Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Nguyễn Đình Bin: Vận nước đã đến chưa? - Đinh Hoàng Thắng


Hình quốc kỳ Việt Nam và Hoa Kỳ. Hình minh họa.
Nguyễn Đình Bin là hiện thân của cuộc tiến hóa đầy máu và nước mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Các khuyến nghị cải cách của cựu Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao có được tiếp thu hay không, còn tùy thuộc vào vận nước...
Đinh Hoàng Thắng
<!>
Cụ Bin không phải là “nhà cách mạng màu”, theo nghĩa “Truyền hình Quốc Phòng” (dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương) vừa tố cáo Đại học Fulbright mấy tuần trước [1]. Nguyễn Đình Bin giác ngộ từ thuở còn “quàng khăn đỏ”, theo lời tự bạch. Với bề dày về ngoại giao, cụ Nguyễn Đình Bin viết rằng, chính những kiến nghị liên quan đến thay đổi thể chế đã được nung nấu, nghiền ngẫm, kiểm nghiệm, chắt lọc và rút ra từ lúc ông mới 10 tuổi, khi bắt đầu đi theo con đường của Đảng Cộng sản trong hàng ngũ Đội Thiếu niên kháng chiến chống thực dân và từ thực tiễn hơn nửa thế kỷ được giáo dục, rèn luyện và chiến đấu trong đội ngũ của Đảng [2]. Công bằng mà nói, những điều Cụ Nguyễn Đình Bin đã “gõ” ra giấy trắng mực đen,
cho đến nay, không phải là “tiếng sấm giữa trời quang”. Nhưng rồi “Tấm huân chương ảo hóa” ấy (Virtual Medal) từ nay sẽ vĩnh viễn được gắn trên ngực Cụ, với cuộc đời gần 60 năm tuổi Đảng. Và đấy chính là bi kịch vĩ đại của Nguyễn Đình Bin!

Nhưng bi kịch ấy đâu chỉ là của riêng Cụ! Bi kịch vĩ đại của Nguyễn Đình Bin cũng là bi kịch của cả cộng đồng lớn hơn. Thật ra, từ 2015, từng có 127 nhân sỹ, trí thức gửi “Thư ngỏ” ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước. Thư được đề chuyển các nhà lãnh đạo, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam [3]. Nhưng lần này, đúng dịp Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1945 – 2/9/2024, Cụ Bin đã liệt kê ra ít nhất 4 văn bản gửi lên Đảng, với cùng một chủ đề “Góp ý với ĐCSVN về Đổi mới chính trị” bao gồm: 

i) Thư Ngỏ gửi toàn thể đảng viên, đồng bào trong và nước 2/9/2024; ii) Thư Chúc mừng tân Tổng bí thư – Chủ tịch nước (TBT – CTN) Tô Lâm ngày 4/8/2024; iii) Tâm Thư 19/5/2024 gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; iiii) Tâm Thư 19/5/2020 gửi TBT - CTN Nguyễn Phú Trọng góp ý cho Đại hội Đảng XIV [4]. Ấy vậy mà tất cả đều như “nước đổ đầu vịt”. Hình như không hề có bất cứ một sự phản hồi chính thức nào, ít nhất từ các Ủy viên có trách nhiệm trong Bộ Chính trị.

Nội dung các Kiến nghị Cụ Nguyễn Đình Bin gửi Đảng được đưa ra vào nhiều thời điểm khác nhau, đến các đối tượng khác nhau. Nhưng tất cả đều cuồn cuộn trên một dòng chảy, với ý tưởng vạm vỡ là “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng”. Cụ kêu gọi “Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để” và đưa ra những sáng kiến nhằm bảo vệ Đảng trước các nguy cơ, thách thức sống còn và khẳng định rằng, chỉ có Đảng mới tự cứu được chính mình.

Đáng tiếc, hơn 4 năm trước, 10 nội dung chi tiết Cụ đề xuất với Đại hội XIII của Đảng về đổi mới chính trị toàn diện và triệt để vẫn không hề được cứu xét. Còn lần này, ngoài sức tưởng tượng của hàng trăm bạn đọc đã đánh dấu “like” vào các Tâm thư và Khuyến nghị liệt kê trên, Facebook đã gỡ bài viết xuống, với lý do được nêu là các bài viết ấy “cố tìm cách thu thập thông tin nhạy cảm của người khác”. Cụ Bin tất nhiên đã phản đối quyết liệt và đòi Facebook phải khôi phục lại các bài viết của mình [5].

Rõ ràng, sự tiến hóa của trái tim Nguyễn Đình Bin đã vượt xa tư duy và bản lĩnh của Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Lời hiệu triệu của Cụ, được dẫn lại từ nhiều nguồn khác trên Internet, vẫn vang vọng: “Tất cả con Lạc cháu Hồng, có lòng yêu nước, thương nòi, phải cùng nhau vứt bỏ mọi hận thù, thành kiến, định kiến, cố chấp, cực đoan, mặc cảm, nghi kỵ, ngộ nhận, hiểu lầm! Phải dẹp lại mọi bất đồng, chấm dứt những điều bất hạnh nói trên, đang hàng ngày, hàng giờ ngoáy vào vết thương chung, sau gần nửa thế kỷ, vẫn còn đang tiếp tục rỉ máu, hủy hoại sức mạnh của Dân tộc ta!” [6]. Nguyễn Đình Bin là hiện thân của cuộc tiến hóa đầy
máu và nước mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thân phụ của Cụ hy sinh mất xác trên dòng sông ở quê hương. Vậy mà Cụ vẫn nuôi dưỡng được một tấm lòng nhân ái, biết vượt qua đau thương, mất mát để tiến lên phía trước, cả về mặt cảm xúc lẫn nhận thức. Những nỗ lực và lời kêu gọi từ tấm lòng bao dung, đầy nhiệt huyết ấy, từ sự chân thành hiếm hoi ấy, vẫn chưa được ĐCSVN đón nhận.

Động lực nào khiến Nguyễn Đình Bin, với trái tim trong trắng bao lần bị tổn thương, với tư duy logic bao lần bị phớt lờ như thế, mà vẫn không nao núng kêu gọi Đảng thay đổi về nhận thức, tư tưởng đối với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do? Theo một số anh em từ Viện Khoa học chúng tôi có dịp trao đổi những ngày qua, câu trả lời là, dù không chuyên về AI, nhưng với tư duy logic, Cụ Bin nhận biết, một khi “đạo hàm đổi dấu” thì “trend” mới sẽ xuất hiện! Vì vậy, Cụ quả quyết, giờ là lúc “mọi điều kiện chủ quan và khách quan, đối nội và đối ngoại, đã quá chín muồi, để Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng trọng đại và cấp bách về tư tưởng! Thời cơ lịch sử – vận Nước cũng như vận Đảng – đang đến! Phải quyết tâm nắm lấy! Không được bỏ lỡ!” (7). 

Nói đến vận nước, chắc hẳn Cụ đã nghĩ về lịch sử: Lý Thái Tổ (Công Uẩn) từng nằm gai nếm mật hơn 30 năm, sau đó nhờ vào sự ủng hộ của quân đội và giới Phật giáo mà lập nên triều đại Hậu Lý. Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) cũng trải qua hành trình dài phát triển về tư duy chính trị, quân sự và chiến lược để cuối cùng lập nên triều đại của riêng mình. Còn Tô Đại tướng, từ cương vị một Bộ trưởng Công an, tương đương với “Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ” thời Nhà Lý, chỉ sau mấy năm đã nhanh chóng đạt đến ngôi “cửu trùng”. Bước ngoặt này chắc chắn gây bất ngờ đối với rất nhiều đồng chí trong Đảng. So với tiền nhân, thời gian “nằm gai nếm mật” của Tô Đại tướng chưa hẳn “đủ dày”, nhưng ai dám nói Tô Lâm không có công lớn trong sự nghiệp dang dở của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng? Nhưng liệu Tô Đại tướng đã tích lũy đủ trí huệ cho giai đoạn “trị quốc – bình thiên hạ” trước mắt? 

Theo ý của Facebooker Thái Hạo, làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi não trạng một dân tộc mới là khó… [8] Khi dân trí và văn hóa chính trị của giới chóp bu chưa chuyển thì vận nước cũng khó đến trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu có thêm được các yếu tố may mắn (thiên thời – địa lợi), Đại tướng Tô Lâm có thể tận dụng thời cơ vàng, hay như người Pháp thường nói, đón bóng đúng tầm sẽ ghi
bàn (saisir le ballon au bon moment)!

Nhớ lại những năm tháng được làm việc dưới trướng Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin… Là lớp “kèo dưới”, cả về tuổi tác lẫn vị trí công việc, nhưng chúng tôi bao giờ cũng được Cụ lắng nghe. Tờ báo “World Affairs Weekly” bị bắt buộc phải ghi dưới măng-sét là “Cơ quan của Bộ Ngoại giao”, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn “xé rào” đăng nhiều kỳ (feuilleton) bài của các tác giả “có vấn đề” với Nhà nước liên quan đến các khuyến nghị chính sách về đối ngoại. Không ít lần báo đã bị Ban Văn hóa tư tưởng thổi còi. Một lần, khi lăng-xê khái niệm “counterbalancing” (qua Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc…), những người liên đới suýt bị kỷ luật. 

Không có bản lĩnh Nguyễn Đình Bin và khí phách Trần Quang Cơ [9] thời ấy, chắc chắn chúng tôi đã lãnh đủ. Tuy nhiên, so với những kiến nghị “bom tấn” hiện nay của Cụ, những bài viết ngày ấy còn xa mới bén gót được các đề xuất giờ này của Cụ. Tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm của Cụ Bin thật đáng kính trọng, thêm vào đó là sự tiếc nuối vô bờ của chúng tôi mỗi lần nghĩ về trí tuệ đi trước thời đại của Nguyễn Đình Bin mà vận nước dường như vẫn còn đến chậm!

Tham khảo:






Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'

 
Getty Images - 4 tháng 9 2024

Mới đây, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu ủy viên Trung ương Đảng, đã đăng tâm thư gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi thay đổi thể chế.

Cụ thể, ông Bin nói Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện "đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để", vì hệ thống chính trị hiện hành đang rơi khủng hoảng trầm trọng sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Ông Nguyễn Đình Bin là một nhà ngoại giao kỳ cựu. Ông sinh năm 1944 và vừa nhận huy hiệu 55 tuổi đảng. Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 8 (1996-2001).

Ông giữ chức thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao từ năm 2000 đến năm 2008, dưới hai thời bộ trưởng Nguyễn Dy Niên và Phạm Gia Khiêm. Ông từng làm chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, đại sứ Việt Nam tại Nicaragua, Pháp và nổi tiếng với biệt danh "con nuôi Chủ tịch Fidel Castro".


 Nguyễn Đình Bin
Ông Nguyễn Đình Bin (ngoài cùng bên phải) chụp cùng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tâm thư của ông Nguyễn Đình Bin xuất hiện đầu tiên trên trang Facebook tên Nguyễn Đình Bin vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/2024. Một số người quen của ông đã xác nhận với BBC đây là Facebook của cựu Thứ trưởng thường trực Nguyễn Đình Bin.

Đồng thời, với sự cho phép của ông Nguyễn Đình Bin, BBC đã có được bốn văn bản có đầy đủ nội dung các bức tâm thư mà ông viết và gửi đi trong những ngày cụ thể sau:Thư ngỏ ngày 2/9/2024 gửi các lãnh đạo, nguyên lãnh đảo Đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước
Tâm thư ngày 4/8/2024 gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Tâm thư ngày 19/5/2024 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tâm thư ngày 19/5/2020 gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Nội dung các bức thư gửi vào những thời điểm khác nhau, đến các đối tượng khác nhau, có nhiều điểm tương đồng, với ý tưởng nổi bật là "hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng".

Do đó, "Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để" và những hiến kế chi tiết của ông đều xuất phát từ quyết tâm "bảo vệ Đảng trước các nguy cơ, thách thức sống còn" và mong rằng Đảng sẽ "tự cứu lấy chính mình".

'Cờ trong tay ông Tô Lâm, liệu có Trường Chinh thứ hai?'


Ông Tô Lâm kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Lá thư của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin gửi cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 4/8/2024 có lời chúc mừng ông Tô Lâm trên cương vị mới. Ông Bin cho rằng lịch sử đã lựa chọn ông Tô Lâm và cờ đang nằm trong tay ông Tô Lâm để dẫn dắt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đi đến quyết định thay đổi thể chế.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin nói rằng những kiến nghị của ông là sự hưởng ứng lời kêu gọi của chính ông Tô Lâm trong bài phát biểu sau khi được nhậm chức tổng bí thư vào ngày 3/8, rằng ông mong muốn "tiếp tục nhận được sự giúp đỡ quý báu của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước".

Theo ông Bin, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người tận tụy và đã ban hành nhiều chủ trương mới mẻ để thay đổi đất nước cũng như bảo vệ, chỉnh đốn Đảng nhưng phải "nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên con bệnh":Tình hình Đảng và Đất nước vẫn đã và đang tiếp tục diễn biến ngày càng tồi tệ, tới mức báo động thực sự nghiêm trọng, chưa từng xảy ra bao giờ
Càng ra sức đốt lò, ra sức chống tham nhũng, tiêu cực, thì tham nhũng, tiêu cực, cũng như các quốc nạn khác, càng lây lan, càng phát triển, càng hoành hành trầm trọng
Càng nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thì Đảng, Nhà nước càng hư hỏng nghiêm trọng

Ông cho rằng "thể chế chính trị nước nhà đã thực sự khủng hoảng trầm trọng" và lịch sử đang lặp lại, giống hệt như thời điểm Đại hội 6 năm 1986.

Theo ông Bin, vào thời điểm Việt Nam chìm trong khủng hoảng kinh tế-xã hội thì Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Trường Chinh lên thay.

"Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã nhận ra sứ mệnh lịch sử của Đảng và trọng trách của cá nhân mình trước nguy cơ thực sự hiểm nghèo ấy. Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã dũng cảm quyết định từ bỏ mô hình quản lý kinh tế theo quan điểm Mác – Lênin, xã hội chủ nghĩa đã thực sự lỗi thời, là cội nguồn sinh ra tình hình khủng hoảng đó, để chấp nhận và vận dụng vào nước ta kinh tế thị trường, là một thành tựu nhân loại đã đạt được."


 Nguyễn Đình Bin
Tâm thư của Cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin

Ông Nguyễn Đình Bin viết rằng, nhờ có quyết định lịch sử đó, Đảng đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển và đạt được các thành tựu to lớn. Và theo ông, việc Đảng đổi mới về kinh tế (áp dụng kinh tế thị trường) và tiếp đó là về đối ngoại (đa phương hóa quan hệ, không phân biệt lập trường tư tưởng, chế độ và hợp tác toàn diện với cựu thù) tức là trên thực tế đã từ bỏ các quan điểm Mác- Lênin, từ bỏ xã hội chủ nghĩa vốn đã lỗi thời trên hai lĩnh vực này rồi.

Soi chiếu lại thời điểm hiện tại, cựu thứ trưởng cho rằng Việt Nam hiện đang gặp khủng hoảng về ngoại trị và nội trị.

Về đối nội, theo ông Bin, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, dù chỉ chạm vào một phần nổi rất nhỏ nhìn thấy được của tảng băng chìm khổng lồ, đã phơi trần tất cả các mặt yếu kém và những tiêu cực này, như ung thư đang di căn trầm trọng, phá hoại Đảng, Nhà nước và xã hội mà nguy hiểm nhất là hủy hoại cội rễ con người, đặc biệt là những người nắm quyền.

"Xét cho cùng thì những tội phạm tham nhũng cũng là nạn nhân của hệ thống chính trị hiện hành, đã tạo ra bao nhiêu kẽ hở, điều kiện thuận lợi để họ lợi dụng phạm tội."

Ông Bin nhắc đến việc các ủy viên Bộ Chính trị liên tục xin từ nhiệm, trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội, một thường trực Ban Bí thư, một phó thủ tướng - đây là lần đầu tiên "thảm trạng này xảy ra, từ khi Đảng ta cầm quyền".


Bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức, hàng trên từ trái qua: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Hàng dưới từ trái qua: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

'Đổi mới chính trị hay là chết'

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Kim Thành, Hải Dương trước khi trở thành một nhà ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin là người nổi tiếng trong vai trò phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro trong những lần hai ông gặp nhau.

Trong một bài báo trên VnExpress, ông Bin còn kể lại kỷ niệm được giao nhiệm vụ cắt tóc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông cũng có nhiều hình ảnh chụp cùng vị đại tướng của Việt Nam. Trong bài, ông Bin còn tiết lộ chính mình là người phiên dịch câu nói lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro về mối quan hệ với Việt Nam tại một cuộc mít tinh: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình.”

Với bề dày về ngoại giao, ông Bin viết rằng những điều ông kiến nghị về thay đổi thể chế là đã được nung nấu, nghiền ngẫm, kiểm nghiệm, chắt lọc và rút ra từ khi ông mới 10 tuổi, khi ông đi theo con đường của Đảng trong hàng ngũ Đội Thiếu niên kháng chiến chống Pháp và từ thực tiễn hơn nửa thế kỷ được giáo dục, rèn luyện và chiến đấu trong đội ngũ của Đảng.


Nguyễn Văn Bin
Ông Nguyễn Đình Bin thời gian làm phiên dịch cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro

Cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin viết rằng, Đảng hãy chấp nhận và vận dụng “mô hình nhà nước pháp quyền thực sự, một bộ máy quản trị quốc gia với tam quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập, kiểm tra, giám sát lẫn nhau, là mô hình hiệu quả nhất loài người đã đạt được cho đến nay, để kiểm soát và ngăn chặn lạm dụng quyền lực".

Ông còn kêu gọi đa nguyên về chính trị và cho phép xã hội dân sự tồn tại, để bảo đảm và phát huy được dân chủ thực sự.

"Đó cũng chính là cái lồng kiểm soát quyền lực tốt nhất cho đến nay đã được chứng minh trên thế giới, mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định là Đảng ta, Đất nước ta đang rất cần," ông Bin viết.

Ông Nguyễn Đình Bin trình bày thêm rằng, quan điểm Mác- Lênin - xã hội chủ nghĩa giáo điều, đã lỗi thời vì xét theo lý thuyết thì hệ thống này quá hoàn hảo. Nhưng, thực tế hơn ba thập kỷ qua đã chứng tỏ không phải như vậy, mà là tạo ra một bộ máy quan liêu khổng lồ, ba bộ máy (đảng, chính quyền, đoàn thể) trùng lặp nhau.

Trong đó, theo ông, các tổ chức quần chúng đã phình to thành cả một hệ thống hành chính hóa, quan liêu hóa, từ trung ương tới cơ sở; nhiều khi dựa dẫm, triệt tiêu lẫn nhau, tạo thêm mâu thuẫn nội bộ, trì trệ, ách tắc, hiệu quả rất hạn chế.

"Để cứu Nước, cứu Đảng thoát khỏi tình thế khủng hoảng này; đồng thời, đặt nền móng vững chắc, lâu dài, từ nay và mãi mãi mai sau... thì không có giải pháp nào khác là phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để, hội nhập toàn diện và thực sự vào dòng chảy chủ lưu tự do, dân chủ, văn minh của thế giới hiện nay, như không ít lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp, đảng viên, trí thức thực sự tâm huyết, trí tuệ… và cá nhân tôi đã góp ý với Đảng," ông viết.


Getty Images

Lá thư của ông Bin còn nhắc lại chuyện hồi cuối năm 2018, ông đã xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp trình bày cụ thể về giải pháp căn cơ thay đổi thể chế nhưng bị từ chối tiếp.

Sau đó, ông Hồ Mẫu Ngoạt, trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tiếp ông Bin vào ngày 13/2/2019 trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tuy nhiên, ông Bin cho rằng những lời tâm huyết của ông đã không được "báo cáo đầy đủ" với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên ông tiếp tục gửi thư đến các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước để trình bày những thay đổi mà ông đề xuất.

Bên cạnh ông Nguyễn Đình Bin, một số cựu cán bộ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng từng lên tiếng góp ý, hiến kế cho giới lãnh đạo đang cầm quyền.

Ví dụ, vào năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã công bố một lá thư phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu, đồng nghĩa việc phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng có thư ngỏ đăng trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 10/2007 về Hội trường Ba Đình, ông còn nói người dân phía Nam không hề được hỏi ý kiến gì vì cuộc triển lãm về dự án Hội trường Ba Đình chỉ được tổ chức ở Hà Nội.https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5ykenx89plo

Không có nhận xét nào: