Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Nhìn thấy một Tương lai Việt Nam rực rỡ - Phổ Lập


Về dân số, trong nước con số 100 triệu con dân Việt vừa vượt qua, và ở hải ngoại ước tính trên dưới 5 triệu ắt hẳn không sai. Với số dân 105 triêu, một non sông “gấm vóc” 331.698 Km2 (thống kê 2024)… mà sao Việt Nam vẫn lẹt đẹt đi sau…người ta? Nhìn vào tuổi trẻ trong nước và ở hải ngoại, chúng ta thấy gì..Nhìn tổng quát và phiến diện, chỉ thấy những điều tiêu cực như: tuổi trẻ ngày nay chỉ biết tiền tiền và tiền, ăn chơi sa đọa, rượu chè be bét, gái gú triền miên… Và họ hoàn toàn không còn tha thiết gì đến đất nước đang nằm dưới ách cai trị của một nhóm người hà khắc dùng chủ nghĩa ngoại lai không tưởng để bào chữa cho một chính sách vô nhân tính của họ.
<!>
Người Sài Gòn vẫn âm thầm và hy vọng điều gì?

Xin trích đoạn một bài viết của Ðông Vi trên FB:”Một buổi tối nọ, chúng tôi ghé thăm căn hộ một người bạn bên quận 7, rồi cà kê uống rượu tới khuya với mấy người quen của anh. Những câu chuyện của chúng tôi, dù thay đổi từ chủ đề kinh tế, y khoa, âm nhạc hay con cái, vẫn nhiều lần quay trở lại với Sài Gòn.

Ðột nhiên, giữa câu chuyện đó, người phụ nữ xinh đẹp trong nhóm – người từng được vinh danh về nhan sắc nhưng thậm chí còn nhận được nhiều sự tôn trọng hơn bởi sự hiểu biết của mình – bỗng thổ lộ lý do khiến cô rời xứ sở. Cái thành phố ở hợp chủng quốc mà cô đang sống đó, không phải là nơi hoàn toàn tốt đẹp, như rất nhiều thành phố khác trên thế giới này, nó vẫn đang đối mặt với vô số vấn đề rắc rối và mâu thuẫn nọ kia. “Nhưng anh chị biết không” – cô nhìn chúng tôi với đôi mắt mở to, trong và buồn – “dù thế nào đi nữa, ở đó, tôi thấy có hy vọng.”

Xin trích thêm suy nghĩ của Nguyễn Nhật Minh Hiếu, một người trẻ ở Sài Gòn:”Ði ăn uống đường phố, nhất là vào buổi chập tối, là một trong vài thú vui của đám sinh viên học sinh, hoặc người đã làm việc.

Tôi còn nhớ về uống, có các xe sinh tố lề đường, mãng cầu xay, trái bơ, cà chua, cà rốt, rau má..., sang hơn là các quán café dành cho học sinh sinh viên, với những tình khúc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên & Phương, Ngô Thuỵ Miên...

Và không thể thiếu là âm nhạc của một đại thụ đã mất mới đây, nhạc sĩ Phạm Duy, với những tình khúc nổi tiếng, qua những tiếng hát vang bóng một thời, Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hà Thanh, Hoàng Oanh ...

Trước năm 75 tôi không thấy, hoặc rất ít thấy giới trẻ nhậu như bây giờ, rượu bia là thứ xa xỉ, và không phù hợp với sinh viên, học sinh, hay những công, tư chức trẻ...
Thời nay đám trẻ nhậu khiếp quá, nhất là nơi làm việc, công nhân lao động lai rai kiểu bia... lên cơn, đế dỏm, giới văn phòng, nhất là nơi có quyền thế nhậu theo kiểu quyền thế, rượu Tây ào ào mỗi chai vài triệu. Mà dân mình có cái rất lạ, đã uống là phải chết bỏ, tới bến, không say không về... Thậm chí ép, khích bác nhau mà uống, làm như ngày mai không còn dịp để uống nữa... Cái này thì chắc không thể gọi là văn hoá.

Một nét văn hoá về thực, của đám trẻ Saigon năm xưa như tôi và các bạn, đó là thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn vào buổi chiều, tối, sau một buổi học.”

Từ những hiện tượng đang xảy ra ở Việt nam hiện tại, xin được chia xẻ dưới đây hai trường hợp, tuy cá biệt nhưng cũng làm cho người viết lóe lên được một vài tia sang cuối đường và cuối đời. Ðể rồi tiếp tục bước đi theo con đường từng nguyện ước là…làm thế nào cho mỗi con dân Việt bớt khổ và có được những bữa cơm dung chứa thức ăn và gạo trắng trong.

Gần nửa thế kỷ qua, những người tị nạn thế hệ 1, và con cái thế hệ hai đã chưa thực hiện được ý nguyện nầy. Chỉ còn mơ ước thế hệ thứ 3 thôi.

Và tôi đã thấy…

Trường hợp 1: Tình cờ trong một buổi tiệc Tân niên của Hội Thái Bình Houston, tôi có dịp được gặp một cặp vợ chồng và một con nhỏ độ 5 tuổi qua Mỹ du lịch nhân dịp họp mặt 40 năm của cựu học sinh Quy Nhơn (thời VNCH cũ). Anh chồng tuổi con ngựa cách sau người viết hai con giáp, nét mặt sáng sủa, thông minh, nhưng cung cách ăn nói từ tốn không giống như đa số những người “thành công” ở Việt Nam.

Theo định nghĩa thành công trong thời xã nghĩa là có công việc với các công ty ngoại quốc, lương cao ngất ngưỡng vài chục triệu mỗi tháng, có nhà làm chủ, có xế hộp thong dong ở thành Hồ. Anh chị có đủ cả các điều trên. Còn chị một nhân viên cho một công ty tư nhân. Anh cũng đã từng làm IT và đã từng làm việc nhiều năm ở ngoại quốc.

Như vậy quả thật là lý tưởng cho một gia đình mới ở Việt Nam thời xã nghĩa hiện tại.

Nhưng tại sao tôi lại chú ý đến cặp vợ chồng nầy. Không phải vì họ có một “lý lịch trích ngang hoành tráng”, nhưng là vì nơi họ thoáng ra một nét gì… gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!

Ðược biết chị vợ là học trò học từ lớp 6 của một người bạn ở Houston. Chính vì thế tôi mới có dịp nói chuyện thêm về Việt Nam, về tầm nhìn tương lai của tuối Bính Ngọ trong môi trường cai trị của Ðàng Ngoài.

Anh có một vision khác biệt về mục tiêu đặt để cho ngày mai, ngày mai không cho hai vợ chồng, mà ngày mai chính là tương lai của đứa con vừa độ 5 tuổi.

Nói về đứa con, có lẽ hai anh chị đã chuẩn bị cho cháu từ lúc mới sanh ra…Với số tuổi còn non nớt như vậy, nhưng cháu nói và hiểu tiếng Việt vả tiếng Anh. Ðặc biệt, cháu có khả năng về toán, qua những câu hỏi về lũy thừa, về cấp số nhân…

Tất cả điều trên khiến người viết chú ý đến gia đình nầy và cố làm thân. Qua hai lần ăn uống thân mật, không kể lần gặp ở Hội Thái Bình, người viết đã “offer” một chuyến đi thăm Hermann Conservancy Houston và trong câu chuyện, người viết mới hiểu thêm được phần nào … tâm tư và hướng về tương lai của chính gia đình và của đứa con 5 tuổi của họ.

Từ lúc sanh ra và được sống trong “cái nôi” của chế độ từ năm 1984. Từ khi còn tuổi nhỏ, tuổi vị thành niên, tuổi thanh niên và việc học hành cùng sự việc thành đạt trong một xã hội nhiễu nhương hoàn toàn không có căn bản đạo đức và luật lệ gì cả. Có thể nói anh chị hoàn toàn thành công về vật chất và địa vị cùng chỗ đứng trong một xã hội đầy bất trắc nầy trong hơn 20 năm qua so với tuyệt đại quần chúng vẫn chật vật với miếng cơm hàng ngày.

Thế mà tại sao anh chị lại có một hoài bão tương lai mà người viết phải nói qua nói lại nhiều lần mới hiểu được mục tiêu và điểm đến ước mơ của anh chị: “Tất cả vì tương lai của đứa con”. Ðiều đó có nghĩa là anh chị chấp nhận có thể bỏ tất cả, đánh đổi tất cả những gì hiện có chỉ vì … “một tương lai” cho đứa con.

Với sự thành công và thành đạt hiện tại, người viết cố gắng tìm hiểu tận sâu trong đáy lòng của một người “ngoài đảng”, không “ccccc” mà có được mức thành công như thế?

Tại sao?

Và được biết trong những trao đổi tế nhị là, vì đã sống trong lòng chế độ, được ưu đãi trong hiện tại, nhưng họ vẫn cảm thấy đây là một xã hội đầy bất trắc, có hiến pháp, có luật lệ rõ ràng, nhưng vẫn còn có rất nhiều “người” ngồi “chồm hỗm” trên hiến pháp, và một “sự cố”, một bất hạnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Thêm nữa một chính sách giáo dục hoàn toàn băng hoại, suy đồi… không thể là môi trường tốt cho sự phát triển của đứa con 5 tuổi của họ.

Vì vậy, họ đành chấp nhận trước sau gì cũng phải theo con đường… bác đi thôi!

Cám ơn anh chị đã cho tôi một bài học sống của một gia đình lớn lên trong chiếc nôi của “cách mạng” và nhận thức rõ ràng và sáng suốt là một con người đúng nghĩa không thể nào tồn tại trong một môi trường ô nhiễm về đạo đức, nhân cách, và văn minh văn hóa Việt của cha ông để lại.

Xin cám ơn hai người bạn trẻ.

Trường hợp 2:
Nhân dịp con gái và cháu ngoại của một người bạn từ Việt Nam qua Mỹ thăm Mẹ, tôi có dịp thăm hỏi, chở đi thăm viếng các thắng cảnh chung quanh Houston. Và cũng từ đó, qua nhiều câu chuyện tôi thấy thêm được một khía cạnh khác, về mối ưu tư của bậc cha mẹ trẻ thuộc thế hệ thứ ba chuẩn bị cho tương lai của con mình, thế hệ thứ tư, hiện trong tuổi trên dưới 10.

Rất vui và lạc quan cùng tin tưởng tương lai Việt Nam sẽ không … đi vào ngõ cụt!

Chúng tôi đã cùng đi thăm viếng và đi qua phà Galveston, khu du lịch ở thành phố Kemah, khu bảo tàng viện về Khoa học tự nhiên ở Houston, Vườn cây và thú, thậm chí đi viếng Casino ở Lake Charles…

Và trong câu chuyện với cả mẹ và con, người viết khám phá ra nhiều điều thú vị và những hình ảnh tiêu cực trên mạng hay nghe nói ở Việt Nam bị phai mờ … trước những lời bộc bạch của hai mẹ con.

Cả hai vợ chồng trong tuổi cuối 40, thuộc thành phần chuyên viên trẻ, làm việc chuyên môn cho một công ty ngoại quốc ở Sài Gòn. Có một cháu gái duy nhứt 11 tuổi. Không thể nói là giàu, nhưng ký cóp tài chánh… chuẩn bị cho tương lai của con. Cho con học toán sinh ngữ. Và cháu rất thông minh, chú ý và hỏi nhiều đề tài qua các chuyến đi về lịch sử, khoa học v.v… Ðặc biệt cháu bé nầy có biệt tài vẽ phong cảnh, hoa thú trên các cây dù bằng plastic. Vẽ trong trí tưởng tượng chứ không vẽ qua một hình ảnh trước mắt. Những nét vẽ rất sắc. Quan sát cháu khi đang tập trung vẽ mới thấy cái độc đáo và sắc sảo khi cháu phóng cọ vuốt đường nét của đầu chiếc lá. Cháu rất tự nhiên và dạn dĩ chạm tay vào cá đuối hay để cho một con trăn quấn lên mình…

Qua trao đổi với mẹ cháu, người viết được biết cả hai vợ chồng đều mơ ước và thực hiện giấc mơ là làm thế nào để cho cháu qua … học tại Mỹ, vì ở Việt Nam việc giáo dục và tương lai tuổi trẻ hoàn toàn bế tắc!

Bằng cách nào?
Con đường nào?

Mẹ cháu bé trả lời sau vài mươi giây với giọng nói chắt nịch: ”Vợ chồng chấp nhận hy sinh tất cả cho cháu bé, chấp nhận “chia tay tạm” để cho mẹ con cháu được qua Mỹ. Rồi sau đó sẽ tính sau. Nghĩa là cháu sẽ làm hôn thú với một người ở Mỹ, và sau đó bảo lãnh hai mẹ con cháu qua.”

Quả thật đây là một quyết định liều lĩnh và đầy bất trắc!

Nghe đến đây người viết thực sự giựt mình và không dám hỏi thêm gì hết.

Qua hai câu chuyện cá biệt trên, thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta có thể hình dung được:

· Nền giáo dục ở Việt Nam hiện tại hoàn toàn bế tắc và người dân không còn tin tưởng để giao phó việc giáo dục cho con em mình nữa;

· Quyết tâm và dứt khoát của những bậc cha mẹ ở lứa tuổi 40-50 đều muốn mang con mình ra khỏi Việt Nam;

· Chấp nhận rất nhiều bất trắc với xác suất rất cao như sự đổ vỡ tình chồng vợ, và có thể mất cả con.

Tuy nhiên, từ đó chúng ta có thể suy nghiệm một điều là tương lai Việt Nam vẫn còn le lói hy vọng. Vì sao?

Vì một khi cả một thế hệ “tương lai của đất nước” đều muốn ra đi, mang theo các con còn nhỏ dại… chắc chắn chế độ sẽ có ngày tàn…và một giai đọan đen tối của lịch sử dân tộc dưới ách thống trị của công sản Bắc Việt sẽ chấm dứt.

Hy vọng thay!

Phổ Lập
Tháng bảy mưa bão 2024 - Houston

Không có nhận xét nào: