Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Tin Tổng Hợp Chung Quanh Vụ Ám Sát Hụt Cựu Tổng Thống Trump Hôm Qua và Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Ông Trump an toàn! FBI đang điều tra một vụ mưu sát lần thứ 2, nhắm vào Cựu Tổng Thống Trump! -Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng Hoà, Donald Trump, an toàn sau một vụ việc mà FBI nói có vẻ là một vụ mưu sát vào ngày Chủ Nhật, 15 tháng Chín, bên ngoài sân golf của ông Trump tại West Palm Beach, Florida.FBI nói đang điều tra thêm một vụ mưu sát nhắm vào ông Trump.
<!>


(Giao thông dồn ứ sau khi cảnh sát khoá một đoạn đường ở West Palm Beach, Florida, 15 tháng Chín, sau một vụ nổ súng tại sân golf Trump International Golf Club của ông Trump.)
Cơ quan hữu trách nói trong buổi họp báo vào buổi chiều, rằng nghi can ẩn ở các bụi rậm ở bên lề sân golf. Các nhân viên mật vụ đã bắn ít nhất 4 loạt đạn về phía nghi can vào khoảng 1:30pm. Nghi can bỏ lại súng trường, hai túi đeo lưng cùng một số vật dụng khác rồi bỏ chạy trong một chiếc Nissan màu đen. Những thông tin ban đầu cho biết vũ khí AK-47 được tìm thấy ở các bụi rậm.
Một nhân chứng, theo lời cảnh sát, nhìn thấy kẻ cầm súng và cũng đã kịp chụp hình chiếc xe và bảng số xe.
Cơ quan hữu trách gởi cảnh báo đến tất cả các cơ quan trên toàn tiểu bang cùng thông tin của chiếc xe. Cảnh sát ở quận lân cận, Martin County, đã chặn và bắt được nghi can trên xa lộ I-95.
“Chúng tôi đang câu lưu một người,” cảnh sát quận Palm Beach cho biết.
Trước đó, uỷ ban tranh cử của Trump nói ông an toàn sau vụ nổ súng ở gần ông Trump.

Ông Trump gởi ra một email cho những người đóng góp cho quỹ tranh cử, nói rằng “có những viên đạn bắn ra ở gần chỗ tôi, nhưng trước khi các tin đồn lan truyền không thể kiểm soát, tôi muốn quý vị nghe điều này đầu tiên: TÔI AN TOÀN VÀ KHOẺ!” theo một email mà Reuters đã nhìn thấy.
Trump đã bị mưu sát tại Pennsylvania hôm 13 tháng Bảy, trong một tình huống đưa đến nhiều câu hỏi liên quan đến việc bảo vệ các ứng cử viên chỉ vài tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, 5 tháng 11, trong một cuộc cạnh tranh vô cùng gay gắt.


Toà Bạch Ốc viết trong một thông cáo, rằng tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, đã được thông báo cho biết vụ việc và họ thấy nhẹ nhõm khi biết ông Trump an toàn.
“Bạo lực không có chỗ ở nước Mỹ,” bà Harris, đối thủ của ông Trump vào ngày 5 tháng 11, viết trên trang X.
Nhật báo Washington Post nói Trump đang chơi golf khi sự việc xảy ra. Các nhân viên mật vụ đưa ông vào một căn phòng trong sân golf, theo hai nguồn tin biết chuyện.
Phát ngôn nhân ban vận động tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, chưa lập tức cho biết ý kiến.
Vụ mưu sát một tổng thống hay một ứng cử viên tổng thống của một đảng lớn sau 40 năm đưa ra nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh, đã khiến giám đốc Sở Mật Vụ, Kimberly Cheatle, từ chức do áp lực lưỡng đảng từ quốc hội.
Ông Trump bị đạn sướt qua tai phải, một người tham dự thiệt mạng trong vụ mưu sát tại Pennsylvania. Nghi can, Thomas Grooks, 20 tuổi, bị chuyên viên bắn tỉa của sở Mật Vụ, bắn hạ.


Nghi phạm có súng, nhắm bắn, chỉ cách ông Trump 300 đến 500 yard (274-475 mét)
(Hải Đăng)


(Ảnh: Cảnh sát trưởng Quận Tây Palm Beach Ric Bradshaw nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo được tổ chức với các quan chức thực thi pháp luật liên bang vào chiều Chủ Nhật (15/9).
-Một nghi phạm trong vụ việc mà FBI đang điều tra là một vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump lần hai đã bị bắt giữ nhanh chóng. Theo cảnh sát trưởng địa phương, nghi phạm có súng này chỉ cách ông Trump từ 300 đến 500 yard (274 – 475 mét) khi cựu tổng thống đang chơi golf vào Chủ Nhật (15/9) tại Câu lạc bộ Golf Quốc tế Trump ở Tây Palm Beach, Florida.
“Lúc 1:30 chiều, có cuộc gọi báo rằng có tiếng súng nổ“, Cảnh sát trưởng Quận Tây Palm Beach Ric Bradshaw nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo được tổ chức với các quan chức thực thi pháp luật liên bang vào chiều Chủ Nhật (15/9). “Chúng tôi đã báo các đơn vị ngay lập tức và phong tỏa khu vực“.
Ông Ric Bradshaw cho biết một nhân chứng đã nói với các quan chức thực thi pháp luật rằng anh ta nhìn thấy một người đàn ông nhảy vào một chiếc Nissan màu đen và anh ta đã chụp ảnh chiếc xe và biển số của nó.
“Trung tâm tội phạm thời gian thực của chúng tôi đã chuyển thông tin này đến máy đọc biển số xe và chúng tôi đã có thể bắn trúng chiếc xe đó trên đường I-95 khi nó đang hướng về Quận Martin“, Cảnh sát trưởng Ric Bradshaw nói thêm.

Cảnh sát trưởng Quận Martin Will Snyder đã nói với CNN trước đó rằng các đơn vị của ông đã có thể chặn được chiếc xe và bắt giữ nghi phạm. FBI được cho là đang giam giữ nghi phạm để thẩm vấn, theo lời ông Snyder.
Nghi phạm vẫn chưa được công khai danh tính, nhưng FBI cho biết họ đang điều tra vụ việc như một nỗ lực ám sát ông Trump.
Ông Bradshaw nói với các phóng viên rằng nhân chứng nhìn thấy người đàn ông bỏ chạy khỏi hiện trường cũng đã xác định nhân dạng của ông ta với FBI.
Trong khi đó, các quan chức thực thi pháp luật đã tìm thấy một khẩu súng trường “kiểu AK-47”, được trang bị ống ngắm, đã bị bỏ lại trong bụi rậm nơi nghi phạm ẩn náu.
Ngoài ra, còn có một máy quay GoPro và hai chiếc ba lô. Các vật phẩm đang được xử lý, ông Bradshaw tiết lộ.
“Các sĩ quan Sở Mật vụ có mặt tại sân golf đã làm việc tuyệt vời“, ông Bradshaw nói. “Họ có một đặc vụ nhảy qua từng lỗ một trước tổng thống. Người này đã phát hiện ra nòng súng trường này nhô ra khỏi hàng rào và ngay lập tức tấn công cá nhân đó“.

Một đại diện của Sở Mật vụ, người không nêu tên trong cuộc họp báo, cho biết ông Trump an toàn và không bị thương sau “sự cố bảo vệ” vào chiều Chủ Nhật (15/9).
Ông xác nhận rằng sĩ quan Mật vụ đã bắn vào tay súng và tay súng chưa bắn phát nào.
Trong khi đó, ông Jeffrey Veltri, đặc vụ phụ trách văn phòng thực địa của FBI tại Miami, xác nhận rằng cơ quan này đã đảm nhận vai trò điều tra vụ việc.
“Chúng tôi đã triển khai một số nguồn lực, bao gồm các nhóm điều tra, thành viên nhóm ứng phó khủng hoảng, kỹ thuật viên xử lý bom và thành viên nhóm ứng phó bằng chứng“, ông Veltri nói. “Điều chúng tôi cần ngay bây giờ là công chúng tránh xa khu vực xung quanh sân golf“.
Trong khi đó, ông Bradshaw khẳng định rằng hiện trường vụ án đó bây giờ là “an toàn” và cộng đồng không gặp nguy hiểm nữa.


Xuất hiện những lời lên án gay gắt, kêu gọi phải bảo vệ mật vụ chặt chẽ hơn nữa, sau vụ mưu sát ông Trump!


-Sau vụ việc mà FBI gọi là nỗ lực rõ ràng nhằm ám sát cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã xuất hiện sự lên án rộng rãi về bạo lực chính trị cũng như kêu gọi thắt chặt an ninh.
Phó Tổng thống Kamala Harris, người tranh cử chống lại ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, cho biết trong một tuyên bố rằng bà "vô cùng lo lắng" về vụ việc xảy ra vào ngày 15/9 tại một sân golf ở Florida.
"Tất cả chúng ta phải làm phần việc của mình để đảm bảo rằng vụ việc này không dẫn đến bạo lực thêm nữa", bà Harris nói.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Scott nói rằng "Bạo lực chính trị hoàn toàn không có chỗ đứng ở Hoa Kỳ".
Thống đốc Florida Ron DeSantis, một đảng viên Cộng hòa, cho biết tiểu bang của ông sẽ tiến hành cuộc điều tra riêng về vụ việc và nói rằng mọi người "xứng đáng được biết sự thật về kẻ ám sát" và cách hắn ta có thể tiếp cận ông Trump từ một khoảng cách gần như vậy.
Cơ quan Mật vụ đã bị giám sát chặt chẽ sau khi ông Trump bị bắn vào tai trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 7.
Nữ dân biểu Mỹ Elise Stefanik, người có ảnh hưởng hàng thứ tư của Đảng Cộng hòa, đã đưa ra những câu hỏi tương tự hôm 15/9.
"Vẫn chưa có câu trả lời cho vụ mưu sát kinh hoàng ở Pennsylvania và chúng tôi hy vọng sẽ có lời giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra hôm nay ở Florida", bà Stefanik nói.

Dân biểu Ro Khanna của Đảng Dân chủ gọi hai vụ mưu sát nhắm vào ông Trump là "không thể chấp nhận được" và nói rằng cơ quan Mật vụ "phải đến Quốc hội vào ngày mai, cho chúng tôi biết cần những nguồn lực nào để mở rộng phạm vi bảo vệ và chúng ta hãy phân bổ chúng trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào cùng ngày".
Dân biểu Darrell Issa của Đảng Cộng hòa cũng có thông điệp tương tự.
"Tôi đã thấy đủ rồi. Nếu Quốc hội phải buộc Cơ quan Mật vụ bảo vệ Donald Trump, thì đó là điều chúng tôi sẽ làm", ông cho biết.
Ông Trump, trong một thông điệp đưa ra trên trang mạng xã hội Truth Social của mình vào cuối ngày 15/9, đã cảm ơn Cơ quan Mật vụ và cảnh sát địa phương vì đã giữ an toàn cho ông.
Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ "tiếp tục đảm bảo rằng Cơ quan Mật vụ có mọi nguồn lực, khả năng và biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo an toàn liên tục cho cựu Tổng thống".

Dân biểu hàng đầu của của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, Hakeem Jeffries, cho biết bạo lực chính trị "không có chỗ đứng trong một xã hội văn minh".
"Tôi biết ơn vì cựu Tổng thống Trump vẫn an toàn và thủ phạm bị cáo buộc đã bị giam giữ. Ông ta nên bị truy tố theo mức độ nghiêm trọng của pháp luật", ông Jeffries nói.
Cũng có những mối quan ngại từ bên ngoài nước Mỹ về vụ việc hôm 15/9.
Thủ tướng Anh Keir Starmer nói với các phóng viên rằng ông lo lắng về tin tức về vụ mưu sát rõ ràng này.
"Tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là tất cả chúng ta đều biết rất, rất rõ ràng rằng bạo lực không có vai trò gì trong bất kỳ tiến trình chính trị nào", ông Starmer nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông rất vui khi biết ông Trump không bị làm sao.
"Đây là nguyên tắc của chúng ta: pháp quyền là tối quan trọng và bạo lực chính trị không có chỗ đứng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng mọi người đều được an toàn", ông Zelenskyy nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz cho biết người dân Israel gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Trump "sau vụ mưu sát thứ hai nhắm vào ông gần đây".
“Chúng ta phải lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực áp đặt quan điểm chính trị thông qua đe dọa và bạo lực – bạo lực chính trị không bao giờ được (dùng để) làm suy yếu quyền tự do và dân chủ của người dân Mỹ trong việc lựa chọn con đường của mình”, ông Katz nói.
(Một số thông tin trong bản tin này được AP, AFP và Reuters cung cấp)


Bầu cử TT 2024: Trump không chịu tranh luận nữa với Kamala Harris!


(Bà Kamala Harris bắt tay ông Donald Trump trước cuộc tranh luận hôm 10/9/2024 ở Philadelphia, Pennsylvania.)
-Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 12/9 cho biết ông sẽ không tham gia vào một cuộc tranh luận tổng thống nữa với bà Kamala Harris trước cuộc bầu cử ngày 5/11, sau khi một số cuộc thăm dò cho thấy đối thủ Đảng Dân chủ của ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận vào đầu tuần này, Reuters đưa tin.
“SẼ KHÔNG CÓ CUỘC TRANH LUẬN THỨ BA!” cựu tổng thống viết trên trang mạng xã hội Truth Social. Ông Trump tham gia một cuộc tranh luận cùng Tổng thống Joe Biden vào tháng 6, và với bà Harris vào hôm 10/9.
Mặc dù ông Trump khen ngợi màn trình diễn của ông ấy trước bà Harris hôm 10/9, nhưng sáu nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa và ba cố vấn của ông Trump cho Reuters biết vào đầu tuần này rằng họ nghĩ bà Harris đã thắng trong cuộc tranh luận phần lớn là do ông Trump không thể tiếp tục truyền tải thông điệp.

Cuộc tranh luận hôm 10/9 thu hút 67,1 triệu người xem truyền hình, theo dữ liệu của Nielsen.
Bà Harris, phát biểu tại một cuộc vận động ngay sau khi bài đăng của ông Trump được đăng trực tuyến, nói: “Tôi tin rằng chúng ta nợ cử tri một cuộc tranh luận nữa”.
Trong khi ông Trump nói trong bài đăng của mình rằng các cuộc thăm dò cho thấy ông đã thắng trong cuộc tranh luận, một số cuộc khảo sát cho thấy những người được hỏi cho rằng bà Harris đã làm tốt hơn.
Trong số những cử tri cho biết họ đã nghe ít nhất điều gì đó về cuộc tranh luận hôm 10/9, 53% cho biết bà Harris đã thắng và 24% cho biết ông Trump đã thắng, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 12/9.
Cuộc thăm dò cho thấy 54% cử tri đã đăng ký tin rằng cuộc tranh luận duy nhất giữa ông Trump và bà Harris là đủ, trong khi 46% muốn có cuộc tranh luận thứ nhì.
Theo một cuộc thăm dò nhanh của CNN được công bố ngay sau cuộc tranh luận, phần lớn những người theo dõi cuộc tranh luận cho biết bà Harris làm tốt hơn ông Trump. Trang YouGov cho thấy 54% số người được khảo sát cho biết bà Harris đã thắng trong khi 31% cho rằng ông Trump là người dẫn đầu.


Khảo sát cho thấy, tranh luận tiếp hay không ‘không mấy quan trọng’ với ông Trump
(Thiên Vân)


-Bất chấp áp lực từ nội bộ đảng Cộng hòa yêu cầu ông Trump tranh biện với Phó Tổng thống Kamala Harris thêm một lần nữa, cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định chắc chắn rằng ông sẽ không làm vậy. Các dữ liệu sơ bộ cũng chỉ ra rằng ông không cần phải lo lắng đánh mất đi lợi thế từ quyết định này.
Nhiều nhà bình luận tuyên bố bà Harris thắng thế trong cuộc tranh biện vào tối thứ Ba (10/9) trên đài ABC News. Họ cho rằng ông Trump xuất hiện trên truyền hình với thái độ giận dữ và phản ứng gây gổ trước những câu hỏi sắc bén của bà Harris. Tuy nhiên, ông Trump trong một buổi vận động gần đây tại tiểu bang Arizona đã khẳng định chắc chắn rằng ông mới là người chiến thắng cuộc tranh biện và thậm chí còn gọi buổi tranh biện đó là một “chiến thắng vang dội” trước bà Harris. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc tranh biện, ông viết: “Các cuộc thăm dò rõ ràng cho thấy tôi đã chiến thắng trong cuộc tranh biện với Đồng chí Kamala Harris, ứng viên Cánh Tả Cực Đoan của đảng Dân chủ, vào đêm thứ Ba, và ngay sau đó bà ấy đã kêu gọi tổ chức một cuộc tranh biện thứ hai”.

Nhiều lãnh đạo cánh hữu quyền lực trong Đảng Cộng hòa, gồm cả những đồng minh trung thành của ông Trump, đã bày tỏ hy vọng rằng ông sẽ đồng ý tranh biện lần thứ hai với bà Harris.
“Hễ khi nào chúng tôi thấy có cơ hội để Tổng thống Trump trực tiếp đối thoại với cử tri và chia sẻ về tầm nhìn của ông, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ gia tăng cơ hội thành công của ông”, Dân biểu Matt Gaetz (Đảng Cộng hòa, Florida) phát biểu trước báo giới trong tuần này. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, ông Michael Whatley và cựu đề cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, ông Vivek Ramaswamy cũng nhất trí với quan điểm của ông Gaetz.

Chiến dịch của bà Harris cũng đã bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc tranh biện thứ hai với ông Trump. Thậm chí, bà Harris còn nói “chúng ta nợ cử tri điều này [cuộc tranh biện]”, tờ Politico đưa tin.

“KAMALA NÊN TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ BÀ ẤY LẼ RA NÊN LÀM TRONG GẦN BỐN NĂM QUA. SẼ KHÔNG CÓ CUỘC TRANH LUẬN THỨ BA!“, ông Trump tuyên bố dứt khoát hôm thứ Năm (12/9).

Khảo sát cho thấy kết quả không đồng nhất

Mặc dù ông Trump đã nhắc đến dữ liệu thăm dò khi tuyên bố ông đã chiến thắng cuộc tranh biện, các số liệu sau đó khảo sát suy nghĩ của cử tri về cuộc tranh biện lại đưa ra một bức tranh phức tạp hơn.

Trước khi cuộc tranh biện diễn ra vào ngày 10 tháng 9, bà Harris dẫn trước ông Trump 1,1% theo trung bình nhiều cuộc thăm dò quốc gia do trang RealClearPolitics tổng hợp, với tỷ lệ 48,4% so với 47,3% của ông Trump. Tính đến thời điểm hiện tại, con số này gần như thay đổi không đáng kể, với việc bà Harris dẫn trước 1,5%, tỷ lệ là 48,5% so với 47,0% của ông Trump. Trong số các con số này, hai cuộc thăm dò được thực hiện ngay sau cuộc tranh biện, cả hai cuộc thăm dò đều cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump tới năm điểm. Cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy bà Harris dẫn trước với tỷ lệ 50% so với 45% của ông Trump, trong khi cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos chỉ ra bà Harris dẫn trước với 47% so với 42% của ông Trump.

Liệu các cuộc thăm dò bổ sung có tiếp tục củng cố lợi thế của bà Harris hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, một số dữ liệu ít nhất đang ủng hộ ông Trump và xác nhận các tuyên bố rằng ông mới là bên chiến thắng trong cuộc tranh biện.
Nhà thăm dò ý kiến của chiến dịch tranh cử ông Trump, ông Tony Fabrizio, đã công bố một bản ghi nhớ hôm thứ Năm (12/9) khẳng định chắc chắn rằng ông Trump đã giành được thêm sự ủng hộ của cử tri tại “bảy bang chiến trường quan trọng”.
Ông Fabrizio giải thích: “Chúng tôi nhận thấy rằng, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Kamala Harris và truyền thông dòng chính nhằm mô tả cuộc tranh biện như một chiến thắng áp đảo cho bà ấy, cử tri không nhận thấy như vậy, vì sự ủng hộ dành cho bà ấy vẫn không thay đổi. Sự thay đổi duy nhất chúng tôi thấy là mức độ ủng hộ cho ông Trump đã tăng 2 điểm trong cả hai kiểu sắp xếp phiếu bầu”.
Trong một cuộc bầu chọn với nhiều ứng viên, ông Trump giành được 48% sự ủng hộ so với 46% của bà Harris, trong khi đề cử viên của Đảng Xanh ông Jill Stein và đề cử viên độc lập ông Cornel West mỗi người chỉ nhận được 1%. Trong dữ liệu trước cuộc tranh biện của chiến dịch, ông Trump và bà Harris đều đạt tỷ lệ 46%, với việc ông Stein chỉ chiếm 2%, và trong khi cử chi ủng hộ ông West chưa tới 1%.

Theo dữ liệu thăm dò của Fabrizio, khi cử chi được hỏi bầu chọn giữa ông Trump và bà Harris, ông Trump giành được tỷ lệ 50% so với 47% của bà Harris, đánh dấu sự thay đổi ba điểm so với dữ liệu trước cuộc tranh biện của chiến dịch, khi cả hai đều đạt 48%.
Các dữ liệu khác ủng hộ ông Trump
Không chỉ có dữ liệu từ chiến dịch của ông Trump cho thấy cuộc tranh biện đã hỗ trợ cho ông hoặc ít nhất không gây ảnh hưởng lớn. Một cuộc khảo sát của InsiderAdvantage tại tiểu bang chiến trường Michigan, với giai đoạn thăm dò diễn ra hoàn toàn sau cuộc tranh biện, cho thấy ông Trump dẫn trước bà Harris với tỷ lệ 49% so với 48%.
Một cuộc thăm dò nhanh của CNN cho thấy ông Trump thực sự đã giành thêm lợi thế trước bà Harris về vấn đề kinh tế. Trước cuộc tranh biện, ông Trump đã dẫn trước bà Harris về vấn đề này với tỷ lệ 53% so với 37%. Sau cuộc tranh biện, ông đã gia tăng lợi thế lên 55% so với 35%.

Cũng theo khảo sát của CNN, bà Harris đã cải thiện hình ảnh của mình, rời khỏi cuộc tranh biện với tỷ lệ ủng hộ 45% và không ủng hộ 44%, trong khi trước đó con số này là 39% ủng hộ và 50% không ủng hộ. Đối với ông Trump, không có sự thay đổi đáng kể nào. Ông bước vào cuộc tranh biện với 41% tỷ lệ ủng hộ và 52% không ủng hộ, và kết thúc với tỷ lệ 39% ủng hộ và 51% không ủng hộ.

Một mẫu khảo sát của Reuters sau cuộc tranh biện, gồm mười cử tri dao động, cho thấy sáu cử tri chuyển sang ủng hộ ông Trump, trong khi ba người chuyển sang bà Harris, và chỉ một cử tri vẫn còn do dự. Chính ông Trump đã chia sẻ bài báo của tờ Reuters, với nội dung “Một số cử tri dao động vẫn chưa bị bà Harris thuyết phục sau cuộc tranh biện với ông Trump”.

Tờ New York Times cũng đăng tải về một bài viết tương tự, với tiêu đề, “Các nhà bình luận cho rằng Harris đã thắng cuộc tranh biện. Cử tri dao động lại không chắc chắn lắm“. Bài viết này bao gồm các ý kiến của những cử tri dao động đã theo dõi cuộc tranh biện nhưng không cảm thấy thuyết phục bởi màn trình diễn của bà Harris.

Cuộc tranh luận có thực sự quan trọng với ông Trump hay không?
Dữ liệu từ Nielsen cho thấy có 67,14 triệu khán giả đã theo dõi cuộc tranh biện giữa ông Trump và bà Harris, nhiều hơn so với 51,3 triệu khán giả đã theo dõi cuộc đối đầu giữa ông Trump với Tổng thống Joe Biden vào tháng Sáu. Sự kiện này trở thành một trong những cuộc tranh biện tổng thống được theo dõi nhiều nhất trong các kỳ bầu cử gần đây và khó có thể tưởng tượng được một cơ hội nào khác sẽ xảy ra để các ứng viên có thể so tài với nhau trước một lượng khán giả tương tự.
Nhưng nếu một chiến thắng được cho là rõ ràng dành cho bà Harris trước một lượng khán giả đông đảo như vậy mà không thể tạo ra tác động đáng kể đến sự ủng hộ của cử tri đối với bà, chiến dịch của ông Trump có đầy đủ lý do từ chối tham gia cuộc tranh biện thứ hai.
“Ông ấy [Trump] và các cố vấn của mình có lẽ sẽ kết luận rằng họ có thể tiếp cận cử tri tốt hơn bằng cách tránh xa các cuộc đối đầu trực diện với Harris”, ông Doug Schoen, cựu cố vấn cho các ứng viên cánh tả như Tổng thống Bill Clinton và ông Mike Bloomberg, đã viết.

Ông cho biết thêm: “Họ sẽ thực hiện điều đó bằng cách đưa ông [Trump] ra ngoài đường vận động, tham gia vào cả các cuộc phỏng vấn và các buổi vận động riêng. Biện pháp này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra trong một đêm như cuộc tranh biện vừa qua”.
Quả thật, ông Trump đã tăng cường tổ chức các sự kiện trực tiếp, với một buổi họp báo tại thành phố Los Angeles vào thứ Sáu (13/9).
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cho cuộc tranh biện”, ông Trump tiết lộ trong buổi họp báo tại thành phố Los Angeles. “Chín mươi tư phần trăm đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng tôi đã trả lời rất xuất sắc trong cuộc tranh biện. Một số đảng viên còn cho rằng tôi thậm chí có thể cứng rắn hơn thế nữa“, ông Trump nói thêm.


Phản ảnh cử tri gốc Việt, lên tiếng về việc ông Trump quyết định ngừng tham gia tranh luận.


-Việc ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố ngừng tham gia tranh luận với ứng cử viên Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, khơi lên những ý kiến trái chiều nơi một số cử tri gốc Việt, sau khi một số cuộc khảo sát cho rằng bà Harris tranh luận tốt hơn trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump vào đầu tuần này.
"SẼ KHÔNG CÓ CUỘC TRANH LUẬN THỨ BA!" vị cựu tổng thống viết trên mạng xã hội Truth Social hôm thứ Năm. Ông Trump đã tham gia một cuộc tranh luận với Tổng thống Joe Biden vào tháng 6 trước khi tranh luận với bà Harris hôm 10/9.
Dù ông Trump ca ngợi phần thể hiện của mình trước bà Harris, sáu người quyên góp tiền thuộc Đảng Cộng hòa và ba cố vấn của ông Trump nói chuyện với hãng tin Reuters vào đầu tuần này cho biết họ nghĩ bà Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận chủ yếu là vì Trump không thể bám sát theo thông điệp của mình.
Cuộc tranh luận thu hút 67,1 triệu người xem tivi, theo dữ liệu của Nielsen.

Bà Harris, phát biểu tại một cuộc tập hợp vận động ngay sau khi ông Trump đăng tuyên bố không tranh luận nữa, nói: “Tôi tin rằng chúng ta nợ cử tri một cuộc tranh luận khác.”
Dù ông Trump nói trong đăng tải của mình rằng các cuộc khảo sát cho thấy ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận, một số cuộc khảo sát có uy tín cho thấy những người được hỏi nghĩ rằng Harris đã làm tốt hơn.
Trong số những cử tri cho biết họ đã nghe ít nhất điều gì đó về cuộc tranh luận vào ngày 10/9 thì có 53% nói bà Harris thắng so với 24% nói ông Trump thắng, theo cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos công bố vào ngày 12/9.
Cuộc khảo sát cho thấy 54% cử tri có đăng ký bầu cử tin rằng một cuộc tranh luận duy nhất giữa ông Trump và bà Harris là đã đủ, trong khi 46% muốn có cuộc tranh luận thứ hai.
Phần lớn những người theo dõi cuộc tranh luận nói bà Harris đã vượt trội hơn ông Trump, theo cuộc thăm dò nhanh của CNN công bố ngay sau cuộc tranh luận. Cuộc khảo sát của YouGov cho thấy 54% số người được hỏi nói bà Harris đã thắng trong khi 31% nói ông Trump là người chiến thắng.

Ông Nguyễn Kim Sơn, cử tri ở thành phố West Palm Peach thuộc bang Florida, nói cuộc tranh luận không làm ông thay đổi quan điểm về hai ứng cử viên. Ông thừa nhận ông Trump có phần lép vế, nhưng ông quy trách nhiệm cho những người điều khiển cuộc tranh luận đã gây khó khăn cho ông Trump nhiều hơn bà Harris.
“Lời phát biểu của ông Trump thì gần như lúc nào cũng bị kiểm chứng lại có đúng hay không, còn ngược lại bà Kamala thì không bị như vậy. Thành ra như vậy cũng phần nào ảnh hưởng,” ông nói. “Khi mà gặp tình huống như vậy thì cái mức linh hoạt, mức nhanh nhẹn như thường có nơi ông Trump thì chắc chắn phải bị giới hạn đi.”
“Thật sự thì tôi thấy cuộc tranh luận này đối với tôi không quan trọng,” ông kết luận.
Đối với bà Bùi Như Mai, cử tri từ thành phố San Jose thuộc bang California, cuộc tranh luận vừa rồi khơi lên cảm giác hào hứng hơn nhiều so với cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden.

Bà nói phần trình bày của bà Harris đã xoá tan những nghi ngờ của bà về khả năng đương đầu một đối một của nữ phó tổng thống trước một người có nhiều kinh nghiệm tranh luận tổng thống hơn.
“Bà ấy đã chuẩn bị rất là kĩ, bà ấy biết được những điểm nhức nhối của Trump để mà chọc Trump,” bà nhận định. “Ai cũng biết Trump là người ái kỉ, đụng đến con người của ông ấy là ông ấy nổi điên lên.”
Cả bà Mai và ông Sơn đều đồng ý rằng một cuộc tranh luận là đã đủ để cho cử tri thấy rõ hai ứng cử viên này khác biệt nhau như thế nào và rằng những người ủng hộ nòng cốt của họ khó lòng thay đổi quan điểm với một cuộc tranh luận nữa.
Tuy nhiên, nếu ông Trump thay đổi quyết định và quyết định tham gia thêm một cuộc tranh luận nữa, bà Mai nói bà muốn thấy bà Harris trình bày cụ thể hơn những chính sách của mình để giúp đỡ người dân Mỹ thay vì dành toàn bộ thời gian công kích đối thủ.
“Khi mà mình thấy cái tài của một người một lần thì vẫn không đủ để thuyết phục mình là bà ấy thật sự như vậy, còn Trump thì mình đã biết rồi,” bà nhận định. “Thành ra muốn bà Harris chứng tỏ thêm một lần nữa để cho mọi người biết bà ấy là người như thế nào và có thể nói thêm những chi tiết về chính sách của bà ấy.”

Về phần mình, ông Sơn nói giờ là lúc cử tri dành thời gian để cân nhắc quyết định của mình. Nhưng nếu một cuộc tranh luận nữa diễn ra, ông nói những người điều khiển cuộc tranh luận cần phải “công tâm” hơn đối với ông Trump.
Sau cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên lên lịch ráo riết vận động tại các bang chiến địa trong chặng đua nước rút cuối cùng trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5 tháng 11. VOA- 14/09/2024


Trump tuyên bố sẽ trục xuất hàng loạt người Haiti khỏi thành phố, ở Ohio nếu đắc cử!


-Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump ngày thứ Sáu tuyên bố sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư Haiti khỏi thành phố Springfield ở bang Ohio, mặc dù phần lớn trong số họ đang ở Mỹ hợp pháp.
Mấy ngày qua, thành phố này đã trở thành tâm điểm của sự chú ý đổ dồn từ mạng xã hội sau khi những người cánh hữu lan truyền những tin đồn sai sự thật rằng những người Haiti di cư đến thành phố này đang ăn thịt thú nuôi trong nhà.
"Chúng tôi sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt tại Springfield, Ohio," ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo tại khu sân golf của ông gần Los Angeles.
Phần lớn trong số 15.000 người Haiti ở Springfield là tư cách cư trú hợp pháp. Tuyên bố tiến hành trục xuất hàng loạt của ông Trump thường nhắm vào những người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ.

Ông Trump không nhắc lại phát biểu mà ông đưa ra trong cuộc tranh luận tổng thống hôm thứ Ba với ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris rằng những người nhập cư đang ăn thịt chó và mèo.
Hai trường tiểu học phải sơ tán và một trường trung học cơ sở ở Springfield đóng cửa vào ngày thứ Sáu sau khi có những đe dọa đánh bom ẩn danh nhắm vào cộng đồng này qua ngày thứ hai liên tiếp, theo ABC News.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng người Haiti.
"Điều đó hoàn toàn sai trái. Không có nơi nào ở Mỹ có thể chấp nhận được. Những gì ông ta đang làm phải chấm dứt. Phải chấm dứt," ông Biden nói.
Chính quyền Biden đã gia hạn Tư cách Bảo vệ Tạm thời cho hàng trăm ngàn người Haiti tại Mỹ vào tháng 6, một chương trình đã có từ nhiều thập niên trước nhằm bảo vệ những người nhập cư hợp pháp khỏi bị trục xuất và cấp cho họ giấy phép lao động. Các cuộc chiến băng đảng ở Haiti đã khiến hơn nửa triệu người phải tản cư và gần năm triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Ông Trump nêu ra những căng thẳng ở Springfield như một ví dụ nữa cho việc cần phải có chính sách di trú cứng rắn. Dòng người Haiti đổ vào đã thúc đẩy nền kinh tế nhưng cũng gây căng thẳng cho các dịch vụ xã hội.
"Tôi tức giận về việc những người Haiti di cư bất hợp pháp tràn vào Springfield, Ohio. Các bạn thấy tình trạng lộn xộn đó rồi, phải không?" ông Trump phát biểu tại một cuộc tập hợp vận động tranh cử ở Las Vegas sau đó trong ngày thứ Sáu.
"Tôi tức giận về việc những cô gái trẻ người Mỹ bị cưỡng hiếp và giết hại bởi những tên tội phạm người nước ngoài hung hãn vào nước chúng ta rất dễ dàng, nhưng bất hợp pháp," ông nói thêm sau đó trong phát biểu của mình.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng Haiti trên khắp Mỹ nói những phát biểu của ứng cử viên Đảng Cộng hòa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và làm gia tăng căng thẳng ở Springfield.
"Chúng tôi cần sự giúp đỡ, không phải thù hận," thị trưởng Springfield Rob Rue nói với ABC News.
Các quan chức thành phố cho biết họ không nhận được bất cứ báo cáo đáng tin cậy nào về việc bất kì ai ăn thịt thú nuôi trong nhà. Karen Graves, một phát ngôn viên của thành phố, nói bà không biết về những tội ác thù hận gần đây nhắm vào cư dân Haiti nhưng một số người đã là nạn nhân của "tội phạm cơ hội," chẳng hạn như trộm cắp tài sản.


Di dân Haiti “ăn thịt chó, mèo”


-Trong cuộc tranh luận ngày 10/09/2024 với đối thủ đảng Dân Chủ Kamala Harris, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định người nhập cư Haiti ăn thịt chó, mèo. Cáo buộc của ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa tiếp tục bị chỉ trích, chế nhạo trên mạng xã hội với những bài hát chế giễu hoặc ảnh “hot dog” là một chú chó xinh nằm giữa bánh kẹp. Nhưng đâu là nguồn gốc của tin người nhập cư Haiti trộm chó, mèo để ăn thịt? Và tại sao lại nhắm vào người nhập cư Haiti?
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu chắc như đinh đóng cột: “Ở Springfield, họ ăn thịt chó, những người (nhập cư) đến, họ ăn thịt mèo. Họ ăn thú cưng của người dân. Đó là những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta”. Thêm một thuyết âm mưu mới nhắm vào người nhập cư Haiti trong bối cảnh hai ứng cử viên cạnh tranh sát nút trong kỳ bầu cử tổng thống và nhập cư là một trong những chủ đề gây tranh cãi và thu hút cử tri.

Tin đồn từ mạng xã hội
Trong bài viết ngày 11/09, nhật báo Pháp Le Figaro dẫn lại thông tin từ trang kiểm chứng thông tin Politifact, cho biết tin đồn này dựa vào một bài đăng trên mạng xã hội Facebook ngày 06/09 liên quan đến Springfield, bang Ohio, nơi có gần 15.000 người gốc Haiti đến sống tại thành phố có khoảng 58.000 dân, chủ yếu là người da trắng, từ đợt đại dịch Covid-19.
Một người viết trên mạng xã hội, không trích nguồn rằng: “Springfield là một thành phố nhỏ ở Ohio. Cách đây bốn năm, thành phố có 60.000 dân. Dưới thời (Kamala) Harris và (Joe) Biden, 20.000 người Haiti được đưa đến thành phố. Ngày nay, vịt và vật nuôi trong nhà biến mất”. Dưới phần bình luận là ảnh chụp màn hình lời kể, viết trong một nhóm kín, của một phụ nữ sống ở Springfield : “Một người hàng xóm của tôi bảo rằng một cô bạn của con gái bà ấy bị mất mèo. […] Khi đi làm về […] cô ấy nhìn sang một ngôi nhà nơi có người Haiti sống. Cô ấy thấy con mèo của mình treo trên cây, như trong tiệm thịt. Họ treo nó lên để ăn”.

Bài đăng này đã bị xóa nhưng rất nhiều thành viên cốt cán của đảng Cộng Hòa đã lan truyền. JD Vance, thượng nghị sĩ bang Ohio và là ứng viên phó tổng thống Mỹ, khẳng định trên mạng X : “Hiện giờ có nhiều lời kể lại rằng nhiều người đã thấy vật nuôi của họ bị trộm và bị những người không nên có mặt ở đất nước này (Mỹ) ăn thịt. Sa hoàng đường biên giới của chúng ta đâu rồi ?”. Tin nhắn dẫn “lời của những người được nghe kể lại rằng một người đó bị như vậy” đã được 11 triệu lượt xem trên mạng X, thậm chí Elon Musk, ông chủ tỉ phú của mạng X, ủng hộ Donald Trump cũng đăng lại thông tin theo “tin đồn”.

Trả lời trang Rolling Stones, một người phát ngôn của JD Vance khẳng định ông dựa vào “rất nhiều cuộc gọi và thư từ trong vài tuần qua từ phía những người dân đang lo lắng ở Springfield” để đưa ra cáo buộc đó.
Tuy nhiên, trên đài CBS News, chính quyền địa phương kịch liệt bác bỏ thông tin là có đơn kiện liên quan đến sự kiện như vậy. Trong một thông cáo, cảnh sát địa phương khẳng định: “Chúng tôi muốn nói rõ rằng không có thông tin đáng tin cậy hoặc tuyên bố cụ thể nào về việc thú nuôi bị người nhập cư ngược đãi, làm bị thương hoặc lạm dụng”.
Kỳ thị người Haiti để tấn công chính sách di dân của Biden-Harris
Người nhập cư Haiti bị coi là “những kẻ sát nhân” và “khủng bố”. Phe ủng hộ cựu tổng thống Mỹ cáo buộc ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris muốn biến Mỹ thành “trại tị nạn”. Theo AFP, rất nhiều người trong cộng đồng Haiti ở đây sống hợp pháp và được hưởng quy chế bảo vệ, rất nhiều người đã sống ở Mỹ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, họ bị cáo buộc là được chính phủ liên bang đưa xe bus chở đến Springfield và sống nhờ trợ cấp.

Chiến dịch thù hận nhắm vào người nước ngoài của Trump nằm trong truyền thống “kỳ thị” người Haiti tại Mỹ. Trả lời đài RFI ngày 14/09, nhà chính trị học Sébastien Nicolas, giải thích về nguồn gốc của sự kỳ thị này :
“Những phát biểu của Donald Trump về người Haiti không có gì là mới vì nó ăn sâu trong cả một lịch sử gắn liền với tư tưởng phân biệt chủng tộc. Cần phải biết rằng sau cuộc Cách mạng Haiti và đất nước được độc lập năm 1804, bắt đầu xuất hiện một lập luận kỳ thị về lãnh thổ, trước tiên là hợp pháp hóa chế độ nô lệ ở Mỹ bằng cách coi Haiti là một quốc gia suy tàn, đồi bại. Đó là cách để cố cho thấy rằng cuối cùng, những người bị coi là da đen không có khả năng tự trị.
Sau đó, theo dòng lịch sử khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xuất hiện ở Hoa Kỳ và một lần nữa Haiti lại bị nhắc đến ở Mỹ để hợp thức hóa hiện tượng phân biệt chủng tộc, theo diễn giải : Người ta sẽ theo dõi xem khi để những người da đen điều hành chính phủ, nhìn xem họ làm thế nào, vì thế mà phải duy trì hệ thống đã được triển khai đó. Cuối cũng phát biểu mà chúng ta thấy ở Donald Trump là di sản trực tiếp từ sự đối lập giữa những công dân da trắng, những người Samari tốt bụng và những người bị coi là nguyên thủy và hoang dã”.


Kinh hoàng! Phải chuẩn bị trước mắt: Bill Gates dự báo đại dịch toàn cầu mới ‘có nhiều khả năng’ xảy ra trong 25 năm tới!
(Thiên Vân)


-Tỷ phú Bill Gates dự đoán một đại dịch có khả năng xảy ra nếu thế giới tránh được một cuộc chiến tranh lớn.
Ông Bill Gates, Giám đốc điều hành của Microsoft, cảnh báo rằng nếu thế giới tránh khỏi được một cuộc đại chiến thế giới, thì khả năng xảy ra một đại dịch toàn cầu mới trong vòng 25 năm tới là rất thực tế.
Trong chương trình “Make It” của đài CNBC, ông Gates đã nhận xét rằng thế giới hiện nay đang “có rất nhiều sự bất ổn”, có thể là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn.
“Nếu chúng ta né tránh được một cuộc chiến lớn… thì vâng, sẽ có một đại dịch khác, khả năng cao sẽ xảy ra trong vòng 25 năm tới”, ông tiếp lời.

Sau khi chứng kiến các chính phủ thế giới chuẩn bị thiếu sót đối phó đại dịch COVID-19, ông Gates đã gia nhập hàng ngũ những nhà khoa học lo ngại về cách thế giới sẽ đối phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác càn quét qua xã hội loài người.
Vào năm 2022, ông Gates đã xuất bản một cuốn sách về chủ đề này với tựa đề “Làm Thế Nào Để Ngăn Chặn Đại Dịch Kế Tiếp“, trong đó ông phơi bày những thiếu sót của các chính phủ trong công tác chuẩn bị nhằm đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm lan rộng trong cộng đồng, chẳng hạn như các kỹ thuật cách ly nâng cao và đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu vaccine.
Ông chia sẻ với đài CNBC rằng: “Quốc gia mà cả thế giới kỳ vọng sẽ đứng lên dẫn dắt và trở thành hình mẫu lý tưởng [để các quốc gia khác noi theo] đã không đáp ứng được kỳ vọng đó“, ám chỉ đến công tác chuẩn bị cho đại dịch COVID-19 tại Hoa Kỳ.
Vaccine COVID-19 là loại vaccine được phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, kể từ khi phát hiện ra mầm bệnh đến khi bào chế thành công vaccine chỉ mất chưa đầy 12 tháng, theo UCLA Health.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả — cũng như khả năng miễn dịch tự nhiên gia tăng — chỉ có được sau khi công chúng trải qua những khó khăn như tình trạng bệnh viện quá tải, thiếu hụt máy thở và hàng triệu dân thường trên toàn cầu thiệt mạng.
Kể từ thời điểm đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã đánh giá cao khả năng xuất hiện của một đại dịch toàn cầu khác trong tương lai gần.
Mặc nguồn gốc của coronavirus vẫn còn gây tranh cãi, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khẳng định một mầm bệnh mới có thể truyền nhiễm từ động vật sang con người và gây ra một đại dịch mới.
Bệnh đậu mùa khỉ Mpox và cúm gia cầm đã sớm được các chuyên gia y tế liệt kê vào danh sách như một mối đe dọa tiềm tàng đến sức khỏe cộng đồng. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng Tám đã tuyên bố Bệnh đậu mùa khỉ Mpox, căn bệnh lây nhiễm khi tiếp xúc gần hoặc chia sẻ các vật dụng cá nhân như khăn tắm và giường ngủ với bệnh nhân, là một “tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm“.


Thế giới hôm nay 16 tháng 9, 2024
(Đỗ Đặng Nhật Huy)


•Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết họ đang điều tra một âm mưu ám sát nhắm vào Donald Trump khi ông đang chơi golf ở Florida. Cựu tổng thống không bị thương và đã được đội an ninh của Sở Mật vụ đưa đến nơi an toàn. Các đặc vụ đã bắn trả lại tay súng, và một người đã bị bắt giữ. Sự việc xảy ra chỉ hai tháng sau vụ ám sát trước đó cũng nhắm vào ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

•Ít nhất 28 người đã bị thương, bao gồm ba trẻ em, khi bom dẫn đường của Nga đánh trúng một khu chung cư ở Kharkiv, đông bắc Ukraine. Nga cũng tiếp tục pháo kích vào thành phố Pokrovsk khiến một người thiệt mạng. Trong khi đó, ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn đang thảo luận về việc liệu Ukraine có được phép dùng tên lửa do phương Tây cung cấp bắn vào Nga hay không.

•Tám người di cư thiệt mạng khi tìm cách vượt qua eo biển Manche để đến Anh từ Pháp. Họ ở trên một chiếc thuyền chở khoảng 50 người, vốn bị chìm ngay sau khi rời bờ biển. Tổng cộng, tuần duyên Pháp cho biết họ đã giải cứu được 200 người trong khoảng thời gian 24 giờ từ thứ Sáu đến thứ Bảy. Cách đây chưa đầy hai tuần, 12 người di cư cũng đã chết đuối ở eo biển Manche, bao gồm sáu trẻ em.

•Phiến quân Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo mà họ mô tả là “siêu thanh” vào miền trung Israel. Tên lửa này kích hoạt còi báo động không kích ở Tel Aviv và tại sân bay quốc tế Ben Gurion trước khi rơi vô hại xuống một cánh đồng. Houthi tuyên bố tên lửa của họ đã tránh được 20 tên lửa đánh chặn phòng không của Israel, và cảnh báo đây chỉ là “đòn mở đầu.”

•Mưa như trút nước và lũ lụt nghiêm trọng tiếp tục tàn phá Trung và Đông Âu. Thống đốc vùng Hạ Áo tuyên bố toàn bộ tỉnh là khu vực thảm họa. Năm người ở Romania và một người ở Ba Lan đã thiệt mạng do lũ quét. Tại Cộng hòa Séc, hàng nghìn người đã phải sơ tán và một số người vẫn mất tích. Dự báo mưa sẽ có tiếp tục cho đến thứ Ba.

•Vua Abdullah của Jordan bổ nhiệm thủ tướng mới sau cuộc tổng tuyển cử vào thứ Ba tuần trước. Jafar Hassan, một nhân vật kỹ trị, sẽ lên thay Bisher Khasawneh, người vẫn tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi có nội các mới. Nhiệm vụ chính của chính phủ mới là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một phần nhằm làm giảm sức hấp dẫn của các đảng Hồi giáo đối lập. Các đảng này vừa giành được số ghế kỷ lục trong quốc hội, nhờ tâm lý bất mãn của công chúng đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza.

•Tàu Polaris Dawn của SpaceX trở về Trái Đất an toàn sau năm ngày trên quỹ đạo, đáp xuống ngoài khơi bờ biển Florida. Sứ mệnh tư nhân này do Jared Isaacman, một doanh nhân tỷ phú, chỉ huy; ông và ba thành viên phi hành đoàn khác đã đi sâu vào không gian hơn bất kỳ ai khác trong hơn 50 năm qua. NASA ca ngợi nhiệm vụ này là “bước tiến lớn” cho ngành vũ trụ thương mại.

•Con số trong ngày: 84 tỷ đô la, là giá trị thị trường hiện tại của Intel, giảm so với hơn 210 tỷ đô hồi tháng 1.

TIÊU ĐIỂM

TikTok nỗ lực để không bị cấm ở Mỹ

Ứng dụng video hot nhất thế giới sẽ ra tòa vào thứ Hai để đấu tranh giành quyền sinh tồn tại thị trường lớn nhất của mình. Hồi tháng 4, Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu chủ sở hữu phải bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại nước này cho một bên không phải Trung Quốc trong vòng 12 tháng, nếu không sẽ bị cấm. ByteDance, chủ sở hữu TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết họ không có ý định bán; và chính phủ Trung Quốc có lẽ cũng không cho phép bán. Do đó, ứng dụng có 170 triệu người dùng tại Mỹ đang hy vọng sẽ lật ngược được luật.

TikTok tuyên bố lệnh cấm xâm phạm quyền tự do ngôn luận của họ. Chính phủ Mỹ lập luận rằng ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia, vì nội dung của ứng dụng, bao gồm cả tin tức, có thể bị các tuyên truyền viên của Trung Quốc thao túng. Nếu đơn kháng cáo của TikTok không thành công, họ vẫn có thể đạt được thỏa thuận với tổng thống tiếp theo. Kamala Harris nhìn chung ủng hộ lập trường của chính phủ, nhưng Donald Trump, người từng tìm cách cấm TikTok, hiện nói rằng ông muốn giữ nó tiếp tục hoạt động.

Tròn 100 ngày đầu trong nhiệm kỳ mới của Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả cuộc bầu cử hồi tháng 6 là một cuộc bỏ phiếu cho “sự tiếp nối.” Mặc dù mất đi đa số ghế trong quốc hội, buộc ông phải dựa vào các đối tác liên minh để thành lập chính phủ, ông hầu như không thay đổi nội các của mình. Đối mặt với cuộc bầu cử khu vực sắp tới, Đảng Bharatiya Janata của ông đang vận động trên một cương lĩnh quen thuộc về phát triển và chủ nghĩa dân tộc Hindu. Trong bối cảnh đó, chính phủ mới tuyên bố hoàn thành kế hoạch hành động của 100 ngày tại vị đầu tiên, với thời hạn kết thúc vào đầu tuần này.

Ông Modi và các bộ trưởng bắt đầu biên soạn kế hoạch từ tháng 3. Và họ thực sự đã đạt được nhiều mục tiêu, trong số đó có phê duyệt 3.000 km dự án đường cao tốc, mở rộng một chương trình nhà ở giá rẻ, và khởi động một chương trình lương hưu quốc gia mới. Một số điều chỉnh đối với kế hoạch kể từ cuộc bầu cử ít được công khai hơn, bao gồm việc loại bỏ một số hoạt động tư nhân hóa và xem xét lại một chương trình tuyển dụng quân sự gây tranh cãi. Có lẽ là sự tiếp nối, nhưng cũng có sự thỏa hiệp.

Người Ý mong lạm phát cao hơn

Số liệu lạm phát của Ý được công bố vào thứ Hai, và sẽ thu hút được nhiều chú ý hơn bình thường. Từ lâu lạm phát đã là vấn đề kém ưu tiên nhất đối với chính phủ cực hữu của Giorgia Meloni. Lạm phát tiêu đề đã giảm mạnh từ mức đỉnh gần 12% theo năm vào cuối năm 2022. Nhưng sau khi tỏ ra ổn định ở mức khoảng 0,8%, nó tăng vọt lên 1,3% vào tháng 7 trước khi giảm nhẹ xuống 1,1% vào tháng 8. Lạm phát cơ bản, tức không tính năng lượng và thực phẩm tươi sống, vẫn ổn định ở mức 1,9% vào tháng 7, trước khi tăng lên 2% vào tháng 8. Ý có vẻ sẽ đạt được mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhưng lạm phát khiêm tốn cũng thường phản ánh tăng trưởng GDP thấp, mà theo ước tính của chính phủ là chỉ 1% trong năm nay. Nhiều nhà dự báo độc lập cho rằng ngay cả như vậy cũng là lạc quan. Nhưng xét trên khía cạnh đó, bản thân Ý cũng không quá lạc quan so với các nước tương đương. Tuần trước, ECB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của cả khu vực đồng euro xuống còn 0,8%.

Đức thắt chặt biên giới để ngăn người nhập cư bất hợp pháp

Từ thứ Hai, Đức sẽ tái áp dụng các biện pháp kiểm soát trong sáu tháng tại biên giới đất liền với Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, và Đan Mạch. Kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan, và Cộng hòa Séc vẫn sẽ tiếp tục. Cảnh sát sẽ có quyền từ chối nhập cảnh, theo luật của Liên minh châu Âu và luật Đức.

Với nỗ lực hạn chế nhập cư bất hợp pháp này, bộ nội vụ Đức đang cố gắng làm suy yếu đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức. Đảng này đã giành được nhiều thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hôm 1 tháng 9 tại các bang miền đông nước Đức là Saxony và Thuringia. Chính phủ liên minh của Olaf Scholz cũng muốn xoa dịu nỗi lo của người dân Đức sau vụ tấn công bằng dao gây chết người tại thành phố Solingen, vốn do một người Syria xin tị nạn đã mất quyền cư trú gây ra. Tuy vậy, một số nước láng giềng của Đức lại chỉ trích gay gắt quyết định kiểm soát biên giới. Bộ trưởng nội vụ Áo tuyên bố nước ông sẽ không chấp nhận những người xin tị nạn bị Đức từ chối.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Quân Đội Do Thái Điều Tra Truyền Đơn Trái Phép Ra Lệnh Di Tản Người Dân Lebanon


(Hình REUTERS, minh họa: Khói bốc lên ở Lebanon sau một vụ tấn công của Do Thái hồi 8/9/2024.)
-Hôm 15/9/2024, quân đội Do Thái cho biết rằng họ đang điều tra sau khi một đơn vị thả truyền đơn trái phép xuống khu vực biên giới ở miền Nam Lebanon, yêu cầu người dân rời đi.
Hãng thông tấn nhà nước của Lebanon đưa tin rằng Do Thái thả truyền đơn ra lệnh cho người dân rời khỏi khu vực Wazzani.
Quân đội Do Thái cho biết việc thả truyền đơn là hành động trái phép của một đơn vị không xin phép và không có cuộc di tản nào đang diễn ra.
Hàng chục ngàn thường dân đã chạy trốn khỏi các ngôi làng và thị trấn ở cả hai bên biên giới Do Thái-Lebanon trong nhiều tháng xảy ra các cuộc không kích xuyên biên giới, kể từ khi phong trào Hezbollah có vũ trang của Lebanon tăng cường các cuộc tấn công cùng thời gian diễn ra cuộc chiến ở Gaza.


Teheran Tăng Cường An Ninh Trước Kỷ Niệm 2 Năm Phong Trào Đòi Tự Do Cho Phụ Nữ Iran Bùng Phát


(Hình AP - Vahid Salemi: Hình ảnh phụ nữ Iran không đội khăn trùm đầu hijab khi ra đường ở phía Bắc thủ đô Teheran của Iran, ngày 19/4/2024.)
-Cách nay 2 năm, ngày 16/9/2022, Mahsa Amini (26 tuổi) bị Cảnh sát Đạo đức Iran sát hại, vì không đội khăn trùm đầu đúng "cung cách của người Hồi giáo". Sự việc đã khơi dậy phong trào đòi tự do và quyền sống cho phụ nữ Iran. Dù bị thẳng tay đàn áp nhưng từ đó đến nay, "một cuộc cách mạng văn hóa vẫn đang âm ỉ" tại Cộng hòa Cách Mạng Hồi giáo Iran.
Theo các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nữ quyền, ít nhất 551 người chết và hàng ngàn người bị bắt giam từ 2 năm qua, sau khi bùng phát phong trào đòi tự do và quyền được sống cho phụ nữ Iran. Teheran đã hành quyết 6 người đàn ông có liên quan đến phong trào "nổi dậy" này. Lần gần đây nhất là vào tháng 08/2024, ngay sau khi tân Tổng thống Massoud Pezeshkian vừa nhậm chức.

Chính quyền Iran vẫn "theo đuổi mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi trong công luận để giệt trừ mọi mầm mống chống đối". Thông tấn xã AFP trích dẫn số liệu từ tổ chức nhân quyền Iran Human Rights, trụ sở tại Na Uy, cho biết hơn 400 người bị hành quyết trong 8 tháng đầu năm nay. Human Rights Watch ghi nhận: thân nhân những người đã bị chế độ của giáo chủ Khamenei giết hại tiếp tục bị "sách nhiễu" và thậm chí là bị bắt giữ vì bị vu khống.
Gần đến kỷ niệm 2 năm ngày cô Amini bị sát hại, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận "cảnh sát Iran tuần hành nhiều hơn, hiện diện thường xuyên trên đường phố, tại những nơi công cộng" ở Iran. Quốc hội nước này chuẩn bị thông qua một Dự luật siết chặt thêm cái được cọi là "văn hóa đoan trang của phụ nữ Hồi giáo Iran và văn hóa đội khăn trùm đầu" của người đạo Hồi. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc lên án Teheran "tăng cường các biện pháp đàn áp nữ giới và bạo hành nhắm vào phụ nữ".


Bộ Trưởng Ngoại Giao Các Nước G7 Lên Án Iran Xuất Cảng Phi Đạn-Đạn Đạo Sang Nga



(Hình AP, minh họa: Cờ Iran và tháp Milad cùng các tòa nhà lân cận tại thủ đô Tehran, tháng Ba, 2020.)
-Ngày thứ Bảy (14/9/2024), các Bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm Bảy cường quốc Công nghiệp hàng đầu (G7) lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất" việc Iran xuất cảng phi đạn-đạn đạo và việc Nga mua phi đạn-đạn đạo của Iran.
Iran đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn phi đạn-đạn đạo đất đối đất mạnh, thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự giữa hai quốc gia hiện đều đang chịu các chế tài của Mỹ.
"Iran phải ngay lập tức ngừng mọi sự hỗ trợ cho cuộc chiến tranh phi pháp và không thể biện minh được của Nga chống lại Ukraine và dừng việc chuyển giao phi đạn-đạn đạo, máy bay không người lái (drone) và kỹ thuật liên quan, vốn là mối đe dọa trực tiếp đối với người dân Ukraine cũng như an ninh Âu Châu và quốc tế nói chung", các Bộ trưởng G7 nói trong một tuyên bố.
"Chúng tôi vẫn kiên định với cam kết của mình buộc Iran phải chịu trách nhiệm về sự hỗ trợ không thể chấp nhận được của nước này đối với cuộc chiến tranh phi pháp của Nga tại Ukraine, làm suy yếu thêm an ninh toàn cầu. Nhất quán với các tuyên bố trước đây của chúng tôi về vấn đề này, chúng tôi đang phản ứng bằng các biện pháp đáng kể mới".
Ý Ðại Lợi hiện đang giữ chức Chủ tịch G7, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Gia Nã Ðại.


Bom của Nga Làm Ít Nhất 30 Thường Dân Bị Thương ở Kharkiv, Ukraine


(Hình AP: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy tại một cuộc họp báo ngày 2/9/2024 tại Zaporizhzhia, Ukraine.)
-Ít nhất 30 người, bao gồm 3 trẻ em, bị thương khi một quả bom điều hướng của Nga đánh trúng một tòa chung cư cao tầng ở Kharkiv, Đông-Bắc Ukraine, hôm 15/9/2024.
"Hoạt động cấp cứu ở Kharkiv vẫn đang tiếp diễn. Một cuộc không kích của Nga. Một tòa nhà chung cư bình thường, một tòa nhà nhiều tầng, đã bị hư hại. Có một đám cháy và đống đổ nát giữa tầng 9 và tầng 12", Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Ông đăng những bức ảnh khói và lửa bốc ra từ các cửa sổ của một tòa nhà nhiều tầng. Tất cả các cửa sổ đã bị thổi bay.
Thống đốc Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết rằng cơ sở hạ tầng dân sự cũng bị hư hại.
Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới Nga và liên tục bị tấn công bằng bom, phi đạn và máy bay không người lái của Nga.
"Và thế giới phải giúp bảo vệ Ukraine trước máy bay quân sự của Nga, trước hàng chục quả bom điều hướng cướp đi sinh mạng của người Ukraine mỗi ngày. Khủng bố này có thể bị ngăn chặn", ông Zelenskyy nói.

Kyiv cho biết họ cần được phép sử dụng vũ khí mạnh hơn do phương Tây cung cấp để gây ra thiệt hại lớn hơn bên trong nước Nga và làm suy yếu khả năng tấn công của Mạc Tư Khoa.
Nga phủ nhận việc cố ý nhắm vào dân thường mặc dù đã giết chết hàng ngàn người kể từ khi xâm lược Ukraine vào năm 2022.


Lãnh Đạo Anh, Mỹ Hoãn Quyết Định Cho Phép Ukraine Dùng Phi Đạn Phương Tây Để Tấn Công Nga


(Hình AP - Manuel Balce Ceneta: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của Hoa Kỳ, ngày 12/9/2024.)
-Sau cuộc hội đàm hôm 13/9/2024, tại Tòa Bạch Ốc, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tạm hoãn quyết định cho phép Ukraine sử dụng các phi đạn do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo lời Thủ tướng Anh, vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận với các nước đồng minh khác bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng này.
Từ Miami (tiểu bang Florida, Hoa Kỳ), thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Vấn đề này đã là trọng tâm chuyến thăm của ông tại Tòa Bạch Ốc, nhưng Thủ tướng Anh Keir Starmer đã không thuyết phục được Tổng thống Joe Biden bật đèn xanh ngay cho Ukraine sử dụng các phi đạn tầm xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy vậy, sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Starmer cho thấy là ông chờ đợi Mỹ sẽ ra quyết định trong những tuần hay những tháng tới. Hiện giờ Hoa Thịnh Ðốn vẫn tỏ ra thận trọng. Tổng thống Joe Biden muốn tránh mọi nguy cơ leo thang với Ðiện Cẩm Linh sau lời cảnh cáo của Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm (12/9) rằng cho phép Ukraine sử dụng phi đạn phương Tây để tấn công Nga "đồng nghĩa với việc các nước thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham chiến chống Nga".

Hoa Kỳ rất quan ngại trước lời đe dọa đó, theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Keir Starmer và Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Putin tuyên bố trong quá khứ ông đã từng chứng tỏ khả năng "tấn công" và "leo thang". Ông John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden hiện vẫn không thay đổi lập trường về việc sử dụng phi đạn phương Tây để oanh kích vào lãnh thổ Nga".
Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre hôm qua đã chỉ trích những lời lẽ "vô cùng nguy hiểm" của Tổng thống Putin về nguy cơ chiến tranh giữa khối NATO với Nga nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng phi đạn tầm xa để tấn công Nga.
Về phần Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua ông thông báo trong tháng này sẽ đến gặp Tổng thống Mỹ Biden để trình bày "một kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine. Ông Zelensky còn chê trách phương Tây "sợ" nêu lên khả năng giúp Ukraine bắn hạ các phi đạn và drone của Nga như đang giúp Do Thái.
Về tình hình chiến sự, Tổng thống Ukraine khẳng định cuộc tấn công của lực lượng Kyiv vào vùng biên giới Kursk của Nga đã đạt được kết quả mong muốn, đó là làm chậm lại đà tiến của quân Nga ở miền Đông Ukraine, tuy ông thừa nhận tình hình tại vùng Donetsk còn "rất khó khăn".



Biden Sẽ Bàn Chiến Lược Chiến Tranh Với Zelenskyy, Chuẩn Bị Hỗ Trợ Thêm


(Hình REUTERS: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, bắt tay vào ngày ký Thỏa thuận An ninh mới giữa Mỹ và Ukraine, tại Fasano, Ý Ðại Lợi, ngày 13/6/2024.)
-Hôm thứ Bảy (14/9/2024), Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden mong đợi thảo luận chiến lược chiến tranh của Ukraine với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong tháng này và Hoa Thịnh Ðốn đang nỗ lực đạt được một gói viện trợ mới "đáng kể".
Ông Zelenskyy nói ông muốn trình bày với ông Biden và hai người kế nhiệm tiềm năng của ông một "kế hoạch chiến thắng" có thể buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng con đường ngoại giao.
"Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần một chiến lược toàn diện để thành công trong cuộc chiến này và đó là điều mà Tổng thống Zelenskyy nói ông sẽ mang tới, vì vậy chúng tôi rất mong đợi ngồi lại và bàn bạc chi tiết và Tổng thống Biden rất mong có cuộc trò chuyện đó", ông Sullivan nói.

Ông phát biểu qua đường truyền video tại hội nghị Chiến lược Âu Châu Yalta do Quỹ Victor Pinchuk tổ chức tại Kyiv.
Ông Sullivan cho biết Mỹ cũng đặt mục tiêu là tới cuối tháng này sẽ chuẩn bị được một gói hỗ trợ "đáng kể" với nhiều năng lực khác nhau trong khi Mỹ nỗ lực ngăn chặn một bước đột phá đáng kể của Nga ở miền Đông Ukraine.
Quân Nga đã đạt được bước tiến ở một số khu vực phía Đông Ukraine bao gồm xung quanh Pokrovsk, một khu vực mà ông Sullivan nói là "đặc biệt gây lo ngại".
Chiếm được đầu mối giao thông này có thể cho phép Mạc Tư Khoa mở ra các tuyến tấn công mới và làm phức tạp thêm hậu cần của Ukraine.
Trong khi Nga tăng cường các cuộc tấn công phi đạn nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine trong năm nay, Kyiv đã xin vũ khí tầm xa tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Ông Sullivan nói vấn đề này là chủ đề của "các cuộc tham vấn chuyên sâu" giữa các đồng minh và đối tác, và cũng sẽ được ông Biden và ông Zelenskyy thảo luận.


Serbia Tái Lập Nghĩa Vụ Quân Sự Để Đối Phó Mọi Mối Đe Dọa


(Hình AP - Darko Vojinovic: Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vucic phát biểu trước công chúng tại thủ đô Belgrade của Serbia, ngày 13/9/2024.)
-Serbia sẽ áp dụng trở lại nghĩa vụ quân sự, vốn được bãi bỏ vào năm 2011 và sử dụng quân nhân chuyên nghiệp. Ngày 14/9/2024, phát biểu tại một buổi lễ ở Viện Hàn lâm Quân sự Belgrade, Tổng thống Aleksandar Vuçic thông báo thời hạn nghĩa vụ sẽ kéo dài 75 ngày.

Tại thủ đô Belgrade của Serbia, thông tín viên Laurent Rouy của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:

"Để Serbia có được một "quân đội hùng mạnh" nhằm bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa, Tổng thống Aleksandar Vuçic hôm 14/9 thông báo là đã đồng ý việc áp dụng trở lại nghĩa vụ quân sự. Ngay cùng ngày, chính phủ cũng đã phê chuẩn và một đạo luật mới có thể sẽ được thông qua trong chưa đầy một tuần. Chắc chắn là Dự luật sẽ được ban hành. Như vậy, trong năm 2025, nam thanh niên Serbia sẽ bị bắt buộc theo một khóa huấn luyện quân sự trong vòng hai tháng rưỡi, trong khi đó đối với với phụ nữ, nghĩa vụ quân sự sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện.
Quyết định này tương tự như một chính sách đã được khai triển ở Croatia từ mùa Hè vừa qua. Hai nước từng đối đầu nhau cách đây 30 năm và từ nhiều năm qua đã lao vào cuộc chạy đua vũ trang, ví dụ cả hai nước đều mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Ngoài ra, Serbia đã nhiều lần đặt quân đội trong tình trạng báo động ở biên giới Kosovo, một quốc gia cũng đang tìm cách khai triển một lực lượng quân đội chuyên nghiệp và có mối quan hệ ngoại giao tồi tệ với Serbia".


Lũ Lụt Gây Thêm Thương Vong Khi Mưa Lớn Đổ Xuống Miền Trung Âu Châu


(Hình REUTERS: Xe ngập trong nước lụt tại vùng Czechowice-Dziedzice, Silesia, Ba Lan, ngày 15/9/2024.)
-Một người chết đuối ở Tây-Nam Ba Lan và hàng ngàn người được di tản qua biên giới tại Cộng hòa Czech sau khi mưa lớn tiếp tục đổ xuống miền Trung Âu Châu hôm 15/9/2024, gây ra lũ lụt ở một số khu vực trong khu vực.
Một lính cứu hỏa đang giải quyết lũ lụt ở tỉnh Lower Austria cũng đã thiệt mạng, Phó Thủ tướng Áo Werner Kogler cho biết hôm 15/9 trên mạng xã hội X trong khi chính quyền tuyên bố rằng tỉnh bao quanh Vienna là khu vực thảm họa.
Các con sông tràn bờ từ Ba Lan sang Lỗ Ma Ni, nơi bốn người được tìm thấy đã chết hôm 14/9, sau nhiều ngày mưa như trút nước vì áp thấp có tên là Boris.

Một số khu vực của Cộng hòa Czech và Ba Lan phải đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ và một cây cầu bị sập tại thị trấn lịch sử Glucholazy của Ba Lan gần biên giới Czech.
Tại Cộng hòa Czech, khoảng 250 ngàn ngôi nhà bị mất điện do gió lớn và mưa. Cảnh sát Czech cho biết họ đang tìm kiếm ba người trong một chiếc xe hơi rơi xuống sông Staric gần Lipova Lazne, cách Prague 235 cây số về phía Đông hôm 14/9.
Tại Ba Lan, một người chết tại quận Klodzko, nơi mà Thủ tướng Donald Tusk cho biết là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước và nơi có 1.600 người đã được di tản.
"Tình hình rất nghiêm trọng", ông Tusk nói với các phóng viên hôm 15/9 sau cuộc họp tại thị trấn Klodzko, nơi một phần bị ngập khi mực nước sông tại địa phương dâng lên 665 cm vào sáng 15/9, cao hơn nhiều so với mức báo động là 240.
Mực nước này đã vượt qua kỷ lục về trận lũ lớn năm 1997, gây thiệt hại một phần cho thị trấn và cướp đi sinh mạng của 56 người ở Ba Lan.


Michel Barnier Làm Thủ Tướng Pháp: Cánh Hữu Quay Lại

-Thời sự nước Pháp chiếm trang bìa của hầu hết các tuần báo. Le Point đăng ảnh Thủ tướng Michel Barnier mà tuần báo gọi là "Nhiếp chính" với câu hỏi, liệu ông có thể giúp nước Pháp ra khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay hay không. "Michel Barnier ở điện Matignon: Cánh hữu quay lại" là tựa chính của Le Figaro Magazine. L'Express đưa biếm họa tân Thủ tướng Michel Barnier đang cõng trên lưng Tổng thống Emmanuel Macron, chạy tít "Làm thế nào trụ được trong ba năm?".
Courrier International chọn hình vẽ Tổng thống Pháp lái xe với Thủ tướng Đức ngồi bên cạnh, chiếc xe nghiêng đang về bên phải, với giòng tít "Scholz-Macron: Ưu tiên ngả sang hữu". Về mặt xã hội, Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho cuốn sách của tác giả Mona Chollet bàn về việc làm thế nào tránh được xu hướng tự nhận lỗi về mình khiến cuộc sống không được trọn vẹn. Riêng The Economist nhìn sang Hoa Kỳ, dự báo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ "sẽ tệ hại đến mức nào".

Le Figaro Magazine nhận định việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng đánh dấu sự trở lại của cánh hữu. Tuy không phải là chọn lựa ban đầu của ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng biết cách tự khẳng định mình trước Tổng thống.Barnier đưa các nhân vật Những Người Cộng hòa (LR) vào chính phủ, không phá đi những chính sách mà Macron đã dày công xây dựng, cho phép duy trì sự ổn định. Ít nhất là trong khi thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen không cùng với cánh tả bỏ phiếu bất tín nhiệm.
L'Express băn khoăn, liệu tân Thủ tướng có nói thật về món nợ liên quan đến hồ sơ môi trường hay không. Tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội đã bị "đánh cắp", chỉ trích ông Emmanuel Macron "bán linh hồn cho quỷ" khi bắt tay với cực hữu. Tuy Michel Barnier là một nhân vật giàu kinh nghiệm, thân Âu Châu, từng là nhà đàm phán của Liên Hiệp Âu Châu về Brexit; nhưng ông chỉ kéo dài chính sách của Macron đồng thời phải làm hài lòng cực hữu, trước hết về nhập cư.

Tuy nhiên tuần báo thiên hữu Le Point phản bác "Kẻ tước đoạt bầu cử không phải là người mà Mélenchon tố cáo". Thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon nói rằng chính phủ Pháp "chối từ dân chủ", nhưng lại tránh lên án Venezuela. Qua cặp kính méo mó của Mélenchon, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn là hình mẫu, tuy Maduro đã gian lận bầu cử.
Người chiến thắng thực sự là Edmundo Gonzalez với 7,3 triệu phiếu bầu so với 3,3 triệu cho Maduro, mới đây phải chạy sang Tây Ban Nha tị nạn - quốc gia này chưa bao giờ công nhận Maduro đắc cử, "một khi không chính thức công bố các kết quả kiểm phiếu". Khoảng 2.400 người biểu tình Venezuela bị bắt, hơn 20 người thiệt mạng. Đó là mô hình "xã hội chủ nghĩa" mà Mélenchon ca ngợi. Nhưng theo Courrier International, chế độ Maduro chưa thể ca khúc khải hoàn: thủ lãnh đối lập, bà Maria Corina Machado vẫn ở lại Venezuela để tiếp tục tranh đấu.


Pháp: Tuần Hành Chống Bạo Hành Tình Dục, Cổ Vũ Nạn Nhân Lên Tiếng


(Hình AFP - Benoit Peyrucq: Bản phác thảo tòa án chân dung bị cáo Dominique Pelicot ngày 11/9/2024 tại tòa trước khi được miễn tham dự phiên điều trần trong ngày thứ ba liên tiếp để đi khám sức khỏe.)
-Khoảng 30 cuộc tuần hành đã diễn ra trên toàn nước Pháp ngày 14/9/2024 để ủng hộ nạn nhân các vụ cưỡng hiếp và đặc biệt là bà Gisèle Pelicot, nạn nhân của vụ hiếp dâm tập thể kéo dài trong gần một thập niên. Bà đã bị chính người chồng Dominique Pelicot chuốc thuốc trong thức ăn để nhiều người khác cùng cưỡng hiếp bà. Phiên tòa gây chấn động toàn nước Pháp sẽ được tiếp tục ngày 16/9 sau khi phải tạm hoãn vì tình trạng sức khỏe của bị cáo.

Tại Paris, có khoảng 3.500 người tham gia cuộc tuần hành ở quảng trường République do hiệp hội Osez le Féminisme tổ chức để "thể hiện sự ủng hộ với Gisèle Pelicot và gia đình bà ấy, nhưng cũng để bày tỏ tức giận và chắc chắn rằng mọi thứ sẽ thay đổi". Tại Rennes, phía Tây-Bắc nước Pháp, có từ 200-400 người tham gia tuần hành với những khẩu hiệu "bảo vệ con gái, giáo dục con trai", "tất cả chúng ta đều là Gisèle". Vài trăm người đến 1.000 người tập trung trước Tòa án ở Marseille với tấm băng rôn "Nỗi xẩu hổ đang đổi bên".
Khẩu hiệu này được lấy lại từ lời từ chối xử kín vụ án. Bà Gisèle Pelicot muốn phiên tòa được công khai ở Avignon (Vaucluse, miền Nam Pháp) để khuyến khích những nạn nhân bị cưỡng hiếp không vì xấu hổ mà không dám tố cáo thủ phạm. Theo bà Justine Imbert, tham gia tuần hành ở Marseille cùng với con gái 6 tuổi, hành động dũng cảm của bà Gisèle Pelicot, hiện 71 tuổi, cần được ủng hộ, vì sự việc "cho thấy rằng không phải những kẻ du côn mà cả những 'ông bố hoàn hảo'" cũng có thể là thủ phạm.
Người biểu tình bày tỏ mong muốn phá tan những húy kỵ như vậy trong bối cảnh một vụ tai tiếng tình dục khác, liên quan đến cố tu sĩ Pierre, bị phanh phui từ tháng 07. Người được "thần tượng hóa" tại Pháp trong suốt nhiều thập niên và được đặt tên cho nhiều ngôi trường, cơ sở từ thiện bị cáo buộc cưỡng hiếp, xâm hại tình dục rất nhiều phụ nữ. Đơn thư tố cáo của nạn nhân vào thời điểm đó đã bị các nhà chức trách tôn giáo liên quan "ém nhẹm".


Olympic 2024: Pháp Trao Huân Chương Cho Các Vận Động Viên Sau Mùa Thi Đấu Thành Công


(Ảnh AFP, minh họa: Đại lộ Champs-Elysées, Paris, nơi diễn ra lễ "Diễu hành của các nhà vô địch" Pháp tại Olympic Paris, ngày 14/9/2024.)
-Hôm 14/9/2024, các vận động viên Olympic và Paralympic của Pháp sẽ diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées tại Paris và tham gia vào buổi hòa nhạc ở quảng trường Etoile. Đây là lễ hội cuối cùng để vinh danh các vận động viên của đội tuyển Pháp sau mùa Thế Vận hội thành công.
Sau lễ diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées, khoảng 300 vận động viên sẽ tới quảng trường Etoile. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với các nhà vô địch Pháp được nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh trước đó sẽ trao huân chương khen thưởng cho khoảng 170 vận động viên vì những nỗ lực trong suốt mùa Thế Vận hội Paris 2024, giúp nước chủ nhà hoàn thành mục tiêu lọt vào top 5 và giành được tổng cộng 64 huy chương các loại.

Tiêu biểu trong số đó có võ sĩ judo Teddy Riner, người đã giành tấm huy chương vàng cá nhân thứ ba tại Olympic. Vận động viên này sẽ được thăng lên tước hiệu Chỉ huy theo Huân chương Công trạng Quốc gia của Pháp.
Sau lễ trao tặng huân chương, một buổi hòa nhạc lớn sẽ diễn ra tại quảng trường Étoile, với sự góp mặt của một số nghệ sĩ đã tham gia vào buổi lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận hội, như Marc Cerrone, bộ đôi Amadou và Mariam, cùng nữ ca sĩ Axelle Saint-Cirel, người đã hát quốc ca Pháp trong lễ khai mạc Olympic hôm 26/07. Tổng cộng, có khoảng 8.000 đến 10.000 người, bao gồm các tình nguyện viên, thành viên ban tổ chức và các viên chức chính quyền sẽ tham gia buổi lễ cùng các vận động viên.
Để bảo đảm an ninh cho lễ hội, hơn 4.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động. Các cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysées cũng sẽ đóng cửa trong thời gian diễn ra lễ diễu hành.


Venezuela Cáo Buộc Mỹ Đứng Sau Âm Mưu Lật Đổ Tổng Thống Maduro


(Hình AP - Ariana Cubillos: Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro phát biểu trước dinh Tổng thống tại thủ đô Caracas, ngày 28/8/2024, để kêu gọi người dân ủng hộ việc tái đắc cử của ông.)
-Hôm 14/9/2024, chính quyền của Tổng thống Maduro thông báo đã bắt giữ 3 người Mỹ, 2 người Tây Ban Nha và một người Czech, với cáo buộc tham gia vào âm mưu "gây bất ổn" tại Venezuela. Caracas cũng đồng thời đưa tin về việc thu giữ khoảng 400 khẩu súng trường đến từ Hoa Kỳ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Venezuela, ông Diosdado Cabello khẳng định những người bị bắt giữ có liên quan đến một âm mưu "gây bạo lực" và "gây bất ổn" cho nước này, nhắm mục tiêu vào Tổng thống tái đắc cử Maduro cùng nhiều viên chức khác của Venezuela. Hãng tin Pháp AFP trích lời ông Cabello, cho biết: "Họ đã liên lạc với lính đánh thuê Pháp, (…) lính đánh thuê từ Đông Âu và họ đang thực hiện một chiến dịch nhằm cố gắng tấn công đất nước chúng tôi".
Bộ trưởng Nội vụ cũng thông báo về vụ thu giữ hơn 400 khẩu súng trường, bị cho là để phục vụ "các hành động khủng bố ở Venezuela, một chủ nghĩa khủng bố được khuyến khích bởi các thành phần chính trị". Ông cũng tuyên bố rằng Caracas "thậm chí còn biết là chính phủ Mỹ có liên quan đến hoạt động này". Venezuela đồng thời cáo buộc các cơ quan tình báo Tây Ban Nha và lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado dính líu đến âm mưu trên.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc nói trên, phủ nhận mọi "sự tham gia" của Hoa Thịnh Ðốn vào một "âm mưu nhằm lật đổ Tổng thống Maduro". Hoa Thịnh Ðốn đồng thời khẳng định "Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ một giải pháp dân chủ cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela".
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Venezuela với Hoa Kỳ và phương Tây, về chiến thắng gây tranh cãi của Tổng thống Maduro, người đã tái đắc cử lần thứ 3. Mối quan hệ giữa Caracas và Madrid đã xấu đi đáng kể kể từ hôm thứ Năm, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles gọi Venezuela là một "chế độ độc tài". Cùng ngày hôm đó, Hoa Thịnh Ðốn đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 16 viên chức Venezuela, bị cáo buộc cản trở "tiến trình bầu cử minh bạch" và không công bố kết quả chính xác.


Tình Báo Ukraine: Bắc Hàn Là Mối Đe Dọa Lớn Nhất Đối Với Kyiv


(Hình AP: Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Sergei Shoigu hội đàm với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un ngày 13/9/2024 tại Bắc Hàn.)
-Hôm 14/9/2024, lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine, ông Kyrylo Boudanov khẳng định trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, "Bắc Hàn hiện là vấn đề lớn nhất" đối với chính quyền Kyiv, do Bình Nhưỡng là nguồn cung cấp đạn dược "mạnh mẽ nhất" cho Mạc Tư Khoa.
"Trong số tất cả các đồng minh của Nga, vấn đề lớn nhất mà Kyiv phải đối mặt xuất phát từ Bắc Hàn, do khối lượng vũ khí nước này cung cấp cho Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ chiến tranh" trên các mặt trận tại Ukraine. Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine, ông Kyrylo Boudanov, tuyên bố như trên trong khuôn khổ hội thảo về chiến lược Âu Châu, Yalta European Strategy – tổ chức tại thủ đô Kyiv vào hôm 14/9. Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm viên chức này nhấn mạnh "Bình Nhưỡng cung cấp một số lượng đạn pháo rất lớn" cho Nga để phục vụ cuộc chiến do Mạc Tư Khoa khởi động. Đây là một điểm hết sức "nguy hiểm" đối với Ukraine. Ngoài ra, Bắc Hàn còn cung cấp phi đạn-đạn đạo cho Nga nhưng với số lượng thấp hơn nên Kyiv "không lo sợ bằng".

Mỹ và Nam Hàn cáo buộc Bắc Hàn cung cấp đạn dược và phi đạn cho Nga, điều mà chế độ Bình Nhưỡng một mực bác bỏ. Tuy nhiên, thông tấn xã AFP nhắc lại rằng theo điều tra của tổ chức Conflict Armement Research, những mảnh vỡ phi đạn thu thập được trên chiến trường Ukraine cho phép xác định đó là phi đạn do Bắc Hàn chế tạo. Cũng trong phát biểu hôm qua tại hội nghị về chiến lược cho Âu Châu, tướng Boudanov tiết lộ rằng Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chế tạo phi đạn-đạn đạo Iskanda và đã nhiều lần sử dụng bom bay nhắm vào những mục tiêu dân sự và quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Điểm đáng chú ý cuối cùng được lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine nêu ra liên quan đến khả năng Mạc Tư Khoa dự trù chấm dứt chiến tranh Ukraine "trước năm 2026" tránh để cuộc chiến kéo dài làm suy yếu kinh tế Nga.
Các tuyên bố trên được đưa ra vào lúc Anh, Mỹ và cả Đức đều loại trừ khả năng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để nhắm vào sâu trong lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, điều này không cấm cản Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden khẳng định "quyết tâm" từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tăng cường sức mạnh cho Ukraine để đương đầu với Nga. Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) thì lấy làm tiếc là "nhẽ ra Liên minh NATO cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn ngừa chiến tranh Ukraine".

Về chiến sự, sáng 15/9, Kyiv cho biết đã bắn chặn được phi đạn của Nga tại khu vực Odessa, miền Nam Ukraine. Chiến sự tiếp diễn không ngăn cản Nga và Ukraine trao đổi 206 tù binh vào hôm 14/9. Đây là đợt thứ nhì diễn ra trong tuần nhờ có vai trò trung gian của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Kyiv cho biết đã phóng thích 82 binh sĩ và 21 sĩ quan của Nga. Đây là những người bị Ukraine bắt giữ "ngay từ những tháng đầu của cuộc chiến", tức là từ 2 năm trước. Trong số này có những người đã cầm súng bảo vệ Mariupol vào mùa Xuân 2022, theo phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Trái lại, thông cáo của Mạc Tư Khoa thì nói rõ các quân nhân Nga được trao trả đã bị bắt từ sau tháng 8/2024 khi mà Ukraine bắt đầu đánh vào vùng lãnh thổ Kurk của nước Nga. Hãng tin Anh, Reuters ghi nhận Ukraine bất ngờ đánh vào vùng Kursk của Nga, bắt giữ được ít nhất 600 lính Nga và dùng những người lính này để đổi lấy tự do cho các quân nhân Ukraine. Theo lời ông Dmytro Loubinets, đặc trách về hồ sơ trao đổi tù binh với Nga, tính đến ngày 14/9/2024 đây là đợt trao đổi từ binh lần thứ 57 giữa hai nước đang tham chiến và trên 3.600 quân nhân Ukraine đã "được trở về".


KCNA: Lãnh Tụ Cộng Sản Bắc Hàn Kim Jong Un Gặp Shoigu của Nga và Cam Kết Hợp Tác Mạnh Hơn



(Hình AP: Ông Sergei Shoigu và Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Vladivostok, Nga, ngày 16/9/2024.)
-Hôm 14/9/2024, thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA loan tin cho hay nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un vừa gặp viên chức an ninh hàng đầu của Nga Sergei Shoigu và thảo luận về việc tăng cường đối thoại chiến lược giữa hai nước.
KCNA cho biết hai ông đã "trao đổi quan điểm rộng rãi về các tình hình khu vực và quốc tế" và đạt được sự đồng thuận thỏa đáng về các vấn đề bao gồm "hợp tác nhiều hơn để bảo vệ lợi ích an toàn chung".
Ông Kim cho biết Bắc Hàn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Nga phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, vẫn KCNA.

Hoa Kỳ và Ukraine cùng các quốc gia khác, cũng như các nhà phân tích độc lập, nói rằng ông Kim đang giúp Nga xâm chiếm Ukraine bằng cách cung cấp phi đạn và phi đạn để đổi lấy hỗ trợ kinh tế và quân sự khác từ Mạc Tư Khoa.
Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng phủ nhận các cáo buộc trên nhưng cam kết tăng cường hợp tác quân sự và ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6.
Ông Shoigu, trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho đến tháng 5, hiện là thư ký Hội đồng Bảo an, đã báo hiệu sự khởi đầu của mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bắc Hàn và Nga với chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm 2023.
Vào thời điểm đó, ông kề vai sát cánh với ông Kim khi xem cuộc diễu hành quân sự của Bắc Hàn trình diễn phi đạn có khả năng nguyên tử và máy bay không người lái tấn công. Khi ấy ông là viên chức quốc phòng hàng đầu đầu tiên của Nga đến thăm Bắc Hàn kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.


Bình Nhưỡng Cho Phép Đại Sứ Thụy Điển Trở Lại Bắc Hàn


(Hình AFP - Vilhelm Stokstad: Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong Ho rời tòa nhà chính phủ Thụy Điển Rosenbad ở trung tâm thủ đô Stockholm của Thụy Điển, ngày 16/3/2018.)
-Đại sứ Thụy Điển Andreas Bengtsson tại Cộng sản Bắc Hàn đã trở lại Bình Nhưỡng sau 4 năm rời đất nước khép kín nhất thế giới vì đóng cửa chống đại dịch Covid-19. Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên được Bình Nhưỡng cho phép đưa nhân viên ngoại giao trở lại.
Theo tường trình ngày 15/9/2024 của thông tín viên Célio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Hán Thành (thủ đô của Nam Hàn), dù toàn bộ đoàn ngoại giao rời Bắc Hàn vào năm 2020 nhưng thực ra, chưa bao giờ Thụy Điển chính thức đóng cửa Tòa Ðại sứ. Họ đã dựa vào hoạt động của nhân viên người địa phương.

Cần phải nói rằng Thụy Điển có vai trò quan trọng. Là nước trung lập, giống Thụy Sĩ, Thụy Điển là một nhà trung gian trong rất nhiều các cuộc đàm phán giữa phương Tây và chế độ Kim Jong Un.
Cộng sản Bắc Hàn cũng thông báo cho Ba Lan và Vương Quốc Anh về khả năng các nhà ngoại giao của những nước này sớm được trở lại Bình Nhưỡng. Thêm một bước tiến cho thấy Bắc Hàn mở cửa trở lại. Vài tuần trước, hãng lữ hành Koryo Tour thông báo sẽ đón du khách trở lại vào mùa Đông 2024. Tuy nhiên chế độ vẫn chưa xác nhận chính thức thông tin trên.


Thượng Hải Chuẩn Bị Đón Cơn Bão Bebinca


(Hình AFP: Tàu thuyền tránh bão tại cảng Zhoushan ngày 15/9/2024, trước khi Bebinca ập vào.)
-Hôm 15/9/2024, Thượng Hải đã dừng các tuyến giao thông, kêu gọi tàu thuyền vào bờ và đóng cửa các điểm du lịch bao gồm Khu nghỉ dưỡng Disney Thượng Hải trong khi chuẩn bị đón Bebinca, có thể là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất ập vào trung tâm tài chánh của Trung Quốc kể từ năm 1949.
Cơn bão cấp 1, với tốc độ gió duy trì tối đa gần tâm bão khoảng 144 cây số/giờ, cách Thượng Hải khoảng 400 cây số về phía Đông-Nam tính đến 5 giờ chiều. Dự kiến cơn bão sẽ đổ bộ vào bờ biển phía Đông Trung Quốc sau nửa đêm ngày 16/9.
Cục Khí tượng Trung Quốc phát cảnh báo đỏ về bão vào chiều 15/9, cảnh báo về gió giật và mưa lớn ở miền Đông Trung Quốc.
Cơn bão mạnh nhất ập vào Thượng Hải trong những thập kỷ gần đây là cơn bão Gloria năm 1949, đổ bộ vào thành phố với tốc độ gió giật 144 cây số/giờ. Thượng Hải lần cuối cùng bị đe dọa bởi một cơn bão mạnh là Muifa vào năm 2022, nhưng cơn bão này đổ bộ cách đó 300 cây số tại thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang.

Thượng Hải thường tránh được những cơn bão mạnh tấn công xa hơn về phía Nam Trung Quốc, bao gồm cả Yagi, một cơn bão cấp 4 có sức tàn phá dữ dội đã quét qua tỉnh Hải Nam ở phía Nam vào tuần trước. Nhưng Thượng Hải và các tỉnh lân cận không muốn mạo hiểm với cơn bão cấp 1 Bebinca.
Tất cả các chuyến bay sẽ bị hủy tại hai phi trường của Thượng Hải từ 8 giờ tối giờ địa phương hôm 15/9 và đơn vị điều hành, Shanghai Airport (Group) cho biết họ sẽ công bố các điều chỉnh tùy thuộc vào tác động của cơn bão.
Ga đường sắt Thượng Hải cũng đã đình chỉ một số dịch vụ để bảo đảm an toàn cho hành khách và chính quyền Thâm Quyến cho biết các chuyến tàu đến và đi từ Thượng Hải sẽ bị dừng lại.
Các khu nghỉ dưỡng ở Thượng Hải, bao gồm cả Khu nghỉ dưỡng Disney Thượng Hải, Công viên giải trí Jinjiang và Công viên động vật hoang dã Thượng Hải, tạm thời đóng cửa trong khi hầu hết các chuyến phà đã bị dừng lại đến và đi từ Đảo Sùng Minh - hòn đảo lớn thứ ba của Trung Quốc, được gọi là "cửa ngõ vào sông Dương Tử".
Sự xuất hiện của Bebinca sẽ trùng với Tết Trung thu, một kỳ nghỉ ba ngày trên toàn quốc khi nhiều người Trung Quốc đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.


Số Người Chết Vì Lũ Lụt ở Miến Ðiện Tăng Lên 113


(Hình AFP, chụp ngày 14/9/2024: Người dân Miến Ðiện ở khu vực Taungoo, vùng Bago, được đưa tới nơi an toàn sau khi bị ảnh hưởng vì lũ lụt do bão Yagi gây ra.)
-Hôm 15/9/2024, chính quyền quân sự của Miến Ðiện cho biết tính đến tối 14/9, số người chết vì lũ lụt ở Miến Ðiện đã tăng lên ít nhất 113, sau những trận mưa lớn do Bão Yagi gây ra, tàn phá khắp khu vực Đông Nam Á.
Ít nhất 320.000 người đã phải di dời và 64 người vẫn mất tích, phát ngôn viên chính phủ Zaw Min Tun cho biết, theo bản tin đêm khuya trên kênh truyền hình nhà nước MRTV.
"Chính phủ đang tiến hành nhiệm vụ cấp cứu và phục hồi", ông cho biết.
Thời tiết bất lợi do Yagi, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Á Châu trong năm nay, đã giết chết hàng trăm người ở Việt Nam và Thái Lan, và nước lũ từ các con sông dâng cao nhấn chìm các thành phố ở cả hai quốc gia.

Lũ lụt ở Miến Ðiện bắt đầu vào ngày 9/9, với ít nhất 74 người thiệt mạng tính đến hôm 13/9, theo các báo cáo của truyền thông nhà nước.
Miến Ðiện rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021 và bạo lực lan tràn tại nhiều vùng rộng lớn của đất nước.
Có nhiều báo cáo về số người chết và lở đất tăng lên, nhưng việc thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng bị hư hại và đường dây điện thoại và internet bị đứt.
Truyền thông nhà nước cũng đưa tin rằng năm con đập, bốn ngôi chùa và hơn 65.000 ngôi nhà bị lũ lụt phá hủy.
Khoảng một phần ba trong số 55 triệu người dân Miến Ðiện cần được hỗ trợ nhân đạo nhưng nhiều cơ quan viện trợ, chẳng hạn như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, không thể hoạt động ở nhiều khu vực do hạn chế tiếp cận và rủi ro an ninh.


Biển Đông: Phi Luật Tân Rút Tàu Hải Cảnh Khỏi Bãi Cạn Sa Bin Trong Bối Cảnh Căng Thẳng Với Trung Quốc


(Hình AP: Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 va chạm với tàu Tuần duyên Phi Luật Tân BRP Teresa Magbanua gần bãi cạn Sabina tại Biển Đông ngày 31/8/2024.)
-Ngày 15/9/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phi Luật Tân đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Chiếc tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với chiến hạm cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc.
Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Phi Luật Tân đưa ra lời giải thích: "Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành".

Theo thông tấn xã AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Phi Luật Tân và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu "rút ngay lập tức" chiếc tàu của Phi Luật Tân khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.
Ngày 15/9, ngay sau khi tàu của Phi Luật Tân rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận". Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 140 cây số và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 cây số.
Tàu Teresa Magbunua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được phát ngôn viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phi Luật Tân Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc "đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Phi Luật Tân" khiến tàu Teresa Magbunua bị hỏng nhưng không có người bị thương.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague (Hòa Lan) và chồng lấn lên các Vùng đặc quyền Kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei, Mã Lai Á. Kể từ khi Tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Phi Luật Tân năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.


Tình Trạng "Con Vua Thì Lại Làm Vua" ở Đông Nam Á

-Báo Le Monde cuối tuần nhận thấy chính trường thường do các gia tộc khống chế, từ Thái Lan, Nam Dương đến Cam Bốt, Phi Luật Tân. Tờ Financial Times mới đây ghi nhận, các "nepo babies" - từ ngữ chỉ con cái của những người nổi tiếng, "dựa hơi" thế lực của cha mẹ - đang trở lại cầm quyền tại Đông Nam Á, cả ở những nước dân chủ lẫn phi dân chủ.
Trở thành Thủ tướng Thái Lan năm 38 tuổi hôm 16/8, Paetongtarn Shinawatra biểu hiện sự phục thù của gia đình bà. Người cha là Thaksin bị đảo chánh năm 2006 và người cô Yingluck lên nắm quyền năm 2011 bị truất phế năm 2014. Paetongtarn nằm trong số những "con ông cháu cha" đầy quyền lực ở Đông Nam Á.

Tại Cam Bốt, cách đây một năm Hun Manet lên nối ngôi Hun Sen trong một cuộc bầu cử không ai cạnh tranh được. Ở nước dân chủ Phi Luật Tân, "Bongbong" Marcos, con của nhà độc tài bị lật đổ năm 1986, đã lên làm Tổng thống năm 2022 sau hơn ba thập niên. Tại Nam Dương hồi tháng Hai, Prabowo Subianto, con rể của nhà cựu độc tài Suharto đắc cử Tổng thống, còn Phó Tổng thống chính là con trai của Tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo.


Gia Đình Trị Đi Kèm Độc Tài Hay Dân Chủ Nửa Vời

-Ngoài Cam Bốt độc tài, các chế độ gia đình trị khác tự cho là đi theo con đường thứ ba, lửng lơ giữa dân chủ và độc tài, với "giá trị Á Châu", khái niệm được xúc tiến trong thập niên 90 bởi Lý Quang Diệu (Tân Gia Ba) và Mahathir Mohamad (Mã Lai Á). Tuy nhiên sự quay lại với tình trạng "cha truyền con nối" cũng gây ra những phong trào phản kháng.

Chẳng hạn ở Nam Dương, hôm 22/8/2024, một cuộc biểu tình lớn đã khiến Quốc hội phải rút lại Dự luật cho phép bầu Thống đốc dưới 30 tuổi. Đó là nhằm ngăn Joko Widodo (tức "Jokowi") đưa con trai út 29 tuổi ngồi vào ghế Thống đốc Java Centre hay Jakarta vào tháng 11 tới. Dân chúng phẫn nộ vì năm 2023 Tòa Bảo hiến đã hạ tuổi ứng cử viên Phó Tổng thống từ 40 xuống 35, nhờ đó con trai lớn của "Jokowi" là Gibran Rakabuming Raka nghiễm nhiên lên làm phó.

Trường hợp Thái Lan thì gia tộc Shinawatra quay lại chính trường bằng cửa hậu, qua việc bắt tay với các kẻ thù cũ để ngăn chận phong trào dân chủ Move Forward. Ở Phi Luật Tân, "Bongbong" Marcos được bầu lên với sự ủng hộ của Rodrigo Duterte và con gái nhà độc tài này là Sara Duterte được làm Phó Tổng thống, nhưng nay hai gia đình này đang xung khắc. Nếu thành công kinh tế của Nhật Bản và sau đó là các "con cọp Á Châu" đã kích thích "giá trị" đặc thù của châu lục, thì các nhà độc tài nay coi Bắc Kinh là hình mẫu. Hun Sen củng cố chế độ gia đình trị của mình với sự hậu thuẫn vô điều kiện của một "con ông cháu cha" khác là thái tử đỏ Tập Cận Bình.


Mỹ Tố Cáo Kênh Truyền Hình Nga RT Phá Hoại Dân Chủ, Gây Bất ổn Trên Thế Giới


(Hình AFP - Mladen Antonov - minh họa: Xe tác nghiệp của Đài truyền hình Nga RT trên Quảng trường Đỏ, Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 18/3/2018.)
-Hôm 13/9/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tố cáo kênh truyền hình RT (Russia Today) của Nga thực hiện các hoạt động gây bất ổn trên thế giới, trở thành một "chi nhánh" của tình báo Nga. Ông cũng kêu gọi các đồng minh khởi động chiến dịch chống lại kênh truyền hình này.
Phát biểu trước báo chí, ông Blinken khẳng định các cơ quan truyền thông được Ðiện Cẩm Linh hậu thuẫn không chỉ "phá hoại nền dân chủ ở Hoa Kỳ mà còn can thiệp vào vấn đề chủ quyền của nhiều nước trên thế giới" như Moldova, Á Căn Ðình, Pháp, Đức và cả một số quốc gia Phi Châu. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh RT đang tham gia vào "các hoạt động bí mật nhằm thu thập thiết bị quân sự" để trang bị cho binh lính Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, ông Jamie Rubin, đứng đầu một trung tâm chống tin giả thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết RT không chỉ là "một kênh loan truyền tin giả, mà còn là một thành viên chính thức trong hệ thống tình báo của chính phủ Nga".
Theo thông tấn xã AFP, Hoa Thịnh Ðốn cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn Rossia Segodnia của Nga, mà RT là thành viên, do tập đoàn này cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã châm biếm trên mạng Telegram rằng: "Tôi nghĩ ở Mỹ nên có một nghề mới: chuyên gia về các biện pháp trừng phạt Nga"
Kênh truyền hình RT của Nga, ra đời năm 2005, vẫn luôn bị phương Tây coi là cơ quan tuyên truyền cho Ðiện Cẩm Linh. Trang web và các kênh truyền hình của RT được viết và phát sóng bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ả Rập.

Không có nhận xét nào: