Washington ‘‘chuẩn bị’’ cho phép Ukraina dùng vũ khí do Mỹ cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga Chính quyền Mỹ hôm qua, 10/09/2024, phát đi nhiều tín hiệu cho thấy Washington có thể sớm cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cấp để tấn công các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, như đòi hỏi khẩn thiết của Kiev thời gian gần đây.Ảnh tư liệu minh họa : Quân đội Mỹ bắn thử phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật, tại khu bắn thử White Sands Missile Range, Fort Bragg N.C., bang New Mexico, Mỹ, ngày 14/12/2021. AP - John Hamilton Trọng Thành
<!>
Theo AFP, trả lời phỏng vấn báo giới tối hôm qua tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ‘‘đang xem xét vấn đề này’’. Cũng ngày hôm qua, trên Sky News, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: ‘‘Chúng tôi không loại trừ việc này’ ’ nhưng nhấn mạnh, Mỹ muốn chắc chắn là việc cho phép này phải giúp Ukraina đạt được các mục tiêu mà Kiev đề ra.
Sáng hôm nay, ngoại trưởng Mỹ cùng người đồng cấp Anh, David Lammy, đi tàu hỏa từ Ba Lan đến Kiev. AFP cho hay, ‘‘việc giảm nhẹ các giới hạn trong sử dụng vũ khí của phương Tây cung cấp’’ trong cuộc chiến chống xâm lược Nga là một trọng tâm của chuyến công du của hai lãnh đạo ngoại giao Anh - Mỹ.
Một đòi hỏi chủ yếu của Ukraina là Mỹ cho phép sử dụng các tên lửa chiến thuật ATACMS, có tầm bắn đến 300 km để tấn công các căn cứ trong lãnh thổ Nga. Hồi đầu năm nay, Washington đã cho phép Kiev dùng vũ khí Mỹ cấp để tấn công các mục tiêu sát biên giới.
Truyền thông Anh cho hay, trong cuộc gặp tổng thống Mỹ hôm thứ Sáu 13/08, thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đề nghị Nhà Trắng dỡ bỏ quy định cấm Ukraina sử dụng tên lửa Anh Storm Shadow, do Anh - Pháp hợp tác sản xuất, có tầm bắn đến 550 km, tấn công các mục tiêu trên đất Nga.
Trang mạng Telegraph ngày 10/09 giải thích, việc sử dụng tên lửa Storm Shadow đòi hỏi phải có sự cho phép của Mỹ vì vũ khí này ‘‘được sử dụng với một số hệ thống thiết bị của Mỹ’’.
Theo AFP, việc Mỹ - Anh nối lại các thảo luận về chủ đề này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ phát hiện Iran cung cấp tên lửa cho Nga, gây lo ngại về việc quân đội Nga sử dụng các vũ khí này để tấn công vào các khu vực sâu trong hậu phương Ukraina ở miền tây, cho đến nay vốn tương đối ít bị chiến tranh ảnh hưởng.
Về vấn đề này, một số nhân vật tên tuổi trong phe Cộng Hòa Mỹ, trong đó có chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, Mike McCaul, đã gửi thư đến tổng thống Biden, hối thúc Nhà Trắng sớm ra quyết định. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng Hòa cũng đang rất chia rẽ : Nhiều cộng sự của ứng cử viên tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng buộc Kiev phải nhân nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh, nếu Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầu tháng 11/2024.
Theo AFP, điện Kremlin hôm nay cho biết Nga sẽ có phản ứng ‘‘thích hợp’’, nếu Ukraina được các đối tác phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa chống lại lãnh thổ nước này
Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
Philippines vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại một số khu vực đang đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông, vừa có thêm các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Ảnh tư liệu : Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Philippines trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, Biển Đông, ngày 04/03/2024. REUTERS - Adrian Portugal
Trọng Thành
Đại sứ Philippines tại Mỹ hôm qua, 10/09/2024, cho biết ít nhất 20 nước dự tính tham gia một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này. Mục tiêu là tìm cách đưa Trung Quốc vào bàn ‘‘đối thoại’’, tránh xung đột bùng phát.
Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Jose Manuel Romualdez, theo đó, ‘‘càng có nhiều nước liên kết với nhau và gửi đến Trung Quốc một thông điệp là những gì họ đang làm chắc chắn không phải là điều đúng đắn thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn khiến họ không thực hiện các hành động sai lầm, mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại”.
Đại sứ Philippines không nêu chi tiết kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ông cho biết hội nghị sẽ diễn ra bên lề Đại Hội Đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc ở New York, diễn ra ngày 22/09 tới. Bộ Ngoại Giao Mỹ và Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về kế hoạch này.
Trao đổi với trung tâm tư vấn New America ở Washington, đại sứ Philippines cho biết “chưa bao giờ Manila phải đối mặt với thách thức như thế này kể từ Thế Chiến Hai”. Có đến khoảng 240 tàu công vụ hoặc tàu dân quân Trung Quốc hiện diện tại các khu vực tranh chấp, và tình hình này tiếp tục kéo dài ‘‘từ ngày này qua ngày khác”.
Hôm 09/09, truyền thông Nhà nước Trung Quốc kêu gọi Philippines “nghiêm túc xem xét tương lai” của mối quan hệ song phương “hiện đang ở ngã ba đường”. Cùng ngày, đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Philippines, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh : Trung Quốc không thể dùng vũ lực di dời tàu thuyền của Philippines tại các khu vực thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó có bãi cạn Sabin, cách đảo Palawan của Philippines 146km về phía tây.
Căng thẳng Philippines - Trung Quốc lên đến đỉnh điểm hồi tháng 6/2024, với cuộc đụng độ khiến một nhân viên tuần duyên Philippnes bị đứt một ngón tay. Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu công vụ Philippines tước đoạt vũ khí. Tại diễn đàn an ninh Shangri-La đầu tháng 6/2024, tổng thống Philippines tuyên bố việc Trung Quốc giết hại một người Philippines đồng nghĩa với hành động ‘‘tuyên chiến’’.
Hồi tuần trước, Úc và Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ gọi là hành động ‘‘nguy hiểm và cưỡng bức’’ chống lại Philippines ở Biển Đông, trong lúc Ấn Độ và Singapore kêu gọi giải quyết hòa bình mọi tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.
Trong chuyến công du Philippines cuối tháng 8, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị cùng với đồng minh Philippines về các biện pháp để đối phó với các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc trong ‘‘chiến thuật vùng xám’’, tức các hành động tấn công ‘‘dưới ngưỡng chiến tranh’’, như phun vòi rồng, chặn và đâm tàu đối phương…, vốn không cho phép Manila và Washington kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung.
Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
Iran bị Mỹ cáo buộc cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để oanh kích Ukraina. Quan hệ giữa Teheran và Matxcơva sẽ được thắt chặt hơn, với thỏa thuận hợp tác song phương mới sắp được ký kết. Ngày 10/09/2024, thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, được hãng tin Nga TASS trích dẫn, cho biết « các thủ tục nội bộ cuối cùng đang được hoàn thiện để chuẩn bị văn kiện cho hai tổng thống ký kết ».
(Ảnh minh họa) - Các bệ phóng tên lửa do Iran chế tạo, ảnh do Lực lượng mặt đất của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cung cấp ngày 18/10/2022. AFP - -
Thu Hằng
Ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga « nóng lòng đúc kết một thỏa thuận cơ bản song phương mới ». Theo Reuters, từ lâu Nga đã có ý định ký một thỏa thuận đối tác quan trọng với nước Cộng hòa Hồi Giáo nhưng tuyên bố của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một thỏa thuận sắp được ký.
Thông tin được đưa ra vào lúc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định « Nga đã nhận được nhiều tên lửa đạn đạo (từ Iran) và có thể sẽ sử dụng chúng tấn công Ukraina trong những tuần tới ». Ngày 09/09, Teheran phủ nhận cáo buộc trên, trong khi Matxcơva không bác bỏ.
Bốn nước phương Tây trừng phạt Iran cung cấp tên lửa cho Nga
Để trừng phạt Iran, ngày 10/09, Mỹ và 3 nước đồng minh châu Âu, Anh, Pháp và Đức, thông báo trừng phạt 6 công ty Iran sản xuất drone và tên lửa đạn đạo cung cấp cho Nga theo hợp đồng ký cuối năm 2023, cũng như 10 cán bộ, nhân viên của những công ty này. Hãng hàng không Iran Air cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới vì bị cáo buộc vận chuyển số vũ khí nói trên. Theo bộ Tài Chính Mỹ, « các đối tác quốc tế (của Mỹ) thông báo nhiều biện pháp cấm Iran Air hoạt động trên lãnh thổ của họ trong tương lai ».
Anh Quốc đã ngừng các tuyến bay trực tiếp với Iran. Trước đó, trong một thông cáo chung, 3 nước Anh, Pháp và Đức cho biết « đã có xác nhận rằng Iran đã chuyển giao (tên lửa) » cho Nga, đồng thời lên án « hành động leo thang này, do Iran và Nga đồng thời gây ra, là một mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của châu Âu ». Liên Hiệp Châu Âu sẽ đưa ra « biện pháp đáp trả mạnh mẽ », theo phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell.
Ngay tối 10/09, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Iran, Nasser Kanani, ra thông cáo lên án « chính sách thù nghịch của phương Tây và chủ nghĩa khủng bố kinh tế nhắm vào người dân Iran ». Theo AFP, chính quyền Teheran khẳng định sẽ có « những biện pháp đáp trả » tương xứng.
Nhà nước Palestine có ‘‘vị trí chính thức’’ tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
Kể từ hôm qua, 10/09/2024, Palestine có một vị trí chính thức tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ngày 10/05/2024, mặc dù chưa trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, quốc gia Palestine kể từ giờ được hưởng thêm nhiều quyền hạn của các nước thành viên, như có ghế đại diện tại Đại Hội Đồng xếp theo chữ cái ABC như tất cả các thành viên khác, hay quyền đồng chủ trì các dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
(Ảnh minh họa) - Một phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York. REUTERS/Shannon Stapleton
Trọng Thành
Kể từ giờ, vị trí của đại diện Nhà nước Palestine (State of Palestine) tại Đại Hội Đồng là ở giữa Sudan và Sri Lanka. Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud ‘‘ca ngợi một thời điểm lịch sử’’, không đơn thuần chỉ là ‘‘một vấn đề mang tính thủ tục’’. Ngược lại, Israel lên án quyết định của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Phó đại diện của Israel Jonathan Miller tuyên bố : ‘‘Mọi quyết định hay hành động cho phép cải thiện quy chế của người Palestine, dù tại Đại Hội Đồng hay về mặt song phương, đều là một phần thưởng cho các lực lượng khủng bố nói chung và lực lượng khủng bố Hamas nói riêng’’.
Theo nghị quyết ngày 10/05/2024 của Liên Hiệp Quốc, việc Palestine - quốc gia quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc - được hưởng thêm các quyền hạn khác là nhằm thúc đẩy việc chính thức kết nạp Palestine làm thành viên Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đã được thông qua với 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống (gồm Achentina, Hoa Kỳ, Hungary, Israel, Micronenia, Nauru, Palaos, Papouasia-New-Guinea, và CH Séc), và 25 nuớc vắng mặt.
Nghị quyết được thông qua sau khi Hoa Kỳ, ngày 18/04/2024, phủ quyết dự thảo nghị quyết công nhận Palestine là thành viên Liên Hiệp Quốc, được 9 nước thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ, trong đó có Pháp. Nghị quyết cấp thêm một số quyền hạn cho Nhà nước Palestine, được thông qua với đa số áp đảo nói trên, có mục tiêu chính là thúc đẩy Hội Đồng Bảo An ‘‘xem xét lại’’ trong tương lai vấn đề kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.
Trên thực tế, để Palestine được kết nạp làm thành viên chính thức, Hội Đồng Bảo An phải bật đèn xanh. Hiện tại, Hoa Kỳ, đồng minh của Israel, không thay đổi quan điểm : Việc kết nạp Palestine chỉ có thể diễn ra sau khi Israel và Cơ quan Quyền lực Palestine đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Theo giới quan sát, đây là điều bất khả, chừng nào mà cuộc chiến tại dải Gaza còn tiếp diễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét