Xin được giới thiệu người lính tên K’ Chên, anh thuộc sắc tộc K'ho. Sinh năm 1944 tại Rhang Pot, xã Tân Lú – Lâm Đồng. Cha là K’ Diơp, mẹ là Ka-Mhao. Anh là người con thứ 3 trong một gia đình làm rẫy. Từ bé tới lớn anh chỉ phụ gia đình và không được đến trường như đa số trẻ em sắc tộc trong thời buổi chiến tranh. Sự sống gắn liền với núi rừng đã bị xáo trộn từ khi người cộng sản xuất hiện tại Cao Nguyên Trung Phần. Nhiều thiếu nhi 14, 15 tuổi đã bị chúng bắt đi và bị biến thành những con thiêu thân cho tham vọng của chúng. Phải may mắn lắm mới thoát được thảm họa này…
<!>
Anh K’ Chên đã gia nhập Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) thuộc Lực Lượng Đặc Biệt năm 1962 khi vừa tròn 18 tuổi tại trại Tân Rai, Bảo Lộc - Lâm Đồng. Còn gọi là Căn Cứ A-232. Năm 1965, một số trại DSCĐ bị giải tán và được sáp nhập. Anh được về trại Bù Đốp, rồi sau đó được chuyển qua trại Tống Lê Chân (Cổng trại viết là Tống Lê Chơn), hay còn gọi là Căn Cứ A-334.
Từ ngày 30 tháng 11 năm 1970, trại DSCĐ Tống Lê Chân được biến cãi thành Tiểu Đoàn 92 BĐQ Biên Phòng. Anh trở thành người lính Mũ Nâu kể từ đấy, Anh cũng được gởi về TTHL Dục Mỹ để được thụ huấn và anh cũng bắt đầu theo học bổ túc về văn hóa từ đó… Xin thưa thêm là TĐ 92 cùng với TĐ 83 và TĐ 64 kết hợp thành Liên Đoàn 33 BĐQ BP.
Trại Tống Lê Chân là cứ điểm vô cùng quan trọng, bắt đầu từ mùa hè đỏ lửa 1972, căn cứ luôn bị cộng quân đè nặng áp lực vì nằm trên trục chuyển quân chiến lược của chúng từ mọi hướng. Nhờ căn cứ này mà An Lộc được giảm bớt áp lực vì nằm cách An Lộc khoảng 15km về hướng tây. Giặc cộng phải dùng lực lượng cấp trung đoàn để cầm chân tiền đồn này vì sợ bị ta khóa đường tiến cũng như rút lui của chúng. Thậm chí ta có thể tấn công vào phía sau lưng chúng trong khi chúng đang tấn công An Lộc.
Từ năm 1973, chúng bắt đầu bao vây và quyết dứt điểm Tống Lê Chân, chính Công Trường 9 đảm nhiệm, tức SĐ 9, VC gọi SĐ là công trường để lừa bịp công luận quốc tế. Dưới sự chỉ huy của Trung Tá Lê Văn Ngôn, TĐ 92 BĐQ BP, trong đó có anh K’ Chên đã đứng vững xuốt 510 ngày đêm. Trong thời gian này cộng sản đã huy động vài trung đoàn từ bộ binh, đến xe tăng, pháo binh và phòng không. Chúng pháo kích ngày đêm và dùng chiến thuật thí quân cổ hữu là “Tiền pháo, hậu xông” nhưng chúng vẫn chuốc lấy từ thất bại này tới thất bại khác với tổn thất nặng nề…
Đêm 11 tháng 4 năm 1974, khi tình hình đã quá nguy ngập, cuộc tử thủ đã mất đi ý nghĩa chiến thuật cũng như tâm lý. TĐ 92 BĐQ BP đã rút khỏi căn cứ an toàn như một phép mầu. 3 người lính đã tình nguyện ở lại để nghi binh và cầm chân. Tuy căn cứ nhiều nơi đã bị tràn ngập nhưng mãi đến ngày 13 chúng mới làm chủ được căn cứ. 3 người lính tình nguyện ở lại thì 2 người đã hy sinh và người thứ 3 bị bắt khi đã bị thương nặng…
Truyền tin hoàn toàn mất liên lạc cho đến 9 giờ sáng ngày hôm sau QĐ III mới liên lạc lại được. Thay vì rút về Tây Ninh ở phía tây hay An Lộc ở phía đông, hoặc Chân Thành ở phía đông nam. Trung Tá Lê Văn Ngôn cho TĐ tiến vào vùng đất địch, có nghĩa là đoàn quân âm thầm tiến lên phía bắc khoảng 15 km, rồi mới rút về An Lộc ở phía đông nam khoảng 20km… Cộng quân cũng không biết TĐ 92 đang ở đâu! Tiểu Đoàn 92 chỉ bắt đầu chạm địch khi đến gần cửa ngõ An Lộc khoảng 5km. Trực thăng C&C (Command and Control = Chỉ huy và Điều khiển) phát hiện Trung Tá Lê Văn Ngôn ở dưới hố bom cùng với khoảng chục người lính bao quanh bảo vệ, sĩ quan liên lạc “năn nỉ” ông rút vào An Lộc ngay vì trời tối mau và không yểm của Không Quân VNCH sẽ gặp khó khăn. Nhưng Trung Tá Lê Văn Ngôn trả lời: “Nói với ông già (Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn Chỉ Huy BĐQ QĐ III) tôi chỉ vào khi đứa con sau cùng của tôi vào được An Lộc”. Qua tần số Không – Lục, Phi công của Không Quân VHCH cũng nghe được và họ đã đánh một trận đẹp mắt, mở được cánh cửa cho toàn bộ 275 người vào được An Lộc, bao gồm 254 quân nhân TĐ 92 BĐQ BP, 2 người lính Pháo Binh, 12 Lao công đào binh và 7 nhân viên phi hành trên 2 máy bay tiếp vận đáp xuống căn cứ Tống Lê Chân nhưng bị bắn hư hỏng nặng không thể cất cánh lên được…
Anh K’ Chên cùng đồng đội của mình, mà đa số đã bị thương ít nhất một lần, gần như hoàn toàn kiệt sức đã an toàn tiến vào An Lộc. Quân bạn tại An Lộc vẫn thấy họ ngẫn cao đầu, ánh mắt đầy hãnh diện… Nhiều người lính tại đây đã ứa nước mắt…
Mãi đến 2 tuần lễ sau, tức là ngày 26 tháng 4 năm 1974 anh K’ Chên mới có thể viết thư về thăm gia đình. Trong thơ chúng ta thấy có 2 tuồng chữ, tin chắc đã có người viết hộ cho anh bằng tiếng K'ho Sre với nội dung là “Chiến tranh vẫn còn tiếp diễn…, anh chưa thấy có hòa bình… nên anh không có cơ hội để được gặp lại gia đình… Anh rất mong được hồi âm…” Anh chỉ tự ghi mấy dòng cuối là “...Trung sĩ K’Chên, thuộc Đại Đội Chỉ Huy...”.
Trung Tá Lê Văn Ngôn được cử theo học khóa Tham Mưu Cao Cấp tại Long Bình rồi về SĐ 5 BB làm trung đoàn phó Trung Đoàn 8. Trung Tá Nguyễn Hân về thay và TĐ được đi Dục Mỹ để bổ sung quân số, tái trang bị và “hấp lại” trong 4 tuần lễ.
Kể từ đó anh K’ Chên theo TĐ làm lực lượng trừ bị cho QĐ III, có lúc hành quân riêng lẻ, có lúc tăng phái cho SĐ 5, SĐ 18 hay SĐ 25 BB, cũng có lúc tùng thiết cho Lực Lượng Xung Kích QĐ III (LLXK QĐ III) do Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh chỉ huy. LLXK QĐ III gồm 3 Chiến Đoàn 315, 318 và 322 (Vì Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh có 3 Thiết Đoàn 15, 18 và 22). Đơn vị vẫn tiếp tục lập được nhiều chiến công từ Gò Dầu Hạ, Phú Giáo tới Tân Uyên, Biên Hòa, Đồng Nai, Núi Kỳ Lân, Truông Mít, Quận Kim Hanh, Suối Sâu, đồn điền cao su… Và vị TĐT sau cùng là Thiếu Tá Lê Kim Tư.
Những ngày đầu tháng 4, anh K’ Chên theo TĐ tùng thiết cho Chiến Đoàn 322 tham dự trận Xuân Lộc Long Khánh ở Ngã Ba Dầu Giây. Ngày 25 tháng 4 rút về Biên Hòa và được lệnh giải vây cho Trường Thiết Giáp với sự tăng phái của một TĐ TQLC, tại đây Chiến Đoàn đã bắn cháy được 12 chiến xa của cộng sản Bắc Việt. Ngày 26 tháng 4 rút về Hố Nai. Ngày 29 tháng 4 phá chốt địch ở Cầu Hang Biên Hòa. Sáng ngày 30 tháng 4 được lệnh rút về tử thủ Sài Gòn. Khi về tới Fatima, Cầu Bình Triệu thì được nghe hung tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 25 phút. Lúc đó cờ trắng và loa gọi đầu hàng vang lên khắc nơi. Nhiều người tự rời bỏ hàng ngũ ra về, nhiều người than khóc… Dù bạn bè và đồng đội khuyên lơn nhưng anh K’ Chên nói anh thà chết chứ quyết không hàng… Và cũng từ ngày đó, không ai biết anh đã đi về đâu… Có người cho rằng anh đã cùng với vài đồng đội chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi mới tự sát…
Anh K’ Chên, cho mãi đến hôm nay hậu duệ chúng em mới có dịp nhắc đến tên anh trong sự kính ngưỡng và thương tiếc. Hình ảnh của anh đại diện cho biết bao anh hùng vô danh vị quốc vong thân. Các anh vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Xin gởi đến gia quyến của tất cả anh hùng vô danh QLVNCH, lòng tri ân tuy muộn màng nhưng vẫn tràn đầy niềm thương và nỗi nhớ của hậu thế.
KD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét