Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

THẰNG CU CỦA MẸ - Tràm Cà Mau


Bà cụ Tư 95 tuổi, mình dây, dáng khô gầy, còn khỏe mạnh. Nhờ thay màng tròng mắt nên bà còn đọc được sách báo in chữ nhỏ li ti như kiến bò. Tai bà hơi nặng, nhưng vẫn nghe được, chưa cần đến máy trợ thính. Bà cụ nhìn lung ra hướng cổng nhà và hỏi:“Thằng Cu hôm nay sao bận việc chi mà giờ này chưa thấy tới? Hương ơi, nấu sẵn nước sôi pha trà. Lấy trà ngon của chú Phó tặng, mua từ San Francisco về mà pha nghe con.”Người mà bà Tư gọi là ‘Thằng Cu’, cũng là một ông già 75 tuổi, con trai đầu lòng của bà. Ông này đau khớp đầu gối, lại bị bệnh tiểu đường nặng, đi đứng phải nhờ cái gậy, để phòng khi trượt té.
<!>
Có tiếng chuông reo, bà bước mau ra hướng cửa và nói:

“Thằng Cu đã đến. Pha trà liền đi nghe con!”

Bà loay hoay mở cửa, vặn qua vặn lại hai cái chốt khóa của một cánh cửa. Bà mở chốt này, thì khoá chốt kia, và cứ thế mà vặn mãi. Rồi cửa mở. Ông con trai nói nhỏ qua hơi thở:

“Mẹ. Khoẻ chứ? Hôm qua có ngủ được không?”

Bà cười gật đầu, đưa tay vịn lên vai ông con, âu yếm nhìn ông với ánh mắt dịu dàng:

“Cu! Con lái xe có mệt không? Hai cái đầu gối của con đã khá hơn chưa?”

“Khá lắm rồi. Con chống gậy cho an toàn. Chứ chân đã vững mạnh” – Ông con nói thế cho mẹ yên lòng, chứ cái đầu gối của ông còn đau buốt và nhức nhối thường xuyên.

Bà cụ rót trà thơm ra chén, dọn thêm mấy cái bánh khô ra dĩa nói:

“Ăn đi con. Bánh khô nầy lành, không sợ mỡ, đường, cao máu. Trà cũng thơm và ngon, đắt lắm đó. Chú Phó đi San Francisco về, mới tặng hôm kia. Mẹ để dành cho con”

Ông con trai rót trà ra chén, đưa lên ngửi, cánh mũi ông phập phồng, rồi chiêu một hớp nhỏ. Nói lớn:

“Thơm, ngon thật. Mẹ uống với con một chén đi. Mẹ có sợ uống trà mất ngủ không?”

Bà cụ lắc đầu, cười:

“Việc chi mà sợ? Ngủ không được thì mở máy truyền hình ra xem. Khi mỏi mắt rồi, ngáy lúc nào không hay. Trà quý và thơm ngon như thế này, không thưởng thức thì chẳng uổng lắm sao?”

Bà cụ Tư đi qua bếp mở tủ lạnh, lục tìm một hồi, rồi lớn tiếng hỏi:

“Có đứa nào ăn mấy cái bánh lá gai của mẹ để dành cho thằng Cu không? Sao tìm mãi chẳng có. Hương ơi, con thấy mấy cái bánh gai đậu không?”

Bà Hương từ phòng trong nói vọng ra:

“Ba cái bánh màu đen phải không? Con cất trong cái chén có đậy nắp đó”

Bà cụ đem bánh ra, để vào lò vi-ba hâm. Dọn vào dĩa, đưa cho ông con, và nói:

“Hôm qua ăn giỗ nhà con Thoại, thấy bánh lá gai ngon, mẹ xin mấy cái, đem về để dành cho con. Ăn bánh nầy, uống nước trà, thì tuyệt.”

Ông con nhìn mẹ cảm động, mắt chớp chớp. Ông cầm cái bánh lá gai trong tay, trở qua trở lại, có lẽ đang ngần ngại, chẳng muốn ăn, vì bánh ngọt, nhiều chất đường và chất bột, không tốt cho cơ thể đang bệnh của ông. Nhưng rồi ông mạnh dạn bóc bánh, ăn nhai với điệu bộ ngon lành, thích thú. Ông ăn cho mẹ vui, chứ thực sự ông cũng ngán các thứ bánh này. Ông từ tốn nói:

“Ngon thật mẹ à! Lâu nay kiêng đường, kiêng bột, kiêng muối, bây giờ liều mạng ăn cái bánh này, ngon đến nhức cả răng.”

Ông con dùng cái khăn giấy, gói hai cái bánh còn lại, cho vào túi áo khoác, nói nho nhỏ:

“Để dành về nhà ăn. Ăn nhiều một lúc mất ngon, uổng.”

Bà cụ nhìn ông con với nụ cười hiền. Bà nói:

“Ngon thì ăn thêm đi. Về nhà không lẽ ăn một mình. Chừng đó, chia ra, ai ăn, ai nhịn?”

Thấy trên mép ông con có dính chút vụn bánh, bà cụ kéo tờ khăn giấy, vói tay qua lau miệng cho ông con. Đứa cháu ngoại đang ngồi gần đó kêu lên

“Kìa bà ngoại! Bác già rồi, chứ đâu phải còn bé bỏng chi nữa, mà bà chăm như chăm em bé hai ba tuổi vậy? Riết rồi bà làm bác hư thân mất nết luôn đó. Cứ một tiếng là ‘thằng Cu’, hai tiếng là ‘thằng Cu’. Ha ha ha.”

Ông con nháy mắt làm hiệu với đứa cháu, rồi giả vờ nạt nó:

“Đừng có hỗn nghe. Với bà, thì bác bao giờ cũng bé bỏng, cũng là thằng Cu thơ dại của bà ngày xưa.”

Mấy chục năm trước, khi ‘thằng Cu’ vừa đến tuổi đi học, bà dắt con đến trường. Tay xách theo một con gà trống thiến, bà ném gà lên bàn thầy hiệu trưởng. Con gà đau, toẹt một bãi phân ướt cả cuốn tập. Bà nói:

“Cho nó vào học đi! Ở nhà hoài phá lắm.”

“Cho tôi xem tờ khai sinh của thằng bé? – Ông hiệu trưởng ôn tồn nói.

“Không cần khai sinh, cứ cho nó vào học đi.” – Bà thản nhiên đáp.

“Nó tên gì?”

“Thằng Cu.”

“Cu là tên ở nhà. Còn tên đi học phải đúng theo giấy khai sinh.”

Bà bối rối một chốc, rồi mạnh dạn nói:

“Thì cứ ghi vô tên là ‘thằng Cu’ đi. Tên nào cũng là nó thôi.”

“Nó họ gì?” – Ông hiệu trưởng hỏi.

“Họ Lê.”

Ông hiệu trường nhìn ra phía ngoài xa, mắt mơ màng, miệng lẩm bẩm; “Lê Thằng Cu, Lê Thăng Cư, Lê Thắng Cữ, Lê Thành Cứ, Lê Thanh Cự.” Ông mở sổ ra ghi và nói:

“Thôi, cho nó cái tên Lê Thanh Cự, cũng được. Đọc lên, nghe cũng gần với Thằng Cu.”

Sau này, nó gặp cả trăm chuyện rắc rối về giấy tờ, phải chạy ngược chạy xuôi ra đến tận toà án, mới lấy lại được cái tên Lê Mạnh Hiền trong khai sinh cũ. Có người biết ông tên Cự từ nhỏ, sau nghe tên Hiền, tưởng ông mạo nhận tên ai đó, để lấy bằng cấp mà khỏi thi cử.

Thời ông từ tỉnh lên Sài Gòn trọ học, ở chung với một nhóm bạn bè, ăn cơm tháng do chủ nhà nấu. Lần đầu tiên bà mẹ từ quê lên thăm con, tìm đến địa chỉ nhà trọ, hỏi thăm thằng Cu, không ai biết. Người ta bảo nó không ở nơi này, có lẽ bà nhớ lộn địa chỉ rồi chăng. Mấy anh học sinh ở trọ chạy quanh hỏi hàng xóm giúp bà. Cũng không ai biết. Họ mời bà vào nhà, uống nước, lau mồ hôi, nghỉ một chốc cho bớt mệt vì đường xa. Khi bà xách gói đứng dậy định ra về, thì ‘thằng Cu’ của bà xuất hiện trước cửa. Bà mừng quá, vất giỏ, và chạy lại nắm tay con, nói lớn:

“Vậy mà người ta nói không có con ở đây, mẹ định ra về rồi. Họ không tốt, định gạt mẹ.”

Mấy anh thanh niên cười to, nói:

“Có ai biết thằng Hiền là thằng Cu đâu. A, cái thằng nầy giấu kỹ cái ‘tên cúng tổ’ của nó. Cho đáng đời. May mà mày về kịp lúc, không thì mẹ mày đã trở lại quê rồi. Uổng công đường xa lặn lội đi thăm tội nghiệp.”

Từ đó về sau, bạn bè không kêu nó là Hiền nữa, mà cứ ‘thằng Cu’ mà gọi. Nó cũng không phản đối, không xấu hổ vì cái tên đó, và công khai nhận là thằng Cu. Nó nói, mình Cu thì cứ nhận là Cu, có chi mà sợ?

Một lần, nó có bạn gái đến thăm nơi trọ học, bạn bè nó réo gọi vọng lên gác:

“Cu ơi, Cu. Có tiên nữ đi tìm Cu đây nè.”

Bạn gái nó nghe mà đỏ mặt lúng túng. Nó từ gác xuống, vui vẻ, hớn hở. Cô bạn cười, ấp úng hỏi:

“Ở nhà anh là Cu hả?”

“Ừ, Cu.” – Nó đáp lại.

Cô bạn mỉm cười, với cái núng đồng tiền rất có duyên, nói:

“Nhà em có Cu Anh, Cu Em, Cu Tí, và Cu Nhỏ. Có bốn Cu. Còn anh là Cu gì?”

Nó cười, định trả lời là ‘Cu Teo’ mà sợ sỗ sàng, làm bạn giận. Từ đó, các cô bạn gái chung lớp, tùy theo tuổi tác mà thân mật gọi nó là Cu, thằng Cu, anh Cu. Nhờ cách xưng hô này, mà nó giao tiếp thân mật và tự nhiên hơn với các bạn gái trong lớp học. Các cô xem nó như anh em trong gia đình. Nhiều thằng trong lớp thấy nó thân mật với các cô mà phát ghen lên. Khi có những đứa con trai nhút nhát, muốn làm quen với cô nào trong lớp mà không dám lân la đến gần, thì cũng phải nhờ nó làm trung gian, rất tự nhiên và hiệu nghiệm.

Khi đi làm việc, tháng tháng ‘thằng Cu’ gởi gần hết lương cho mẹ. Chỉ giữ lại một phần tối thiểu vừa đủ ăn tiêu. Cũng ở trọ chung phòng với nhiều người, và ăn cơm tháng. Bà mẹ thỉnh thoảng từ quê lên thăm. Có ai hỏi đi đâu, bà nói đi thăm thằng Cu.

Có một lần bà Tư đi xe đò từ quê ra miền Trung thăm ‘thằng Cu’. Khi nầy ông con của bà đang giữ chức Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh. Bà đi mà không báo trước. Đến nhà thấy cổng đóng, nhấn chuông hoài không ai nghe. Bà ngồi tựa bờ tường, dùng nón quạt cho đỡ nóng. Chờ mãi, không được. Theo lời khuyên của hàng xóm, bà đi ra trụ sở tòa tỉnh tìm ‘thằng Cu’. Anh lính gác cổng chận bà lại hỏi:

“Bà đi đâu đó, có việc gì không?”

“Tôi vô đây tìm thằng Cu. Đến nhà không có ai mở cổng.”- Bà trả lời

“Đây là cơ quan hành chánh. Không có thằng Cu nào vô trong này cả.” – Anh lính nói.

Bà cả quyết:

“Tôi biết thằng Cu làm việc trong này mà. Đã có lần thằng Cu đem tôi vô đây. Thằng Cu ngồi ở phòng cuối, bên cánh trái này.” – Bà chỉ tay về cuối dãy nhà.

Anh lính gác cười, tưởng bà nói đùa chơi. Bảo bà về đi, đây là cơ quan chính quyền. Bà không chịu về, ngồi chồm hổm, mở khăn lấy trầu ra nhai.

Bỗng bà thấy thấp thoáng bóng thằng Cu của bà đang đi trên hành lang, bà vội chạy vụt vào bên trong, đưa tay ngoắc, và la to:

“Cu, Cu ơi, mẹ đây nè. Cu ơi, Cu ơi!”

Anh lính chạy ra khỏi trạm gác, định ngăn cản bà lại. Nhưng thấy ông phó tỉnh trưởng từ bên trong hấp tấp đi về hướng bà. Anh lính gác vừa tới nơi. Bà đưa tay chỉ và nói:

“Thằng Cu đây nè! Sao anh gạt tôi, nói trong này không có nó.”

Anh lính gác lúng túng, gãi đầu:

“Thưa ông Phó, tụi em không biết Cu là tên ở nhà của ông Phó.”

Bà mẹ tưởng con bà làm quan rồi tạo sự khó khăn, không muốn tiếp dân, bà nói nhỏ nhẹ:

“Cu nè, làm quan phải biết thương lính, thương dân. Có ai cần đến xin gặp, phải tiếp người ta cho tử tế. Làm quan đừng có hách dịch, xa cách dân. Dân thì muôn đời, quan thì chỉ một thời thôi. Mai đây, quan có to mấy đi nữa, cũng thành lại dân mà thôi.”

Từ đó, trong toà tỉnh, nhân viên và lính tráng, khi nói về ông con, thì gọi là ông “Phó Cu”.

Rồi thời thế đổi thay, năm 1975 miền Nam thua trận. Ông Hiền là ‘thằng Cu’ của bà bị đưa đi giam giữ tận ngoài Bắc. Hai đứa con rể khác cũng bị ‘tù cải tạo’ tại các vùng rừng núi miền Trung.

Lần cô con dâu bị bệnh không đi thăm nuôi được, bà khăn gói ra đi. Đường xa diệu vợi, đi xe hơi, xe lửa, nêm cứng hành khách suốt cả mấy ngày, ngủ trên sàn tàu chật chội, ôm khư khư gói hành lý, sợ trộm cắp, cướp giật. Những bà vợ tù nhân cùng đi thăm nuôi chồng hỏi bà đi thăm ai, bà nói thăm nuôi thằng Cu. Hỏi thằng Cu phạm tội gì mà bị đày ra Bắc. Bà nói thằng Cu của bà hiền lành lắm, chưa bao giờ phạm tội gì cả Đường xa, vất vả, nhưng tình thương của bà mẹ đối với thằng Cu không biết mệt mỏi.

Khi hai anh con rể của bà ở tù về, cùng tổ chức vượt biển, kêu bà đi theo. Bà nói thằng Cu chưa về thì bà không đi đâu cả. Đám con cháu ngày đêm thuyết phục mãi mà không được, phải lừa gạt đưa bà lên thuyền, rồi ra khơi. Cuộc vượt biển may mắn thành công. Sau một năm ở trại tị nạn, toàn gia đình vào Mỹ định cư. Tất cả trẻ con được vào trường đi học, người lớn kiếm việc lao động làm ngay. Cuộc sống nơi đất mới ổn định rất mau. Bà cụ trông coi việc nhà cho các con cháu, và lãnh phần nấu ăn cho cả mấy gia đình.

Mỗi tối, sau khi con cháu ăn xong, khoảng bảy giờ, bà đẩy một chiếc xe bốn bánh, loại xe đi chợ ở các siêu thị, đi nhặt lon và chai phế thải. Mùa hè cũng như mùa đông, bà nai nịt gọn gàng, lầm lũi đẩy xe đi trong ánh đèn đường lờ mờ. Mở từng thùng rác moi tìm chai lọ. Đi từ đường này qua đường kia, khu phố nọ qua khu phố khác. Mùa đông, thở ra khói phì phò như hút thuốc lá. Bà không thấy cực khổ, không thấy mệt nhọc, mà trong lòng vui thú, vì bà nghĩ đến những gói quà, những chỉ vàng, gởi về nuôi sống thằng Cu đang đói khổ trong tù. Bà đi mãi cho đến hơn mười giờ đêm mới về nhà. Bà nghe nói bây giờ thằng Cu đã được đưa về miền Nam, khỏe mạnh, mập mạp ra. Thằng Cu không phải làm lao động cực nhọc nữa, được cắt cử làm tài xế lái xe cho nhóm nhà bếp đi chợ mỗi ngày. Sáng sớm ra chợ, anh em tù và tên quản giáo được thằng Cu đãi ăn, khi thì vài củ khoai, khi ly cà phê, lâu lâu ăn một tô cháo lòng, tô hủ tiếu. Bạn đồng tù đặt cho thằng Cu là ‘Vua Tù’. Đó cũng nhờ công khó của bà mẹ đêm đêm lặn lội đi lục thùng rác, gom bán đồ phế thải.

Sau chín năm đi tù, ông con của bà được phóng thích. Không lâu sau đó, được đem cả gia đình qua Mỹ theo chương trình nhân đạo ‘HO’.

Bà cụ thường ngồi nhắc kỷ niệm cho ông con là ‘thằng Cu’ nghe. Những chuyện này, bà đã kể đi kể lại cả ngàn lần rồi, thế mà ông con vẫn cứ chăm chú nghe, nghe cho mẹ vui, như mới được kể lại lần đầu. Lâu lâu, ông khơi vài câu làm mồi cho bà nói tiếp.

Bà thường nói tội nghiệp cho thằng Cu, bị giam cầm hành hạ nhiều năm dài, đói khát, lao động cực nhọc, không chết, còn trở về được là Trời thương lắm đó. Cũng nhờ phước đức nhiều đời để lại. Ông con thường nắm tay mẹ, dịu dàng nói:

“Con còn sống được là nhờ tình thương bao la của mẹ, hy sinh không bờ bến của mẹ. Đi tù, chỉ khổ cực triền miên trong nhiều năm đầu tại miền Bắc. Chứ từ khi có tiếp tế của mẹ từ Mỹ gởi về, và khi đã chuyển về miền Nam, thì con đã mua chuộc được bọn cai tù quản giáo. Chúng nó trở thành tôi tớ của con. Sai khiến chúng dễ dàng. Bạn bè đặt cho con là ‘Vua Tù’. Con đâu ngờ mẹ phải nhiều năm vất vả, đêm đêm đi lục thùng rác moi đồ phế thải để có tiền gởi cho con sống lè phè trong tù, như một ‘thằng công tử’.”

Bà cụ cười, nhìn thằng Cu của bà với ánh mắt chan chứa tình thương, dặn dò:

“Chốc nữa về, đừng quên lấy xấp báo trên bàn theo mà đọc. Hôm nay đã có tờ ‘Nếp Sống Mới’ của ông bác sĩ Hiệp Châu gởi đến hôm qua. Có nhiều bài hay và vui. Đọc mà lên tinh thần. Được sống thêm một ngày trên đất nước tự do no ấm nầy là phước hạnh lắm đó.”

‘Thằng Cu’ của bà gật gật đầu tán thành và nói: “Đúng vậy, sống một ngày có tự do no ấm, đáng giá hơn mười năm trong nô lệ đói khó. ./.

Tràm Cà Mau

Không có nhận xét nào: