Đại sứ Mỹ đạp xe 840 km từ Hà Nội đi Huế bất chấp mưa rét .
Đại sứ Mỹ Ted Osius đã thực hiện chuyến đạp xe dài 840 km từ Hà Nội vào Huế trong những ngày miền bắc trải qua đợt mưa rét khắc nghiệt hiếm gặp. Dọc hành trình, ông và các thành viên trong đoàn đã gặp gỡ người dân địa phương và có các hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ.<!->
Đại sứ Ted Osius đã bắt đầu chuyến đạp xe mang tên "Hành trình Mới" tại Ô Quan Chưởng ở khu phố cổ Hà Nội ngày 24/1 và đi qua một loạt tỉnh thành trước khi kết thúc tại Huế .
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết ông chọn xuất phát ở đó bởi nơi này có ý nghĩa quan trọng về lịch sử và văn hoá đối với người dân thành phố, đồng thời cũng mang dấu ấn quan hệ Việt-Mỹ. Cách đây 5 năm, Mỹ đã tài trợ 74.500 USD thông qua Quỹ Đại sứ Bảo tồn Văn hoá để bảo tồn di tích lịch sử Ô Quan Chưởng.
Cùng đạp xe với Đại sứ Mỹ có 14 cua-rơ khác, cả người Việt và người nước ngoài. Hành trình dự kiến kéo dài 8 ngày. Đại sứ quán Mỹ cho biết chuyến đạp xe đánh dấu giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ngày càng vững mạnh giữa Mỹ và Việt Nam. Sự kiện cũng nêu bật tầm quan trọng của hợp tác giáo dục, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế, chăm sóc sức khoẻ và di sản văn hoá giữa hai nước.
Đoàn đạp xe đã gặp thời tiết không thuận lợi trong nửa đầu hành trình nhưng các cua-rơ đều rất quyết tâm hoàn thành các chặng đường mỗi ngày.
Dọc hành trình đạp xe, Đại sứ Osius và các thành viên trong đoàn đã ghé thăm nhiều nơi, trong đó có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương tại Nho Quan, Ninh Bình.
Đại sứ Mỹ lại gần một con cầy mực, được xếp vào một trong những loài thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Rời Ninh Bình, đoàn đạp xe tiếp tục cuộc hành trình tới Thanh Hóa. Nhà ngoại giao Mỹ cho biết cảnh quan trên đường họ đi qua rất đẹp.
Đại sứ Ted Osius nổi tiếng là người thích đạp xe. Trong thời gian công tác tại Việt Nam vào những năm 1990, ông từng đạp xe gần 2.000 km từ Hà Nội tới Thành phố HCM.
Đại sứ Mỹ tới thăm đền Lam Kinh tại Thọ Xuân, Thanh Hóa.
"Ở đền Lam Kinh, tôi đã có dịp biết thêm về lịch sử Việt Nam mà tôi rất yêu thích, về Vua Lê Thái Tổ và viếng thăm mảnh đất sinh thành của ông", nhà ngoại giao Mỹ viết.
Đại sứ Mỹ thắp hương ở đền thờ phu nhân Vua Lê Lợi và viếng thăm lăng mộ của bà.
Đại sứ Osius tham gia trồng cây để thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhà ngoại giao Mỹ trò chuyện với một người dân địa phương tại Thanh Hóa. Ông Osius nói khá thành thạo tiếng Việt bởi đã học tiếng Việt từ năm 1996 khi mới đến Việt Nam làm việc.
Các cua-rơ đạp xe khoảng 50-95 km mỗi ngày.
Đoàn đạp xe trên đường tới Hà Tĩnh trong ngày thứ 4 của "Hành trình Mới".
Đại sứ Mỹ và các thành viên trong đoàn gặp gỡ người dân địa phương trong một điểm dừng chân ở tỉnh Hà Tĩnh.
"Chúng tôi gặp những người Việt Nam tuyệt vời, nồng hậu và dễ gần ở tỉnh Hà Tĩnh, và ngắm những phong cảnh đẹp", Đại sứ Ted Osius viết trong nhật ký của hành trình.
Đại sứ Mỹ cầm tay các em nhỏ trong chuyến thăm Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã trao tặng các mũ bảo hiểm và máy sưởi.
Nhà ngoại giao Mỹ hôn trán một em nhỏ.
Các cua-rơ chinh phục những cung đường vòng vèo, đầy thử thách để tiếp tục tới tỉnh Quảng Bình.
Đoàn đạp xe ngày 28/1 đã tới thăm động Phong Nha-Kẻ Bàng tại tỉnh Quảng Bình.
Vào sáng ngày 29/1, Đại sứ Mỹ và đoàn đã tới thăm Đại học Quảng Bình. "Ở Đại học Quảng Bình, tiếng Anh là mối quan tâm của mọi người. Nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi bằng tiếng Anh rất tốt về những kỹ năng mà họ cần phát triển để thành công. Tôi đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh và việc tận dụng những nguồn thông tin trực tuyến là rất dễ dàng", ông Ted Osius nói.
Sau Quảng Bình, Đại sứ Mỹ và đoàn sẽ tiếp tục cuộc hành trình tới Quảng Trị. Chuyến đạp xe sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tại Huế.
An Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét