Có một lần mất mát mới thương người đơn độc Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng... (đời đá vàng- Vũ Thành An) Tôi giật mình tỉnh giấc khi chiếc phone điện thoại reo vang, mắt còn nửa nhắm nửa mở, tôi với tay lấy chiếc phone, trong lòng hơi bực mình, không biết ai làm phiền mình mới sáng sớm 8 giờ như vậy. Lính quýnh thế nào chiếc phone rơi ngay vào thùng rác dưới chân chiếc bàn ngủ, phone ngừng reo. Tôi nhoài người xuống nhặt lên, vì còn ngái ngủ nên cả người lăn ùm xuống đất, cái chân đập vào cạnh giường bằng sắt nghe cái cóc, đau điếng.
<!>
Tỉnh hẳn dậy, không biết có bị gẫy xương hay gì không vì lúc nào trong đầu cũng bị ám ảnh là 75 tuổi trở lên thì xương sẽ giòn, dễ gẫy như cây củi mục vậy! Ngồi lên nắn cái mắt cá, may quá, tất cả vẫn có vẻ không sao, tôi nhặt vội chiếc điện thoại trong thùng rác ra, thầm trách ai mà vô duyên đã phone mình sớm thế này. Thì ra là ông Phong, ông này là một trong những người cùng uống café với tôi mỗi sáng, có chuyện gì mà phone sớm vậy cà, chắc tối ngủ không được nên sáng dậy là muốn rủ tôi đi uống café sớm đây mà! Thông thường chúng tôi mấy tên đực rựa chẳng hẹn hò gì cả mà chỉ gặp nhau chỗ home depot uống café 5, 7 người, ai muốn ra gặp gỡ thì gặp, còn bận thì thôi cũng không sao.
Hôm nay ông phone sớm cho tôi cũng là điều lạ! Mà tôi có phải là ông thầy đứng lớp đâu mà phải xin phép vắng mặt chứ! Cái ông này thật... dở hơi!
Vừa làm vệ sinh, vừa nghĩ đến trạng thái của ông Phong mấy bữa nay, hình như ổng có chuyện buồn hay sao, không muốn nói cho ai nghe cả, mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm, ai nói gì cũng không để ý, đến khi gọi đến tên thì ổng giật mình hỏi lại hoài như người mất hồn vậy; ổng lớn hơn tôi có lẽ 5 tuổi, tức là 80, con cái đã lớn rời khỏi nhà, 2 ông bà sống bên nhau, khỏe mạnh, chỉ có ông là có bệnh đau đầu gối nên ít ăn thịt đỏ thôi.
Hay có chuyện gì uẩn khúc bên trong mà ổng không tâm sự cho bọn tôi nghe! Nghĩ lập gia đình cũng khổ, mà nam độc thân già chát như tôi... cũng khổ!
Tôi phone lại ông Phong sau khi đâu đó xong xuôi:
- Allo! Ông Phong hả, khỏe không? sao phone tôi sớm vậy? ngủ không được sao?
-... Ông rảnh không?... tôi muốn nói chuyện với ông, xem ông có ý kiến gì không?
- Chuyện gì mà xem có vẻ quan trọng vậy?
- Oh không có chuyện gì quan trọng đâu...chỉ là...chỉ là..
- Thôi được rồi, mình hẹn nhau ở home depot chỗ café hàng ngày nhe!
- Tôi không muốn nói chuyện này cho ai biết đâu, chỉ muốn tâm sự với ông thôi, ông biết mà cái khu mình sống người Việt khá đông, mất công chuyện này đồn ra ... không hay!
- Ủa mà chuyện gì sao ông úp úp mở mở, tôi nghe có vẻ.....
- Vậy đi... mình gặp nhau ở đầu đường nhà ông nghe... Hay là ngoài park đi!
- Cái park trước khi đến mall đó phải không? cái park đó... giành cho chó đi... mà?
- Thì đâu có sao, mình ngồi bên ngoài cũng được!
- Ừ! Ừ vậy ok, tôi sẽ chờ ông bên ngoài nhé, cỡ chừng 15 phút nữa tôi sẽ có mặt.
Nghĩ chắc ông Phong có chuyện buồn gia đình nên trước khi đến park tôi ghé vào tiệm café mua 2 ly café, rồi quành lại park.
Vừa đến park đã thấy ông Phong từ xa, ngồi yên trên chiếc băng dài dưới gốc cây um tùm cành lá, ánh mắt nhìn xa xăm, suy tư, đôi lông mày nhíu lại như suy nghĩ mông lung lắm, đôi má hơi xệ thường ngày của ông trông càng xệ hơn nữa. Một tay gác trên lưng ghế dài soải ra, còn một tay kia để trên đùi bất động, hai chân bắt chéo nhau, không thấy sự hiện diện của tôi từ xa với 2 ly café Tim Horton.
Cách Phong một khoảng, tôi gọi lớn:
- Ông đến lâu chưa? Có chuyện buồn phải không?
Ông từ từ chuyển hướng nhìn đến tôi, mặt nghiêm trang:
- Chắc... Chắc...
Tôi im lặng chờ đợi từng chữ ông nhả ra từ khuôn miệng như đóng đá lâu ngày của Phong,mà mãi vẫn chỉ nghe tiếng ông lắp bắp không ra hơi, tôi vỗ vai Phong:
- Chuyện gì đến thì phải đến thôi, hãy cứ nói từ từ cho tôi nghe, uống café cho tỉnh lại đi, thấy tâm trạng của ông, tôi cũng đâm lo!
- Hứa với tôi là đừng nói chuyện này với ai nhe!
- Hum... Ông có nói gì cho tôi biết đâu mà bảo tôi hứa không nói cho ai biết chứ! Thôi, uống ngụm café đi đã nhe, rồi lấy lại tinh thần... Mình phải đương đầu với mọi hoàn cảnh xảy ra trên cuộc đời này thôi!
Phong và tôi cùng uống café, cặp mắt ông lại hướng về nơi xa xăm, khuôn mặt cứng lại như mới lấy từ trong ngăn đá ra, có vẻ quên luôn người đối diện mà mình đã gọi ra từ sáng sớm, đã làm phiền giấc ngủ của họ! Tôi ái ngại nhìn Phong rồi nói:
- Nếu không nói được... thì ngày mai hãy nói nhe, tôi không ép đâu!
Tôi vừa đứng lên dợm bước đi, Phong nắm lấy tay tôi, kéo xuống:
- Đừng đi! Tôi sẽ phải nói cho ông nghe ngay bây giờ!
Tôi lại ngồi xuống, nhìn ra thảm cỏ xanh rì trước mặt, chờ đợi...
- Tôi... tôi...
Tôi quay lại đối diện với ông ta:
- Đây là chuyện buồn hay vui cái đã?
- Không biết buồn hay vui nữa nhưng mà...Nhưng mà... Làm tôi thật khó xử!
Rồi tự nhiên Phong bật ra nói một tràng:
- Tôi sẽ cho ông căn nhà tôi đang sống, cả chiếc xe nữa... Chúng tôi sẽ dọn đi xa!
Đến lượt tôi mở mắt thật to đến không ngờ những gì Phong vừa thốt ra. Tôi là đứa nghèo nhất trong 5 tên uống café mỗi sáng, nghèo từ khi mới đến Mỹ, học trầy trụa mới xong cái bằng cử nhân kỹ sư computer, mà xin việc mãi vẫn không ai trả cao,tại số tôi con rệp nên việc tìm 1 job ngon không ra, vợ cũng không có!Tôi an phận tự nhủ mình không nợ với xã hội Mỹ, không nợ với ai trên trần gian này... nên làm ít, ăn ít, hưởng tiền già cũng ít! Trong số những bạn uống café, Phong là người cao tuổi nhất và gần gũi tôi nhất.
Nay nghe Phong cho tôi nhà và xe của ổng, tôi giật mình như không phải nghe được từ chính tai mình, đến lượt tôi lắp bắp:
- Tại sao chứ? Tại sao lại cho tôi xe nhà của ông? Ông lấy gì đi? Rồi sẽ ở đâu?
Lúc này Phong mới nở nụ cười thoải mái trên khuôn mặt cứng đơ lúc nãy, đôi mắt nhấp nháy nhìn tôi:
- Đừng nói cho ai nghe hết nhé!
Tôi bực mình:
- Nữa! lại bảo tôi giữ cái bí mật hão huyền của ông nữa chứ gì! Thôi! Tôi về đây!
- Tôi...Tôi... trúng số!
- Trúng số?... Thật không? trúng bao nhiêu?
- Bí mật! không nhiều lắm, mọi người cũng sẽ biết thôi. Nhưng đủ để chúng tôi đi nơi khác sống và sống hết đời này!
Tôi buột miệng:
- Ông đã 80 rồi, còn đi đâu nữa chứ, sống đến bao lâu nữa? Cứ ở đây, vui với chúng tôi, mấy thằng bạn café gặp nhau không vui hơn sao? Đi xa, chỗ ở mới, lỡ khi bệnh hoạn hay có chuyện gì thì làm sao ai sẽ giúp ông?Còn xe và nhà của ông, tôi cũng cám ơn nhiều lắm, không nhận đâu vì tuy tôi ở cái chuồng nhỏ này, cũng quen mùi rồi, ngủ khi nhắm mắt cũng chỉ một chỗ nằm, xe tuy có móp méo, nhưng nó đã cùng tôi chạy mấy năm nay rất tốt... Có thêm chỉ thêm lo giữ...lo canh mấy tên trộm xe thôi.
- Thật ra tôi trúng số không bao nhiêu hết so với người ta, nhưng tôi muốn đổi đời, muốn dọn nhà đi chỗ khác sống, muốn thử một lần là chủ nhân của chiếc xe xịn BMW hay Mercedes nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra công thức nào cho phù hợp với tình trạng tôi.
- Ông có bàn bạc với chị chưa?
- Bả đã rời nhà được 1 tuần nay, đi theo khóa tu học một tháng với các thầy bên Ấn Độ, tôi sẽ làm ngạc nhiên khi bà ấy về, còn bây giờ thì tôi đang tính xem sẽ dọn đi đâu ở cho sướng đây!
- Nếu ông dọn đi xa sẽ mất hết bạn bè, ông có vui và hạnh phúc khi mỗi sáng ngồi uống café một mình, nhìn đâu cũng thấy toàn người lạ, người ngoại quốc không thôi, ông muốn kể một chuyện gì, tâm sự điều gì cũng không tìm ra người thân để kể. Mà bà nhà của ông có chịu chuyển nhà để hưởng cuộc sống như ông muốn không? Hay bà còn con cháu gia đình thân quen sẽ không chịu bỏ tất cả mà đi như thế!
- Vậy trúng số đâu có thay đổi được gì đâu!
- Ông bà có thể đi chơi với nhau 1 tháng ở một nơi nào thật đẹp, thật vui, ăn uống thỏa thích, xong rồi về lại, với số tiền trúng đó ông sẽ có cuộc sống cao hơn xưa, làm những điều ông muốn, giúp các con cháu của ông, chứ lớn tuổi rồi đổi nơi ở, cách sống không phải là điều hay! Ý tôi là vậy nhen!
Khuôn mặt ông Phong lại bất động, hai đôi mày châu lại vào nhau gật gù...
***
2 tuần sau, như ông Phong suy đoán, cộng đồng người Việt tại vùng Little Saigon nhỏ như lòng bàn tay; báo chí Mỹ đăng tên ông rần rần trên mặt báo là người Việt duy nhất trong những người được trúng giải powerball 50 triệu vì mua chung một dẫy số với 20 người bản xứ.
Hôm đi lãnh giải ông sợ phiền phức nếu nhiều người nhận ra, nên đội chiếc mũ rộng vành của dân Mexico, mặc chiếc áo lính Mỹ hồi xưa, chân đi giày bottes de saut, đeo mắt kiếng đen, những người ngoài có thể không biết ông là ai, nhưng những người quen biết đều nhận ra cả cho dù ông có giả trang cách nào đi nữa!
Không hiểu sao, các hội đoàn,nhà thương, nhà từ thiện v..v... “đánh hơi” rất nhanh, họ gởi thư xin tiền ủng hộ xây chùa chiền, tượng đài, tu bổ nhà thờ, lập quỹ mổ mắt cho người già, quần áo bút viết cho con nít đi học, đem nguồn nước và điện về những nơi xa xăm rừng núi...Ôi thôi đủ thứ trên cõi đời này, ông đều nhận được khi một buổi sáng ra lấy thư, ông ngạc nhiên đến nỗi đôi mắt mở to, miệng há không khép nổi khi thấy một xấp thư xin tiền mà mình không hề liên lạc với họ trong quá khứ! Ông lầm bầm:
- Đúng là... thật thính mũi!
Ông cũng vui vẻ hào phóng ký cho mỗi hội 1000$ vì nghĩ mình cũng nên chia xẻ niềm vui với tất cả mọi người, giúp cho xã hội bớt nghèo khổ. Chưa xong chuyện ký check thì điện thoại không ngừng reo:
- Có phải ông mới trúng số không?chúc mừng ông nhé!
- Ừm Ừm... chó ngáp phải ruồi đấy mà!
- Ông thật may mắn quá, chắc ông tích đức nhiều lắm... Mình vẫn gặp nhau uống café sáng? Hay là giàu có bỏ quên luôn các bạn hàn vi?
- Dĩ nhiên rồi! ngày mai gặp lại!
Một cú phone reo tiếp theo:
- Này đừng trốn chúng tôi nhé! Phải khao đi chứ! Phải đi một chuyến cruise thật xa hoa và hưởng đời một lần cho sướng! Và còn những nàng tiên chân dài đang chờ đợi kia...
- Đã lâu tôi bỏ rượu vì bệnh tim và còn sợ sóng nên đi cruise không phải là sở thích của tôi rồi đó!
- Thì đại gia cứ ngồi yên đấy, chúng tôi chơi là được! Chia cho anh em với chứ!
Những cú phone vô tội vạ, những người quen xa lạ lâu năm cũng biết số phone Phong, nói chuyện hỏi thăm có vẻ thân mật lo lắng giả tạo cho ông; từ từ ông nhận rõ chân tướng ai là bạn và ai là bè khi bỗng nhiên nhận được một số tiền “trên trời rơi xuống” không phải do công sức mình làm ra!
Họ làm phiền đến mức Phong nghĩ rằng phải đi trốn họ; phải đổi số phone hay block tên của họ? Còn nếu cứ mãi phải đương đầu như thế này thì thật mệt mỏi quá!
***
Ngày vợ Phong đi hành hương từ Ấn Độ về, bà thay đổi rất nhiều, không mảy may chú ý đến việc ông trúng số mà yên lặng tụng kinh và thiền mỗi ngày.
Bà kể cho ông nghe sự nghèo khổ của dân chúng Ấn Độ, những đứa trẻ thiếu ăn, người già bệnh hoạn, xã hội thiếu tổ chức, chém giết giành giật chỉ vì một món đồ cỏn con vô giá trị. Bà cũng kể rằng cái mạng bà lẽ ra cũng bị nước cuốn trôi trong 1 vụ sụt lở đất do một cơn mưa bão gây lũ lụt nghiêm trọng tại bang Maharashtra, quận Konkan, nơi mọi người đi ngang qua một đêm trú ngụ, rồi đi tiếp đến Aurangabad để cúng bái, đêm giông bão đó đã làm 200 người thiệt mạng và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy.
Vợ ông may mắn được thoát nạn trong gang tấc, do một cặp vợ chồng người Hindu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chống trả với giông bão ở vùng Konkan; bà biết ơn đấng tối cao đã run rủi cho bà gặp được người tận tình cứu giúp, giữ được cái mạng về gặp chồng con. Bà nguyện cả đời còn lại ăn chay và tụng kinh niệm Phật tại gia.
Trên chuyến đi này, bà thấy được sự linh ứng nhiệm mầu của Đức Quan Âm, con đường học hỏi ở tuổi xế chiều này đã quá trễ nên quyết tâm giành trọn thời gian còn lại để tụng niệm.
Thương tiếc đau xót làm sao vì chính trong cơn giông bão đó hai vợ chồng người Hindu bi nước cuốn phăng khi về gần đến nhà họ để đón 3 đứa con còn nhỏ nơi nhà giữ trẻ. Hiện tượng đau thương mất mát này xảy ra trước mắt, làm bà động lòng nên đã phát tâm nhận nuôi 3 đứa trẻ ấy; mỗi tháng sẽ gởi cho cô nhi viện một số tiền để họ chăm lo cho các em đến tuổi trưởng thành.
Bà còn đặt trên bàn thờ 1 tòa sen mang về từ khóa tu, biểu tượng của sự thuần khiết và giác ngộ; hình ảnh cao quý của những cánh sen liên kết với Đức Phật dạy cho con người vượt qua mọi thử thách, đạt được mọi trạng thái cao hơn về tâm linh và tinh thần.
Phong kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm mà vợ ông đã trải qua ở nước Ấn và tiếp:
- Cuộc đời này kỳ lạ lắm,khi mình còn răng thì không có cơm, còn khi răng rụng hết thì gạo đầy bồ!Hồi vợ chồng tôi còn trẻ, thì mong có tiền giàu có để tậu nhà mua xe, nuôi con ăn học thì thật khó khăn; bây giờ tuổi đã cao, tiền bạc không cần nhiều nữa, các con đã thành tài và đầy đủ, thì lại được ông Trời ban cho nhiều tiền của!
Phung phí xả láng, không phải là chúng tôi vì mình đã quen thói tiết kiệm từ xưa rồi, mà xài dè dặt thì tiền sẽ để cho ai nếu chúng tôi ra đi trong nay mai. Tôi đã bàn với vợ quyết định đem cho đi nửa gia tài cho các cháu ở cô nhi viện Ấn Độ, vùng đất bị mưa bão mà cha mẹ của 3 cháu bé đã mất mạng thay cho vợ tôi.
Tôi ngạc nhiên vẻ khâm phục lòng rộng lượng bất ngờ của Phong:
- Vậy thì tốt quá! Những đồng tiền ông trúng được dùng vào việc từ thiện vô cùng ý nghĩa và cao cả! Chắc họ sẽ mừng và biết ơn ông bà lắm. Tôi hoan nghênh!
- Chính tôi mới phải là người trả ơn họ đã xả thân vì vợ tôi, đã cho chúng tôi thấy trên cuộc đời có vay trả, có ân nghĩa; chúng tôi sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi mình ngồi trên núi tiền mà xung quanh là những người bất hạnh. Con người sống chết chỉ một lần, vợ tôi đã được họ cứu mạng thì phải nên giúp cho thế hệ sau của họ được trường tồn. Những đứa trẻ ấy xứng đáng được tiếp tục sống, học tập thành người tốt. Như thế chúng tôi mới nhắm mắt được!
Ngày mai rồi mình cũng già,
Nhưng đời người không thể hết
Hồn ta là đốm tinh hoa
Về viễn phương bay xa, bay xa...
(rồi cũng già- Vũ Thành An)
Sỏi Ngọc
Aug 8/2024
1 nhận xét:
Cám ơn tác giả Sỏi Ngọc và anh Mac Phương Đình đã cho đọc một chuyện thật hay cảm động và đầy ý nghĩa.../Tha Nhân
Đăng nhận xét