Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc - Vương Trùng Dương

Nhà thơ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ, quê làng Tân Hội, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ cố hương, ông dấn thân vào nghiệp cầm bút mà trong bài thơ tráo phúng của ông:

“Thời thế bây giờ vẫn thấy khó

Nhà văn An Nam khổ như chó

Mỗi lần cầm bút nói văn chương

Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương

Và nhìn chúng mình hì hục viết

Suốt mấy năm giời: kiết vẫn kiết”!

Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên.

<!>

Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.

Nguyễn Vỹ cộng tác với nhiều tờ báo lớn bấy giờ như: Tiếng Dân (Huế), tuần báo Đông Tây, Văn Học tạp chí ra ngày 1/12/1936 (tiền thân của Phổ Thông bán nguyệt san), tuần báo Phụ Nữ, L'Ami du Peuple, La Patrie Annamite... Năm 1937, Nguyễn Vỹ ra đời tuần báo Le Cygne, đả kích chính sách thực dân Pháp, nên chỉ phát hành được 6 số thì báo bị đóng cửa, bị tòa án Pháp ở Hà Nội kết án tù 6 tháng và đóng phạt 3.000 đồng.


Sau khi chiếm Đông Dương, năm 1942 Nhật bắt giam ông ở ngục Trà Khê (Quảng Ngãi), sau đó đày ông đến Củng Sơn (Phú Yên), sau khi Nhật thất trận, đầu hàng Đồng minh, Nguyễn Vỹ mới được trả tự do. Ra khỏi tù, Nguyễn Vỹ về quê Quảng Ngãi sống một thời gian.

Năm 1946, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn sáng lập nhật báo Tổ Quốc, đả kích chính sách thực dân, nên bị đóng cửa! Năm 1948, Nguyễn Vỹ lên Đà Lạt lập tuần báo Dân Chủ cũng bị chính quyền rút giấy phép!

Năm 1952, Nguyễn Vỹ lại về Sài Gòn sáng lập nhật báo Dân Ta, nhưng chưa được một năm thì bị đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Vỹ sáng lập bán nguyệt san Phổ Thông, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến khi mất trong tai nạn giao thông cuối năm 1971.


Tác phẩm tiêu biểu:

Văn: Đứa Con Hoang (tiểu thuyết) Hà Nội, 1936. Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn) Hà Nội, 1937. Chiếc Bóng (tiểu thuyết), Hà Nội 1941. Chiếc Áo Cưới Màu Hồng (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957. Giây Bí Rợ (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957. Hai Thiêng Liêng I & Hai Thiêng Liêng II (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957, Mồ Hôi Nước Mắt (tiểu thuyết), Sài Gòn 1965. Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (ký ức văn học), Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1970…

Tuấn, Chàng Trai Nước Việt I & Tuấn, Chàng Trai Nước Việt II, Sài Gòn, 1970. Đây là biên niên sử của đất nước nửa đầu thế kỷ XX. Ông có trí nhớ rất tốt để ghi lại từng chi tiết xảy ra trong giai đoạn lịch sử.

Thơ: Tập Thơ Đầu - Premières Poésies (thơ Việt và Pháp), Hà Nội, 1934. Hoang Vu (thơ) Sài Gòn 1962, Buồn Muốn Khóc Lên (thơ), Sài Gòn 1970…

Cuộc đời làm báo của Nguyễn Vỹ “ba chìm bảy nổi” nên luôn luôn nghèo vẫn ở nhà thuê (vợ ông làm hiệu trưởng trường mẫu giáo Trí Hương ở Đà Lạt) thế nhưng ông từ chối nhận giải nhất Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho bộ tiểu thuyết Hai Thiêng Liêng hiện kim lúc đó khoảng 60 ngàn đồng. Nguồn tin cho rằng ông là nhà hảo tâm, làm báo được đồng nào ông đều trợ cấp cho những học sinh, sinh viên nghèo. Mỗi mùa mưa bão miền Trung, ông lại cùng bạn trẻ ở các thi văn đoàn Thằng Bờm đi huy động quyên góp từng lon gạo, từng chiếc áo cũ để mang về trợ giúp bà con miền Trung.


Chuyến đi cuối cùng của ông là về Cần Thơ thăm người bạn. Trên đường về ghé Bến Tre thăm người bạn thân thiết là ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam). Khi về tới địa phận Long An thì bị tai nạn. Đó là ngày 4/2/1971.

Tang lễ nhà thơ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ được tổ chức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và được an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Năm 1983, nghĩa trang di dời để làm công viên, di cốt nhà thơ được hỏa táng đưa về chùa Giác Ngạn.


Thời học sinh, tôi thích tờ Phổ Thông tạp chí, Giám Đốc, Chủ Bút: Nguyễn Vỹ, số I ngày 1/11/1958. Vào năm 1960 mục Đáp Bạn Bốn Phương của Diệu Huyền rất ăn khách. Sau nầy Nguyễn Vỹ sáng tác Thơ Lên Ruột ký bút hiệu Diệu Huyền, và mục “Mình Ơi…” ký tên Cô Diệu Huyền đủ chuyện trên trời dưới đát, Đông Tây, kim cổ rất thú vị. Tác phẩm Tuấn, Chàng Trai Nước Việt của Nguyễn Vỹ từ bản thân ông trải qua thăng trầm của bản thân và lịch sử qua hình ảnh Tuấn.

Mùa Thu California bắt đầu, nhân bài thơ Nam Thu Hòa Khúc của nhà thơ Nguyễn Vỹ, tôi viết đôi dòng về ông để tưởng nhớ đến người đã an giấc nghìn thu.


Little Saigon, September 2024

Vương Trùng Dương

 

Không có nhận xét nào: