sử về thời kỳ 1945-1975. Rất mong có thêm các cuốn sử cận đại hơn nữa thời kỳ 1975-2015 tức là 40 năm qua.
Đã biết rằng ngày xưa phải trăm năm sau sử mới thành lịch sử. Vì 5 hay 10 năm sau tài liệu mật chưa được giải và chuyện mới xảy ra thường vẫn còn nhiều tin tức chưa đầy đủ. Nhưng ngày nay chỉ cần 10 hay 20 năm là tin tức đã đủ chín để thành lịch sử. Mong sử gia viết tiếp là vừa.
Kỳ sau có phát hành xin dùng chữ lớn, ngắn gọn hơn và rất cần niên biểu lịch sử rõ từng năm tháng để tiện tra cứu.
Xin cảm ơn, và hân hạnh giới thiệu buồi Ra Mắt Sách Nhìn lại Sử Việt với quý độc giả.
Chuyện sau cùng xin bổ túc.
Ông tổng Cường cho biết vì là lịch sử cận đại nên có sự hiện diện của các ca sĩ Phương Hồng Quế và Mai Lệ Huyền. Ông nói thế hệ mình tuy cận đại nhưng đã quá già, các cô ca sĩ trước 75 mà sao trông vẫn còn trẻ. Tôi nói rằng chúng tôi gần 85 mới già. Ông mới 75 vẫn còn trai tráng. Mai lệ Huyền còn đó, Hùng Cường đi mất rồi, ông Đức Cường nghĩ sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét