Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :06/09/2024 - Duke Nguyên


Pháp : Tân thủ tướng bắt tay lập chính phủ trong bối cảnh chính trường chia rẽ sâu sắc Một ngày sau khi được tổng thống Pháp chỉ định làm thủ tướng, hôm nay 06/09/2024, ông Michel Barnier bắt tay vào việc tìm chọn các bộ trưởng cho nội các mới, chấm dứt hơn 50 ngày chờ đợi kể từ sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Thách thức đầu tiên của tân thủ tướng, xuất thân từ cánh hữu, là lập một « chính phủ đoàn kết vì lợi ích chung » của đất nước.Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier tới điện Matignon để dự lễ bàn giao, Paris, ngày 05/09/2024. via REUTERS - STEPHANE DE SAKUTIN Anh Vũ

Ông Michel Barnier đã chính thức vào phủ thủ tướng Pháp điện Matignon chiều hôm qua 05/09 sau lễ chuyển giao quyền lãnh đạo chính phủ từ thủ tướng mãn nhiệm Gabriel Attal. Công việc đầu tiên của tân thủ tướng là khẩn trương chọn các bộ trưởng sao cho chính phủ của ông không bị lật đổ do bị bất tín nhiệm ngay sau khi trình bày chính sách chung trước Quốc Hội.

Là người thuộc đảng cánh hữu truyền thống Những Người Cộng Hòa ( LR), từ sáng hôm nay, ông Barnier tiếp các lãnh đạo chủ chốt của đảng LR nhằm tham khảo xem xét khả năng đảng này tham gia vào chính phủ « đoàn kết ». Trong kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua, đảng LR chỉ giành được 47 ghế tại Quốc Hội.

Chính phủ Michel Barnier cũng phải có các bộ trưởng thuộc phe tổng thống Macron, lực lượng lớn thứ 2 tại Hạ Viện. Sáng nay ông Barnier đã tiếp người tiền nhiệm của mình Gabriel Attal, trên cương vị chủ tịch nhóm dân biểu đảng Đồng Hành vì Nền Cộng Hòa - Ensemble pour La Republique.

Mọi chú ý đang tập trung vào việc chọn thành phần nội các từ các đảng phái khác như thế nào, trong hoàn cảnh liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP), đứng đầu về số ghế tại Quốc Hội. Sự lựa chọn từ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, trong liên minh NFP, đã bị loại trừ hoàn toàn.

Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đứng thứ 3 về số dân biểu tại Quốc Hội, nhưng đóng vai trò đặc biệt đối với sự tồn tại của chính phủ mới. Ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng, các lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đã không phản đối. Bà Marine Le Pen, chủ tịch nhóm RN tại Quốc Hội tuyên bố : « Ông Michel Barnier dường như đáp ứng được ít nhất được tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi yêu cầu đó là phải tôn trọng sự các lực lượng chính trị khác biệt và có khả năng nói chuyện được với đảng RN ». Nếu tính theo đảng, không phải là liên minh, thì RN có số dân biểu lớn nhất.

Phản ứng gay gắt nhất là từ cánh tả. Trong một vidéo đăng trên YouTube, ông Jean-Luc Melanchon, người sáng lập đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đồng thời cũng là người khởi xướng liên minh Mặt Trận bình Dân Mới (NFP) đã tố cáo đó là hành động « đánh cắp cuộc bầu cử của nhân dân Pháp » và kêu người dân xuống đường đông đảo vào ngày thứ Bảy này để phản đối.

Lãnh đạo các lực lượng chính trị khác trong liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP), cũng tỏ thất vọng. Trên mạng X, ông Olivier Faure, thư ký thứ nhất đảng Xã Hội viết : « Sự phủ nhận dân chủ đến cực điểm: một thủ tướng của đảng đứng ở vị trí thứ 4. Chúng ta đang bước vào một khủng hoảng chế độ".

Zelensky đề nghị được cấp thêm vũ khí và tấn công sang lãnh thổ Nga với vũ khí phương Tây

Tổng thống Ukraina Volodymy Zelensky hôm nay 06/09/2024 đề nghị phương Tây cấp thêm nhiều vũ khí và cho phép Kiev dùng vũ khí được tài trợ để tấn công sang lãnh thổ Nga, trong bối cảnh Matxcơva gia tăng các trận oanh kích tàn khốc nhắm vào Ukaina và vẫn tiếp tục đà tiến ở mặt trận miền đông Ukraina.


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong một cuộc gặp tại căn cứ không quân Ramstein, Ramstein-Miesenbach, Đức, ngày 06/09/2024. AP - Andreas Arnold
Thùy Dương
Phát biểu khai mạc cuộc họp của nhóm các nước hỗ trợ quốc phòng cho Kiev, còn gọi là nhóm liên lạc Ramstein, tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở miền tây nước Đức, tổng thống Ukraina phát biểu : « Chúng tôi cần thêm vũ khí để đẩy lui các lực lượng Nga khỏi đất nước chúng tôi, đặc biệt tại vùng Donetsk (…) Thế giới có đủ các hệ thống phòng không để bảo đảm không cho khủng bố Nga đạt kết quả ».
Nguyên thủ Ukraina cũng nhắc lại yêu cầu để cho Kiev có quyền sử dụng vũ khí tầm xa mà các đồng minh đã cấp, nhằm tấn công đáp trả các lực lượng Nga không chỉ ở các vùng lãnh thổ của Ukraina bị đối phương chiếm mà ở cả trên lãnh thổ Nga. Cho đến nay, Mỹ và Đức mới chỉ đồng ý cho Ukraina dùng một số loại vũ khí phương Tây để oanh kích Nga với một số điều kiện cụ thể. Berlin và Washington lo ngại mở rộng sự cho phép nói trên sẽ gây leo thang căng thẳng với Nga, vốn thường xuyên đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Cũng vào sáng hôm nay 06/09/2024, Anh Quốc thông báo trong từ nay đến cuối 2024, sẽ giao 650 hệ thống hỏa tiễn hạng nhẹ cho Ukraina, theo hợp đồng trị giá 162 triệu bảng (192 triệu euro). Các tên lửa đa năng này do tập đoàn Pháp Thales sản xuất tại Belfast, Bắc Ireland, có thể được phóng đi từ các bệ phóng chiến thuật trên đất liền, trên biển hoặc trên không, và có thể nhắm đến mục tiêu trên mặt đất hay drone đang bay.

Trở lại với chuyến công du của tổng thống Zelensky, theo AFP, sau chặng dừng chân tại Đức, nguyên thủ Ukraina tối nay đến Ý và sẽ tham gia Diễn đàn Kinh tế Ngôi Nhà Châu Âu, tại Ambrosetti, Cernobbio (miền bắc Ý), vốn thường được xem là Diễn đàn Davos thu nhỏ. Theo dự kiến, tổng thống Ukraina sẽ gặp thủ tướng Ý Giorgia Meloni vào ngày mai 07/09. Roma vốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Kiev chống Nga. Đây là dịp để thủ tướng Ý bảo đảm với tổng thống Ukraina về sự ủng hộ vững chắc dành cho Kiev.

Chiến tranh Gaza : Mỹ và các bên trung gian sẽ đưa ra đề xuất thỏa thuận ngừng bắn mới

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị bế tắc từ 11 tháng qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua, 05/09/2024, cho biết Washington cùng các đối tác trung gian hòa giải là Ai Cập và Qatar, có thể sẽ đưa ra một đề xuất thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas trong những ngày tới.

 
Người dân Palestine đưa tang những người thiệt mạng trong một chiến dịch quân sự của Israel, ở Jenin, Cisjordanie, ngày 06/09/2024. AP - Nasser Nasser
Chi Phương
Trả lời báo giới nhân chuyến công du tại Haiti, hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết “90 % các điều khoản đã được đồng ý”, nhưng vẫn còn một số vấn đề mà các bên cần phải đạt được đồng thuận. Lãnh đạo Ngoại Giao Mỹ cũng nói thêm : “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ chia sẻ với Israel và Hamas những suy nghĩ của chúng tôi, để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng”.

Theo báo chí Mỹ, trong những ngày tới, có thể một đề xuất thỏa thuận “cuối cùng” sẽ được đưa ra để giải quyết xung đột. Nếu Israel và Hamas không chấp nhận thì các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu cùng các bên trung gian hòa giải, dường như sẽ chấm dứt.

Theo AFP, những điểm mấu chốt của thỏa thuận là về hành lang Philadelphia, khu vực biên giới giữa Gaza và Ai Cập mà Israel muốn giữ quyền kiểm soát, cũng như số lượng và danh tính các tù nhân Palestine sẽ được Nhà nước Do Thái thả để đổi lấy các con tin Israel đang bị Hamas cầm giữ. Kể từ Chủ Nhật tuần trước, sau thông báo phát hiện thi thể của 6 con tin Israel bị Hamas sát hại ở Gaza, lãnh đạo Israel đã phải chịu áp lực về việc tìm ra thỏa thuận trả tự do cho các con tin. Tuy nhiên, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố “còn lâu mới đạt được thỏa thuận này”.

Phía Hamas thì nhất quyết áp dụng kế hoạch hiện tại do tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi cuối tháng Năm, trong đó nêu ra lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, kèm theo yêu cầu rút quân một phần và thả con tin, và sau đó Israel rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Palestine.

Về tình hình chiến sự, theo nguồn tin từ AFP, ít nhất 12 người Palestine đã thiệt mạng hôm qua tại dải Gaza. Còn tại Cisjordanie (Bờ Tây), quân đội Israel tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công. Hôm qua, tổ chức nhân đạo Lưỡi Liềm Đỏ (Croissant-Rouge) cho biết 5 nhân viên của tổ chức này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của quân đội Israel.

Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc trước đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm nay, 06/09/2024, hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Seoul, Hàn Quốc, trong chuyến thăm hai ngày, nhằm tăng cường quan hệ song phương. Hai bên cũng thảo luận về tình hình an ninh quốc gia, trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng.


Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (P) tiếp thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Văn phòng tổng thống, Seoul, Hàn Quốc, ngày 06/09/2024. via REUTERS - Lee Jin-man
Chi Phương
Theo hãng tin Yonhap, Thủ tướng Kishida và tổng thống Yoon nhất trí “duy trì động lực tích cực” từ mối quan hệ đã được cải thiện, vượt qua các bất đồng liên quan đến lịch sử, bất kể việc thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản. Đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng của ông Kishida tới Hàn Quốc với tư cách thủ tướng, do ông đã từ bỏ ý định tái tranh cử làm thủ tướng và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sau ba năm đảm nhiệm vị trí này.

Lãnh đạo hai nước cũng cam kết “tăng cường phối hợp giữa hai quốc gia để ứng phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ Bắc Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ quân sự ngày càng gia tăng của nước này với Nga”.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn nguội lạnh trong nhiều thập kỷ do tranh chấp ngoại giao và thương mại, cũng như việc Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến 1945. Tuy nhiên, theo Reuters, với nỗ lực hàn gắn từ Hoa Kỳ, hai nước Bắc Á đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây.

Bà Karoline Postel-Vinay giám đốc trung tâm nghiên cứu về châu Á, Ceri, thuộc đại học Sciences Po, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng những tranh chấp giữa Nhật-Hàn chỉ là thứ yếu, khi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Bà giải thích: “Vấn đề về an ninh là điều hiển nhiên mà hai nước đều quan tâm. Thêm vào đó, tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol cởi mở hơn với việc xích gần lại Nhật Bản. Tôi cho rằng tình hình hiện nay, là Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ ba bên Nhật-Hàn-Mỹ. Ngoài ra, tổng thống Yoon khá thân Mỹ, và điều này không phải là thường thấy ở Hàn Quốc. Nhật Bản thì vẫn luôn thân Mỹ nhưng không muốn thể hiện là quá đối đầu với Trung Quốc, bởi vì Nhật quá gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngoài ra còn có một vấn đề khác là Nhật không muốn lao vào một cuộc xung đột quá bạo lực, môt cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc, ví dụ như là tình huống phải làm gì nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan ? Đó là những vấn đề ngày càng đáng lo ngại khi là một láng giềng của Bắc Kinh.”

Bầu cử tổng thống Mỹ :Ông Putin « giả vờ » bày tỏ ủng hộ ứng viên Dân Chủ Kamala Harris ?

Hôm qua, 05/09/2024, sau khi Vladimir Putin bày tỏ ủng hộ đối với ứng viên của đảng Dân Chủ Kamala Harris, thay vì Donald Trump, Nhà Trắng đã kêu gọi tổng thống Nga ngừng « can thiệp » vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga, ngày 05/09/2024. AP - Kirill Kazachkov
Chi Phương
Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, John Kirby, khẳng định rằng « chỉ có người dân Mỹ mới có quyền quyết định ai sẽ tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo » và kêu gọi tổng thống Nga « ngừng can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi ».

Cụ thể là, hôm qua, nhân diễn đàn kinh tế Vladivostok, tổng thống Nga Vladimir Putin đã « gây bất ngờ », kêu gọi cử tri Mỹ ủng hộ bà Kamala Harris, trong khi trước đây ông nhiều lần bày tỏ ủng hộ Donald Trump. Nguyên thủ Nga nhận xét rằng bà Kamala Harris « có nụ cười biểu cảm, khiến tiếng cười được lan tỏa, chứng tỏ rằng bà vẫn khỏe » và nói thêm là chưa có tổng thống Mỹ nào áp đặt nhiều trừng phạt đối với Nga như dưới chính quyền của ông Trump (2017-2021) và có thể Kamala Harris sẽ không làm vậy.

Phát biểu của Putin được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng. Trước đó một ngày, Washington công bố các trừng phạt và các thủ tục tố tụng, nhắm vào các nhà quản lý của hãng truyền thông Russia Today (RT) với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới.

Kênh truyền hình Mỹ CNN cho rằng « nếu nhìn theo quan điểm của Putin về chính trị Hoa Kỳ », thì sự ủng hộ của nguyên thủ Nga dành cho Harris là kiểu ủng hộ gây hại cho người nhận.

Nhà khoa học chính trị Konstantin Blokhine, trả lời báo Pháp Le Figaro thì cho rằng bình luận của ông Putin có thể được xem là một « troll chính trị tinh vi ». Tổng thống Nga trước đó cũng đã từng nhận xét rằng Joe Biden vẫn có cơ hội trong cuộc đua vào Nhà Trắng và ông Biden có nhiều kinh nghiệm hơn ông Trump. Khi ông Putin bày tỏ sự ủng hộ với cả Biden và Harris, đồng nghĩa với việc cả hai ứng viên này đều « đang làm hại nước Mỹ và đưa nước Mỹ vào con đường sai lầm », như vậy thì Nga sẽ có lợi.

Không có nhận xét nào: